Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 15, 2019

TRỞ VỀ KHOẢNG TRỜI RIÊNG EM - thơ Uyên Khuê


Tác giả Uyên Khuê


TRỞ VỀ KHOẢNG TRỜI RIÊNG EM

Em trở
về khoảng trời riêng em
Khoảng trời công việc, thơ và sách...
Những ánh đèn
đêm đêm leo lắt
Mắt thâm quầng
Vì những ngày thức thâu đêm...

Khoảng trời
riêng em bình dị êm đềm
Không buồn, lo...
ai đó làm tổn thương nữa
Dẫu biết rằng yêu thương
"hình như là một nửa" ?
Nên ta mãi hoài
để lạc mất nhau

Khoảng trời
riêng em không còn những... nỗi đau
Chỉ còn
đam mê niềm vui phía trước
Miệng cười
thật tươi
chân luôn vững bước
Tạm biệt
             tháng ngày
                              mắt biếc
                                             buồn trôi..!

Uyên Khuê
Giáo viên,
Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai
<nguyenuyenkhuegl@gmail.com>

READ MORE - TRỞ VỀ KHOẢNG TRỜI RIÊNG EM - thơ Uyên Khuê

VỚI ANH VÕ THÌN ! - Võ Văn Hoa





VỚI ANH VÕ THÌN !

Mùa hè đỏ lửa 1972, anh và tôi cùng ở Long Thọ, Huế. Anh học Cử nhân Luật, tôi học Sư phạm. Anh vóc người cao ráo, phong độ, văn võ song toàn. Ngoài giờ học ở giảng đường, về nhà anh còn mở Võ đường Karatedo, võ sinh theo học rất đông.
Với bạn bè, anh sống hết mình, sẵn lòng giúp đỡ mọi người.Nhà thơ Phương Xích lô ở Huế, mất ở An Tiêm, Triệu Thành (2002), anh tâm nguyện tổ chức làm đám tang bạn ở nhà mình và sẵn lòng đem tấm áo đạo sĩ mới may liệm bạn:

Ta còn thêm chút gì không?
Bài thơ định mệnh bên dòng kênh xanh
Bảy năm sau đó Triệu Thành
Võ Thìn đạo sĩ áo lành liệm Phương!

                                       Võ Văn Hoa

Có lần, tôi đang tập huấn ở Huế, vào Hải Lăng không gặp, thế là anh và một số bạn bè tri âm không ngại đêm hôm bươn bả vào tìm gặp, hâm nóng nàng thơ.
Thế đấy, con người anh rất gần gũi, hòa đồng, giai tầng nào cũng mến mộ anh. Đặc biệt anh có một giọng ngâm thơ truyền cảm, sâu lắng dễ đi vào lòng người.

Gần 2 năm trước,vào lúc 3h15 phút ngày 14/10/2008, trên trang triamcac.net tôi đã viết bài thơ VÔ NGÔN tặng anh. Thực lòng, tôi coi anh là sĩ phu, là quân tử thời nay.
Từ đây, tôi, chúng ta những người yêu quý anh sẽ mãi mãi không còn Anh trên đời ! Còn chăng con số 01266544468 mời anh từ cõi âm về nâng ly! Bái biệt!

VÔ NGÔN

“Một phút thanh nhàn trong thuở ấy
Ngàn vàng ước đổi được hay chăng”
                                     Nguyễn Trãi

Người đại ngôn
Người im lặng
Chết

“Đạo sĩ” đất Thành Cổ
Sống hết mình
Sống thanh thản
Sống !


Có kẻ sống như chết
Có người chết như sống
Vô ngôn

03h15 ngày 14.10.2008

                                                          Võ Văn Hoa

READ MORE - VỚI ANH VÕ THÌN ! - Võ Văn Hoa

TÌNH XUÂN B'LAO - Thơ Hoàng Yên Linh



Tình Xuân B'lao
                        Hoàng Yên Linh

1-

Xuân đến rồi em có về không
B'Lao rộn rã nắng xuân hồng
Chim bay gọi bạn về xây tổ
Gọi cả mùa thương với nhớ mong...


Em có hẹn đâu mà ngóng đợi 
Chỉ còn sương núi với mây trôi
Dẫu thế tình hơn là vô vọng
Xuân đến bên đời tóc trắng rơi.


2-

Em hát khúc tình ca
Xuân thắm hồng đôi má
Xuân ơi đừng quá vội
Em mãi là hương hoa.


3-

Chia nhau chung rượu vơi đầy
Mùa xuân gõ cửa trăng cài song thưa
Đường đời bao chuyện nắng mưa

Thêm mùa xuân nữa bến xưa vẫn chờ.

Hoàng Yên Linh

READ MORE - TÌNH XUÂN B'LAO - Thơ Hoàng Yên Linh

ĐỌC TUYỂN TẬP “THƠ ĐƯỜNG ĐÀ NẴNG” - Châu Thạch



ĐỌC TUYỂN TẬP “THƠ ĐƯỜNG ĐÀ NẴNG”
                                                           Châu Thạch

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2008 – 2018), chi hội thơ Đường Luật thành phố Đà Nẵng đã xuất bản tuyển tập lấy tên “Thơ Đường Đà Nẵng V”

Tuyển tập thơ có nhiều cây bút trong và ngoài chi hội tham gia, với nhiều chủ đề khác nhau, hình thức gọn nhẹ và đẹp là điều thấy ngay khi vừa nhìn qua tuyển tập nầy.

Bây giờ, với chủ quan của một người chuyên viết cảm nhận thơ, Châu Thạch thử đi vào phần nội dung của tuyển tập, góp thiển ý của mình, hầu giới thiệu được một phần nhỏ nào đó mà chi hội Thơ Đường Luật Đà Nẵng đã đạt được trong sáng tác qua tuyển tập thơ nầy.

Thơ Đường luật là một thể thơ mà hiện nay ai cũng nghĩ rằng nó như một cụ già đã  chết lâu năm,  bây giờ hồi sinh trở lại. Thực tế không phải như thế. Thơ Đường luật ngày nay có thể xem như là một người trai trẻ, mang đầy đủ tinh hoa được di truyền, tách rời cổ lệ và sánh vai cùng các thể thơ khác trên diễn đàn văn học nước nhà. Điều đó chỉ là nhận xét  chủ quan của cá nhân tôi , nhưng có lẽ nó được thể hiện phần nào trong tuyển tập “Thơ Đường Đà Nẵng” mà tôi đang cầm trên tay.

Gần 100 tác giả với hơn 500 bài thơ đề cập đến 9 chủ đề, tuyển tập “Thơ Đường Đà Nẵng” như một rừng hoa,  có song song những luống hoa cùng giống khác màu, lung linh vẽ đẹp và vẽ sáng.
Tất nhiên, với con số thơ kếch xù như thế, người viết nếu trích ra một vài câu hay nột vài bài để chứng minh điều mình nói chỉ là sự vô bổ mà thôi. Tốt hơn người viết chỉ xin gởi đến bạn đọc một vài cảm nhận chung của mình, để khi tuyển tập đến tay ai thì người đó có ý niệm sẳn trong lòng mà tiếp nhận và yêu mến nó.

Nói chung trong tuyển tập thơ nầy, ta nhìn thấy mỗi tác giả mang một sắc thái riêng biệt. Tuy đa số là thơ thất ngôn bát cú Đường Luật nhưng tiếng thơ không còn như bản hòa tấu nhiều cây đàn cùng một loại, mà sự biến hóa nhiều cung điệu của từng tác gỉả, đã nâng tập thơ thành một dàn giao hưởng với tiết tấu của nhiều cây đàn muôn điệu. Được như thế bởi người thi sĩ sáng tác thơ Đường  luật ngày nay đã thoát ra được cái khuôn đúc Đường thi làm bằng những tư duy thi pháp cổ hủ. Ta tìm thấy hầu hết những bài thơ trong tuyển tập “Thơ Đường Đà Nẵng” một sự thoát xác ngoạn mục từ con tằm nằm trong cái kén ngàn năm thành con bướm bay nhởn nhơ giữa bầu trời đầy hoa và nắng.

Đọc “Thơ Đường Đà Nẵng” ta không còn mệt mõi đi tra cứu từng Hán tự, từng điển tích của một thời xa xưa nào đó bên Tàu. Ta bắt gặp trong mỗi ý thơ mang linh hồn và tâm tư của con người hiện tại, được diễn đạt bằng những tứ thơ dễ hiểu, nhẹ nhàng với văn tự trong sáng  và thanh thoát, đánh động cõi lòng ta sự rung cảm của con tim Việt Nam thật sự của bây giờ.
Đọc “Thơ Đường Đà Nẵng” ngày nay, hầu như ta thấy tính “bác học” đã đổi khác. Vì sao? Vì nó không còn chỉ là một lọai thơ bao hàm sự uyên bác cổ kim, cô đúc nội dung  to lớn, chứa đựng sự thâm sâu “ý tại ngôn ngoai” mà một thời  xa xưa đã ca tụng nó. Thơ Đường  luật ngày nay nói chung, và tuyển tập “Thơ Đường Đà Nẵng” nói riêng  đã bắt nhip hơi thở của sự sống hiện tại, nói thay được tâm tư của mọi tầng lớp trong xã hội, thể hiện sự buồn vui từ lớp người bình dân cho đến người trí thức. Vậy thì tính bác học dành cho kẻ sĩ ngày xưa của thơ đã được thay bằng tính phổ quát, thích  hợp cho  người yêu mến nó có trong mọi thành phần xã hôi.

Đọc “Thơ Đường Đà Nẵng” ta nghe bàng bạc trong đó  âm hưởng của thơ mới, ta nghe êm đềm  trong đó làn gió thơm đồng nội của ca giao, và ta cũng chiêm nghiệm được  trong đó sự sâu nhiệm của luân lý, của đạo giáo  đã ăn sâu trong lòng dân tộc. Cái cao siêu ngày xưa vẫn còn trong thơ, nhưng nó đã được biến thể  gần gủi hơn với mọi người, nó không còn là một vị quan lại, một vị thầy trọng vọng, nó đến gõ cửa trái tim người đọc như một người bạn thân quen  thăm nhà của mình, mình tiếp nhận nó một cách tự nhiên và thích thú từ trong tiềm thức thích thú ra.

Từ những cảm nhận đó khi đọc tuyển tập “Thơ Đường Đà Nẵng” tôi cho rằng, ở thời đại ngày nay, khi  con người luôn luôn cần sự nhanh, gọn và nhẹ nhưng kết quả đạt được phải cao  thì thơ Đường luật có ưu thế hơn các thể thơ khác để con người thưởng thức nó  cũng nhanh, gọn và nhẹ nhưng đạt được niềm vui trọn vẹn trong chiều sâu của tâm hồn. Đó cũng chỉ là ý nghĩ chủ quan thôi.

 Xin mời quý vị tìm đọc “Thơ Đường Đà Nẵng” để dầu đồng ý hay không với những gì người viết bài nầy trình  bày,  cũng chắc chắn sẽ tìm  thấy  ở đó một sinh khí mới của diễn đàn thi ca Việt Nam hiện tại. Trân trọng!

                                Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC TUYỂN TẬP “THƠ ĐƯỜNG ĐÀ NẴNG” - Châu Thạch