Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 18, 2019

HỒI TƯỞNG VỀ NGƯỜI ANH, NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH. - Phan Ngọc Bích


            
          Nhà thơ Phan Phụng Thạch


HỒI TƯỞNG VỀ NGƯỜI ANH, NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH                                                                                                                            Phan Ngọc Bích

Anh tôi sinh năm 1942, là anh  trai thứ ba trong  gia đình có  bảy anh chị em .Tên khai sinh là Phan Ngọc Thạch, nhưng mọi người quen gọi Phan Phụng Thạch- bút hiệu của những bài thơ được yêu thích trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Nghệ Thuật ở Sài Gòn từ năm 1964 đến 1972…Thuở nhỏ, trong nhà gọi anh một cách thân thương là Vinh. Cha tôi và  nhà thơ Phan Văn Dật là anh em chú bác lạị, học cùng khóa ở trường Khải Định. Về sau cha tôi làm trợ-giáo rồi tham gia mặt trận chống Pháp, bị giặc bắt và bắn chết năm 1948 lúc anh Thạch vừa sáu tuổi, còn tôi ba tuổi. Quê hương chìm trong khói lửa, gia đình chúng tôi vào Huế một thời gian nhờ sự giúp đỡ của bà con họ tộc. Sau hiệp định Geneve, anh Thạch về Quảng Trị học trường trung học Nguyễn Hoàng từ năm 1955 cho đến đỗ tú tài 1. Anh học để thi tú tài 2  ở Trường Petrus Ky - Sài Gòn. Sau đó anh theo học Khoa Sử-Địa thuộc Đại Học Văn khoa - Huế và xin dạy hợp đồng ở trường cũ, cho đến khi tốt nghiệp khóa Khả năng sư phạm mở tại Sài Gòn anh được vào biên chế, vừa dạy vừa làm quản thủ thư viện nhà trường. 

      


    
                                               
Do tính tình anh hiền lành, ít nói nhưng chân thành nên có  nhiều bạn tâm giao. Thời đi học anh thân với các anh  Lê Phúc Khàn, Lê Văn Thái.. Bạn văn chương có Nguyễn Văn Thưởng (bút hiệu Chu Vương Miện), Đặng Sĩ Tịnh (Trinh Nhược Thủy, Đặng Triệu Phong), Trần Đìnhh Bé (Thạch Nhân), Nguyễn Đình Trọng (Đông Trình_ĐN), Hồ Thế Vĩnh, Trần Văn Lữ , Đỗ Tư Nhơn, Thiếp Lan Đình… Một hôm anh dẫn về nhà một người  để râu quai nón trông rất lập dị - đó là họa sĩ  Phạm Văn Hạng, sau này có bức họa lên án chiến tranh  nổi tiếng. Hai anh tham gia hội HHT, hoạt động xã hội từ thiện giúp dân do thầy Lê  Hữu Thăng và đông đảo đồng nghiệp hưởng ứng như thầy Lý Văn Nghiên, Nguyễn Dạ Thảo, Lê Lợi, Trần Kiêm Đoàn và nhóm học sinh… Anh Thach được phân công làm  chủ biên đặc san Đan Tay cho hội HTT, đã quy tụ nhiều văn nghệ nghệ sĩ trong tỉnh. Thời gian đó anh còn cộng tác  với ban báo chí-văn nghệ nhà trường chọn bài, chấm giải thơ văn học trò cùng với các thầy Phạm Sữu, Đỗ Tư Nhơn, Trần Văn Lữ, Trần Kiêm Đoàn,  Nguyễn Thiện, cô Võ Thị Hồng – Kết quả là sự ra mắt của Đặc san Xuân 1971 và Hội Mùa Xuân 1972 cùng giải thưởng văn chương toàn trường. Anh dẫn chương trình thật duyên dáng nên thường được mời trong các buổi văn nghệ đọc thơ…                                          
Nhớ lại hồi chúng tôi ở căn nhà trọ, trong hẽm gần đường Quang Trung, đây là nơi tụ hội của các thầy giáo trẻ  từ Huế ra dạy NH như Hồ Xuân Tám, Phạm Sữu, Trần Văn Tuần, Cao Hữu Điền. Đặc biệt thầy Trần Phò, Trần Văn Lữ cùng với Phan Phụng Thạch đều có chung sự đồng cảm  : - niềm cô đơn của những chàng trai ở tuổi 30 !  Thầy Đỗ Tư Nhơn từ lúc về dạy cùng trường, nhà ở gần đó là một trong số bạn thơ thân thiết của anh Thạch. Một kỷ niệm đáng nhớ : Anh Thạch và anh Hồ Xuân Tám được mời phụ rễ, trong lễ rước dâu của gia đình anh bạn  ấy vào mùa xuân 1971! Những ngày ăn cơm tháng của anh em chúng tôi cùng các thầy Lê Văn Mãn, Cao Hữu Điền, anh Tạ Nghi Lễ… thì làm sao quên được quán cơm Bà Huyến đường Phan Đình. Rồi những lần đi uống cà phê cũng được anh nói đến trong bài thơ “Lạnh tuổi vàng” :                                                                                                   “Quán cà phê đốt đời anh cháy
Khói thuốc vàng phai cả tháng năm”
                                                                    
Anh  Trần Văn Lữ, người bạn đồng điệu của anh Phan Phụng Thạch khi  lìa xa Quảng Trị ở trại tạm cư Hòa Long nhớ da diết tên từng quán cà phê quen thân trong tùy bút : “Thương về Quảng Trị” như sau : “Nào đâu những chiều ngồi trong  quán Văn, quán Quyên, quán Gió… thả hồn trong khói thuốc”. Mùa   hè năm 1972, cùng bà con, nhà trường, gia đình chúng tôi vào Đà Nẳng tỵ nạn. Ở trong trại tạm cư, anh đã cố gắng hết sức để  xuất bản tập thơ đầu : “Lưu bút mùa hạ, nhà xuất bản Hạnh Nhơn, do cơ sở ấn loát Da Vàng- Đà Nẵng vào tháng 5 năm 1972”. Bạn thơ và học sinh đã đón nhận một cách nồng nhiệt. Đáng buồn thay, bệnh cũ của anh tái phát, anh phải vào bệnh viện  Đức - Đà Nẵng chửa trị từ ngày 12-10-72 đến ngày 24-01-73. Khoảng một tháng anh thấy khỏe thì đi thăm viếng bà con và ngồi lại bên bạn bè  đọc thơ, nghe hát. Nhưng rồi anh bị những cơn sốt dày vò, phải nhập viện chích thuốc, chuyền máu cho anh trong vòng 10 ngày. Ngoài gia đình, các anh Lê Lợi, Trần Văn Lữ  thay nhau ở bên anh, còn có các đồng nghiệp, bạn thân, học sinh thăm anh. Bệnh tình của anh mỗi lúc một nặng hơn, sức  khỏe cạn dần theo lượng hồng suy giảm nhanh chóng. Cho đến rạng sáng thứ 7, ngày 24 tháng 2  anh đã yếu  lắm, thở cách quãng, đôi mắt đã trăng trắng và sụp mi xuống. Anh đau đớn, trút hơi thở  cuối cùng, bỏ mẹ già, bạn hữu ra đi vào lúc 7h25. Anh đã sống những ngày gắn bó sẻ chia với  thân quyến, bạn bè, anh đã viết những câu thơ ân tình tha thiết cho học trò, cho quê hương, cho cuộc đời. Cho nên khi xe tang của anh đi qua trại tạm cư có hàng hàng nam nữ học sinh bên cạnh, thân quyến, đồng nghiệp đưa tiễn ngậm ngùi với cành huệ trắng trên tay vô cùng trang nghiêm và xúc động. Khi linh cữu của anh  được  đặt xuống huyệt, mọi người  buồn thương tạ từ anh bằng những cánh hoa, nắm cát. Chính giữa lúc đó bài Điếu văn do thầy Trần Kiêm Đoàn đọc, bài Khóc bạn của  thầy Trần Văn Lữ  bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào xót xa ! Chắc người anh bạc mênh, nhà thơ Phan Phụng Thạch cũng ấm lòng trên đường về Chín suối thiên thu!   

        

Nhà thơ Đông Trình –bạn anh ở Đà Nẵng  biết tin đã đến viếng anh và gởi bài Tưởng niệm Phan Phụng Thạch cho tạp chí Bách Khoa số 389 (ngày 02-4-1973) vào dịp 49 ngày anh mất thật trân trọng cùng ba bài thơ chọn từ sáng tác của  anh. Các thân hữu cũng tổ chức giới thiệu thơ Phan Phụng Thạch tại  văn phòng trại 2/5 Non Nước để tưởng nhớ anh. Đọc lại thơ tình PPT, tôi rất tâm đắc với nhận định của bạn anh khi cho rằng trong thơ PPT có hình ảnh những người con gái dịu dàng , xinh đẹp nhưng không có mặt trong cuộc đời anh. Họ chỉ là Nàng thơ, đã làm rung động trái tim anh. Có lẽ  PPT không muốn chạm tay vào hình ảnh đó, sợ sẽ tan biến đi chăng ? 




Thơ: Phan Phụng Thạch.
Nhạc: Cao Hữu Điền.
Tiếng hát: Trần Quang Lộc.
Video clip: Phú Đoàn.

Sau  khi Quảng Trị đã kết thúc chiến tranh, gia đình đón anh về với quê nhà giữa ông bà thân quyến ấmáp  trầm  hương... Hằng năm, mỗi lần Hội trường quý thầy, bằng hữu, học trò cũ đều không quên thăm mộ, thắp hương tưởng nhớ anh. Và gần đây thôi một nhóm thầy cô -thân hữu - học sinh cũ có nhã ý đóng góp để tôn tạo phần mộ anh PPT, gia đình xin chân thành cám ơn nghĩa cử cao đẹp ấy ! Nhưng vì anh đã ở giữa tổ tiên nên việc di dời không tiện. Chắc anh Thạch sẽ mỉm cười khi nhìn thấy tập Phan Phụng Thạch - Di Cảo & Ký ức được xuất bản. Xin vô vàn cảm tạ quý thầy cô và thân hữu! Chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ trước những tình cảm quý báu mà thầy cô và các thân hữu dành cho anh tôi - nhà thơ Phan Phụng Thạch sau hơn 40 năm xa rời cõi tạm !

                                                Làng Đạo Đầu, 10/11/2014
                                                        Phan Ngọc Bích

READ MORE - HỒI TƯỞNG VỀ NGƯỜI ANH, NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH. - Phan Ngọc Bích

ĐỌC “MƠ VỀ THẠCH HÃN” THƠ HỒ VĂN CHI - Châu Thạch


                       Nhà thơ Hồ Văn Chi


MƠ VỀ THẠCH HÃN

“Thuyền lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”

Lời ai day dứt tháng năm…
Trong mơ, tôi trở lại thăm nơi nầy
Một vùng cỏ cháy lắt lay
Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông
Dậy trời, tiếng thét xung phong
Bom vùi, pháo dập… nhuộm hồng bùn non
Linh thiêng hỡi những linh hồn

Hòa trong sóng nước vỗ dồn ngàn năm
Lung linh hỡi ánh trăng rằm!
Hãy soi sáng tới chỗ nằm các anh
Sông ơi, xin chớ trôi nhanh
Dập dờn sóng nước, dập dềnh đò đưa
Hòa cùng gió thoảng rặng dừa
Ru các anh ngủ say sưa tháng ngày

Hết rồi, cỏ cháy lắt lay
Hết rồi bom đạn đan dày mặt sông
Hàng dừa soi bóng xanh trong
Các anh yên giấc giữa giòng bình yên.

                                       Hồ Văn Chi


        
                    Nhà bình thơ Châu Thạch



ĐỌC “MƠ VỀ THẠCH HÃN” THƠ HỒ VĂN CHI
                                                                     Châu Thạch

Quảng Trị không phải là nơi tôi sinh ra, không phải là chánh quán trong lý lịch của tôi nhưng nơi đó tôi đã lớn lên cùng cha mẹ, anh em bạn bè và người yêu của một thời tuổi trẻ. Tôi xem nơi đó là quê hương của mình.
Con đường Gia Long bên dòng sông Thạch Hãn tôi đã đi lại nhiều lần và xót xa bỏ nó  trong một mùa hè khói lửa .
Hôm nay đọc bài thơ “Mơ Về Thạch Hãn” của nhà thơ Hồ Văn Chi, một lính chiến khác chiến tuyến với tôi thuở ấy đã làm tôi xúc động.

Tôi phải viết và tôi chỉ viết về thơ, không viết những điều gì ngoài thơ cả.
Nhà thơ đã mơ một giấc mơ hiện thực trong quá khứ và nằm trong ký ức lúc bây giờ. Đây là một giấc mơ về một cảnh hải hùng khi sống trong thực tại nhưng đẹp trong giấc mơ của mình. Đẹp vì người mơ được quay về quá khứ, được thấy lại những gì đã mất, được un đúc lại bầu máu nóng của tuổi thanh xuân, và những gì thi nhân cảm xúc trong giấc mơ của mình cũng làm cho người đọc bài thơ đồng cảm xúc như vậy.

Hãy vào đọc khổ đầu của bài thơ để thấy bức tranh, để nhìn hoạt cảnh năm xưa, nó hiện ra trong câm lặng vì nó chỉ nằm trong giấc mơ của người cựu binh quay lại chiến trường bằng mộng mà thôi

           Lời ai day dứt tháng năm…
           Trong mơ, tôi trở lại thăm nơi nầy
           Một vùng cỏ cháy lắt lay
           Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông
           Dậy trời, tiếng thét xung phong
           Bom vùi, pháo dập… nhuộm hồng bùn non

Bởi hai câu thơ của nhà thơ Lê Bá Lương “Thuyền lên Thạch Hãn…ơ chèo  nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” được khắc lên đá đặt bên dòng sông Thạch Hãn là một lời thơ làm “day dứt tháng năm”, khiến nó đi vào trong giấc mơ Hồ văn Chi và hóa thân thành những vần thơ đẹp. Nếu những câu thơ trên của một thi sĩ đứng trước dòng sông thì chẳng có gì đặc biệt. Đặc biệt ở đây là Hồ Văn Chi đã đưa cảnh năm xưa vào trong giấc mơ, được dẫn nhập bằng hai câu thơ làm  “day dứt tháng năm”  biến khung cảnh  cũ thành nỗi bi thương day dứt tâm hồn  người lính chiến năm xưa và người thi sĩ ngày nay.
Lời thơ của Lê bá Dương làm day dứt tháng năm thì lời thơ của Hồ Văn Chi cũng nhẹ như thế nhưng cũng làm day dứt lòng người như thế. Hồ Văn Chi dùng câu thơ “Một vùng cỏ cháy lắt lay/Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông” là cảnh buồn lây lất sau chiến trận. Rồi sau đó, nhà thơ mới tiếp nối khổ thơ bằng một cảnh “bom vùi, pháo dập” là cảnh đang đánh nhau. Sự cố tình kết cấu bài thơ cảnh sau thành trước, cảnh trước thành sau là một hàm ý đã làm giấc mơ trở nên hàm súc. Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất, hay một dụng ý sắp xếp câu từ hợp lý nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của ngôn từ văn học. Sự kết cấu đảo lộn hai cảnh, tưởng rằng không hợp lý nhưng rất hợp lý vì nó là gíấc mơ, khiến cho rất tự nhiên, lời thơ đưa người đọc cùng đi vào giấc mơ với cảnh vật động mà tỉnh, trước mà thành sau như mọi giấc mơ của con người.
Câu thơ “Bom vùi… pháo dập… nhuộm hồng bùn non” cũng là một câu thơ rất xúc tích, gói trọn ý nghĩa của xương rơi máu chảy trong chiến trận, hình dung hóa xương máu làm đổi màu sắc của bùn thật là tinh tế.

Hồ Văn Chi tiếp nối bài thơ qua khổ thơ thứ hai:

Linh thiêng hỡi những linh hồn
Hòa trong sóng nước vỗ dồn ngàn nă
Lung linh hỡi ánh trăng rằm!
Hãy soi sáng tới chỗ nằm các anh
Sông ơi, xin chớ trôi nhanh
Dập dờn sóng nước, dập dềnh đò đưa
Hòa cùng gió thoảng rặng dừa
Ru các anh ngủ say sưa tháng ngày

Hãy nhớ rằng đầu đề của bài thơ là “Mơ Về Thạch Hãn” nên cảnh trên đây cũng là cảnh trong mơ. Cảnh trong mơ nhưng là cảnh đẹp hiện thực bây giờ trên dòng sông Thạch Hãn. Nhà thơ vẽ một bức tranh lung linh mới, hay chiếu một hoạt cảnh mới sau khổ thơ thứ nhất, là khổ thơ có những bức tranh, những hoạt cảnh bi hùng, là một sự dàn dựng khôn ngoan, đưa cảm xúc người đọc biến chuyển từ động qua tỉnh, từ mơ qua thật, nhưng mà thật vẫn ở trong mơ, mơ lại thấy cảnh thật, để khi tỉnh giấc, hồn người sẽ bâng khuâng, sẽ nuối tiếc một chuyến đi của linh hồn quay lại vùng quá khứ, nơi ở của tuổi thanh xuân.
Những câu thơ trong khổ thơ nầy  đầy sự “lung linh”, đầy sự “dập dờn” khiến cho sự linh thiêng của những linh hồn  hòa trong sóng nước , ngủ say sưa tháng ngày trong tiếng gió thoảng của rặng dừa êm ái làm sao,  được an ủi làm sao! Hồ văn Chi đưa hình ảnh ánh trăng rằm soi sáng đến tận chổ nằm của các chiến sĩ hy sinh năm xưa, gọi dòng sông trôi chậm lại, gọi đò ngưng chèo, để trôi dập dềnh theo sóng nước mà thôi. Tất cả nhưng ý thơ nầy. những tứ thơ nầy làm cho lời thơ thành bàn tay thánh thiện vỗ về  linh ồn người đã khuất, vỗ về cả linh hồn người đang sống với nỗi niềm thương nhớ quá khứ đầy biến động bi thương của một thời khói lửa. Đọc khổ thơ, ta thấy mỗi dòng thơ đều mang hình ảnh nổi bậc, sống động, mênh mang và liên tục nối kết từng ý thơ thiết tha,  như dòng trôi của con sông Thạch Hãn.

Qua khổ cuối của bài thơ, Hồ Văn Chi gởi đến nhưng linh hồn nằm đó một lời nhắn nhủ, như lời chào chia tay để ra khỏi giấc mơ:

            Hết rồi, cỏ cháy lắt lay
            Hết rồi bom đạn đan dày mặt sông
            Hàng dừa soi bóng xanh trong
            Các anh yên giấc giữa giòng bình yên.

Đọc toàn bộ bài thơ, ta thấy nhà thơ có một giấc mơ êm ái và đẹp. Êm ái vì không phải chạy, núp, xung phong hay đội bom đạn, bắn giết nhau rùng rợn. Đẹp vì cuối của bài thơ, những linh hồn chiến sĩ yên giấc giữa dòng bình yên, có hàng dừa soi bóng. Thế nhưng cái êm ái và  cái đẹp nhất của bài thơ là gì? Đó là bài thơ không lấm một vết  bẩn nào của hận thù.
Bài thơ “Mơ Về Thạch Hãn” là một bài thơ bằng những vần lục bát trôi như những đóa hoa thả trên dòng Thạch Hãn, thánh thoát như cơn gió mùa xuân mang hương thơm của thôn Nhan Biều bên kia dòng sông thổi đến Cổ Thành rêu mốc, và cũng ‘buông” như những tiếng chuông chùa bên dòng sông ấy đã an ủi linh hồn người quá cố, làm bình tịnh lòng người còn sống tháng năm qua.

                                                                      Châu Thạch  

READ MORE - ĐỌC “MƠ VỀ THẠCH HÃN” THƠ HỒ VĂN CHI - Châu Thạch

ƠI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG 1970-1975 / Phan Quỳ





ƠI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG 1970 - 1975

Đã bao ngày tháng im ắng trong tôi, chợt một hôm nao áo trắng quay về, rộn rã mừng vui, e ấp ngại ngần như thời con gái, thời mẹ may cho áo dài để thay đầm mặc đi học. Mẹ bảo nay con đã lớn rồi, mặc áo dài đi thôi. Thuở ấy mình mười ba, ơi ngại ngùng chi lạ. Đã đến giờ vào lớp mà cứ tần ngần mãi không thôi. Hai tà áo cứ vướng víu bước chân. Anh trai nhìn theo cười cười làm mình càng thêm lúng túng...
Thế mà đã xa, xa từ lâu lắm để rồi ngỡ chẳng bao giờ nữa. Vậy mà hôm nay áo trắng lại về trong bồi hồi rạo rực và mê say, trong hội ngộ sum vầy thầy cô cùng bè bạn , ngỡ như mình còn mãi những thơ ngây. Và có thầy đã nhắc lại hai câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính:

Chân em in dấu trên đường bụi,
Chẳng bước chân nào dám dẫm lên.

Một Nguyễn Bính chân chất là vậy mà bay bổng thế sao? Có lẽ áo trắng sáng trong và thánh thiện, có lẽ áo xanh tươi mát và dịu dàng, áo vàng rực rỡ gợi nhớ một mùa hoa... tất cả đủ để lay động một hồn thơ mộc mạc chân quê để nâng ngôn ngữ và cảm xúc đến tuyệt đối như thế: Chẳng bước chân nào dám dẫm lên. Từ trong bài thơ Ghen của Nguyễn Bính, Thầy giáo dạy tiếng Anh Nguyễn Huy Vỹ của mình đã gởi lời bình vào áo trắng hôm nay, hôm mà chúng mình đã sang độ tuổi làm ông, làm bà làm mình thấy xôn xao lạ thường. Bao cảm xúc của một thời hoa mộng về lại trong một sáng xuân tươi làm mình hạnh phúc biết bao. Ngày được cắp sách đến trường, được nâng niu bảo bọc bởi mẹ cha, được thầy cô dạy dỗ, được vui đùa cùng bè bạn và đặc biệt là được đọc những dòng thơ tuyệt bích của các thi nhân mình yêu mến mà lòng đầy rung động mê say:

Em không nói đã nghe lừng giai điệu,
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh...

Nguyên Sa viết cho người của lòng mình yêu quý hay viết cho mọi thiếu nữ dễ thương trên đời nầy? Mình cứ băn khoăn mãi rằng liệu có thể có mình trong đó không? Mình có được như vậy trong mắt nhìn ấm áp của một ai không? Ôi những mơ mộng hư ảo phân vân cứ mãi hồng tươi trong tim mình luyến nhớ...
Huy Cận cũng đã dành tặng những gì ưu ái, hoa mỹ và diễm lệ nầy:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng…

Tất cả ngôn ngữ kỳ ảo và ý tưởng thơ mộng đều dành cho người mình yêu quý, Người đã chiếm trọn tâm hồn thi nhân bằng bước chân , bằng tiếng nói , bằng ánh mắt và bằng cả hương hơi nồng nàn vương vấn cả không gian, để thi nhân hoài ngơ ngẩn:

Em có ngờ đâu trong những đêm,
Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm,
Ta đi thơ thẩn trong ngây dại,
Tìm chút hương nồng trong áo em.

Tiếng lòng thiết tha trăn trở của Hàn Mặc Tử làm mình chợt nhớ mối tình si của vị vua Tự Đức đáng kính năm nào:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hương.

Câu thơ gieo vào tim ta một nỗi nhớ thương ngậm ngùi và xa vắng mênh mông. Người đà quá vãng mà hương hơi mà hình bóng mãi vấn vương trong xa xót nghẹn ngào.
Với Phạm Thiên Thư, một người đã từng nương nhờ cửa Phật, nay vương lụy ái tình cũng đã viết lên những lời óng ả và tuyệt bích:

Thư em ướp nụ lan vàng,
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa,
Áo em phất cõi di đà,
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ.

Và với Đinh Hùng thì thật là kiêu sa và riêng biệt:

Em đài các lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.

Có lẽ chúng ta không thể nói gì thêm được nữa về vẻ đẹp độc đáo của ý tưởng nầy.
Ở đây ta cũng bắt gặp Nguyên Sa có lúc thật giản dị, chân thành và đủ đầy hạnh phúc:

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa,
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn.

Với Du Tử Lê thì ông đã cho ta những hình ảnh thật đẹp, thật tinh tế về người trong mộng, người đã chiếm lĩnh hết không gian và thời gian của mình:

Tóc người chảy suốt cơn mưa,
Ngực thơm hoa bưởi môi đưa bão về,
Tôi ngồi giữa cõi tôi khuya,
Có ai gõ cửa mà nghe lá chào.

Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng ngẩn ngơ và chẳng bao giờ quên được những dòng viết nhẹ nhàng mà vô cùng dễ thương của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu:

Anh không xứng là biển xanh,
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng,
Anh xin làm sóng biếc,
Hôn mãi cát vàng em,
Hôn thật khẽ thật êm,
Hôn êm đềm mãi mãi….

Một cảm giác êm êm len nhẹ vào hồn khi ta đọc nh ững lời nầy và khiến lòng ta mơ mộng mãi không th ôi.
Ở một lúc nào đó Lưu Trọng Lư cũng đã từng bày tỏ :

Ai bảo em là giai nhân,
Cho lòng anh đau khổ,
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ,
Cho vương víu nợ thi nhân?

Mỗi người mỗi vẻ, mỗi biểu đạt ý vị, độc đáo và lộng lẫy trên thi đàn và đã mang lại cho người thưởng ngoạn những cung bậc cảm xúc thật khác biệt khiến ta muốn nói lên lời cảm ơn đầy trân trọng và yêu quý, nâng niu. Giữa dòng đời tất bật một hôm nao ta chợt dừng lại và bắt gặp được
những vần thơ đẹp, những ý tưởng sáng tạo bay bổng tuyệt vời , ta chợt thấy yêu hơn cuộc đời và cảm giác hạnh ph úc chợt đến như thi sĩ hiểu thấu lòng ta và viết riêng dành tặng (? )
Dù không phải là giai nhân, không là gót ngọc, không ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về… nhưng những gì thi nhân dành tặng cuộc đời vẫn khiến lòng ta dạt dào mơ mộng và đắm say như hôm nay thầy Huy Vỹ đã gợi lại bao ký ức để nhớ để thương của một thời thiếu nữ chúng mình đã trôi xa…
Bao nỗi niềm xao xuyến bâng khuâng chợt ùa về và mình nghe lòng nhớ nhung chi lạ. Thương ơi thuở ngày xanh cùng áo trắng.

                                                                             Phan Quỳ

READ MORE - ƠI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG 1970-1975 / Phan Quỳ

BUỔI NẮNG TÀN TƠ VẪN VƯƠNG - Thơ Lê Đình Hạnh


          Nhà thơ Lê Đình Hạnh


BUỔI NẮNG TÀN TƠ VẪN VƯƠNG
(Gởi đến quí cụ còn yêu cuộc đời này)


01.
Rồi đây chống gậy thăm người
Dám xin nhan sắc... mỉm cười bỏ qua.
“Trăm năm trong cõi người ta”
Mấy ai tránh được tuổi già còn...mê...

02.

Xin giữ tình em làm vốn quí
Giữa đời cạn kiệt cả đam mê.
Ngỡ đâu xơ cứng bên đời sống,
Chợt đá mềm chân một lối về.
Xin giữ tình em làm chút lửa,
Sưởi ấm hồn ta buổi nắng tàn.
Những tưởng “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Thoát đời lận đận với nhân gian !
Gió mang theo nắng... sang sông hết
Bỏ lại con trăng giữa đại ngàn,
Bóng núi trầm tư nghiêng dáng đợi,
Hồn sông u uẩn trải ly tan.
Này em dẫu có nghìn năm tuổi,
Đá chỉ rong rêu chả “đá vàng”.

                                    Lê Đình Hạnh

READ MORE - BUỔI NẮNG TÀN TƠ VẪN VƯƠNG - Thơ Lê Đình Hạnh

TƯỞNG RẰNG ANH ĐÃ VỀ THĂM - Thơ & Nhạc: Mai Hoài Thu - Ca sĩ: Như Hải Yến..

READ MORE - TƯỞNG RẰNG ANH ĐÃ VỀ THĂM - Thơ & Nhạc: Mai Hoài Thu - Ca sĩ: Như Hải Yến..

MƯA SAÌGÒN NHỚ NẮNG VÀNG THU HÀ NỘI ?! - Thơ Hoài Huyền Thanh



MƯA SAÌGÒN NHỚ NẮNG VÀNG THU HÀ NỘI ?!
Hoài Huyền Thanh


Chân bước ngập ngừng bước lỡ bước bồi
Trời trong vắt, nắng trên vòm cao thảng thốt
Hong cho vàng thu nhưng tình xa không ấm được
Mưa Saìgòn sao Hà Nội ướt mi!


Em mong ước gì sau mỗi... mùa đi?
Anh không hiểu hay lòng anh nhạt nắng!
Nhìn lá vàng phai lòng em trống vắng 
Anh hững hờ hay con gái Bắc kiêu kỳ?!


Hà Nội mùa này xà cừ đổ lá
Trắng một góc trời mây nõn nà trôi
Còi tàu vang lên từng hồi hối hả
Em rầu lòng nắm níu ở hay đi!


Cứ bảng lảng ngõ dài hun hút nhớ
Hương Hoàng Lan nhà ai tỏa bên thềm
Que kem ngọt lịm một chiều phố cổ
Lòng chạnh lòng cho nỗi nhớ dài thêm. 


Thôi anh nhé! Quên tờ thư viết vội
Coi như nước Hồ Tây rửa sạch nhớ nhung rồi
Em xé vụn mãnh tình ,vùi chôn ký ức
Như chúng mình chưa từng có một thuở chung đôi!


Ghìm nông nổi để lòng đừng hoài nghi tự hỏi
Mưa Saigon có nhớ nắng Hà Nội vàng thu?!


      HOÀI HUYỀN THANH
           Cuối thu 2017



READ MORE - MƯA SAÌGÒN NHỚ NẮNG VÀNG THU HÀ NỘI ?! - Thơ Hoài Huyền Thanh

BÀI THÁNG 10 - Thơ Tuyền Linh



BÀI THÁNG 10
Tuyền Linh
Bài thơ tháng 10 tôi viết lên đây
như cố níu huyễn mơ về hiện thực
những hiện thực thế kỷ nầy tôi gặp
biết chẳng đồng tâm với thế kỷ trước bao giờ!
nên có mơ… cũng chỉ là mơ
dẫu giấc mơ thật đẹp mà tôi đang nấn níu

Ôi, ngọn Everest kia vẫn có dấu chân người lên tới
sao tôi lặn lội hoài mà em vẫn cứ là em
vẫn ngất ngưởng vút cao chẳng thể nào lên
dù em thông minh, dịu hiền của thời mắt nai răng khểnh
Xin hãy chỉ giùm tôi nơi nào là bến đến
để tôi khua mái chèo trăng về điểm hẹn trao tình
Dẫu mai nầy là cổ độ điêu linh
nghìn năm sau bến xưa trăng vẫn sáng

Em đừng sợ bình minh thôi tỏ rạng
khi nụ tình đang khoe sắc xuân thì
Em vẫn là em,
tôi chỉ là người chiêm ngưỡng đóa hoa thi
rất trang trọng , không để phách đàn rơi loạn nhịp
Chỉ mong em, mãi mãi là nụ tình - xin đừng khép
bởi tim tôi chẳng có tuổi bao giờ
Tim vẫn luôn là Nhạc là Thơ
luôn mang giọt sương mai cho hoa em thắm nụ
Đêm, tôi tâm sự với những vì tinh tú
Ngày, buồn vương theo những giọt đàn trầm

Đến một lúc nào chim sáo đã sang sông
tôi sẽ ngẩng mặt lên trời xin các vì tinh tú
cho thuyền tôi xuôi dòng về lối cũ
gác mái chèo trăng, cập bến Tương Giang
Một trăm năm… hay cả một vạn năm…
tôi vẫn là tôi của thời sinh lầm thế kỷ
Yêu em lắm…
hỡi em mắt nai răng khểnh…!

Tuyền Linh

tuyenlinh47@gmail.com

READ MORE - BÀI THÁNG 10 - Thơ Tuyền Linh