Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 16, 2020

NHỚ GIAO THỪA NĂM XƯA... - Thơ Trần Mai Ngân






NHỚ GIAO THỪA NĂM XƯA...

Chen lấn giữa cuộc xuân
Tôi đi tìm mùa cũ
Tôi của tôi đâu rồi
Áo hoa và mắt biếc...

Đêm giao thừa đi lễ
Cùng mẹ và có anh
Trời sao đêm nhấp nhánh
Tôi hạnh phúc nhất đời...

Chắp tay nguyện Phật Trời
Xin yêu anh mãi mãi
Xin tuổi mẹ trăm năm
Xin mình đừng xa xăm...

Cuộc đời vô thường lắm
Tôi khờ khạo ngây thơ
Cuộc chơi rồi khép lại
Ta nghi ngại rời nhau...

Tuổi hạc mẹ bay cao
Lệ rơi hai vạt áo
Chỉ còn trong chiêm bao
Giao thừa cùng đi lễ

Mùa Xuân lại mùa Xuân
Tôi lạc giữa lưng chừng
Phố đông... giao thừa lạnh
Tôi gọi ngày xưa ơi...

                Trần Mai Ngân
                   24-2-2020

READ MORE - NHỚ GIAO THỪA NĂM XƯA... - Thơ Trần Mai Ngân

ÁO LỤA SÓC TRĂNG - Thơ Nguyên Lạc



                     Nhà thơ Nguyên Lạc



ÁO LỤA SÓC TRĂNG

1.
Ai về đất Sóc quê tôi *
Nhớ thăm Hoàng Diệu một thời đã xa
Một thời yểu điệu thướt tha
Trắng dài áo lụa đón đưa con đường

Nhớ thăm cây điệp sân trường
Hoa vàng rơi nhẹ lời thương tóc người
Nhớ thăm ... nhiều lắm người ơi
Trong tôi trọn cả đất trời Sóc Trăng

2.
Phương này giờ tuyết trổ bông
Muôn trùng trắng phủ. Nỗi lòng quê tôi
Nhớ thương ... thôi cũng chỉ rồi
Đêm ba mươi lạnh ngoài trời tuyết bay

Có người lữ khách mồ côi
Đón xuân xứ lạ thấy đời hư không
Sóc Trăng thời đó còn không?
Dáng ai ngày đó ... còng lưng nắng đời?

Sóc Trăng vẫn mãi trong tôi
Trắng dài áo lụa trọn đời … Thiên thu!

                                         Nguyên Lạc
.........

* Sóc Trăng, trước 1975 là tỉnh Ba Xuyên có trường công lập Hoàng Diệu là nơi tôi học. Quê tôi Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng - Hậu Giang

READ MORE - ÁO LỤA SÓC TRĂNG - Thơ Nguyên Lạc

ĐÂU NỤ TÌNH XƯA ! - Văn Thiên Tùng





ĐÂU NỤ TÌNH XƯA !

Con ngõ làng tháng năm chờ cùng đợi
Mỗi hạ sang, thu vãn lẫn đông gầy
Mỗi chiều tàn... lúc hửng nắng… từ đây
Nụ tình ướm... sắc hương ngời tuổi mộng

Nụ tình vương lớn dần theo nhịp sống
Nơi ngõ làng hương loang thắm lối đi
Lời ngầm trao bao ao ước xuân thì
Bởi sắc ấy - bởi hương chiều tim tím

Sắc hương mà mỗi đông tàn xuân chớm
Ôi ! tím yêu thương dìu bước đi về
Tím giản đơn… hòa quyện nét chân quê
Biêng biếc tím… hương chiều… chơi vơi tím

Gió xuân xao quyện hương chiều ngát lịm
Tựa hương tình say đắm độ tròn trăng
Mỗi chiều buông sương xõa… tuyệt diễm Hằng
Ấy nụ tình một thời ta say đắm

Một nụ tình ướm trao trong thầm lặng
Thoáng xuân nao xoan ủ sắc hương nồng
Lắm hạ bừng phượng thắm ước ao mong…
Giờ chỉ mãi… vầng trăng thương và nhớ

Vầng diễm Hằng vốn bên ta từ thuở
Lúng liếng đưa duyên- tủm tỉm môi cười
Háy háy yêu… hay phũng phịu hờn lơi
Đợi nghe tiếng ngọt ngào… thời ấy mới

Chịu nghéo tay… để hòa bình chắp nối…
Bao giao mùa ngần kỷ niệm lên ngôi
Tuổi hồn nhiên khờ khạo vốn qua rồi…
Khi mộng ước chẳng trở thành đôi lứa …

Đâu lối nhỏ dấu yêu tình chất chứa
Những đổi thay có dìu dịu tấc lòng
Ôi! Nụ tình năm tháng ủ ấp mong
Còn đâu nữa! ... Ơi!... vầng trăng kỷ niệm

Một vầng trăng... ta mãi tìm mãi kiếm
Đã vời xa… xa biệt độ sang thu …
Bến bờ nao... đâu đó... vẫn mịt mù
Ôi ! NỤ TÌNH xưa ta hoài mong đợi ...

Mỗi xuân sang...
trong sắc tím- hương nồng

                                Văn Thiên Tùng
                                     08/4/2019

READ MORE - ĐÂU NỤ TÌNH XƯA ! - Văn Thiên Tùng

XUÂN ĐỢI - Thơ Nhật Quang






XUÂN ĐỢI

Giọt Xuân mơ ươm nắng vàng trong gió
Lộc đơm chồi, Xuân về đó em ơi!
Muôn sắc hoa tô điểm thắm đất trời
Anh thầm mong dáng Xuân hồng qua ngõ

Gió rung rinh cánh mai vàng hé nở
Về đi em, cho rạng rỡ tình Xuân
Anh vẫn đợi bên thềm nắng bâng khuâng
Nhìn cánh én chao nghiêng miền thương nhớ!

Em đã hẹn, khi Xuân về ngang phố
Là ước mơ…Xuân hội ngộ yêu thương
Xuân đã chín ngào ngạt mùi vấn vương
Anh vẫn đợi, tình Xuân ơi, vẫn đợi…!

                                        Nhật Quang

READ MORE - XUÂN ĐỢI - Thơ Nhật Quang

NĂM CHUỘT DẠY ĐỜI - Kha Tiệm Ly





NĂM CHUỘT DẠY ĐỜI

1. Chuột dưới mắt người

Tên mười hai con giáp và các con vật “cầm tinh” tương ứng, trẻ em cũng rành sáu câu, thiết tưởng không nên nhắc  cho dài dòng.
Lại không ít người thắc mắc tại sao con chuột nếu xét về hình vóc thì nhỏ xiú, còn về “võ công” thì chẳng là cái đinh gì so với 11 con giáp khác (gặp mèo, gặp rắn là chạy té khói), thế mà không biết lý do gì nó lại được đứng đầu sổ trên 11 con kia?
Về việc nầy cũng có hàng lô lời giải thich; người thích lời giải thích nầy, kẻ thích lời giải thích kia, chưa ai chịu thua ai, nên lại thiết tưởng không cần liệt kê cho thêm rườm rà!
Điều chúng tôi muốn nói là con chuột trong mắt con người và trong văn chương bình dân.
Dưới mắt con người, chuột là con vật bé nhỏ, hôi hám, xấu xí, dơ bẩn, phá hoại, hèn hạ, bậc nhất, nếu không thì sao: “hình thù như con chuột nhắt” (nhỏ); “hôi như chuột”; “dơ như chuột”; “phá như chuột”; và theo tướng số, nếu bị mắng là “đồ mặt chuột” thì ngầm hiểu rằng đó là người nhỏ nhen, hèn hạ! (xin lỗi, chúng tôi chỉ nói theo sách vở chớ không theo quan điểm của mình)
Với loài có vú thì chuột là nhà vô địch về sinh đẻ: Khoảng 3 tháng tuổi, chuột cái có thể đẻ lứa đầu tiên; đẻ một lứa từ 5 đên 10 con; và cứ sau chưa đầy 1 tháng thì lại đẻ lứa khác! Người ta tính, một vợ chồng chuột sau một năm sẽ cho ra đời cháu chít là 15 ngàn (còn tồn tại bao nhiêu là chuyện khác)! Bởi vậy cũng đừng lấy làm lạ khi biết rằng số “chuột khẩu” lại tương đương với số nhân khẩu trên trái đất nầy!

Ngoài ra, mỗi ngày chuột cần một lượng thức ăn thật khủng khiếp là tương đương phân nửa thể trọng chúng! Người ta lại ước lượng số lương thực trên thế giới mỗi năm có thể mất đi hơn 10% phần trăm vì chuột!

2. Loài gây tai hại bậc nhất

Chuột còn là tác nhân gây bệnh dịch hạch, căn bịnh đã cướp di sinh mạng con người một cách khủng khiếp, gấp nhiều lần thiên tai, nhân họa:

“CÁI CHẾT ĐEN là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350. Cái Chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Quan điểm truyền thống cho rằng nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch (Wiki)

Chuột còn có đặc tính đáng ghét nữa là hay cắn phá vật dụng trong nhà: từ bàn ghế, ống nước, sách vở, quần áo, hay bất cứ thứ gì nằm trong “tầm ngắm” của nó. Sở dĩ chuột có thói quen “cạp” các vật dụng chẳng qua là chúng muốn mài mòn các răng cửa của chúng vốn luôn mọc dài ra suốt đời không ngừng nghỉ. Nếu chúng không mài (đồng nghĩa với “cắn phá”), thì một ngày nào đó, răng cửa chúng mãi dài ra, sẽ đâm vào hai hàm. Chúng sẽ chết!

Những người đi sông đi biển, họ rất sợ chuột có mặt trên tàu ghe của mình, vì nó cạp lủng ghe tàu lúc nào không hay; cho nên dưới ghe họ có lập bàn thờ, thờ  ÔNG TÝ!

Phá hoại mà không hề làm lợi ích gì, nên người ta thường ví những kẻ đục khoét tài sản nhà nước là “lũ chuột người”!

Vì những đặc tính khó ưa trên nên con người luôn tìm chuột để diệt cho bằng được. Tuy vậy, chuột cũng có ưu điểm thiên phú để tồn tại là trí thông minh: Tùy theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học mà chuột được xếp từ hạng 3 đến hạng 9 trong 10 loài vật thông minh nhất. Vì chuột có tên trong “bảng phong thần”, nên không ít người đã thổi phồng sự “thông minh” của nó lên, nghe “y như thật”!
Thứ nhất là chuột biết nghe tiếng người cho nên khi muốn gài bẩy chuột trong nhà thì lặng lẽ mà gài, không nên đánh tiếng trước, chuột nó nghe và không dại gì vào bẫy!
Thứ hai là chuột thích ăn mỡ; nếu mở đựng trong chai thì chuột ta cho đuôi vào chai cho mỡ thấm vào đuôi rồi rút đuôi ta liếm, từ từ thưởng thức!(chớ không thèm làm ngã chai cho mờ đổ ra!)
Thứ ba là chuột không thể gặm quả trứng, nên phải rủ chuột vợ ôm quả trứng, còn chuột chồng thì gặm đuôi vợ kéo về!
Dóc tổ!

3. Văn chương bình dân và chuột

Có lẽ vì vậy mà trong văn chương bình dân chuột được “ưu ái” nhắc tới nhiều nhất chăng?
Ta hãy nghe câu chuyện vui “NĂM CHUỘT DẠY ĐỜI” sau đây:
“Đời nầy đen trắng khó phân, nhưng mình cảnh giác mọi việc thì đỡ gây tổn thương cho mình chừng nào hay chừng nấy. Hãy dè chừng với những ai “Mặt dơi, tai chuột”. “Mắt dơi mày chuột”. “Mặt như chuột kẹp”, bởi cổ nhân có câu: “Mắt chuột, tai thỏ, mũi dơi / Trai thời gian xảo, gái thời đong đưa”!
Thiên hạ thì “bách nhân bách bụng, bách bao tử”. chẳng ai giống ai. Kẻ thì quân tử Tàu, hay làm ơn cho nhưng kẻ gian ác có thể hại mình, chẳng khác gì “Chuột cắn dây buộc mèo”; lại có kẻ hợm mình, học làm sang bằng cách làm chuyên khác đời, lập dị, như “Chuột chê xó bếp chẳng ăn. Chó chê nhà dột sang nằm bụi tre” (“Vịt chê lúa lép không ăn. Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre”).

Lại có kẻ không biết phận mình, không chịu “gối rơm theo phận gối rơm”; mà như “Chim chích mà đậu cành sồi. Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu”, hay kiểu “Chuột chù đeo đạc (mõ)!” dốt trất mà nghênh ngang dạy đời!

Lại có kẻ “Hôi như chuột chù” mà không biết phận, lại chê người khác “Chuột chù chê khỉ rằng hôi”, Tất nhiên sẽ bị người khác quật lại liền :“Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm? Có kẻ dốt nát mà lại làm như mình thông thái kiểu “Chuột chù nếm dấm” hoặc  như “Chuột đội vỏ trứng”. để che đậy bản chất xấu xa cùa mình bằng vỏ bọc bề ngoài .

Có kẻ lù đù, hiểu chậm, làm chậm như “Chuột chù phải khói” Bộ dạng Ướt như chuột lột”, rụt rè “Len lén như chuột ngày”, gặp nguy nan thì Trốn như chuột:, vậy mà liều lĩnh dám làm chuyện nguy hiểm không kể tính mạng, khác nào “Chuột gặm chân mèo”.

Cũng chớ tự cho mình giỏi, vì núi nầy cao, có núi cao hơn! “Chuột khôn có mèo hay” mà! Sự thành công trên đời này có khi chỉ nhờ vận may! Nếu may mắn như “chuột sa hũ nếp” thì chớ vội vui mừng, bởi biết đâu có ngay bí lối cùng đường như “Chuột chạy cùng sào”, lạng quạng sẽ như “ Chuột sa cũi mèo” thì tiêu sinh mạng!

Chớ bắt chước bọn”Làm dơi làm chuột”, làm không cái gì ra cái gì mà thường tụ năm tụ bảy“nói dơi nói chuột”, hay làm việc gì cũng “đầu voi đuôi chuột” thì thiên hạ cười cho; cũng không nên nạnh sức, nạnh công để rồi công việc không đâu vào đâu cả, đừng rơi vào tình trạngChuột bầy làm chẳng nên hang”, giống như “ nhiều sãi ko ai đóng cửa chùa” vậy! Chớ khờ dại mà “Bày đường chuột chạy”; cũng chớ tin kẻ đạo đức giả, vì mấy đời “Mèo già khóc chuột” bao giờ; hãy đợi xem ngày nào đó, khi “Cháy nhà ra mặt chuột”, rôi sẽ thấy “chuột chạy hở đuôi”*: thì mặt nạ hèn hạ sẽ lòi ra! Tuy nhiên, ở đời không phải lúc nào mình cũng làm theo ý mình được. Dẫu biết rằng “Giết một con mèo, cứu vạn con chuột”, nhưng vì trăm lý do đành phải kiêng dèNém chuột sợ vỡ bình” là vậy!
Ai cũng có sở trường riêng của mình, dù sở trường nầy chỉ mình tự khen mình mà thôi! “Mèo hay khen mèo dài đuôi. Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo” là thói thường.; nhưng khoe là một chuyện nhưng có thực tài hay không thì còn hỏi lại; bởi có khi “Mèo già lại thua gan chuột nhắt”, hay chỉ làMèo mẹ bắt chuột con” mà thôi!
Cũng không trách chuyện “chuột giỡn mặt mèo”, bởi có những kẻ yếu thế nhưng lắm mưu mẹo, có… “vũ khí hiện đại” thì đối phương dù mạnh hơn cũng phải chạy dài; câu “Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo” là bằng chứng! Lại nữa, mọi việc đều có số phần, có kẻ đi năm non bảy núi vẫn bình an, mà khi về quê, bị sụp lỗ chân trâu đành toi mạng! Thì cũng có người “Đi cùng bốn bể chín chu.  Trở về xó bếp chuột chù gặm chân”. (Câu nầy nói trường hợp Nguyễn Hữu Chỉnh khi thất thế phải về quê nhà ở Nghệ An nương náu, bèn bị phường vô lại hè nhau bắt nộp cho vua Lê)…..”

4. Những thành ngữ, ca dao về chuột khác:

Khói như hun chuột/ Mèo nhỏ bắt chuột lớn/ Chuột chù lại có xạ hương./ Rắn rồng bắt chuột mái rui. Em đừng than tới thở lui anh buồn/ Giàu chi anh gạo đổ vô ve. Chuột ăn không được mà khoe rằng giàu/ Chuột khôn cũng thể chuột nhà. Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em/ Tiếc công anh lên đảnh xuống đèo. Cầm sào thọc chuột cho mèo nẫu ăn!/ Chuột kêu chút chít trong rương. Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay/ Chị là hòn đá tảng trên trời. Chúng em chuột nhắt cứ đòi lung lay/ Chuột chù rút, nhà phát tài (có khách); chuột cống rút, nhà có việc….

Ca dao thành ngữ về chuột chắc chắn còn nhiều lắm; nhưng người viết hiểu biết có hạn!

Dừng tại đây, quý bạn sẽ thắc mắc: “Sao thấy nói con chuột toàn việc xấu xa, dơ bẩn, tai hại; chẳng lẽ nó chẳng có điều gì lợi ích cho con người à?” - “Xin thưa, có! Thịt của nó không những là loại thực phẩm “hẩu xực”cho cả dân miền Tây, mà còn là món mồi “hết xẩy”  cho mấy ông đưa cay sau những buổi nông nhàn”.
   

KHA TIỆM LY

 .....

* “chuột chạy hở đuôi”:câu nầy còn ám chỉ thửa ruộng có lúa cằn cỗi, xơ xác, còi cọc.

READ MORE - NĂM CHUỘT DẠY ĐỜI - Kha Tiệm Ly

NHỚ TẾT QUÊ NHÀ - Chùm thơ Lệ Hoa Trần




 Chùm thơ Lệ Hoa Trần

NHỚ TẾT QUÊ NHÀ

Gió xuân chuyền hơi ấm
Thăm thẳm vọng ngàn xa
Nhớ thương về quê nhà
Rộn ràng đang đón tết
 
Nhớ nồi... chưng, bánh tét
Nhớ bếp lửa ánh hồng
Nhớ cha già khăn đóng
Tay rót nước, đốt nhang
 
Nhớ mẹ hiền... dài xám
Mùng một đi lễ chùa
Nhớ đàn em vui đùa
Tung tăng bên tiếng pháo
 
Nhớ cây mai đầu ngõ
Vươn nở cánh hoa vàng
Nhớ ánh nắng xuân sang 
Dịu dàng trên đất Việt. 
               Lệ Hoa Trần

*
HỒI TƯỞNG

Tháng tám về, phượng đỏ ngập đường đi
Trời nắng hạ, tiếng ve  sầu khắp chốn
Con chim nhỏ ẩn mình tìm nơi trốn
Đang ngậm ngùi nhìn thiếu nữ nhặt hoa
 
Tháng tám về, xào xạc hạt mưa sa
Vai em ướt guộc gầy thân áo mỏng
Qua phố vắng giữa chiều trời lồng lộng…
Gom góp từng kỷ niệm thuở xa xưa
 
Kỷ niệm thời đưa đón... buổi sớm, trưa
Nơi hò hẹn sau trống trường tuôn đổ
Bao ký ức vẫn còn nguyên vẹn đó
Xác phượng hồng là nhân chứng... tình yêu
 
Tháng tám về, mưa, buồn biết bao nhiêu
Nhìn phượng vĩ nhớ thương hình bóng cũ
Nghe ve vang bỗng dưng hồi... quá khứ
Thuở xuân hồng vừa mới biết yêu ai.
                        Lệ Hoa Trần    
*
NỖI U HOÀI 

Tháng bảy mưa dầm, mưa , gió bay
Đường về vắng bóng chỉ mình ai
Lá rơi lác đác chiều hiu hắt
Giấu mõ chim hoang khóc lệ dài
 
Tháng bảy mưa dầm ai có hay?
Xót thương hai buổi tấm thân gầy
Lẻ loi xuôi ngược... ngày... lối cũ
Thương chồng nặng gánh, mỏi đôi tay
 
Tháng bảy mưa dầm mưa mãi, say...
Từng đêm thao thức, nỗi u hoài
Mong trời mau sáng qua thềm cửa
Đợi gió xuân về, vai sát vai.
                        Lệ Hoa Trần
*

MÙA THƯƠNG ĐAU

Nhớ mùa hoa Sữa năm nao
Tôi - em một thuở cùng nhau bên đàn
Hát ca vui dưới trăng ngàn
Kề vai... tôi khảy, giọng nàng êm tai
  
Nhớ mùa hoa Sữa cùng ai
Chiều chiều tay nắm cười say tỏ tình
Bồi hồi tôi... biết lặng thinh
Còn em chẳng chút giữ mình gái son
 
Nhớ mùa hoa Sữa tuổi tròn
Năm tôi mười tám lên đường chinh y
Nhìn theo tôi thấy đôi mi
Tuôn rơi từng giọt, người đi không đành
 
Nhớ mùa hoa Sữa, lời anh
Hoà bình lập lại, chiến tranh tan rồi
Anh về nối lại tình côi
Cùng em ta sẽ trọn đời  bên nhau.
 
Nhưng rồi nào có được đâu
Bao nhiêu kỷ niệm qua cầu gió bay
Bấy câu hẹn hứa đêm ngày
Cuốn theo dòng nước chảy dài ra khơi
 
Còn chăng nỗi nhớ trong đời
Khi mùa hoa Sữa trắng ngời, dậy hương
Còn chăng là nỗi đoạn trường
Hồng nhan, bạc phận giữa đường cách chia.
                        Lệ Hoa Trần     
*

NỖI BUỒN THÁNG SÁU

Anh có hay? Hạ đang về trước ngõ
Tháng sáu mưa rào ướt đẫm vai thon
Cây phượng hồng cũng đang nở hoa son
Chiếc băng đá rong rêu dần bao phủ
 
Anh có biết? Con đường xưa, lối cũ
Có cô nàng nho nhỏ, dáng thư sinh
Lẻ loi đi, thiếu vắng bóng người tình
Trong ảm đạm giữa chiều mưa cô độc
 
Anh có biết? Có con tim đang khóc
Cho cuộc tình dang dở đã bao năm 
Muốn tìm quên, hàn gắn những vết hằn
Nhưng vẫn mãi âm thầm trong đau khổ
 
Anh có hay? Tháng sáu về than thở
Nỗi u buồn chồng chất nặng đôi vai
Nhìn ngoài hiên mưa tuôn đỗ hạt dài
Em như chết nửa người trong đêm vắng 
                                Lệ Hoa Trần 


READ MORE - NHỚ TẾT QUÊ NHÀ - Chùm thơ Lệ Hoa Trần