Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 30, 2020

BUFFET COFFEE – Thơ Lê Phước Sinh

 

           Nhà thơ Lê Phước Sinh


BUFFET - COFFEE
 
Sài Gòn buổi sáng, sương mờ ảo
bên cạnh tàng xanh, nụ nấm nở hương nồng
những nàng Tiên mười tám, mười sáu
giọng ngọt ngào:
 - Cà Phê, mời Anh...
 
                                            Lê Phước Sinh


READ MORE - BUFFET COFFEE – Thơ Lê Phước Sinh

XUÂN SANG – Thơ Nhật Quang

 





XUÂN SANG
 
Giọt sương đẫm lá long lanh
Bình minh thả vạt nắng xanh chan hòa
Gió đưa ngan ngát hương hoa
Bướm ong thơ thẩn, la đà rong chơi
 
Nàng xuân duyên dáng mỉm cười
Mây hồng lơ lửng giữa trời êm mơ
Tiếng xuân dịu ngọt cung tơ
Lâng lâng khúc hát, vần thơ rộn ràng
 
Bên hiên gió thoảng nhẹ nhàng
Rung rinh cánh mỏng mai vàng nở tươi
Xuân tô sắc thắm cho đời
Bình yên khắp chốn người người đón xuân.
 
                                                 Nhật Quang

READ MORE - XUÂN SANG – Thơ Nhật Quang

TRĂNG MÀU MẬN CHÍN - Truyện ngắn - Nguyễn Đức Tùng

 


TRĂNG MÀU MẬN CHÍN 

Nguyễn Đức Tùng 

Năm ấy cô mười tám tuổi, tốt nghiệp trung học, vừa thi xong kỳ thi tuyển vào trường cao đẳng. Cô mới đến Canada năm năm, từ trại tị nạn. Cô đến trường ban ngày, ban đêm làm việc ở Mac Donald, đôi khi tiệm ăn khác. Cuối tuần cô đi lau dọn nhà cho cô giáo chủ nhiệm kiếm thêm tiền. Cô buồn ngủ suốt ngày. Những khi không đến trường, không làm việc, cô ngủ bù trong cái phòng nhỏ của mình, chật chội, ẩm, tối. Cửa sổ phòng cô nằm ngang mặt đất, nhìn ra thấy bụi cỏ xanh tốt, đôi khi một con dế dương râu nhìn cô chằm chặp. Nhưng cô nằm mơ những giấc mơ đẹp, ngoài cửa sổ hoa lê trắng, lựu đỏ, hoa anh đào hồng mọc lấm tấm. Cô thức dậy khi nghe tiếng chuột chạy. Nhà vắng, cô lục thức ăn nguội trong bếp, ngồi ăn một mình, xong thu dọn hành lý vào cái ba lô, như kiểu người ta đi hiking. Cô gặp ba cô ở cửa, ông vừa đi làm về. Đi đâu, con gái Suzanne? Con đi chơi với chúng bạn. Cô nói dối. Cô rất sợ ba cô, một người đàn ông hiền hậu nhưng nóng tính, sáu năm trong trại cải tạo biến ông thành một người khác, ít nói, rầu rĩ, cáu gắt. Ông cấm cô có bạn trai quá sớm, cấm đi chơi về khuya. Cô không bao giờ dám tâm sự với ông. Cô sẽ đi về Sakatoon bằng chuyến xe buýt đường dài, sẽ ở lại ba hay bốn đêm ở đó, trong nhà một đứa bạn gái. Để làm gì? Cô không biết rõ lắm. Cô có một giấc mộng, một kế hoạch làm giàu. Cô muốn các em cô được ở nhà sang trọng, mẹ cô không phải đi làm trong hãng may với bàn tay đau nhức, lẩy bẩy, tối nào cũng bắt cô xoa bóp. Trong khi ở đây mùa hè, chim chóc hót líu lo, thì ở phía bắc Saskatchewan, trời trở lạnh. Chuyến xe buýt chạy đơn độc trên đường, về chiều tuyết bỗng xuống mịt mù, cô nhìn thấy trên ngọn đồi, dưới thung lũng, những con chó sói đầu tiên trong đời. Những con báo hoa. Mèo rừng. Những con coyotes. Những cánh đồng lúa mì đã gặt, đồng cỏ “hay” trồng cho ngựa ăn, loại cỏ cuộn thành bó tròn lăn trên mặt đất lấm tấm hạt tuyết trắng như hoa cúc. Liệu cô có thi hỏng kỳ thi vừa qua không.

Cô không biết. Cô học kém môn toán, sinh vật, khoa học, tiếng Pháp, tóm lại môn nào cô cũng lơ mơ vì vào học ngang giữa chừng, không hề chuẩn bị, sau mấy năm bỏ học trong trại tị nạn, từ năm chín tuổi. Trong khi tụi bạn có đủ thức ăn, quần áo, nghỉ ngơi, giải trí, sự hướng dẫn, xe đưa đón, thì cô không có gì cả. Cô đi xe buýt mỗi ngày mất hai giờ từ nhà đến trường, trường về nhà. Không có đủ sách vở. Không có giờ để ngủ. Người ốm yếu. Nhưng giọng nói của cô trong veo như nước suối trong bình pha lê đặt ngay ngắn giữa bàn trong nhà cô giáo chủ nhiệm. Đi học trong mùa đông lạnh giá cô chỉ có một cái áo khoác mỏng màu xám, ngồi trong lớp cũng mặc y vậy. Cô giáo bảo: Suzanne, em làm sao thế, cởi áo ngoài ra chứ. Nhưng cô không cởi được, vì lạnh. Cha mẹ cô là người tị nạn, không nhận tiền trợ cấp chính phủ, các em còn nhỏ, đứa nhỏ nhất bảy tuổi, đứa lớn mười ba, ba đứa con trai, không giúp được việc gì, cô phải làm thêm để phụ mẹ. Cô không nghĩ rằng cô sẽ thành công bằng đường học vấn, nhưng cô tin cô sẽ thành công một cách nào đó, ngày mai, hay tháng sau, hay năm sau. Cô sẽ kết thúc lớp mười hai, nhận bằng tốt nghiệp. Cô đã để dành đủ tiền may bộ quần áo mặc trong lễ ra trường. Tháng trước ba cô dẫn cô đi chụp một tấm hình thật đẹp, mang áo choàng, mũ, khăn, một thiếu nữ xinh xắn như thể vừa tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, Harvard chẳng hạn. Khi đi học cô chỉ vừa đủ điểm để thi đỗ các môn. Cô mơ ước làm y tá nhưng biết không đủ sức, cô sẽ cố gắng vào học một trường cao đẳng cộng đồng, rồi sẽ bỏ học giữa chừng vì đuối sức trước khi bị đuổi học, sẽ ghi danh học một lớp đánh máy, sẽ xin làm một chân thư ký ở các văn phòng địa ốc hay luật sư, và để đủ tiền sinh hoạt, cô sẽ đi làm thêm buổi tối ở tiệm Mc Donald nhiều năm nữa, nơi cô được chủ tin tưởng, sẽ làm thêm giờ với lương tối thiểu nhưng cô sẽ bỏ việc một tiệm ăn khác, vì chỗ đó quá xa, người quản lý, một anh chàng Á châu đứng tuổi, giọng nói ngọt ngào, thích đề nghị chở cô về nhà buổi tối, thỉnh thoảng cho cô những món quà nhỏ, làm cô ngại. Trước khi nghỉ ở đó cô cần phải xem thử người ta có chịu tăng giờ ở Mc Donald không. Tiền thuê nhà đang lên tháng này, nhà sáu miệng ăn trong đó ba đứa trẻ, ba người lớn, ở một tầng hầm basement tối và ẩm, mẹ cô kêu đau nhức ở đầu gối, bây giờ lan ra cả khuỷu tay, bàn tay. Buổi tối bà kêu cô xức dầu nóng ở những khớp xương đau nhức. Cô cầm bàn tay của mẹ lên, bà mới năm mươi tuổi mà những khớp xương thứ nhất ở hai bàn tay của bà sưng lên và cong lại như móng vuốt của loài chim. Cô thương mẹ, muốn làm nhiều giờ.

Nhưng cuộc đời của cô còn ở phía trước, tình yêu đối với cuộc sống, sự mơ mộng không hề phân biệt người giàu kẻ nghèo, học sinh giỏi và bọn dốt nát như cô. Cô sẽ để dành tiền và thuê một căn phòng cao ráo sáng sủa, vì ở tầng hầm ẩm thấp mẹ cô ngày càng đau khớp. Cô sẽ mua bảo hiểm nhân thọ, loại rẻ nhất, và nếu dư dả hơn cô sẽ giúp mẹ mua bảo hiểm giáo dục cho các em. Rồi cô sẽ chơi stocks, đó là những năm mà chứng khoán đang lên trên thị trường. Rồi cô sẽ thắng vài vụ, thắng nữa, giàu lên trong một đêm, và trong khi chưa kịp ăn mừng, cô sẽ mất sạch sau một đêm, như tất cả những người khác. Nhưng cô không tự tử. Bây giờ thì cô đang ngồi trên xe buýt, hàng ghế sau cùng, ấm áp, dễ chịu, nghĩ đến tương lai trong khi ngoài trời tuyết rơi mù mịt, bầy quạ đậu đen cả một nhành cây, những con chó sói hú gào trên ngọn đồi giữa những cánh đồng phía bắc của tỉnh Sakatchewan. Cô ngủ gật. Giấc mơ dẫn người ta đi xa.

Cô thức dậy, bàng hoàng mở mắt thấy mọi người trên xe đang xếp hàng ra cửa gần hết. Xe đang dừng trên bến xe. Cô hoảng hốt lao xuống, cúi người kéo cái ba lô nặng trĩu của mình từ gầm xe. Xe vẫn nổ máy rì rầm làm cô nóng cả ruột. Cô nhìn quanh, thở phào nhẹ nhõm. Khi xe đã chạy, khi những người hành khách đã tản đi mọi nơi, cô tò mò đứng nhìn những tấm bảng chỉ đường, ngơ ngác. Cô tiến lại một người đang đứng chờ xe buýt ở phía bên kia đường. Người đàn bà da trắng mập mạp, vẻ mặt cáu kỉnh, chắc có điều gì buồn bực. Bà ta khẳng định với cô rằng cô đã lo sợ đúng, tức là cái chỗ cô định xuống không phải ở đây. Quá sớm, bà ta bảo thế. Cô xuống quá sớm, chưa vào đến trạm xe buýt trong thành phố mà cô cần đến. Từ đây đến đó bao xa? Ba giờ lái xe. Cô kinh hãi. 

Cô nhìn trời bầu trời xám, tuyết mỏng đã ngừng rơi nhưng mây bay qua lớp lớp, mây màu bạc, mây màu chì cuồn cuộn như sóng, như nỗi lo âu của kẻ xa nhà. Cô ra đường, đứng sát lề để cho người lái xe dễ thấy, ngoắt tay lia lịa, cô vẫn thấy những cô gái chàng trai làm thế trên đường cao tốc. Bà già lúc nãy, hóa ra là người tử tế đi ngang qua, ghé tới gần cô, bảo cô muốn đón xe quá giang phải không, vậy thì phải đi ra chỗ kia kìa, cạnh đường cao tốc, trong này là đường hẻm ai mà đón, hở con bé nhóc tì. Cô nhớ ra, cám ơn rối rít. Xốc cái ba lô trên vai chạy về phía đường lớn có những đoàn xe đang chạy. Cô vẫy mỏi cả tay không xe nào dừng lại. Con người ngày càng bớt tử tế, cô nghĩ, nhớ lại rằng mới cách đây dăm năm khi mới đến, cô thấy người ta đón xe dễ dàng trên đường, thế mà nay cô đứng cả tiếng đồng hồ không người nào ngó tới. Chỗ cô đứng ngay ở vòng cua gấp, xe chạy nhanh, ít người chịu khó dừng lại. Cô sẽ thất bại một lần nữa, như đã từng thất bại trong môn toán, môn hóa học, môn sinh vật, tiếng Pháp.

Thế rồi anh đến. Trong chiếc xe Honda Prestige cũ, màu đỏ hai cửa, kiểu thể thao, hai ngọn đèn trước có cái chụp như cái mũ, khi bạn bật đèn thì nó mở ra khi bạn tắt đèn thì nó sập lại, tuy vậy đôi khi nó làm ngược lại, bạn bật đèn mà đường tối thui. Anh thắng gấp, vì nhìn thấy cô muộn, bánh xe trước siết lên mặt lộ, kêu khẽ. Xe anh đỗ sát lề đường, các xe tải lớn chạy qua vun vút thổi mát cả mặt. Anh mở cửa. Khi cô lí nhí cám ơn thì anh không trả lời, chỉ khẽ gật đầu. Cô thấy anh có vẻ đáng ghét, khinh khỉnh, lạnh lẽo. Thực ra anh đang mải nhìn đường, lúc ấy đã tối, xe tải chạy gấp quá, rầm rập, nguy hiểm, phải một lúc sau anh mới ra được hòa vào dòng xe cộ. Cô ngồi im thin thít, cái túi xách như ba lô kẹp giữa hai đùi, lòng lo lắng đủ thứ. Cô không nhìn mặt anh, chỉ đoán đó là một chàng trai lớn hơn cô nhiều tuổi, mười hoặc mười lăm tuổi, tức là ngoài ba mươi, mặt rắn rỏi, cái nhìn trầm tư. Người cao nhỏng, mặc chiếc áo khoác ngắn, loại không thấm nước. Anh mở nhạc. Lần đầu tiên sau nhiều năm cô nghe lại một băng nhạc cũ. Tiếng người ca sĩ ngân nga trong khoảng không gian mờ tối, hẹp, ấm, của chiếc xe nhỏ. Anh có lẽ là người thích nghe nhạc, nhịp tay nhè nhẹ lên vô lăng. Anh huýt sáo theo bản nhạc. 

Cô vẫn nhìn thẳng phía trước, không nhìn ngang nhìn ngửa. Anh liếc nhìn cái túi xách giữa hai đùi cô, thấy cộm lên, nghĩ rằng trong ấy có một khẩu súng ngắn, đã lên đạn, lát nữa sẽ kề vào thái dương của anh. Anh nín thở. Một lúc sau anh đổi ý, gợi chuyện. Họ chuyện trò về mọi thứ. Anh học đại học bỏ ngang giữa chừng vì chuyện cá nhân. Chắc lại chuyện thất tình, cô nghĩ, không nói ra, tự cười trong lòng. Anh bỏ học từ Edmonton về đây làm việc trong một nhà máy, đã mấy năm. Có thể anh sẽ đi học trở lại. Trước khi cô xuống xe, anh tự xưng tên mình và kịp hỏi tên cô. Cô mỉm cười không nhắc lại cái tên ấy của anh, nhưng cô ghi nhớ. Anh muốn học làm kỹ sư nông nghiệp. Saskatoon là một trung tâm nông nghiệp. Cô vừa thi xong tốt nghiệp trung học. Anh đưa cho cô một thỏi kẹo sô cô la, có lẽ còn sót lại duy nhất trong cái túi vải sau khi anh lục lọi hồi lâu. Thời ấy xe hơi còn xài băng cát xét. Anh vừa lái xe vừa nhờ cô tìm cho anh một bài hát mà anh muốn nghe. Cô tìm được bài hát ấy, họ cùng nghe. Cô vừa đi học đi làm. Có ba đứa em trai nhỏ nghịch ngợm. Cái phòng ngủ của cô có con dế ngoài cửa. Đó là tất cả những gì họ trao đổi với nhau. 

Đột nhiên cô cảm thấy cô yêu anh.

Không, không phải cô cảm thấy thế. Không phải cô nghĩ thế. Mà cô quyết định thế. Khi người ta còn trẻ, ai cần lý do? Cô chưa từng hỏi anh có vợ chưa. Cô chưa từng hỏi anh bao nhiêu tuổi, tương lai của anh ra sao, anh đã từng theo học trung học ở đây như cô chưa, anh có chơi stocks không. Cô chưa từng hỏi anh có thi hỏng như cô không. Cô chưa từng hỏi anh sẽ thành công hay sẽ thất bại. Ngoài trời tuyết đã tạnh, trên mặt đường vẫn còn những vũng nước đang tan. Anh dừng lại bên đường đổ xăng. Cô đứng từ xa nhìn anh. Cô nhìn bàn tay thanh mảnh của anh cầm cái vòi đổ xăng. Nhìn cái dáng anh từ phía sau lưng. Cái dáng nhanh nhẹn nhưng buồn rầu, tội nghiệp, cô độc. Cô biết anh là người thông minh, nhưng bướng bỉnh, không phải loại người hay gặp được may mắn. Anh vào bên trong tính tiền, khi bước ra, tới gần xe sắp mở cửa, anh đứng sững lại, nhìn lên trời. Thấy cô ngạc nhiên, anh chỉ tay cho cô nhìn theo. Trăng lên. Sau những đợt mưa tuyết ngắn rơi bất chợt, rồi dừng ngay, bầu trời trong và ấm ngay trở lại. Mùa gặt hái sắp bắt đầu. Mùa dâu, strawberries, mùa lê, táo, nho. Trăng tròn, sáng rực, màu vàng đậm ngả sang đỏ, như màu mận chín, nằm ngay trên đỉnh núi. Anh bảo cô, ở đây vùng đồng cỏ người ta gọi trăng rằm mùa này là harvest moon, từ tháng tám đến tháng mười, trăng mùa gặt hái. 

Bây giờ cô đứng đó. Không phải trạm đổ xăng. Trên một bãi đậu xe rộng rãi, tấp nập, vây quanh là shopping malls, trong ánh điện sáng. Cô đứng sững lại vì nhìn thấy anh. Cô nhìn thấy cái má của anh hóp vào, nơi ngày trước hình như là lúm đồng tiền, mái tóc điểm bạc, chiếc cổ cao, gầy, mặc một cái áo khoác xám. Cô thấy anh đang đi tới. Khuôn mặt anh đã già đi, đã khác đi nhiều, nếu đó chính là anh. Má bên phải có sợi râu dài. Cô ngờ ngợ, không tin vào mắt mình. Cho đến khi anh mỉm cười nhìn thẳng vào mắt cô. Cô tưởng anh nhận ra cô, nhưng không phải, anh mỉm cười với một người nào đó phía sau lưng cô, anh đi lướt qua, rõ ràng không chú ý đến cô. Ngày trước cũng vậy, sau khi lên xe phải nhiều phút sau, khi xe cộ vắng trên đường, anh mới thong thả liếc nhìn cô, không phải liếc nhìn, mà cái nhìn chăm chú, rõ ràng. Tôi đang nhìn cô. Anh muốn nói thế, hay cô nghĩ thế. Bỗng người đàn ông quay lại. Suzanne. Anh ta reo lên. Tim đập rộn ràng, cô cố trấn tĩnh, từ từ quay lại. Nước mắt cô ứa ra.

Tất nhiên đó chỉ là sự tưởng tượng của cô. Anh không reo lên như vậy. Anh chưa bao giờ reo lên như vậy với cô. Trong đêm đầu tiên ngủ chung phòng với đứa bạn ở Saskatoon, họ quen thân nhau từ khi còn ở trại tị nạn, cô kể lại câu chuyện hồi chiều, cố tỏ ra tình cờ, không quá hào hứng. Cô bạn vừa ngáp vừa nghe chuyện, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo: ở đây ai cũng thế. Có lẽ cô ta muốn nói ai cũng sẵn sàng làm cái việc tử tế bình thường như thế cả, hay có ý gì khác nữa thì cô không biết. Cô muốn cãi lại rằng tử tế và tình yêu là hai thứ khác nhau, nhưng cô im lặng, quấn cái chăn chặt, cố dỗ giấc ngủ. Lúc này đây trên đầu cô, như sau một mùa đông dài, bầu trời sáng lên trước khi tối hẳn. Phía đường chân trời, cô nhìn thấy mặt trăng, từ từ sáng lên, tròn, to, đỏ sẫm. Vầng trăng gặt hái. Hay là vầng trăng ấy không có thực? Vì nó đỏ quá, như một giấc mơ. Vì vậy nếu người đàn ông ấy quay lại và hỏi: xin lỗi, tên cô là gì?  Cô sẽ im lặng. 

Cô đã từng im lặng khi thi hỏng kỳ thi vào cao đẳng ấy. Cô đã từng im lặng khi ba cô chặn cô ở cửa tát một cái như trời giáng và hỏi: mày đi đâu trong ba ngày qua, đồ con gái hư. Cô sẽ im lặng như khi người quản lý nhà hàng yêu cầu cô ở lại làm thêm giờ đến nửa đêm, nhưng không trả tiền lương overtime cho cô. Hắn chưa bao giờ. Cô đã từng im lặng khi mất sạch tiền trong saving account vào trò chơi chứng khoán năm cô mười chín tuổi, với hy vọng sớm có tiền thuê một căn gác sạch sẽ hơn tầng hầm basement nhìn ra bụi cỏ cao có con dế vuốt râu trầm tư.

Bây giờ anh quay lại hỏi: xin lỗi, có phải tên cô là Suzanne không?

Không. Cô sẽ trả lời người ấy. Xin lỗi, tôi không phải là Suzanne. 


Nguyễn Đức Tùng 



READ MORE - TRĂNG MÀU MẬN CHÍN - Truyện ngắn - Nguyễn Đức Tùng

CÁCH NHẬN BIẾT BAN THỜ TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG - Đặng Xuân Xuyến


CÁCH NHẬN BIẾT BAN THỜ

TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG 

* 

Trong dân gian Việt Nam thờ phổ biến nhất là "Tứ phủ công đồng" (chư linh của bốn miền trụ: Trời, Rừng, Nước, Đất), với trung tâm là "Tam Tòa Thánh Mẫu".

Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất nhưng lại hoá thân thành tam vị, tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Tam tòa là bộ tượng các Thánh Mẫu trong các đền thuộc tín ngưỡng Tứ Phủ và thường được đặt ở nơi thâm nghiêm, sâu nhất (hậu cung có cửa ngăn).

Các Mẫu trở thành một hợp thể thần linh hỗ trợ cho cuộc sống đời thường.

Trong điện thần Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn (vào thời hậu Lê - khoảng thế kỷ XVI) nhưng nhanh chóng trở thành vị thần chủ của Đạo Mẫu (Đạo Nội) và được tôn vinh cao hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần (tiên) vừa là nhân thân với đời sống trần gian, với cha mẹ, chồng con, chu du khắp nơi trừ ác, diệt bạo, ban lộc khiến cho người đời vừa sợ, vừa trọng.

Mẫu Liễu Hạnh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên luôn được thờ ở vị trí trung tâm, mặc trang phục màu đỏ. Dân gian cho rằng Mẫu Liễu còn có thể hoá thân vào Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi. Mẫu Liễu Hạnh còn hoá thân thành Địa Tiên Thánh Mẫu - bà mẹ đất, cai quản mọi đất đai và đời sống của các sinh vật.

Cấu trúc thờ tự của Tứ Phủ rất phong phú, với nhiều ban thờ, nhiều tượng thờ, thể hiện tinh thần hoà đồng tôn giáo.

Cấu trúc thờ tự đơn giản nhất ở phủ bao gồm các ban thờ sau:

1. Hậu cung

Là nơi thâm nghiêm nhất đặt bàn thờ Mẫu, thường là "Tam tòa Thánh Mẫu" bao gồm:

- Một tượng Mẫu ở vị trí cao nhất, toạ ở vị trí chính giữa, thường mặc áo màu đỏ (có nơi dùng sắc phục màu vàng). Đó là tượng bà Chúa Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

- Ở bên trái thấp hơn tương ứng là Mẫu Đệ Nhị, có sắc phục màu xanh, đó là Mẫu Thoải.

- Phía bên phải thấp hơn tương ứng là Mẫu Đệ Tam, có sắc phục màu xanh, đó là Mẫu Thượng Ngàn.

2. Phía trước hậu cung là một ban thờ lớn

Gồm 3 lớp thờ tự (tính từ trong ra ngoài).

- Lớp thứ nhất gồm: Vua cha Ngọc Hoàng ở chính giữa, bên trái là Bắc Đẩu, bên phải là Nam Tào.

- Lớp thứ hai gồm: Năm vị quan lớn gọi là Ngũ vị Thái tử.

* Đệ Nhất: Áo đỏ - Quan Thượng Thiên.

* Đệ Nhị: Áo xanh - Quan Giám Sát

* Đệ Tam: Áo trắng - Quan Thuỷ Phủ.

* Đệ Tứ: Áo vàng - Quan Khâm Sai.

* Đệ Ngũ: Áo đen (đôi khi áo màu tím, lam) - Quan Tuần Tranh.

Năm màu áo này tượng trưng cho năm màu của Ngũ hành: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thuỷ (đen), Hoả (đỏ), Thổ (vàng).

3. Hai bên tả hữu của ban thờ lớn:

Bên trái là Động Sơn Trang. Bên phải là ban thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Chính giữa lớp thứ hai và thứ ba là hai dãy đồ tự khí ở 2 bên (bát bửu, tàm lọng).

Tiếp theo hai lớp trên, ở giữa là bát hương to, bên trái là thờ ông Hoàng Bảy, bên phải là thờ ông Hoàng Bơ.

Ngoài cùng ban thờ giữa phủ là 1 hương án.

4. Ngoài cùng

Là những ban thờ Thần Hoàng, Thổ Địa, Thủ Đền tại vị, ban thờ Cô, Cậu...

Cũng có phủ đặt ban thờ ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười bên trái, và ban thờ cô Ba, cô Chín bên phải ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu ở trong hậu cung, nhưng nhìn chung thì đa số các phủ có cấu trúc thờ tự như trên.


(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, 

Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006)

 


READ MORE - CÁCH NHẬN BIẾT BAN THỜ TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG - Đặng Xuân Xuyến

XUÂN VỀ - Thơ Lê Hứa Huyền Trân


Nhà văn Lê Hứa HuyềnTrân


 XUÂN VỀ

Lê Hứa Huyền Trân


Đưa tay với nắng bên thềm

Trong ấm áp vẽ một miền trời xuân

Mây buồn thả dáng bâng khuâng

Đôi én liệng báo xuân tuân mệnh trời


Thuyền ba căng gió ra khơi

Đem no đủ thả vào đời của con

Bàn chân con bé lon ton

Đi theo mẹ đã lấp non mở đường


Xuân về gạt hết mù sương

Ai đốt pháo nổ đầy đường rền vang

Người quên khoảnh khắc lìa tan

Vui sum họp đem phát ban mọi nhà


Xuân về ta khoác cho ta

Manh áo mới cũng gọi là chơi xuân

Vòng tay đi với tình nhân

Nghe trong tết tiếng bước chân rộn ràng


Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

Phongtruongtu201@gmail.com









READ MORE - XUÂN VỀ - Thơ Lê Hứa Huyền Trân

HOA BẰNG LĂNG TÍM BIẾC - Tùy bút - Tiểu Yên

 



HOA BẰNG LĂNG TÍM BIẾC


Sân trường cũ, nhiều hoa bằng lăng lắm, mỗi dạo mùa hè là những nhánh bằng lăng lại phủ một màu tím ngây ngô nhẹ nhàng đằm thắm. Và mỗi lần nhớ đến anh, nó lại thẫn thờ nhớ màu hoa tím ngăn ngắt ấy, nhớ đến xao lòng. 

“Xưa cứ trách bằng lăng tím đâu đâu
Giờ mới thấy hoa có màu nỗi nhớ….”

Trái tim nó đã trôi qua bao nhiêu mùa hè, bước chân sấp ngửa qua bao mùa bằng lăng chớm nở chớm tàn, vậy mà bóng hình anh, vẫn chưa tan. Đâu đó, đôi lúc vội vã lướt qua một đoạn đường, thấy hoa bằng lăng tím ngắt, nó vẫn giật mình, tưởng như mình vừa chạm vào quá khứ, chạm vào nỗi nhớ anh. Lại nghe gió trở mùa…


Ngày xưa, anh hay véo mũi một con bé ngốc nghếch, chỉ vì nó hay lang thang nhặt hoa rơi, nhặt lá rụng. Anh hay mắng nó: “Sao mà em ngốc thế hay là em giả vờ ngốc?”.  Nó cũng đâu có vừa, nhe răng làm trò khỉ  trêu lại anh, còn bảo: “Vì anh thông minh quá, giành hết phần, nên em chỉ có thể ngốc thôi”. 

Nó sung sướng tự cho mình cái quyền được ngốc, mỗi khi bên anh. Anh ơi, máy tính em bị hư rồi, anh nhớ sửa dùm em đấy nhá. Anh ơi, cái bài toán này khó hiểu như quỷ ấy, anh giảng em với? Anh ơi, mai anh rảnh không? Anh chẳng bao giờ than thở hay từ chối nó cả. Nhiều lúc nó cứ tủm tỉm cười, tự dưng lại có một ông “anh Hai” trời ban cho nó để đày đọa và ăn hiếp, nó thật sướng như tiên. 

Nhưng tiên rồi cũng có ngày muốn trở lại làm người phàm.

Anh ngỏ lòng mình anh yêu nó. Nó và anh nếm trải nụ hôn đầu tiên vụng về, có tán cây bằng lăng làm đồng lõa. 

Nó hỏi anh: anh có biết sự tích hoa bằng lăng không?

Không.

Vậy thì em kể cho anh nghe nhé.

Nó tựa đầu vào vai anh, kể câu chuyện mười hai nàng công chúa của Ngọc Hoàng được vua cha cho làm nữ hoàng của các loài hoa dưới trần. Công chúa Út chính là nữ hoàng của loài hoa bằng lăng tím, vì nàng rất thích màu tím thơ ngây. Nàng có một mối tình với chàng thư sinh nghèo dưới trần gian, nhưng vua cha không chấp nhận. Nàng vẫn thủy chung, si tình, nhớ nhung, mãi mãi không quên được.

Vậy sau này, anh và em, có mãi mãi yêu thương nhau không? Em sợ, người ta nói tình đầu thường hay tan vỡ.

Nó dụi đầu vào vai anh, khe khẽ hỏi.

Anh sẽ mãi yêu em, ngốc ạ.

Anh vòng tay ôm nó vào lòng, và khẽ cài lên tóc nó, cành hoa bằng lăng tím biếc.

Sau này chúng ta sẽ lấy nhau, anh sẽ cài hoa cưới cho em, anh sẽ kết cho em một vòng hoa bằng lăng tím thật đẹp.


Cuộc đời xô đẩy, đã làm nó và anh lạc mất nhau trên đường đời. Chỉ còn lại một màu hoa ngăn ngắt mỗi mùa hè vẫn nở, tím hoài kỷ niệm.

Có ai cài hoa tím

Đi qua những con đường

Có ai nhặt kỷ niệm

Nhớ một trời yêu thương.


Góc trường xưa lối nhỏ

Bước chân qua ngập ngừng

Ơi loài hoa cánh mỏng

Có biết người rưng rưng?


Có ai cài hoa tím

Nghe gió rơi lưng chừng

Chân đi chiều trở nắng

Lòng rảo buồn quanh quanh.


Thương một đóa bằng lăng

Nở xòe bung sắc thắm

Thương cuộc tình xa vắng

Đã trôi về nơi nao…

         Tiểu Yên. 11/09/2016.




READ MORE - HOA BẰNG LĂNG TÍM BIẾC - Tùy bút - Tiểu Yên

Monday, December 28, 2020

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 4 – Nguyên Lạc

 


ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH THEO THỜI GIAN
 
Sau đây là phần tổng hợp các điều chúng tôi đã bàn trong các bài viết trước về nguồn gốc của tiểu thuyết Kim Vân Kiề̀u Truyện để chuẩn bị cho các bài sau bàn rõ về Kim Vân Kiều Lục, áng văn chương hàn lâm giải thích thơ truyện Kiều và so sánh nó với Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân, quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường phá hỏng giá trị Truyện Kiều.
 
 Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sữ Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh- như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú … tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) 
(Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 
Quá trình diễn tiến từ Truyện Kiều đến Kim Vân Kiều truyện và các tác phẩm kế thừa trải qua khoảng hơn 100 năm, kể từ năm 1820, năm cụ Nguyễn Du qua đời, đến năm 1925.
 
Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện và rồi Kim Vân Kiều Truyện (Tàu) kế thừa Kim Vân Kiều Truyện (Duy Minh Thị) VN.
 
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
 
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT(DMT)=> KVKT (.TÀU)
 
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du. Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên sáng giá. Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam: Người đó không ai khác hơn là Hạo Như Nguyễn Tứ, người con trai trưởng nam hay chữ mà ông đã quyết tâm đào tạo thành người nối nghiệp dòng họ Tiên Điền. Hạo Như đã theo ông như hình với bóng trong suốt 14 tháng trên đường đi sứ. Còn theo nhà nghiên cứu Lê Nghị thì cũng có thể Lãng Đường Phạm Quý Thích viết ra, để giải nghĩa thêm Truyện Kiều rồi dạy cho các học sinh của mình: Kim Vân Kiều Lục là tập hợp những bài văn xuôi giảng thơ Kiều.
 
Nhưng dù là ai chăng nữa thì Kim Vân Kiều Lục là của Việt Nam, vẫn phải có thời Minh Mạng, trước năm 1825. (Hạo Như Nguyễn Tứ mất trước 1820, vì khi cụ Nguyễn Du chết thì Nguyễn Ngũ – người con trai khác – lo tang ma. Phạm Quý Thích mất 1825)



 
Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là giảng Truyện Kiều: Nội dung giảng tập trung vào mục đích chính là làm rõ tình tiết và tâm lý nhân vật diễn đạt trong các câu thơ Kiều; vì khi đọc câu thơ độc giả có thể thắc mắc một số việc; đồng thời có lúc với một từ đa nghĩa, độc giả biết nên chọn nghĩa nào.
 
“Nhiều người chưa đọc Kim Vân Kiều Lục cứ ngỡ rằng nó là cách gọi khác của Kim Vân Kiều Truyện. Hai cuốn này khác nhau. Kim Vân Kiều Lục xuất hiện chính xác năm nào chưa rõ, (Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam thì khoảng năm 1815) nhưng chắc chắn nó được viết trước khi Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) viết Đào Hoa Mộng Ký, vì trong tác phẩm này Mộng Liên Đường nói nhân vật Lan Nương và Huệ Nương mê truyện Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Lục.
Còn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử do Duy Minh Thị viết khoảng 1872, nhưng không công bố. Lý do là ông copy thơ của Kim Vân Kiều Lục, lời thoại từ vở tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Đản, cả tên Vương Tùng (tên kiếp sau của Vương ông trong Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển) nâng lên kiếp trước thành tên Vương Lưỡng Tùng trong Kim Vân Kiều Truyện. Mà Mộng Liên Đường thì sống quá dai. Mãi đến năm 1876 Duy Minh Thị mới cho xuất hiện quyển Thanh Tâm Tài Tử này”
                           (Theo nhà nghiên cứu Lê Nghị)
 
Nước ta thời Pháp thuộc, người Hoa kiều Chợ Lớn vào nửa cuối thế kỷ thứ 19 đầy uy lực, họ ăn nên làm ra cho nên họ có nhu cầu đọc sách giải trí lớn hơn so với người Việt nhiều lần. Đọc quyển Kim Vân Kiều Lục bằng văn ngôn mỏng quá không đã, thế nên do đòi hỏi của thị trường chữ nghĩa, nhóm Duy Minh Thị, dưới con mắt con buôn, họ đã hình thành sự thai nghén cho bản văn Kim Vân Kiều Truyện (Chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện - DMT) dày hơn. Nó phải được viết ở dạng bạch thoại, loại diễn nghĩa chương hồi mô phỏng văn phong Tam Quốc Chí, chắc chắn sẽ ăn khách hơn.
 
Duy Minh Thị lấy người này một câu thơ, tỉ như lấy câu thơ của Phong Tuyết Thập Thanh Thị ở chỗ này, ở chỗ kia lấy trọn một bài thơ, cũng như lấy trọn một bài tứ tuyệt trong Kim Vân Kiều Lục- bài thơ tuyệt mệnh của Kiều trước khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường vì ân hận; hay “copy” lấy thứ tự tình tiết, hành vi của vở tuồng Kim Vân Kiều của Tiến sĩ Đình Nguyên Ngụy Khắc Đản (1817–1873). Duy Minh Thị đã “copy trọn gói” mô thức viết của Kim Vân Kiều Lục, khi quyển sách này triển khai từ thi phẩm Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều sang văn ngôn. Duy Minh Thị từ lam bản này (bản văn nguồn) viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam Quốc Chí diễn nghĩa sao cho phù hợp với thị hiếu của đồng bào ông đang có nhu cầu đọc sách giải trí và đang ăn nên làm ra so với đại đa số người Việt bản địa tại vùng Saigon - Chợ Lớn. Duy Minh Thị đã biến Kim Vân Kiều Lục, quyển sách văn chương hàn lâm giải thích truyện Kiều thành quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường, theo nhà nghiên cứu Laiquangnam, đã làm nhiểm bẩn truyện Kiều, phá hỏng giá trị Truyện Kiều.
 
(Truyện Kiều có độ dài: 22.778 chữ. Kim Vân Kiều Lục khoảng: 15.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện khoảng 100.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện là một tiểu thuyết văn xuôi, chứ không phải một cuốn giảng thơ)
 
Duy Minh Thị là ai? Mời các bạn đọc những lời dưới đây của nhà nghiên cứu Laiquangnam đăng trên Facebook, nhóm Tình Tự Dân Tộc [1]
 
 

 
NHÓM DUY MINH THỊ
 
Nhân thân và hành tung của Duy Minh Thị
Do Duy Minh Thị không được sử sách thời Nguyễn nhắc tới tên cho nên hiếm người biết hành tung và tầm vóc của ông. Mãi đến cuối thể kỷ thứ 20, tại Pháp có Lê Sơn Thanh (tức Alexandre Lê), một học trò cũ của cụ Hoàng Xuân Hãn, là người đang làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Paris và cũng là người Việt duy nhất chuyên sâu về nghiên cứu công trình của nhóm Duy Minh Thị. Chính Lê Sơn Thanh đã gởi cho chúng tôi (lời gs Nguyễn Tài Cẩn) bản văn phocopy chụp từ bản gốc Kiều Nôm 1872 tại thư viện của cụ Hoàng Xuân Hãn.
Phải thông qua giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vào sau năm 2010, chúng tôi (Laiquangnam) lần ra manh mối Duy Minh Thi;̣ cho dù trước đó gần 10 năm chúng tôi đã rất quan tâm về hiện tương Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân kỳ lạ ở đất nước VN chúng ta.
 
Tầm kích nhóm Duy Minh Thị
 
Nhóm Duy Minh Thị gồm có 10 người. Đa số đều tự xưng bằng biệt hiệu rất có ý nghĩa: Duy Minh là “riêng sáng suốt”, Minh Đức là làm cho “tỏ cái đức”, Minh Chương là làm cho “sáng tỏ khuôn phép lễ chế”.
Thói quen của họ là ghi thêm chữ “thị” hay chữ “hiệu” vào sau cùng. Hăng hái nhất là ba người này: Duy Minh Thị, Minh Chương Thị và Phước Trai tiên sinh.
Họ đã thuê ở Quảng Đông 10 cơ sở khắc ván in sách (tức khoảng 10 nhà xuất bản) đó là: Kim Ngọc Lâu, Cận Vân Đường, Bửu Hoa Các, Thiên Bửu Lâu, Văn Ngươn Đường (Ngươn là Nguyên).
Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ thứ 19 (1870-1899) họ đã công bố được hơn 50 bộ sách. Nhóm này chúng tôi (Nguyễn Tài Cẩn) đặt tên là nhóm DUY MINH THỊ.
Trong nhóm, Duy Minh Thị là người tiêu biểu nhất. Từ năm 1872 đến 1883 ông đều in sách hàng năm. Riêng năm 1874 ông in đến 6 cuốn. Ông thuê đến 6 nhà xuất bản và sơ bộ đã in tính ra được 19 cuốn sách đã được công bố.
 
Duy Minh Thị
 
Duy Minh Thị tên thật là Trần Quang Quang (?-?) sống thời vua Tự Đức (1848-1883), nhưng tên nổi tiếng của ông là “Nam Việt Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị” – cụm từ này ông thường ghi cuối sách. Bản Kiều Nôm 1872 cũng có cụm từ này. Duy Minh Thị là người Tàu Minh Hương, sinh quán Vĩnh Long, miền Nam VN; trú quán tại xóm An Bình Chợ Lớn thời Pháp thuộc.
Duy Minh Thị là người biên tập lại bản Đại Nam Thực Lục Chính Biên dưới thời vua Tự Đức sau đó đem thuê khắc tại Phật Sơn Trấn, tỉnh Quảng Đông năm 1873. Ông là người đã in nguyên dạng các chữ húy chính của vua Gia Long mà không hề né tránh, không sợ kỵ húy.
 
Năm 1872, xem như Pháp đã chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, và từ đó Nam kỳ luc tỉnh được xem như là vùng đất hải ngoại của người Pháp. Dân Nam kỳ chịu một thể chế riêng từ chính quốc. Do không phải làm quan dưới triều vua Tự Đức, và cũng có thể vua Tự Đức thật sự cầu cạnh; Duy Minh Thị xem mình là một người Tàu vốn được nhiều ưu đãi, nên chả việc gì phải sợ vua quan “An nam”. Với công vụ mà vua Tự Đức nhờ cậy, biên tập lại tập sách lịch sử của triều đại nhà Nguyễn, nên Duy Minh Thị có toàn quyền xem tất cả sách vở của các nhân vật trong triều đương đại, từ nhân thân đến sách vở do họ sáng tác khi Duy Minh Thị có nhu cầu làm sách công vụ. Chính vì điều kiện thuận lợi này ông đã có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn sách mà không một người Việt Nam nào khác có thể.
 
Duy Minh Thị trong quá trình viết bản văn Kim Vân Kiều Truyện, ông đã tiếp cận Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã tiếp cận bản văn Kim Vân Kiều Lục. Ông tra cũng đã tiếp cận các bản văn từ hai người có liên quan đến sự ra đời Đoạn Trường Tân Thanh và rồi từ truyện thơ này các ông viết ra các truyện Hậu Đoạn Trường Tân Thanh, Hậu Kim Vân Kiều Lục: Đó là các ông Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển và Phong Tuyết Thập Thanh Thị.
(Cả hai ông Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels đều đã được Duy Minh Thị đưa cho bản Kim Vân Kiều tân truyện thơ, bản Nôm do chính ông ta sửa lại thơ của Nguyễn Du và cho lưu hành).
 
Duy Minh Thị đã biên tập, bổ sung, sửa chữa- mà ông tự gọi là “trùng san” thơ Nôm Truyện Kiều của Nguyễn Du năm 1872.
Hãy xem 2 câu đầu tiên của truyện Kiều trong bản “trùng san”:
 
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ sắc khéo là cợt nhau
 
𤾓𢆥𥪝𡎝𠊛
𡦂𡦂色窖󰑼󰡒

(Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872)
 
Trong khi các bản khác xưa hơn
 
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
 
𤾓𢆥𥪞𠊛
𡦂𡦂命窖󰑼恄饒

(Truyện Kiều – bản Tự Đức 1870, Liễu Văn Ðường 1871)
 
Độc giả nghĩ sao?
 
Ông Trương Minh Ký là người hỗ trợ và phát tán văn bản KVKT Thanh Tâm Tài Tử của Duy Minh Thị nói trên. Abel des Michels, một người Pháp chuyên gia về Đông Phương Ngữ qua Nam kỳ theo lời mời của Phủ Thống soái Nam kỳ, để theo dõi việc Trương Vĩnh Ký chuyển Đoạn Trường Tân Thanh từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Trương Minh Ký đã trao cho Abel des Michels bản Thanh Tâm Tài Tử Duy Minh Thị này, từ tay nho sĩ Phước Bình Lê năm 1884. Ông Abel des Michels luôn nghĩ rằng “chắc Nguyễn Du cũng dùng một truyện Tàu” để viết ngược thành truyện thơ Kiều như kiểu Hoa Tiên, khi nhận ông chắc đây là quyển sách mình luôn nghĩ đến.
 
 
(Hình trang sách Abel des Michels)

 
Thật ra sách Kim Vân Kiều Lục Thanh Tâm Tài Tử này đã được in năm 1876.
 
Bản 1884 ông Abel nhận này được lưu trữ ở Thư Viện quốc gia Hà Nội (chụp microfilm, ghi Thanh Tâm Tài Tử. Viện Viễn Đông Bác cổ chụp từ Paris Pháp, thời Pháp thuộc) như đã nói trong các bài trước.
 
 
Hình bản Thanh Tâm Tài Tử 1884 lưu tại Paris
 
 
Ta cũng nên chú ý là nho sĩ tên Phước Bình Lê sao tương tự với tên Phước Trai tiên sinh trong nhóm Duy Minh Thị quá (?)
………

Chính bản văn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử này (Sau được dịch sửa tên lại là KVKT Thanh Tâm Tài Nhân A953) của Duy Minh Thị mà giáo sư Dương Quảng Hàm đã phát biểu tiêu cực trong giáo trình Việt Nam Văn Học Sử Yếu (ghi ở phần dưới) và “ai đó” lợi dụng – hoặc tiếp tay hạ bệ đại thi hào VN, kết án Nguyễn Du “đạo văn”, dịch truyện KVKT Thanh Tâm Tài Nhân Tàu ra truyện thơ Nôm: Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều.
 
 
VỤ ÁN TRUYỆN KIỀU
 
Các bài trên chúng tôi đã bàn rõ về vụ án nầy rồi, nay lập lại sơ lược để đẫn đến các bài sau: Bàn về Kim Vân Kiều Lục, so sánh với Kim Vân Kiều Truyện.
Hầu như 99, 99% người Việt từ các học sinh cho đến các tiến sĩ văn chương đều tin vào tín điều tiêu cực mà giáo sư Dương Quảng Hàm phát biểu trong giáo trình Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Chính câu tiêu cực, mà Dương Quảng Hàm đúc kết, hiện nay cũng vẫn còn đang là “câu bùa chú” khởi đầu cho phần nhập đề bất cứ bài luận văn nào của học sinh, sinh viên, giáo viên và kể cả giáo sư tiến sĩ. Đó là đoạn văn này- trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
 
“Lâu nay, ở nước ta, vẫn có một bản truyện Kiều chữ Hán chép tay (4) nhan đề là Kim Vân Kiều truyện mà các học giả vẫn cho là một cuốn tiểu thuyết Tàu do đấy Nguyễn Du đã soạn ra cuốn truyện nôm.
Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện này với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng đại cương tình tiết hai quyển giống nhau: các việc chính, các vai nói đến trong truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu thuyết Tàu.
Sự so sánh ấy lại tỏ rõ rằng Nguyễn Du không phải chỉ dịch văn xuôi của Tàu ra văn vần của ta mà thôi. Tác phẩm của ông thật có phần sáng tạo đặc sắc: ông sắp đặt nhiều việc một cách khác để cho hợp lý hơn hoặc để tránh sự trùng điệp; ông thay đổi nhiều điều tiểu tiết để tả cảnh ngộ hoặc tình hình các vai trong truyện một cách rõ rệt hơn; ông lại bỏ đi nhiều chỗ thô tục (như đoạn kể rõ “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”) và nhiều đoạn rườm, thừa, không bổ ích cho sự kết cấu câu chuyện.
Vậy nguồn gốc truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan là Kim Vân Kiều truyện (….) do một tác giả hiệu là Thanh tâm tài nhân (….) soạn ra về cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII và do một nhà phê bình có tiếng là Kim Thánh Thán bình luận.” 
(Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm)


……

Chú giải của Dương Quảng Hàm:
 
(4) Ở PQVĐHV. Thv., hiện có một bản truyện Kiều chữ Hán chép tay ấy (A 953), Sách gồm có 4 quyển và chia làm 20 hồi. Đầu quyển thứ nhất (tờ 5a). Đầu quyển sau, cũng đề y như thế, chỉ khác số quyển đổi đi – Bản Kiều chữ Hán này ông Hùng sơn Nguyễn Duy Ngung đã dịch ra quốc văn nhan đề là Kim Vân Kiều tiểu thuyết Tân dân thư quán x. b. Hà nội, 1928.
 
Độc giả có chú ý sách “chép tay A 953” trong chú giải của GS Dương Quảng Hàm không? Có giống với sách Abel des Michels nhận không? Ông Dương đã “vội vàng” cho là sách Tàu. Than ôi! (NL)
 
Câu dài dòng trên đã được vi-wikipedia đúc kết gọn là:
“Kim Vân Kiều (tiếng Trung: 金雲翹; bính âm: Jin Yún Qiăo) là một tác phẩm tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời nhà Minh, Trung Quốc biên soạn vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Nguyễn Du nhân đọc quyển tiểu thuyết này đã cảm hứng viết Truyện Kiều – một tác phẩm được xem là áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam.”
 
Các sự kiện cần chú ý:
 Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho biết ngay cả một số học giả Trung Quốc cũng xác nhận: từ trước những năm 1980, tất cả các bộ sách, giáo trình về lịch sử Trung Quốc, bao gồm cả Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn đều không đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lỗ Tấn trong vòng 5 năm lục tung cả Trung Hoa mà không tìm thấy Kim Vân Kiều Truyện, hay Tứ Khố Toàn Thư của ba vua Thanh danh giá là Khang Hy- Ung Chính - Càn Long đều không hề ghi lấy một chữ; nhân thân của Thanh Tâm Tài Nhân thì không xác định được: Khi thì Từ Vị, khi thì Kim Thánh Thán… Năm 1981, một học giả người Mỹ tên Charles Benoit, tên Việt: Lê Vân Nam, với tinh thần nghiêm túc, tính tự trọng, liêm sĩ của người cầm bút khi viết luận văn tiến sĩ, đã phủ nhận.
Lâm Thanh Sơn khẳng định là Trung Quốc không có tác giả Thanh Tâm Tài Nhân nào cả.
 
 Năm 1923 truyện Kiều nổi tiếng nhiều nơi trên thế giới. Năm này Nguyễn Văn Vĩnh và Famechon soạn kịch bản điện ảnh Việt- Pháp từ thơ Nguyễn Du, làm phim Kim Vân Kiều công chiếu tại Hà Nội và Pháp 1924.
 
 Năm 1925, Nguyễn Duy Ngung, không rõ lý lịch biên dịch cuốn Kim Vân Kiều Truyện, bản A 953 nói trên, tự động đổi tên Thanh Tâm Tài Tử thành Thanh Tâm Tài Nhân. Đồng thời ông ghi thêm lời bình của Kim Thánh Thán và đưa 20 bài thơ vịnh Kiều của Chu Mạnh Trình lên đầu 20 hồi như đã nói ở phần 1. Khi sách truyện tái bản, có Nguyễn Đỗ Mục người dịch lời bình gọi là của Kim Thánh Thán ngoại thư.
 
 Năm 1958, Giáo sư Hoàng Dật Cầu ở Học viện Sư phạm Hoa Nam tại Quảng Châu, trong vai một giáo sư Trung văn sang trợ giúp cho Hà Nội, đã bỏ nhiều công sức để dịch truyện Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Nhân Việt Nam -A 953 sang Trung văn hiện đại. Sách được đưa vào Tùng thư Văn học Á – Phi và do Nhà xuất bản Nhân dân văn học xuất bản tháng 8 năm 1959.
                                        [GS Nguyễn Huệ Chi]

 Năm 1981 ông Lý Chí Trung - China - công bố cuốn Kim Vân Kiều ghi tên Thanh Tâm Tài Nhân, dài khoảng 208 trang, 20 hồi, cho là viết từ đời Khang Hi (Khang Hi năm thứ nhất là 1667), văn phong hiện đại, kiểu chữ “giản thể” đã được phát hiện tại thư viện đại học Đại Liên.
Tuy nhiên, khi so sánh bản Đại Liên với cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử ở Việt Nam (bản A953), nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho rằng nó giống nhau khoảng 99%.
Khi bản Đại Liên được công bố, Đổng Văn Thành bắt đầu tấn công hạ bệ Nguyễn Du như chúng tôi đã viết ở các bài trên.
Xin được nhắc lại vài lời của ông Đổng Văn Thành đã nói trong các bài trước:
 
“Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân…”
[Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]
 
“Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết trong toàn bộ nguyên tác”
[Nguyễn Huệ Chi - Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành]
 
 Theo Laiquangnam:
Bản văn lam bản (bản nguồn) viết tay của ông Duy Minh Thị chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện (DMT), đó là bản văn mà Tố Nam Nguyễn Đình Diệm mang dịch và in ra tại Nam Việt Nam vào năm 1971. Từ bản văn này, Lý Trí Trung và Đổng Văn Thành “tút” lại và tung ra bản văn gọi là bản văn đại học Đại Liên. Nay Đổng Văn Thành gọi bản văn này là bản phồn, tức là bản văn đầy đủ. Bản phồn là bản văn Đại Liên họ tự bịa. Bản văn Việt nam mang mã số A 953 xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới với thứ văn phong bạch thoại Nam bộ, vùng ngã tư quốc tế vào thời Pháp thuôc (1850-1900 ) họ gọi la bản trung
                                                     (Laiquangnam)
.

Qua trên là những điều tóm lược các bài viết trước, giờ mời độc giả lần lượt đọc các bài viết về Kim Vân Kiều Lục của nhà nghiên cứu Lê Nghị.
Nhà nghiên cứu Lê Nghị đã có phát biểu bài tham luận “Nguồn gốc Truyện Kiều” tại Hội thảo Minh họa Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2020. [2] và đã công bố bản văn, dạng pdf: Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện trên trang Chim Việt Cành Nam . [3]
 
                                                         Nguyên Lạc
 
(Bài tiếp: Phụ lục 1, Tầm Ảnh Hưởng Của Kim Vân Kiều Lục)
 
……………..
 
Ghi chú
 Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
 Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện tình trong cổ thư Trung Hoa; từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến Vương Thủy Kiều, Trác văn Quân Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông như Liêu Trai Chi Dị.
 Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước tác 1676, và Hổ phách trủy (1707). Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Vân, Vương Quan … để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều.
 
Nguồn:
 
[1] Trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367
[2] 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như – Kỳ cuối: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều- Lê Nghị
https://tuoitre.vn/200-nam-hau-the-nho-to-nhu-ky-cuoi-thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-20200916201701822.htm?fbclid=IwAR0UvQrKM5yPbCeL8XovA-jp-nkho4KmpA5r6A_jaAfFTRjJn6gi3gYVyQY
[3] Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf

READ MORE - TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 4 – Nguyên Lạc