Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 4, 2018

ĐƯA EM QUA CẦU RẠNG / CHIỀU XANH / BÊN CỬA SỔ CHUNG CƯ * Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng

Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Đưa Em Qua Cầu Rạng
Sách vở chồng chồng chất đống
Xắn tay, cãi lộn tay ngang
Giọt nắng, gieo chiều lồng lộng
Đưa em, xe máy cà tàng
                 *
Giận không? Qua con cầu mới
Huyên thuyên, kể chuyện ngày xưa
Kệ gió cố tình ngưng, đợi
Lời yêu treo tuốt ngọn dừa
                 *
Cãi xong, chuộc mình xin lỗi
Anh sai, mà chưa muộn màng
Này em, nắng chiều quấy rối
Tình đâu? Như đã... như đang
                *
Đắn đo trong chiều vời vợi
Im re nước chảy qua cầu
Biết đâu lòng anh khấp khởi
Điều gì buông thả chạm sâu ...
          
Chiều Xanh
Góc khuất
Mờ cong
Bốn mươi năm
Lặng lẽ chìm trôi
Trong vòng sống
Dẫu biết
Trên đầu tràn gió lộng
Chợt chiều xanh
Em đến
Lặng thầm ...
           
Bên Cửa Sổ Chung Cư
Nhìn con kiến bò trên bậu cửa
Trong chung cư, tầng thứ mười lăm
Cứ suy nghĩ vẩn vơ, lần lựa
Có hay không? Ta đã sai lầm
                  *
Sao chỉ bò mà lên cao vậy?
Đàn chim bay ngang tầng mười hai
Khuất tất tầng cao làm sao thấy
Bóng nắng chiều thưa, vội đổ dài
                 *
Cửa mở, gió bay rơi xuống đất
Gia tốc nào cho kiến gãy chân?
Hay bám víu nơi nào lây lất
Rồi cứ bò cuồng vọng quanh sân
                  *
Ta thận trọng những điều to lớn
Xem thường bao vụn vặt, đời thường
Cứ âm ỉ, đắn đo lợn cợn
Sắc màu nào chuyển đổi, còn vương?
                     *
Nhận thức cuốn thời gian lấp liếm
Day trở lòng, sự thật phía sau
Theo dòng chảy, nhịp đời gõ điểm
Mờ dấu trôi, vết cũ rũ nhàu ...
          Lê Thanh Hùng
          Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - ĐƯA EM QUA CẦU RẠNG / CHIỀU XANH / BÊN CỬA SỔ CHUNG CƯ * Chùm thơ Lê Thanh Hùng

BUỒN XƯA / KHÔNG ĐỀ * Thơ Tịnh Đàm

Tác giả Tịnh Đàm


BUỒN XƯA
Nghe chừng

Một thoáng mưa qua.
Buồn Xưa 
Rớt lại 
Trong ta... thẫn thờ!

Mắt môi nào?

Vọng
...hoài mơ!

Nửa đêm

Trở giấc
Còn ngờ... chiêm bao.



KHÔNG ĐỀ
Vây quanh đời

Những hư hao!
Một tôi ngồi lại 
Với khao khát mình.

Lòng đau!

Sao mãi lặng thinh
Mắt nhìn
Về phía bình minh...
Đợi gì?!


TỊNH ĐÀM

(HÓC MÔN,TPHCM )



READ MORE - BUỒN XƯA / KHÔNG ĐỀ * Thơ Tịnh Đàm

Bình thơ: LẠC CÕI BỒNG LAI – Đọc bài thơ ĐI- VỀ của LÊ THIÊN MINH KHOA * Phạm Sáu

Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa của HS Huỳnh Phương Đông.

Bình thơ:
LẠC CÕI BỒNG LAI –
Đọc bài thơ ĐI- VỀ của LÊ THIÊN MINH KHOA
                                                          
*PHẠM SÁU

            Đã mấy năm nay, tôi mới bắt gặp lại một “mẫu” tôn giáo. Có lẽ cũng là duyên kiếp chăng?! Trong cõi đời này, khắp cõi nhân gian, mấy ai là chưa gặp cảnh sinh ly tử biệt. Đời là thế (C'est la vie) và thế chứ là đời. Hai thái cực trong cõi thiên hạ phong trần: Đúng- Sai, Hay-Dở, Tốt-Xấu, Được-Thua, Còn- Mất, Thị- Phi, Sắc-Không… là lẽ thường tình, ai thuộc thái cực nào thì sẽ được tận hưởng thức mà mình vốn dĩ “có được”! Nhưng có một điều sẽ xảy ra ở cả hai đầu: Mâu-Thuẫn. Đó là Đi và Về. Hãy nghe LTMK diễn đạt:

ĐI-VỀ
        (Tặng Mặc Phương Tử)

Người đi, am bặt kệ kinh
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ
Người về bồ – tát làm thơ
Khói tỏa sen nhập nhoà bờ sắc không

         Đi ư? Ai lại không đi? Không muốn đi? Không đi thì sẽ không bao giờ đến đích- Cái mà mỗi người đều vọng tưởng. Đi… Có nhiều lí do, có nhiều cách. Nhưng tôi hiểu, với LTMK, đi ở đây là chia lìa, chia ly (sinh ly). Đã chấp nhận đi- không những thế mà còn phải đi – Thì luôn có sự giày vò bứt rứt, thậm chí kiệt vọng. Mệt mỏi vô cùng! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng do dự “Đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt”. Nhưng dẫu sao cũng còn “ một cõi đi về”. Khi đi chắc ai cũng từng ưu tư khắc khoải. Vì đi là:
         Người đi, am bặt kệ kinh.
         Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ.

         Trong mỗi con người đều có một cái AM rất riêng tư (tôi thường gọi đó là “góc lập dị”), chính vì vậy mà trên đời này có ai giống ai hoàn toàn đâu! Nếu là người đơn thân lẻ bóng thì khi đi rồi còn đâu tiếng kệ tiếng kinh? Như vậy còn đâu là cõi nhân gian? Hơn nữa, ở đây còn hương nhãn đợi chờ nữa cơ mà. Vậy ắt là đúng cảnh kẻ ở người đi. Vậy thì sẽ có ai đó thốt lên “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật” (Tống biệt hành – Thâm Tâm).

       Phải cất bước ra đi, nào ai muốn thế! Cuộc đời xoay chuyển đổi dời, mấy người cưỡng lại được đâu! Thôi đành “cũng liều nhắm mắt đưa chân – Thử xem con tạo xoay vần đến đâu’ (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Chỉ xin nhắn nhủ một điều: Dẫu có cách xa nghìn trùng diệu vợi, người hãy chắt chiu từng giọt mật hiếm hoi giữa đời, để khi hội ngộ, ta có đủ tư thế để niềm vui vỡ òa, thắm đượm bao ngọt ngào tích tụ, quên đi những phiền não ưu tư. Ngày tái ngộ, nếu được như thế hẳn là chẳng có niềm vui nào có thể sánh bằng.

          Có những người tự nhủ “một đi không trở lại” (Nhất khứ bất phục phản). Thế thì đau đớn quá! Đau vì vô vọng, vì thất vọng đến đỗi tuyệt vọng. Nhưng người đi trong bài thơ này đâu phải thế. Vì sao đi? Chưa rõ! Nhưng chắc hẳn trong sâu kín tâm tư đã có dấu vết sự quay về. Đó mới là tuyệt hảo. Mà về thì:
       Người về bồ – tát làm thơ
      Khói tỏa sen nhập nhòa bờ sắc không

       Như đã nói ở trên, ở đây có “hương chờ” nên người đi sẽ về. Nếu là người chấp nhận cảnh đơn chiếc thì ít ra trong thời gian đi cũng lĩnh hội được ít nhiều bổi bổ ích. Người đi là đơn thân hay có người chờ đợi đều có “thu nhập” qua suốt quãng hành trình. Sẽ có “khói tỏa sen”. Đã nhắc đến cõi Phật thì không thể không nhắc đến “Sắc – Không”, thực tế hay hư vô? “nhập nhòa bờ sắc không” ư? Lại “nhập nhòa” nữa chứ, nếu “khói tỏa sen đến (hay tỏa) đôi bờ sắc không” thì dứt khoát rồi. E rằng ở đây có sự bối rối suy tư dằn vặt. Nhưng người đã từng trải thì ắt có sự dứt khoát lựa chọn. Thiên về “sắc”? Quá tốt. Vì đã qua thời gian thử lửa, lẽ nào lại sa vào những lỗi lầm? Còn đã ngộ về “không”? Càng tuyệt vời hơn. Bởi lẽ khi con người đã rũ bỏ được mọi bụi bậm chốn trần ai, bước vào cảnh giới cao nhất, lòng không động, còn gì vướng bận đâu! Mọi hỷ, lạc, ái, ố, dục, nộ, bi chỉ cần một cơn gió thoảng là tiêu biến vào hư không.

          Ngày về dẫu có thế nào cũng là ngày vô cùng đáng nhớ. Đau buồn ư? Ngỡ ngàng ư? Hạnh phúc tuôn trào ư? Ai biết được! Mà ai cũng mong đó là ngày tuôn tràn những nhớ nhung mong mỏi. Tất cả tâm tư tình cảm dồn nén bấy nay bật trào thành niềm hứng khởi vô biên. Có lẽ so sánh với sự thức dậy của hỏa diện sơn sau ngàn năm ngủ yên cũng còn khập khiễng. Tôi chợt nhớ đến bài kệ của Thiền sư Quảng Nghiêm đòi Lý  ‘Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”. Cần gì phải đi khắp chốn? Lặn lội trong bể khổ trầm luân nhân thế này cũng quá đủ rồi. Qua rồi. Ta hạnh phúc lắm thay vì “người về bồ – tát làm thơ” cơ mà và mỗi người cũng đã phải đang hoặc sẽ thành một “Như Lai” đấy thôi.

Phạm Sáu
(0 giờ 15 ngày 18/12/2016)


READ MORE - Bình thơ: LẠC CÕI BỒNG LAI – Đọc bài thơ ĐI- VỀ của LÊ THIÊN MINH KHOA * Phạm Sáu