Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 31, 2016

SUY NGHĨ VẨN VƠ NHÂN MÙA KHAI GIẢNG - Tạp bút của Hoàng Đằng

   
                     
                                       Tác giả Hoàng Đằng 


SUY NGHĨ VẨN VƠ NHÂN MÙA KHAI GIẢNG
                                         Tạp bút của Hoàng Đằng

Bây giờ là mùa khai giảng năm học 2016 – 2017; nhà nào cũng có con hoặc cháu đến trường. Xưa cũng như nay, những trẻ lần đầu tiên đi học phần đông được cha, mẹ, anh hay chị đi cùng. Trường lớp đối với trẻ quá mới mẻ, thầy cô đối với trẻ quá xa lạ nên chúng sợ sệt không muốn bước; phụ huynh phải dỗ dành, có khi cưỡng bức.
Xưa kia, dân cư thưa thớt, trường ốc cách xa nhà - xa 5, 7 cây số là chuyện thường; đường chỉ bằng đất, xe cộ chưa có, trẻ đến trường chỉ bằng đôi chân bước dù tuổi đời mới lên sáu, bảy.
Bây giờ, trường đã gần nhà, đường lại bằng bê-tông hay bằng nhựa; trẻ được đèo trên xe đạp, xe đạp điện, xe máy, lắm trẻ lại được chở trên ô tô.
Giữa nay và xưa, sự khác biệt theo chiều hướng tiến bộ quá rõ ràng. Đáng mừng!

Ở các đô thị, hiện nay, tầng lớp người giàu nhiều; trước những ngôi trường lớn nổi tiếng, dù công lập hay dân lập, vào giờ đưa đón, ô-tô con sắp hàng cả một đoạn dài; tiếng nói, tiếng cười rộn rã, hạnh phúc lộ rõ trên nét mặt mọi người: phụ huynh, học sinh, ban giám hiệu, đội ngũ giảng huấn, đội ngũ phục vụ … Trông sướng mắt thiệt!
Trái ngược với cảnh ấy là cảnh còn rất gian nan đó đây trên đất nước.
Lũ lụt đang liên tiếp ùa về mấy tỉnh trung du và thượng du Bắc bộ; cầu bắc qua khe suối bị nước cuốn trôi; đất chuồi, đất lở vùi nhà, lấp lối đi; những đứa trẻ đến trường vượt đường dốc ngoằn ngoèo, lầy lội, trên người quần áo không đủ che thân, lội suối, lội khe nước chảy xiết đến với con chữ. Trông tội nghiệp, đáng thương!
Những em vùng ven biển bị ảnh hưởng của thảm họa Formosa xả thải, nghe nói, sẽ hưởng chính sách miễn, giảm học phí, dù vậy, việc đến trường của các em không dễ dàng chút nào! Thu nhập gia đình các em hoặc là không còn hoặc là sút giảm nặng so với trước. Một gia đình có hàng trăm nhu cầu, kéo theo hàng trăm khoản chi tiêu, học phí chỉ là một khoản trong đó. Gia đình đang khó khăn, mỗi thành viên dù lớn dù bé phải xoay xở vượt qua để có cái “ăn” đã, rồi mới tính chuyện “học”. Nghĩ cũng tội nghiệp, đáng thương!
Những em ở Tây Nguyên mà gia đình khốn đốn vì hạn hán do hiện tượng El niño thời gian qua, những em ở miền Tây Nam Bộ mà gia đình túng quẩn do ruộng đồng khô khốc và nhiễm mặn vì dòng chảy sông Mékong bị các đập thủy điện, thủy nông ở thượng nguồn chận nước đổ về. Tỉ lệ bỏ học ở vùng này đang báo động; nghĩ mà thương!

Trên đây mới chỉ là chuyện học hành của trẻ; còn trăm ngàn chuyện khác cũng còn trớ trêu như vậy.
Lẽ dĩ nhiên, trong xã hội, có người giàu, kẻ nghèo. Giàu, nghèo có thể tạo nên do tài năng và thiếu tài năng, do may và rủi, do chăm chỉ và nhác nhớn, do số trời, do cơ hội nhiều hay ít. Không thể có một xã hội mà mức sống như nhau - không có người giàu, kẻ nghèo. Chỉ có việc là mức chênh lệch giàu nghèo thấp hay cao - thấp thì tốt mà cao thì không tốt. Việc của nhà cầm quyền là thực thi chính sách cộng đồng đồng tiến để giữ cho mức chênh lệch giàu, nghèo không cao.
Và để cho chính sách của nhà cầm quyền hiệu quả, tầng lớp người giàu phải tích cực cộng tác. Người giàu phải đóng nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ đất nước nhiều để tầng lớp nghèo khỏi đóng; người giàu phải san sẻ cơ hội ưu đãi mình được hưởng với người nghèo; người giàu phải đem vốn liếng, tài năng mình sẵn có mở mang kinh tế quốc dân tạo nhiều công ăn việc làm cho người nghèo; người giàu chia xớt của cải mình có được với tầng lớp nghèo bằng các công tác từ thiện. Tuy nhiên, những việc trên vẫn chưa đủ, hai hiện tượng giàu nghèo vẫn tồn tại; còn một việc xem ra dễ mà ít ai làm là người giàu không nên khoe khoang, phô trương sự giàu có của mình một cách lộ liễu.
Sự khoe khoang, phô trương của cải của người giàu chỉ làm cho người nghèo tủi thân; tủi thân đi đến oán giận; oán giận đi đến nổi loạn; nổi loạn dù chỉ trong tâm thức hay đã hiện ra hành vi cũng đưa xã hội đến tình trạng bất an.
Khi xã hội bất an, cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều thua thiệt. Hiện nay, xã hội ta đang nhắm đến: “dân chủ, công bằng, văn minh”; nếu xã hội chưa có công bằng thật sự, người giàu chịu khó tạo ra một xã hội có dáng dấp công bằng ./.
                                                              Hoàng Đằng
                                                        31/8/2016 (29/7/Bính Thân)

No comments: