Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 1, 2019

VẾT THƯƠNG... - Thơ Trần Mai Ngân



                                Nhà thơ Trần Mai Ngân


VẾT THƯƠNG...

Có vết thương nửa đêm thức dậy
Nhức nhối đau quá vãng khôn nguôi
Ám ảnh tôi môi mắt đã cười
Cũng đã nói dấu yêu bất tận!

Có khát khao nửa đêm lận đận
Trở mình trên thao thức nhân gian
Dấu vết tình cào xước miên man
In lại sẹo nghìn năm không nhạt...

Có chia xa thốt lên ngột ngạt
Là đêm, là ngày... còn dấu ngón tay
Giục giã nhau cũng phải phôi phai
Buông rời rã... hôm này đêm vắng...

Có nằm nghe vị đêm thật đắng
Như đang qua cửa sổ mộng du
Đặt tên người nỗi nhớ thiên thu
Rồi chắp cánh... rồi bay xa mãi!

Đêm nồng nàn... sao tôi bươn chải
Có vết thương nhiều năm trở lại
Nhức nhối tôi ôm mặt cố quên
Đau buốt tôi... ôm mặt khóc rên!

                          Trần Mai Ngân

READ MORE - VẾT THƯƠNG... - Thơ Trần Mai Ngân

ĐỌC NHỮNG DÒNG THƠ CŨ - Thơ Phạm Hòa Việt



ĐỌC NHỮNG DÒNG THƠ CŨ
Phạm Hòa Việt

Đọc những dòng thơ cũ
Ta nhớ em vô cùng
Đêm chong đèn không ngủ
Gió lạnh lạnh từng cơn
Đêm trăng nhàn nhạt bấc
Tình như giấc chập chờn
Ta nghe trời đông hạ
Mờ mờ hơi thở em.

Mờ mờ mái tóc em
Trong vô cùng sâu thẳm
Tên ta và tên em
Bóng hình như bể thắm
Bóng hình như keo sơn
Đêm bây giờ sâu thẳm...

Em đến như loài chim
Rồi vút trời bay bỗng
Thư trăm lần sương đọng
Biết tìm em nơi đâu...

Như giọt trăng đêm thâu
Như mây ngàn lãng đãng
Như chân trời cuối tháng
Em đi đâu về đâu...

Thư em viết thật nhiều
Hỏi ta về cuộc sống
Hỏi ta về quê hương
Hỏi ta về bè bạn

Ta làm sao trả lời
Để em còn hy vọng
Trên từng bước đường đời
Màu sắc vun cuộc sống
Trong giấc ngủ chơi vơi
Em hiện hình giấc mộng...

Em đến như loài chim
Rồi vút trời bay bỗng
Thư trăm lần sương đọng
Hoài vọng một trời  xa...

P.H.V.
hoavietbh@gmail.com


READ MORE - ĐỌC NHỮNG DÒNG THƠ CŨ - Thơ Phạm Hòa Việt

KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA - PHẦN 9 VÀ 10 - Khê Giang


KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA

Phần 9: Buổi triển lãm ảnh của hai nghệ sỹ nhiếp ảnh Châu Đức (BR-VT) tại Tiên Phước và chuyện nhà thơ bị bức ép sáng tác dưới chân cầu thang

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa khi trời đất đang giao hòa, lúc thiên đình và hạ giới cách nhau chừng nửa cái chớp mắt, vùng đất này có một bến sông đẹp như tranh, đẹp và quyến rũ đến nỗi nhiều nàng tiên thường trốn Ngọc Hoàng rũ nhau về đây tắm gội, từ đó dòng sông này được gọi là sông Tiên. Sau khi dòng sông được đặt tên, chẳng biết vùng này có bao nhiêu Chử Đồng Tử khuyết y mà hàng loạt nàng tiên không chịu bay về trời. Có nàng ở lại làm dâu Tiên Cảnh, có nàng làm giáo viên ở Tiên Kỳ..có nàng làm thơ ở Tiên cẩm, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc… từ đó Tiên Phước có cả một rừng Tiên.
Hãy nghe một câu ca dao nói lên tâm trạng, nổi niềm của khách phương xa khi đến gặp tiên ở xứ này:
“Gặp nhau ở bến sông Tiên
Cá trừng quên lội chim chuyền quên bay"
Cá trừng đến nổi quên lội, chim chuyền quên bay là yêu hết đường về, là chấp nhận yêu dẫu cho con tim sẽ ngưng đập... Huyền thoại ngày xưa như những sợi tơ giăng mắc ..quyến rũ những chàng lãng tử thời nay.
Chỉ vì mê hoặc cảnh non xanh nước biếc, đắm đuối tình người như lời ca dao xưa, nên hai nhiếp ảnh gia từ Bà Rịa –Vũng Tàu đã trên mười lần mò mẫm, trèo đèo lội suối, băng gềnh vượt thác để đến xứ sở này. Cuộc tình vụng trộm, ly kỳ nhưng thủy chung của họ đã cho ra đời những đứa con…kháu khỉnh ấn tượng.
Buổi triển lãm ảnh của hai nhiếp ảnh gia Ngô Văn Khôi và Lê Nhật Ánh (Chi hội VHNT Châu Đức) với chủ đề “Tiên Phước một miền quê” là dịp cho những đứa con mang nặng đẻ đau, sắc nước hương trời của họ được ra mắt công chúng tại nơi nầy.
Để tiếp sức cho những đứa con tinh thần, trước đó mấy ngày trưởng đoàn đã chỉ đạo thống nhất cho các thành viên phải có tác phẩm nghiêm túc để trình diễn trong buổi triển lãm. Nhạc sỹ Hoàng Lương đã có nhạc phẩm viết cho quê hương Tiên Phước, nhà thơ Bùi Ngọc Phúc cũng đã ra lò được mấy bài ve vãn xư Tiên. Chỉ còn Khê Giang, người kỳ vọng cho mảng văn học là chưa có hạt chữ nào trong bụng. (Gã không có chữ nào trong bụng là phải, đi sáng tác mà gã như đi chơi, suốt ngày lăn lê bò trườn theo cánh nhiếp ảnh. Hoặc một mình đi ngắm đá ngắm sông. Đã thế mỗi khi lâm trận là gã chiến đấu đến giọt…đế cuối cùng. Khổ nỗi hình như ngày nào “chiến tranh” cũng xảy ra mà gã lại là linh hồn của trận đấu. Tối đến thay vì bóp đầu sáng tác gã lại kể chuyện văn nghệ chuyện tiếu lâm…say và ngủ).
Đến giờ chuẩn bị tham dự triển lãm, gã chưa có một câu lận lưng, không lẽ đem truyện ngắn ra đọc, thế là thay vì đánh một giấc đến nắng lên. Sáu giờ sáng, như bị bức ép tù đày, gã lồm cồm bò dậy, xách Laptop xuống chân cầu thang mày mò sáng tác. Khoảng 30 phút sau gã đi lên phòng báo cáo …đã xóa nợ ngân hàng.
Buổi triển lãm ảnh diễn ra ở đại sảnh một nhà hàng khách sạn tại Tiên Kỳ, trong không gian thoáng đãng và trang trọng, hình ảnh quê hương và con người Tiên Phước như đang lần lượt dắt tay nhau bước ra sau mỗi khung hình. Gần một trăm tác phẩm với những góc nhìn sống động đã khắc họa nên nét đẹp của thiên nhiên và con người tại đây.
Dự lễ triển lãm ngoài đại diện lãnh đạo ngành văn hóa địa phương còn có rất nhiều bạn bè thân hữu, người mẫu…, những người con của miền đất huyền thoại này. Những ánh mắt nhìn như dán lên từng bức ảnh, những bình phẩm chân tình mộc mạc, những lời nói như nghẹn lại, khi tất cả đang nhìn quê hương mình được gom về trong một góc nghệ thuật trang trọng từ những người bạn… xa xôi.
Ngoài những phát biểu cảm tưởng, những chia sẽ ăm ắp tình người, anh chị em văn nghệ sỹ Tiên Phước đã đem đến không gian của buổi triển lãm những lời thơ, bài ca tự sáng tác ngọt ngào, ấm áp.. . Đoàn Chi hội VHNT Châu Đức một lần nữa lại lên đồng với chương trình tạp kỷ. Nhạc sỹ HL ôm đàn trình bày ca khúc mượt mà do anh sáng tác; LVS thao thiết với tình khúc anh còn nợ em; NVK tiếp tục ray rứt với còn chút gì để nhớ; KG đọc bài “Về bến sông Tiên” vừa mới sáng tác dưới chân cầu thang vài giờ trước, BNP rút ruột đọc bài thơ tình mang âm hưởng chuyện cổ tích Trầu cau…
Không gian lắng đọng, chòng chành trong cảm xúc.., những cái bắt tay không muốn buông rời.
Trên đường rời khu triển lãm, khi ngoái lại qua từng vuông ảnh, từng con người, từng cảnh vật trong tác phẩm như đang nhón chân quyến luyến vẫy tay chào.

KÝ SƯ: VỀ NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA
Phần 10: Cuộc chia tay với hai lối rẽ

“Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.” (Nguyễn Du)

Lấy cảnh Thúc Sinh chia tay Thúy Kiều của người xưa để trải lòng cho cuộc chia tay hôm nay có điều gì đó như không ổn, nhưng không hiểu sao đứng trước cái man mác, liêu xiêu trong tình đất, tình người trên xứ bạn, chúng tôi thấy lòng bồi hồi, ngan ngát giữa một trời… quan san. Lẽ thường trong chia tay sẽ có người đi kẻ ở, chừng đó cũng đã se sắt lòng rồi, huống chi lần chia tay này đã rơi vào cảnh ngộ khá hiếm. Đất và người Tiên Phước đang dõi theo những người bạn Châu Đức bước đi trên con đường với hai lối rẽ: Một, tiếp tục rong ruổi về những miền đất hứa. Hai, quay về phố biển quê hương.
Buổi tiệc tiễn chân những người bạn phương xa được giới văn nghệ sỹ, trí thức xứ Tiên tổ chức ấm cúng tại một quán ăn giáp vùng ngoai ô. Bỏ lại sau lưng những ngày cùng nhau trong nhọc nhằn sáng tác hay những nghi thức lễ hội khuôn phép, tất cả râm ran quây quần bên nhau như dòng suối vỡ òa sau những ngày khô hạn.
Ngoài hai nàng tiên với chất giọng ngọt ngào quyến rũ mà đoàn Châu Đức từng được thưởng thức, những chàng trai Tiên Phước cũng rất lãng tử và cháy hết mình khi trút vào ca khúc những giai điệu sâu thẳm, mênh mang, thấm đẫm tình người.
Có lẽ mang cái tâm trạng trỉu nặng trong lòng, khi biết chỉ vài thời khắc nửa mỗi người sẽ một phương, nên ngay từ phút khởi động giao lưu giữa hanh hao đất trời đã xuất hiện dấu hiệu của những cơn địa chấn. NA đã nhường quyền chỉ huy giàn “giao hưởng” cho KG. Trong vai trò dẫn chương trình, nhà thơ đã nhen lửa vào căn bếp …cầm ca. Tất cả đã bùng cháy qua từng ca khúc.
Do lỡ xướng “Anh còn nợ em” vào những giờ trước, nên LVS đã trả nợ bằng tình khúc “Tuổi mười ba” nghe rất dễ xiêu lòng tuổi…người lớn. Đáp lại giọng ngâm bằng thổ âm Bình Định qua bài vè “Chàng Tô Thị” bị vợ phụ tình của TNH- chàng trai đến từ Sơn Tây, NVK trút nỗi lòng qua “thất tình khúc” Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương, những giọt lòng như sánh lại. Bên kia bờ lữ khách chàng trai xứ Tiên cũng rót vào đá núi những “lời ru” mượt mà qua tình khúc của Phú Quang. Chỉ đôi khoảnh khắc ngồi gần hai hoa khôi xứ Tiên, BNP đã nhập thần xuất khẩu đến hai giai phẩm. Trong cơn say ( có thể do rượu hoặc.. trên cả rượu) nhà thơ siêu tốc phổ và hát luôn bài thơ của mình. BTD dù khản giọng vẫn lội vào lòng khán giả với giọng ca trầm lắng, day dứt. Dưới sự ép duyên của KG, người đẹp xứ Tiên NKT đã đồng điệu cùng ĐT(chàng kỹ sư Mỹ gốc Việt) qua bản song ca mềm mượt trữ tình.
Đã có sự chen lấn trong việc “đăng ký ca khúc” khi cơn thủy triều duềnh lên trên biển… khát. Một phần thời lượng không cho phép, lại không có quyền ưu tiên, đến nổi với chất giọng và quyền lực như trưởng đoàn NVK, cũng chỉ dám đăng ký với MC nhà thơ KG để xin hát thêm… đúng một câu.
Do không tồn tại ranh giới giữa người biểu diễn và khán giả nên cuộc giao lưu dễ thăng đến cao… trào, sự trộn lẫn này như dòng chảy rấm rứt, quặn thắt tâm can mỗi người, những mấp máy môi run, những ánh mắt chênh chao đã nói lên tất cả mọi điều.
Lâu lắm rồi chúng tôi mới có một buổi “hội diễn” đầm ấm như thế này, chỉ tiếc là thời gian đang đếm ngược đến từng giây…khi ba chàng trai xứ biển phải quay về. Đã đến giờ KG, BTD, BNP lên đường, cái cảm giác như ngày xưa đang say mê cùng bạn bè quay vụ, đột nhiên bị mẹ gọi về: tiếc nuối, thẩn thờ, thấy mình có lỗi với người ở lại, nhất là những chàng trai lãng tử BR-VT.
Tạm biệt anh em, những người đã cùng giải nắng dầm mưa trên các nẻo đường…tìm về miền đất hứa. Tạm biệt những người con ưu tú của quê hương Tiên Phước. Trong không gian lay đọng lòng người những câu thơ của Bạch Hạc tràn về nhức nhối:
“…Ừ ! Thì mình đã chia tay
Người đi để lại phương này nhớ thương
Vàng phai chiếc lá bên đường
Tơ trời sót lại vấn vương mây chiều...”

Khê Giang

Nguồn: Từ FB của tác giả.

READ MORE - KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA - PHẦN 9 VÀ 10 - Khê Giang

MÙA HẠ XƯA | CHƯA VỀ VỚI HUẾ | TUỔI MƯỜI BA - Chùm thơ Phong Nguyễn

Bình minh trên cầu Tràng Tiền
Ảnh: Trần Phò


Chùm thơ Phong Nguyễn

MÙA HẠ XƯA

Tháng tư rồi...
nỗi nhớ cứ đầy lên
Để hoa phượng sắc chiều phơi nắng hạ
Con đường chia hai dãy trường là lạ
Cớ chi buồn niu níu bước chân em
Gió sông Hương pha chút hạ nên mềm
Lay tóc mái, em bềnh bồng rứa đó
Vành nón lá che nghiêng chiều bỡ ngỡ
Phong thư tình trao vội góc hoa viên
Em không nói cứ lặng lẽ đứng yên
Mà khóe mắt đã lăn tròn ngấn lệ
Cành phượng tím sắc hoa buồn đến thế
Vẫn vô tình buông rủ xuống đôi bên

Tháng tư rồi...
nắng đã se sắt thêm
Mà răng bỗng nghe lòng như tê tái
Đường phượng bay dửng dưng mà xa ngái
Biệt ly rồi năm tháng có hoài tên
Huế xưa ơi!... vẫn gác tía... Đài đền…
Vẫn thành quách...Vẫn rêu phong… Cổ kính
Và có em cõi lòng luôn giấu kín
Nét trầm tư... U nhã... Đến vô biên
Con đường nớ ! Hôm ni hoa mộc miên
Chắc đã rộ thắm hồng nơi cồn dã
Em có buồn khi mình về đôi ngã
Nợ sách đèn thôi trả với bút nghiên

Tháng tư về...
Ta nhớ tháng tư riêng
Chừ quay lại... Đã bạc đầu theo hạ
Huế mãi rứa... Cứ buồn thương là lạ
Còn mình ta… xin trả... Tuổi hoa niên...

                                            P.N
                                      (27- 5- 2019)

CHƯA VỀ VỚI HUẾ
Phong Nguyễn

Lâu lắm ta chưa về với Huế
Không biết bây chừ nắng có lên
Thương chi An cựu mùa trong đục
Để ướt mưa chiều.. mất áo em

Thu nghe vàng cả mùa thương nhớ
Áo lụa hững hờ đón gió lay
Huế chừ.. guốc mộc em còn có
Cho xin lại với.. dáng trang đài

Cầu xưa ai uốn mà cong nhịp
Để sớm mai lên nắng uốn vòng
Nón nghiêng mắc nợ câu thề ước
Cho Huế trăm năm mãi bận lòng

Lâu lắm ta chưa về với Huế...

2-10-2019 
P.N.


TUỔI MƯỜI BA
Phong Nguyễn

Ta về
nhặt nhạnh trong mơ
Hay đâu
chạm phải
cái ngờ thuở xưa

Thuở tìm
đọt chuối trốn mưa
Rồi thương
ngăn ngắn
đong đưa đuôi gà

Ai ngờ
cái tuổi mười ba
Bỗng dưng
em biết
lúng la trêu tình

Ta về
thả hạt mơ xinh
Trống cơm
mấy độ
rước tình em tôi

P.N.
28-9-2016

READ MORE - MÙA HẠ XƯA | CHƯA VỀ VỚI HUẾ | TUỔI MƯỜI BA - Chùm thơ Phong Nguyễn

CẢNH THƠ - Thơ Chu Vương Miện




CẢNH THƠ
chu vương miện
-
ngoài trời tuyết đổ
thi nhân qua cầu gỗ
bên cạnh dẫn con lừa
nhà nhà đều đòng cửa
người lừa đi vất vả
gió lùa cây tơi tả
trời tuyết mù mù
o 1 quán xá
người lạnh
lừa đi o nổi
mới chớm đông
vừa trưa đã tối
-
xa mỏi chân gần mỏi miệng
chửi lắm cũng nhàm
ngồi mãi mỏi lưng
nằm mãi cũng mệt?
chỉ còn chờ chết?
-
sống chả tích sự gì
mà chết? chưa chết
mưa mãi rồi mục đất
lạnh mãi phát rầu
trời đất 1 mầu
-
thơ Đường Tàu
thơ thần có Siêu
thơ thánh có Quát
thơ dổm có Tự Đức
thơ kêu cạp cạp có vịt đực
thơ tiên có Lý Bạch
thơ tiền có Thạch Sùng
thơ quỷ sứ có Lý Hạ
thơ Mắm Tôm có Lý Tóet
thơ mắn cá cơm có Phan Thiết
thơ Mắm Nghệ An có Tuy & Tùng Thiện Vương
thơ Phật có Trương Kế
thơ Lão Trang có thục bồn ca
cáo hóa gà người hóa bướm
thơ Bạc có Đỗ Mục
thơ Tiền có vãi Giác Duyên
thơ nghĩa địa có Đạm Tiên
thơ chiến trường có Từ Hải
thơ đọc tạm được
thường là của những thẳng điên

cvm




READ MORE - CẢNH THƠ - Thơ Chu Vương Miện

THÁNG MƯỜI - Thơ Phạm Hòa Việt

Nhà thơ Phạm Hòa Việt

THÁNG MƯỜI
Phạm Hòa Việt

Tháng mười chưa cười đã tối
Giao thoa trời đất hai mùa
Đông phong sầu đông lá rụng
Mưa sa ba ngả gió lùa...

Trời Nam thu sang nước cuốn
Ngập ngừng lơ lững thuyền trôi
Phố xa ai về khuya muộn
Xin chờ trăng xuống đèn soi..

Tháng mười ta xe duyên thắm
Yêu em... yêu tự  ngàn xưa
Đêm dài nệm êm chăn ấm
Mai hồng thoăn thoắt thoi đưa…

Tháng mười chưa cười đã tối
Chiều tà le lói hoàng hôn
Ngày đêm mây trời giáp mặt
Dáng em hoà quyện trong hồn...

P.H.V.
 hoavietbh@gmail.com
READ MORE - THÁNG MƯỜI - Thơ Phạm Hòa Việt