Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 24, 2020

XUÂN XƯA - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: PhamPhanLang - Ca sĩ: Diệu Hiền





Xuân xưa
Xuân ấy em mười một Anh cũng độ mười ba Hai đứa ở gần nhà Chỉ cách nhau con ngõ Mồng một em áo đỏ Đầu thắt chiếc nơ xanh Tung tăng đi tìm anh Đưa em đi hái lộc Anh dìu em lên dốc Chùa nhỏ ở trên cao Anh hái em cành đào Và cài hoa lên tóc Trong chùa hương ngây ngất Phật nhìn em mĩm cười Dâng Phật cành hoa tươi Cầu xin Ngài phù hộ Bỗng dưng trời mưa đổ Hai đứa chạy về nhà Vội vàng em vấp ngã Rơi mất cánh hoa cài Dỗi hờn em khóc mãi Anh dỗ dành không thôi Bắt đền hoa cúc mới Em lắc đầu không ưa Xuân này nhớ Xuân xưa Anh nay không còn nữa Thương nhớ nói sao vừa Chuyện những ngày thơ ấy... phamphanlang  
READ MORE - XUÂN XƯA - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: PhamPhanLang - Ca sĩ: Diệu Hiền

RỘN RÀNG XUÂN TẾT - Thơ Mai Vân-Văn Thiên Tùng




RỘN RÀNG XUÂN TẾT
Mai Vân-Văn Thiên Tùng

Chiều tàn đông giá bấc lùa rát rạt
Từng sân ga đông nghịt khách vào ra
Cũng như nhau vì cuộc sống xa nhà
Chẳng hò hẹn nhưng đồng tìm về cội

Từng chuyến tàu hụ còi sang ghi vội
Những chuyến bay nâng cánh rít ầm vang
Bao chuyến xe rời bến nối thành hàng
Đồng chung chuyển đưa người về với tết.

Muôn nẻo đường chằng chịt nào kể hết
Từ rẻo cao cho chí thị thành- thôn
Từ cháu con, bố mẹ đến người thân
Khắp đây đó hối hả về tổ ấm…

Tiệc tất niên mâm cổ thật thấm đậm
Nào chuyện đời, chuyện việc ...chuyện quê hương
Lìa quê cha đất tổ dạt ngàn phương
Hằn ẩn chứa bao niềm thương nổi nhớ …

Đây núm ruột tuổi thơ mang máng nợ
Lũy tre làng tháng hạ lẫn mưa đông
Cơn gió Lào hay bão lũ - tố giông
Khi hạn cháy với mưa dầm bấc giá…

Làm sao quên chốn thị thành phố xá
Chật đông người khi xuân Tết cận kề
Súng sính cùng áo quần mới hả hê
Du xuân mới ... lắm trò chơi mãn nhãn…

Giao thừa điểm pháo xuân hoa ngời rạng
Khoảnh khắc thiêng liêng năm mới điểm rồi
Lộc xuân mơn …mầm xuân ngát ...đất trời
Ngần hoa thắm - bướm vờn ...chim lượn hót

Ngày đầu năm nào quần là áo lượt
Rộn câu chúc: "Vạn sự cát tường" thay
"Cầu an khang thịnh vượng - lộc phúc" đầy.. .
Lão thọ đáo ... nhà nhà đều hỷ- hảo...

Mai Vân- VTT, 17/01/2019.

READ MORE - RỘN RÀNG XUÂN TẾT - Thơ Mai Vân-Văn Thiên Tùng

NGÀY XƯA, NGÀY TẾT, VÀ CỜ BẠC - Tạp bút của Trần Hữu Thuần

Ngày Xưa, Ngày Tết, và Cờ Bạc

Tạp bút của Trần Hữu Thuần
(Trích trong truyện dài Hoa Rơi Nước Mắt của cùng tác giả.)


Hát bài chòi. Hình từ Wikipedia tiếng Việt.



Ngày Tết những năm thái bình thuở trước, dân làng miền Trung thường chơi các môn cờ bạc hoặc nặng hoặc nhẹ. Hạng nhẹ có rất nhiều trò chơi; bình dân chơi Bài Tới, Cờ Chồng còn gọi là Tam Cúc; sang trọng hơn chơi Xăm Hường; chung cho sang hèn là Tứ Sắc, Bài Xẹp. Hạng nặng có Xóc Dĩa, Hốt Me, Hốt Lú, riêng Hốt Me Hốt Lú có thể nhẹ hoặc nặng tùy số tiền bỏ ra để sát phạt nhau. Tập thể có Bài Chòi, Cờ Người, Chọi Gà.
Cờ Chồng, nơi khác gọi là Tam Cúc, thường bốn người chơi, có khi ba người. Người ta dùng bộ Cờ Tướng gồm các quân Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Mã Tốt hay Chốt, cao nhất là quân Tướng, thấp nhất là quân Chốt. Cờ có thể làm bằng giấy, hoặc dùng ngay quân cờ Tướng bằng gỗ, bằng sừng, bằng ngà. Bộ cờ gồm hai màu, đen hoặc xanh, và đỏ. Nếu hai quân ngang cấp, quân đỏ thắng quân đen. Mỗi người tuần tự bốc quân đã sắp thành chồng hoặc người làm cái chia quân giấy, mỗi người tám quân nếu bốn người chơi. Nếu chỉ có ba người, tám quân thừa sẽ để trên chiếu, người nào không ăn được quân cờ người tay trên đánh ra sẽ bốc cho đến khi có quân ăn được hoặc không còn quân nào trên chiếu nữa. Quân có thể ăn nhau từng con, bộ đôi, hoặc bộ ba, quân lớn hơn ăn quân thấp hơn ví dụ đôi xe ăn đôi pháo. Người nào ăn quân cuối cùng trước các người cùng chơi là người thắng cuộc. 
Hốt Me hoặc Hốt Lú dùng một số đồng tiền hoặc bất cứ thứ gì có thể hốt (nắm, bốc) lên và đếm được ví dụ hạt trái cây, sỏi sạn, với số lượng người chơi bất kì. Trò cờ bạc này có bốn cửa để người chơi đặt tiền gọi là tam túc yêu lượng. Nếu chơi nhỏ, người làm cái bốc một nắm rồi đếm xuống mỗi lần một nhóm bốn đơn vị cho đến khi nhóm cuối cùng còn lại, bốn là túc, ba là tam, hai là lượng, một là yêu. Học giả Huình (sic) Tịnh Paulus Của ghi trong Đại Nam Quấc (sic) Âm Tự Vị rằng “Hốt me là bày cuộc chơi tiền” có “bốn cửa là tam túc yêu lượng.” Nếu chơi lớn, nhà cái dùng một cái chung hoặc cái chén nhỏ đổ tiền hoặc hạt me từ trong túi đựng vào đầy chén thay vì bốc vào nắm tay. Trước khi nhà cái bốc me, nhà con đặt tiền vào một trong bốn cửa theo ý muốn, cửa nào đúng với số lượng hột còn lại cuối cùng sẽ là cửa trúng được nhà cái chung một số tiền bằng số tiền nhà con đã đặt, ba cửa còn lại là cửa thua, tiền thuộc về nhà cái. Trên nguyên tắc nhà cái có xác suất ba thắng một thua, nhưng thua thắng còn tùy chọn lựa của nhà con khi đặt tiền. Nếu tất cả nhà con đặt vào chỉ một cửa và cửa đó là cửa trúng thì nhà cái sẽ thua hoàn toàn. Trò chơi này chẳng biết xuất xứ từ đâu, không đếm số bằng tiếng Việt mà bằng một phương ngữ Trung Hoa nào đó, và cũng chẳng biết tại sao không gọi theo thứ tự từ nhỏ đến lớn yêu lượng tam túc mà lại gọi tam túc yêu lượng chẳng theo thứ tự nào. Khi hốt me rền một cửa nào đó, ví dụ cửa bốn túc, hoặc nhà cái hoặc nhà con có thể tiêu tán sự nghiệp, do đó mới có câu nói chết một cửa tứ


Tác giả Trần hữu Thuần

Khác với hốt me hốt lú chơi nhỏ chơi lớn tùy thích, Xóc Đĩa chỉ chơi lớn không thể chơi nhỏ. Xóc Đĩa có hai cửa chẵn và lẻ cho nhà con đặt tiền, quyết định do mặt bốn đồng tiền lộ ra trên đĩa; từng cặp cùng mặt là chẵn, một mặt khác với ba mặt kia là lẻ. Đặt bốn đồng tiền lên một cái đĩa sành nhỏ, nhà cái úp một cái bát lên trên rồi bắt đầu lắc đều nhịp. Bốn đồng tiền reo hồi hộp trong bát. Đặt bát dĩa xuống chiếu, nhà cái hô lớn:
“Đặt đi, đặt đi.”
Chiếu phân thành hai bên, bên chẵn bên lẻ. Một người bàn:
“Lẻ là cái chắc, rền bốn cái chẵn rồi.”
Rền là mặc chẵn hay lẻ ra liên tiếp nhiều lần. Nhiều người góp ý:
“Chắc đúng đó, lẻ một quan nì.”
Người ta đua nhau đặt tiền vào cửa lẻ. Ước lượng chênh lệch giữa số tiền đặt cửa lẻ và tiền vốn, nhà cái xoay đĩa quay tít rồi hô lớn:
“Bán cái!” 
Bán cái nghĩa là nhà cái nhường ăn thua lần mở bát đó cho người nào đứng ra mua. Một người quần trắng áo dài đen sạch sẽ hô lớn:
“Tui bắt.”
Người chơi nhìn lên, xì xào: “Ông Bộ.”
Ông Hương Bộ là thành viên của Hội đồng Hương tề lẽ ra không được đánh bạc vì Xóc Dĩa thuộc loại cờ bạc bị cấm đánh, không chỉ riêng Hương tề mà mọi người trong làng vì ăn thua quá nặng làm nhiều người sạt nghiệp. Do máu me, ông Bộ thỉnh thoảng chợt hiện chợt biến nhảy vào bắt cái cầu may. Nhà cái hô:
“Đặt xong chưa? Bán cái. Cất tay.”
Đó là lệnh cho người chơi rút tay ra khỏi chiếu, không thể thay đổi số tiền đã đặt trên chiếu hoặc ăn gian rút tiền lại khi nhà cái mở bát. Đứng lên nhìn về phía ông Bộ, nhà cái khoanh tay:
“Mời ông Bộ mở bát.”
Ông Bộ từ tốn tựa cán dù đen vào cạnh tủ dùng làm bàn thờ, bỏ đôi dép cạnh cây dù, cười hề hề rồi vén chiếc quần lụa ngồi xuống chỗ nhà cái vừa nhường. Ông nhỏ giọng nói:
“Cất tay. Cất tay.”
Rất chuyên nghiệp, ông Bộ xoay cái bát úp trên dĩa. Cái bát xoay lượn trên chiếc dĩa nhanh như chong chóng nhưng không để lộ các đồng tiền bên trong. Nhanh như cắt, ông vươn tay chặn chiếc bát đang xoay rồi nhấc vội dĩa lên một chút nhưng không lắc vì không ai được phép lắc tiền nữa. Hạ đĩa xuống, ông mở bát, miệng hô lớn:
“Mở nì. Hai sấp hai ngữa, chẵn.”
Trố mắt nhìn chiếc đĩa nhỏ trên chiếu, mọi người ồ lên:
“Lại chẵn. Ôi, rền chi mà rền chết người, tới năm lần rồi. Đổi dĩa đổi tô đi.”
Nhà cái bứt đầu bứt tóc vì đã nhìn sai tiền ra trên dĩa, thầm oán trách bị tổ trác. Trong nghề xóc đĩa, nhà cái thường là tay cờ bạc chuyên nghiệp với đủ mánh khóe gian lận. Chưa có kĩ thuật gian lận cao cấp ngày nay như chế ra đồng tiền có nam châm hoặc gắn bộ cảm ứng với bộ điều khiển giấu trong nhẫn đeo tay hoặc gắn trên mắt kính, nhà cái thời đó thường chỉ gian lận bằng cách khéo léo xoay bát thế nào để có thể nhìn rất nhanh vào các đồng tiền sấp ngữa ra trên dĩa bên trong bát. Nhìn ông Bộ vơ bên lẻ chung bên chẵn, nhà cái tiếc hùi hụi nhưng chẳng dám hé môi, chỉ nói đưa khen ông Bộ: 
“Ông Bộ hên thiệt, tui không thể nghĩ được rền đến năm bát như rứa.”
Ông Bộ gom tiền, đứng lên, xỏ dép bước ra khỏi chiếu. Nhà cái nói:
“Ông Bộ không đánh nữa răng?”
Ông Bộ cười:
“Chút cho vui thôi, tui mô dám. Ai mỏng mép méc ông Xạ là chết tui.”
Xạ là tiếng địa phương để gọi ông Lí trưởng, ông Xã trưởng. Chủ nhà líu quíu đứng cạnh ông Bộ, chờ ông Bộ cho tiền xâu là ngữa tay lấy, vái vái cám ơn vì số tiền xâu hậu hĩnh. Tiền xâu là tiền nhà cái hoặc người mua cái cho nhà chủ sau mỗi lần thắng. 
Hạng nhẹ trong gia đình còn một trò cờ bạc gọi là Bài Tới hay Bài Chòi Thuận Quảng mà nhiều người cho là loại bài Việt Nam thuần túy với các hình vẽ tượng tượng trưng cho tên các quân bài mà đến nay chưa ai hiểu được ý nghĩa cho dẫu có người cho đó là chữ Nòng Nọc, chữ Việt cổ đã bị người Trung Hoa xóa bỏ vào thời một ngàn năm đô hộ hiện còn lưu lại một ít trên các trống đồng. Quân Bài Tới được in trên giấy, gồm ba mươi cặp chia ra ba nhóm. Nhóm một in hình có dạng đồng tiền, nhóm hai có dạng người, và nhóm ba có dạng một con chim dài cổ. Mỗi quân bài đều có in một vài chữ Hán. Quân cùng pho có hình vẽ cùng chủ đề với nét vẽ và chi tiết thêm bớt khác nhau nhưng rõ ràng không phải để nói lên ý nghĩa hay tên gọi thực sự của quân bài; đáng tiếc là cho đến nay chưa ai hiểu được các hình tượng đó nhằm nói lên điều gì. Nhóm một gồm mười quân mang tên Tuyết, Trường hai, Trường ba, Voi, Rún hay Rốn, Sáu tiền, Liễu, Tám tiền, Xe, Ầm hay Ông Ấm; nhóm hai mười quân mang tên Trò, Hương hay Tứ Cẳng, Ba Đấu, Xơ, Quăn, Nhọn hay Dọn, Thất Nhọn, Bồng, Thầy, Ngủ (dấu hỏi), Tử hay Thái Tử; và nhóm ba mười quân mang tên Nọc Đượn hay Đượng, Nghèo, Gà, Gióng, Dày hay Giày, Sáu Hột, Sưa hay Thưa, Tám Giây, Gối, Mỏ hay Đỏ Mỏ. Tên các quân bài như thế đích thực không phải là đọc các chữ Hán cũng chẳng phải đọc theo hình vẽ trên quân bài ví dụ quân Rún chẳng có gì là hình dạng của lỗ rốn con người, hay quân Đượn, Nọc Đượn hay Đượng theo giọng Huế tại sao có hình biểu tượng là một con chim dài cổ với một tua dài vòng quanh như một giải vải trang trí. 
Cùng loại với Bài Tới là Bài Chòi. Bài Chòi là biến thể của Bài Tới để chơi tập thể, phổ biến ở một số tỉnh phía nam miền Trung. Tập thể ở đây không hiểu theo nghĩa rất nhiều người chơi cùng lúc mà được hiểu theo nghĩa nhiều người tham gia vào trò chơi kể cả người đến nhìn và nghe hát. Nếu nói bài Chòi là nhà hát lộ thiên bình dân thì cũng không ngoa vì cách rao bài đã là một bài ca chưa tính trích đoạn tuồng hát và các bài ca lẻ giúp vui. Ngày Tết rảnh rỗi, trai gái già trẻ được nghỉ việc đồng ruộng túa ra bãi Bài Chòi để chơi thì ít mà để coi người khác chơi và nghe hát thì nhiều. Số người chơi chính thức là mười người hạn chế bởi số lượng ba mươi quân của bộ bài, có nơi là mười một người nếu người ta thêm ba quân Ầm đen, Tử đen, Mỏ đen vào bộ bài. Gọi là Bài Chòi vì người chơi ngồi trên các chòi, mười hoặc mười một chòi, dựng tạm bằng tre lợp tranh cao hơn mặt đất chừng mét hơn mét bước lên bằng mấy nấc thang tre. Chòi đủ chỗ cho ba bốn người ngồi gồm một người chơi chính thường là các bà các ông đã nhiều tuổi và ba bốn người đi theo thường là con cháu giúp các ông bà đoán các câu thai. Tùy thế đất, chòi có thể dựng thành hai dãy song song quay mặt vào nhau, dãy này cách dãy kia một khoảng sân chừng ba bốn mét, hoặc thành một vòng tròn. Cắt ngang một đầu sân hoặc một phần vòng tròn, nhìn ra sân trống, người ta cất một chòi rộng hơn dành cho quan viên giám sát buổi chơi và ban điều hành. Ban điều hành gồm ba bốn người bao quát hết mọi việc, người hô thai gọi là Hiệu, hai ba người vừa phụ hô thai vừa kiểm soát so sánh quân bài được rao vừa rước và trao phần thưởng và vừa ca hát giúp vui. Với giá tiền có tính cách mua vui hơn là sát phạt, người chơi mua ba con bài khác nhau hoặc từng bộ ba con viết sẵn trên một tấm thẻ. Tổng số tiền bán được mỗi lần chơi trừ chi phí theo phần trăm đã định sẽ là tiền thưởng của người tới nghĩa là người có đủ ba con bài đúng với các quân bài Hiệu đã rút ra được từ ống và rao lên.  
Làn điệu rao Bài Chòi thay đổi tùy địa phương, Bình Trị Thiên khác Nam Ngãi Bình Phú Khánh, vừa ngân nga vừa có tính gây cười. Các bài ca cổ giúp vui thường là các trích đoạn hát bộ ca theo phong cách địa phương, ngày nay còn cả các bài tân nhạc. Ban nhạc Bài Chòi lớn nhỏ tùy khả năng ban tổ chức và số lượng nghệ nhân có thể có được, cơ bản gồm đàn nhị, kèn ba lá, trống con, mõ, chiêng, sanh, và phách, đôi khi thêm một trống đại cầm chầu. Bình Trị Thiên sử dụng các làn điệu dân ca để rao trong khi Nam Ngãi Bình Phú sử dụng làn điệu hát Bội có nhiều đoạn xuống Xề như thể sắp vào Vọng cổ miền Nam nhưng chỉ chấm dứt ở đó để bắt đầu lại mà không đi tiếp sáu câu. Nhạc đệm rao bài Chòi đi khá sát làn điệu câu hát không tùy tiện đi xa như trong cổ nhạc miền Nam. 
Theo tiếng sanh phách giữ nhịp, Hiệu tức người hô thai nâng hộp đựng thẻ bài làm bằng một ống tre kín một đầu vừa đi vừa ca bài kiểm tra số quân bài, tay chân múa may theo cử điệu hát Bội. Mỗi quân bài rút ra được rao to và đặt vào một ống khác. Kiểm tra đủ, ống quân bài sẽ được cắm vào một trụ tạm thời có thể lắc qua lắc lại để xáo quân bài. 
Buổi chơi bắt đầu. Hiệu hát các câu dạo, thường là một vài câu chúc Tết:


Hiệu tôi kính chúc đôi lời,
Xin chúc Năm Mới mọi người an khang,
Gia đình thịnh vượng bình an,
Phúc lộc đầy tràn, phú quí thăng hoa.


Rồi bắt đầu vào ý chính:

Gió xuân phảng phất ngọn tre,
Hai bên cô bác lặng nghe Bài Chòi.


Nếu rao Lô tô là cách nói có vần có điệu để dẫn đến con số rút thăm được, rao Bài Chòi là một bài ca bóng gió gọi là câu thai để người chơi đoán xem con bài rút thăm được là con bài gì. Thai khó hay dễ, dỡ hay hay tùy tài trí nhanh nhẹn ứng biến của Hiệu, nhưng thường không quá khó đến độ người chơi không thể đoán ra. 
Rút một quân bài trong ống, Hiệu cất tiếng ca:


Đi mô cọ xiểng đi hài,
Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không.


Không cử nhân không tú tài thì đúng là còn đang đi học; người có học có quan chức mới đi hài, người cày cuốc chỉ đi chân đất; vậy lời giải là anh học trò, Con Trò.


Nửa đêm gà gáy le te
Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm. 

Câu này không phải câu đố mà chỉ là câu dựa vào tiếng đồng âm, nghe cái ầm tức là quân Ông Ầm. Đoán ra được tên quân bài qua ý nghĩa của câu thai, người có quân bài mang tên đó sẽ gỏ mõ báo hiệu để ban điều hành đến kiểm soát xem đoán đúng hay sai. Nếu đoán sai, ban điều hành thông báo cho các chòi còn lại tiếp tục đoán, chòi đoán sai mất quyền ưu tiên. Sau thời gian qui định ví dụ một hồi trống nếu vẫn không chòi nào đoán đúng, ban điều hành sẽ rút quân khác và hô lại. Chòi nào đoán trúng đủ ba con đã mua được sẽ hô lớn:
“Tới.”
Sau khi ban điều hành kiểm soát và xác nhận, ban nhạc lập tức thay đổi cung điệu cử khúc chào mừng người thắng cuộc. Tiền trúng giải đặt trên khay có cắm cờ được ban nhạc và đại diện ban điều hành rước đến tận chòi tới. Đại diện ban điều hành rót một chung rượu mời người chủ chòi và tận tay trao tiền thắng, một số tiền nhỏ có ý nghĩa tượng trưng tài lộc đến trong năm mới hơn là tiền trúng cờ bạc. Người ta nô nức đến chơi không phải với chủ tâm cờ bạc mà với chủ tâm mua vui và cầu may đầu Xuân. Tàn cuộc chơi, người thắng người thua đều ra về với nụ cười hể hả, luôn miệng chúc nhau năm mới an khang thịnh vượng phát tài phát lộc.
Một thú vui khác trong ngày Tết là cờ Người. Cờ Người đây không phải là cuộc cờ người đét đồn lên đánh như trong bài thơ Đánh Cờ Người của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:


Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đét đồn lên đánh cuộc cờ người,
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thủy không ai được biết,
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên,
Hai xe hà chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ,
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã đổ đùng ra chiếu.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


Cờ Người đây chính là cờ Tướng chơi trên bàn cờ nền đất với các quân cờ Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Mã Chốt hay Tốt không bằng gỗ bằng ngà mà bằng người thật. Trong bộ võ phục ghi tên quân cờ trước ngực và sau lưng, người đóng vai các quân cờ thường là võ sinh biết đi quyền và sử dụng thương, đao, kiếm, hoặc ít nữa cũng biết múa may trông như đánh võ thật. Quân cờ trên sân tấn thoái sát phạt thế nào là do điều động của hai tay cờ thường là có hạng trong vùng đấu trí nhau trên bàn cờ thông thường đặt trong nhà. Mọi tranh cãi trong cuộc đấu trí đều do một trọng tài có uy tín phân xử, uy tín không chỉ đối với hai đấu thủ mà còn đối với hầu hết mọi người trong làng. Mỗi nước cờ được đấu thủ đến lượt suy tính trong một khoảng thời gian cho phép nhất định đo bằng chiếc đồng hồ cát đặt nơi nào để hai đấu thủ và trọng tài lúc nào cũng có thể nhìn thấy rõ ràng. Đồng hồ cát là dụng cụ đo lường thời gian làm bằng một bình chứa thủy tinh có hai ngăn một trên một dưới, thắt eo chính giữa, thông nhau bằng một lỗ thoát hẹp, mỗi ngăn có thước vạch thành khắc. Thời gian được tính bằng cách nhìn xem cát từ ngăn trên chảy xuống ngăn dưới ngập đến vạch khắc nào trên thước, bốn khắc là một giờ, hai giờ là một thời, mười hai thời là một ngày gồm bảy thời ban ngày và năm thời ban đêm gọi là năm canh. Số lượng cát trong ngăn trên thường đủ cho ít nhất là sáu thời, nghĩa là nửa ngày. Khi cát ngăn trên chảy hết xuống ngăn dưới, người ta lập tức quay ngược bình bên dưới lên trên và một chu kì mới bắt đầu, có nghĩa một ngày hai lần phải có người túc trực để kịp thời quay bình để đồng hồ tiếp tục hoạt động. 
Nghe trọng tài báo quân cờ đầu tiên khởi đầu cuộc chơi, một người cầm loa chỉa ra ngoài lớn tiếng lặp lại:
“Cuộc cờ bắt đầu. Đỏ đi tiên, Chốt bảy tấn một.”
Con số liền sau tên quân cờ chỉ vị trí quân cờ đó trên bàn cờ tính từ trái sang phải của người giao đấu, ví dụ Chốt bảy nghĩa là trong năm quân Chốt ở các vị trí một, ba, năm, bảy, chín, quân được chọn di chuyển nằm ở vị trí số bảy. Vị trí là chín giao điểm của đường thẳng và đường ngang tạo thành tám ô vuông hàng ngang trên bàn cờ. Tấn là tiến tới phía trước, bình là đi ngang, thối là lùi lại. Con số liền sau tấn bình thối chỉ bao nhiêu nấc trên bàn cờ quân cờ phải di chuyển để tới vị trí mới. Tuy từ dùng như nhau nhưng mỗi quân cờ có cách di chuyển riêng phải tuân thủ, quân xe quân pháo di chuyển thẳng ngang tới lui được, mỗi lần bao nhiêu nấc cũng được nếu không có quân cản trở; quân tốt khi còn trên phần đất của mình chỉ di chuyển tới từng nấc một, khi vượt qua ranh giới phân chia hai phần đất gọi là sông hay thì được di chuyển tới hoặc ngang cũng từng nấc một nhưng không bao giờ đi lùi lại; quân mã di chuyển theo đường chéo hai ô chữ nhật; quân tượng di chuyển đường chéo bốn ô hình vuông trên phần đất của mình không được qua sông; quân sĩ di chuyển theo đường chéo từng ô trong phạm vi bốn ô vuông đại bản doanh chính giữa khu vực sát biên sắp quân chờ vào trận; và quân tướng chỉ di chuyển thẳng hoặc ngang từng nấc một trong bốn ô vuông đại bản doanh.  Khi di chuyển, nếu quân xe gặp quân phe địch thì ăn quân đó; quân pháo phải nhảy cách một quân hoặc của ta hoặc của địch để ăn quân địch; các quân còn lại ăn quân phe địch nếu quân phe địch nằm ngay vị trí quân đó di chuyển tới, nếu không phải vị trí tới mà ở trên đường di chuyển thì không thể di chuyển được gọi là bị cản, ví dụ quân phe địch nằm trên đường chéo di chuyển của quân mã thì quân mã đó không thể di chuyển, nhưng nếu quân phe địch nằm ở cuối đường chéo nơi quân mã di chuyển tới thì mã sẽ ăn quân phe địch đó. 
Trên sân bàn cờ, người đóng vai quân Chốt ở vị trí số bảy múa thương, đấm đá, rồi tiến lên một nấc trong tiếng trống thúc quân vang rền. Người rành cờ bình phẩm với bạn bè chung quanh:
“Chà, Đỏ dùng thế tiên nhân chỉ lộ, rõ ra là người rành cờ.”
Lại có tiếng loa:
“Xanh đi, Pháo hai bình ba.”
Người bình phẩm lại nói:
“Nhất định Xanh biết Đỏ dùng tiên nhân chỉ lộ nên đi pháo hăm dọa.”
“Hăm là hăm cái chi?”
“Hăm tấn chốt bắt chốt Đỏ. Đỏ không dám bắt chốt của Xanh vì nếu bắt, Pháo nhảy Tượng chiếu tướng, Đỏ mất xe.”
Quân cờ bên ngoài lại múa đao đi đến vị trí. Loa lại rao:
“Đỏ đi, Pháo hai bình năm.”
Người bình phẩm lại lên tiếng:
“Đỏ phản công biến thế.”
“Biến là biến cách răng?”
“Thế xuất quân này nguyên phải phản công bằng Pháo tám bình năm, nhưng Xanh đi Pháo hai bình năm. Chà gay cấn đây.”
“Xanh đi, Tượng ba tấn năm.”
Người bình phẩm:
“Đúng rồi, không lên Tượng là nước sau bị Pháo trống ngay.”
Pháo trống là quân Pháo nằm ở vị trí thẳng hay ngang với quân của phe địch mà không có quân nào ở giữa, dĩ nhiên không thể chỉ là một quân vì như thế Pháo sẽ ăn quân phe địch. Bị Pháo trống phe địch rất khó giữ quân vì bất cứ quân nào đi vào giữa Pháo đều ăn được quân phe địch. Loa rao:
“Đỏ đi, Mã hai tấn bảy.”
“Xanh đi, Xe chín tấn hai.”
Cứ thế, hai người đấu cờ bên trong điều động quân cờ, người đóng quân cờ bên ngoài khi tiến, khi thối, khi chém khi giết nhau trong tiếng trống thúc quân, tiếng reo hò vang dậy của người bên ngoài khi thấy nước cờ hay, hoặc la ó khi nước cờ sơ hở. Nhiều người cá tiền bạc với nhau, nhằm mua vui không nhằm sát phạt. Xong một trận. Trận kế tiếp, loa rao:
“Đỏ đi tiên, Pháo hai bình năm.”
Người bình phẩm lại lên tiếng:
“Cha chả, hôm nay thực đã con mắt, Đỏ có lẽ sử dụng thế Phản Hoa Mai.”
Người bạn nói:
“Bác coi bộ giỏi cờ dữ, răng không ghi tên đấu cho vui?”
“Bác nói rứa chơ tui chỉ biết sơ sơ thôi, thi đấu tôi kham không nỗi. Tôi có cái bệnh hồi hộp, khi mô gặp chuyện là tim đánh loạn xà ngầu chẳng còn suy nghĩ chi được nữa.”
“Ra rứa, tui mô có dè. Rứa theo Bác, Xanh sẽ chống lại bằng thế nào?”
“Nếu đúng bài bản thì còn tùy, vì thế Phản Hoa Mai ni có tới bảy cách phản khác nhau, nào là Đương đầu pháo trực xa phá bình phong mã, nào là Pháo đầu phá tiên chốt vân vân. Cứ coi nước tới là có thể đoán ngay hai bên dùng thế nào.”
Loa rao:
“Xanh đi, Mã tám tấn bảy.”
“Đỏ đi, Mã hai tấn ba.”
“Xanh đi, Chốt ba tấn một.”
Người bình phẩm nói ngay:
“Chừ thì khá rõ rồi, đúng là Pháo trực xa phá bình phong mã.”
Người bạn hỏi:’
“Nếu đúng rứa thì ai thắng?”
“Cái nớ không thể nói chắc vì còn tùy biến thế, chẳng ai đem nguyên thế cờ ra đánh vì mình biết thì người ta cũng biết. Vì rứa, cao cờ đồng nghĩa với giỏi biến thế để cuối cùng trở lại nước kết của thế xuất quân ban đầu hoặc qua nước kết của thế cờ lạ bất ngờ nào khác.”
“Ra là rứa, tui chơi cờ vỏn vẻn, chẳng biết thế thiếc chi mô.”
Loa rao. Quân tấn quân thối. Trống thúc quân. Người reo hò. Trận cờ này nối tiếp trận khác cho đến trận chung kết. Trên đường về, người bình phẩm bảo bạn:
“Cờ tướng học theo bài bản, nhưng xuất quân hoặc tiến quân đều phải biến thế để đối phương không đoán được ý mình.”
“Rứa thì học bài bản để mần chi?”
“Một là để biết trước mà phản công các thế đối phương sử dụng, hai là để tương kế biến thế theo ý mình.”
“Hèn chi cờ tướng cao thấp khó mà đo lường.”
***
Thế đấy, ngày Tết ngày xưa cờ bạc nhỏ trong gia đình hay cùng với bạn bè chòm xóm là niềm vui dân giả. Chẳng thế mà đã thành ca dao, Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè. Cờ bạc để giải trí chẳng ai phiền trách nhưng mê Casino để tán gia bại sản thì chồng sẽ bị vợ bỏ, vợ sẽ bị chồng bỏ, và con cái sẽ nheo nhóc, gia đình sẽ tan vỡ. Lẽ trung dung chẳng những áp dụng cho sử thế và ứng thế và còn cho cả mọi phương tiện giải trí cách riêng cờ bạc, vui chơi thì chẳng có gì đáng trách nhưng say mê đỏ đen đem gia sản cúng cho Casino thì chắc chắn là điều không thể chấp thuận được. Cờ bạc là bác thằng bần, chân lí đó chắc chắn chẳng bao giờ thay đổi được.

(Grand Rapids, Michigan, 22 th. 11, 2019
Trần Hữu Thuần

READ MORE - NGÀY XƯA, NGÀY TẾT, VÀ CỜ BẠC - Tạp bút của Trần Hữu Thuần