Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 10, 2020

KHỜ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG - CẢM NHẬN KHI ĐỌC ‘VIẾT CHO KHỜ’ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Trần Thị Hồng Châu

 


Tác giả Trần Thị Hồng Châu


KHỜ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG 

 CẢM NHẬN KHI ĐỌC ‘VIẾT CHO KHỜ’

CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

*

Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 mà người ta xem chữ TÌNH nhẹ phều.

Người ta có thể thay người yêu như thay áo, có thể đem chuyện tình cảm ra mua bán, giao dịch, đổi chác... Bữa nay quấn quýt anh anh em em, ngày mai đã quay phắt lạnh như tiền, gọi nhau thằng này con kia... Thế nên chuyện TÌNH "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" mà Cụ Nguyễn Du nói đến cách nay mấy trăm năm đã xưa lắm rồi, đã dần khan hiếm lắm rồi! Nếu có người vì tình còn vương, còn vấn, còn tiếc, còn nuối, sẽ bị người ta cho là ĐIÊN, là KHÙNG mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến lại có hẳn một bài thơ VIẾT CHO KHỜ về sự “điên”, “khùng” ấy với những vấn vương, tiếc nuối.

Thơ Đặng Xuân Xuyến tôi đọc cũng kha khá và đã yêu thơ của tác giả này... Nhưng vì biết khả năng mình không thể viết ra hết được tài điều khiển vần, điệu, chữ, nghĩa... và càng biết không thể diễn tả hết những tâm ý sâu xa làm con tim thổn thức, làm cảm xúc rung rinh thỏa độ ghiền, đủ độ say của mình trong những bài thơ của tác giả này, nên chỉ ngốn ngấu cầm lên, rồi hả hê đặt xuống…

Vậy mà không hiểu sao sau khi đọc VIẾT CHO KHỜ bài thơ cứ vấn vít không cho tôi làm gì, nghĩ gì, yêu thích gì... cứ như hồn vía bị bắt đi, bịt mắt lại... để chỉ được nhìn nó, thì thầm, thủ thỉ với nó mà thôi...

Triền sông chiều nay cạn gió

Ai dụi câu hò

Ai dúi cánh cò líu ríu qua sông

Ai lùa gió đốt lòng

Ai bủa giăng chim trời mà đợi

Khờ hỡi...

Biết rồi

Sao còn vít vương tơ rối.

 

Ngẩn ngơ chi thì thầm lời của gió

Thương nhớ gì lộc cộc tiếng ngõ khuya

Thì kệ nắng quái trưa

Thì mặc mưa mút mùa

Thì thả nụ yêu quá thì chìm nổi

Để rồi tong tẩy cuộc người

Để rồi xéo xắt miệng đời

Để rồi nụ cười bảy chìm ba trôi chín rối...

Khờ hỡi

Biết rồi

Sao nặng lòng vít vương tơ rối...

 

Về thôi!

*.

Hà Nội, chiều 10-09-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

-------------------

(in tại chuyên mục: QUÁN THƠ HƯ VÔ 396 trên báo Việt Luận (Úc) - Viet’s Herald on Friday, September 18,2020)

"Khờ" là tính từ chỉ nhân cách. Là một cách gọi ở thời đại 4.0 này cho những người có trí tuệ thông minh, nhiều hiểu biết... mà không buông bỏ được TÌNH, còn bị TÌNH làm cho long đong lận đận, luẩn quẩn loanh quanh vương vào rối rắm gỡ mãi không ra.

Nếu như “duyên trời” (gió) đã đưa thứ gì đó tới cho mỗi chúng ta: Có thể là một báu vật, có thể là một bình “rượu độc” “hương mê”… mà thế gian gọi là TÌNH để ta thương yêu, chiều chuộng, để ta đắm chìm vào đó mà mê, mà say… thì sẽ có người may mắn được cái duyên lâu bền, cái tình đằm thắm… Những người này thì khỏi nói, vì “duyên ấy”, “tình ấy” sẽ nên vợ nên chồng đến răng long tóc bạc, làm gì có ai khờ ai dại ở đây! Nhưng cũng có một số người gặp phải duyên ít, tình cạn mau để anh đi đường anh, em đi đường em... để rồi có Khờ, có thơ VIẾT CHO KHỜ

Bài thơ VIẾT CHO KHỜ là viết cho ai? hay cho chính tác giả?

Kệ! tôi không cần biết là ai! Chỉ biết khi đọc bài thơ này thì thấy, Trời ơi, khờ gì mà khờ quá mức? Khờ đau, khờ đớn, khờ hết chỗ nói, khờ hết thuốc chữa!

Phải chăng bởi tại thể loại bài thơ là thơ tự do, phong cách lại hiện đại, phóng khoáng cho tư duy bay lên, cùng với cách sử dụng những biện pháp tu từ đặc biệt như hoán dụ, lặp từ, so sánh… cùng quấn quyện với hình ảnh, âm ngữ dân gian sau lũy tre làng có con sông bến nước, có bãi mía nương dâu, như trong ca dao dân ca… đã làm tôi cứ tưởng tượng, cứ suy diễn, cứ lan man… để rồi một hình hài, một tâm hồn, một quãng đời của một con người rất là khờ hiện ra trước mắt tôi..

Cả bài thơ chả thấy tác giả dùng gì đến những chữ: chia tay, ly dị, bỏ đi… mà chỉ là "cạn gió". Gió cạn được ư? - phải chăng chỉ là giữa người với người dưới một mái nhà duyên đã tận, tình đã hết.

Bài thơ cũng chẳng kể lể dông dài những nguyên nhân "ai" phá đi niềm vui, hạnh phúc, làm xáo trộn sự bình yên, đã thiêu rụi cuộc tình, mà ta chỉ thấy câu hò bị "dụi", cánh cò bị "dúi", gió bị "lùa" và chẳng thể “bủa giăng" nhau nữa… Người ta đã buông bỏ cuộc tình này rồi, đã phủi tay, xoay mặt sạch rồi, không vớt vát nổi tí gì nữa rồi… mà sao:

Khờ hỡi

Biết rồi

Sao còn vít vương tơ rối

"Biết rồi - sao còn vít vương tơ rối" để rồi tự hành hạ, tự đày đọa cả thể xác lẫn tâm hồn. Để rồi biến mình, biến cuộc sống của mình ra thế này đây:

Ngẩn ngơ chi thì thầm lời của gió

Thương nhớ gì lộc cộc tiếng ngõ khuya

Thì kệ nắng quái trưa

Thì mặc mưa mút mùa

Thì thả nụ yêu quá thì chìm nổi

Để rồi tong tẩy cuộc người

Để rồi xéo xắt miệng đời

Để rồi nụ cười bảy chìm ba trôi chín rối...

Khờ hỡi

Biết rồi

Sao nặng lòng vít vương tơ rối…

 

Về thôi

Biết tình đã mất, biết người đã phụ bạc, biết mình đã te tua mà vẫn còn "nặng lòng vít vương tơ rối" thì gọi là KHỜ chứ còn gọi là gì?

Mà sao cái tính cách "Khờ" mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến vẽ bằng những biện pháp tu từ đặc biệt và những tiếng gọi "Khờ hỡi" - "Về thôi" lại làm tôi (người làm mẹ) nao lòng, lo sợ đến vậy!

Phải chăng cái thời buổi ngày nay, nhân tình thế thái đã quá tụt dốc. Giềng mối gia đình đã quá lỏng lẻo...đã đẩy những con người, dù họ có là bác sĩ, luật sư, là ông này bà nọ,... mà quá nặng lòng với TÌNH, khi mất tình thì họ sẽ thành kẻ khờ? Liệu ai biết được một mai có ai cạnh mình, hay chính con mình có trở thành kẻ khờ không cơ chứ?

"Khờ hỡi - Về thôi" là tiếng gọi diết da, là sự nhắc nhở chúng ta cố sao tôn trọng tình yêu, giữ cho trọn tình, trọn nghĩa tào khang, đừng làm cho xã hội có nhiều KHỜ nữa.

Phải chăng tác giả cũng đang gọi chính mình???

Bài thơ VIẾT CHO KHỜ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến hay quá! Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc

*.

Germary, 09 tháng 10-2020

TRẦN THỊ HỒNG CHÂU

Địa chỉ: Meissner Str 316a, 01445 Radebeul,

Garmany (Cộng hòa Liên bang Đức).

Email: hongt4368@gmai.com

Điện thoại: 004915256432988

 

.


READ MORE - KHỜ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG - CẢM NHẬN KHI ĐỌC ‘VIẾT CHO KHỜ’ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Trần Thị Hồng Châu

DÒNG SÔNG TRĂNG: CẢM NHẬN THƠ TỐNG THU NGÂN (Bút danh Mimossa Tím) - Lê Yên

           

CẢM NHẬN THƠ TỐNG THU NGÂN 

(Bút danh Mimossa Tím)

       

Nhà thơ Tống Thu Ngân.

Ảnh từ ohay.tv

 DÒNG SÔNG TRĂNG


   Ánh sáng trải dài như một dòng sông. Bàng bạc, dịu dàng, đắm say. Cứ thế từ nơi cao nhất cho đến lá cây, ngọn cỏ, ánh sáng như thầm thì, nâng niu từng chút cảm xúc để rồi nhẹ nhàng len lỏi vào tâm tư… Cảm giác chậm lại để giữ lấy sự thăng hoa như chạm vào ánh trăng vàng không thể thiếu nơi nhân gian.

   Tôi mở rộng cửa bước ra bên ngoài, trời đêm se lạnh với trăng Thu. Trăng miên man và cứ thế bất tận.Tôi liên tưởng đến dòng thơ Nữ Sĩ Tống Thu Ngân…Như một dòng sông trăng trôi trên vạn vật.Yêu thương! Yêu thương không mỏi mệt, từng chút cung bậc cảm xúc con người cho đến thiên nhiên đong đầy trong trái tim Mimosa Tím.Thời gian cho chị trải nghiệm cuộc trần ai. Tất cả đã gieo mầm trong một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Đến một ngày con chữ chắp cánh thoát thai hóa thơ bay lượn. Trong tâm tưởng của tôi, đôi cánh mỏng thiên thần  mang cảm xúc đến, và bắt gặp mình đâu đó trong giọt nắng, giọt mưa, niềm vui hay nỗi buồn khát khao tốt đẹp trong dòng thơ Mimosa Tím, lấp lánh như ánh trăng vàng nghiêng qua dòng sông…

   Tôi viết bài này trong ngày tháng bảy. Khoảng thời gian người con luôn nao lòng nhớ về mẹ, Cảm xúc đó như vỡ bờ khi bắt gặp những vần thơ Tống Thu Ngân đã viết:

     “Mẹ đã đưa các con đi khắp nẽo đường đời

       Đưa các con đến những chân trời ước mơ

       Các con đã bay xa, bay cao và có bao giờ nghĩ lại

       Ở cuối con đường một mình mẹ đứng chênh vênh…”

       (Con Đường Của Mẹ.)


   Những gì mẹ đã làm cho con…Ưu tư trong lòng mẹ… Mẹ ơi! Lòng con nặng trĩu. Con yêu mẹ.


   Chỗ của mẹ luôn là cao nhất trong trái tim con. Không có sự biết ơn nào vừa với yêu thương và hy sinh mẹ đã cho. Không có một thứ tình nào sánh bằng tình mẹ.  


   Con đã nhìn thấu mẹ ơi! Con đường mẹ đã trải qua để có con ngày hôm nay và rồi sớt chia với con đắng cay cuộc đời những lúc con yếu đuối, đau khổ nhất. Chỉ cần có mẹ ở bên, lòng con nhẹ nhõm đi nhiều.

   “Đã tự bao giờ vắng những bữa cơm

     Có cha mẹ và các con đông đủ

     Đã tự bao giờ nếp nhà xưa cũ

     Đã phai lần trong cơn lũ văn minh…


     Bữa cơm nghèo ngày xưa còn có được

     Mẹ bới cơm, cha đưa chén đợi chờ

     Bữa cơm nghèo đầy đủ con thơ

     Ông bà cùng ngồi mâm rộn rã…

     (Bữa Cơm Gia Đình)


    Đọc những khổ thơ trên của tác giả, sao giống hình ảnh bữa cơm ngày xưa từ gia đình tôi. Tôi tin chắc rằng, nếu quay ngược thời gian về thời điểm đó, những bữa cơm gia đình  đều quay quần, đầy tràn yêu thương, chăm sóc từ các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Cuộc sống càng văn minh “Bữa Cơm Gia Đình” trở nên như thứ xa xỉ…Chạy theo văn minh và cảm giác yêu thích vật chất, danh lợi khiến ta mất nhiều thời gian với ngoại vật! Đời người được mấy năm mà thả trôi trong phung phí đam mê, quên mất những người thân yêu bên cạnh. Biết đâu ngày mai ta không còn cơ hội… “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.(Nguyễn Du) 

    Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông

    Cho dòng nước ngược chảy vào lòng

    Thế gian rộng quá mà sao hẹp

    Nên để nỗi buồn chảy vào trong…

          (Hái Vội Nhánh Buồn)


   Hay quá! Tôi không khỏi buột miệng thốt lên như thế. Dòng thơ “Ngụ Ngôn Tình” của nhà thơ Tống Thu Ngân rất riêng không lẫn với ai được, cũng không bị ảnh hưởng một tác giả hay dòng thơ nào. Mimosa Tím đã đưa cảm xúc hòa vào dòng sông, con đò, trái bầu, trái bí… Chuyển tải mọi cung bậc trong nội tâm con người để nhìn rõ hơn khi mình đứng ở góc độ khách quan nhìn lại…(Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông/ Cho dòng nước ngược chảy vào lòng/ Thế gian rộng quá mà sao hẹp/ Nên để nỗi buồn chảy vào trong…) Cô đơn và thật nao lòng…! Tìm đâu tri âm, tri kỷ. Con người cảm thấy cuộc sống trở nên tẻ nhạt, vô vị, khi chiều hướng hưởng thụ và thực dụng lớn dần, họ cũng cố địa vị và cái tôi hầu được tôn vinh. Ganh đua là điều tất yếu. Niềm tin vào con người cũng giảm đi, phòng thủ trong thế giới riêng mình giữa một thế gian rộng đầy biến động. Cho dù nỗi buồn có chảy vào trong, tác giả đã chuyển hóa nỗi cô đơn, tìm thấy hóa thân của mình qua dòng “Ngụ Ngôn Tình” được độc giả yêu thích và đón nhận.


   Tại sao ta phải yêu người,yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật, và phải biết yêu bản thân? Mỗi ngày biết tặng cho mình, cho người, những nụ cười. Yêu thương là quà tặng nên không cần phải đắn đo suy nghĩ. Con người không có tình yêu như ngày thiếu nắng.

   Không thể nào ở mãi trong bóng đêm

   Con sẽ bước ra ánh sáng mặt trời

   Với nụ cười tỏa nắng

    Với tình yêu nhân loại lên ngôi

    (Rồi con sẽ bước ra ánh sáng)


   Tôi cứ mải mê đọc và muốn viết, muốn cảm theo cách riêng mình. Chắc một điều tôi phải nhường sự hấp dẫn, lôi cuốn, này cho bạn đọc tự trải nghiệm để cho ra kết luận. Nữ Sĩ Tống Thu Ngân luôn tặng độc giả một cái nhìn mới, lạc quan, và tích cực qua dòng thơ  tăng trưởng không mệt mỏi, như trái chín thắm màu…


   Mỗi người đến trong cuộc đời có một sứ mệnh và một giá trị. Nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) không muốn khẳng định tên tuổi, nhưng tự thân nó hiện hữu, tồn tại, và khẳng định.Tất cả cứ nhẹ nhàng như một dòng sông chảy theo mạch nguồn từ đất mẹ thiên nhiên. Mạch cảm xúc của nhà thơ thật phong phú trong tất cả mảng đề tài, chất liệu sống không bao giờ cạn. Thơ với Mimosa Tím như hơi thở, khí trời là món quà thượng đế ban tặng. Trái tim như mách bảo “Hãy thổi hồn vào thiên nhiên vạn vật…” Nhờ đó chiếc lá xanh hơn, tia nắng ấm áp hơn, và giọt mưa biết cuốn trôi nỗi buồn…


   Cô nữ sinh trung học ban C với những vần thơ mộc mạc, giản dị cho đến khi đứng trên bục giảng đường với chuyên môn về phương pháp giảng dạy, niềm đam mê văn chương trong lòng vẫn tha thiết. Sự rõ ràng, khoa học không làm cho thơ Tống Thu Ngân khô khan cứng nhắc, chỉ thêm phần chặt chẽ, logic khi bước vào không gian con chữ. Đó là ưu điểm dòng thơ nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) 


   Thượng đế đã gieo hạt giống trong trái tim nhỏ ngày chị đến nhân gian, và hạt giống đó đã sinh sôi nảy nở giữa hạnh phúc lẫn đau khổ của cuộc đời. Hạnh phúc không thể tách rời đau khổ. Con người cảm nhận được đau khổ mới ý niệm thế nào là hạnh phúc…


   Mỗi một thi phẩm đều xuất phát từ sự thật trãi nghiệm. Thơ Mimosa Tím giàu hình ảnh, tính nhạc, dễ gần với mọi tầng lớp độc giả. Mỗi một bài là một thông điệp cuộc sống muốn đánh thức bản thân, trong sâu xa, muốn đánh thức nhân loại. Khi đặt bút xuống, dù là đề tài nào, kim chỉ nam cũng cho yêu thương, tích cực,và lạc quan, độc giả có thể nhận ra điều đó ở khổ thơ cuối của mỗi bài thơ. Chị không thả trôi sướt mướt hay chán nản uất hận vì chị ý thức được tầm ảnh hưởng ít nhiều đến độc giả. Chị muốn truyền tải năng lượng sống tốt đẹp!


   Trong một lần tôi được trao đổi cùng nữ sĩ, Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) đã nói lên những đam mê, khao khát của mình, là muốn đưa văn học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới, muốn gìn giữ văn hóa Việt với tất cả yêu thương và trân trọng.


   Tống Thu Ngân đã đăng thơ trên các trang mạng từ 2015 và bắt đầu viết chuyên nghiệp từ 2017 cho đến nay.Với một nguồn năng lượng không cạn, nhà thơ đã chạm mốc 1.500 thi phẩm. 150 bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Tác giả đã xuất bản 6 đầu sách. Sắp tới, chị dự định ra thêm đầu sách thứ 7. Phải chăng trong chị là mạch nguồn của một dòng sông luôn đắp bồi phù sa cho đôi bờ, và cứ thế miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ… Tâm an định giữa biển người vạn biến/ Hiến cho đời trái ngọt đến muôn niên.


   Tham gia hầu hết các nhóm thơ trong và ngoài nước, gần đây Tống Thu Ngân còn sáng tác nhiều thi phẩm bằng tiếng Anh và đã được nghệ sĩ văn học các nước đăng lên trang nhà. Đó cũng là niềm vinh dự cho tác giả, một nhà thơ người gốc Việt Nam được hòa nhập cùng văn học thế giới, cũng là niềm tự hào cho văn học Việt Nam.


    Nhắm mắt lại thả trôi cảm xúc… Không biết tôi có giống bạn không? Hãy đến và khám phá dòng thơ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím), biết đâu bạn sẽ tìm thấy dòng sông cảm xúc của mình thăng hoa qua từng thi phẩm thơ, nhạc, thật nhẹ nhàng, bàng bạc và mênh mông. Tôi nhìn thấy ánh sáng đó bất tận, cứ thế mênh mông…!


   Cám ơn Nữ Sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) với sức cống hiến của chị, đã góp phần nâng tầm và gìn giữ văn học Việt Nam trong muôn phần trân trọng!


Sài Gòn 10/9/2020

LÊ YÊN


READ MORE - DÒNG SÔNG TRĂNG: CẢM NHẬN THƠ TỐNG THU NGÂN (Bút danh Mimossa Tím) - Lê Yên

EM ĐI - Thơ Đặng Xuân Xuyến



 EM ĐI

- với TTQT -

 

Em đi

bóng đổ đèn mờ

Phố xưa nhạt tiếng bao giờ lại quen

Anh về ướp mật ủ men

Đã mười năm

phố vẫn chen gió lùa.

*.

Hà Nội, ngày 09 tháng 10-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - EM ĐI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

NÉT HUẾ - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Phạm Bá Nhơn - Ca sĩ: Vân Khánh (Youtube)

READ MORE - NÉT HUẾ - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Phạm Bá Nhơn - Ca sĩ: Vân Khánh (Youtube)

ĐIỆU ĐƯA NÔI - MacDung đọc thơ Diễm Thuyên

 

Nhà thơ Diễm Thuyên, hội viên Hội Nhà văn TP HCM

ĐIỆU ĐƯA NÔI

 

Ầu ơ… hãy ngủ cho ngoan…

Đêm tối hầu chàng con chữ đưa nôi…!


Mạn phép cùng bạn đọc khi ngẫu hứng làm nên câu lục bát, nếu không đúng vần luật xin bỏ quá cho, vì không phải ai cũng biết làm thơ!…


Điệu đưa nôi chắc các bà mẹ và đức ông chồng nào cũng biết, bởi nó gắn liền với Văn hóa Gia đình, ai cũng từng được hưởng thụ và đích thân thực hiện. Nhưng!... Có một điệu đưa nôi xem ra độc nhất vô nhị với cách nhìn bao quát vốn hạn hẹp của tôi chưa nói hết sự khách quan – Đó là Đưa Nôi Con Chữ!


Nhà thơ Diễm Thuyên có lẽ là bà mẹ sinh ra điệu ru này, khi chơi trò đưa nôi con chữ như làm xiếc trong dòng lục bát yêu thích của mình. Khó có thể tưởng tượng các cặp từ trùng vận hoặc lấp láy giữa các âm tiết trong câu, được tác giả hoán vị, chơi trò “nhảy cóc” như điệu “đưa nôi” ở vị trí câu 6 và 8 hình thành một thế trói buộc về nội dung, đôi khi thay đổi nghĩa, làm chao đảo người tiếp cận. Như làm khó bạn thơ, Diễm Thuyên cho thấy sự biến hóa các con chữ còn muôn mặt và ai cũng có thể sử dụng điều này trên con đường chinh phục khách yêu thơ…


Mới xem Diễm Thuyên làm thơ có vẻ đơn điệu, nhưng khi quan sát kĩ mới thấy hết khả năng tiềm ẩn về Ý, đầy sâu sắc không phải ai “muốn” cũng làm được. Điều thú vị là đọc một dòng thơ tưởng như đơn giản nhưng giờ cuối mới phát hiện “nỗi đau” muộn màng mà tác giả âm thầm gieo vào lòng người đọc! Thật khó chịu!...

 

“CONG

Cong cong cái chỗ lòng vòng
Lòng vòng cái chỗ cong cong chúng mình

Cong vòng cái chỗ ái tình
Ái tình cái chỗ chúng mình vòng cong

Lòng vòng cái chỗ cong cong
Cong vòng cái chỗ vòng cong... hết đời!”

🖤🖤🖤
Thuyen Diem

 

“LỤC BÁT LẠI LẬT

 

Lục bát lay, lục bát lật
Lục bát lật lại, lại lật lộn nhào
Lục lại lộn bát lại lao
Lục bát lộn lại lật nhau đứ đừ

Lục bát lật lại lắc lư
Lục lắc bát lật ứ ư nhọc lời
Lục bát lại lật chơi vơi
Lục lật bát lộn lý lời ư ư...”

🖤🖤🖤
Thuyen Diem

 

Tiêu biểu cho nền văn học trẻ, mảng viết xuôi từ tác giả Diễm Thuyên chú trọng nội dung với cách thể hiện luận thuyết. Câu từ gọn. Ẩn ý. Bỏ qua độ bóng và mềm như phong cách Tản. Vì vậy đọc tác phẩm Diễm Thuyên, độ lọc tìm đến những độc giả có chiều sâu nội tâm…


Trình bày tác phẩm theo cách bỏ qua lời dẫn thoại để trực tiếp đi vào lời thoại nhân vật, khiến độc giả của Diễm Thuyên phải là người sành đọc khi giao tiếp với tác phẩm. Đây là phong cách trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rõ nét nhất!


Có vẻ Điệu Đưa Nôi từ tác giả Diễm Thuyên không chỉ dừng ở thi phẩm, đâu đó còn ẩn hiện trong dòng văn xuôi, làm nên tính cách một tác giả đa tài, giàu năng lực sáng tạo… Kiến tạo một lối sáng tác trực quan nhưng ý ẩn! Cái nôi con chữ từ nghệ nhân này xem ra đang làm nên thách thức trong cuộc chơi mở, tìm đến người đồng cảm…


Dù sao…

 

“HÔN

 

Thì mình cứ hôn đi anh
Hôn như là của để dành rất ngon

Hôn cho môi mọng miết mòn
Cho ta biết được mình còn miết nhau...

🖤🖤🖤

Thì mình cứ hôn đi em
Hôn cho đã một cơn thèm rồi ngưng

Suýt ngưng ta lại bảo đừng
Bảo đừng ta lại chẳng dừng cuộc hôn...”

🖤🖤🖤
20.10.2018
Thuyen Diem

 

Điệu Đưa Nôi không hẳn chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ!...

 

VL – 5.10.2020

MacDung


READ MORE - ĐIỆU ĐƯA NÔI - MacDung đọc thơ Diễm Thuyên

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” – Hoàng Hương Trang

Năm 2012, La Thụy được chị Hoàng Hương Trang tặng TUYỂN TẬP THƠ VĂN XUÔI HOÀNG HƯƠNG TRANG, trong đó có in những bài thơ cuối cùng, là “di cảo do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao cho chị Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời”. Những bài thơ này được in từ trang 398 đến trang 407 trong tuyển tập nêu trên. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.


           
   

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA”

                                                 Hoàng Hương Trang

Di cảo của Vũ Hoàng Chương (1975 – 1976), do Vũ Hoàng Chương trao cho Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời, đây là công bố đầu tiên di cảo này, gồm 14 bài, trong đó có 1 bài thơ Tết vịnh Tranh Gà Lợn, 12 bài cùng 1 nhan đề “Đọc lại người xưa”, còn 1 bài ông làm trong tù gồm 12 câu, phải làm 6 lần, mỗi lần bà Đinh Thục Oanh vợ ông vào thăm nuôi, ông chỉ viết 2 câu trên mảnh giấy gói đồ, 6 lần vào thăm nuôi ghép lại mới hoàn chỉnh bài thơ, tuy nhiên bài ấy do bà Đinh Thục Oanh giữ và nay đã thất lạc, Hoàng Hương Trang chỉ nhớ vỏn vẹn 1 câu: “Tối về Khánh Hội sáng vô Chí Hòa” để chỉ những cuộc thăm nuôi của bà Đinh Thục Oanh vào thăm ở Chí Hòa, lặn lội cuốc bộ về tới Khánh Hội ở đậu nhà bà Đinh Hùng thì trời đã chiều tối. Nhưng bài thơ này cũng là ngoài 12 bài liền mạch “Đọc lại người xưa”.
Hoàng Hương Trang nay cũng ở gần cái tuổi 80 rồi, sợ không giữ được, nên xin công bố, in vào tuyển tập sau này để lưu giữ được lâu dài, làm tài liệu cho văn học sau này.

READ MORE - NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” – Hoàng Hương Trang