Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, August 8, 2020

ĐỀN BẠCH MÃ - THÀNH HOÀNG CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI - Đặng Xuân Xuyến

 

ĐỀN BẠCH MÃ - THÀNH HOÀNG CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Đặng Xuân Xuyến

 

Đền Bạch Mã tọa lạc tại phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay thuộc phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX, thờ thần Long Đỗ - vị thần gốc của Hà Nội cổ.

 

Theo Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên, viết về sự tích đền Bạch Mã như sau:

 

“Vào đời Đường Hàm Thông, quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: - Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?

 

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần là Long Đỗ.

 

Đến đời Lý Thái Tổ (húy là Lý Công Uẩn, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành tại đó, và cuối cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.

 

Đền Bạch Mã được tu bổ lớn vào đời Lê Chính Hòa (1680-1705), đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) lại được tu bổ thêm: sửa lại đền, dựng riêng văn chỉ, xây Phương đình, qui mô rộng rãi, cảnh quan tôn nghiêm, nổi tiếng ở chốn đất thiêng.

 

Đền được xây dựng theo hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và có hơn 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo.

 

Hiện nay đền vẫn giữ nguyên cấu trúc, gồm: Nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau... Tất cả đều bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín, chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn nhưng được sắp xếp theo cấu trúc "tam nguyên đồng hoá" tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu

 

Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, có giá trị cao về nghệ thuật như: nhà vàng, nhà bạc, bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng...

 

Lễ hội đền Bạch Mã hàng năm được tổ chức vào hai kỳ: lễ tế Bạch thần vào ngày 15 tháng 3 âm lịch và lễ tế Điển vào ngày 13 tháng 6 âm lịch.

 

                  .....................

 

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

 

*

 

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐỀN BẠCH MÃ - THÀNH HOÀNG CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI - Đặng Xuân Xuyến

EM VỀ BÊN KIA DỐC ĐÁ PHAN LÂM | BƯỚC QUA TUỔI MỘNG DẠI KHỜ | MẢNH GƯƠNG VỞ BÊN ĐƯỜNG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 


Em về bên kia Dốc đá Phan Lâm


Làn gió loang chiều tóc rối

Dặm đời đâu đó phiêu linh

Bên hàng giậu thưa, nắng dội

Chiếc lá khô cong trở mình

                  *

Ngang trời, áng mây cô độc

Vội vàng gió cuốn rủ rê

Về phía bên kia bờ dốc

Mờ xa, theo bước ai về?

                  *

Trong ngần nắng treo bóng xế

Ngập ngừng lối nhỏ quanh co

Sáng bừng không gian ước lệ

Đợi chiều tỏa nắng hẹn hò

                   *

Cỏ hoa bên đường rung nhẹ

Hoang chiều mướt một triền xanh

Đong đưa bờ vai, ngực trẻ

Nắng xuôi nhấp nháy dỗ dành

                   *

Còn nguyên hương ngày, đằm thắm

Lẫn màu ráng đỏ kiêu sa

Dấu chân quanh đồi in đậm

Nắng chiều bổi hổi vờn qua ...

Lê Thanh Hùng


 

Bước qua tuổi mộng dại khờ


Ánh trăng tàn trong ly rượu cạn

Bao kỷ niệm chìm trong quên lãng

Trăng cuối mùa, óng biếc trong xanh

Giọt đời tan cuối bãi đầu gành

                    *

Giọng hát đã mềm, day nhừa nhựa

Rơi vương vãi, dấu tình đoan hứa

Gió trở chiều gãy nhịp từa lưa

Tiếng chén gõ chen ngang dối lừa

                    *

Em lặng lẽ choàng tay bó gối

Kệ ngoài kia hiên thưa gió nổi

Lẩm nhẩm theo tiếng nhạc vu vơ

Bài ca về một thuở dại khờ

                    *

Một lời ca có hoa, có bướm

Có hương biển nồng nàn thấm đượm

Những dung dăng mơ mộng vời xa

Nhạc hoài mong nỗi nhớ thật thà

                     *

Cuộc rượu tàn, những lời có cánh

Giăng mắc trong lẽ đời ấm lạnh

Trông kìa, gió mới lộng trời xanh

Em đứng lên, năm tháng trưởng thành ...

Lê Thanh Hùng



Mãnh gương vỡ bên đường


Con người đi qua

Bước tránh


Mặt trời đi qua

Loé nắng.

Phản chiếu cả đất trời, nguyên vẹn một ngày xưa


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - EM VỀ BÊN KIA DỐC ĐÁ PHAN LÂM | BƯỚC QUA TUỔI MỘNG DẠI KHỜ | MẢNH GƯƠNG VỞ BÊN ĐƯỜNG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng