Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 30, 2020

ĐỌC “BÙI NGÙI” THƠ ZULU DC, BÀI THƠ TẢ TÌNH NGỤ CẢNH - Châu Thạch


                      Nhà thơ ZuLu DC


BÙI NGÙI

Khi về đứng giữa bờ thiên cổ
Thấy những tàn phai thân ái xưa
Thấy những bâng khuâng còn sót lại
Nói cười như thể trong cơn mơ.

                                           ZuLu DC 


    
               Nhà bình thơ Châu Thạch 


ĐỌC “BÙI NGÙI” THƠ ZULU DC, BÀI THƠ TẢ TÌNH NGỤ CẢNH
                                                                             Châu Thạch

Giữa cơn đại dịch Covid lòng chẳng bình an, nhưng khi đọc “Bùi Ngùi”, bốn câu thơ của ZuLu DC thì không nằm yên được, chổi dậy viết đôi hàng cảm nhận, tất nhiên không làm sao đầy đủ được như khi tâm hồn bình tịnh, an vui. 

Đọc bốn câu thơ nầy tự nhiên tôi nhớ đến bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

“Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa. Chủ đề: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ.” 

Trên 200 năm sau, khác với bà Huyện Thanh Quan, có nhà thơ ZuLu Dc đã làm một bài thơ ngắn hơn, “tả tình ngụ cảnh”. Tất nhiên bài thơ tả tình ngụ cảnh của ZuLU DC chưa đi vào lòng người, chưa để lại tiếng vang như “Thăng Long Thành Hoài Cổ”, nhưng riêng tôi, bài thơ thẩm thấu vào lòng mình nỗi buồn vẩn vơ mà vời vợi, nỗi đau nhẹ nhàng mà thấm thía đến nỗi quên mất ngoài kía con Covid như SaTan đang hoành hành giữa thiên hạ. 
Bây giờ quay về với “Bùi Ngùi” của ZuLu DC:

“Khi về đứng giữa bờ thiên cổ”: “Thiên cổ” là gì? Là nghìn xưa, rất lâu đời. Bờ thiên cổ là gì? Là ranh giới giữa nghìn xưa và thời gian sau đó. Câu thơ cho ta thấy tác giả đã “tả tình ngụ cảnh”. Tả tình ở đây là tả tình cảm đã dậy lên trong lòng tác giả khi quay về nơi cũ nhìn lại chốn xưa, thấy “tạo hóa gây chi cuộc hý trường”. Ngụ cảnh ở đây là ngụ ý tả bức tranh cảnh xưa, nay đã trở nên hoang tàn như lui về thời thiên cổ. Toàn bộ câu thơ cho ta thấy tác giả đứng giữa hiện thực, cảm nhận sự cô liêu, sự tàn tạ trước mắt mình như cảnh ngàn năm trước.

Sau đó những biến chuyển tâm lý gì xảy ra trong tâm hồn tác giả?

“Thấy những tàn phai thân ái xưa”: “Thân ái” không phải là vật chất, thân ái thuộc về tâm hồn. Tác giả “Thấy những tàn phai thân ái xưa” là diễn đạt tâm trạng xảy ra trong lòng mình nhưng cũng ngụ ý nói về những nơi chốn, những địa điểm mang nhiều kỷ niệm thân ái hằn sâu trong ký ức, nay đã tàn phai. Câu thơ gôm cả cảnh và tình trong chữ “thân ái” cho ta một nỗi buồn man mác như mất một quá khứ, như tiếc nuối một thời đã qua trong dĩ vãng xa xưa.

Và nhà thơ thấy tiếp những gì?


“Thấy những bâng khuâng còn sót lại”: “Bâng khuâng” là gì? Là những cảm xúc xảy ra lúc đó, những luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, gây ra trạng thái ngẩn ngơ trong lòng. Câu thơ nhấn mạnh cho ta thấy nhà thơ muốn buông bỏ quá khứ, muốn quên đi mà không thể nào quên được. “Bâng khuâng còn sót lại” là tiếng khóc trong lòng, là giọt lê nuốt vào, là con tim đau không co mà thắt. là khi muốn quay đầu bỏ đi mà vẫn chôn chân tại chỗ, đứng ngẩn ngơ nuối tiếc. Chữ “còn sót lại” cũng ngụ ý tả cảnh những gì còn sót lại của chốn xưa, tuy phai tàn nhưng vẫn còn hình dáng đó, tựa như “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của Thăng Long Thành Hoài Cổ bà Huyện Thanh Quan, phôi pha một thuở.

Cuối cùng nhà thơ mộng du trong cảnh cũ.
“Nói cười như thể trong cơn mơ”:
Câu thơ thứ tư trở thành câu thơ để đời, nhờ tác giả tinh tế đặt nó dưới ba câu thơ kia, làm cho nó trở nên vô cùng ý vị. 
Khi đứng trước Thăng Long Thành, bà Huyện Thanh Quan vẫn còn tỉnh táo, còn cảm nhận được nỗi đau cúa mình nên bà mới thốt lên: “cảnh đó người đây luống đọa trường”. Thế nhưng khi đứng trước “bờ thiên cổ”, nhà thơ ZuLu DC dã nằm trong trạng thái tâm thần phân liệt. Nhà thơ “nói cười như thể trong cơn mơ”. Điều đó nói lên toàn bộ nỗi đau xảy ra trong lòng tác giả đã làm cho tê liệt tâm thần mình. Nhà thơ nói như trong cơn mơ, cười như trong cơn mơ nghĩa là đang mộng du giữa thực tế. Sự phũ phàng của khung cảnh đổi thay khiến cho nhà thơ không cất được tiếng khóc. Nói cười như trong cơn mơ là trạng thái đau trên cả “nỗi đoạn trường”. Nỗi đoạn trường có thể làm người ta rên la, làm người ta kêu than, làm người ta khóc lóc, nhưng khi người ta nói cười như trong cơn mơ trước nghịch cảnh, là khi nghịch cảnh đã làm cho mất trí, khiến nỗi đau ấy chìm vào trong tiềm thức của mình, làm cho sự thể hiện nó biến dạng qua một hình thức khác, hành động trở thành ngu ngơ hay ngớ ngẩn.

Khi đọc “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của bà Huyện Thanh Quan, ta thấy cả một phong cảnh cô liêu, buồn hiu hắt, thì khi đọc “Bùi Ngùi” của DuLu DC, ta thấy cả một tâm hồn cô liêu buồn hiu hắt. Tâm hồn đó cô liêu đến cùng tận cái cô liêu, hiu hắt đến cùng tận cái hiu hắt, khiến cho bài thơ có bốn câu mà sự tàn phai trút từ thiên cổ về trong hiện tại, đến nỗi nhà thơ nói cười như thể vô hồn. 

Tôi nói “Bùi Ngùi” của ZuLu DC là một bài thơ tả tình ngụ cảnh là như thế.

                                                                                  Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “BÙI NGÙI” THƠ ZULU DC, BÀI THƠ TẢ TÌNH NGỤ CẢNH - Châu Thạch

ĐẶC SẢN LOÀI NGƯỜI - Hoàng Hương Trang


     Nhà văn Hoàng Hương Trang


ĐẶC SẢN LOÀI NGƯỜI

Có thể nói tạo hóa ưu ái dành riêng cho loài người một thứ đặc sản mà không một giống loài nào có được, kể cả loài sống trên không, loài lội dưới nước hay loài ở trên mặt đất. Đó là đặc sản nụ cười! Chim chóc chỉ biết hót hoặc kêu, con hổ chỉ biết gầm, ngựa thì hý, dê kêu be be, bò thì rống, gà thì gáy, chó thì sủa, chó sói thì tru, mèo thì kêu, ve gào mùa hạ, rắn, rết, cá không kêu, ếch nhái cũng chỉ phát ra tiếng kêu đêm đêm, loài khôn ngoan như linh trưởng, khỉ, dã nhân cũng không biết cười như con người, các loài cá ngoài biển khơi đôi khi có tiếng phát ra đơn điệu để gọi nhau, đa số im lặng, tuyệt đối không cười bao giờ.

Như vậy rõ ràng tiếng cười là đặc sản của tạo hóa dành riêng cho loài người. Dù người ở châu lục nào, ở hoang đảo nào, ở sa mạc nào cũng biết cười, cười từ thuở khai thiên lập địa đến giờ. Mới sơ sinh bà mụ đã dạy cho đứa trẻ mỉm cười trong giấc mơ. Suốt cuộc đời một con người đã cười muôn – vạn – ức – triệu lần trong mọi tình huống, bất kể giàu nghèo, sang hèn, no đói. Đến khi chết rồi vẫn còn “ngậm cười nơi chín suối” thật mãn nguyện. Khi lên voi, người ta hãnh diện cười hô hố. Lúc xuống chó, cũng mỉm một nụ cười an ủi lặng lẽ không muốn cho ai trông thấy. Khi chuẩn bị lên bàn mổ, bệnh nhân cũng tự ban cho mình một nụ cười hy vọng và trấn an. Khi lành bệnh rồi, cũng cười vì vui mừng còn sống sót. Nữ sĩ thời tiền chiến Ngân Giang đã từng có bài thơ “Khỏi ốm” như sau:

Sáng nay ma bệnh lánh đi rồi
Đứng trước gương xưa bỗng mỉm cười
Mắt vẫn lồng sao ngời ngợi sáng
Mặt còn khuôn nguyệt dịu dàng tươi
Làn môi thắm nở trong son đượm
Mái tóc huyền buông trước mái lơi
Những tưởng đất đen vùi má phấn
Nào ngờ non nước vẫn còn tôi.

Có thể nói không một thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ nào từ xưa nay không thể hiện nụ cười trong tác phẩm của mình. Cụ Nguyễn Du viết: “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” (Kiều). Nụ cười bất hủ của nàng Monalisa trên tranh Tây phương. Trong ca dao Việt Nam cũng có:

“Miệng cười như thể hoa ngâu
Chiếc khăn đội đầu như thể hoa sen”

Hay nhà thơ Phạm Thiên Thư đã viết một cuốn sách dày ngàn trang “Tự điển cười” và đã được xác lập kỷ lục. Tiếng cười Ba Giai Tú Xuất, tiếng cười Bác Ba Phi, tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương, tiếng cười Tiếu Lâm, kể cả tiếng cười trên báo Tuổi Trẻ Cười… đều làm cho con người thích thú cười hoài không ngớt. Khi vui tiếng cười sang sảng vang xa, khi thành công tiếng cười sảng khoái toại nguyện, gặp nhau bên mâm rượu thịt, bạn bè tay bắt mặt mừng, tiếng cười tràn ngập không gian.

Người ta chia sẻ cho nhau niềm vui, tiếng cười, do đó người xưa nói:

“Cười vui thiên hạ đồng tình
Khóc than chỉ có một mình khóc than”

Người ta cười muôn ngàn kiểu, nào cười mỉm, cười mím chi, cười xỏ, cười ruồi, cười ngạo nghễ, cười gượng, cười nửa miệng, cười ha hả, cười hô hố, cười hi hi, cười nịnh, cười tình, cười mỉa mai, cười xòa, cười trừ, cười cầu tài v.v… và biết bao nụ cười khác nữa. Người trẻ cười theo kiểu thoải mái của người trẻ. Người già cười che miệng vì răng sún… Rõ ràng, dù cười cách gì, kiểu gì, cũng chỉ con người là biết cười mà thôi. Dù dạy cho con chó cưng cách gì nó cũng chỉ biết nhe răng khi chủ bảo cười chứ không cười ra tiếng được. Vậy thì loài người phải tự hào là được sở hữu món của quý nụ cười mà không loài nào có được. Suốt cuộc sống từ sơ sinh đến khi nhắm mắt xuôi tay đã từng cười biết bao lần, khi chết còn được tặng cho câu “Mỉm cười nơi chín suối”. Mà cả đến khi đã ra ma, vẫn còn được thiên hạ cho là “ma cười đêm trăng” “tiếng cười liêu trai”

Biết như vậy ta phải quý món đặc sản nụ cười, phát huy nụ cười, giữ cho nụ cười tươi thắm trên môi, vì “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nếu ta không trân trọng món của quý tạo hóa ban cho, một ngày kia ngài giận ta có của không xài, ngài lấy lại thì nguy to!

                                                   Hoàng Hương Trang

READ MORE - ĐẶC SẢN LOÀI NGƯỜI - Hoàng Hương Trang

THIÊN THU - Thơ Lê Văn Trung





THIÊN THU

Xin gom hết những vàng phai tàn tạ
Những rong rêu trên đền tháp ngàn năm
Cho tôi tạc bức tượng đài lên đá
Đá Thiên Thu vỡ lệ khóc Vô Cùng

Xin gom hết những hoàng hôn trên mắt
Những sương rơi lên tóc nhuộm hương chiều
Cho tôi vẽ thành bức tranh tuyệt bích
Khung vải tình da thịt của thu phai

Xin gom hết tiếng thì thầm của gió
Của hư vô, của hố thẳm, diệu kỳ
Cho tôi gõ vào mây lời nhã nhạc
Lời của trùng lai hội ngộ, của chia ly

Xin gom hết, như một niềm khổ nạn
Tôi trở về ngồi mộng giữa hoang vu
Trăm năm nhau là trăm mùa trăng khuyết
Không ai về nhỏ lệ khóc thương đau.

                                          Lê Văn Trung 

READ MORE - THIÊN THU - Thơ Lê Văn Trung

CHÙM THƠ 1-2-3 - Nguyễn Hồng Linh

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh


CHÙM THƠ 1-2-3
Nguyễn Hồng Linh

Thể thơ 1-2-3 (do nhà thơ Phan Hoàng và VHSG phát động thể nghiệm)

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn.
Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn.

ĐÊM TRỞ MÌNH TRĂNG NHẠT NHOÀ TÌM BÓNG

Em đốt lửa vá lại trái tim lạc lối
Tối tăm đã giết chết đời nhau

Con thạch sùng tắc lưỡi nỉ non gió mưa từng cơn nức nở
Đêm thở dài tiếng ễnh ương lạc giọng kêu vang
Cuộc trăm năm trói chặt bóng trăng cắt cứa nỗi buồn ngực thở...

GHÉP VÀO TIM MẢNH VỠ TÌNH YÊU

Thuỷ triều lên xuống, dòng chảy mênh mang
Em quay quắt giữa con nước ròng lênh đênh

Trầm tích ngàn năm đọng đầy hồ nhớ
Loanh quanh dòng đời hối hả vô định
Trái tim lạc lối giữa đôi bờ trần tục tình ta

NƠI TA GẶP NGHÌN TRÙNG CON SÓNG HÁT

Sóng bạc đầu xô bờ cát ra khơi
Dấu chân trần in trên cát mờ xa

Dấu môi hôn cháy rát hôm nào
Giờ vỡ nát giữa biển trào cánh nhớ
Đêm hơi thở khát tràn vỗ sóng.

CHẲNG BIẾT CUỘC TÌNH LÀ ĐEN HAY TRẮNG?

Từ phút yêu anh đen, trắng lẫn lộn nhau
Những tổn thương đớn đau khi trái tim không còn cảm xúc

Bóng chiều phủ kín
Tận cùng ngăn cách khi chốt cửa mở ra...
Anh rẽ trái và em đi về bên phải, trắng hay đen?

HƯƠNG NGUYỆT QUẾ NỒNG NÀN

Lãng đãng tiếng nguyệt cầm đầu ngõ
Em với bao điều chưa tỏ cùng anh

Giấc mơ xanh ấp ủ mộng lành
Đôi chim mộng kết hạt tình tung cánh
Lạc xuống vườn xuân trổ nhánh hồng.

Stuttgart, 07/2020
Nguyễn Hồng Linh

READ MORE - CHÙM THƠ 1-2-3 - Nguyễn Hồng Linh

ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG - Thơ Nhật Quang

  

Tranh sơn dầu của Nhật Quang



 ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG


Trăm năm ở tạm chốn này

Trần gian sinh ký đọa đày bể dâu

Trầm thăng bao nỗi cơ cầu

Nợ nần chưa dứt nỗi sầu cưu mang


Vai gầy quằn gánh nhân gian

Còn in theo dấu chân mang tội tình

Khóc, cười một kiếp sinh linh

Làm sao qua khỏi bóng mình hư vô


Buồn vương theo cánh lá khô

Quẩn quanh ngang dọc xô bồ gót chân

Đi cho hết đoạn cuộc trần

Rưng rưng nghoảnh lại phù vân...cuối đường


Đóa hoa nở giữa vô thường

Tàn trên phiến đá âm dương lạnh lùng.


                                Nhật Quang

                               

                                



READ MORE - ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG - Thơ Nhật Quang