Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 30, 2012

NGHỆ SĨ HỒNG TUYẾT: "SÂN KHẤU LÀ CHỖ ĐỨNG, KHÁN GIẢ LÀ NIỀM VUI" - Võ Quê

Nghệ sĩ Hồng Tuyết quê ở làng Văn Quỳ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị nhưng lại được sinh ra tại rạp hát Thái Mộng Đài (thành phố Vinh) vào ngày 20.10.1942 và sống những ngày thơ ấu cho dến lúc trưởng thành ở Huế. Xuất thân từ một gia đình nghệ thuật; Hồng Tuyết đã tiếp thu những giá trị nghệ thuật ca Huế từ người cha vốn là một nghệ nhân đàn nhị tài danh lúc bấy giờ. Khi còn là một cô bé 5,6 tuổi Hồng Tuyết thường được thân sinh cho di theo dự các buổi ca tri âm trong một số gia đình nhạc hữu hoặc những chương trình ca kịch Huế của các gánh hát biểu diễn trong thành phố Huế hay các vùng phụ cận. Từ những môi trường nghệ thuật đàn ca, ca kịch Huế cộng thêm sự dẫn dắt, truyền dạy các làn điệu ca Huế của thân sinh, Hồng Tuyết thấm nhuần, say mê rồi gắn bó một đời với bộ môn âm nhạc cổ truyền dân tộc ấy.

Năm 1957, Hồng Tuyết được tuyển vào Đoàn Ca Kịch Trị Thiên. Tại đoàn, bên cạnh sự dìu dắt của người cha đang phục trách dàn nhạc của đoàn, Hồng Tuyết còn may mắn được sự dạy dỗ, đào tạo ca Huế, các vũ đạo, cách biểu diễn sân khấu ca kịch …của các nghệ sĩ Ngọc Yến, Kim Oanh, Mộng Điệp, Kim Tha, Xuân Thiệu. Sau hơn một năm học tập, rèn luyện kỹ năng, Hồng Tuyết được đoàn  phân một số vai chính như: vai Điêu Thuyền ( vở Lã Bố hí Điêu Thuyền), vai Phúc (vở Ánh sáng mùa Thu của Ngọc Hùng), vai Mai (vở Người vợ miền Nam của Nguyễn Lượng), vai Bạch (vở Cây thanh trà của Lưu Trọng Lư), vai bà Thân ( vở Con gà chân chì của Châu Thành-Văn Lang), vai Lệ (vở Sông Hương từ ấy của Lưu Trọng Lư), vai Xiêm (vở Viên đạn súng kíp, Văn Lang chuyển thể từ Dấu chân người lính của nhà văn Nguyễn Minh Châu)…Theo Hồng Tuyết, khi đảm nhận các vai diễn trên, Hồng Tuyết đã rất tâm huyết thể hiện, nhập vai và đã cố vận dụng các sở học để luôn sáng tạo trong quá trình biểu diễn, chính sự kiên trì nỗ lực đó đã được các đạo diễn, nghệ sĩ trong đoàn và khán giả chấp nhận, quý mến. Bên cạnh những vai diễn chính, Hồng Tuyết còn tham gia bất cứ vai phụ nào mà đoàn phân công và cho dù là vai phụ nhưng Hồng Tuyết đều nghiêm túc tìm cho mình một phong cách biểu diễn riêng.

Thời gian công tác ở đoàn, ngoài việc biểu diễn, Hồng Tuyết còn tham gia dàn dựng một hoạt cảnh cho tốp ca nữ thể hiện tổ khúc “Nón quê em”, tiết mục này đã dược trình bày nhiều lần trong và ngoài nuớc với hiệu quả nghệ thuật cao; Hồng Tuyết cùng các ban văn nghệ nghiệp dư của một số cơ quan, đoàn thể dàn dựng các vở ca kịch phục vụ những cuộc hội diễn tỉnh, thành phố ; huấn luyện nghiệp vụ cho tốp diễn viên Đoàn B từ Quảng Trị ra xóm Cát, Vĩnh Linh học kịp trở vào phục vụ chiến trường (thời gian học 1 tháng hồi tháng 10.1966). Từ sự gắn kết lâu năm với ca Huế, ca kịch Huế cũng như Kim Vàng, Thái Hùng, Hồng Tuyết đã sáng tác, soạn lời nhiều bài ca Huế, điệu lý, hò…được phát trên các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, khu vực và trung ương.

Từ tâm niệm “Nghệ thuật bao giờ cũng thanh xuân và chưa bao giờ tôi thỏa mãn với cái mình đã có, luôn say mê với nghề, tự rèn luyện bản thân, học hỏi bè bạn, cố gắng vươn lên với mong muốn phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa…Khi mới vào nghề, tôi đã xác định cho mình con đường nghệ thuật là lẽ sống và thường nói với bạn bè rằng chỗ sân khấu là chỗ đứng, khán giả là niềm vui…”cho nên đến lúc nghỉ hưu (1982) và những năm về sau Hồng Tuyết vẫn tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực, sân khấu ca kịch Huế, ca Huế. Hồng Tuyết được mời biểu diễn tại Hải Phòng, Nam Hà, Hà Tây, Hà Bắc, Hòa Bình, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh…Thời gian ở Hà Nội, Hồng Tuyết đã hợp đồng với Đài Tiếng Nói Việt Nam phụ trách chuyên môn dựng một số tiết mục trích đoạn và kỹ thuật ca lý cho Tổ ca Huế đoàn ca nhạc của đài; Ban Liên lạc Đồng hương Thừa Thiên Huế, nhiều phường, quận, huyện tại Hà Nội liên tục yêu cầu biểu diễn. Hồng Tuyết được trường mù Nguyễn Đình Chiễu (Hà Nội) tham gia giảng dạy dân ca từ năm 1990 đến 1995.

Hiện nay, khi trở về sinh sống ở Huế, hoạt động ca Huế của Hồng Tuyết vẫn sôi nổi, phong phú. Hồng Tuyết được Trường Văn Hóa Nghệ thuật tỉnh mời giảng dạy dân ca, ca Huế, Đoàn Ca Kịch Huế mời tham gia cố vấn kỹ thuật ca lý cho các chương trình biểu diễn trong nước và Trung Quốc (2003); Hồng Tuyết được nhiều thế hệ học trò theo học ca Huế và một số em được thành danh. Về con cái, Hồng Tuyết có niềm vui lớn vì ba người con đã nối nghiệp nhà: Minh Tiến, nghệ sĩ đàn bầu tài hoa của Đoàn Ca Kịch Huế, Hồng Thu, Hồng Thanh là những ca sĩ đang có những cống hiến nhất định vào việc bảo tồn và phát triển loại hình đàn, ca Huế.

Với một quá trình hoạt động sân khấu ca kịch, ca Huế, Hồng Tuyết đã nhận được huy chương Chiến sĩ văn hóa, huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa Thông tin, 3 huy chương vàng trong các liên hoan nghệ thuật (1986, 1990, 1992) cùng nhiều bằng khen khác ngành, Hồng Tuyết xứng đáng với lời thơ tặng của một tri âm tại Hà Nội vì đã có cuộc đời nghệ thuật sinh động từ Huế đến Hà Nội và trên mọi miền đất nước:
               
Mừng nước non qua mấy dặm trường
Bạn hòa dòng Nhị quyện dòng Hương
Hồng tươi sắc thắm, hoa lộng lẫy
Tuyết điểm đầu xanh, đẹp tóc sương

Võ Quê
www.voque.org


ĐỌC THÊM

Nghệ sĩ Hồng Tuyết - Giọng ca một thời

Tình yêu Ca Huế trong bà đã trở thành máu thịt, cần thiết hàng ngày như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Ca Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn bà, Ca Huế là chất men sống của bà trong suốt hơn 50 năm qua.
  Những giọng ca vàng của Ca Huế một thời nay họ đang làm gì? Câu hỏi ấy ít nhất một lần đã đến với mỗi chúng ta khi nghĩ về những người đã giữ nhịp cầu ca Huế từ những tháng năm trầm lắng để có bước thăng hoa của Ca Huế hôm nay. Trong số những gương mặt nghệ sĩ vang bóng một thời của ngày xưa ấy, hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn nghệ sĩ Hồng Tuyết- người đã có hơn 50 năm gắn bó cùng ca Huế với một giọng ca đặc biệt riêng và đầy cá tính.

 Năm nay đã gần 70 tuổi thế nhưng giọng hát của bà vẫn còn ấm và vang lắm. Tình yêu Ca Huế trong bà đã trở thành máu thịt, cần thiết hàng ngày như hơi thở, như cơm ăn, nước uống. Ca Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn bà, Ca Huế là chất men sống của bà trong suốt hơn 50 năm qua.

Nghệ sĩ Hồng Tuyết sinh năm 1942, tính đến nay bà đã 68 tuổi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật: ông ngoại là một nghệ sĩ tài hoa, bố là nghệ sĩ Nguyễn Văn Giáo – một trong bốn nghệ nhân đàn nhị nổi tiếng của các đoàn hát Kim Sanh, Kim Thịnh, Thái Mộng Đài thời những năm 1950... nên từ nhỏ nghệ sĩ Hồng Tuyết đã gắn bó với tiếng đàn, tiếng hát, với ánh đèn sân khấu. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà được mở ra bằng vai tỳ nữ trong vở diễn An Tư quận chúa vào năm bà mười bốn tuổi. Năm 16 tuổi, bà là diễn viên của đoàn Ca Kịch Trị Thiên và từ đây, cuộc đời bà bắt đầu gắn chặt với những thăng trầm của dòng ca nhạc Huế.
Năm 1957, Đoàn Ca Kịch Huế được thành lập tại Khu 4, cha của bà được ngành văn hóa triệu tập về đoàn, lúc này bà mới 15 tuổi cũng theo cha vào Đoàn. Chỉ sau một năm vào Đoàn, lúc ấy mới 16 tuổi, bà đã được phân một số vai chính trong các vở có đề tài lịch sử cổ xưa cho đến thời hiện đại. Những năm 1960-1970 là khoảng thời gian nghệ sĩ Hồng Tuyết sống hết mình với nghệ thuật và vì nghệ thuật. Cùng với nhiều anh chị em  văn nghệ sĩ khác, bà xung phong vào phục vụ ở tuyến lửa nam Quảng Bình- Vĩnh Linh. Trong khó khăn của cuộc sống chung, tài năng của bà ngày càng chín. Năm 1963, bà vinh dự cùng Đoàn Ca Kịch Huế biểu diễn tại Phủ Chủ tịch trong dịp Bác Hồ tiếp phái đoàn quân sự của Trung Quốc. Bức ảnh này bây giờ đã trở thành niềm tự hào của gia đình bà.

Trong nghề Ca Huế, nghệ sĩ Hồng Tuyết được đánh giá là người có một chất giọng quý, trường hơi. Bà có giọng ca mượt mà truyền cảm dễ đi vào lòng người và có thể ca điêu luyện các làn điệu từ lý cổ bản, lý giao duyên, lý cây roi, lý quỳnh tương đến các điệu hò mái nhì, mái đẩy, nam ai, nam bình.

Năm 1976, nghệ sĩ Hồng Tuyết trở về Huế tham gia vào đoàn Ca Kịch Huế Bình Trị Thiên. Năm 1980, bà chuyển ra Hà Nội, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách tổ ca Huế. Thời gian này bà đã đi diễn khắp Hà Nội. Một giọng ca Huế ngọt  ngào xuất hiện giữa lòng Hà thành, đem Ca Huế đến với Hà Nội , tiếng hát của bà đã góp phần giới thiệu vẻ đẹp cuả Ca Huế bên cạnh vẻ đẹp của Quan họ Bắc Minh, của Chèo, của Cải lương. Nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà giáo nhân dân- khi nghe nghệ sĩ Hồng Tuyết ngâm Kiều đã viết lời đề tặng “ Nàng là ai! Tiếng hát thần tiên/ Núi Ngự sông Hương nhạc ảo huyền/ Có phải Nguyễn Du giọng hát ấy/ đã nghe hòa bạc mệnh Kiều thiên”.

 Không chỉ được khán giả ghi nhận tiếng hát của mình, Nghệ sĩ Hồng tuyết còn được nhận nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhì năm 1997, huy chương chiến sĩ văn hóa, huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, 3 Huy chương vàng trong các liên hoan nghệ thuật  cùng nhiều bằng khen khác.

 Ngày nay, các con và cháu của bà cũng đi theo con đường nghệ thuật. Cả gia đình bốn thế hệ liên tiếp đang giữ lửa Ca Huế, đang góp phần vun đắt cây tình yêu Ca Huế, nhạc Huế .

Nguồn: Phòng Văn nghệ TRT
Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế
Blog Tiếng Việt làng Văn Quỹ đăng lại
Lê Đăng Mành sưu tầm 

No comments: