Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 7, 2021

1 CÕI ĐI DÌA - Thơ Chu Vương Miện

 

Ảnh nghệ thuật của Huỳnh Tâm.
(http://huynhtam-anhnghethuat.blogspot.com/)

1 CÕI ĐI DÌA

 

Trần Danh Án gửi nắm xương tàn

bên bờ sông Tùng Hoa chuyển dòng vào

Hắc Long Giang

Phạm Hồng Thái gửi nắm xương tàn

nơi đồi Hoàng Hoa Cương

xương cốt Lê Chiêu Thống vùi tạm

ở Kim Lăng

cùng bà phi Nguyễn Thị Kim

Thúy Kiều Thúy Vân còn 1 mối tình

vắt vai vơi chàng Kim

Nguyễn Du cũng còn 1 chốn mộ phần

nơi Tiên Điền Hà Tịnh Nghi Xuân

cùng là đồng tộc anh em

vua Hàm Nghi - Duy Tân

an nghỉ nơi đảo Reunion

vua Đồng Khánh Khải Định

có lăng có miếu đàng hoàng

đời chưa biết đâu mà lường

Phan Tây Hồ thì lang thang bên Pháp

còn Việt Điểu Phan Sào Nam

thì bị quản thúc

mãn đời thành ông già Bến Ngự

"gần trại giam Thừa Phủ"

cùng sinh vào cuối thế kỷ 19

kẻ đã ra đi kẻ trả nợ đời

kẻ quốc ngoại và người quốc nội

gần kết cục mới hiểu ra rằng

đời là bể khổ

o cần xem bói "tam thế diễm cầm"

nhưng đôi khi cũng tin tại số

mới đó mà chừ gần 8 bó

đếm từng giờ từng ngày

từng phút từng giây?

hỏi thầm trong đầu?

bao giơ thì ta đi đây?

-

tiền là cần

người lương thiện làm đủ khả năng

để kiếm nó

để tiêu dùng

o lên sòng bạc

chỉ có thua

o bao giờ được

tiền do tham nhũng

thoát ung dung

o thoát thì tù & tử hình 

 

Chu Vương Miện

(chuvuongmien.blogspot.com)

READ MORE - 1 CÕI ĐI DÌA - Thơ Chu Vương Miện

HOA LEO TÍM - Chu Vương Miện

 






READ MORE - HOA LEO TÍM - Chu Vương Miện

NHỚ ĐÊM PHAN THIẾT | BƯỚC QUA MÙA THU | TRONG MÊNH MÔNG SÂU THẲM NỖI BUỒN | MỖI NGƯỜI CẦM MỖI CHIẾC SMARTPHONE NGỒI YÊN LẶNG - Thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Nhớ đêm Phan Thiết

Lãng quên rồi hình bóng xa xăm

Gió năm tháng thổi qua vùng tối sáng

Nhịp bong vỡ những chiều trong lãng mạn

Không một chút gì đọng lại dư âm

                     *

Mịt mù chiều Phan Thiết vẫn an nhiên

Treo mộng mị, một hôm nào lộng gió

Có chiếc môi cong vụng tình để ngỏ

Mà người đi, đi trong nỗi muộn phiền

                     *

Con sóng vô tư, ào ạt đổ bờ

Cuốn nỗi nhớ quyện vào ngày biển động

Trong sâu lắng cứ đong đưa đánh võng

Nỗi nhớ bâng quơ, nỗi nhớ dại khờ

                     *

Lạc lối đi về ngõ cũ thân quen

Sao khắc khoải lơ ngơ đường thưa vắng

Bao kỷ niệm đã chìm trong cõi lặng

Chợt nổi nênh đêm nhập nhoạng rã bèng

                      *

Bước đi một mình, chiếc bóng lem nhem

Tiếng sóng vỗ đưa dấu ngày đồng vọng

Góc phố lặng yên, chừng như lạc lõng

Chợt bừng lên, tươi trẻ những ánh đèn ...

Lê Thanh Hùng

 

Bước qua mùa thu

Vin sắc nắng 

Thu không rối lẫn

Khẽ khàng run 

Khê đọng 

Giấc mơ

Còn đâu nữa 

Những gì vướng bận

Buông thả trôi 

Tuổi mộng dại khờ

Lê Thanh Hùng



Trong mênh mông

sâu thẳm nỗi buồn


Tiếng sóng gọt bờ cát dài chồng lấn

Bóng nắng chập chờn rối lẫn


Quạnh hiu chiều Phan Thiết vắng em

Lộng gió cửa sông như giận hờn tức tưởi

Xô dạt hoàng hôn phố vỡ ánh đèn ...

Lê Thanh Hùng


Mỗi người

cầm mỗi chiếc smartphone

ngồi yên lặng


Đông đủ cả đây, sao mà như trống vắng

Trong không gian ngưng bặt, trong ngần


Chỉ có bầy sẻ nâu, đang hóng hớt ngoài sân

Cho nỗi buồn loang đốm nắng

Điện thoại kết nối người xa, mà dường như chia rẽ người gần

Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - NHỚ ĐÊM PHAN THIẾT | BƯỚC QUA MÙA THU | TRONG MÊNH MÔNG SÂU THẲM NỖI BUỒN | MỖI NGƯỜI CẦM MỖI CHIẾC SMARTPHONE NGỒI YÊN LẶNG - Thơ Lê Thanh Hùng

ƠN, GIỌT NƯỚC MẮT VÀ TRÁI TIM – Thơ Tịnh Bình



 
ƠN...
 
Cho dòng sữa ngọt trắng trong
Ơn người câu hát lọt lòng đầu nôi
Cho đời no ấm nếp xôi
Ơn ai cày cấy mồ hôi nhọc nhằn
 
Cho xanh xanh những hạt mầm
Ơn sông bồi đắp lặng thầm phù sa
Cho tươi thắm những màu hoa
Ơn nghìn tia nắng giao hòa gió xuân
 
Cho vui chim chóc hót mừng
Ơn mùa quả ngọt đã từng chắt chiu
Cho thương nắng sớm mưa chiều
Ơn sao bóng mẹ liêu xiêu dáng cò
 
Người về nhặt lại câu hò
Ơn quê hương với con đò thủy chung...
 
 
GIỌT NƯỚC MẮT VÀ TRÁI TIM
 
Khi mọi âm thanh đều ngủ quên
Mọc lên khoảng trời lặng im
Tiếng gió câm không thể đánh thức tiếng chim trên vòm lá
Trong một thể dạng vi tế
Bầy sóng não cố gửi một tín hiệu nào đó
Lũ ánh sáng được định hình bằng khứu giác
Những cuộc trò chuyện bằng thông điệp ý nghĩ
Thính giác chạm vào mùi hương
Những cỗ máy chầm chầm chuyển động
Kích hoạt một thế giới giả lập bắt đầu
Vô số thước phim câm tái hiện rồi lại xóa
Sự sống không cần thiết phải máu đỏ và khí ô xy
Ngôn ngữ loài người là thứ bỏ đi
Những ký tự mới được khai sinh ra
Giác quan chỉ là những bộ máy vận hành đơn thuần không cảm xúc
Hỗn độn
Quay cuồng
Và lập dị
Tuy nhiên chúng được lập trình một cách logic đến hoàn hảo
Ngoại trừ...
 
Sót lại một ai đó còn mang trái tim trong lồng ngực
Rỏ giọt nước mắt đánh thức thanh âm...
 
                                                          TỊNH BÌNH
                                                           (Tây Ninh)

READ MORE - ƠN, GIỌT NƯỚC MẮT VÀ TRÁI TIM – Thơ Tịnh Bình

CHÙM THƠ “CÒN…” CỦA LÊ VĂN TRUNG



 
CÒN CHĂNG BI KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG
 
Mưa dầm đêm gió lao xao
Nghe con cú gọi buồn nao cả lòng
Ai xa xăm hút nghìn trùng
Lời trăm năm cũng mịt mùng mù xa
Xót lòng người quặn lòng ta
Quê là dâu bể nhà là tang thương
Còn chăng BI KHÚC đoạn trường
Ba trăm năm gửi nghìn phương bụi mờ.
                  
 
CÒN GÌ?
 
Đời loạn ly cùng tận máu xương
Có ai về đốt đuốc đêm trường
Nhìn rõ lòng nhau nhìn cho rõ
Còn gì sau những nỗi tang thương?
 
 
CÒN GÌ
 
Nghìn dặm đắng phơi bốn mùa mưa bão
Dòng sông tôi không chở nổi con thuyền
Như bờ bãi hoang vu hồn lau sậy
Như bạt ngàn chim réo gọi mông mênh
Tôi là cỏ mọc ven bờ suối cạn
Chờ thiên thu mòn mỏi một dòng xanh
Như viên sỏi nằm trơ hồn trên cát
Dấu rong rêu trầm tích mãi xây thành
Tôi vẫn biết rồi ngày kia tôi sẽ
Thảnh thơi về, quên hết chuyện trăm năm
Còn riêng đây một phương trời lặng lẽ
Rừng thu xanh vời vợi ánh trăng rằm
Tôi dẫu biết một ngày kia tôi sẽ
Bên đường chiều gầy guộc nẽo tà dương
Tôi sẽ thắp tình tôi nghìn ngọn nến
Người với người vĩnh cửu một tình thương
 
 
CÒN GÌ SAU CUỘC PHÙ VÂN
 
Hoài công thôi rồi cũng một mình
Ta đi cho kịp bến hoàng hôn
Lỡ bước chân đời em đến muộn
Cũng thắp cho ta ngọn nến buồn
 
Bến hắt hiu bờ cũng mịt mù
Ta đi cho kịp cõi nghìn sau
Dẫu mắt tình xưa khô ráo lệ
Cát bụi nghìn thu còn nhớ nhau
 
Ta qua đã cuối vòng dâu bể
Lòng chưa nguôi những nỗi muộn phiền
Trời đất nghìn phương ta một cõi
Hoài công thôi quên nhớ cũng đành
 
Hoài công thôi những nẽo ta về
Rêu đời đã ẩm dấu chân đi
Ngày mai tóc bạc che lên mộ
Người đọc tên ta có nhớ gì
 
 
CÒN GÌ TRONG CƠN SAY
 
Hỡi cả nhân gian! Cả đất trời!
Sao không về? Ngồi uống cùng tôi
Rượu ủ trăm năm: hồn thiên cổ
Rượu ướp nghìn năm: giọt lệ người
 
Em! Giấc phù hoa! Mộng ảo huyền
Sá gì lãng khách với thuyền quyên
Ta say đâu phải nghìn chung rượu
Ta buốt say vì đôi mắt em
 
Em ở đâu? Ồ! Em về đâu?
Về đây xin cạn một ly sầu
Ta rót cạn khô dòng tinh huyết
Ta rót cho tàn cuộc bể dâu
 
Em ở đâu? Ồ! Em về đâu?
Từ nghìn xưa cho đến nghìn sau
Trái tim ta vỡ từng cơn mộng
Trái tim ta cháy cùng trăng sao
 
Hỡi cả thiên thu cùng nhật nguyệt
Sao không về? Sao một mình ta?
Rót tận máu đời ta cạn kiệt
Mà không thấy bóng một quê nhà!
                       
 
CÒN GIỮA TÀN PHAI
 
Ngày đã tận năm đã cùng em ạ
Xót xa gì hương phấn buổi tàn đông
Và thơ ta như một dòng sông cạn
Với linh hồn đá sỏi cũng tan hoang
 
Em thấy chăng cõi phù vân thiên cổ
Vẫn phiêu bồng kiếp kiếp giữa bao la
Em nghe chăng gió phù sinh réo gọi
Vẫn dội vào sâu thẳm trái tim ta
 
Em là gió thổi qua đời phiền muộn
Em là mây tan giữa bến sông chiều
Xin ngồi lại một lần trên bãi cạn
Nghe triều ta lên xuống quá đìu hiu
 
Ta rụng giữa tình em từng chiếc lá
Lá chưa vàng, lá quặn úa tình xanh
Em chảy giữa hồn ta từng dòng lệ
Lệ chưa phai, lệ khóc mộng không thành
 
Con đường mở và con đường chợt khép
Mà sông ơi khao khát chảy vô cùng
Chuyến tàu muộn là chuyến tàu đẹp nhất
Để tình buồn ngồi đợi giữa mênh mông.
                                     
 
CÒN LẠI
 
Năm mươi năm không viết nổi một câu thơ tình
Năm mươi năm cơ hồ lãng quên biệt mù xa khuất
Ta như dòng sông chảy muộn phiền qua đời ta xa lạ
Như con tàu đêm mệt nhoài nhả khói
Tiếng hụ buồn tìm kiếm một sân ga
Như con đường người đã ngang qua
Không để lại chút tàn phai hương sắc
 
Như mùa thu trăm năm khô vàng mà không đành úa rụng
Như vầng trăng khuyết trọn đời treo chênh vênh trên đỉnh sầu vô tận
Như con chim lạc bầy rũ cánh trong băng giá mùa đông
Năm mươi năm ta như con thuyền lênh đênh trôi mãi giữa vô cùng
 
Cơm áo đã không đành danh phận
Bút nghiên hổ thẹn với tiền nhân
Năm mươi năm tên hàn sỹ ngông cuồng
Rượu thay máu chảy bầm câu thơ úa
 
Năm mươi năm linh hồn ta như miếu đền hoang phế
Cuộc tình người cũng đã rong rêu
Ôi năm mươi năm không viết nổi một câu thơ tình để nói tiếng yêu em
Để nói với người một lời nhân ái
Cái duy nhất của đời ta còn lại
Là trái tim đau một giọt máu bầm.
                        
 
CÒN LẠI

Nắng của mùa xưa chừng sắp tắt
Tôi đi tìm lại những hoàng hôn
Có gì xanh quá trong đôi mắt
Rọi sáng lung linh một nỗi buồn.
 
 
CÒN MÃI CUỘC RA ĐI
(Thơ cho Cõi Lặng Im)
 
Rồi một hôm mây giăng mù đỉnh núi
Đường hoang vu lạc mất dấu chim về
Linh hồn ai chìm trong rừng vượn hú
Nỗi ai hoài bàng bạc khắp sơn khê
 
Ta ngồi giữa bóng chiều vây lớp lớp
Đợi hoàng hôn mờ mịt phía bờ Tây
Mà cát bụi đã bao lần tan hợp
Cát bụi nào khâm liệm nỗi tàn phai
 
Lòng cứ ngỡ đi hết vòng sinh diệt
Là trở về thăm thẳm cõi hư vô
Là vĩnh cửu là thiên thu trọn kiếp
Là vô cùng, vô lượng, mộng huyền mơ
 
Ôi mây xám giăng mù trên đỉnh núi
Ta hoang mang lạc mất dấu chim về
Ta lạc mất đời ta nghìn năm cũ
Là nghìn năm còn mãi cuộc ra đi.
                        
 
CÒN NGUYÊN MỘT ĐÓA HOA QUỲNH
 
Ôi trăm năm một mùi hương
Còn nguyên trong xác trong hồn của hoa
Ngọt như mật rót từ thơ
Thơm như hương chảy tự hồ dạ lan
 
Ôi trăm năm đóa nguyệt vàng
Còn nguyên xiêm áo đài trang mỹ miều
Em về sáng một vì sao
Tay hồng mở lối xưa vào đào nguyên
 
Tạ trăm năm một cuộc tình
Tạ ơn em, đóa ngọc quỳnh ngát hương.
 
                                       Lê Văn Trung

READ MORE - CHÙM THƠ “CÒN…” CỦA LÊ VĂN TRUNG

CHÙA TRẤN QUỐC, NGÔI CHÙA CỔ NHẤT HÀ NỘI – Đặng Xuân Xuyến


 

Chùa Trấn Quốc (Ảnh: Sưu tầm)

 

Chùa Trấn Quốc có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội, cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước).

 

Vị Quốc sư của triều Lê là Ngô Chân Lưu Khuông Việt đã tu hành ở đây một thời gian. Đến triều Lê Thái Tông (thế kỷ 15), chùa được đổi tên là chùa An Quốc.

 

Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở, chùa được di dời về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên thời Trần. Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.

 

Chùa được trùng tu quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.

 

Đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc.

Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.

Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông cho đến ngày nay.

 

Chùa Trấn Quốc có kiến trúc thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông: Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường bên ngoài, cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nước, cây xanh. Ngay con đường dẫn vào cổng chùa là khu Vườn tháp, với nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Qua cổng chùa - có ba chữ “Phương tiện môn”, là đến nhà Bái đường, sau đến Tam bảo, sau nữa là hành cung thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.

 

Chùa Trấn Quốc có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích về việc trùng tu chùa sau một thời gian dài đổ nát. Đặc biệt, ở khuôn viên chùa có cây bồ đề, là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

 

Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa).

 

                                                                         Đặng Xuân Xuyến

 

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,

Đặng Xuân Xuyến; Văn Hóa Thông Tin ; 2006.)

 

READ MORE - CHÙA TRẤN QUỐC, NGÔI CHÙA CỔ NHẤT HÀ NỘI – Đặng Xuân Xuyến