Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 28, 2020

THI ĐỒNG TẢN ĐÀ, CHUNG SỰ - Thơ Chu Vương Miện





THI ĐỒNG * TẢN ĐÀ

quê hương thì có cửa nhà thì không
bây giờ thêm bác Nguyễn Bàng
quê thì quê vợ hai hàng tre pheo
thoáng nghe cũng biết là nghèo
là thân giáo thụ lộn phèo xác xơ
thuyền nan sóng dạt vật vờ
chèo đơn qua lại bến bờ cũng không ?
tháng năm nước chảy xuôi dòng
quẩn đi cũng chuyện cánh đồng đụn rơm
học hành thời chiến dở dang
“chuột chạy cùng đường” đến thế thì thôi ?
ngày xưa khối đá nung vôi
giờ đây vỏ ốc vung nồi cũng xong
tuổi Ngưu sướng khổ cũng đành
đồng sâu đồng cạn nắng hành mưa chan
bao phen đá giả thử vàng
bao phen một giấc kê vàng thế thôi ?
Mười năm đốt đuốc qua rồi
Mười năm “Tà Lặc” đoạn đồi leo qua
loanh quanh kẻ cắp bà già
muôn thu cũng chỉ một gà gáy thôi ?
tội tình bám cụ Phan Khôi
công danh sự nghiệp đi đời nhà ma
tài nghiêng sánh với Tản Đà
tiếc rằng thác muộn mà ra thế này ?
nuốt vào những cục đắng cay
cũng đành cỏ dại luống cày vô duyên
phù danh tan bọt xà phòng
còn dăm 3 chữ Nguyễn Bàng tiểu huynh

* Đồng là 10 hào.


CHUNG SỰ

Con kiến mày leo cành đào
leo phải cành cộc leo vào leo ra
con kiến mày leo cành đa
leo phải cành cộc leo ra leo vào
(Cao dao dân gian thời đầu điển)

làm sao cũng chả làm sao
dẫu có thế nào cũng chả làm chi ?
làm chi cũng chả làm chi
dẫu có làm gì cũng chả làm sao ?
  (Thơ cổ điển của cụ Phan Khôi)

bây giờ tôi chả còn chi ?
bây giờ tôi chả còn gì ? nữa đâu ?
giờ đây tôi chỉ yêu cầu
sống vui chết khỏe chết mau chết lành
(Vè đương hiện đại do Nhà Văn Nguyễn Bàng chuyển)

sống qua một chặng biển dâu
nhức xương nhức đít nhức đầu nhức vai
mênh mang biển rộng sông dài
cành khẳng khiu với thằng chài ngó mông
tháng năm nước lớn nước ròng
làm thân cá chậu chim lồng riết quen
giờ đây mới biết là hen ?
bao năm hen biến ra hiền thế thôi ?
chả thân cá gáy cu mồi
nghe qua dăm tiếng giữa thời người ma
nui rừng mù tít phương xa
hai tay hai gậy sa đà bước lên
khởi đầu cũng bởi chữ duyên
khởi đuôi cũng bởi đồng tiền dẫn theo
xả thân chơi ván bài liều
toàn là lều chõng chợ chiều trống o
cũng là toi cũng là đành
cũng là Nguyễn Bính với Hành Phương Nam
rặt là  “Lỡ Bước Sang Ngang”
toàn là cuộc rượu trăng tàn nửa khuya
có đi mà chả có dìa
cô đơn theo cá thia lia dưới dòng
cuộc đời hết nhố tới nhăng
ông chuyển ra thằng thằng chuyển ra con
còn trời còn nứơc còn non
còn cô bán rượu thì còn Lưu Linh
uống cho xập quán xiêu đình
uống cho nó đã tụt quần không hay ?

                                   Chu Vương Miện

READ MORE - THI ĐỒNG TẢN ĐÀ, CHUNG SỰ - Thơ Chu Vương Miện

ĐI TRONG MƯA SÀI GÒN - Thơ Nguyễn An Bình




NGUYỄN AN BÌNH

ĐI TRONG MƯA SÀI GÒN

Mưa trong phố - một ngày thôi
Xin san sẻ nửa cho tôi với người
Mặc tình theo lá rong chơi
Tôi lang thang giữa quán đời phù hư.

Mưa trong nắng – một mình ư
Nên không chấm đất tạ từ cũng không
Quanh co hết mấy góc đường
Trong từng sọi tóc chợt buồn vu vơ.

Mưa trong gió – thật dại khờ
Vì tôi cứ ngỡ em vừa qua đây
Tóc thơm xỏa kín bờ vai
Trong tôi có nửa hình hài của em.

Mưa trong quán – một mình quên
Biết treo nỗi nhớ hằn lên góc nào
Ghế long bàn gảy chực nhào
Tình xa lắc đã chìm vào bóng mưa.

Mưa trong mắt – một ngày xưa
Ước chi dâu bể  dư thừa quên tôi
Để trong veo tiếng em cười
Để tôi vẫn mãi là người… mộng du.

23/05/2020
N.A.B.





READ MORE - ĐI TRONG MƯA SÀI GÒN - Thơ Nguyễn An Bình

"MẶC NIỆM" - Tập thơ mới nhất của Võ Thạnh Văn - Tác giả giới thiệu



"MẶC NIỆM" 
VÕ THẠNH VĂN 

Rất hân hạnh trình với chư vị kết quả của mùa trốn dịch VŨ HÁN: Một thi tập mang tên "MẶC NIỆM" [ảnh bìa trước và bìa sau, đính kèm] vừa ra đời. Quả thật, nếu không có vụ trốn dịch nầy, thì, vtv cũng chưa nghĩ đến chuyện in ấn một tác phẩm nào. Song song với MẶC NIỆM, còn thi tập "KHẮC THƠ VÁCH ĐÁ" sẽ trình diện chư vị bằng hữu vài hôm nữa... Cảm ơn Nhà Thơ LÊ HÂN và Nhóm Chủ Trương NXB NHÂN ẢNH đã tận tình... 

Mời quý bạn đọc bài thơ đầu tiên “Lộng Lẫy Mưa Sa” trang 07
và bài thơ sau cùng “Mặc Niệm,” trang 214.

Ta làm thơ vất vưởng
Truy điệu cuộc tình phai
Nửa kỷ nguyên mộng tưởng
Thưở ban đầu phôi khai
Ta thổi kèn mặc niệm
Tình luân lạc, cách chia
Năm mươi năm tẩm liệm
Cung lòng đắp mộ bia
Cánh rừng hương ngát toả
Đá tảng ngậm ngùi vương
Trăng phơi cành trắc bá
Toả thơm rừng kỳ hương
Trăm năm đời kiêu bạc
Suốt kiếp dài ruỗi rong
Truân chuyên, hề, luân lạc
Phận người, hề, long đong
Xa người, xa, mấy thuở
Gần nhau, gần, bao lăm
Tình yêu, hề, thác vỡ
Mệnh số, hề, lạnh căm
Võ Thạnh Văn

LỘNG LẪY 
MƯA SA

Em ngày ấy --thắp từng đêm mộng mị
Đọc phong dao ngầm ước chuyện thần tiên
Trích quái liêu trai sầu vương dị dị
Tưởng như đời tràn nhung lụa phiêu nhiên

Em mười ba –mùa tằm đang say giấc
Có ai hay ong bướm lén đi về
Tay khói động rụng cơn phùn lất phất
Tóc mây bay trời miên viễn thê thê

Em mười bốn –mùa tằm vừa chợt thức
Hiền ngu ngơ kiều diễm mắt môi thầm
Từng sợi nắng chứa mọc mời ngọt mứt
Ngậm hơi sương lộng lẫy nỗi u trầm

Em mười lăm –mùa tằm ăn dâu lá 
Mày mi cong biển dậy sóng trăng rằm
Chợt thảng thốt chiều rơi phùn ướt má
Ta dâng thơ làm khăn gấm em chằm

Em mười sáu –mùa tằm đang chín mọng
Mắt môi ngoan lồng lộng Hải Vân Quan
Phù sa úng Cẩm Thành con nước đọng 
Ta dâng tình làm mực chảy Trà Giang 

Em mười bảy –mùa đạn bom lửa khói
Hỏa châu soi từng nỗi nhớ kinh hoàng 
   Rồi hạnh ngộ vuột xa tầm tay với 
Rồi bể dâu tràn ngập kiếp thương tang

Em bây giờ --phương trời nào lưu lạc 
Mắt môi xưa ương ẩm dấu phong hoàng
Gót chân xưa, thuở: Quỳnh, giao, sen, hạc
Câu thơ xưa lộng lẫy buổi mưa tràn

Võ Thạnh Văn
READ MORE - "MẶC NIỆM" - Tập thơ mới nhất của Võ Thạnh Văn - Tác giả giới thiệu

TIẾNG ĐÀN GIEO - Thơ Mặc Phương Tử





 TIẾNG ĐÀN GIEO 

Một tiếng đàn gieo tự bấy nay
Vẫn rơi nhịp xuống thế gian nầy.
Non sầu đá dựng tình sương khói 
Sông vắng chiều nghiêng mộng nước mây.
Ý thoáng, chưa phai mùa dĩ vãng
Đêm tàn, còn thức mộng tương lai.
Tà dương bóng ngả hồn cô tịch,
Thế sự miên man chuyện tháng ngày...


Chuyện tháng ngày qua, ý những đâu
Bao phen đời lắm nỗi cơ cầu !
Áo cơm đắp đổi tình nhân thế,
Danh lợi tan tành mộng vó câu.
Sương rụng mới hay vầng nguyệt lạnh
Đàn buồn đâu biết phím cung sầu !
Dẫu trăm năm nữa, ngàn năm nữa,
Đạo-Nghĩa nào phai nghĩa nhiệm mầu.


                                        South Dakota (USA), tháng 5/2020.
                                    MẶC PHƯƠNG TỬ




READ MORE - TIẾNG ĐÀN GIEO - Thơ Mặc Phương Tử

ĐỌC “CHÂN DUNG TỰ HOẠ 34” CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch


      C:\Users\TTC\Pictures\IMG_0103-1.jpg
              Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa



VÀ EM…

Và em.
Và tôi.
Và thơ.
Và lung linh rượu.
Và chờ đêm qua

Và Không.
Và Phật.
Và Ma.
Hội nhau trong cõi ta - bà
Rong chơi

Và em.
Và tôi.
Và ai.
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm

Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!…

Nhà sáng tác Đà Lạt - 8.2006
Lê Thiên Minh Khoa



        
                    Nhà bình thơ Châu Thạch



ĐỌC “CHÂN DUNG TỰ HOẠ 34” CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA
                                                                      Châu Thạch

Có lần tôi đã viết một bài cảm nhận về “Thơ Ngắn Lạ Đời Lê Thiên Minh Khoa”. Ngoài những bài thơ ngắn lạ đời đó, nhà thơ Lê Thiên Minh khoa còn có nhiều bài thơ “Chân Dung Tự Họa” cũng rất lạ đời. Hôm nay tôi xin bàn đến một trong những bài thơ ấy. Đó là bài “Và Em...”

“Và Em…” là một bài thơ mà Lê Thiên Minh khoa không tự họa chân dung của khuôn mặt mình. Nhà thơ tự họa chân dung của tâm hồn mình. Đọc “Và Em…”, ai mến Khoa thì gọi nó là thơ, ai ghét khoa thì gọi nó không là thơ cũng được. Bởi vì “Và Em …” như lời vu vơ của một tên khùng. Ngược lại “Và Em…” cũng như lời cao vời của một thi nhân:

Và em.
Và tôi.
Và thơ.
Và lung linh rượu.
Và chờ đêm qua

Em, tôi, thơ và rượu được hòa điệu trong nhau là những thời khắc hạnh phúc tuyệt vời. Chữ “Và” cho ta cảm nhận sự hội ngộ của 4 nhân vật đem đến niềm vui trác tuyệt. Em là một nhân vật, tôi là một nhân vật, thơ và rượu ở đây cũng được nhân cách hóa thành hai nhân vật để đáng ra, cuộc vui tồn tại thâu đêm.

Thế nhưng lạ thay, nhà thơ xuống một câu thơ nghịch lý vô cùng: “Và chờ qua đêm”.

Chờ ai qua đêm và vì sao phải chờ qua đêm?
Đọc câu thơ nầy tôi bỏ bài thơ xuống. Không hiểu! Ngày hôm sau đọc lại câu thơ nầy, tôi lại bỏ bài thơ xuống. Không hiểu! Rồi bỗng một lúc nào đó, sáng tỏ bừng lên trong đầu tôi khi đọc tiếp khổ thơ thứ hai của Lê Thiên Minh Khoa:

Và Không.
Và Phật.
Và Ma.
Hội nhau trong cõi ta - bà
Rong chơi

Hóa ra “Và em, và tôi, và thơ” chỉ là chữ “Sắc” trong đạo Phật. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, chữ “Sắc” nầy biến thành chữ “Không” ngay trong tâm hồn vô thường của nhà thơ: “Và không”

Hình như trong khổ thơ thứ nhất chỉ có rượu là thật, còn tất cả chỉ là ảo ảnh, ảo ảnh ấy diển biến trong tâm trí nhà thơ mà thôi. Nhà thơ đang cô đơn giữa cuộc đời, đang bơ vơ lạc lõng trong hố thẳm trí tuệ, đang mất định hướng về đời, về thơ, về tình và về chính bản thân mình.

Đi với linh hồn Lê Thiên Minh Khoa lúc ấy, ở trong đầu Lê Thiên Minh Khoa lúc ấy, không những chỉ có bóng em, bóng thơ mà còn có bóng ma và bóng Phật. Tất cả các bóng đó chập chọa, ẩn rồi hiện, có mà không, không mà có. Những hình bóng đó cùng Lê Thiên Minh Khoa “Hội nhau trong cõi ta-bà/ Rong chơi”. Đúng ra, tất cả những bóng ấy ám ảnh trong tâm hồn nhà thơ, đích thị là chân dung của “tâm hồn Lê Thiên Minh Khoa” đã tự họa cho mình. Một tâm hồn đang khắc khỏi với những nan đề của tình yêu và của tâm linh khó giải trong cuộc sống.

Đọc hai khổ thơ trên ta thấy nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa không rong chơi bình an bao giờ. Tác giả mang nặng trong tâm tư mình sự dằn vặt, thắc mắc, chạy đi tìm kiếm nhiều sự thật còn mập mở. Nhà thơ đang đuổi theo những bóng chân lý về đời, về tình, về thơ, về đạo và về cái “tôi” của chính nhà thơ. Có lẽ nhà thơ chỉ có thể rong chơi được trong rượu để “chờ qua đêm”. Chờ qua đêm để trông mong hội ngộ cái chân lý mình tìm kiếm. Chân lý ấy như bóng ma, chỉ chập chờn trong tư duy mà chẳng bao giờ lộ diện nguyên hình để nhà thơ bắt được nó trong trí óc của mình. Bởi thế nhà thơ “Chờ qua đêm” và sẽ còn “Chờ qua đêm” mãi mãi…

Và khi hoài nghi trong đầu lên đến độ cao, thật và ảo làm mờ đôi mắt tuệ, nhà Lê Thiên Minh Khoa không đi tìm cứu cánh trong đạo, trong thiền để định được tâm linh mình. Nhà thơ đi tìm cứu cánh trong thơ và rượu thì dễ lắm tinh thần tẩu hỏa, cái nhìn trở nên bấn loạn:

Và em.
Và tôi.
Và ai.
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm

Bây giờ Lê Thiên Minh Khoa không biết em, không biết tôi, không biết cả thời gian dài hay ngắn. Khổ thơ cho ta thấy sự nghi ngờ, sự lẩn lộn xảy ra trong tâm hồn tác giả. Mọi sự nhà thơ dồn vào trong một chữ “Và”. Chữ “Và” đó chứa em, chứa tôi, chứa ai nữa không biết, chứa nỗi nhớ gì không biết, chỉ biết là nhớ 100 năm cho đến 1000 năm còn nhớ.

Sau phút loạn thị đôi mắt của tuệ, những tưởng nhà thơ tẩu hỏa vi căn thẳng tư duy trong rượu. Nhưng không, Lê Thiên Minh Khoa còn tỉnh táo để cho ta biết nỗi nhớ trăm năm, ngàn năm, hay chính ra, là nỗi nhớ trải qua bao kiếp người. Bao kiếp người ấy nhà thơ đã nhận chịu những nỗi đau vật chất và tinh thần phi lý:

Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!…

Hóa ra cũng chỉ là nhớ nỗi đau của “Khổ Đế”, một chân lý trong bốn chân lý mà Đức phật tìm ra dưới gốc cây bồ đề. Đức Phật tìm ra nguyên nhân của sự khổ, Ngài ngộ được nhưng Lê Thiên Minh Khoa không ngộ được. Nhà thơ có thấy chăng cái nguyên nhân đó, thì cũng như sự thấy của triệu triệu sinh linh trong cõi ta bà nầy, nghĩa là thấy mập mờ hình bóng mà thôi, thấy như thấy vầng trăng Đức Phật chỉ, nhưng nó ở ngàn vạn xa không bao giờ đến được.

Là một thi nhân còn trong cõi tục lụy, mang nỗi đau của kiếp nhân sinh, con tim nhạy cảm, rung động trước hoan lạc và trước nỗi buồn, tìềm tàng trong linh hồn mập mờ hình ảnh những nhánh sông đời trong tiền kiếp, nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa bật lên trong thơ tiếng kêu của mình, như tiếng con nai vàng lạc trong rừng rậm. Nhà thơ tự họa bằng thơ chân dung của linh hồn mình, như một con thuyền bơ vơ trôi giữa hư và thực, kể cả ngọn hải đăng của đời, của Thiên Đường hay của địa ngục cũng không có. Em và tôi và ma và Phật, và trăm năm đều nằm trong ly rượu. đó là thứ đạo chân lý mà Lê Thiên Minh Khoa làm giáo chủ, để vơi đi nỗi nhớ xa xăm, để quên đi những bài toán khó của cuộc đời không giải được như thần linh, như ma quỷ ám ảnh nhà thơ mãi mãi.

                                                                      Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “CHÂN DUNG TỰ HOẠ 34” CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch