Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 1, 2021

TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT - Hoàng Xuân

 

Ảnh từ trang berich.vn

TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA 

GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT


Hoàng Xuân

 

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, nhà nhà ngoài việc dọn dẹp, sắm sửa, tân trang thì một việc không thể thiếu, đó là gói bánh chưng. Ngày xưa, gần như nhà nào cũng chú ý đến công việc này, vì đây là truyền thống của tổ tiên dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay đã có nhiều thay đổi, một bộ phận không nhỏ gia đình đã không trực tiếp gói bánh chưng nữa, mà chuyển sang đặt hàng. Việc này phần nào làm mất đi truyền thống xưa, và cũng vì thế mà nhiều người trong gia đình không biết gói bánh chưng.

Gói bánh chưng, với tôi nó đã gắn bó trong suốt 30 năm qua, từ khi còn là cậu bé lên 10. Khi ấy gia đình thường mượn những người già tuổi, có kinh nghiệm nhất trong xóm, làng (việc này chỉ hi hữu, còn thông thường thì nhà ai gói của nhà ấy), chỉ sau 2 lần nhờ như thế, tôi đã học được cách gói bánh, và lần thực hành đầu tiên là bới trộm gạo dẻo để gói và tranh thủ nấu khi người lớn đi làm đồng. Cũng tết năm ấy (khoảng năm 1990), tôi xin mạnh dạn tự gói bánh chưng tết mà không phải mượn hàng xóm nữa. Thế là từ đó đến nay, cứ mỗi dịp tết đến tôi đều bày biện sản vật để gói. Với cách gói hầu như chỉ bằng lá chuối và không cần đến khuôn, tuy nhiên gần đây do lá chuối khan hiếm, tôi chuyển sang học cách gói lá dong bằng khuôn. Việc chuẩn bị cho gói bánh chưng cũng có nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu chuẩn bị: những khúc củi to, chắc để khi đun sẽ cháy được lâu. Sau đó là lá, nếu lá chuối thì đi xin hàng xóm, lá dong thì mua. Lá phải to, rửa sạch, phơi cho hơi héo (nếu gặp tiết trời mưa thì phải nấu chín hoặc hơ lửa). Khi gói phải cắt, tỉa cho đúng kích thước. Tiếp đến là gạo nếp, thường chọn nếp thơm, dẻo. Trước khi gói phải ngâm qua đêm, gói xong để bánh vào nồi cũng phải ngâm vài tiếng trước khi đun lửa. Thịt thường chọn loại ba chỉ để vừa mỡ, vừa nạc hoặc chọn xương sườn thái khúc hơi to một chút. Đậu xanh phải bỏ vỏ và cũng ngâm qua đêm, sau đó nấu rồi giã nhuyễn, làm như thế này để có bánh vừa ngon, vừa thơm, vừa béo, lâu hỏng. Ngoài ra còn có dưa hành, tiêu.

Sau chuẩn bị đến công đoạn gói, gói xong tiến hành luộc. Trước đây thường gói và luộc đúng vào đêm giao thừa, để vừa nấu bánh vừa đón năm mới thông qua không khí lúc trước là trên đài, sau tiến bộ hơn là trên tivi. Ngày nay thường làm trước 1 đến 2 ngày, để đêm giao thừa giảm áp lực công việc và được nghỉ ngơi, xem truyền hình trực tiếp. Bánh thường nấu liên tục trong 12 tiếng đồng hồ, nghĩa là nếu nấu lúc 17 giờ chiều nay thì phải đến 5 giờ sáng hôm sau mới vớt ra. Mọi người quây quần bên nồi bánh chưng cảm thấy ấm áp và gần gũi, ôn lại những chuyện năm cũ, hàn huyên những chuyện đã làm được và chưa làm được trong năm qua, mong ước những điều tốt đẹp ở năm mới....

Công việc đầu tiên sau khi bánh đã được luộc chín, là ngân qua nước giếng và lau khô chiếc bánh cho ráo nước và chọn cặp bánh đẹp nhất để đặt trang trọng trên ban thờ tổ tiên, ông bà. Việc này như thể dâng lên tổ tiên một thứ sản vật quý giá và tinh túy nhất của trời đất mà con cháu đã dành dụm được trong suốt một năm qua. Thông thường thì ba ngày tết được thay cúng bằng 3 cặp bánh. Con cháu cũng sẽ lần lượt ăn bánh sau khi cúng ông bà xong. Những cặp bánh còn lại sẽ được con cháu đi học, đi làm ăn xa mang theo để làm quà. Tôi nhớ thời sinh viên, ai tết xong mang bánh đến phòng ở cùng nhau ăn quả thật thích thú.

Ngày nay, chiếc bánh chưng thực tế phần nào giảm đi sự trọng thị trong bữa ăn, bởi xã hội no ấm, con người có nhiều món ăn hơn, cái đói không như trước. Ấy vậy cho nên, tết ngày xưa, ăn to hay nhỏ thì đi tết nhà nhau thường hỏi “nhà làm được mấy cặp bánh chưng?”. Nếu trả lời 10 cặp trở lên, thì nhà đó ắt sẽ ăn tết to, ngược lại nếu nói “nhà em làm chỉ được 1 hoặc 2 cặp vừa cúng”, thì chắc chắn đó là nhà nghèo. Tuy nhiên, dù giàu hay nghèo, tết đến nhà nhà đều gói bánh chưng mục đích đầu tiên là thờ cúng ông bà, tổ tiên. Có muôn chuyện về chiếc bánh chưng. Nhưng dù thời gian, lịch sử có thay đổi thế nào, thì gói bánh chưng vẫn là một phong tục đẹp rất cần được lưu giữ và phát triển, có lẽ đưa loại hình này thành một di sản quý giá của dân tộc và nhân loại. Xuân đã về, tết đến, kính chúc mọi người có nồi bánh chưng như ý.

            Hoàng Xuân

(Địa chỉ: Nguyễn Xuân Hoàng, trường THCS Quảng Long, Ba Đồn, Quảng Bình.  hoangxuan1979@gmail.com.)

READ MORE - TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT - Hoàng Xuân

QUÊ MIỀNG - Thơ Chu Vương Miện


Sông Hiếu nhìn từ làng Điếu Ngao.
Ảnh Phạm Đình Quát. 

QUÊ MIỀNG

quê miềng Ba Bến nông hều
bè tre bè nứa ngược chiều nước lên
nhìn về Bồ Bản, Trung An
làng chài làng biển con thuyền con cua
nhìn nhau dư tháng đủ mùa
đủ năm chưa chẵn nên chưa ngỏ lòng
Một vòng xuân hạ thu đông
anh theo lính trận nhiều năm trụ rừng
mới hay em đã có chồng
làm dâu xứ nẫu tháp đồng tháp thau
tháp vàng tháp bạc chộ nhau
mà ta hai ngả sông Cầu sông Ba
quê miềng ngoài nớ bao xa
anh về thăm lại Đông Hà phố xưa
con sông qua những men dừa
đường xuyên Lào Việt còn bưa tiếng gào
tình anh phơi áo bên rào
gió bay lật đật mặt ao bèo nhèo
Hạnh Hoa còn đứng vói theo
hoa xoan nở tím bên hào lũy xưa
tình ta mưa gió cợt đùa

Chu Vương Miện

Tên thật: Nguyễn Văn Thưởng 
Bút hiệu khác: Phương Hoa Sử
Sinh năm1941, tại Phục Lễ, Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An.
(nay thuộc Hải Phòng). 
Hiện cư ngụ tại Rancho Cucamongo, Cali., USA
READ MORE - QUÊ MIỀNG - Thơ Chu Vương Miện

HOA THỦY TIÊN - Chu Vương Miện

 




READ MORE - HOA THỦY TIÊN - Chu Vương Miện