Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 18, 2020

THẤY GÌ TRONG CÁNH CHIM BAY, THAY MỘT LỜI CẦU NGUYỆN, THẾ MÀ MẸ BỎ CON ĐI... - Thơ Lê Văn Trung





THẤY GÌ TRONG CÁNH CHIM BAY

* Tặng một tấm lòng nhân ái

em bé bỏng mỏng manh như làn gió
mà trời xanh, xanh quá ở trên cao
em yếu đuối dịu mềm như ngọn cỏ
đất dưới chân em cũng quá ngọt ngào
chim về đậu trên cành thơm lá ngọc
chim bay vờn rung nhẹ tóc hương bay
em trải thảm nhung lòng em lên đất
hạt từ bi chim nhé, hãy no đầy
trời xanh quá, và lòng em xanh quá
trời mông mênh và lòng em mênh mông
câu kinh chảy theo hồi chuông Bát Nhã
ngàn cánh chim vổ nhịp hót reo mừng.


THAY MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

Ngày tháng lụn lùi dần vào quên lãng
Mẹ nằm nghe chiếc lá rụng ngoài hiên
Mỗi nhịp đập trong hồn là nhịp thở
Giữa trần gian mẹ gửi trái tim mình

Giữa trần gian hoa nở trọn đời con
Là nước mắt là xót đau lòng mẹ
Là tiếng hát là lời ru dịu nhẹ
Dưới bầu trời mẹ là núi là sông

Mẹ nằm đó nụ cười hiền như Bụt
Lòng đắm chìm trong suốt cõi hư vô
Mẹ nằm đó tỏa bóng đời xanh ngát
Mẹ là hoa là nhạc, mẹ là thơ

Con sẽ hát như ngày xưa mẹ hát
Nằm ru con ấm lạnh suốt đời con
Con sẽ kể chuyện ngày xưa mẹ kể
Lòng mẹ thương con chân cứng đá mòn

Con sẽ đi những nẻo đường, mẹ đã
Gánh đời con qua ghềnh suối thương yêu
Gánh đời con qua trăm bờ bến lạ
Con nở thành hoa giữa lòng mẹ mỹ miều

Ôi vạn cõi nghìn phương sông biển rộng
Mẹ cao vời rực sáng một vì sao
Mẹ là gió giữa trời cao lồng lộng
Trái tim con xin nhuốm lửa nguyện cầu.
                                    

THẾ MÀ MẸ BỎ CON ĐI

Thế mà Mẹ bỏ con đi
Không thương con Mẹ bỏ về
Hư vô
Không thương con
Sao Mẹ buồn
Con nghe tiếng Mẹ nỉ non bên trời
Không thương con
Sao Mẹ cười
Nhìn con
Mẹ quặn trăm lời
Mẹ ru
Không
Sao lòng Mẹ Rối bời
Sao đôi mắt Mẹ ngậm ngùi sao khuya
Không thương con Mẹ bỏ về
Về đâu?
Con hỏi Mà đau lòng này
Đất trời
Thiên cổ
Có hay
Mẹ Thương chi
Cho đắng
Cho cay
Phận người
Mẹ ơi!


THẾ RỒI TÔI TIỄN TÔI ĐI

Thế rồi tôi tiễn tôi đi
Một vùng tịch mịch tôi về một tôi
Nằm nghe gió hú ven đồi
Lá rơi còn nhắn lại lời thiên thu

Rằng trời và đất xa nhau
Từ trong tro bụi nhuộm màu chia tan
Rằng từ kim cổ càn khôn
Trần gian là mộng phù vân ảo huyền

Sống là tiếp cuộc hành hương
Về bên kia cõi điêu tàn quạnh hiu
Đi là về với cô liêu
Là về chìm dưới bóng chiều vô biên

Hư vô cố quận là miền
Là hoang vu bến, là mênh mông bờ
Thế rồi tôi tiễn tôi đi
Một chiều sương rụng trắng đầy hồn thơ.


THEO EM MÙA ĐÔNG

Em về, chở gió qua sông vắng
Để sóng tình tôi mỏi mạn thuyền
Vỗ mãi vào bờ tôi chùng lặng
Câu thơ chìm nổi cuộc tình duyên

Em về thao thiết từng câu hát
Tiếng hát rơi mù trong nhớ nhung
Cho sóng bờ xa còn xao xác
Cho lá mùa xanh vội úa vàng

Mùa nối mùa trôi sầu lớp lớp
Sao còn ngồi đợi giữa chiêm bao
Em gửi theo chiều đau tiếng hát
Để tình ngàn dặm nhớ thương nhau

Em gửi theo chiều đau tiếng hát
Gửi gì trong gió lẫn trong sương
Câu thơ dang dỡ nghìn cung bậc
Thành mây bay trắng trời muôn phương

Em chở mùa đông về theo gió
Em gọi mùa đông về trong mưa
Nhuộm cả nỗi buồn đau tóc rối
Nhuộm cả tình tôi vàng cơn mơ.

                           Lê Văn Trung 

READ MORE - THẤY GÌ TRONG CÁNH CHIM BAY, THAY MỘT LỜI CẦU NGUYỆN, THẾ MÀ MẸ BỎ CON ĐI... - Thơ Lê Văn Trung

HỌC CHỮ NHẪN - Truyện ngắn Hoàng Hương Trang


                   Nhà văn Hoàng Hương Trang



HỌC CHỮ NHẪN


Truyện ngắn Hoàng Hương Trang
(Kính tặng nhà thơ An Nhiên)

Tôi ở quận Sông Cầu, nhà ngó mặt ra sông, lại gần biển, luôn luôn hưởng luồng gió hào phóng mà đại dương ban tặng. Ở gần sông, gần biển, đôi khi cũng nhiều hệ lụy từ sông, biển ấy đem lại. Số là mỗi sáng tinh mơ, thuyền cá từ biển về, vào cửa sông, đã có xe bạn hàng tấp nập tới mua. Thuyền chở tới bờ sông trước nhà tôi thì lên hàng, cả trăm sọt cá, tôm, mực… chuyển từ thuyền lên bờ, rồi từ các xe lớn qua xe nhỏ, để mau mau tỏa về các chợ bán cho kịp buổi sáng. Cá đã bán hết, xe đã chạy hết, nhưng còn lưu lại hàng chục vũng nước cá hôi tanh. Gió từ sông và biển cứ vô tư thổi thốc vào nhà tôi. 

Giờ đó các con, cháu tôi đã đi làm, đi học hết rồi, chỉ còn một mình tôi ở nhà chịu trận những cơn gió tanh tưởi hôi hám. Lúc đầu tôi bực tức la rầy và phản đối họ, không ăn thua gì, sau làm đơn nhờ chính quyền địa phương giải quyết, cũng chẳng có động thái gì. Thế là tôi, một ông già vừa điếc tai, vừa mờ mắt, lại đau chân, hằng ngày đành chịu trận cuồng phong xú uế đó. Sự đời cũng lạ, đã điếc tai, mờ mắt thì mũi lại càng thính hơn, vậy là có thể tôi bị hưởng mùi tanh hôi gấp nhiều lần hơn người khác. Chẳng lẽ cứ ngồi yên mà hít thở cái không khí bẩn thỉu ấy, hay là đóng chặt các cửa lại, tự giam tù mình trong nhà? Thôi thì đất chẳng chịu trời, trời phải chịu đất vậy. Tôi nghĩ thế rồi ra sân kéo dây nước dài cả vài chục mét qua phía bờ sông, xịt nước cho thật mạnh để rửa đường. Sau một hồi còm lưng kéo dây phun nước, khúc đường ấy đã sạch, bao nhiêu nước bẩn tuôn xuống sông, trả về biển hết, thế là mùi hôi hám không còn. 

Tôi mừng đã tìm được một biện pháp tẩy uế ổn thỏa. Con cháu tôi đến trưa đi làm đi học về đã có thể mở tung cửa hưởng ngọn gió mát. Tôi nghĩ thôi thì mỗi tháng mình chịu thiệt trả thêm vài chục ngàn tiền nước để mua sự trong lành cho cả nhà mình vậy.
Kể từ đó, sáng nào tôi cũng kéo dây, xịt nước, rửa đường như làm một buổi tập thể thao vậy. Có nhiều người đi ngang còn cười tôi “Ông già làm chuyện bao đồng”. Thỉnh thoảng mỏi lưng, vừa vặn qua vặn lại vừa cằn nhằn bọn lái cá hành tội ông già này, và tôi không dại gì cầu cho chúng mua may bán đắt, phát tài phát lộc. Phải thôi, chúng buôn bán kiếm lời, còn mình chịu tội, vậy hơi đâu cầu cho chúng mua may bán đắt làm gì, đời thường là vậy mà. 

Tôi rửa đường kéo dài hơn một năm, cũng thành cái thói quen buổi sáng rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn bực tức nguyền rủa bọn lái cá cẩu thả, bừa bãi, vô ý thức. Có hôm vừa lẩm nhẩm nguyền rủa thì tình cờ tôi lờ mờ thấy trên tay chiếc nhẫn cưới mà tôi đã đeo gần suốt một đời. Nay vợ tôi qua đời đã lâu, nhưng tôi vẫn giữ chiếc nhẫn trên ngón tay để kỷ niệm, thỉnh thoảng sờ đến chiếc nhẫn cũ kỹ tôi lại nhớ đến vợ tôi, suốt một đời cơ cực vì chồng vì con, mà không bao giờ có một lời nặng nhẹ nào dù có giai đoạn khó khăn, đói rách vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Nghĩ tới đó, tôi như nghe văng vẳng bên tai lời dịu dàng của vợ tôi: - Anh còn đeo chiếc nhẫn cưới trên tay mà sao không suy gẫm điều gì cả vậy? Anh có biết chữ nhẫn là gì không? Nó là do hai chữ ghép lại đấy, đó là chữ Nhân và chữ Ngã mà thành, phải không anh? Có chữ Nhân mà không có dấu Ngã thì sao thành chữ Nhẫn được? Suy ra, Nhân là Người, Ngã là Ta, có phải mọi điều, mọi việc ở trên đời “Mọi điều Nhân, Ngã, Nhẫn thì qua” không anh? Em lấy chữ Nho để nôm na giải ra chữ Việt đó. Đã đeo chiếc nhẫn trên tay thì phải biết nhẫn nhục, nhẫn nhịn, ẩn nhẫn, nhẫn nại… Thì mọi điều hoan hỷ hết anh à. 

Tôi buông sợi dây nước, đứng thẳng lưng dậy, thừ người ra giây lát, tay sờ soạn lên chiếc nhẫn cũ càng móp méo, gẫm đến lời vợ tôi vừa nói thì thầm bên tai và Ngộ ra rằng vợ tôi đã nói rất đúng: “Mọi điều Nhân, Ngã, Nhẫn thì qua”. Mình đã chịu nhẫn nhục mỗi ngày rửa đường cho sạch hết hôi tanh cho chính mình, con cháu mình và người đi đường được hưởng cái không khí trong lành, cớ sao còn sân si nguyền rủa họ làm gì chứ? Dẫu mình không phải Bồ Tát thì cũng nên học lấy cái hạnh Bồ Tát thôi. Tôi rửa sạch con đường, kéo dây vào thì nghe con chim chích chòe treo ở hiên nhà hót vang lên như muốn động viên tôi “Cố lên! Cố lên!”. À ra nó cũng hùa theo vợ tôi giảng cho tôi một bài học bỏ thói sân si, Tu lấy chữ Nhẫn. Tôi không còn thấy mỏi lưng nữa, cuốn dây vào cất, rồi mở tung cửa lớn cửa sổ để đón làn gió mát rượi từ biển, từ sông thổi vào.

Sau đó một thời gian, thì may sao, địa điểm đậu thuyền, lên cá, chở xe, không biết vì lẽ gì họ đã chuyển đến một khúc sông xa hơn, cách nhà tôi mấy trăm mét. Hỏi ra mới biết, họ thấy một ông già, vừa điếc tai, mờ mắt, mà sáng nào cũng rửa mấy chục cái vũng nước tanh hôi do họ để lại, họ tội nghiệp dời tới địa điểm khác. Sự nhẫn nhục đã đem lại cho tôi cái kết quả thật tốt không ngờ!

                                                            Hoàng Hương Trang

READ MORE - HỌC CHỮ NHẪN - Truyện ngắn Hoàng Hương Trang

THƠ TỨ TUYỆT TRẦN BÁ LÃM - Trần Đức Phổ phỏng dịch




THƠ TỨ TUYỆT TRẦN BÁ LÃM
Trần Đức Phổ phỏng dịch

1. Vài dòng Tiểu sử

Trần Bá Lãm (1757-1815) đỗ tiến sĩ năm 1787, người huyện Từ Liêm (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông viết nhiều thơ ngâm vịnh về cảnh đẹp và di tích lịch sử của Thăng Long. Tác phẩm có La Thành Cổ Tích Vịnh (1788).


2. Thơ

Bài 1
Vịnh Bố Cái Đại Vương Từ

Khẳng giao Bắc lại ngược sinh linh,
Cảm kích hùng tâm khởi nghĩa binh.
Công đức như thiên trường ngưỡng mộ,
Thiên thu tôn hiệu hữu dư hinh.
*
Bài 2
Vịnh Báo Thiên Tự Tháp

Bách xích tha nga trĩ đế thành,
An Nam tứ khí cổ kim danh.
Hoàn khu cộng hiệp cam lâm trạch,
Pháp tượng thiên thu trạc quyết linh.
*

Bài 3
Vịnh Tây Hồ

Thạch sơn hãm hậu thủy thanh lưu,
Lãng Bạc, Dâm Đàm lịch kỷ thu.
Vãng sự hưng vong hồn thị mộng,
Giang hồ nhân tự phiếm ngư chu.
*
*


Phỏng dịch: Trần Đức Phổ

Bài 1
Vịnh Đền Bố Cái Đại Vương

Bắc phương giặc dữ hại dân mình
Cảm động anh hùng dấy nghĩa binh
Công đức trời cao hằng kính ngưỡng
Ngàn đời sách sử mãi thơm danh
*
Bài 2
Vịnh Tháp Chùa Báo Thiên

Trăm thước uy nghi chốn đế vương
Trời Nam vật báu đã lâu tường
Ngàn thu pháp tượng còn linh hiển
Mưa ngọt thấm nhuần cả bốn phương
*
Bài 3
Vịnh Hồ Tây

Núi sụp, nước xanh lộ mạch ngầm
Dâm Đàm, Lãng Bạc đã bao năm
Mất còn chuyện cũ như hồn mộng
Sông nước mình ta một mái dầm
_______
Tham khảo: Thi Viện
READ MORE - THƠ TỨ TUYỆT TRẦN BÁ LÃM - Trần Đức Phổ phỏng dịch