Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 1, 2019

TIẾNG LẮC VÕNG... CHẠM ĐÊM - Thơ Đoàn Vũ

Tác giả Đoàn Vũ


ĐOÀN VŨ 

Tiếng lắc võng… chạm đêm


Chị giống hệt con thuyền bồng bềnh lênh đênh trên biển!
chiều…cứ độ chiều - chiều mình một mình chị mải miết
lênh đênh…
tìm lại gì?
đâu ngoài tiếng hư không của sóng.
biển
biển ơi!
ngày mỏn ngày
tháng cụng tháng
năm cạn năm
người đàn bà vẫn nhẫn nại lần hồi
tựa nương bên biển…
tay dắt, tay bồng tất tả như con cua đồng
kẹt mùa khô hạn; như ngọn gió bấc khô cong
nén chặt mùa chờ.
dồn - dập - dồn đông lạnh chơ vơ
chới với thu vội đi chị gom mùa lá rụng
chị chích lửa hong khô giọt mặn ngày ngày
lòng nhủ lòng “biển sẽ động lòng ngó nghĩ cưu mang!”
ngày mỏn ngày
tháng cụng tháng
năm cạn năm
người đàn bà cố dặn lòng thủ tiết.
đêm rồi đêm
khuya rồi khuya người đàn bà vẫn mình một mình
chóc ngóc chơ vơ cùng tiếng lắc võng chạm đêm
bật lên những lời ru đứt quãng!…

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.
Email: vudoan0102@gmail.com.



READ MORE - TIẾNG LẮC VÕNG... CHẠM ĐÊM - Thơ Đoàn Vũ

VỀ MINH HÓA HỘI RẰM THÁNG BA - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn

VỀ MINH HÓA HỘI RẰM THÁNG BA


Anh lên Minh Hóa quê em
Rộn ràng Qui Đạt chợ phiên, hội rằm
Đêm nay dưới ánh trăng ngàn
Cùng em “hát đúm” mơ màng giao duyên
Vừa như lạ, vừa thấy quen
Mềm lòng anh đã say men “chợ tình”
Minh Hóa cảnh đẹp, người xinh
Chè xanh, mật ngọt cho mình gặp nhau
Mời em một miếng trầu cau
Cho duyên thắm lại buổi đầu làm quen
Về đây Minh Hóa quê em
Say trong điệu hát “hôi lên” nhịp nhàng
Cơm bồi óng ả ngô vàng
Quyện mật ong ngọt mênh mang hương rừng
Hội rằm náo nức tưng bừng
Tay nâng chén rượu vui cùng người quê
Cắc, tùng nhịp trống say mê
Xuyến xao lòng chẳng muốn về người ơi!
Hội rằm  mai đã tan rồi
Bén duyên ở lại đâm bồi cùng em


Nguyễn Đại Duẫn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình.

READ MORE - VỀ MINH HÓA HỘI RẰM THÁNG BA - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

ĐỌC ĐƯỜNG THI BÚT THÉP VŨ THU YẾN - Châu Thạch



Nhà thơ Vũ Thu Yến


ĐỌC ĐƯỜNG THI BÚT THÉP VŨ THU YẾN

Châu Thạch

Từ ngày thơ Đường luật thịnh hành trở lại trên diễn đàn thơ nước Việt, người ta thấy rất nhiều tác giả nữ ở tuổi trung niên xuất hiện trên thi đàn, đã góp phần quan trọng trong việc làm cho thể thơ nầy mỗi ngày thêm khởi sắc. Một trong những nhà thơ đó mà Châu Thạch tôi có duyên được mến mộ trên dòng thời gian facebook và trên các trang web thơ văn, bởi ngoài  những bài thơ với những để tài chung quanh cuộc sống, tác giả còn có những bài thơ đanh thép như bút kiếm của nam nhi hảo hán, chém vào những điều tệ hại của cuộc đời. Đó là Vũ Thu Yến. một người đẹp đang sống giữa lòng thành phố Sài Gòn hoa lê.

Hôm nay Châu Thạch xin đề cập riêng về chủ đề “bút thép” trong Đường thi Vũ Thu Yến, là một thể loại thơ cần kỷ thuât cao, hình thức cấu trúc, phương pháp diễn đạt và kỷ xảo phải đạt một trình độ thượng thừa thì thơ mới đi vào được lòng người. 
Đường thi Vũ Thu Yến có nhiều về những đề tài xã hội, là một đề tài thật khô khan. Thế nhưng, nhà thơ mượn thể thơ bác học nầy để khéo léo diễn đạt rõ nét những vết nhơ bẩn giữa đời, biến cái không đẹp thành thơ đẹp, tác động vào ta thấy những bức xúc nổi cộm mà từ lâu ẩn chứa trong lòng người và khuấy động giữa thời gian.
Hãy đọc thử một bài thơ nói về một loại côn trùng:
VỊNH CON ĐUÔNG DỪA

Thân mình tròn lẳn bọn đuông dừa
Nòi giống côn trùng thật khó ưa
Khoét đục thân cây cho mục ruỗng
Moi đào mạch nhựa đến te tua
Ăn tàn nguồn sống không thương tiếc
Phá hoại tài nguyên chẳng chịu chừa
Một lũ háu ăn mong thoát xác
Người đời nguyền rủa nhục hay chưa?
Vũ Thu Yến
Từ xa xưa, các nhà nho đã quen dùng ba thể cách phú, tỉ, hứng để diễn đạt những điều mình muốn nói vào thi ca. Tỉ là cách lấy vật nầy so với vật kia, ví dụ như lấy con chuộc xù để nói về bọn bóc lột:

Chuột xù mày hởi chuột xù
Từ nay thôi chớ ăn nhờ thóc đây…

Qua bài “Vịnh Con Đuông Dừa” ta thấy Vũ Thu Yến đã tài tình khi áp dụng thể cách tỉ, dùng con “Đuông” để vạch trần tội lỗi của bọn lâm tặc, của bọn  người phá hoại tài nguyên đất nước. Nhà thơ đã dùng hình ảnh con vật rất nhỏ nhoi để ký trú vào đó hình ảnh của con người mang tội lỗi đại hình. Khác với những nhà thơ Đường thi khác, thường dùng những con vật hung dữ, hoặc những đồ vật dơ bẩn làm hiện thân của bọn tội phạm, nhà thơ Vũ Thu Yến đã dùng một côn trùng hiền hòa, yếu đuôi lại phát họa hoàn toàn hình và tánh của bọn người phá hoại kia. Sự nghịch lý ấy chính là một nghệ thuật và một phương pháp thành công trong văn chương để sự diễn đạt rốt ráo đến tận chân tơ.

Khi đọc “Thân hình tròn lẳng bọn đuông dừa/Nòi giống côn trùng thật khó ưa” không ai không nghĩ đến thân thể phị nộn của lũ người sâu dân mọt nước: Đó là dùng tả chân để tả hình!. Khi đọc “Ăn tàn nguồn sống không thương tiếc/Phá hoài tài nguyên chẳng chịu chừa” không ai không nghĩ đến bọn người phá rừng, phá núi, bán sông bán biển, bán hầm mỏ, bán đất đai vì lợi ích của bản thân mình: Đó là dùng ẩn dụ để tả tánh!.

Con Đuông Dừa là ấu trùng của loại bọ cánh cứng, chuyên đục phá thân cây nhưng là món ăn đặc sản ngon bổ rất quí hiếm. Qua bài thơ “Vịnh Con Đuông Dừa” cái hay là người đọc không ghê tởm con Đuông Dừa, không ghét con Đuông Dừa chút nào nhừng lại ghê tởm bọn người mang hình ảnh con Đuông ở giữa cuộc đời nầy. Bài thơ đã dùng kỷ xảo tuyệt vời, đem cái xấu và cái tốt tá khách vào nhau, tạo phản cảm lớn lao trong bức tranh con vật nhỏ bé một cách trọn vẹn, diễn đạt đầy đủ sự bách hại của một thành phần xã hội đen mà “ người đời nguyền rủa…”

Tiếp tục nói về tính bút thép trong Đường thi, Vũ Thu Yến có những bài thơ như “Họ Nhà Khỉ” vạch mặt chỉ tên bọn giả nhân giả nghĩa, bọn múa rối giữa đời như bầy khỉ từ trên cao xuống núi, huyênh hoang, khoác lác diễn tuồng mà không xấu hổ:

Một lũ bầy đàn sống ở hang
Rủ nhau xuống núi đến thôn làng
Tay chân lếu láo bày trò rối
Dạng điệu huênh hoang học cách sang
Làm xiếc đóng hề nơi phố thị
Hát tuồng, diễn thói khắp sơn trang
--------------------còn tiếp hai câu
               (Họ Nhà Khỉ)

Hoặc là nhà thơ đã miêu tả những con sâu dơ bẩn giống y nguyên khuôn mặt bọn gian manh trong cuộc đời nầy:

Sâu to sâu nhỏ cả bầy đàn
Mắt hí mày ngài thô nét gian
Đục khoét gặm mòn nhiều ngõ ngách
Ăn tàn phá họai một giang san
----------------------còn tiếp bốn câu
        ( Bầy Sâu)
Đọc bốn câu thơ, chỉ ở vế mở và vế trạng của bài Đường thi, ta đã thấy lô lộ những khuôn mặt gớm ghiếc của bọn sâu mang mặt người và sự đục khoét, ăn tàn của họ ghê gớm làm sao. Nhà thơ đã rất độc đáo trong nghê thuật tả người ở câu thơ “Mắt hí mày ngài thô nét gian”. Chỉ câu thơ nầy thôi đã diễn đạt đậm ý nghĩa của toàn bộ bài thơ. Khi đọc câu thơ nầy người đọc hiểu ngay “sâu’ không phải là sâu mà là “người”, nhưng “người” cũng không phải là người mà là ‘sâu’. Hơn nữa, người ở đây hiển hiện ra bề ngoài đầy đủ sự dâm ô, gian tham và xảo quyệt trong bản tính của họ
Cây bút Đường thi của Vũ Thu Yến là cây bút xông xao và gan dạ. Nhà thơ không từ việc chỉ trích đến những nhân vật có quyền cao chức trọng mà có cử chỉ tầm thường, mất đi cốt cách cho người đời kính trọng:

Ô kìa bản mặt của ai đây
Đưa mắt lên trời ngắm đám mây?
Cuộc họp đông người chăm chú dõi
Tọa đàm năm vị lắng nghe bày
---------------------------còn tiếp 4 câu
                       (Khó Coi)

Cuối cùng là một bài Đường thi bút thép nhưng thép đã được tôi luyện ở chốn thiền môn nên nhẹ nhàng, thanh cao và thâm thúy:
TIẾNG CHUÔNG NGÂN
Bước đến Thiền môn giũ bụi trần
Nghe lòng thanh thản nỗi bâng khuâng
Chuông vang lảnh lót bao lời nhắn
Mõ vọng thâm trầm những tiếng ngân
Mọt nước đừng hòng che ác ý
Sâu dân không thể giấu tà tâm
Tiếng chuông cảnh tỉnh lòng mê muội
Trở gót lòng mình thấy nhẹ tâng.

Đọc phần đầu của “Tiếng Chuông Ngân” ta nghe tiếng chuông vang vọng lời khuyên buông bỏ. Lời thơ ở đây như sự thức tỉnh tâm hồn tác giả, giữa sự lắng đọng của không gian, trong tiếng chuông chùa vang vọng. Thế nhưng, đọc tiếp bốn câu thơ sau, ta nhận biết được nỗi ưu tư của con người có tấm lòng đối với nhân thế. Đọc bài thơ nầy tôi nhớ đến lời nhạc của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi,để gió cuốn đi…”. Ở đây Vũ Thu Yến có một tâm lòng không để gió cuốn đi mà để theo tiếng chuông chùa ngân vọng vào lòng người, xóa hết khổ đau, hướng về néo thiện.

Đây là một bài thơ mang hai tâm trạng trong một con người. Tâm trạng đầu tiên khi nghe “chuông vang lánh lót/ Mõ vọng thâm trầm” là nghe “lòng thanh thản nỗi bâng khuâng”. Ấy là sự hưởng thụ thanh bình, an lạc ở chốn thiền môn. Rồi thì khi nhớ đến bọn “sâu dân/ mọt nước”, nỗi đau bổng thức dậy trong lòng. Nỗi đau nầy không có hận thù, đó là thứ tình thương siêu việt mà nhà thơ ít, nhiều hấp thụ từ giáo huấn Phật pháp, từ đức đô của các vị tu hành. Vũ Thu Yến đã nhận tiếng chuông vào lòng mình và muốn gởi tiếng chuông đó để nhắn nhủ, để “cảnh tỉnh lòng mê muội” của tha nhân còn đắm chìm trong tội lỗi.

Đọc toàn bô bài thơ” Tiếng Chuông Ngân”, ta hiểu đây không phải là lời hoa mỹ đầu môi của những bài thơ đạo đức, thơ thiền, thơ Phật theo trào lưu hiện nay,  Đây chính là một bài thơ diễn đạt sự chuyển biến tâm trạng thật của con người có thiện tánh, con người đó khi nghe tiếng chuông ngân thì lòng rung động. Bài thơ hay vì nhà thơ đã diễn đạt dược cái thật của lòng mình, cái ý niệm cao sâu thường nằm trong tiềm thức mà ít người làm thơ nói ra được, dầu đã học sâu nhiệm giáo lý cao thâm.

Tất nhiên gia tài thơ Vũ Thu Yến có đầy đủ những đề tài về mây nước. về gió trăng, về tình yêu và về tất cả nhừng điều mà nhà thờ cảm xúc trong đời. Tôi đã bước vào vườn thơ ấy và tôi cũng đã từng thao thức để chiêm nghiệm, ngưỡng mộ và khen ngợi những đóa hoa thơ rất đẹp. Mong rằng tôi còn dịp để viết về những loài hoa thơ khác của nhà thơ. Ước ao, có ai đó bước vào nơi ấy cũng sẽ ngồi lại rất lâu ./.
                              Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC ĐƯỜNG THI BÚT THÉP VŨ THU YẾN - Châu Thạch

GÀU MO 1-2 / Thơ Lê Kim Thượng


   
       Nhà thơ Lê Kim Thượng




GÀU MO 1-2

1. 

Người đi góc biển, chân trời
Lòng thương quê cũ, một đời nhớ nhung
Ngóng về phương ấy mịt mùng
Người xa, bến vắng lạnh lùng đò đưa
Thời gian trầm tích dấu xưa
Quê hương ngày cũ nắng mưa hiền hòa...
Gió lùa qua mái hiên nhà
Bên song tiếng dế, tiếng gà vọng kêu
Sân nhà vàng bóng nắng thêu
Một hàng cau lão lêu khêu bên hè
Gàu Mo, mẹ múc nước ghè
Gội đầu Bồ Kết, hương nhè nhẹ lan
Ráng chiều nhuộm đỏ cuối làn
Hoa bầu, hoa bí nở vàng chen nha
Tắc Kè kêu động vườn sau
Gió lay mái lá, hoa cau trắng trờ
Ao sen đọng cánh hoa rơ
Rượu quê, lều cỏ xa đời lãng du
Buồn trông bóng núi Vọng Ph
Vẫn lòng chung thủy thiên thu nguyền thề...

2.

Lòng người viễn xứ nhớ quê
Bước chân vô định, nhiêu khê phong trần
Vườn quê nở nụ Tầm Xuân
Hoa Lưu Ly tím bâng khuâng đợi người
Lời ru vẫn gọi... à ơi...
Người xa quê ấy vẫn đời bôn b
Những ngày gió táp, mưa sa
Gió qua biển hẹn, mưa qua sông chờ...
Tri âm đến giữa đêm mơ
Khúc buồn chát đắng, dây trơ phím đàn
Rã rời lỡ nhịp song lang
Tiếng ca xưa cũ, võ vàng về đâu...
Hoa trôi, nước chảy qua cầ
Trăm năm còn đó bóng sầu liêu xiêu
Nhạt nhòa màu nhớ hương yêu
Một mình, một bóng cô liêu đêm trầm
Đâu đây tiếng Hải Triều Âm
Ôm trăng đánh giấc âm thầm đơn côi
Mỗi ngày như mọi ngày thô
Đêm rồi sẽ hết, ngày rồi sẽ qua...
“Dù xa cũng nhớ Quê Cha
Dù xa cũng nhớ cây đa, bến đò...”

          Nha Trang, tháng 04. 2019
                LÊ KIM THƯỢNG

“...” Ca dao
READ MORE - GÀU MO 1-2 / Thơ Lê Kim Thượng

ĐỌC BÀI THƠ “BẠN QUAN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Chử Văn Long

       
                   Tác giả Chử Văn Long



ĐỌC BÀI THƠ “BẠN QUAN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


BẠN QUAN

Bạn cũ lâu ngày gặp lại  
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi    
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tà
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn  
 Mãi long đong chức phó dân quèn
Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu    
Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...

Rượu tới tầm 
Mày ghé tai tao  
Nói thật nhỏ  
Căng tai mới rõ
Làm người khó  
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó vịt giống nhau 
Mày than đời chỉ rặt những thau
Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ
Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ
La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.

Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ
Khen các quan vì dân vì nước
Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược
Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”
Mày chửi thề đặc giọng quân khu
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Rồi nhăn nhó
Than đời mày nhọ
Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...

Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Trời nhiều gió
Hay lòng tao nổi gió
Rượu đầy v
Tao ngất ngưởng vờ say.

Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


LỜI BÌNH:

Tôi quen Đặng Xuân Xuyến đã lâu, từ thuở anh mới dựng nghiệp, mở cửa hàng “phát hành sách”. Là một nhà thơ, làm bạn hàng gửi sách nhờ anh bán hộ thường xuyên. So với những nơi khác bao giờ cửa hàng của Xuyến cũng giúp tôi bán được số bản cao gấp bội. Nhìn dáng vẻ bên ngoài tươi tắn, đẹp trai, hoạt bát và cái phong thái “dứt khoát” mỗi khi bàn việc…, ở Xuyến tôi thầm nghĩ con đường lập nghiệp gắn với sách vở văn chương sẽ tiến xa hơn! Bẵng đi một thời gian nền văn chương với những ước vọng thanh cao bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế thị trường không còn phân biệt được đục trong lẫn lộn. Thơ thành sản phẩm của xã hội hóa cấp thấp, không còn biết viết để làm gì, viết để vì ai. Tôi cũng nản, ngồi nhìn bút giấy và cũng đã lâu không gặp Xuyến. Một hôm, bất ngờ tôi nhận được tin nhắn của Đặng Xuân Xuyến mời cộng tác với trang mạng của anh… và tôi được đọc bài thơ rất tâm sự “Bạn quan” (xem: Bạn Quan.l) anh in trên trang mạng. Tôi thật ngưỡng mộ vì nội dung, giọng điệu, câu chữ già dặn, từng trải, vừa tiếp thu cách nhìn đời, nhìn người của các lớp nhà thơ cha anh mỗi khi bĩ cực, nhưng hơn hẳn lớp nhà thơ ăn theo xã hội bây giờ, khi vui thì vỗ tay vào, hết lộc thì thở ra những lời ai oán vụn vặt làm người đời chán đọc thơ vì vậy. Thơ Xuyến cũng mượn hơi men “giả tỉnh giả say” như để có cớ lôi tuột những mưu mô giả trá của một xã hội đang thịnh hành, đang phân hóa, làm đảo lộn hết đạo đức, nhân cách, làm người dù chỉ giới hạn bằng những lời bộc bạch, tâm sự của hai người bạn lâu ngày gặp lại, có nhu cầu phơi trải lòng mình thật đến nỗi chỉ thiếu cái tát bằng những ngón tay in lên mặt nhau, dù làm quan có chức tước giàu sang hay là dân ngu ngơ, nghèo túng, khi nhìn lại đời mình đều nhục, chưa thấy xứng kiếp người, tự mình thấy mình như súc vật, kiếp ngan, kiếp chó....

Bài thơ như một bầu tâm sự dốc thẳng sang nhau không cần niêm luật, kỹ thuật câu chữ. Đoạn đầu còn tỉnh, lời lẽ thăm dò giao đãi:

Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền?

Tình bạn xa lâu gặp lại nhau, người ta thường ôn lại kỷ niệm trong lành một thuở, rồi mới có nhu cầu hỏi han công việc hiện tại gia cảnh của nhau. Đằng này có tình bạn ngày xưa của họ chỉ phụ họa thêm cho nỗi ấm ức về những rối ren, bất công xã hội. Thằng học giỏi không sống thủ đoạn thì làm dân quèn, thiếu cơm rách áo. Thằng học ngu, biết nịnh nọt cúi luồn vẫn có thể mua được chức tước lên quan để kiếm bổng lộc bạc vàng, thành ra cuộc gặp gỡ nơi chôn nhau cắt rốn lại là cái cớ để nổ ra cuộc vạch mặt chỉ tên những bất công xã hội đang ấm ức nơi lòng mỗi kẻ. Những tưởng chỉ kẻ thua thiệt mới buồn, mới đau, mượn rượu để nói ra lòng mình cho thỏa:

Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn!
Nào ngờ kẻ được mũ cao áo dài cũng thở than phận kiếp:
“Làm người khó
Làm quan càng khó
Chỗ quan trường chó, vịt giống nhau…”
“Quan càng lớn, chữ nhân càng nhỏ…”
“La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ!”

Những lời bộc trực, thật lòng này nghe thật tội, thì ra kẻ làm quan đứng trước bàn dân thiên hạ, qua những cầu truyền hình đi khắp thế gian, nhìn oai phong lẫm liệt, có ai ngờ nơi tận sâu con tim, khối óc họ cũng bị dày vò, có khi lại gấp bội những buồn đau túng nghèo cơm áo, cũng thấy được nhục vinh cuộc thế:

Đời đã chó
Quan trường càng chó

Thì ra đã là con người dù giả trá gian manh đến đâu, dù có ngập sâu vào đống bùn nhơ tội lỗi thì thẳm sâu nơi nào đấy trong linh hồn của họ vẫn nhận ra vị bùn nhơ nơi đầu lưỡi họ đã ngậm phải. Khác nhau chăng kẻ ngày tháng quen dần với những gì nhơ bẩn, còn có kẻ còn biết cố trườn ra khỏi những đám bùn nhơ để thở chút khí trời trong lành trước khi xuôi tay, nhắm mắt. Bởi quyền tước bạc vàng có thể xây được nấm mộ cao chứ không để lại trong không gian, thời gian được chút tiếng thơm. Huống chi lúc sống đã bị người đời nguyền rủa.

Cái đau của thân phận dân đen cũng là đau nhưng có thể mượn phút giây gặp gỡ, nói vung mạng, tung tán tàn cho hả. Còn kẻ chức tước, giàu có gian manh phải đợi lúc:

Rượu tới tầm
Mày ghé tai ta
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ

Bởi đã khoác vào tấm áo quan trường phải biết học phép mưu ma chước quỷ. Nhiều việc giả danh gian trá phải giấu kín cả cha mẹ vợ con, đem xuống dưới mồ mới mong hoạn lộ, an toàn… chỉ giây phút ngồi trước người bạn thuở trong sáng ngây thơ, sau biền biệt mỗi đứa một phương, thắng thua nếm đủ quay về, men rượu ngấm vào ấm ức, nói ra cùng nhau cũng chẳng phương hại nữa rồi mới dám “ghé tai”, “nói nhỏ”…

Bài thơ thành bữa tiệc giữa hai người bạn thết nhau vị ngọt bùi, cay đắng tình thân, vừa là của riêng, lại vừa dọn mời người đọc nhâm nhi, cụng chén ở những năm tháng đời người thật ít điều vui, ít tình thân thiện và gần như không còn thứ tình cảm tri kỉ mà ông cha ta đã ngìn năm trồng cây cho gỗ nên trầm. Giờ rừng bỗng dưng bị đốn trụi. Tình người rồi sẽ sao đây! Đặng Xuân Xuyến đã gửi tâm sự lòng mình vào thơ cho vơi ấm ức! Có lẽ chỉ còn thơ có thể an ủi anh chăng!

Bài thơ “BẠN QUAN” đã ghi lại sống động cuộc sống hôm nay, của người Việt Nam mình./.


Hà Nội, ngày 22 tháng 05.2016
Nhà thơ CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.      
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com

READ MORE - ĐỌC BÀI THƠ “BẠN QUAN” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Chử Văn Long

PHỐ LÀNG - Thơ Trần Tiến



                       Tác giả Trần Tiến



PHỐ LÀNG

Hôm qua vừa mới gọi làng
Hôm sau lên phố ngỡ ngàng mắt ai?
Có câu: nay đúng mai sai
Rắn còn lột xác, sắt mài nên kim
Bấy lâu làng xóm ngủ im
Giờ thành phố thị ngày đêm bộn bề
Trước gọi nơi ấy là quê
Nay đê thành lối đi về cùng nhau
Phố phường bên cạnh đồng sâu
Người chân quê vẫn con trâu đi cày
Chỉ khác mỗi khoảng trời mây
Bên kia thì nắng bên này mưa to
Về chơi phố mới ra lò
Đêm nằm muỗi réo o o quanh mà
Ếch, nhái, chó sủa râm ran
Nằm phố mà vẫn mơ màng tưởng quê...

Hưng Yên, 19/04/2014
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com

READ MORE - PHỐ LÀNG - Thơ Trần Tiến

TRỄ - Thơ Như Nguyệt

 
              Nhà thơ Quách Như Nguyệt



TRỄ

Em nhìn anh, “chịu đèn” quá chừng đi
Phải chi mình gặp nhau sớm hơn, anh nhỉ
Gặp bây giờ dẫu có thương cách mấy
Trễ tràng rồi, đành ôm mối tình si

Phải chi, phải chi và phải chi..
Phải chi thế này, phải chi thế nọ
Vừa qua Mỹ, ta gặp nhau anh nhỉ
Gặp trễ tràng, nên em buồn so

Anh chẳng còn tự do
Nên tim anh chẳng có để mà cho
Mình có duyên gặp nhau
Nhưng duyên không trọn vẹn
Anh nào biết… em thẹn thùng, e thẹn
Chỉ biết nhìn, em ngồi đó nhìn anh       

Anh lãng mạn gặp em lãng mạn
Mình nhìn nhau thông cảm, hiểu nhau
Trễ quá rồi, đành đợi kiếp sau
Không yêu được kiếp này, em yêu anh kiếp tới


Gặp được anh, em nhìn anh, chới với!
Chắc chắn mình từng yêu dấu anh ơi!
Chắc có lẽ em làm gì nên tội
Nên kiếp này gặp lại, trái sầu rơi

Em tự dối… chưa đâu mà, chưa trễ
Nếu muốn thì… mình có thể yêu nhau
Có xa xôi gì đâu, ngại gì dâu bể?
Cùng làm thơ, ta cùng ngắm trăng tà
Nhưng… thực tế rất phủ phàng, anh ạ
Trễ mất rồi, thật sự muộn màng…. Thôi!
Thôi anh nhé, kiếp sau mình gặp lại
Là tình nhân, ta yêu không ngần ngại
Luôn bên nhau, tình nóng bỏng nồng nàn

Tìm đến anh…
Em tìm đến anh… dẫu biết quá trễ tràng!

                                     Như Nguyệt
                                24 tháng 4, 2019

READ MORE - TRỄ - Thơ Như Nguyệt

ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm






ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH

Tôi với anh đã bao mùa thắm thiết
Nhưng giờ đây có lẽ đã tàn phai
Một lần yêu đã trôi dài năm tháng
Bởi cuộc tình quá trăm đắng ngàn cay

Sao anh để tình ta chôn đáy mộ
Giọt lệ nào tôi từng khóc bên anh
Giờ tan biến theo thời gian xa cách
Tôi không muốn, cũng đành thôi anh ạ

Cuộc tình nầy chắc chỉ có bao nhiêu
Bao lời thơ anh gởi gắm ai nhiều
Lòng đau đớn, tôi vay từ kiếp trước
Những muộn phiền giờ xin trả anh yêu

Không mơ mộng cũng chẳng chờ chẳng đợi
Chôn cuộc tình vào ngõ tối mênh mông
Có còn chăng chỉ tiếng nói trong lòng
Một lần nói yêu tôi...giờ quên lãng!

                Trương Thị Thanh Tâm
                           (Mytho)

READ MORE - ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NỊNH, HOÀI NIỆM - Thơ Đàm Ngọc Năm

               Tác giả Đàm Ngọc Năm


NỊNH  

Thời buổi đang xáo trộn
Nịnh tự nhiên lên ngôi
Nịnh đủ thứ trên đời
Dưới, trên đều có cả .

Trò  “ba que, xỏ lá”
Trên, dưới nịnh lẫn nhau
Kẻ được nịnh gật đầu
Người nịnh cũng hả dạ (!)

Một phường, toàn sâu cả !
Cố gắn kết với nhau
Chỉ toan tính thâm sâu
Dù mỗi người một kiểu .

Kẻ làm ăn chẳng thiếu
Kẻ tranh thủ leo cao...
Ôi chẳng biết ra sao
Thời này nịnh nhiều quá !

Dân tình thấy mà lạ
Dẫu nịnh có ngàn đời
Nhưng giờ nó lên ngôi
Làm đảo điên mọi thứ !

Kẻ sai không biết sợ,
Người đúng, sống thu mình
Đành chấp nhận lặng thinh
Ôi, thời này sao thế ?



HOÀI  NIỆM

Đi đến xế chiều để tìm trọn đời Người
Sức kiệt, gối mòn bước chân đã chậm
Bao thăng trầm giữa dòng đời lận đận
Chuyện vui buồn, số kiếp con người .

Về lại với ta - với bè bạn mình thôi !
Bởi nơi đó không hề ganh tỵ
Không bon chen, chẳng bao giờ đố kỵ
Chẳng mảy may bỏ mặc nghĩa tình .

Sáu ba mùa lá rụng, hết xuân xanh
Ngồi ngẫm lại vui buồn đều có cả
Chỉ mong sao giữa dòng đời nghiệt ngã
Sống chân thành và luôn mãi bên nhau .

Giữa phong ba vẫn ngẩng cao đầu
Vẫn tự hào với những gì đã có
Không cửa sau kiểu phong bì, nịnh bợ...
Không ngả nghiêng trước dông bão cuộc đời !

                                                     Tháng 4 - 2019

ĐÀM NGỌC NĂM
Khu Đô thị Việt nam - Singapore
Thuận an - Bình dương
Số ĐT : 0913 256 849
Email : namdnvietsing@gmail.com

READ MORE - NỊNH, HOÀI NIỆM - Thơ Đàm Ngọc Năm