Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 1, 2019

MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm


 
                  Nhà thơ Tịnh Đàm



MẤY DÒNG TÂM TƯ

Gửi về đâu ?
Chút buồn tôi !
Như cơn mưa hắt chỗ ngồi... ướt vai !
Cho đi
Ngày tháng rông dài
Một tôi
Cùng nỗi cảm hoài... khôn khuây !

Trả người
Dáng mộng đã gầy
Nhẹ nương cánh gió theo mây... về ngàn !
Dặm đời
Đã lắm sầu chan
Dỗ tôi yên nhé...
Đa đoan phận người !

                                              TỊNH ĐÀM

READ MORE - MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm

LÀNG QUÊ QUẢNG TRỊ VÀ BƯỚC CHÂN BẠN TÔI QUA NHỮNG MIỀN TỐI SÁNG - Hồ Sĩ Khang

Tác giả HỒ SĨ KHANG

LÀNG QUÊ QUẢNG TRỊ
VÀ BƯỚC CHÂN BẠN TÔI QUA NHỮNG MIỀN TỐI SÁNG
(Gởi tặng các bạn bè NH 71-75 yêu thương)
 HỒ SĨ KHANG

 Chúng tôi rời xa ngôi trường Trung Học Nguyễn Hoàng (NH) chỉ sau 6 tháng ngồi học. Vì chỉ có một thời gian quá ngắn, nên khi nghĩ về trường, những học sinh NH 71-75 chúng tôi hay nhớ nhiều về làng quê và phố thị  đặc biệt  này. Đó là một thị xã bao quanh một ngôi làng quê Thạch Hãn. Phố nhỏ nửa thành thị nửa nông thôn này đã gắn bó bao đời với những miền quê thôn dã.

  Mỗi lần bạn bè Nguyễn Hoàng gặp lại, câu chuyện được chú ý nhất vẫn là kể về quê cũ ngày xưa. Khi nghe những câu chuyện như vậy, những đứa “con nít  “ lớn lên trong thị xã như chúng tôi, cứ há hốc mồm lạ lẫm, vì đồng quê  của các bạn ấy có nhiều màu sắc, nhiều hương vị, nhiều cung bậc cảm xúc cho dù đó là những tháng ngày đầy gian lao và khổ cực .

Thực ra, tôi cũng sinh ra ở làng quê, bên bờ Bắc con sông Hiếu, nhà tôi gần chiếc cầu đường sắt bị sập, đến năm 5 tuổi, gia đình tôi dời qua Đông Hà và một năm sau gia đình tôi vô thị xã Quảng Trị. Hình ảnh về làng quê của tôi không sâu đậm như một bạn mà tôi sắp kể, với tôi chỉ là những ngày ở Đông Hà, mạ tôi dắt tôi về làng thăm bà nội, để đi nhanh nhất, mạ con chúng tôi đi theo đường ray xe lữa cũ, rồi đi đò qua sông về làng, trên con đường nầy tôi thường giúp mạ hái rau tàu bay về nấu canh, thỉnh thoảng tìm thấy một vài quả sim rất ngon. Ba tôi vốn là một công chức bàn giấy, có dạo làm nghề dạy học nên cuộc sống tôi ít gắn bó với ruộng đồng.

  Gần đây, mỗi khi viết lại chuyện một thời đã qua của các bạn. Người đọc cứ thấy một nỗi buồn rất nhẹ, len lén trở về. Tôi nghĩ là do cuộc đời của các bạn buồn. Nhưng anh tôi lại nhận xét lối viết của tôi đứng về phía nước mắt nên nó vậy thôi. Tôi không biết nhiều về văn chương, chỉ biết viết theo sự thật và theo đúng cảm xúc của mình.

Lần này, tôi sẽ viết về chuyện bạn tôi ngày xưa nhọc nhằn cực khổ nhưng nhờ ý chí và nghị lực, bạn đã thành công không ngờ trong cuộc đời hiện tại.

  Quả thực, hôm nay nếu ai đến nhà Thư, chúng ta không thể nghĩ rằng bạn đã trải qua những ngày ấy!

Câu chuyện này đến với tôi một cách tình cờ. Trong khi nói chuyện với Thư, nữ sinh NH 71-75, một người theo Thiên Chúa Giáo, chúng tôi nhắc đến linh mục ĐB Ái, đó là một vị linh mục khả kính mà tất cả giáo dân đều ngưỡng mộ và biết ơn, bởi những sự đóng góp cho đời sống người dân trong vùng mà ông là cha quản xứ. Tôi chỉ nói rằng tôi cũng biết vị linh mục này vì ông rất thân với ba tôi. Nghe xong bạn ấy mừng rỡ, như đã thân thiết với tôi lâu lắm rồi. Rồi cứ thế, bạn ấy kể cho tôi về một tuổi thơ gian truân, giông bão. Tôi chăm chú lắng nghe và thật cảm động vì biết Thư đã tin mình như tin một người thân mà bao năm rồi  chưa gặp lại.

***

 Tuổi thơ chập chờn giữa ngày tháng gian lao.

Quê ngoại tôi cũng ở Hải Lăng, nằm ven sông Ô Lâu, nơi có những rặng cây, ruộng lúa, bờ tre, bãi bồi rất đẹp. Thuở ấu thơ về quê ngoại, tôi chỉ nhớ con đường ven sông và vườn cây trái của ngoại mà thôi.

Tôi cũng không hề biết rằng, Hải Lăng có những vùng rất trũng, mùa mưa nước lụt ngập đồng, ngập luôn nhà cửa, làng quê của bạn có những rú cát mà mùa hè đi nóng bỏng chân, bạn kể rằng bạn phải băng qua đó tìm kiếm tương lai với bao nhiêu bước chân lầy lún mới đến được ngôi trường học chữ.

  Làng của Thư có vị trí điển hình của môn học địa lý: có rú, có những động cát, có bờ biển sóng vỗ quanh năm và những cánh đồng trũng thấp năm nào cũng ngập lụt.

Thư lớn lên trong một gia đình đạo dòng ở xứ đạo Hải X. Gia đình có 8 anh chị em, người chị cả đi lấy chồng khi bạn còn chưa được sinh ra, những người cháu của Thư còn lớn hơn bạn nữa. Sau này lớn nghe mạ nói, khi mạ đi vắng, Thư đói sữa, chị hay chạy qua nhà cho bạn bú luôn. Vậy là ngoài dòng sữa mẹ, Thư còn được nuôi nấng bằng dòng sữa từ người chị lớn của mình. Cha mẹ bạn đều là những giáo dân quen với việc ruộng đồng, họ lao động cần cù nuôi bầy con ăn học. Tôi nghe Thư nói, ba bạn là người có suy nghĩ rất tiến bộ, ông là người thấy được: muốn thoát ra khỏi cấy cày vất vả chỉ có con đường học vấn. Vì vậy bằng mọi giá ông đều cho các con đi học, nên nhà Thư luôn luôn nghèo túng, chật vật, vì phải đầu tư mua sắm và lo lắng cho việc học hành của các anh chị em Thư.

Trước năm 1971, Thư  còn học tiểu học ở làng quê, còn các anh chị em lớn đã sớm lên Tỉnh dạy kèm, làm thuê các công việc khác nhau để giúp cha mẹ bớt phần nào gánh nặng khi theo học ở Nguyễn Hoàng và các trường khác, nghe Thư kể rằng:  Ngày đó, bạn chỉ đi học một buổi,  buổi còn lại phải phụ giúp gia đình làm nhiều việc lắm, nhưng thích nhất vẫn là đi chăn bò, khi tới rú bạn thả bò tự do ăn cỏ, còn mình đi hái trâm bầu và sim chín, đến chiều dắt bò về , bò no cỏ còn người thì ngoài một bụng trái cây còn hái thêm một mớ đem về cho mọi người trong nhà, cùng với bộ mặt, tay chân xây xước và miệng lưỡi toàn màu sim tím rịm. Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ một bài dân ca Mỹ mà hồi còn bé thơ tôi rất thích, bài hát nói về một cô bé tên là Clementine, hàng ngày cô lùa bầy gia súc lên núi tìm kiếm thức ăn. Nhưng hình ảnh Thư lùa bò đi ăn một cách thuần thục và thuộc hết mọi con đường lên rú, làm tôi càng nhớ đến câu thơ của anh Triệu Phong, một CHS NH 57-64:

“Nếu tuổi thơ tôi không đi chăn bò
thì làm sao vượt được dốc Cồn Kho vào Rú Trấm.”

Không phải ai cũng ôm ấp một tuổi thơ khổ nhọc và những ngày tháng chăn bò đi theo suốt cuộc đời như Thư đâu!

Những ngày thơ, cũng là những ngày Thư được rèn luyện công việc đồng áng. Trong mùa gặt, mọi người gánh lúa về để thành một vòng tròn trước sân, ban đêm mấy người anh lớn dắt những con bò đi theo vòng tròn dẫm lên để hạt lúa rớt ra, Thư nhỏ nhất nên được phân công cầm một cái xô đi sau con bò theo dõi hứng phân khi nó đi vệ sinh để không làm bẩn lúa,

Việc giả gạo trước đây là của các anh chị lớn, bây giờ cũng giao cho bạn vì nhà không còn người làm. Thư nhớ mãi khi giả gạo phải đứng trên một cái chày để đạp như trò chơi bập bênh ngày nay, nhưng ngày ấy bạn nhẹ cân quá nên mạ phải cột thêm một quả bí vào bụng cho nặng mới giả gạo được.

Những đêm mưa lạnh, anh chị em trong nhà đi “đơm” cá, khi đem cá về, mạ bạn sẽ lựa những con cá to ngon đem ra chợ bán, còn lại để cả nhà ăn dần trong các ngày còn lại.

Mùa đông Quảng Trị ngày xưa rất lạnh, tôi chưa bao giờ “nếm” được cảm giác đêm mùa đông không chăn mền, vùi mình trong “chiếc giường”rơm rạ rồi cho hai chân vào cái bao bố kéo lên ngang ngực. Nghe Thư kể đến đây lòng tôi trào dâng niềm thương xót. Một tuổi thơ quá khổ cực. Tôi chợt nhớ một người bạn của tôi khi học trường Nam, năm đó là năm 1970, tôi học lớp 5 tại trường Nam, cũng trong một buổi sáng mùa đông, trên đường đi học tôi chợt thấy bạn Nguyễn Khai đeo một bao bánh mì rao bán, bạn thấy tôi liền ngoảnh mắt nhìn chỗ khác, còn tôi thì cứ trào lên một tình thương về bạn. Ngày đó những cuốn sách “Tâm hồn cao thượng”, “Dưới mái học học đường” đã ăn sâu vào trái tim và tâm hồn non nớt của tôi. Triết lý giáo dục nhân bản đã dạy cho một đứa trẻ như tôi có một rung cảm đầy tình người khi chứng kiến những cảnh đời khốn khổ.

Ruộng đồng gắn chặt với đứa con gái chưa học qua tiểu học, cho đến một ngày, bạn phải một mình lên Tỉnh để thi vào lớp đệ thất. Con gái trong làng ít người học cao lắm, họ chỉ học đến lớp ba, lớp bốn rồi phụ việc nhà, giúp đỡ cha mẹ trước khi đi lấy chồng. Thư nói rằng bạn có diễm phúc khi có một người cha luôn nhắc nhở và động viên con cái học hành. Rồi bạn cũng đậu đệ thất, lần đầu tiên trong đời được màu bộ áo dài trắng tinh đi học. Bạn chỉ có duy nhất một bộ áo dài, ngày mặc đêm giặt, quạt than và ủi. Nhưng đó là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời mà Thư nhớ mãi.

Làng quê trong trí nhớ ngày ấy của Thư  thật đẹp, bạn coi nhà thờ như một nơi thiêng liêng, thân thiết nhất của cuộc đời, bao mệt nhọc,  buồn phiền của cuộc sống, khi vào nhà thờ đều thấy tan biến và nhẹ nhỏm tâm hồn.

Có lần buổi trưa nắng đi học trường làng về, người rất mệt mỏi, đói khát, mồ hôi chảy đầm ướt áo, bạn ấy thấy có một chiếc xe jeep dừng lại cạnh mình và thật ngạc nhiên, người lái xe là Cha ĐB Ái. Cha bước xuống, lau khuôn mặt ướt đẩm mồ hôi và ẳm bạn lên xe rồi chở về tận nhà. Câu chuyện xãy ra đã lâu, nhưng hôm nay bạn kể lại thật sống động với một lòng tôn kính và biết ơn sâu xa về một vị linh mục quản xứ hiền lành đức độ và rất thương yêu trẻ em. Bạn nói bây giờ Đức Cha đã 95 tuổi rồi, nhưng cứ mỗi lần sinh nhật Cha, bạn vẫn gửi thư kính mừng. Bạn còn tự hứa, nếu sau này Cha mất bạn sẽ vô tận miền Nam để dự lễ tiễn đưa Cha về với Chúa.

Nếu không có chiến tranh, thì tôi chưa biết cuộc đời Thư như thế nào. Nhưng mùa hè năm 1972 thực sự là  cuộc chiến lớn tại Quảng Trị. Cũng như bao gia đình khác, Gia đình Thư phải vượt qua bao chặng đường khổ nhọc để vào tị nạn tại trại 6 Non Nước. Tôi lại nghe bạn nói một điều bất ngờ nữa: Những ngày ở trại 6 Non Nước chính là những ngày tháng thần tiên của Thư, bạn đi bộ qua trại 5 học NH, đó là những ngày tháng không còn phải lo lắng hay phụ giúp việc đồng áng, Thư có nhiều thời gian sinh hoạt với các bạn trong phong tràoThiếu Nhi Thánh Thể, được đi chơi chùa Non Nước, Trà Kiệu … rất vui và hạnh phúc.

Rồi những “ngày tháng thần tiên” đó cũng chấm dứt. Đó là mùa hè năm 1974, gia đình Thư hồi cư. Ranh giới Quảng Trị từ sông Bến Hải, bây giờ đổi là sông Thạch Hãn, quê bạn ở bờ Nam nên về lại làng xưa. Thư trở về với làng cũ, nhưng bây giờ còn nhiều dấu tích của chiến tranh: giáo đường đổ nát chỉ còn trơ lại gác chuông, nhiều ngôi trường, trạm xá cha Ái xây dựng đã bị bom đạn hủy hoại.  Thư vẫn làm ruộng và học hành. Một ngày kia, khi đang cấy lúa ngoài đồng thì đứa em út chạy ra kêu chị về có việc. Thư kể với tôi: cũng không ngờ rằng, mình mới 13-14 tuổi đầu mà có người đem trái cây tới nhà thưa chuyện với ba mạ, xin dạm hỏi vợ cho con trai của họ. Thư chối từ quyết liệt, bạn nói với ba mạ rằng chỉ thích đi tu thôi. Ôi, con gái thôn quê là vậy. Người ta thấy chăm chỉ, khỏe mạnh là tới “xin” liền. Họ chọn con dâu như chọn một con trâu để cày ruộng và làm việc. Thật thất vọng bởi ý nghĩ của người dân quê nào đó và tội nghiệp cho đời một người con gái, nếu không quyết liệt từ chối như bạn tôi.

****

  Sau 30 tháng 4 - Đối mặt và vượt qua những tháng ngày nghiệt ngã.

Từ tháng 3 năm 1975, Chiến tranh lại bùng nổ, quyết liệt và tràn lan khắp miền Nam. Không ai ngờ rằng, có rất nhiều nhà, sau cuộc chiến này đã thay đổi, đã có sự xuất hiện của: tang tóc, chia ly, tù tội, đói nghèo, khổ cực…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Gia đình Thư đã chính thức đối mặt với nhiều khó khăn mới. Các anh của Thư vốn là sĩ quan của QLVNCH phải đi cải tạo, gia đình công giáo trong ánh mắt của những người chiến thắng hôm nay có rất ít thiện cảm. Ngày xưa, gia đình Thư đã khó bây giờ lại càng khó hơn, cha mẹ mỗi ngày càng già yếu, con trai, con rể người thì vào Nam sinh sống, người thì đang bị học tập cải tạo ở tận một nơi nào.

Thư của tôi một lần nữa  phải đóng “vai chính ”trong gia đình để đi làm lấy “công điểm”, một hình thức đánh giá hiệu quả của lao động, để từ đó được nhận lại một số lương thực do mình đã đóng góp vào. Có lẽ vậy mà sau khi tốt nghiệp lớp 9 (cấp 2), bạn không thể đậu vào lớp 10. Gánh nặng gia đình khiến bạn không còn nhiều thời gian và sức lực cho việc ôn thi.

Như rất nhiều người bạn của tôi khi đó, họ không thể tiếp tục con đường học vấn vì có quá nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tất cả đều gác việc bút nghiên theo đời cơm áo. Cũng may, người anh của Thư có lẽ là sĩ quan mới ra trường nên học tập cải tạo cũng ngắn thôi, hy vọng anh về, sẽ có người đỡ đần cha mẹ thay cho bạn. Sau hai năm lam lũ với ruộng đồng, Thư nộp đơn xin học Y tá, ngày đó học Y tá chỉ cần học xong cấp 2 là được. Thư nộp thật tình cờ vì bạn nghĩ rằng lao động cày cuốc quá cực khổ, và cũng ít hy vọng vì gia đình có người đi lính quân đội miền Nam, lý lịch không được tốt lắm, nhưng may sao bạn được gọi đi học. Thư ra trường,  làm tại bệnh viện huyện Hải Lăng. Khi làm công việc của một người Y tá, bạn mới thấm thía về việc cần phải học lên, vì công việc thì cực, lương quá thấp. Ba Thư đang có những dấu hiệu bệnh tật nhưng kiến thức ngành Y của Thư ngày đó còn yếu nên nàng cũng bất lực. Người anh của Thư có lẽ cảm thấy không phù hợp với xã hội bây giờ nên đã oversea. Anh rất có hiếu, khi  đến nơi “đất mới”, đã tìm mọi cách mua thuốc gởi về cho ba Thư. Nhưng thuốc trên đường về thì ông cũng đã mất, năm ấy là năm  1979.

Sau khi ba Thư qua đời, bạn càng quyết tâm học tiếp. Đã rất nhiều lần bạn xin các vị lãnh đạo bệnh viện  đi học Y sĩ, nhưng họ vẫn cứ từ chối, cái lý lịch “đen” luôn đeo đẳng suốt cuộc đời. Thư vẫn kiên trì năm nào cũng xin và đến năm 1983, tức là hơn 5 năm làm Y tá, người ta đã cảm nhận được sự kiên nhẫn cầu tiến của bạn nên cho học lớp Y sĩ. Sau khi tốt nghiệp, Thư cũng làm việc tại bệnh viện này. Nhưng tại vị trí mới, “mắt”của Thư bắt đầu mở to hơn, nàng đã nhìn thấy thêm được nhiều điều, nàng tiếc ngày xưa việc học hành bị đứt quảng. Thư liền đi học bổ túc ban đêm để hoàn thành bậc trung học. Ý định thi vào trường Y khoa để học thành một bác sĩ đa khoa đã bắt đầu hình thành nhen nhúm. Điểm thuận lợi của ngày đó là nàng ít lo lắng cho kinh tế gia đình bởi các anh ở xa cũng gởi về cho mạ, lương Y sĩ cũng không đến nổi nào cho một người độc thân như Thư. Ngày đi làm, tối miệt mài học bổ túc văn hóa.

  Nhưng cuộc đời luôn là một dòng chảy cuốn theo nhiều mới lạ. Có một người đàn ông đã đến gõ cửa trái tim của nàng không biết tự bao giờ. Đó chính người thầy dạy môn Hóa học của Thư, với sự dạy dỗ và giúp đỡ tận tình, người thầy này không những đã giúp bạn tốt nghiệp cấp 3 mà còn ôn rất vững môn Hóa cho việc chuẩn bị thi Đại học Y. Bạn tôi bắt đầu yêu người ấy, một mối tình có sự hiện diện nhiều sắc màu hạnh phúc mà không phải ai cũng có được: tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn trọng.

Năm 1987, họ lấy nhau như Thiên Chúa đã kết hợp. Hai đứa con lần lượt ra đời càng gắn chặt thêm cuộc sống và hạnh phúc của hai người.

Công việc bệnh viện, con cái, gia đình bận rộn, nhưng quyết tâm học thành bác sĩ của Thư không thay đổi, nàng và chồng cùng nuôi con, cùng ôn tập thi. Và trời không phụ lòng người, năm 1993 nàng thi đậu Y khoa ngay trong lần thi đầu tiên, cùng lúc đó chồng nàng cũng đậu luôn lớp cao học. Cả nhà Thư đèo bồng con cái vào Huế để đi học, đó là những năm tháng vất vả nhất trong cuộc đời: hai vợ chồng vừa nuôi con vừa học xa.

Rồi Thư cũng tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, nhưng nàng lại học tiếp chuyên khoa RHM thêm 18 tháng nữa. Kể từ đây, Thư đã hoàn thành những kế hoạch đặt ra cho cuộc đời sau nhiều năm kiên trì và nổ lực. Kế hoạch đó ngay cả những người học hành “một mạch”như tôi cũng phải nghiêng mình thán phục.

Bây giờ, Thư đã là một bác sĩ nha khoa.

Còn chồng Thư sau khi lấy bằng Thạc sĩ, sở Giáo Dục điều động anh về tỉnh dạy một trường cao đẳng, chồng một nơi, vợ một nẽo, nheo nhóc ba năm trời. Năm 2000, Thư được chuyển công tác về ĐH cùng chồng.

Thời gian dần trôi, những đứa trẻ ngày hôm qua, dưới sự nuôi nấng, giáo dục của cha mẹ bắt đầu lớn và vào trường Đại học, thì lúc này - năm 2011, Thư thấy cần thiết phải vào ĐH Y Dược SG học thêm một khóa về Răng thẩm mỹ kéo dài 2 năm ròng rã. Nàng đã kiên trì học để mau chóng trở thành một chuyên gia thực thụ về Răng tại cái tỉnh lỵ nhỏ bé này.

Và tất nhiên người phụ nữ đầy nghị lực này không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi sau khi học xong.

Thư đã mở ra một phòng khám Nha Khoa, có gần 50 nhân viên được đào tạo bài bản, khám chữa bệnh cho mọi người với một thái độ chuyên nghiệp như những bệnh viện lớn. Hàng ngày, Thư vẫn trực tiếp điều hành công việc , nhưng mới đây, bạn mừng rỡ nói với tôi: Mình sắp được nghỉ rồi Khang ơi, chờ thằng con trai của mình học xong BS chuyên khoa cấp 1 về RHM thì mình sẽ giao tất cả công việc tại phòng khám này cho cháu.

Còn con gái đầu của Thư, nay là Thạc sĩ đang dạy tại ngôi trường mà ba cháu đã dạy ngày xưa.

****

Tôi gặp Thư trong một mùa hội trường nhiều kỷ niệm. Bạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện về quãng đời khó khăn, nghèo đói xen lẫn nhiều tủi buồn, nước mắt. Và Thư đã giữ nó làm hành trang bên mình để quyết tâm thay đổi số phận của một người con gái xứ đạo vô vọng năm nào.

Khi tôi viết những dòng chữ này, thì quanh tôi có rất nhiều người bạn gái đã vượt qua những tháng ngày tăm tối, đứng dậy sáng lòa. Những ngày sau 30 tháng tư năm đó hiện về, bao nhiêu bạn học của tôi đã đứt gánh con đường học tập. Tôi tưởng không có ngày gặp lại, nhưng tôi đã thấy một cô giáo VP tại Bà Rịa VT mà ngày tôi đi học thì bạn mãi còn trên công trường Thủy lợi Đập Trấm xa xôi. Tôi cũng gặp lại một cô giáo ngoan đạo HTL tại Xuân Lộc, Đồng Nai  mà ngày hôm qua còn gánh thịt từ làng quê Đạo Đầu ra chợ Tỉnh ngồi bán, trong lúc các bạn mình còn hồn nhiên bên lớp học. Và còn rất nhiều người bạn khác của tôi đã có một cuộc sống rất tốt đẹp ngày hôm nay. Tất cả các bạn là những tấm gương sáng cho các con cháu và làm rạng danh nữ sinh NH Quảng Trị.

Còn với Thư, bạn là một người mạnh mẻ về ý chí và khát vọng vươn lên không ngừng. Nhìn bạn hôm nay rạng ngời bước qua bao miền tối sáng để đứng lên trên mảnh đất quê hương đầy bom đạn, tôi biết bạn phải trả giá rất nhiều và cái giá lớn nhất chính là sức khỏe của bạn đang bị bào mòn theo từng tháng từng ngày. Bạn đang chịu đựng và cố quên những cơn đau ngày đêm hành hạ cơ thể để mỉm cười và cảm ơn  mọi người giúp đỡ chung quanh.

Và tôi đoán, nụ cười tươi đẹp nhất, Thư sẽ dành tặng cho một người đàn ông, một người thầy, một người chồng đã bao đêm cùng bạn cặm cụi dưới ánh đèn…

Nha Trang tháng 10, những ngày chim báo bão.
HỒ SĨ KHANG

READ MORE - LÀNG QUÊ QUẢNG TRỊ VÀ BƯỚC CHÂN BẠN TÔI QUA NHỮNG MIỀN TỐI SÁNG - Hồ Sĩ Khang