Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 30, 2019

VỀ NGHE CHIM HÓT VƯỜN XƯA - Thơ Lê Văn Trung






VỀ NGHE CHIM HÓT VƯỜN XƯA

Anh về vườn cũ nghe chim hót
Ngắm nắng chiều rơi những sợi vàng
Mây trôi về những phương trời hạ
Ôi nhớ ai mà mây lang thang

Về nghe xao xuyến gió hoàng hôn
Áo trắng hay sương nhuộm cuối vườn ?
Có phải hồn thu từ vô tận
Vừa giăng lụa mỏng áo tình nhân

Anh về vườn cũ nghe chim hót
Chợt nhớ ngày xanh buổi nguyệt rằm
Em chải tóc mềm như suối nhạc
Ai ngờ chảy suốt cuộc trăm năm

Đôi bướm vàng say bài luân vũ
Nhịp cánh vờn theo khúc Phượng Cầu
Ai biết lòng ai lòng Tư Mã
Tình biết tình ai tình Tương Như

Anh về vườn cũ nghe chim hót
Xao xuyến như lời thương nhớ ai.

                                     Lê Văn Trung

READ MORE - VỀ NGHE CHIM HÓT VƯỜN XƯA - Thơ Lê Văn Trung

GÓP VẦN THƠ XẢ STRESS CUỘC TÌNH - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn



Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
GÓP VẦN THƠ XẢ STRESS CUỘC TÌNH
(Đường Về Minh Triết; nxb Văn Nghệ, 2007)


1.
KỂ TỪ CÓ ĐÔI TA
Ađam gặp Êva
Cuộc đời thành oan nghiệt!
Kể từ có đôi ta
Xin… như là hiền triết…
Cứ như là hiền triết
Để anh còn tiếng thơ
Cứ như là hiền triết
Để em còn ước mơ
Cứ như là hiền triết
Để con không bơ vơ.
-- 
(Ađam, Êva: 2 nhân vật
nam & nữ trong Kinh Thánh).
--- 
2.
KHÔNG ĐỀ
Chất chứa những cằn nhằn
Hồn lô nhô sỏi đá!...
Chút lặng thầm hỉ xả
Sỏi đá dậy hồn thơ…
--- 
3.
CỨU RỖI
Nhận ở cửa Thiền ước mơ Phật tính
Đem lí sắc-không cứu rỗi uyên ương
Thêm hỉ xả cho cõi trần bớt tục
Cho Thị Mầu thành Bồ tát Tình Thương.
-- 
(Phật tính: Tâm Viên Giác, Tâm Xuân vĩnh hằng).
--- 
4.
ĐAU BUỒN CỦA CHỊ
Hồn phong kiến vấn vương
Chị thâm quầng ánh mắt
Cái thằng-cu-tông-đường
Vào giấc mơ nát ruột!
--- 
5. 
TÌNH YÊU
Quá oi nồng danh lợi
Trái tim sẽ cằn khô
Vì tình yêu cũng như hoa cỏ
Chỉ đọng sắc màu trong minh triết hồn thơ.
--- 
6.
BÀI TOÁN CUỘC ĐỜI
Đáp số là Hạnh Phúc, ai cũng biết
Nhưng bài toán cuộc đời nát óc những tài hoa!
(Bao Nguyễn Du sợ hồng trần oan nghiệt
Khuyên tình yêu về nương bóng cà sa)...
Anh may mắn giải được bài toán khó
Đã biết đem hữu hạn chứa Vô Cùng
Lóng vị Thiền từ sắc màu trần tục
Giữa vô thường, lấp lánh Tâm Xuân.
--- 
7.
TÌNH YÊU CÚC VÀNG
Ánh mắt em mang mùa xuân đến sớm
Trái tim tôi Thượng Đế cấy tình yêu
Tôi trân trọng - thôi gian tham trái cấm
Để sắc hương đọng mãi giữa vô cùng…
Đã si dại tìm tình trong dục lạc
Bao ghét ghen đóng bít cửa thiên đường!
(Thượng-Đế-trong-ta muôn đời có mặt
Khi cõi lòng biết tỉnh thức-yêu thương)
Những cay đắng giờ hoá thân minh triết
Tôi yêu em như yêu nét cúc vàng
Quên rét mướt, gọi mùa xuân đến sớm
Sắc dịu hiền cứu rỗi trái đất đau.
--- 
8.
SAY ĐẮM
Thuở đắm say nhau
Nặng ánh mắt tình nên quá tải
Chiếc thuyền đời chao đảo
Bến hạnh phúc xa tít cõi sương mù
Thời đắm say danh lợi
Gai lửa đầy lối đi
Hồn rát bỏng quẩn quanh ngõ cụt
Bãi chiến trường giữa trái tim si…
Chân phúc đến: vui trong Chánh Đạo
Tâm Xuân Bất Diệt gọi tôi về
Lòng-say-đắm neo thuyền bến giác
Vỡ chén phong trần - tỉnh cơn mê.
--- 
9.
CHỦ NHẬT NHIỆM MẦU
Tạm quên máy móc chen nhau
Khoanh chân thiền định - nhiệm mầu cõi xuân
Ngày mai trở lại công trường
Đem hồn xuân mới góp thương cho đời. 
-----  
Mời đọc thêm:
HƠI THỞ MINH TRIẾT
(Bài thực hành)


Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Vọng tâm vọng tưởng dần xa
*
Toạ thiền hoặc không toạ thiền
Miễn sao ngồi thật an nhiên
Thở đều, hơi dài và nhẹ
Vơi bao nghiệp chướng ưu phiền
*
An định: dễ thấy cái “tôi”
Cái khuôn tâm não tháo lơi
Tự tri là gốc minh triết
Tỉnh thức vô ngã chiếu soi
*
Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Trí tuệ tâm linh thăng hoa
*
Y học có nhiều chứng minh
Công năng của hơi-thở-thiền
Nhân điện điều hoà cơ thể
Năng lượng vũ trụ diệu huyền
*
Vật lí có nhiều chứng minh
Tâm năng của hơi-thở-thiền
Lan toả duyên lành vô tận
Thiện ích khắp nẻo chúng sinh
*
Thở vào, lắng nghe hơi vào
Thở ra, lắng nghe hơi ra
Dần dần biết nghe vọng tưởng
Chân Tâm cực lạc khai hoa… (*)
--
(*): “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (ĐVMT).
------------ 

READ MORE - GÓP VẦN THƠ XẢ STRESS CUỘC TÌNH - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

UỐNG RƯỢU VỚI ANH HÙNG? - Nguyên Lạc



                Nhà thơ Nguyên Lạc




UỐNG RƯỢU VỚI ANH HÙNG?
                                                                Nguyên Lạc

Sáng hôm nay tình cờ đọc được bài thơ “hết ý” UỐNG RƯỢU VỚI KINH KHA của nhà thơ có tiếng Kha Tiệm Ly, tôi “hứng khởi” quá, vội vàng chúc mừng thi sĩ những lời sau, không biết thi sĩ có hài lòng và giữ lại những lời này trên FB của ngài không?

Đây là những lời “khen ngợi” của tôi:

Chúc mừng bạn “được” uống rượu với Kinh Kha - Chinese, riêng tôi thích uống rượu với Đặng Dung - Vietnamese hơn.
Xin mạn phép ghi ra đây trích đoạn bài viết của tôi: Hai Chữ Anh Hùng - Nguyên Lạc:

[ ...Nguyễn Du chê Kinh Kha không bằng Dự Nhượng. Dự Nhượng hy sinh thân mình báo thù cho chủ, còn Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình, và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ) đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của Điền Quang, của Thái tử Đan. Hành động của Kinh Kha không có Trí, mà chỉ vì Danh. Không có lòng Nhân, mà chỉ có Bạo lực đối với Bạo lực. Cái Dũng của Kinh Kha chỉ là cái dũng của kẻ bị mồi ngon thừa mứa, cám dỗ mà hành động.

Đây là trích đoạn bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, phần chê bai Kinh Kha.

Thần dũng nghị nhiên duy độc quân.
Đồ đắc Điền Quang khinh nhất vẫn.
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì.
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ,
Hàm Dương thiên tử chung nguy nguy.
(KINH KHA CỐ LÝ - Thơ chữ Hán Nguyễn Du)

Liều thân chỉ vì kẻ biết mình,
Huống được Điền Quang tự đâm cổ.
Khá thương Phàn Kỳ chẳng tội chi.
Đem đầu cho mượn chẳng hoàn gì.
Một sớm chết oan ba liệt sĩ.
Hàm Dương, Thiên tử vẫn uy nghi.
                            (Nhất Uyên dịch)

Suy gẫm chuyện KINH KHA, ta thấy ông ta đâu phải là người anh hùng. Như Nguyễn Du đã chê bai: Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ), đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của người khác.
Tại sao ông ta lại được nhiều người làm thơ, hát ca để ca tụng, vinh danh?!
Anh hùng là như Đặng Dung của VIỆT NAM ta đây:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.[*]
                                 (Đặng Dung)
.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày... ]

Trân trọng và chúc bạn hiền Kha Tiệm Ly sức khỏe để uống rượu với Kinh Kha - Chinese

                                                                          Nguyên Lạc
..........

[*] Đây là bài thơ Cảm Hoài của anh hùng Đặng Dung:

CẢM HOÀI

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
                                 Đặng Dung

Tạm dịch nghĩa

NỖI NIỀM HOÀI BÃO

Thế sự mang mang lại tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bão xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.


Đặc biệt là câu 3 và câu 4:

Thời lai đồ điếu* thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

...........

* đồ điếu: đồ là người đồ tể, chỉ Phàn Khoái, chiến hữu của Hán Lưu Bang; điếu là người đi câu, chỉ Hàn Tín, đại tướng của Lưu Bang. Cả hai giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán (dưới mắt Đặng Dung cả hai đều là bọn bần tiện, đồ tiểu tốt)

...........

- “Thời lai đồ điếu thành công dị”: Trương Phụ thoát chết là nhờ may mắn khi Đặng Dung nhảy lên thuyền cùng toán người nhái, vì nhìn không ra ai là Trương Phụ nên hắn đã thoát.
- “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”: Người Đại tư mã, Tổng tư lệnh mà chịu dẫn quân đi thích khách kẻ chỉ huy địch, xưa nay trên chiến trường chưa hề có, đó là hành động anh hùng .
Đặng Dung cũng cho Trương Phụ, người đã thắng ông, và cả đất nước của Trương Phụ cùng là xứ sở bần tiện cực kỳ.”
Vị anh hùng của Việt Nam ta tài đức vẹn toàn như thế sao chúng ta không hát ca để vinh danh, mà lại đi ca tụng một ông “nước lạ” tầm thường!

READ MORE - UỐNG RƯỢU VỚI ANH HÙNG? - Nguyên Lạc

ĐỌC HAI BÀI THƠ HAY VỀ “CANH MẠNH BÀ” CỦA LANG TRƯƠNG VÀ VUA ĂN MÀY - Châu Thạch


 

             Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC HAI BÀI THƠ HAY VỀ “CANH MẠNH BÀ” CỦA LANG TRƯƠNG VÀ VUA ĂN MÀY
                                                                   Châu Thạch

 “Mạnh Bà là một nhân vật của nhiều truyền thuyết Á Đông gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Mạnh Bà là người chế tạo Chén Canh Mạnh Bà ở dưới Địa Phủ giúp các vong hồn quên hết mọi chuyện kiếp trước, trước khi đầu thai kiếp sau.
Người ta nói rằng, sau khi con người chết đi, linh hồn sẽ phải đi qua một con đường gọi là Hoàng Tuyền lộ. Cuối đường có dòng sông Vong Xuyên, nước chảy không ngừng. Bắc ngang qua sông là cầu Nại Hà, đi hết cây cầu này sẽ đến Vọng Hương Đài. Những linh hồn được đầu thai làm người đều phải qua Vọng Hương Đài này, rồi uống bát canh quên lãng của một bà lão tên là Mạnh Bà.
Bất cứ ai uống bát canh Mạnh Bà ấy thì mọi chuyện trong quá khứ đều trôi theo dòng nước Vong Xuyên mà chìm vào quên lãng. Những hỷ nộ ai lạc, những ân oán tình thù, hết thảy đều tan đi như làn khói, chỉ còn lại ký ức trống rỗng cùng một gương mặt yên bình.
Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều trường hợp, có lẽ vì không uống bát canh Mạnh Bà này, nên đã nhớ được hết thảy những chuyện của đời trước, và những câu chuyện được kể lại hết sức chân thực, khiến người ta không thể không hoài nghi rằng, luân hồi chuyển thế phải chăng là chuyện chân thực.”

Câu chuyện Canh Mạnh Bà chắc chắn chỉ là chuyện huyễn hoặc do người xưa hư cấu. Thế nhưng nhờ nó, nhiều nhà thơ dùng làm đề tài sáng tác ra thơ hay. Hai trong những bài thơ như thế mà tôi đọc được là của nhà thơ Lang Trương và cúa nhà thơ Vúa Ăn Mày. Trước hết mời quý vị hãy xem bài thơ của Lang Trương:


         
                   Nhà thơ Lang Trương


CANH MẠNH BÀ
(Tặng Đức Thanh)

Tưởng rất gần mà thật xa xăm
Trong gang tấc, một đời không với tới
Em và ta, chung đường ngược lối
Đã bao lần ngắm thiên hạ thành đôi.

Ta đã tìm em khắp sáu nẻo luân hồi
Chợt gặp nhau khi ráng chiều vừa tắt
Áo nâu sồng nhuốm lời kinh dìu dặt
Em trợ duyên người, sao chẳng trợ duyên ta ?

Sợ quên em ta không uống chén Mạnh Bà
Giữ cho em qua Nại Hà không lạc lối
Từng bước chân son, em qua cầu rất vội
Chẳng đoái hoài ta nơi bể khổ trầm luân.

Thuận duyên lành, em nhẹ gót đưa chân
Tâm hướng thiện nương cửa thiền sớm tối
Bỏ mặc ta giữa dòng đời trôi nổi
Mang nặng trong tim mình, một tảng đá ba sinh.

Muôn vạn lần say cũng không thể quên mình
Bởi kiếp trước, chén Mạnh Bà ta không uống
Mãn cuộc rong chơi, thêm một lần đi xuống
Chén Mạnh Bà, thêm một lần,
ta cũng sẽ không uống,
vì em !
                                                Lang Trương

Phải nói rằng bài thơ bày tỏ một tình yêu chung thủy đến ngàn năm. Câu chuyện được kể lại như một trường thiên tiểu thuyết đi qua trăm ngàn kiếp làm người.

Ở khổ thơ đầu ta thây nhà thơ nói “Em và ta, chung đường ngược lối”. Vậy thì, hoặc là nhà thơ chỉ yêu đơn phương, hoặc là có một sự ngăn trở mà nhà thơ không vượt qua được, nên dầu hai người đi chung một con đường mà ông tơ bà nguyệt cứ rẽ lối chia đôi.

Qua khổ thơ thứ hai nhà thơ nói “Ta đã tìm em sáu nẻo luân hồi”. Sáu nẻo hay sáu cõi luân hồi là gì?  Sáu cõi luân hồi là thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ về những con đường mà chúng sinh sẽ tái sinh vào sau khi chết. 6 cõi luân hồi bao gồm:

Cõi trời
Cõi thần
Cõi người
Cõi súc sinh
Cõi ngạ quỷ
Cõi địa ngục.

Ai cũng biết rằng, đời người sống 70. 80 hay 100 năm rồi chết thì xem như qua một kiếp, hay một vòng, hay một nẻo luân hồi. Thế nhưng một kiếp của ta đỗi với sự trường tồn của vũ trụ thì nó chỉ như một cái chớp của ánh sáng hay bóng tối mà thôi. Vậy thì Lang Trương lang thang sáu nẻo luân hồi, tức là nhà thơ đã đi qua nhiều kiếp đầu thai vào nước trời, nước người, cho đến nước địa ngục để tìm em.

Rồi thì trong một kiếp cuối cùng nhà thơ cũng gặp được em, nhưng gặp được em trong hoàn cảnh éo le. Gặp em ở buổi “ráng chiều vừa tắt” là ở gần cuối cuộc đời. Trớ trêu hơn nữa, nhà thơ gặp em thì em đã đi tu, đã mặc áo cà sa, còn nhà thơ là người thế tục. Ví đó, nhà thơ phải ai oán trách nàng: “Áo nâu sồng nhuộm lời kinh dìu dặt/Em trợ duyên người, sao chẳng trợ duyên ta?”

Bây giờ Lang Trương mới kể lể khóc lóc đây:

Sợ quên em ta không uống chén Mạnh Bà
Giữ cho em qua Nại Hà không lạc lối
Từng bước chân son, em qua cầu rất vội
Chẳng đoái hoài ta nơi bể khổ trầm luân.

Truyền thuyết kể rằng; “Vong Xuyên hà (dòng nước Vong Xuyên) còn được gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, những trận gió tanh hôi tạt thẳng vào mặt. Vì để kiếp sau có thể gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này nên có người không uống canh Mạnh Bà mà chấp nhận nhảy vào Vong Xuyên hà bao đau đớn, đợi nghìn năm mới có thể đầu thai.
Trong nghìn năm đó, họ sẽ nhìn thấy người mà mình yêu thương nhất trong kiếp này đi trên đầu, nhưng không thể nói chuyện với nhau, vì mình thấy họ, nhưng họ lại không thấy mình. Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung không hề giảm đi, còn có thể nhớ được chuyện của đời trước, vậy thì mới có thể đầu thai trở lại, tìm kiếm người mà mình yêu nhất trong đời trước.
Ta biết rằng, tác gỉả bài thơ đã “Ta tìm em sáu nẻo luân hồi”. Như vậy, cứ mỗi lần để còn nhớ em, để có thể tìm em qua một nẻo luân hồi, thì phải chịu đau đớn thêm 1000 năm trầm mình dưới Vong Xuyên Hà, nhìn em đi qua trong nhiều kiếp, mình thấy em mà em chẳng thấy mình. Nếu tính đời người là 100 năm thì Lang Trương phải thấy em qua cầu Nại Hà 100 lần mới được đầu thai lại, để đi tìm em lại. Thế nhưng nhà thơ đã “Ta tìm em sáu nẽo luân hồi” tính ra cũng bằng triệu năm có lẽ!
Vậy nhưng, với lòng chung thủy vô biên, với quyết tâm phải được chung sống với em, nhà thơ lại thêm một lần từ chối uống bát Canh Mạnh Bà:

Muôn vạn lần say cũng không thể quên mình
Bởi kiếp trước, chén Mạnh Bà ta không uống
Mãn cuộc rong chơi, thêm một lần đi xuống
Chén Mạnh Bà, thêm một lần,
ta cũng sẽ không uống,
vì em !

Bây giờ xin mời đọc bài thơ “Mấy Nẻo luân Hồi” của Vua Ăn Mày cũng đề cập đến bát Canh Mạnh Bà


   
                         Nhà thơ Vua Ăn Mày


MẤY NẺO LUÂN HỒI

Từ bữa chia tay ngoài nhãn giới
Luân hồi mỗi đứa một đường đi
Ta men theo gió qua sông Nại
Quán Mạnh Bà uống mấy lon bia

Say bí tỉ, ăn nhầm cháo lú
Thiên duyên xưa lỡ mất, đâu ngờ
Mây tiền kiếp trắng trời thương nhớ
Chợt thấy lòng buồn hơn gió thu

Ta kiếm tìm em mờ đất tục
Lạc loài trôi cả tuổi thanh niên
Thu về mấy độ tàn hoa cúc
Ta đọa đày ta giữa xứ phiền

Đêm nay chợt thấy trăng mùa cũ
Phơi sắc vàng phai giữa lối xưa
Ta nhớ em nhiều, ta nhớ quá
Nơi nào em có nhớ thương ta

                         Vua Ăn Mày

Nhà thơ Vua Ăn Mày khác với Lang Trương, anh ta vì say mà uống nhầm bát Canh Mạnh Bà.  Bát Canh Mạnh Bà đã làm mất “thiên duyên” để có thể gặp lại em chớ không làm chàng quên em được. Nói một cách khác, Vưa Ăn mày đã thay đổi truyền thuyết Canh Mạnh Bà theo một hướng khác. Chàng trai trong thơ vì ham chơi, nói trắng ra là ham uống nên phải chịu đắng cay vì tội lỗi của mình. Bài thơ nói lên một thực tê nhan nhản xảy ra giữa đời nầy. Bao nhiêu cuộc tình chia ly chỉ vì một phút sai lầm, một phút yêu đuối, đế sầu phải nhận lảnh trăm năm.
Vì bát Canh Mạnh bà là chuyện không có thật, nên nhà thơ có thể sửa đổi, có thể hư cấu theo tưởng tượng của mình để gởi vào đó vần thơ, bày tỏ lòng thương nhớ một người hiện hữu hay một người trong mộng mà ta chưa gặp bao giờ. Vua Ăn Mày có lẽ còn đau khổ hơn Lang Trương, vì phải mang mặc cảm tội lỗi mà đi tìm em. Nếu tìm được em rồi biết nói sao đây? Biết đâu em không tha thứ mà ngoảnh mặt làm ngơ!

Đọc hai bài thơ nói về Canh Mạnh Bà của hai nhà thơ, tất nhiên tiếng thơ, ý thơ, vần điệu thơ khác nhau, thế nhưng ta thấy họ có một dáng thơ giống nhau. Đó là một dáng thơ mang tâm hồn lãng mạn. Câu chuyện của hai nhà thơ đều là hư cấu, ta biết không có nhưng ta vẫn yêu mối tình của họ, vì mối tình của họ nói lên những gì ấp ủ trong lòng ta, những nhớ thương, tìm kiếm một giai nhân không có trong đời ta, hay có chẳng cũng chỉ trong giấc huyễn mộng một đêm nào!

                                                                     Châu Thạch 

READ MORE - ĐỌC HAI BÀI THƠ HAY VỀ “CANH MẠNH BÀ” CỦA LANG TRƯƠNG VÀ VUA ĂN MÀY - Châu Thạch