Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 2, 2020

NHÀ THƠ KHA TIỆM LY ĐOẠT GIẢI NHẤT VIẾT VĂN TẾ NGUYỄN DU: VĂN CHƯƠNG RẺ HƠN BÈO - Châu Thạch



Hiện nay trên đài Truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh thường chiếu một trò chơi gọi là “Thách Thức Danh Hài”. Trong trò chơi này, thí sinh ra đứng trước mặt danh hài Trấn Thành và Trường Giang, họ chỉ cần làm hề cho một trong hai người nầy cười là được tiền. Cười lần 1 lãnh 2 triệu, cười lần 2 được ngay 10 triệu và nếu chọc cho  họ cười đến lần thứ 5 thì  thí sinh ôm về cho mình trọn 100 triệu. Đã có nhiều thí sinh trong vòng 5 phút, lảnh gọn số tiền lớn ấy.

Vừa qua nhân kỷ niệm 255 ngày sinh và 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, một cuộc thi viết văn tế cho đại thi hào đã được tổ chức. “Cuộc thi ‘Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du’ ” do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020 nhằm hướng tới Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du tại trụ sở Hội Kiều học Việt Nam, Ban tổ chức Cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đã tiến hành họp hội đồng Chung khảo. Ban tổ chức nhận được nhiều bài dự thi của các cây bút trong nước và nước ngoài thể hiện rõ sự công phu trong việc sưu tầm tư liệu, được sáng tác theo thể Văn tế (tức là bài viết gồm hầu hết các cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài) nhằm tôn vinh và tái hiện lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.

Chung khảo, bài văn tế Nguyễn Du của nhà thơ Kha Tiệm Ly đoạt giải nhất toàn quốc. 

Nhận được lời mời của Ban Tổ Chức cuộc thi, nhà thơ Kha Tiệm Ly cất công từ Mỹ Tho ra Hà Tỉnh để nhận giải thưởng lớn và vinh dự của đời mình. Ai cũng tiên đoán lần nầy Kha Tiệm Ly trúng lớn, số tiền ít nhất cũng cao hơn nhiều lần so với trò chơi diễn hề trên TV, hoặc bằng một cuộc nhậu của các vị tai to mặt lớn. Có lẽ nhà thơ Kha Tiệm Ly cũng nghĩ thế, ông mời thêm hai thi hữu tâm đắc là Du Phong và Ngã Du Tử cùng tháp tùng ra Hà Tỉnh tham dự buổi lễ trọng đại kia. Tiền vào tay thi sĩ thì ai cũng biết sẽ như gió bay thôi, họ dự trù lảnh thưởng xong sẽ bay ra Hà Nội, vào Huế, đến Đà Nẵng, dùng tiền thưởng ấy để chia sẽ niềm vui cùng bạn bè, bù khú cho đến hết thì thôi.

Kết quả:

Nhà thơ Kha Tiệm Ly được vinh dự đứng hàng đầu để chụp ảnh. Phần thưởng vật chất, theo Kha Tiệm Ly cho biết, bằng tiền mặt là 10 triệu đồng, cộng thêm 500 ngàn đồng hỗ trợ tiền di chuyển từ Mỹ Tho ra Hà Tĩnh và trở vào. Số tiền nầy bằng số tiền thưởng cho người diễn hề để Trấn Thành cười trong phút thứ hai. 

Tiền thưởng ít quá, không đủ để đài thọ bạn mình tiếp tục di hành, Kha Tiệm Ly đành để hai bạn mình lên xe quay về Nam trước, còn Kha Tiệm Ly vẫn giữ lời hứa, tiếp tục ghé thăm bạn văn chương bằng cái túi rổng của mình. Cũng may, người người đều yêu mến Kha, chỉ cần gặp Hảo Hán, uống rượu gạo, ăn trái ổi chua để chúc mừng tài năng của bạn mình là thỏa lòng lắm rồi.  

Thật ra nếu đem so bài văn tế Nguyễn Du của Kha Tiệm Ly với câu khẩu hiệu mỗi chữ 1 tỷ đồng, hay so với các cổng chào của huyện của tỉnh dựng trên quốc lộ thì bài văn của Kha Tiệm Ly đạt giá trị cao hơn nhiều. Những thứ vật chất kia rồi sẽ không còn nữa nay mai, nhưng phú của Kha Tiệm Ly sẽ đi vào văn học, để lại cho trăm năm sau vẫn còn đó bài văn tế kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du, làm dấu ấn cho thế hệ hậu sinh của chúng ta, kính trọng thế hệ cha ông nó. 

Kha Tiệm Ly đã  phải bỏ 3 tháng để tư duy ngày  đêm vì bài văn tế kia, số tiền mười triệu trả không đủ 1/10 công lao động trí tuệ của ông, còn  9/10 kia không trả cho ông mà đem bài văn tế của ông in vào sách để xuất bản tức là “bóc lột thặng dư lao động trí tuệ” theo Karl Marx có đúng không nhỉ?

Với giá trị của một áng văn chương như bài văn tế của Kha Tiệm Ly, thiết nghĩ chỉ một tờ báo đăng bài văn tế ấy, trả tiền nhuận bút 10 triệu vẫn con ít. Vậy mà một cuộc thi do 3 đơn vị tầm cỡ Việt Nam tài trợ, lại trao giải thưởng quán quân chỉ 10 triệu đồng và 500 ngàn đồng tiền xe di chuyển gần 2000 km đến lãnh thưởng thật là quá ít, ít đến  không ai tưởng tượng nổi. 

Phải chăng văn chương ngày nay rẻ hơn bèo? 

                                                                       Châu Thạch 


READ MORE - NHÀ THƠ KHA TIỆM LY ĐOẠT GIẢI NHẤT VIẾT VĂN TẾ NGUYỄN DU: VĂN CHƯƠNG RẺ HƠN BÈO - Châu Thạch

NHỚ XƯA - Thơ Nhã My, nhạc Nguyễn Hữu Tân



                  Nhà thơ Nhã My



NHỚ XƯA

Nhớ xưa em tuổi mười hai
Cỏ non. Áo mỏng. Chân giày điểm sương
Đường xa hai đứa đến trường
Thương như áo nắng còn vương nắng lành
Bây giờ lối cũ buồn tênh
Bây giờ vắng tiếng em anh những ngày
Nhớ xưa tóc xỏa ngang vai
Hương bay theo gió cho ai thẩn thờ
Đêm về dệt mộng làm thơ
Bây giờ lẳng lặng ngẩn ngơ nhớ về
Nhớ xưa dáng nhỏ tóc thề
Hè sang nắng nhẹ vỗ về vai thon
Ai về nhỏ bước chân son
Để ai gối mộng mỏi mòn đợi trông
Bây giờ người đã sang sông
Nhớ xưa như nhớ mùa đông bẽ bàng

                                            Nhã My


  


READ MORE - NHỚ XƯA - Thơ Nhã My, nhạc Nguyễn Hữu Tân

LÀNG CHÀI - Thơ Trần Mai Ngân





LÀNG CHÀI

Một mình đi ngang qua làng chài
Dự báo thời tiết bão chiều nay
Thuyền đã về neo đầy bến cũ
Mà chúng mình vẫn cứ lạc nhau...

Giông tố đời giết giấc chiêm bao
Anh một phương xa em một phương
Và cứ thế mất dấu con đường
Về tổ ấm của ngày thu cưới...

Biển chiều nay thét gào sóng dữ
Nhấn chìm tan lời nói yêu đương
Em khản tiếng ...biển ơi trả lại
Anh ngày xưa - em cũ ngày xưa...

Làng chài chiều nay ngập gió mưa
Những thuyền neo xếp hàng đứng khóc
Duyên với phận thôi không trách móc
Dẫu thế nào mình cũng lạc nhau...   
                                  
                          Trần Mai Ngân

READ MORE - LÀNG CHÀI - Thơ Trần Mai Ngân