Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 11, 2020

ĐỀN MẪU HOA DƯƠNG - Đặng Xuân Xuyến

 

Ảnh từ trang Wechechin.vn


ĐỀN MẪU HOA DƯƠNG

Đền Mẫu, còn gọi là đền Hoa Dương, toạ lạc ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279), được dân gian tín là linh thiêng có tiếng.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc nhà Tống (Trung Quốc) xuống thuyền tháo chạy về phương Nam lánh nạn. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được người dân nước Việt Nam chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập nên làng Hoa Dương. Khi thái giám họ Du mất, dân làng tôn làm Thành Hoàng làng, mộ ông được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.

Tam quan của đền được xây theo kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, xây cửa vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ triện: “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán: “Thiên Hạ Mẫu Nghi”.

Đền Mẫu có năm cung thờ. Cung thứ nhất là cung thờ Phật, được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ XX do yêu cầu của người dân muốn bái Phật. Cung thứ hai thờ Quan lớn Đệ Nhất. Cung thứ ba thờ vọng Quan lớn Đệ Tam cùng với ban thờ Công Đồng. Cung thứ tư thờ Mẫu, tại cung này có bức hoành phi Mẫu Nghi Thiên Hạ. Cung thứ năm là cung cấm, còn gọi là hậu cung, cung này thờ Dương phi, một bà phi nhà Tống, cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là “rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Bên trái trục dọc này có ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, bên phải có ban Cô, ban Cậu.

Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18, 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Dương Quý Phi.

Giữa sân đền có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền. Đây là cây cổ thụ độc đáo nhất ở Bắc Bộ, đã có tuổi gần bảy trăm năm.

Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi ở thành phố Hưng Yên được dân gian ca tụng là một trong những ngôi đền linh thiêng ở miền Bắc về cầu tình duyên, cầu con cái và cầu của cải.

Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, thi đấu tổ tôm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn, hầu đồng. 

                   .....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

*

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

READ MORE - ĐỀN MẪU HOA DƯƠNG - Đặng Xuân Xuyến

SỢI TÓC - Thơ Lục bát 2020 - Lê Kim Thượng

 

Nhà thơ Lê Kim Thượng


Lục Bát 2020 

      LÊ KIM THƯỢNG      

 

SỢI  TÓC 

 

Em qua đường nắng ngọt hương 

Hàng Cây Gạo vẫn ven đường xôn xao 

Thương em da trắng, má đào 

Làn môi, sóng mắt gửi trao dỗ dành 

Áo tà trắng xóa mỏng manh 

Nghiêng nghiêng nón lá, thanh thanh dáng hiền 

Nắng qua bóng lá xiên xiên 

Gió đùa sợi tóc bay nghiêng môi cười 

Đỏ hồng đôi má hổ ngươi 

Dịu dàng lời nói, nụ cười giai nhân 

Bên em hơi thở rất gần 

Mùi hương con gái lâng lâng bềnh bồng 

Ru em... lòng ấp vào lòng... 

Võng đưa chao mãi... hương nồng Phù Dung 

Đôi tim hòa một nhịp chung 

Hoa Thiên Đường nở trên vùng băng trinh... 

                 *   

Tóc xưa buông xõa gợi tình 

Tặng tôi sợi tóc, đinh ninh lời thề

 Dẫu đi tám hướng sơn khê 

Vấn vương sợi tóc... tìm về thăm nhau 

Hoa trôi, nước chảy về đâu? 

Bên sông sóng vỗ chân cầu buồn tênh 

Cầu quê lắt lẻo chông chênh

 Một bên nhung nhớ... Một bên bồi hồi 

Hai người chung một trăng soi

 Cô đơn bên ấy... lẻ loi bên này 

Tình ta, như sợi khói bay 

Lắt lay theo gió Heo May cuối mùa 

Tình ta, mưa dội, gió đùa 

Để Lầu Hoàng Hạc bốn mùa hoàng hôn 

Tình ta, bới đất đem chôn 

Biết đâu đất có tâm hồn... buồn chung? 

“Đôi ta chẳng đặng, thì đừng 

Phận duyên Trời định... nửa chừng xa nhau...”                     

 

      Nha Trang, tháng  8. 2020 

           LÊ KIM THƯỢNG

 

 

 

 

 

 

 

“...” Ca dao

READ MORE - SỢI TÓC - Thơ Lục bát 2020 - Lê Kim Thượng

MỘT THỜI - Thơ Đàm Ngọc Năm

 Tác giả Đàm Ngọc Năm


MỘT THỜI

Leng keng, leng keng...
Chuyện xưa vọng lại
Một thời bươn chải
Tất cả vì thống nhất Non sông.

Leng keng, leng keng...
Những chuyến tàu điện đêm Đông
Nghe vang xa thế!
Nhớ thời xưa bỗng lòng chợt nghĩ
Mộc mạc thời khó khăn
Vẫn vang mãi đến bây giờ!

Như một giấc mơ...
Tự nhiên muốn quay về thời mộc mạc
Đơn giản thôi
Đâu cần nhiều tiền bạc
Dân thấy yên lòng trong mỗi bước ta đi!

                                            Đàm Ngọc Năm
                       


*****
Đàm Ngọc Năm
Khu đô thị Việt Sing, P.An Phú, TP Thuận An, Tỉnh Bình Dương.
READ MORE - MỘT THỜI - Thơ Đàm Ngọc Năm

LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ LỤC BÁT - Phạm Đức Nhì


        
                  Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Người làm thơ Đường Luật phải biết và chấp nhận bó mình trong niêm luật vần đối của nó. Thơ lục bát chỉ có luật, vần nên thi sĩ không bị niêm, đối “kềm kẹp”. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ bàn về luật.

Đọc xong chắc có người thắc mắc “Sao tui đọc sách và những bài viết trên mạng thấy luật bằng trắc trong thơ lục bát cũng rườm rà, rắc rối lắm mà sao ông viết lại đơn giản quá vậy? Có ‘ăn bớt’ không đó cha nội?”

Câu trả lời của tôi:

Sau một thời gian dài làm thơ lục bát nhiều thi sĩ đã “vượt rào”, phớt lờ luật tắc. Độc giả mới đầu còn thấy lạ lạ, kỳ kỳ. Đọc riết rồi thấy cũng “ổn” nên bảo nhau “Không có gì mà ầm ĩ”. Dần dà một vài luật tắc rườm rà đó “tuân theo cũng được mà phớt lờ cũng không sao”. Đó là quy luật tiến hóa của thi ca.

Vì thế ở đây tôi chỉ nói đến những điểm luật cốt yếu – ở thời điểm này mà không tuân thủ thì bài thơ sẽ bị chê là  “mất tính lục bát”.

1/
Chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát phải là thanh bằng.
2/
Chữ thứ 4 câu bát phải là thanh trắc.
Mười chữ còn lại thì tự do - bằng cũng được mà trắc cũng không sao.
3/
Nếu chữ thứ 6 của câu bát thanh huyền (dấu huyền) (thí dụ 1) thì chữ thứ 8 phải thanh ngang (không dấu) và ngược lại (thí dụ 2).
Thí Dụ 1:

Ba đi Hà Giang mua chè
Kêu con lên giúp đem về Hà Nam

Trong thí dụ này tôi “chơi nổi”, chọn 10 chữ còn lại toàn là thanh bằng. Nếu bạn không thích thì tự do thay đổi.

Thí dụ 2:

Bác Cả bán sáu mẫu vườn
Để lại một mẫu chú Hương cất nhà

Ở đây tôi chọn 10 chữ còn lại là thanh trắc. Dĩ nhiên, bạn cũng có toàn quyền thay đổi.
Luật bằng trắc của lục bát chỉ có thế. Bạn chỉ cần để ý 4 chữ (in đậm) – 3 bằng một trắc - thì thơ lục bát của bạn luật sẽ vững như bàn thạch.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com


CHÚ THÍCH:

1/ Trong trang Lục Bát Việt Nam trên Facebook có bài thơ Nước Mắt Ngày Gặp Lại của Thanh Tu có 2 câu:

Hôm nay mình gặp lại nhau
Ôm chặt bạn mà nỗi đau nhói lòng

Với luật thơ lục bát hiện hành thì nó phạm luật (chữ “mà” phải chuyển thành chữ khác có thanh trắc mới đúng). Với con mắt người bình thơ như tôi thì bài thơ thất bại một cách oan uổng; ý tứ có hay tôi cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng biết đâu mấy chục năm nữa cách nhìn nhận luật thơ phóng khoáng hơn, bài Nước Mắt Ngày Gặp Lại (hay những bài phạm lỗi tương tự) sẽ được bình phẩm một cách cởi mở hơn

READ MORE - LUẬT BẰNG TRẮC TRONG THƠ LỤC BÁT - Phạm Đức Nhì

CHÙM THƠ LÊ VĂN TRUNG





MAI NGƯỜI VỀ KHÔNG

Mai người về không mà tôi chờ
Tàu người đi, tàu qua nhiều ga
Người biết ga nào tôi đứng đợi
Dù trời giăng mưa hay sương nhòa

Mai người về không mà tôi mong
Thuyền đưa người qua mấy dòng sông
Người biết bến nào tôi đứng đợi
Lòng chưa chớp biển đã mưa nguồn

Mai người về không mà tôi vui
Tôi rải thơ bay cùng mây trời
Dù rét đầu đông hay nắng hạ
Dù gió nhàu phai vàng áo ai

Mai người về không sao tôi buồn
Đường thì xa trời thì mênh mông
Có biết lòng tôi như cơn gió
Thổi về đâu cho tóc tỏa hương

Mai người về?
Thôi
Người không về!
Tôi thắp cho hồng những giấc mơ
Trăm năm ai nhớ câu hò hẹn
Tình ơi vời vợi nỗi mong chờ.

Lê Văn Trung
5.11.19


MÀU SON CŨ

Ta rót mãi vào ly đời quên lãng
Giọt tình xưa ta uống buổi xa người
Vành ly vỡ còn thơm mùi son cũ
Và lệ người còn mặn cháy trên môi

Năm mươi năm Ta về Hiên quán vắng
Màu thu xưa vàng úa giấc mơ buồn
Dòng rượu chảy như một dòng suối cạn
Mà hồn ta ghềnh đá đã tai ương

Ta thấy ta trong đáy sầu lạnh buốt
Rượu vỡ tràn, ly rượu vỡ Buồn tênh
Ta thắp nốt ngọn lửa chiều hiu hắt
Soi đời nhau về gọi giữa điêu tàn

Vành ly vỡ còn thơm mùi son cũ
Ta uống vì muôn vạn cõi nhân gian
Ta uống vì ta một đời dang dở
Ta uống vì em, vì nỗi ăn năn

Ly rượu vỡ còn in màu son thắm
Giọt lệ hồng rướm mặn cả đời nhau
Em xa hút cuối phương người quên lãng
Áo tình xưa năm tháng có phai nhàu?


MÂY TRẮNG BÊN TRỜI

Lòng thương hoài những áng mây chiều
Cứ bay mỏi về phương trời cố xứ
Và thương ta suốt một đời du tử
Thương em mịt mờ xa lắc mù tăm

Năm tháng buồn trôi, năm tháng lặng thầm
Năm mươi năm như tiếng thở dài vô tận
Năm mươi năm những gập ghềnh bên trời lận đận
Ta nợ người hay nợ chính đời ta

Ta nợ ta hay nợ cả quê nhà
Chìm dâu biển không thể nào trả nổi
Thơ ta viết không đủ lời xương máu
Cũng lặng chìm trong suốt cõi nhiễu nhương

Giấc mơ xưa hương sắc cõi thiên đường
Ta bỏ lại tình ta như bỏ lại linh hồn đá sỏi
Ta bỏ lại đời ta bên những dòng đời mệt mỏi
Ta bỏ lại tình em hiu hắt tuổi thu vàng

Năm mươi năm, ừ nhỉ, năm mươi năm
Ta vẫn ngóng hoài những màu mây bên trời cố xứ
Ta vẫn đi hoài suốt một đời du tử
Vẫn hoang mang lạc mất một phương về

Thổi qua đời mình những ngọn gió sắt se
Không mang nổi tình nhau qua ghềnh qua suối
Mặt trời ta chiều nay đã hoàng hôn réo gọi
Còn mong manh sợi mây trắng bên trời.


SAO NGƯỜI KHÔNG VỀ

Sao người không về trên toa tàu tình nhân
Tôi con đường sắt chạy song song
Sao người không về
Sân ga nhỏ
Sân ga tôi buồn suốt một mùa đông

Sao người không về trên chiếc thuyền hoa
Dòng sông tôi bãi quạnh đôi bờ
Sao người không về trên bến cũ
Bến đời tôi hiu hắt trong mưa

Ai kể trong đêm chuyện tình buồn
Ai kể về tôi hay về người
Bàn tay níu vói phương trời lạ
Sợi tóc nào chìm trong sương phai

Sao người không về
Tôi như mùa đông
Sao người không về
Mang theo hoàng hôn
Hồn tôi nắng úa bên bờ mộng
Tình tôi bọt sóng tàn bến sông

Sao người không về
Đêm trăng mù sương
Sao người không về
Tôi quán ven đường
Lòng tôi? Ly khách!
Tình ly khách!
Năm mươi năm một câu chuyện buồn

Sao người không về
Sau chiếc xe tang
Sao người không về
Nến cháy hai hàng
Còn tiếc gì nhau đôi dòng lệ
Còn đau gì nhau lời chia tan.


SỢI TÓC

1*
Em cầm sợi tóc trên tay
Nghe trăm năm gọi mộng ngày tàn phai
Thấy trong xương cốt hình hài
Nỗi tro bụi đã chia bày tử sinh

Sợi buồn rụng cõi lãng quên
Sợi đau rụng tím cuộc tình nhân gian
Sợi tan sương khói điêu tàn
Sợi trôi theo sóng vỡ tràn bến sông

2*
Anh ngồi nhìn những màu mây
Bay không định hướng bay hoài nghìn năm
Rồi một hôm lòng chợt buồn
Màu mây năm cũ bay không trở về

Người cầm sợi tóc trên tay
Rằng mây năm cũ tóc này là đây
Người cầm sợi tóc trên tay
Rằng tình duyên đã có ngày trùng lai

Tạ ơn trời biển sâu dày
Màu mây thương hải còn đây tóc người

3*
Đếm từng sợi tóc em bay
Anh nghe ngày nối tiếp ngày tìm nhau
Phương em tóc có xanh màu
Thì xin em chải tóc vào trong thơ
Tóc người là lụa là tơ
Tỏa hương diệu ảo mộng hồ sương xanh.

Lê Văn Trung
19.10.19


U HOÀI

Câu thơ viết trăm lần ta xé bỏ
Cuộc tình sầu xin gửi lại cho em
Ôi lữ khách trần gian là quán trọ
Đường trăm năm hun hút mộng không thành

Thuyền lênh đênh trên mịt mù biển sóng
Ta lênh đênh trong cuộc thế u buồn
Em đâu đó giữa lòng đời bão động
Có bao giờ chợt nhớ một người không?

Có bao giờ nhuốm chút hồn sương khói
Thắp trong chiều giọt lệ ấm hoàng hôn
Có bao giờ trong đợi chờ mòn mỏi
Chợt thấy lòng mình quá đổi mênh mông?

Em đâu đó giữa trùng vây lận đận
Chút hương phai nhuộm lại mắt môi chiều
Có thấy chăng cuối phương trời vô tận
Một bóng thuyền neo đậu bến cô liêu

Ôi lữ khách trần gian là quán trọ
Sao lòng hoài mơ mãi cuộc trăm năm?!


VẪN CÒN THĂM THẲM TỪNG GIỌT SƯƠNG

Tôi vẫn biết vòng tay mình bé nhỏ
Triệu vòng ôm không ấm cuộc tình người
Nỗi chia biệt chảy trăm dòng dang dở
Mùa tình xưa vàng úa lá thu phai

Tôi vẫn biết trái tim mòn mỏi nhịp
Mãi dội vào bờ bải bến hoang vu
Năm mươi năm cửa hoàng hôn đã khép
Tình hoàng hôn từ đấy cũng xa mù

Tôi vẫn biết men rượu chiều đã nhạt
Em không về tôi rót cạn đời tôi
Tôi rót mãi vào trùng trùng quên lãng
Máu trong tim từng giọt chảy ngậm ngùi

Ôi dẫu biết một ngàn năm ảo mộng
Mà ngàn năm còn vọng mãi phương người
Mắt mù sương hay mùa sương quá mỏng
Đã tan vào thăm thẳm giấc mơ tôi.


VỀ ĐI! VỀ ĐI THÔI!

Vẫn nao nức một lần quay trở lại
Tìm vầng trăng chìm cuối bến sông người
Dù lòng đã heo may mùa thu cũ
Màu tình xưa còn ấm lệ trên môi

Vẫn quay quắt sân ga chiều gió rối
Đếm thời gian từng giọt nắng thu vàng
Nắng buồn rụng trên vai người chới với
Nỗi nhớ người giọt nắng buồn chưa tan

Thôi về đi một lần dù không kịp
Chiếc thuyền xưa chìm giữa bến sông người
Thôi về đi bóng đời nhau đã khuất
Còn bên trời một giọt lệ chưa rơi!


CHẢY SUỐT MỘT DÒNG TA

Rồi như con nước không ngừng chảy
Chảy một đời chưa cạn hết đời nhau
Em thì mãi tận phương người xa biệt
Ta dòng xuôi sóng mỏi vổ chân cầu

Đường vạn nẻo, sông trăm dòng xuôi ngược
Sân ga đời còn lại chiếc toa không
Ai biết được bên thềm ga mòn mỏi
Bóng một người ngồi đợi mấy thu đông

Nếu có thể một lần quay trở lại
Thì trăm năm đâu lỗi hẹn tương phùng
Em thì vẫn như hạc vàng bay mãi
Lầu trăng xưa rêu úa phủ thềm hoang

Ta ngồi đợi với năm cùng tháng tận
Vành trăng khuya cũng bạc trắng mây trời
Em đâu đó những phương người lận đận
Lòng thu xưa còn sót chút tình vui ?

Thôi đành vậy, không đành lòng ngưng chảy
Ta miệt mài chảy suốt cuộc đời ta
Rồi bất chợt một ngày kia ta thấy
Cuối phương người hun hút bóng em qua.

Lê Văn Trung
26. 02. 20

READ MORE - CHÙM THƠ LÊ VĂN TRUNG