Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 28, 2020

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 4 – Nguyên Lạc

 


ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH THEO THỜI GIAN
 
Sau đây là phần tổng hợp các điều chúng tôi đã bàn trong các bài viết trước về nguồn gốc của tiểu thuyết Kim Vân Kiề̀u Truyện để chuẩn bị cho các bài sau bàn rõ về Kim Vân Kiều Lục, áng văn chương hàn lâm giải thích thơ truyện Kiều và so sánh nó với Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân, quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường phá hỏng giá trị Truyện Kiều.
 
 Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sữ Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh- như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú … tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) 
(Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 
Quá trình diễn tiến từ Truyện Kiều đến Kim Vân Kiều truyện và các tác phẩm kế thừa trải qua khoảng hơn 100 năm, kể từ năm 1820, năm cụ Nguyễn Du qua đời, đến năm 1925.
 
Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện và rồi Kim Vân Kiều Truyện (Tàu) kế thừa Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN.
 
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
 
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT(DMT)=> KVKT (.TÀU)
 
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du. Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên sáng giá. Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam: Người đó không ai khác hơn là Hạo Như Nguyễn Tứ, người con trai trưởng nam hay chữ mà ông đã quyết tâm đào tạo thành người nối nghiệp dòng họ Tiên Điền. Hạo Như đã theo ông như hình với bóng trong suốt 14 tháng trên đường đi sứ. Còn theo nhà nghiên cứu Lê Nghị thì cũng có thể Lãng Đường Phạm Quý Thích viết ra, để giải nghĩa thêm Truyện Kiều rồi dạy cho các học sinh của mình: Kim Vân Kiều Lục là tập hợp những bài văn xuôi giảng thơ Kiều.
 
Nhưng dù là ai chăng nữa thì Kim Vân Kiều Lục là của Việt Nam, vẫn phải có thời Minh Mạng, trước năm 1825. (Hạo Như Nguyễn Tứ mất trước 1820, vì khi cụ Nguyễn Du chết thì Nguyễn Ngũ – người con trai khác – lo tang ma. Phạm Quý Thích mất 1825)



 
Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là giảng Truyện Kiều: Nội dung giảng tập trung vào mục đích chính là làm rõ tình tiết và tâm lý nhân vật diễn đạt trong các câu thơ Kiều; vì khi đọc câu thơ độc giả có thể thắc mắc một số việc; đồng thời có lúc với một từ đa nghĩa, độc giả biết nên chọn nghĩa nào.
 
“Nhiều người chưa đọc Kim Vân Kiều Lục cứ ngỡ rằng nó là cách gọi khác của Kim Vân Kiều Truyện. Hai cuốn này khác nhau. Kim Vân Kiều Lục xuất hiện chính xác năm nào chưa rõ, (Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam thì khoảng năm 1815) nhưng chắc chắn nó được viết trước khi Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) viết Đào Hoa Mộng Ký, vì trong tác phẩm này Mộng Liên Đường nói nhân vật Lan Nương và Huệ Nương mê truyện Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Lục.
Còn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử do Duy Minh Thị viết khoảng 1872, nhưng không công bố. Lý do là ông copy thơ của Kim Vân Kiều Lục, lời thoại từ vở tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Đản, cả tên Vương Tùng (tên kiếp sau của Vương ông trong Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển) nâng lên kiếp trước thành tên Vương Lưỡng Tùng trong Kim Vân Kiều Truyện. Mà Mộng Liên Đường thì sống quá dai. Mãi đến năm 1876 Duy Minh Thị mới cho xuất hiện quyển Thanh Tâm Tài Tử này”
                           (Theo nhà nghiên cứu Lê Nghị)
 
Nước ta thời Pháp thuộc, người Hoa kiều Chợ Lớn vào nửa cuối thế kỷ thứ 19 đầy uy lực, họ ăn nên làm ra cho nên họ có nhu cầu đọc sách giải trí lớn hơn so với người Việt nhiều lần. Đọc quyển Kim Vân Kiều Lục bằng văn ngôn mỏng quá không đã, thế nên do đòi hỏi của thị trường chữ nghĩa, nhóm Duy Minh Thị, dưới con mắt con buôn, họ đã hình thành sự thai nghén cho bản văn Kim Vân Kiều Truyện (Chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện - DMT) dày hơn. Nó phải được viết ở dạng bạch thoại, loại diễn nghĩa chương hồi mô phỏng văn phong Tam Quốc Chí, chắc chắn sẽ ăn khách hơn.
 
Duy Minh Thị lấy người này một câu thơ, tỉ như lấy câu thơ của Phong Tuyết Thập Thanh Thị ở chỗ này, ở chỗ kia lấy trọn một bài thơ, cũng như lấy trọn một bài tứ tuyệt trong Kim Vân Kiều Lục- bài thơ tuyệt mệnh của Kiều trước khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường vì ân hận; hay “copy” lấy thứ tự tình tiết, hành vi của vở tuồng Kim Vân Kiều của Tiến sĩ Đình Nguyên Ngụy Khắc Đản (1817–1873). Duy Minh Thị đã “copy trọn gói” mô thức viết của Kim Vân Kiều Lục, khi quyển sách này triển khai từ thi phẩm Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều sang văn ngôn. Duy Minh Thị từ lam bản này (bản văn nguồn) viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam Quốc Chí diễn nghĩa sao cho phù hợp với thị hiếu của đồng bào ông đang có nhu cầu đọc sách giải trí và đang ăn nên làm ra so với đại đa số người Việt bản địa tại vùng Saigon - Chợ Lớn. Duy Minh Thị đã biến Kim Vân Kiều Lục, quyển sách văn chương hàn lâm giải thích truyện Kiều thành quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường, theo nhà nghiên cứu Laiquangnam, đã làm nhiểm bẩn truyện Kiều, phá hỏng giá trị Truyện Kiều.
 
(Truyện Kiều có độ dài: 22.778 chữ. Kim Vân Kiều Lục khoảng: 15.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện khoảng 100.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện là một tiểu thuyết văn xuôi, chứ không phải một cuốn giảng thơ)
 
Duy Minh Thị là ai? Mời các bạn đọc những lời dưới đây của nhà nghiên cứu Laiquangnam đăng trên Facebook, nhóm Tình Tự Dân Tộc [1]
 
 

 
NHÓM DUY MINH THỊ
 
Nhân thân và hành tung của Duy Minh Thị
Do Duy Minh Thị không được sử sách thời Nguyễn nhắc tới tên cho nên hiếm người biết hành tung và tầm vóc của ông. Mãi đến cuối thể kỷ thứ 20, tại Pháp có Lê Sơn Thanh (tức Alexandre Lê), một học trò cũ của cụ Hoàng Xuân Hãn, là người đang làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Paris và cũng là người Việt duy nhất chuyên sâu về nghiên cứu công trình của nhóm Duy Minh Thị. Chính Lê Sơn Thanh đã gởi cho chúng tôi (lời gs Nguyễn Tài Cẩn) bản văn phocopy chụp từ bản gốc Kiều Nôm 1872 tại thư viện của cụ Hoàng Xuân Hãn.
Phải thông qua giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vào sau năm 2010, chúng tôi (Laiquangnam) lần ra manh mối Duy Minh Thi;̣ cho dù trước đó gần 10 năm chúng tôi đã rất quan tâm về hiện tương Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân kỳ lạ ở đất nước VN chúng ta.
 
Tầm kích nhóm Duy Minh Thị
 
Nhóm Duy Minh Thị gồm có 10 người. Đa số đều tự xưng bằng biệt hiệu rất có ý nghĩa: Duy Minh là “riêng sáng suốt”, Minh Đức là làm cho “tỏ cái đức”, Minh Chương là làm cho “sáng tỏ khuôn phép lễ chế”.
Thói quen của họ là ghi thêm chữ “thị” hay chữ “hiệu” vào sau cùng. Hăng hái nhất là ba người này: Duy Minh Thị, Minh Chương Thị và Phước Trai tiên sinh.
Họ đã thuê ở Quảng Đông 10 cơ sở khắc ván in sách (tức khoảng 10 nhà xuất bản) đó là: Kim Ngọc Lâu, Cận Vân Đường, Bửu Hoa Các, Thiên Bửu Lâu, Văn Ngươn Đường (Ngươn là Nguyên).
Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ thứ 19 (1870-1899) họ đã công bố được hơn 50 bộ sách. Nhóm này chúng tôi (Nguyễn Tài Cẩn) đặt tên là nhóm DUY MINH THỊ.
Trong nhóm, Duy Minh Thị là người tiêu biểu nhất. Từ năm 1872 đến 1883 ông đều in sách hàng năm. Riêng năm 1874 ông in đến 6 cuốn. Ông thuê đến 6 nhà xuất bản và sơ bộ đã in tính ra được 19 cuốn sách đã được công bố.
 
Duy Minh Thị
 
Duy Minh Thị tên thật là Trần Quang Quang (?-?) sống thời vua Tự Đức (1848-1883), nhưng tên nổi tiếng của ông là “Nam Việt Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị” – cụm từ này ông thường ghi cuối sách. Bản Kiều Nôm 1872 cũng có cụm từ này. Duy Minh Thị là người Tàu Minh Hương, sinh quán Vĩnh Long, miền Nam VN; trú quán tại xóm An Bình Chợ Lớn thời Pháp thuộc.
Duy Minh Thị là người biên tập lại bản Đại Nam Thực Lục Chính Biên dưới thời vua Tự Đức sau đó đem thuê khắc tại Phật Sơn Trấn, tỉnh Quảng Đông năm 1873. Ông là người đã in nguyên dạng các chữ húy chính của vua Gia Long mà không hề né tránh, không sợ kỵ húy.
 
Năm 1872, xem như Pháp đã chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, và từ đó Nam kỳ luc tỉnh được xem như là vùng đất hải ngoại của người Pháp. Dân Nam kỳ chịu một thể chế riêng từ chính quốc. Do không phải làm quan dưới triều vua Tự Đức, và cũng có thể vua Tự Đức thật sự cầu cạnh; Duy Minh Thị xem mình là một người Tàu vốn được nhiều ưu đãi, nên chả việc gì phải sợ vua quan “An nam”. Với công vụ mà vua Tự Đức nhờ cậy, biên tập lại tập sách lịch sử của triều đại nhà Nguyễn, nên Duy Minh Thị có toàn quyền xem tất cả sách vở của các nhân vật trong triều đương đại, từ nhân thân đến sách vở do họ sáng tác khi Duy Minh Thị có nhu cầu làm sách công vụ. Chính vì điều kiện thuận lợi này ông đã có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn sách mà không một người Việt Nam nào khác có thể.
 
Duy Minh Thị trong quá trình viết bản văn Kim Vân Kiều Truyện, ông đã tiếp cận Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã tiếp cận bản văn Kim Vân Kiều Lục. Ông tra cũng đã tiếp cận các bản văn từ hai người có liên quan đến sự ra đời Đoạn Trường Tân Thanh và rồi từ truyện thơ này các ông viết ra các truyện Hậu Đoạn Trường Tân Thanh, Hậu Kim Vân Kiều Lục: Đó là các ông Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển và Phong Tuyết Thập Thanh Thị.
(Cả hai ông Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels đều đã được Duy Minh Thị đưa cho bản Kim Vân Kiều tân truyện thơ, bản Nôm do chính ông ta sửa lại thơ của Nguyễn Du và cho lưu hành).
 
Duy Minh Thị đã biên tập, bổ sung, sửa chữa- mà ông tự gọi là “trùng san” thơ Nôm Truyện Kiều của Nguyễn Du năm 1872.
Hãy xem 2 câu đầu tiên của truyện Kiều trong bản “trùng san”:
 
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ sắc khéo là cợt nhau
 
𤾓𢆥𥪝𡎝𠊛
𡦂𡦂色窖󰑼󰡒

(Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872)
 
Trong khi các bản khác xưa hơn
 
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
 
𤾓𢆥𥪞𠊛
𡦂𡦂命窖󰑼恄饒

(Truyện Kiều – bản Tự Đức 1870, Liễu Văn Ðường 1871)
 
Độc giả nghĩ sao?
 
Ông Trương Minh Ký là người hỗ trợ và phát tán văn bản KVKT Thanh Tâm Tài Tử của Duy Minh Thị nói trên. Abel des Michels, một người Pháp chuyên gia về Đông Phương Ngữ qua Nam kỳ theo lời mời của Phủ Thống soái Nam kỳ, để theo dõi việc Trương Vĩnh Ký chuyển Đoạn Trường Tân Thanh từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Trương Minh Ký đã trao cho Abel des Michels bản Thanh Tâm Tài Tử Duy Minh Thị này, từ tay nho sĩ Phước Bình Lê năm 1884. Ông Abel des Michels luôn nghĩ rằng “chắc Nguyễn Du cũng dùng một truyện Tàu” để viết ngược thành truyện thơ Kiều như kiểu Hoa Tiên, khi nhận ông chắc đây là quyển sách mình luôn nghĩ đến.
 
 
(Hình trang sách Abel des Michels)

 
Thật ra sách Kim Vân Kiều Lục Thanh Tâm Tài Tử này đã được in năm 1876.
 
Bản 1884 ông Abel nhận này được lưu trữ ở Thư Viện quốc gia Hà Nội (chụp microfilm, ghi Thanh Tâm Tài Tử. Viện Viễn Đông Bác cổ chụp từ Paris Pháp, thời Pháp thuộc) như đã nói trong các bài trước.
 
 
Hình bản Thanh Tâm Tài Tử 1884 lưu tại Paris
 
 
Ta cũng nên chú ý là nho sĩ tên Phước Bình Lê sao tương tự với tên Phước Trai tiên sinh trong nhóm Duy Minh Thị quá (?)
………

Chính bản văn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử này (Sau được dịch sửa tên lại là KVKT Thanh Tâm Tài Nhân A953) của Duy Minh Thị mà giáo sư Dương Quảng Hàm đã phát biểu tiêu cực trong giáo trình Việt Nam Văn Học Sử Yếu (ghi ở phần dưới) và “ai đó” lợi dụng – hoặc tiếp tay hạ bệ đại thi hào VN, kết án Nguyễn Du “đạo văn”, dịch truyện KVKT Thanh Tâm Tài Nhân Tàu ra truyện thơ Nôm: Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều.
 
 
VỤ ÁN TRUYỆN KIỀU
 
Các bài trên chúng tôi đã bàn rõ về vụ án nầy rồi, nay lập lại sơ lược để đẫn đến các bài sau: Bàn về Kim Vân Kiều Lục, so sánh với Kim Vân Kiều Truyện.
Hầu như 99, 99% người Việt từ các học sinh cho đến các tiến sĩ văn chương đều tin vào tín điều tiêu cực mà giáo sư Dương Quảng Hàm phát biểu trong giáo trình Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Chính câu tiêu cực, mà Dương Quảng Hàm đúc kết, hiện nay cũng vẫn còn đang là “câu bùa chú” khởi đầu cho phần nhập đề bất cứ bài luận văn nào của học sinh, sinh viên, giáo viên và kể cả giáo sư tiến sĩ. Đó là đoạn văn này- trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
 
“Lâu nay, ở nước ta, vẫn có một bản truyện Kiều chữ Hán chép tay (4) nhan đề là Kim Vân Kiều truyện mà các học giả vẫn cho là một cuốn tiểu thuyết Tàu do đấy Nguyễn Du đã soạn ra cuốn truyện nôm.
Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện này với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng đại cương tình tiết hai quyển giống nhau: các việc chính, các vai nói đến trong truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu thuyết Tàu.
Sự so sánh ấy lại tỏ rõ rằng Nguyễn Du không phải chỉ dịch văn xuôi của Tàu ra văn vần của ta mà thôi. Tác phẩm của ông thật có phần sáng tạo đặc sắc: ông sắp đặt nhiều việc một cách khác để cho hợp lý hơn hoặc để tránh sự trùng điệp; ông thay đổi nhiều điều tiểu tiết để tả cảnh ngộ hoặc tình hình các vai trong truyện một cách rõ rệt hơn; ông lại bỏ đi nhiều chỗ thô tục (như đoạn kể rõ “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”) và nhiều đoạn rườm, thừa, không bổ ích cho sự kết cấu câu chuyện.
Vậy nguồn gốc truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan là Kim Vân Kiều truyện (….) do một tác giả hiệu là Thanh tâm tài nhân (….) soạn ra về cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII và do một nhà phê bình có tiếng là Kim Thánh Thán bình luận.” 
(Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm)


……

Chú giải của Dương Quảng Hàm:
 
(4) Ở PQVĐHV. Thv., hiện có một bản truyện Kiều chữ Hán chép tay ấy (A 953), Sách gồm có 4 quyển và chia làm 20 hồi. Đầu quyển thứ nhất (tờ 5a). Đầu quyển sau, cũng đề y như thế, chỉ khác số quyển đổi đi – Bản Kiều chữ Hán này ông Hùng sơn Nguyễn Duy Ngung đã dịch ra quốc văn nhan đề là Kim Vân Kiều tiểu thuyết Tân dân thư quán x. b. Hà nội, 1928.
 
Độc giả có chú ý sách “chép tay A 953” trong chú giải của GS Dương Quảng Hàm không? Có giống với sách Abel des Michels nhận không? Ông Dương đã “vội vàng” cho là sách Tàu. Than ôi! (NL)
 
Câu dài dòng trên đã được vi-wikipedia đúc kết gọn là:
“Kim Vân Kiều (tiếng Trung: 金雲翹; bính âm: Jin Yún Qiăo) là một tác phẩm tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời nhà Minh, Trung Quốc biên soạn vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Nguyễn Du nhân đọc quyển tiểu thuyết này đã cảm hứng viết Truyện Kiều – một tác phẩm được xem là áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam.”
 
Các sự kiện cần chú ý:
 Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho biết ngay cả một số học giả Trung Quốc cũng xác nhận: từ trước những năm 1980, tất cả các bộ sách, giáo trình về lịch sử Trung Quốc, bao gồm cả Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn đều không đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lỗ Tấn trong vòng 5 năm lục tung cả Trung Hoa mà không tìm thấy Kim Vân Kiều Truyện, hay Tứ Khố Toàn Thư của ba vua Thanh danh giá là Khang Hy- Ung Chính - Càn Long đều không hề ghi lấy một chữ; nhân thân của Thanh Tâm Tài Nhân thì không xác định được: Khi thì Từ Vị, khi thì Kim Thánh Thán… Năm 1981, một học giả người Mỹ tên Charles Benoit, tên Việt: Lê Vân Nam, với tinh thần nghiêm túc, tính tự trọng, liêm sĩ của người cầm bút khi viết luận văn tiến sĩ, đã phủ nhận.
Lâm Thanh Sơn khẳng định là Trung Quốc không có tác giả Thanh Tâm Tài Nhân nào cả.
 
 Năm 1923 truyện Kiều nổi tiếng nhiều nơi trên thế giới. Năm này Nguyễn Văn Vĩnh và Famechon soạn kịch bản điện ảnh Việt- Pháp từ thơ Nguyễn Du, làm phim Kim Vân Kiều công chiếu tại Hà Nội và Pháp 1924.
 
 Năm 1925, Nguyễn Duy Ngung, không rõ lý lịch biên dịch cuốn Kim Vân Kiều Truyện, bản A 953 nói trên, tự động đổi tên Thanh Tâm Tài Tử thành Thanh Tâm Tài Nhân. Đồng thời ông ghi thêm lời bình của Kim Thánh Thán và đưa 20 bài thơ vịnh Kiều của Chu Mạnh Trình lên đầu 20 hồi như đã nói ở phần 1. Khi sách truyện tái bản, có Nguyễn Đỗ Mục người dịch lời bình gọi là của Kim Thánh Thán ngoại thư.
 
 Năm 1958, Giáo sư Hoàng Dật Cầu ở Học viện Sư phạm Hoa Nam tại Quảng Châu, trong vai một giáo sư Trung văn sang trợ giúp cho Hà Nội, đã bỏ nhiều công sức để dịch truyện Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Nhân Việt Nam -A 953 sang Trung văn hiện đại. Sách được đưa vào Tùng thư Văn học Á – Phi và do Nhà xuất bản Nhân dân văn học xuất bản tháng 8 năm 1959.
                                        [GS Nguyễn Huệ Chi]

 Năm 1981 ông Lý Chí Trung - China - công bố cuốn Kim Vân Kiều ghi tên Thanh Tâm Tài Nhân, dài khoảng 208 trang, 20 hồi, cho là viết từ đời Khang Hi (Khang Hi năm thứ nhất là 1667), văn phong hiện đại, kiểu chữ “giản thể” đã được phát hiện tại thư viện đại học Đại Liên.
Tuy nhiên, khi so sánh bản Đại Liên với cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử ở Việt Nam (bản A953), nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho rằng nó giống nhau khoảng 99%.
Khi bản Đại Liên được công bố, Đổng Văn Thành bắt đầu tấn công hạ bệ Nguyễn Du như chúng tôi đã viết ở các bài trên.
Xin được nhắc lại vài lời của ông Đổng Văn Thành đã nói trong các bài trước:
 
“Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân…”
[Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]
 
“Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết trong toàn bộ nguyên tác”
[Nguyễn Huệ Chi - Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành]
 
 Theo Laiquangnam:
Bản văn lam bản (bản nguồn) viết tay của ông Duy Minh Thị chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện (DMT), đó là bản văn mà Tố Nam Nguyễn Đình Diệm mang dịch và in ra tại Nam Việt Nam vào năm 1971. Từ bản văn này, Lý Trí Trung và Đổng Văn Thành “tút” lại và tung ra bản văn gọi là bản văn đại học Đại Liên. Nay Đổng Văn Thành gọi bản văn này là bản phồn, tức là bản văn đầy đủ. Bản phồn là bản văn Đại Liên họ tự bịa. Bản văn Việt nam mang mã số A 953 xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới với thứ văn phong bạch thoại Nam bộ, vùng ngã tư quốc tế vào thời Pháp thuôc (1850-1900 ) họ gọi la bản trung
                                                     (Laiquangnam)
.

Qua trên là những điều tóm lược các bài viết trước, giờ mời độc giả lần lượt đọc các bài viết về Kim Vân Kiều Lục của nhà nghiên cứu Lê Nghị.
Nhà nghiên cứu Lê Nghị đã có phát biểu bài tham luận “Nguồn gốc Truyện Kiều” tại Hội thảo Minh họa Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2020. [2] và đã công bố bản văn, dạng pdf: Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện trên trang Chim Việt Cành Nam . [3]
 
                                                         Nguyên Lạc
 
(Bài tiếp: Phụ lục 1, Tầm Ảnh Hưởng Của Kim Vân Kiều Lục)
 
……………..
 
Ghi chú
 Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
 Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện tình trong cổ thư Trung Hoa; từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến Vương Thủy Kiều, Trác văn Quân Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông như Liêu Trai Chi Dị.
 Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước tác 1676, và Hổ phách trủy (1707). Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Vân, Vương Quan … để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều.
 
Nguồn:
 
[1] Trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367
[2] 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như – Kỳ cuối: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều- Lê Nghị
https://tuoitre.vn/200-nam-hau-the-nho-to-nhu-ky-cuoi-thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-20200916201701822.htm?fbclid=IwAR0UvQrKM5yPbCeL8XovA-jp-nkho4KmpA5r6A_jaAfFTRjJn6gi3gYVyQY
[3] Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf

READ MORE - TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 4 – Nguyên Lạc

TRƯA, QUA MIỀN HƯ ẢNH, MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình

 
               Nhà thơ Tịnh Bình


TRƯA...
 
Phố phường khoác áo ban trưa
Tiếng chim dậy muộn ngỡ vừa ban mai
Gió hờ thả chiếc lá bay
Tìm cơn mưa cũ ướt vai buổi về
 
Trưa dài hun hút lê thê
Ngồi im quán vắng bộn bề nghĩ suy
Biết là vọng tưởng đôi khi
Lao xao câu chữ đuổi đi chẳng đành...
 
 
QUA MIỀN HƯ ẢNH
 
Tiếng sóng một ngàn năm trước
Vẫn là âm của ngàn sau
Ta gọi ta lời đá núi
Hư không vọng một âm cười
 
Lao xao đôi lời đá cuội
Thế nhân ấm lạnh mặc tình
Vô tâm nhạn đâu lưu bóng
Hồ trong trăng cứ long lanh
 
Thản nhiên sông hòa lòng biển
Ngậm ngùi chi nước chia phôi
Gió lùa qua miền hư ảnh
Cánh mây lưu lãng sa mù...
 
 
MƯA GẦN SÁNG
 
Trăng sao đi mất hút rồi...
Cơn mưa gần sáng
đơn côi
giữa trời
 
Phố phường im lặng chơi vơi
Đèn vàng
hứng giọt mưa rơi
ướt nhòa
 
Cụ già vé số co ro
Mái hiên nép vội
tràng ho
thay lời
 
Bao giờ ngừng giọt mưa ơi
Người trong chăn ấm
thương người
mưu sinh
 
Vội vàng mở một bình minh
Mưa gần sáng
có thình lình
ngừng rơi...?!
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - TRƯA, QUA MIỀN HƯ ẢNH, MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình