Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 20, 2020

BUỔI SÁNG NGỦ TRÊN RỪNG – Thơ Lê Văn Trung

 


BUỔI SÁNG NGỦ TRÊN RỪNG
 
Sớm mai nằm ngủ trên rừng
Tôi nghe như đến chín tầng mây cao
Thiên nga lạc tiếng năm nào
Hay ai về giữa chiêm bao gọi mình
Lạc rồi trăm cõi u minh
Cho tôi với niềm linh hiển này.
 
                                  Lê Văn Trung
 
………
 
Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I, Thư Ấn Quán 2007)

READ MORE - BUỔI SÁNG NGỦ TRÊN RỪNG – Thơ Lê Văn Trung

“ẤY VÀ MÌNH”, CÁCH GỌI NHAU CỦA PHỤ NỮ HUẾ - Hoàng Hương Trang

 


Cũng lạ cho cái xứ Huế của tôi, cái chi cũng khác hơn thiên hạ. Nắng thì nắng cháy da phỏng trán, mưa thì mưa thúi đất thúi đai, dầm dề không dứt. Vài ba năm lại một trận lụt, trận bão to đùng. Đường phố Gia Hội, nơi tôi ở, trở thành sông, đò chèo từ Bãi Dâu lên tới đường Trung Bộ (nay là Tô Hiến Thành). Nghe tới bão năm Thìn là ai cũng kinh hãi. Mùa lụt, người lớn lo đến sốt vó, không buôn bán làm ăn gì được, nhưng tụi con nít thì rất khoái lụt, rủ nhau đi lội chơi suốt buổi (vì lụt to được nghỉ học) lội lụt cho đã, đói bụng, về ăn cơm mắm cà, ăn vét đến thủng nồi.

Về giọng nói cũng rứa, có lẽ bản đồ nước ta chia ba khúc có âm vực rõ ràng, âm hưởng khác nhau hẳn. Từ Thanh Hóa trở ra nói theo giọng Bắc; từ Nghệ An trở vào đến Thừa Thiên nói theo giọng Trung; chỉ qua đèo Hải Vân là giọng nói đã mang âm hưởng gần gần giọng Nam. Bởi vậy, người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang… vào sống ở Sài Gòn chỉ vài ba năm là họ có thể nói rặt giọng Nam Bộ; còn người Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… có nhiều người ở miền Nam hoặc miền Bắc vài chục năm vẫn không đổi giọng được, phải đợi con cháu, các thế hệ sau mới thực sự đổi giọng Nam hoặc Bắc.

Về ẩm thực, người miền Bắc chỉ ăn mắm tôm, không bao giờ ăn mắm ruốc. Nhưng người Huế thì dù đi đến đâu cũng phải tìm mua cho được mắm ruốc Huế chứ không hề ăn mắm tôm. Người miền Nam không thích ăn cả hai thứ mắm tôm và mắm ruốc, thức ăn miền Nam thường chỉ nêm nếm nước mắm, muối, bột ngọt, đường…
Dân Huế đi đâu cũng nổi tiếng ăn ớt rất cay ít ai theo kịp. Bởi rứa, hồi thời Ngô Đình Diệm bắt người Hoa phải vào quốc tịch Việt Nam mới cho làm nhiều ngành nghề như người Việt. Nếu cứ giữ quốc tịch Hoa thì bị cấm 17 ngành nghề. Từ đó có “Người Việt gốc Hoa”, nhiều người hài hước thêm vào “Người Việt gốc rau muống” (để chỉ người Bắc) “Người Việt gốc giá sống” (là người Nam) còn người Huế là “Người Việt gốc ớt”.

Về các món chè thì người Huế rất phong phú, bất cứ thứ gì cũng nấu thành chè, từ hột kê, gạo nếp, đậu cho đến củ khoai tía (trong Nam gọi là khoai mỡ chỉ nấu canh) củ khoai từ, khoai mài, khoai lang, bột sắn… Những hàng chè ở Huế có khoảng 20 thứ chè, ngoài hột sen, đậu ngự, bột lọc bọc thịt quay là những món chè cao cấp, còn có đủ loại chè khác. Trong Nam hay ngoài Bắc chỉ có độ 5, 7 món chè: Đậu đỏ, bánh lọt, chè xôi nước, đậu xanh, sâm bổ lượng – là chè của người Tàu – Miền Bắc nổi tiếng nhất có chè đường xôi vò, chè kho, chè thạch…

Đi ăn cỗ ở Huế theo truyền thống phải đúng là “Mâm cao cỗ đầy”. Mâm là mâm đồng chạm có 3 chân cao (ở thôn quê, mâm gỗ cũng có 3 chân). Thức ăn phải hàng trăm dĩa nhỏ xếp chồng chất lên 3 lớp đầy vun, thật đúng nghĩa mâm cao cỗ đầy. Thời nay, vì đa số dùng bàn ăn chứ ít dùng sập gụ, phản gỗ, nên mâm cao cỗ đầy cũng không còn nhiều nữa, họa hoằng mới còn một đôi nhà theo kiểu xưa.

Phụ nữ Huế nổi tiếng về làm mứt bánh. Ngày Tết nhà nào cũng có vài chục thứ mứt bánh. Nhà đông con gái thì càng “làm khéo” để khoe tài Công Dung Ngôn Hạnh. Học trò trường Đồng Khánh xưa, chỉ thuần nữ sinh, nên ngoài những môn học bình thường còn được học may vá thêu thùa, học nấu ăn và cả môn dưỡng nhi. Ai đã học qua chừng 4 năm ở trường Đồng Khánh là có thể tự đan áo len, tự cắt may quần áo và thêu thùa, biết nấu ăn rất nhiều món, kể cả các món bánh kẹo, bánh ta và bánh Tây.

Về ngôn ngữ người Huế có nhiều cách nói thật lạ, nếu không là dân Huế lâu năm, không sống cả nơi thôn quê và thành thị thì không thể hiểu được. Ví dụ: “Ăn một chắc, làm một mình”“chắc” ở đây là chỉ Một người. Nhưng “Hai cấy dôn đập chắc” (nghĩa là hai vợ chồng đánh nhau) “chắc” ở đây lại là Hai người. Hoặc “Ăn xong nhớ để đèng cho tui với hí” thì “để đèng” không phải là thắp cây đèn để đó, mà “để đèng là để dành, để phần”. Về chuyện này đã có một kinh nghiệm đắt giá của một anh chàng “tứ xứ” về cưới một cô gái nông thôn Huế. Cô vợ bận ra đồng, bảo chồng: “Anh ăn xong nhớ để đèng cho em hí” ở nhà anh chồng ăn cơm xong, liền thắp một ngọn đèn để ở bếp, chẳng may con mèo đuổi chuột làm đổ đèn cháy rụi cả gian bếp, từ đó anh chồng mới hiểu “ngôn ngữ” của vợ. Nhiều chữ nếu không hiểu cứ ngớ ra tưởng người nước ngoài nói như “Đi lên côi tê, đi xuống dưới nớ”.

Độc đáo nhất là hai chữ “Ấy và Mình” nó độc đáo vì không nơi nào nói như rứa, mà ở Huế cũng không phải ai cũng nói như rứa. “Ấy và Mình” chỉ dành riêng cho một lớp người Huế mà thôi. Lớp già cả, lớp quý tộc không ai nói “Ấy và Mình”. Đàn ông con trai cũng không ai nói “Ấy và Mình”. Thời tiểu học, bạn bè gọi nhau là “Mi Tau” kể cả trai và gái. Miền Bắc học trò thường gọi nhau là “Tớ, cậu, đằng ý”, ở miền Nam, học trò gọi nhau là “Mày, Tao”, gần đây, học trò thường gọi nhau là Bạn hoặc gọi tên. Thời tiểu học ở Huế thường gọi “Mi Tau”, lên trung học, đại học, chỉ riêng các nữ sinh mới gọi nhau “Ấy và Mình”, nam sinh vẫn gọi nhau là “Mi Tau” có khi là “ông và tui”. Một số bạn gái gọi nhau bằng tên, nhưng đa số và rất độc đáo vẫn gọi “Ấy và Mình” cho tới lớn khôn, đi làm rồi, có gia đình rồi, gặp lại nhau vẫn gọi “Ấy và Mình”, nghe rất lạ. “Ấy và Mình” vừa thân mật, vừa lịch sự, không suồng sã, vừa êm tai, nghe thật ngọt ngào, dễ thương chi lạ!

Chỉ có con gái Huế mới xưng hô với nhau “Ấy và Mình”, cả nước không nơi nào xưng hô như vậy. Rất riêng của Huế. Lúc còn ở Huế, cứ coi mọi chuyện là thường, không quan tâm gì mấy. Xa Huế rồi mới thấy nhớ da diết, nhớ tất cả những gì có liên quan tới Huế, nhớ nắng, nhớ mưa, nhớ giọng nói, nhớ món ăn, nhớ bạn bè và nhớ nhất bạn bè vẫn gọi nhau “Ấy và Mình” một cách xưng hô thật dễ thương.
 
                                               Hoàng Hương Trang 

READ MORE - “ẤY VÀ MÌNH”, CÁCH GỌI NHAU CỦA PHỤ NỮ HUẾ - Hoàng Hương Trang

SÁNG NGHE THU KHẼ, THU NHỚ CẦN THƠ ĐÊM GIÃ TỪ - Thơ Nguyên Lạc

 



SÁNG NGHE THU KHẼ
 
1.
Sáng nay hiu hắt thu phong
Ngồi nghe thu khẽ nỗi lòng thu xưa
Cạnh bên có một tách trà
Mình tôi ngồi uống sao mà không em?
 
Cô đơn đời chắc đã quen
Sáng nay sao lại ưu phiền mênh mông?
Có ai chia với tôi không?
Sớm thu cô lữ nỗi lòng tha phương
 
Em ơi tôi nhớ mùi hương
Trầm ngon môi ngải ngoan thương thu nào
Hôm nay không biết tại sao?
Thu phong se lạnh lại trào môi xưa!
 
Thì ra tôi vẫn mãi chưa
Quên đi kỷ niệm mộng mơ thiếu thời
Làm sao quên được người ơi?
Cái thời huyết phượng chung đôi đường tình
 
2.
Có ai chia với tôi không?
Sớm thu se lạnh nỗi lòng sương rơi
Bao năm thu vẫn một tôi
Thu phong lạnh lắm sao ngồi chi đây?
 
Vời chi lá đỏ mắt đầy?
Mở chi ngăn nhớ để bay hương người?
Ngồi đây tôi với riêng tôi
Tách trà. Nỗi nhớ. Một đời buồn tênh!
 
Dặn lòng đừng nhớ ... hãy quên!
Cách nào quên được thân thương một thời ... ?
Thu về tôi lại một tôi
Nghe hồn lá khẽ ... Một đời tan hoang!
 
Hồn tôi chùng một cung đàn
Mùa thu cùng với điêu tàn lưu vong!
 
 
THU NHỚ CẦN THƠ ĐÊM GIÃ TỪ
 
1.
Thu về tôi nhớ lắm
Nhớ lắm nhớ một người
Một người của một thời
Một thời xuân mộng đó
 
Cần Thơ đêm lộng gió
Đèo nhau con đường quen
"Người còn nhớ hay quên"? [*]
Tay ôm đầu nghiêng tựa
 
Tóc huyền êm nhung lụa
Môi khúc tình thiết tha
- Mai anh rừng núi lạ
Có nhớ phố thân quen?
 
Người rồi chốn quan san
Mang theo hồn ... bối rối
Nụ hôn ngon góc tối
Run rẩy đôi vai gầy
 
2.
Tang thương ai có hay!
Bão loạn kiếp đọa đày
Mười năm rồi trở lại
Dã nhân khóc "mây bay"!
 
Cố nhân tìm đâu thấy
Vẫn phố xưa đường này
Nhưng sao giờ lạ lẫm
Đâu phiến môi đắm say?
 
3.
Thu về nơi phố lạ
Lá phong lệ đỏ đầy
Quắt quay hồn cô lữ
Nhớ người ... Nhớ lắm thay!
 
Thu phong lá thở dài
Buồn tôi hay buồn ai?
Một mùa thu lại đến!
Bao năm rồi tình hoài
 
Thu về nơi đất khách
Tôi nhớ lắm một thời
Tôi nhớ lắm mắt môi
Biết bao giờ thôi đây?
 
Loạn cuồng đời lá bay!
Người bay tận phương nào?
"Làm sao mà quên được?" [*]
Nụ hôn góc đêm nao
 
4.
Cố nhân! Tôi nhớ lắm
Đêm Cần Thơ giã từ
- Mai anh miền quan tái
Xa vắng em đợi chờ ...
 
Bao giờ... biết bao giờ?
Cố nhân ơi nghìn trùng
Mù xa tình sương khói
Tìm đâu? Chỉ huyễn mong!
 
Tha hương... mòn ... năm tháng
Còn chi? Chỉ hư không!
Quên đi! Lòng hằng nhủ
Nỗi nhớ vẫn y nguyên!

..........

[*] Lời nhạc trong bài Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên - Phạm Duy
 
Nguyên Lạc 

READ MORE - SÁNG NGHE THU KHẼ, THU NHỚ CẦN THƠ ĐÊM GIÃ TỪ - Thơ Nguyên Lạc