Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 4, 2019

VẦNG TRĂNG NÀO TAN VỠ ĐÂU ĐÂY | Chùm thơ | Lê Thanh Hùng



Vầng trăng nào tan vỡ đâu đây


Em như vầng trăng trôi trên sông
Thấy vậy, dường như không phải vậy
Thảng thốt, con cá gì đang quẫy
Vỡ vụn quay tròn những vòng cong ...
                     *
Xuôi theo dòng, một vầng trăng suông
Ngắt ngứ quanh, bờ tre cuối bãi
Sao không có điều gì đọng lại
Để mờ xa, trôi phía đầu nguồn
                     *
Ơi vầng trăng đến tuổi hao gầy
Vẫn dịu êm lung linh tỏa sáng
Mà bóng nước loang mờ phiên bản
Anh nắm vội vàng, vuột kẽ tay ...
                      *
Giọt, giọt rơi trắng muốt mông lung
Như vỡ vụn, một vầng trăng khác
Lãng đãng trôi, dửng dưng kiêu bạc
Một cõi mơ hồ, đẫm nhớ nhung
                     *
Em như vầng trăng mãi trẻ trung
Thấy đó mà chợt tan đâu đó 
Lóng ngóng trên mặt sông lộng gió
Bóng mùa đi, đi giữa vô cùng ... 
Lê Thanh Hùng



Bất chợt thu đi


Mùa thu đi qua ngõ
Vương một chút hương thừa
Trong chiều đằm thắm gió
Vụng về rơi dấu xưa
               *
Người về đâu? Xa lắm
Lời theo gió thì thầm
Giờ mắt mờ chân chậm
Thương người, ngồi trầm ngâm
               *
Con chim gì thảng thốt
Hót khan bên hiên nhà
Kìa sao màu ủ dột
Bóng người đã mờ xa ...
               *
Lắng nghe lời gió gọi
Cỏ hoa úa sắc rồi
Nắng đưa ngày mòn mỏi
Nhớ điều gì xa xôi
              *
Thu vàng chiều lặng lẽ
Rớt bên thềm một mai
Vai gầy, rung nhè nhẹ
Nắng đi qua, đổ dài
Lê Thanh Hùng



Thăm hội Suk Yương ở Cảnh Diễn


Bước êm em qua, Cảnh Diễn vờn lay
Ơi lễ hội Suk Yương (1) dịu dàng nồng thắm
Vương vấn vòng xoay nghĩa tình thấm đẫm
Rực rỡ sắc màu, rộn rã khắp Plei (2)
                      *
Em gái lần đầu đội Xalao Glọng (3)
Khanh lan (4) bay vướng víu, bước lên chùa
Không biết ngoài kia có ai đưa đón
Mà mắt bé cười, lấp lóa nắng khua ...
                      *
Rộn ràng chưa kìa, coi chừng vấp ngã
Nghiêm đi nào, đội Xalao cho người trên
Kệ bầy sẻ nâu ríu ran cành lá
Ngõ hẹp, khuất tiếng ai cười, bay lên
                      *
Anh lơ ngơ, bên ngã bảy, ngã ba
Bạn bè rủ rê, mà còn ngoái lại
Tiếc tiếng em mời, ngại ngùng giao đãi
Nắng chảy, tan chiều, bóng nhỏ mờ xa ...
                                               IV/17
Lê Thanh Hùng
    Bắc Bình, Bình Thuận
__________
(1) Suk Yương: Lễ hội xoay vòng giữa các làng Chăm Bàni, trước lễ hội Ramưwan khoảng 2 tháng ( vào khoảng tháng 3 dương lịch hàng năm)
(2) Plei: Làng, xóm
(3) Xalau GKlọng: Mâm cao (mâm có chân)
(4) Khanh lan: Khăn choàng vai của các thiếu nữ Chăm

READ MORE - VẦNG TRĂNG NÀO TAN VỠ ĐÂU ĐÂY | Chùm thơ | Lê Thanh Hùng

ĐƯỜNG CÙNG | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân
ĐƯỜNG CÙNG
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân 
           

Dạo gần đây công việc bắt đầu trở nên dày đặc hơn khiến anh về nhà trễ dần, thậm chí nhiều lúc nói không ngoa đứa con gái nhỏ của anh còn thều thào trong vòng tay bố:
         “Bố, bố ơi. Bố về nhà năng hơn đi không thì con quên mặt của bố mất."
        Nghe con nói anh nghĩ phận mình thật tủi nhưng chỉ biết ôm nó vào lòng cho qua chuyện. Tối, vợ anh ôm anh trong giấc ngủ, thi thoảng thấy anh cau mày, chị lại nhẹ nhàng xoa xoa trán anh rồi ôm chặt anh, để thay cho những cơn mơ và nghĩ suy đêm dài còn có cái ấm của gia đình.
***
Anh làm nhân viên ga tàu, cái nghề mà phải nói là không thể nào kiếm ra được cái so đo tính toán thiệt hơn cũng sinh ra đủ thứ chuyện. Mỗi người một cái đồn riêng biệt, mỗi ngày đều đặn, làm công việc gác chắn để bảo vệ an toàn cho người dân, tưởng chừng sẽ không liên quan gì tới nhau nhưng hóa ra cũng khổ. Ngày trước anh là anh công nhân năng nổ trong một nhà máy gỗ, sức trẻ và đức tính khiến anh nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí cao hơn, thế nhưng lòng người vốn nhỏ mọn và thấp hèn sinh ra ghen ghét. Mà cái nòi đã ghét thì dù lòng mình có thẳng cách mấy cũng không tránh khỏi những toan tính của đời người, bởi thế, anh nghỉ việc. Gia đình anh lâm vào cảnh khốn cùng cả một thời gian dài cho đến khi anh xin được việc vào công ty đường sắt. Lúc anh xin được việc ở đây chị và anh đã òa khóc. Theo như anh nói, nó gần như là sự cứu thoát cả gia đình anh, mà hơn nữa, khi tránh tiếp xúc với quá nhiều người thì khả năng gặp lại chuyện năm xưa hầu như sẽ không còn nữa. Bởi thế, dù công việc chỉ có một mình cô độc, và anh đằng đẵng mấy năm tự thôi miên biến thành một chiếc đồng hồ, anh vẫn chấp nhận, miễn, về tới nhà thấy được nụ cười của những người thương.
Anh có người bạn thân cùng nghề tên là Mỹ. Mỹ là một kẻ nhút nhát nhưng lại là người ở bên gia đình anh những lúc khốn cùng. Khi anh nghỉ việc nó cũng đi theo, và thật sự là cũng nhờ Mỹ mà anh có công việc ở ga tàu. Nó làm ở một cái chốt cách anh không xa nên nhiều lúc hai anh em đi làm về thì lại gặp nhau chén tạc chén thù. Anh uống không nhiều, cũng bởi không muốn làm khổ vợ con, chỉ là đôi khi hai thằng bạn ngồi cùng nhau trà dư tửu hậu bàn tính chuyện đời cho qua ngày qua tháng. Chị hiểu lòng anh nên mỗi lúc anh dẫn Mỹ về chị lại đi mua ít rượu và đồ nhắm cho hai người ngồi nói chuyện. Anh biết thế nên thương chị lắm. Chị và con trở thành động lực sống duy nhất của anh.
Mọi thứ đổi khác khi anh chuyền chốt canh. Anh và Mỹ chuyển tới một chốt ở gần thành phố, đó là một chốt lớn thay phiên nhau ba người trực. Một không gian nhỏ hẹp có hai người bạn thân thì đó là một chỗ tốt, nhưng nếu có thêm một người thứ ba thì thể nào cũng sinh chuyện. Người thứ ba ấy tên là Nguyên. Nó là con trai của trưởng ga, và khỏi phải nói, chỉ cần nghe tới cái chức danh đó thôi, thì nó thật hơn những cái chức trên giấy tờ nhiều. Ngay lúc mới về Nguyên đã nói với anh:
“Em là em không ưa cái tính thẳng của anh. Bữa em cũng có nói với ba, ba bảo anh nên giữ mình đi đừng thẳng quá sinh chuyện đấy.”
“Chú muốn sao khi lấy ba chú ra dọa anh?”
“Dọa ư? Trời đất, em nào dám, chỉ là anh thẳng quá. Một môi trường chỉ có mấy bức tường, anh lương thiện để cho ai hả anh?”
“Vì một môi trường chỉ có mấy bức tường thì chú lòe anh để được gì?”
Phải đến khi Mỹ ngăn cản thì họ mới ngừng cãi nhau. Tối, bên chén rượu nhỏ, Mỹ nhấp một ngụm rõ kêu:
“Anh gây sự với nó làm gì vậy? Nó còn trẻ, lại hiếu thắng. Lại còn thù anh cái vụ trước.”
“Vụ trước… à, ra là vụ đó. Nó ỷ mình là con trai trưởng tàu, tự tung tự tác giờ giấc. Nếu hôm đó anh không đi sớm, tháo gác chắn, biết bao nhiêu đoàn tàu đã trễ vì nó?”-           
“Cũng biết là nó sai. Nhưng ba nó là trưởng ga…”
“Chú đừng ngăn anh những việc như thế. Chú muốn anh như thế nào, im lặng cho qua à? …Còn chú. Gio chú thành sao vậy?”
Hai anh em trở thành dở cuộc nói chuyện bởi ai cũng dừng. Nhưng thấm lời Mỹ lại sợ mất việc, có nhiều việc anh cũng ậm ừ cho qua. Có chăng chỉ là anh và Mỹ thay nhau đi sớm hơn để trông chừng Nguyên quên mở rào chắn.
Thế nhưng khi con người ta càng nhịn thì những người ghét họ càng đẩy họ vào chốn đường cùng. Có bận con anh đau nặng, gọi Mỹ mãi không được, anh bấm số gọi Nguyên trực thay. Cậu ta ậm ừ rồi lại ngủ quên khiến đoàn tàu trễ nãi làm anh bị cấp trên khiển trách. Sau hôm ấy anh giận lắm, trái tim bị chia ra hai nửa, nửa lo cho con đang nằm viện, nửa sợ mất việc, và còn cả sự tức giận không nói nên lời. Hôm ấy Nguyên thản nhiên:
“Em quên. Xin lỗi anh, tối nhậu với ba về mệt quá.”
Cái gan anh lúc đó chỉ muốn nhào vô đánh hắn nhưng anh sợ điều đó sẽ khiến anh bị mất việc một cách nhanh chóng hơn. Hình như Nguyên cũng biết anh nhịn hắn nên nhiều lúc được nước làm tới, khi thì nhờ anh trực thay rồi không cấn trừ ngày công, khi thì lại giành công của anh… Anh im lặng chấp nhận hết, đôi lúc anh lại tự cười vào mình:” Mình đã thành một thằng không dám ngẩng đầu lên thế này rồi sao?”. Nhưng khi nghĩ tới vợ con nheo nhóc, nhớ tới thời gian không có việc làm, anh mím chặt môi chịu đựng.
Được cái tính anh nhiều người thương. Không chỉ người dân ở quanh nhà mà cả những nhà dân quanh chốt canh cũng thương anh. Những lúc rảnh mấy bác trong xóm hay ra ngồi uống trà, các chị vẫn hay qua hỏi anh cách trồng cà chua vì anh có một vườn cà chua nhỏ gần chốt rất sai quả. Những lúc ấy Nguyên hay dè bỉu:
“Gớm, dễ anh thành nông dân phút chốc nhưng anh cũng im lặng.”
Nhưng cuối cùng sức chịu đựng cũng có giới hạn, và trò đùa cuộc sống đổ ập vào anh. Hôm ấy lại một bận tới phiên anh trực, nhưng anh phải đưa con đi tái khám. Mỹ bận việc nên anh phải nhờ Nguyên, sợ Nguyên lại quên nên anh nhất định gọi đi gọi lại nhắc nhở. Biết Nguyên đã đi làm anh cũng yên tâm, nhưng rồi xảy ra một việc lớn khiến nếu anh không có mặt kịp lúc chuyện xấu nhất đã xảy ra. Mải tám chuyện điện thoại, Nguyên quên hạ rào chắn. Cái rào chắn ấy để ngăn không cho người dân tới gần đường ray vì đoàn tàu sắp chạy qua. Và một em bé trong lúc mải chơi đã tới gần đường ray, lúc đó chỉ kịp nghe tiếng mẹ bé thốt lên:” Không”, và tiếng chân người phình phịch và không nghe gì nữa. Khi tỉnh dậy, anh đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Thì ra trong lúc đi nhanh tới chỗ làm vì không tin tưởng Nguyên sẽ hoàn thành công việc, thấy đứa bé đang mải chơi, anh vội lao vào ôm chặt nó khiến hai người quay vòng vòng, người anh bị chấn thương dự đoán phải nằm viện mấy tháng. Mỹ ngồi cạnh anh:
“Mẹ con bé anh cứu mới tới mà anh hôn mê suốt, chị nhà mới về để nấu cháo cho anh.”
“Con bé có sao không chú?”
“Nó không sao… Nhưng anh phải nằm viện mấy tháng.”
“Anh ổn mà, gắng mau về làm.”
Mỹ ậm ừ rồi nói:
“Anh không phải lo chuyện công việc… Anh bị đình chỉ làm rồi…”
“Tại sao? Sao hả chú?”
“Cấp trên khiển trách anh vì không hoàn thành trách nhiệm, gây nguy hiểm cho công dân…”
“Nhưng… Nhưng hôm đó … Nguyên…”
“Nó chối anh không nhờ nó gì cả… Hôm đó là phiên trực của anh…”
Lúc này anh im lặng. Trong anh gần như không có một chút cảm xúc gì cả. Mấy hôm sau, trên chiếc xe lăn, anh xin bệnh viện cho tới chốt một lúc rồi trờ về ngay. Lúc tới đó, anh có gặp Nguyên, nó không nói gì cả, chỉ biết cúi đầu. Người dân tụ tập đông lắm, cho anh nhiều thứ, anh chỉ mỉm cười chào tạm biệt tất cả. Khi chỉ còn lại anh và Nguyên, anh nhẹ nhàng:
“Việc lần này là do lỗi của anh…”
Nguyên không nói gì chỉ òa khóc nức nở. Nó quỳ xuống dưới chân anh:
“Anh, em xin lỗi, em sợ… Em sợ ba em mắng lắm anh ơi…. Việc này liên quan tới mạng người…em sợ…”
Anh hiểu, anh biết chú sợ. Bây giờ anh nghỉ việc, anh không trách chú hay gì nữa, nhưng chú, phải hứa với anh, kể từ này về sau, khi làm bất cứ điều gì cũng hoàn thành trách nhiệm sao cho đúng với lương tâm của mình, hiểu không?
Nguyên ngước lên nước mắt giàn giụa, trông cậu ta như một chàng trai nhỏ vừa thức tỉnh:
“Anh không giận em sao?”
“Giận? Anh có, nhưng để làm gì? Cứ xem như lần này anh đi để chú có cơ hội thức tỉnh. Hãy lấy đây làm bài học để đời. Nhớ nỗi sợ mà chú đang mang để không bao giờ phạm phải.”
Thế rồi anh đi, chỉ còn ở đó Nguyên khóc nức nở và sau đó tôi được nghe rất nhiều người kể lại cậu ta đã làm tốt công việc mình đến nỗi được thăng chức nhưng cậu ta vẫn nhất quyết bám trụ ỏ đó thêm mấy năm, còn cần thận không cho ai lại gần đường chắn nhất là trẻ nhỏ. Tôi còn được nghe cậu ta gần như thành thành viên của gia đình anh vì cứ cuối tuần lại ghé thăm anh cùng trò chuyện. Nhưng câu chuyện mà tôi vui nhất là về anh, sau gần cả năm trời dưỡng thương anh đã được nhận vào làm lái xe cho một công ty tư nhân. Đó là công ty của người mà anh đã cứu con gái. Anh đã từng lâm vào chốn đường cùng, nhưng đường cùng cuối cùng sẽ được hóa giải bởi tình yêu thương, và nhờ câu chuyện của anh, tôi lần đầu tiên đã tin vào trên đời này có kì tích.
           
 Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

READ MORE - ĐƯỜNG CÙNG | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân