Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 22, 2019

CHUYỆN VUI BUỒN VỀ KHUYẾN HỌC - Võ Văn Cẩm


 
         Tác giả Võ Văn Cẩm 


CHUYỆN VUI BUỒN VỀ KHUYẾN HỌC

Tôi tham gia sân chơi Nguyễn Hoàng đã 27 năm, mà 24 năm phụ trách quỹ Khuyến học và tương tế.
Năm 1992, sau 23 năm trường Trung học Nguyễn Hoàng, ngôi trường lớn nhất Quảng Trị, bị chia đàn xẻ nghé, rồi xóa tên. Học trò phải tứ tán nhiều nơi, người lên rừng kẻ xuống biển, kẻ xuôi Nam người về Bắc, kẻ thành thị, người nông thôn, kẻ ở lại, người ra đi tận chân trời, góc bể, khắp năm Châu, kẻ vùi thân nơi núi rừng, người lang bạt tới trời Âu, đất Mỹ. Nỗi vui buồn chồng chất, ai cũng ôm một nỗi đau ly biệt.
Thời gian vẫn là thời gian, còn con người mang bao nhiêu nỗi niềm thương nhớ ? 23 năm quá dài đối với một đời người, nhưng theo lẽ thường của tạo hóa, quy luật sinh tồn, tình thương và nỗi nhớ chất chồng rồi vỡ òa, vào một ngày đẹp trời, mùa Xuân năm 1992 tại nhà cô Thanh thầy Thuấn, đường Nguyễn Thông trong một con hẻm nhỏ.
Năm sau, 1992 một cuộc họp mặt lớn hơn, nhưng trong lòng chất chứa nhiều nỗi u buồn, nhiều kỷ niệm, anh Lê hữu Thăng, người điều hành buổi họp mặt không làm sao cản ngăn được tình cảm dâng tràn. Buổi họp mặt trở thành một cuộc gặp gỡ, một cuộc hội ngộ, trao nhau những tình cảm thân thương, những cái bắt tay nồng ấm. Thời gian kéo dài vẫn không nói hết thổn thức của lòng mình. Những cái bắt tay trân quý, không đủ thời gian để trao nhau những nhung nhớ, luyến thương.
Cuộc vui nào cũng tàn, phải chia tay nhau với bao nhiêu nghẹn ngào  luyến tiếc.
Trong năm 1993, với nhiều suy tính, dự bàn, nhưng  không qua luật trời, định mệnh.
Thay vì buổi họp bầu Ban LL Cựu HSNH QT tại Thành phố HCM, lại trở thành buổi chia tay, tiễn đưa anh Thăng qua Mỹ theo diện HO. Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào sự ra đi của anh Thăng, rồi bao nhiêu nhọc nhằn dồn cho anh Nguyễn Bảo, một gánh nặng trĩu vai.
Cuối năm 1993 buổi họp chính thức bầu Ban LL Cựu HSNHQT tại TPHCM nay là Ban LL Cựu HSNHSG gồm có :
- Anh Nguyễn Bảo trưởng ban.
- Anh Nguyễn Văn Vinh phó ban.
- Anh Ngô bá Cương phó ban.
- Anh Võ Văn Cẩm phó ban phụ trách HB và tương tế.
Nhiều ủy viên như :
 Anh Hồ sĩ Mừng, anh Nguyễn đặng Mừng, anh Nguyễn đặng Kỳ, anh chị  Dương văn Tường, anh chị Lê Văn Hoàng, anh Hồ sĩ Kỷ, chị Nguyễn Thị kim Loan, anh Cương chị Thành...
Anh Nguyễn Bảo đem hết tài năng, trí tuệ, lòng nhiệt thành. Suốt 17 năm anh và những cộng sự chung tay lèo lái sân chơi, giữ NHSG tồn tại như ngày hôm nay, và bao nhiêu sân chơi NH các nơi được nhân rộng. Công lao ấy chúng ta phải biết tôn vinh và nhớ ơn anh.
Anh là thầy giáo NH nhiều năm, dạy nhiều thế hệ học trò, nhưng 17 năm ấy anh luôn luôn đặt mình vào vị trí một Cựu Học sinh, không một lời buồn phiền trách cứ. Anh làm hết mọi việc mà chẳng nề hà, so hơn tính thiệt. Anh gác "Cái tôi" ra ngoài mà lo cái chung, anh rất khiêm tốn, thương yêu. Anh không phải là hạng người  nhận cái chung làm cái riêng cho mình. Anh chẳng ham đánh bóng tên tuổi mình trước công chúng.
Những năm cuối thập niên 1990, kinh tế còn khó khăn, hầu hết chúng ta còn rất nghèo, anh Bảo và tôi phải đi vận động nhiều Mạnh Thường Quân người Đồng hương như anh Trần Đàm, anh Nguyễn đặng Hiến, anh Lê văn Hải, anh Nguyễn đạo Khõe, anh Trần quang Đỗng, anh Hoàng hữu Ly, anh Hoàng Kiều, anh Nguyễn khắc Dõ, đặc biệt là anh chị Nguyễn Thị Sen, GS Trần đình Khương.
 Trong tình trạng nguồn quỹ còn ít ỏi, chúng tôi có quy chế, điều kiện duyệt xét cho phù hợp như: trợ cấp cho con Cựu HSNH đang học Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp tại TPHCM, nghèo học giỏi không với ra các tỉnh xa.
Trong năm đầu tiên 1994 chúng tôi trợ cấp 14 suất,  nhưng có trên 50 SV gởi hồ sơ. Để duyệt xét. Tôi và anh Bảo phải đưa ra nhiều tiêu chí và mời vài thành viên BLL tổng hợp và duyệt xét.
Chúng tôi vô cùng cảm ơn những nhà hảo tâm, những Mạnh Thường Quân đã tiếp tay với chúng tôi trong suốt chặng đường khó khăn ấy.
Qua thập niên 2010, anh em chúng ta kinh tế khá lên, nhiều Đồng môn có tấm lòng nhân ái, tâm hiền phát khởi, đã sẻ chia cùng chúng tôi như: gia đình thầy cố Hiệu trưởng Tôn Thất Dương Thanh, thầy Lê Văn Quýt, thầy Nguyễn thanh Bá, thầy Cao xuân Yên, thầy Lê Văn Sấm, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Võ thi Hồng, cô Lê Thị Tránh... Anh chị  Nguyễn Văn Xiển, anh chị Thúy An, anh chị Lê đình Ân, anh chị Nhàn Đức, anh chị Lộc Lê, anh chị Đoàn Ngung, anh chị Tường Sâm, anh chị Nguyễn Văn Ta...
  - Riêng học bổng Praternité Canada, anh chị Khương Sen có năm tài trợ trên 100 suất.
  - Học bổng một thế hệ Y Khoa gồm 10 SVQTrị do anh Hoàng Kiều tài trợ.
Trong nhiều cuộc họp mặt Cựu HSNH ở nhiều nơi  chúng tôi thường có nhiều phần quà cho các cháu và đặc biệt là tài năng trẻ quê nhà.
Thập niên 2020, ngoài những đồng môn có tấm lòng rộng mở, còn có nhiều cháu SV thành đạt, tiếp tay   với chúng tôi như: Nguyễn Quang Thắng, Phan thị minh Nghĩa, Trần đoàn Ngọc Trân, Dương Cam Ly...
   - Trợ cấp cho 1SV mồ côi cả cha lẫn mẹ 500.000/tháng do anh NQ Thắng tài trợ suốt thời gian học Đại học.
  - Camly dành nhiều máy vi tính tạo điều kiện cho SV và góp quỹ.
Sân chơi Nguyễn Hoàng không có kế thừa. Chúng tôi nghĩ việc trợ cấp HB là một việc làm vô cùng ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, và chính việc làm nhân ái này là động lực giúp chúng ta xích lại gần hơn và gắn bó lâu dài. Có người bảo, con cháu Đồng môn NH nay còn rất ít. Chúng tôi là người trong cuộc mới thấy được là còn nhiều cháu đang học tiểu và trung học . Nếu chúng ta làm bài toán Cộng, trừ, nhân, chia mới thấy rõ:
Trường NH tồn tại tới nămm 1975. Lớp nhỏ nhất sinh năm 1964 (Lớp Đệ thất) phải 11 tuổi (1975-11=1964).
Đến nay Cựu HSNH nhỏ nhất là 55tuổi (2019-1964) hiện  có người chưa lấy vợ như Hoàng Ân.
Như vậy chúng ta phải tiếp tục chia sẻ thêm nhiều năm nữa. Với tâm của người làm KH, xin quý thầy cô, quý Đồng môn, các cháu đã thành danh hãy tiếp sức để hoàn thiện ước nguyện của Cựu HSNHSG.
"NH đoàn kết, thân thương và chia sẻ" cho đến người Cựu HSNH cuối cùng không còn gặp khó khăn.
 26 lần họp mặt NH, đã có 24 lần phát HB. Nhẩm tính, chúng ta có được con số ngoài sức tưởng tượng.
Với hơn 1800 lượt Sinh Viên nhận HB, số SV này đã là Kỹ sư, bác sĩ có cháu là Tiến Sĩ ở nước ngoài.
Số tiền vận động lên đến gần 1.800.000.000đ
Chưa kể những lần vận động giúp đỡ Đồng môn khó khăn, đau yếu.
Việc trợ cấp HB mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho nhiều Đồng môn, nhiều thế hệ SV, là động lực giúp các cháu tiến bước vững chắc trên con đường chinh phục tri thức. 
24 năm chăm lo cho giới trẻ, tôi có nhiều niềm vui và hạnh phúc, niềm vui ấy làm cho tôi trẻ lại, yêu cuộc đời nhiều hơn, chính việc lâm ấy cũng là một sự trả ơn đời và tâm mình luôn rộng mở.
Trong 24 năm qua tôi chưa một lần tai tiếng hay có ai nặng lời.
Năm nay 2019, sau khi tôi thông báo danh sách SV được trợ cấp HB. Chưa đầy 3 tiếng đồng hồ thì có điện thoại của Trị trưởng BLLNHSG nhắn nhủ tôi và báo tôi một trường hợp liên quan KH khi Trị vừa nghe điện thoại của một thành viên BLL một tỉnh lân cận, không đồng tình về việc trợ cấp HB cho một trường hợp ở nơi anh điều hành, vì phụ huynh của của SV không phải là Cựu HSNH.
Tôi tưởng mình nghe lầm, dừng xe, tôi bình tĩnh rà lại trí nhớ, xem mình sơ sót điều gì ?.
Những năm gần đây vì lượng hồ sơ không nhiều, sau khi xem xét từng hồ sơ, tôi loại những hồ sơ không hợp lệ: Không chứng minh được là CHSNH, tôi điện thoại nhờ xác minh, nhiều lần gọi trực tiếp thăm dò. Tìm chứng cứ rõ ràng để tranh sai sót, hồ sơ của nhiều cháu năm ngoái thiếu chứng từ, tôi gọi nhắc nhở. Số lượng hồ sơ còn lại khớp với số lượng mình thông báo, phần lớn là sinh viên được tái trợ cấp, vì vậy không cần phải họp hành, duyệt xét. Ba năm nay tôi làm như vậy.
17 năm với anh Bảo chỉ bàn bạc những trường hợp khó khăn. Trị, Phái Mai, cũng chỉ trao đổi, ít trường hợp họp hành. Vốn là người tự trọng nên các anh tin tưởng, bằng chứng là chưa gặp sai trái.
Chính bản thân tôi cũng đắn đo suy nghĩ, vì đây là danh dự, uy tín của mình và của tập thể, mình luôn làm theo sự chỉ bảo của con tim, không bè đảng phe phái hay tùy tiện làm hoen ố sân chơi đầy tình thương và trí tuệ.
Trị nói :
  - Một Thành viên BLL một tỉnh báo về : Việc duyệt học bổng không tham khảo ý kiến của họ. (Xin được dấu tên).
 - Phụ huynh của cháu nhận HB không phải là Cựu HSNH.
Tôi quay về nhà, lật hồ sơ ra xem. Tôi gởi ngay cho Trị. Trong đơn ghi rõ, học NH 59/65, là thành viên BLL nhiều năm, trong đơn có xác nhận địa phương về  hoàn cảnh khó khăn, kèm giấy chứng nhận đang học.
Tôi không hiểu anh B căn cứ vào đâu để nói là anh X (không học NH).
 (Đáng lẽ tôi không phải phân bua, giải thích.Vì đây là việc của BLLNHSG không phải của họ. Nhưng mình nên phân tích để tránh hiểu lầm gây sứt mẻ và rút ra một bài học để hoàn thiện mình).
Tôi gọi điện thoại cho anh B người có ý kiến trên.
 - Xin anh cho biết anh X có học NH?.
 - Anh B quả quyết, anh X không học NH. Tôi tiếp:
 - Anh X không học NH, sao anh là Thành viên BLLNH nhiều năm?.
 - Anh B. Tôi mới tham gia nên không biết. Tôi nói:
- Vì anh là người phụ trách BLL xác nhận nên tôi xin xóa tên cháu mà anh đề nghị.  Anh chịu trách nhiệm về việc này nghe, anh Ok. (trong đơn xin trợ cấp có ghi rõ anh X học NH năm 59/65.)
Tôi cứ đắn đo, suy nghĩ, anh B căn cứ vào đâu mà nói anh X không học NH. Tôi nhẩm tính, nếu xóa tên, chuyện gì sẽ xẩy ra. Chắc chắn sẽ làm mất đoàn kết, phương hại đến uy tín Cựu HSNH.
Tôi gọi cho Trị và phân tích lợi hại việc xóa tên. Ngay Trị cũng đồng tình, không vội căn cứ ý kiến một cá nhân mà cần suy nghĩ thêm trước khi quyết định.
Tôi gọi cho 4 nhân chứng xác nhận việc anh X có học NH ?.
Cả 4 Cựu HSNH cùng quê với anh X, người ở Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Trị và Đồng Nai đều xác nhận anh X có học NH. Riêng tôi đã gặp anh X vài lần trong sinh hoạt đồng môn.
Hơn 24 năm, tham gia sân chơi NH không có chuyện gì buồn phiền, sai trái.
Ngoảnh nhìn lại, 30 năm trong sân chơi Đồng hương QT, làm công việc ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng cũng lắm chua cay, kèn cựa nhau và lắm người lập phe cánh để kiếm ăn, thậm chí đạp bạn mình để mưu cầu chuyện riêng tư, khi dang díu tiền bạc.
Tôi thấy được bộ mặt thật của con người, rút ra cho mình một bài học về nhân cách và đạo lý.
Thế mới biết đời là muôn mặt, và tôi cũng ngộ ra làm Khuyến Học hay từ thiện cũng lắm chua cay, xen lẫn nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mới biết sao có người chỉ muốn cúi mặt, không ngẩng cao đầu.
(còn tiếp)
                                                Sài Gòn,14/2/2019
                                                    Võ Văn Cẩm   

READ MORE - CHUYỆN VUI BUỒN VỀ KHUYẾN HỌC - Võ Văn Cẩm

GHEN -1 / Thơ Châu Thanh Thủy



                          Tác giả Châu Thanh Thủy


GHEN -1

Đừng ghen với chị chi em
Chị là cuộn khói lấm lem tro tàn
Chị là một phiến băng tan
Chị là một mảnh giữa ngàn mảnh thôi

Đi qua một thoáng phần đời
Anh ấy thích chị - cũng lời vu vơ
Khi nào anh ấy lại chờ
Làn sương khói chưa bao giờ của anh?

Đừng ghen với mộng không thành
Đừng ghen chim đậu trên cành cây cong
Một đời rồi mãi cũng xong
Yêu hay ghét cũng hóa cùng thiên thu...

                              Châu Thanh Thủy

READ MORE - GHEN -1 / Thơ Châu Thanh Thủy

NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ - La Thụy




NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?

Bài thơ
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.

                    LINH PHƯƠNG

*
Bài thơ
KỶ VẬT

Em hỏi
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.
Anh trở về nằm giữa vòng hoa,
Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.
Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.

Chuẩn úy NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
(Chuẩn-Nghị 1969)

*
Bản nhạc
KỶ VẬT CHO EM

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối …em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

                             Nhạc sĩ Phạm Duy

*
Trước đây khá lâu, ông Trần Truy Phong đã gửi email chung cho chúng tôi (cùng nhiều người khác). Chúng tôi cũng nhận nhiều thư chuyển tiếp khác với nội dung tương tự. Ông Trần Truy Phong cho rằng nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Kỷ vật” của Chuẩn-Nghị. Nhưng từ nhiều năm nay trên diễn đàn văn nghệ, mọi người đều cho rằng Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương.
Không chỉ là nghi vấn về tác giả, người ta còn đưa ra 2 văn bản được cho là "bài thơ gốc", hai văn bản này khác nhau nhiều nhưng đều có phần mở đầu khá giống với bản nhạc cả:

Em hỏi (anh bao giờ trở lại)
Xin trả lời mai mốt anh về

Tuy nhiên, về văn bản, bài "Kỷ vật" của Chuẩn Nghị thì làm bằng thể thơ tự do còn "Để trả lời một câu hỏi" của Linh Phương làm bằng thể thơ thất ngôn. Nội dung cả hai bài cùng nói về sự mất mát của chiến tranh và nhiều hình tượng như trong bài "Kỷ Vật Cho em" đã được phổ nhạc, nên người ta đã sinh lưỡng lự trong việc xác định danh tính tác giả.

Ở đây, chúng tôi nêu ra không phải tranh cãi, mà mong muốn chỉ để trả lại tên cho tác giả một cách công bằng đúng đắn, một tác phẩm nghệ thuật được công chúng ưa thích. Nhạc sĩ, thi sĩ là người đương thời. Dù ông Phạm Duy đã mất, cũng chưa lâu lắm. Người đưa ra vấn đề là ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc đang còn sống, nhà thơ Linh Phương (người được cho là tác giả bài thơ được phổ nhạc) đang còn sống. Con cái nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn sống, họ đang lưu giữ tác phẩm của cha mình (đã xuất bản và chưa xuất bản), trong đó có hồi ký và nhiều tư liệu khác chưa công bố, họ cũng đã từng nghe cha mình nói chuyện của mình...

Trên thực tế, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp thi sĩ Linh Phương và trao tiền nhuận bút. Họ đã chụp ảnh lưu niệm.
Từ điển bách khoa wikipedia cũng đã khẳng định tác giả bài thơ là Linh Phương.

https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B7_v%E1%BA%ADt_cho_em

Cái chính là mong thông tin này đến ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc để xem ý kiến phản hồi. Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói là sự tương quan giữa bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI của nhà thơ Linh Phương và bài thơ KỶ VẬT của nhà thơ Chuẩn Nghị. Họ có gặp nhau hay không mà có một số ý thơ trùng hợp. Hay là người này chép thơ người kia, rồi mượn ý viết thêm bớt (chỉ để giải khuây trong phút tan khói súng trận mạc, chứ không có ý định “đạo văn”) rồi đem ra đọc cho bạn bè nghe hoặc để sót lại trong ba lô lính trận...

Trường hợp bài thơ DẶM VỀ của Nguyễn Đình Tiên được Quang Dũng chép và qua nhiều năm, nhiều người bình thơ, nhạc sĩ phổ nhạc và rất nhiều người lầm tưởng là thơ Quang Dũng với tựa đề KẺ Ở... là một ví dụ

http://nguyentrongtao.info/2012/06/19/bai-tho-dam-ve-khong-phai-cua-quang-dung/

Trong văn học nghệ thuật, thì việc xác định tên tác giả rất quan trọng. Vì vậy, có những tác phẩm đã hàng trăm năm, nhưng các học giả tâm huyết vẫn gắng sức tìm mọi tư liệu để chứng minh, trả lại tên tác giả. Chẳng hạn về trường hợp bản dịch CHINH PHỤ NGÂM đang lưu hành, các học giả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân đã ra sức chứng minh dịch giả không phải là Đoàn Thị Điểm, mà là Phan Huy Ích:

https://hoamunich.wordpress.com/…/chinh-phu-ngam-khuc-%E5%…/

Dù giới nghiên cứu VHNT chưa xác định được tác giả, nhưng nhờ thế mà kho tàng VHNT Việt Nam có thêm một số bản dịch chữ Nôm khác, cổ hơn bản dịch hiện hành, nhiều học giả đã kết luận: "Phan Huy Ích nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm thì đúng hơn".

Tương tự như vậy, bản dịch TỔNG VỊNH TRUYỆN KIỀU (Chu Mạnh Trinh) được trả lại tên cho dịch giả Đoàn Qùy thay vì Đoàn Tư Thuật, bản dịch TỲ BÀ HÀNH (Bạch Cư Dị) được trả lại tên cho Phan Huy Thực thay vì là Phan Huy Vịnh.
(Bản Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị đã được dịch sang thơ Việt ngay từ thế kỷ thứ 19 dưới hình thức song thất lục bát cũng gồm 88 câu (22 khổ thơ song thất lục bát). Đã từ lâu người ta ngỡ dịch giả là Phan Huy Vịnh (1800-1870), nhưng ngày nay, căn cứ theo gia phả của dòng họ Phan Huy ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, người ta đã xác nhận dịch giả của bản Tỳ Bà Hành chính là Phan Huy Thực (1778-1848). Phan Huy Thực là thân phụ của Phan Huy Vịnh.)

https://nghiathuc.wordpress.com/…/doc-tho-thinh-quang-dao-…/

Gần đây các bài thơ 4 sinh ngữ của nhà thơ Phước Tuyền Ngô Quang Huynh bị gán cho người khác, nhưng nhờ nhiệt tâm của nhiều người nên tác phẩm được trả lại tên cho tác giả.

https://phudoanlagi.blogspot.com/search/label/Ng%C3%B4%20Quang%20Huynh

Chúng ta thử phân tích xem bài thơ nào được nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc:

1/ So sánh lời hai bài thơ và lời bản nhạc:

So sánh lời bản nhạc KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy thì những câu thơ đầu của bài thơ KỶ VẬT của Chuẩn Nghị không hoàn toàn giống với lời bản nhạc KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy như thơ Linh Phương:

“Em hỏi (không có cụm từ “… anh bao giờ trở lại”)
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng…”

                                                  (CHUẨN NGHỊ)

Trong thơ Chuẩn Nghị, không có các địa danh Pleime, Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả như trong nhạc phẩm hay như trong thơ Linh Phương.
Thơ Chuẩn Nghị chỉ gần giống với lời nhạc PD hai câu này:

“Anh trở về trong chiều hoang CHIẾU nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.”

Thơ Linh Phương và nhạc PD giống hệt nhau cả câu, nhất là ở từ TRỐN, (khác với thơ Chuẩn Nghị dùng từ CHIẾU, thừa chữ TRONG)

“Anh trở về chiều hoang TRỐN nắng”

Nhạc phẩm KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy và thơ Linh Phương giống hệt lời đoạn này:


“Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Anh trở về chiều hoang TRỐN nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng”

Trong đoạn sau đây, lời nhạc Phạm Duy và lời thơ Linh Phương rất gần giống nhau, nếu có khác chút ít, thì là chỉ do PD đảo chữ thay vài ca từ khi phổ nhạc

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm

Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăn trối… em ơi…

                            (Nhạc Phạm Duy)

*
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
                     (Thơ Linh Phương)

Lời thơ của Chuẩn Nghị có khá nhiều sai biệt với lời nhạc Phạm Duy:

“Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và… khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.”
                    (Thơ Chuẩn Nghị)

2/ Về nguồn gốc hai bài thơ đăng trên báo

*Bài thơ KỶ VẬT của Chuẩn Nghị
“Khi tâm-sự riêng với nhau, Nghị rất bực-tức về bài thơ mà anh làm gởi đăng báo Tiền-Phong lại được Phạm-Duy phổ-nhạc với tên tác-giả khác ! Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !
Trong bài thơ của Nghị là lời nhắn lại cho Nga người tình mà khi hữu-sự Nghị biên thư cho tôi trao cho cô ấy. Hoàn-cảnh đang bị bế-tắc vì mẹ cô Nga không thích Nghị người miền Bắc ! Sau đó khi đi hành-quân ở Tây-Ninh Nghị tử trận.
Chuyện khiếu-nại với Phạm-Duy kể như im luôn và bài nhạc được phổ – biến với lời thơ của Phương Linh mãi cho đến nay chỉ có một bài viết của anh cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc đưa ra trở lại.
Bài thơ này Nghị viết bằng mực đỏ, cho tôi xem, nhưng vì lời thơ quá chán đời, tôi không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi !”

Nhận xét:

- Nhà thơ Lý Thụy Ý còn sống, nhưng có lẽ chưa hay biết chuyện này hay sao mà vẫn không thấy lên tiếng !
- Người đưa ra vấn đề là ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc đang còn sống cũng không thấy lên tiếng gì kể từ năm 2006, khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương.     
Trong khi đó, nhà thơ Linh Phương trả lời phỏng vấn và viết hồi ký về chuyện nhạc sĩ PD bản nhạc mà không ghi tên tác giả thơ, Linh Phương kể chuyện PD và Ngọc Chánh tổ chức buổi ra mắt KVCE, xác định việc đồng tác giả nhạc phẩm và trả tiền bản quyền hậu hĩnh.

https://aihuubienhoa.com/a2973/cau-chuyen-am-nhac-ky-vat-cho-em-linh-phuong?fbclid=IwAR0Xww-otF6tFyxWj32h85rmIIzFuLem6XlIVxRAMLOQIiave70aqqkStU0

- Chuyện Chuẩn Nghị, cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc kể “thấy bài thơ vì viết bằng mực đỏ, giọng chán đời nên không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi.”
Khá ngạc nhiên, vì ông ta không thích mấy, nhưng chỉ đọc qua bài thơ dài KỶ VẬT là thuộc, nhiều năm sau vẫn còn nhớ. Bài thơ của Chuẩn Nghị gởi báo Tiền Phong có chi tiết“Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !”
Không rõ báo Tiền Phong có đăng không?  Như thế, cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc biết và kể lại nhưng không có một tí bằng chứng nào cả.

* Bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI của Linh Phương
- Xuất xứ bài thơ của Linh Phương đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên "Để trả lời một câu hỏi" đề tặng một người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Ấu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ chồng của nhà văn nữ Nhã Ca) phụ trách.
-Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc chỉ với duy nhất tên ông. Người bạn của Linh Phương làm việc ở bản tin THT đã đưa vấn đề tác quyền lên trang tin tức của một tờ nhật báo với đại ý "Tác giả Kỷ Vật Cho Em sẽ kiện nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa".
Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình, tác giả Phan Bảo Quân cho in một bài viết đề cập tác quyền và tên Linh Phương phải được để là đồng tác giả bản nhạc Kỷ Vật Cho Em. Thời đó ở Sài Gòn có trên 20 tờ nhật báo, 30 tờ tuần báo và rất nhiều tạp chí bán nguyệt san, nguyệt san...Và chuyện tác quyền giữa nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy đều có bài viết, thư nhạc sĩ Phạm Duy gởi LP, thư Linh Phương trả lời ...hầu hết đều đăng trên báo chí lúc ấy.

https://aihuubienhoa.com/a2973/cau-chuyen-am-nhac-ky-vat-cho-em-linh-phuong?fbclid=IwAR2oHQvJ1ZTTu5XaOe1PmP5tZRuoTbkqga53ROZIQlEDJYUzqCcPRYDoKfQ

-Nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm với nhau về vấn đề bài thơ "Kỷ vật cho em". Nhạc sĩ Phạm Duy chở nhà thơ Linh Phương trên chiếc xe "trắc xông" đen đến phòng trà ca nhạc Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ. Ở Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy đã giới thiệu nhà thơ Linh Phương trước công chúng về tác giả bài thơ "Kỷ vật cho em". Sau cái bắt tay giữa nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, nhà thơ Linh Phương đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy ở 215 E/2 đường Chi Lăng Phú nhuận ăn cơm và ký hợp đồng bài thơ "Kỷ vật cho em" tại đây. Trong bản hợp đồng tiền tác quyền là 30,000 đồng (thời điểm đó giá vàng - nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10,000 đến 12,000 đồng) nhưng thực tế thì nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi 50,000 đồng (30,000 đồng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng - 20,000 tiền mặt).

https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=2692

- Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trả tiền bản quyền cho nhà thơ Linh Phương. Như thế, tất nhiên, PD phải biết chính xác ai là tác giả bài thơ được ông phổ nhạc mới hào phóng chi tiền trả chứ.
 Xuất xứ bài thơ của Linh Phương đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên "Để trả lời một câu hỏi", để tặng người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Âu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ, chồng của nhà văn Nhã Ca) phụ trách.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lá thư gửi nhà thơ Linh Phương thừa nhận:
“Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai”

https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/

Như vậy, chính nhà thơ Trần Dạ Từ và các ký giả như Đinh Văn Phát, Hoàng Châu, Mộc Linh của báo Độc Lập, Thiện Mộc Lan (ký giả báo Đuốc Nhà Nam) thừa nhận và làm chứng nên nhạc sĩ Phạm Duy mới biết “phục thiện”

-Nhà thơ Linh Phương là nhà thơ khá nổi tiếng với nhiều bài thơ hay. Ông vốn là sĩ quan TQLC trước năm 1975, chứ không phải là “người ta chỉ đoán là 1 anh lính nào đó, còn sống hoặc đã mất” như một số bài viết nêu:

http://linhphuong49.blogspot.com/2011/09/hoi-ky-linh-phuong-ky-47.html

THƯ CỦA NS PHẠM DUY

Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971.
Kinh gởi anh Linh Phương.
Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí).
Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai.
Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.”
Những điều anh trách tôi như : “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau :
1/- Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trọng, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn.
2/. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót : Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi.
Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn.
Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả.
Phạm Duy
215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn...

(https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/?fbclid=IwAR1YM1i9wEgwXmVj1o13Otq8qc5EYjr6X9FkDX599IVjSyWfU2wWcL_d99c)

*
Đến năm 2006, mọi việc dần sáng sủa khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương, và trong thời gian này chính nhà thơ Linh Phương cũng đã viết hồi ký của mình về bài thơ, nhận làm tác giả của bài. Ông nói về những lộn xộn về nguồn gốc của bài trước kia. Nhà thơ Linh Phương đã viết:
“Sự kiện “theo đóm ăn tàn” này không phải là mới xảy ra, khi trước năm 1975 vẫn có những người tự xưng Linh Phương tác giả “Kỷ Vật Cho Em”. Tôi không hiểu nổi vì sao họ thích mình là tác giả một bài thơ, vì thích hay tham vọng như thế có cần phải đánh đổi cái liêm sĩ, tự trọng của một con người hay không?”


                                          La Thụy sưu tầm và biên tập

READ MORE - NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ - La Thụy