Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 21, 2019

MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm





MẤY DÒNG TÂM TƯ

Buồn vui
Cũng một chỗ này
Trà suông - thiếu bạn
Nhắp cay nỗi mình !

Chút tình
Gửi gió phiêu linh
Về phương trời nhớ...
Bóng hình xưa, xa !

Chừng thôi
Nhạt dáng hào hoa
Một tôi ngồi
Với mắt nhòa...
Đăm chiêu !

Niềm riêng
Chưa nói bao điều
Đã nghe lòng gợn...
Ít nhiều phôi pha !

         TỊNH ĐÀM              

READ MORE - MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm

LỜI BIỂN - Hồng Thúy, Phan Ni Tấn, Ngọc Mỹ, Hùng Đặng





LỜI BIỂN

Biển dâng chập chùng sóng
Khói nhà… trắng đại dương
Nỗi nhớ nào như mãi
Cuốn mênh mang nước buồn

Biển ngổn ngang cơn gió
Thổi… buốt đầy trong tim
Giạt… mầu chiều sắc tím
Người… xác xao mây chìm

Biển dặm trường… rét mướt
Thương bóng em bên trời
Có phải mưa vừa lướt
Ướt lòng người tả tơi

Ngõ xưa nào xa tắp
Biển lỡ hoài điệu thăm
Đành đưa dòng lục bát
Trôi về đâu… tiếng Cầm

Người lòng đau lẻ bóng
Sóng bạc đầu tháng năm
Nhọc nhằn mảnh trăng xế
Úa mảnh đời mù tăm…

Em ơi ! Giữa đêm lạnh giá
Giữa đất trời bao la
Bài thơ cho biển hát
Cứ ngậm hoài nỗi… xa


                   Hồng Thúy



Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Phan Ni Tấn
Ca sĩ : Ngọc Mỹ
Hòa âm: Đỗ Hải
PPS, KOK: Hùng Đặng

READ MORE - LỜI BIỂN - Hồng Thúy, Phan Ni Tấn, Ngọc Mỹ, Hùng Đặng

YÊU EM”, THƠ VUA ĂN MÀY MỘT BÀI THƠ TÌNH RẤT LẠ - Châu Thạch



                     Nhà thơ Vua Ăn Mày


YÊU EM” THƠ VUA ĂN MÀY MỘT BÀI THƠ TÌNH RẤT LẠ
                                                                Châu Thạch

Tôi năm nay đã 77 tuổi, thể xác và tâm hồn khô cằn. Thế nhưng cứ mỗi lần đọc thơ của Vua Ăn Mày thì lại thấy mình như thanh xuân trở lại. Với tôi, mỗi bài thơ của Vua Ăn Mày đưa tôi về trở với cái tuổi lãng mạn, yêu đời, yêu em và ngổ nghịch tràn đầy trong đường máu. Tôi thích đọc thơ của Vua Ăn Mày vì thơ ấy đem cho tôi một niềm vui được uống thi vị nồng say, như uống thứ men rượu, nói hơi cường điệu một chút, là thứ men rượu cải lão  hoàn đồng.
Hôm nay tôi đọc được một bài thơ của Vua Ăn Mày. Bài thơ nầy đem  so với những bài thơ khác của Vua, thì không hay bằng. Thế nhưng bài thơ rất lạ, lạ ở chổ đây là một bài thơ tình trai gái, nhưng lại là một bài thơ yêu nước:  

 YÊU EM

Ôi vóc dáng xinh xinh hình chữ S
Từ Bắc vô Nam, từ biển đến rừng
Bốn nghìn tuổi nhưng vẫn còn nũng nịu
Như hôm nào em mới biết làm duyên

Nhiều khi dỗi, em trút niềm giông bão
Anh lao đao lụt lội suốt mùa buồn
Rồi cũng dịu, em điệu đà khoe sắc
Khắp cây cành rộn rã tiếng chim buông

Anh yêu lắm nhưng mà không có thể
Ôm em vào hết cả một vòng tay
Thằng hàng xóm vẫn cứ rình cắn trộm
Hết bờ mi rồi lại đến bờ môi

Rồi sẽ có một hôm nào nắng đẹp
Anh đường hoàng như một gã đàn ông
Chân bước khẽ trên bậc thềm chúng nó
Nhưng lẽ nào sang chỉ để hỏi thăm!

                                   Vua Ăn Mày

Đọc thơ, ai cũng biết tác giả muốn nói gì rồi. Vua Ăn Mày tả nước Việt Nam và tố cáo âm mưu phá rối để xâm lăng của nước láng giềng chúng ta.

Lạ là, Việt Nam trở thành một người con gái xinh xinh, tánh tình cũng không khác gì cô gái của Nguyên Sa “Chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu”.
Với Nguyên Sa thì người con gái đã lặng lẽ “Đi mà không gọi gì nhau / Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại”, còn với Vua Ăn Mày thì nàng vẫn ở đó, nhưng người yêu của nàng là một người yêu chưa tròn bổn phận: “Anh yêu lắm nhưng mà không có thể/ Ôm em vào hết cả một vòng tay” nên thằng hàng xóm làm những điều xấu xa tệ hại: “Thằng hàng xóm vẫn cứ rình cắn trộm/ Hết bờ mi rồi lại đến bờ môi”.
Tất nhiên thằng hàng xóm ở đây không ai khắc hơn là Trung Quốc, nước đã từng lấn chiếm biên giới và hải đảo nước ta.

Tuy chàng trai hiện giờ không giữ được em trọn vẹn, “không thể ôm em hết vòng tay”, không có nghĩa là hào khí của Vua Ăn Mày không có. Những câu thơ kế tiếp là lời thề cùng non nước, hẹn với em một ngày sẽ ung dung trên đất địch. Đó sẽ là một ngày chiến thắng vẻ vang, đạp đầu tên hàng xóm, bước trên thềm nhà chúng nó, không phải để hỏi thăm mà để hỏi tội tên côn đồ vô lại kia.

Có lẽ ta không nên đòi hỏi Vua Ăn Mày phải dùng những hình ảnh thiêng liêng như mẹ, như sông núi, hay thân thương như chùm khế ngọt, như đồng ruộng nương dầu để nói về đất nước. Có lẽ ta cũng không nên đòi hỏi Vua Ăn Mày phải dùng những kỳ tích chống ngoại xâm của cha ông để nói đến tinh thần bất khuất ngày nay trước giặc thù. Bởi vì những hình ảnh đó, những ý thơ đó, những tứ thơ đó đã được dùng quá nhiều rồi.

Ta phải thông cảm với Vua Ăn Mày, một nhà thơ trẻ với cái bút hiệu cũng khác đời rồi, với cái phong cách thơ mới lạ, ngổ ngáo, độc đáo có pha một chút lập dị, đã đưa người đọc thơ đến một chân trời văn chương khác lạ, tung tăng trong vườn thơ trẻ trung, hưởng sắc màu thanh xuân để reo vui, và dẫu có trầm tư thì cũng lắng đọng xuỗng tâm hồn ta mật ngọt của những con ong rất trẻ, đi hút nhụy hoa tinh khiết, đem về cống hiến cho đời.    

Khi dùng hình ảnh người yêu cúa mình để làm hình ảnh quê hương, Vua Ăn Mày không nói như mọi người, cho rằng tình yêu quê hương là trách nhiệm là nghĩa vụ nữa. Nhà thơ không đặt tình yêu quê hương lên bàn thờ trang nghiêm để thề thót.

Thay vào đó, Vua Ăn mày đã đặt tình quê hương vào trong con tim mình, thành thứ tình ái, là một loại cảm xúc, là một trạng thái tâm lý, là một tình cảm riêng của mỗi người, là một năng lực thu hút mạnh mẽ, một nhu cầu muốn được ràng buộc, gắn bó nhau. Từ đó, bài thơ “Yêu Em” của Vua Ăn Mày bày tỏ một tình yêu quê hương có đầy đủ ẩn dụ của ngàn vạn bài thơ viết trước, khác chăng là sự nổi bậc tư duy mới, diễn đạt mới, dùng ngôn từ mới không theo thường lệ, để nói về một thứ tình yêu tổ quốc trân trọng hơn, triều mến hơn, thương nhớ hơn và gần gũi hơn mỗi ngày.
Nhà thơ Vua Ăn Mày vốn là một bí mật nhân ảnh từ xưa đến nay. Nhiều bạn ái mộ muốn biết mặt con người sáng tác những bài thơ lãng tử, con người được ví như Hồng Thất Công, nhân vật vua ăn mày trong tiểu thuyét Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, thế nhưng ước muốn không được thỏa lòng vì Vua Ăn Mày không ẩn danh mà ẩn diện.

Hôm nay, hân hạnh cho Châu Thạch, cùng với bài viết nầy, đã được phép của tác giả, người viết kèm theo đây bức ảnh của nhà thơ Vua Ăn Mày, một tác giả mà người trẻ, người già đều ái mộ, mến yêu. Mong rằng bức ảnh của một chàng trai hiền hòa, trắng trẻo mà làm thơ hay đáo để cũng làm vui lòng các bạn yêu thơ!!!

                                                                     Châu Thạch

READ MORE - YÊU EM”, THƠ VUA ĂN MÀY MỘT BÀI THƠ TÌNH RẤT LẠ - Châu Thạch

GIỚI THIỆU TẬP THƠ: BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ - Nguyên Lạc


     
                  (Ảnh bìa tập thơ)
                 

GIỚI THIỆU TẬP THƠ: BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ
                                                                   Nguyên Lạc

VÀI HÀNG TIỂU SỬ

Cảm ơn nữ sĩ Hạt Cát đã gởi tặng thi phẩm Bạch Vân Vô Sở Trú (Mây Trắng Thong Dong) như món quà quý.  Tập thơ in rất trang trọng và rất đẹp.
Xin được ghi ra đây vài hàng về tiểu sử của nữ sĩ:
 Hạt Cát tên thật Trần Thị Bạch Vân, bút hiệu thường dùng: Hạt Cát, Lăng Già Nguyệt, Sa Sa, Lạp Sa ... Cựu học sinh trường Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương, quê Lái Thiêu Việt Nam. Hiện đang sống ở Mỹ.
Tập thơ Bạch Vân Vô Sở Trú gồm 125 bài thơ chữ Hán đủ các thể loại, sau mỗi bài thơ chữ Hán, tác giả còn phiên âm ra Hán Việt và dịch ra thơ thuần Việt rất mượt mà. Về thơ chữ Hán, tác giả làm theo lối chữ phồn thể -  Lối chữ hiện được dùng tại Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và trong các tác phẩm cổ của văn học Việt Nam. Thi sĩ Hạt Cát cho biết là chị đã học chữ Hán từ gia đình, từ bạn bè. Chị học và yêu thích chữ Hán, rồi làm thơ dễ dàng như làm bằng tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt.

NHAN ĐỀ BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ

Trước khi giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của nữ sĩ Hạt Cát, tôi có vài ý về nhan đề của thi tập.

      1. Được biết người cha là nhà Nho, thầy giáo; cụ dặt tên cho các người con gái đều bẳt đầu bằng chữ Mây (Vân). Gia đình có 4 người con gái: Bạch Vân, Thanh Vân, Hồng Vân và Huỳnh Vân.
Tên đặt ảnh hưởng đến cuộc đời riêng chăng? Mây thì phải lơ lửng, lang thang lưng trời:
Phiêu vân bạch mộ không / Quá kiều hốt tâm vong (Chiều hôm mây trắng lênh đênh/ Qua cầu lơ đãng bỏ quên tim này - Hạt Cát)
         2. Nhan đề Bạch Vân Vô Sở Trú gợi ta nhớ đến bài thơ nổi tiếng "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu (704–754) một nhà thơ thời nhà Đường. Tương truyền Lý Bạch (701 - 762) khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, thấy bài thơ này của Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong ông vội vứt bút, ngửa mặt than: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.(Trước mắt thấy cảnh không tả được / Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu)

Đây là 4 câu đầu của bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
        (Hoàng Hạc lâu -Thôi Hiệu)

Nguyên Lạc phóng dịch:

Hạc vàng ai cưỡi bay xa
Đây lầu Hoàng Hạc cùng ta đối sầu
Hạc vàng không trở về đâu
Nghìn năm mây trắng trên đầu vẫn bay
.
"Bạch Vân Vô Sở Trú" của Hạt Cát chính là "Bạch vân thiên tải không du du" của Thôi Hiệu, nói về lẽ "vô thường".

VÀI NHẬN XÉT KHI ĐỌC BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ

     1. Xin được trích đoạn ra đây Nhận Định Về Tập Thơ của Nguyễn Đức Cung đăng ớ phần đầu của thi tập:
[... Trước hết, khi đọc thi tập viết bằng chữ Hán này độc giả tưởng rằng sẽ gặp ở đây những khuôn mẫu cứng nhắc, những luật lệ gò bó của những quy luật về thi ca đời Đường Trung Quốc mà người làm thơ chữ Hán có sẵn trong đầu, đó là các loại thơ Cổ phong và thơ Luật. Thơ Cổ phong chỉ cần có vần mà không phải theo niêm luật; thơ Luật mỗi bài 8 câu 5 vần theo đúng niêm, luật, bằng, trắc. Nếu mỗi câu 5 chữ thì là ngũ ngôn, mỗi câu 7 chữ thì là thất ngôn. Dù ngũ ngôn hay thất ngôn thì cũng không bao giờ được dùng vần trắc; nếu dùng vần trắc thì là cổ thi rồi. Ngoài ra cũng còn có loại thơ tuyệt cú chỉ có 4 câu (nên cũng gọi là tứ tuyệt) có thể theo luật bằng trắc (thể luật) có thể không theo (thể cổ thi) [Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, cuốn II Đời Đường]
Tính phóng túng và đa điệu của tác giả tập thơ này chẳng những thể hiện trong các thể thơ từ ngũ ngôn Cổ phong đến lục ngôn, tứ tuyệt; nhiều nhất là ngũ ngôn cho đến cả thể thơ Lục bát - vốn là một kỹ thuật sáng tác độc đáo của người Việt Nam cũng được nhà thơ Hạt Cát vận dụng, đưa vào thi tập của mình qua các bài Dị Hương Xuân I, Khán Vân Hiên, Hư Hư Thực Thực với những câu trích dẫn như sau:

Khách địa xuân vô đào, mai
Thô thi, đạm tửu nghinh lai vị hà?
Cái hàn khô thụ tuyết hoa
Vọng thiên lý ngoại sầu ga hương tình
                           (Dị Hương Xuân I)

Xứ người xuân chẳng mai, đào
Thơ suông, rượu nhạt đón chào chi đây?
Lạnh lùng tuyết phủ ngọn cây
Trông ngoài ngàn dặm thêm đầy sầu quê...
                                [Nguyễn Đức Cung]

2. Về tính phong phú, đa điệu của thơ Hạt Cát tôi xin trích ra đoạn này:
"Trong lãnh vực thi ca, việc đặt ra luật lệ xét cho cùng không phải là việc vô ý thức, nhưng nói như nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì luật lệ, qui tắc là "để điều khiển cái hứng, giúp cho lối phô diễn được hoàn hão, đẹp đẽ hơn, du dương hơn; chứ không phải để bóp chẹt cái hứng. Phải biết vứt bỏ luật lệ để giữ cái hứng, chứ không nên hy sinh cái hứng cho luật lệ. Thơ là để diễn tả nỗi lòng; diễn tả bằng hình thức nào cũng được: Cổ phong, thể Luật ... Hễ tả mà cảm động được lòng người là mục đích đã đạt. Thơ không phải là những tiếng ghép cho thành văn, cho có đối, cho đủ bằng trắc ..."
                                                 [Nguyễn Hiến Lê, sách đã dẫn]

Đoạn văn này áp dụng đúng cho thơ của Hạt Cát.

3. Về tính nhân bản:
Ngoài sự mượt mà, phong phú, đa dạng trong thơ của Hạt Cát còn đầy ắp tình người. Tôi xin dẫn những đoạn thơ sau đây để minh chứng.

a.
Dạ Dạ
Dạ dạ phong sàng thượng
Bán tịch bán liêu nhai
Tương luân đài tảo mộng
Thi cổ thiểu đa sầu

Đêm Đêm
Đêm đêm tôi trải lên giường
Nửa chăn chiếu nửa phố phường quạnh hiu
Loanh quanh mộng mị rong rêu
Mấy hàng thơ cổ ít nhiều bâng quơ

Khiến ta nhớ đến Hàn Ốc hay Hàn Ác (844-923) tự Trí Nghiêu, thi nhân thời Vãn Đường

Xuân khuê kỳ 2
Nhân uân trướng lý hương,
Bạc bạc thụy thời trang.
Trường hu giải la đới,
Khiếp kiến thượng không sàng.

Dịch nghĩa:

Trong màn hương thoang thoảng dễ chịu,
Ăn mặc sơ sài để ngủ.
Cởi dải áo, than dài một tiếng,
Vì thấy cái giường không mà kinh hãi.

Bản dịch của Trần Tuấn Kiệt:

Thoang thoảng mùi hương quanh trướng gấm,
Đâu cần giấc ngủ với y trang?
Tháo dải lưng quần, ôi lạnh lẽo!
Giường kia sao rộng, rộng thênh thang!
                                          [Thivien net]

b.
Xin trích ra thêm 4 câu cuối bài thơ đầy tình người Thu Mộ Phùng Y (Khâu Áo Chiều Thu)

Tọa khán tiêu tiêu diệp
Giáng hạ tâm hoang vu
Cổ độ văn chiêu tập
Nhất chẩm sầu thiên thu

Em ngồi trông chiếc lá
Rơi xuống lòng hoang vu
Nghe nghìn xưa góp lại
Một gối sầu thiên thu

d.
Đặc biệt nhân bản nhẩt theo chủ quan tôi là tứ tuyệt này, đầy tính humour - hóm hỉnh

Thả Tiếu
Nhân sinh hàm khổ lụy
Y thực tích bại thành
Phóng thủ vạn sự tuyệt
Đắc tiếu, tiếu nhất thanh!
.
Kiếp người nhiều khổ nhọc
Cơm áo lắm được thua
Buông tay muôn việc hết
Đùa được thì cứ đùa!
  

VÀI BÀI THƠ TIÊU BIỂU

Mời bạn đọc vài bài thơ tiêu biểu của tác giả Hạt Cát trong thi phẩm Bạch Vân Vô Sở Trú.

   
                   (Ảnh thơ Lăng Già Nguyệt)

1.

Lăng Già Nguyệt
Lăng Già nhất phiến nguyệt,
Kim cổ vọng du du.
Sát na sinh trụ diệt,
Hà xứ ngã chân như?

Trăng Đỉnh Lăng Già

Mảnh trăng treo đỉnh Lăng Già,
Mang mang kim cổ ta bà vọng chân.
Sanh trụ diệt sát na tâm,
Biết đâu nguồn cội truy tầm cái ta?



   
              (Ảnh thơ Cầm Nguyệt)

2.

暮鳥
孤鳥高飛何處
烟霜歲月浮游
暮風虛無久叫
已心一日天秋

Mộ Điểu
Cô điểu cao phi hà xứ,
Yên sương tuế nguyệt phù du
Mộ phong hư vô cửu khiếu
Dĩ tâm nhất nhật thiên thu!

Cánh Chim Chiều
Về đâu một cánh chim bay,
Khói sương lãng đãng tháng ngày phù du,
Gió chiều gọi mãi hư vô,
Nghe lòng như đã thiên thu một ngày.

3.

 江月
江流重浪白
雲水月終深
茫茫愁輪落
杜宇惱鄉心

Giang Nguyệt
Giang lưu trùng lãng bạch,
Vân thủy nguyệt chung thâm.
Mang mang sầu luân lạc,
Đỗ Vũ não hương tâm.

Sông Trăng
Sông trôi ngàn sóng bạc,
Mây nước một màu trăng.
Mênh mông sầu luân lạc,
Hồn nước quốc kêu thương.

4.

瓊花
素瓣抱貞香
知音會一方
為君開半夜
不讓蝶蜂詳

Quỳnh Hoa
Tố biện bão trinh hương,
Tri âm hội nhất phương.
Vị quân khai bán dạ,
Bất nhượng điệp phong tường.

Hoa Quỳnh
Tay ngà ôm ấp hương trinh,
Cùng tri âm một tấm tình gửi trao.
Vì người nở giữa đêm thâu,
Không cho ong bướm lao nhao tỏ tường.
                    
      
                                (Ảnh thơ Chân Mộng)


HỌA THƠ

Cảm xúc những vần thơ mượt mà như tơ, tôi xin được họa theo vài bài của nữ sĩ:

1. Họa bài Giang Nguyệt

Trầm Tư Bên Sông

Tóc rồi sương điểm theo năm tháng
Sắc cũng tàn phai theo tuổi đời
Ai xui trăng rụng trên dòng lắng
Một kiếp người thôi thế nhân ơi!
                               (Nguyên Lạc)

2. Họa bài Mộ Điểu

Cánh Vạc Chiều

Rụng chiều rải nắng vàng mơ
Sóng dờn dợn sóng khói mờ mờ phai
Lặng lờ cánh vạc mồ côi
Thời không tĩnh lặng bóng đôi với chùa

Giật mình chuông động ngàn xưa
Nhân sinh bể khổ mây đưa lưng trời
Trầm luân hiện kiếp người ơi
Sinh ly tử biệt
Biết rồi kiếp sau?
                                    (Nguyên Lạc)

3. Họa hai câu thơ bài Vô Đề 1

Trăm Năm

Quê người nửa kiếp phù sinh
Trăm năm biết nắm xương mình gởi đâu?
                                                 (Hạt Cát) *

Hợp tan đời đó bể dâu
"Phù sinh bào ảnh giọt sầu sương tan"
Lời kinh Không Sắc thế gian
Thôi thì phần mộ chẳng màng trăm năm!

Bụi tro theo gió mây ngàn
Trùng khơi sóng biển quê hương trôi về
Biệt ly chẳng vẹn câu thề
Quê ơi. xin nhận bụi mê hồn này!
.........

* Bán sinh hành lữ đoản/ Hà xứ ngã chung khâu? - Vô Đề 1


***
Và nhiều, nhiều nữa những câu thơ mượt mà, sâu lắng... Xin trân trọng giới thiệu tập thơ đến các bạn, hãy tìm và thưởng thức.
Nếu muốn đọc toàn tập thơ Bạch Vân Vô Sở Trú (Mây Trắng Thong Dong) hãy vào trang nhà Online của tác giả ở địa chỉ: Hatcat.net

                                                                     Nguyên Lạc

READ MORE - GIỚI THIỆU TẬP THƠ: BẠCH VÂN VÔ SỞ TRÚ - Nguyên Lạc

TỰ TÌNH (2) - Thơ Đỗ Anh Tuyến




TỰ TÌNH (2)

Ta cố tìm dĩ vãng
Trong thực tại phũ phàng
Ta một mình lang thang
Ôm nỗi buồn sâu thẳm …

Thiên đường! … Ôi xa lắm!
Cuộc đời lắm bể dâu
Tìm vui trong chén sầu
Lòng nghẹn ngào chua xót.

Trời xanh cao chót vót
Có thấu chăng lòng ta
Tình yêu có phải là …
Chết cho nhau một nửa?

Xin thắp lên ngọn lửa
Để sưởi ấm lòng nhau
Bây giờ và mai sau
Xin nhớ cho ta đã …!

ĐỖ ANH TUYẾN

Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

READ MORE - TỰ TÌNH (2) - Thơ Đỗ Anh Tuyến