Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 30, 2019

CƠN BÃO - Thơ Võ Quốc Tuấn


CƠN BÃO

Võ Quốc Tuấn



Nắng lại về sau những ngày giông bão.

Hoa lại tươi dù bị gió dập vùi,

Chim vẫn hót mỗi sớm mai thức dậy,

Trẻ chơi đùa như bão chưa qua đây.



Cơn bão lòng thổi mãi em có hay?

Từ lúc em đi, đến giờ chưa tạnh.

Cứ thổi mãi một tâm hồn giá lạnh

Nỗi nhớ giày vò, chẳng chút nguôi ngoai.



Nắng lại về, còn em mãi xa xôi

Đời thiên biến, nắng mưa luôn hoán đổi.

Cơn bão lòng suốt một đời vẫn thổi

Nỗi nhớ em còn mãi tháng năm dài.



                                          Trà Vinh: 25/9/2019

                                          Võ Quốc Tuấn

                                                                                    quoctuan100@gmail.com

READ MORE - CƠN BÃO - Thơ Võ Quốc Tuấn

TRĂNG NHỚ VƯỜN XƯA (*) - Thơ Mặc Phương Tử




TRĂNG NHỚ VƯỜN XƯA (*)
Mặc Phương Tử


Trăng nhớ vườn xưa, ta nhớ người
Một mùa thu cũ lạnh lùng trôi!
Bút còn đọng mực mơ lòng giấy,
Đàn vẫn so giây vắng phím đời.
Dâu bể đã đành dâu bể vậy,
Hợp tan dù phải hợp tan thôi!
Bao giờ bạn nhỉ, vui tao ngộ?
Tiếp đoạn thơ đang lở vận rồi!

Lở vận, còn nhau một hướng trời
Khi mùa thu đến lá thu rơi.
Não nùng tiếng vạc bờ sương lạnh,
Man mác hồn đêm giấc mộng hời.
Ánh mắt thời gian lòng lặng lặng,
Dòng đời năm tháng nước trôi trôi.
Con thuyền bến cũ tình thu ấy...,
Trăng sáng vườn xưa, ta nhớ người.

                                     MẶC PHƯƠNG TỬ

  (*) Thân tặng anh Lộng Chương, Quí thi hữu Lan Đình,

        cùng quí thi hữu đã từng gặp gỡ.

READ MORE - TRĂNG NHỚ VƯỜN XƯA (*) - Thơ Mặc Phương Tử

TRỄ - Song ca: Giáng Hương & Nguyên Trường - Nhạc: Tuyền Linh - Thơ: Quách Như Nguyệt

READ MORE - TRỄ - Song ca: Giáng Hương & Nguyên Trường - Nhạc: Tuyền Linh - Thơ: Quách Như Nguyệt

LẶNG LẼ TÌNH ĐI - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Văn Thơ

READ MORE - LẶNG LẼ TÌNH ĐI - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Văn Thơ

CHUYỆN VỀ HAI NGÔI MỘ CHA CON MAI SAU - Thơ Phạm Ngọc Thái



CHUYỆN VỀ HAI NGÔI MỘ
            CHA CON MAI SAU



  

Gió vi vút ngàn năm thổi vọng
Khói sương chiều quấn quít bay đưa
Kể rằng: Ngày xửa ngày xưa
Có hai cha con nhà thơ, hồi còn sống...

*

Trời Hà Nội. Cha hay dắt con ra Hồ Tây chơi lắm !
Vọng bên chùa Trấn Quốc tiếng nam-mô
Qua bốn mùa, ngày tháng thoi đưa
Đứa bé lớn khôn, rồi trở thành sinh viên, thạc sỹ

Hai thế hệ ở trong cùng thế kỷ
Người cha dần cũng già đi
Con lại đỡ cha, chăm sóc sớm khuya
Nam mô a di đà Phật !

Nghĩa phụ tử trên dòng sông nước Việt
Bóng trời Nam in dấu ngày đêm
Mây bay, gió thổi triền miên
Tình cha con mãi thiêng liêng sống còn

Bỗng một hôm bão giông, sấm sét
Cắt người con ra khỏi người cha
Lá vàng thì vẫn còn kia
Đầu xanh đã bỏ, chia ly trọn đời !

Nỗi đau uất rụng rời trời, đất
Vì khóc con, cha ngất nhiều phen
Hận đời, giận cả địa thiên
Đã sinh thượng đế, sao còn ác tâm ?

Người cha những kêu Quan Âm, Phật Tổ
Giúp một tay nâng đỡ sinh linh
Dù không cứu được đứa con
Thì xin Người đón về trên niết-bàn !?

Người cha thề ra tay hay bút    (*)
Viết đoản thiên tuyệt tác lưu danh
Con mình vào với sử xanh
Bao giờ non nước tan tành mới tan.

Một đời đã dọc ngang thi phú
Hẹn về bên Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du
Miếu thờ tôi ở thiên thu
Mong hậu thế cho con thơ cùng vào !

Vài lời trăng trối trời cao
Nay xin để lại rồi chào, tôi đi...
Xác người cũng chẳng còn chi
Gió đưa đôi mộ vu vi vọng hồn

"Tình cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"...

          17.9.2019
    PHẠM NGỌC THÁI


(*)  Đến nay người cha cũng đã viết được hơn 40 bài “Thơ khóc con”, chuẩn bị xuất bản thành sách.
READ MORE - CHUYỆN VỀ HAI NGÔI MỘ CHA CON MAI SAU - Thơ Phạm Ngọc Thái

ĐIỆU HÒ KHOAN GỬI RA BIỂN ĐẢO - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn.
     

ĐIỆU HÒ KHOAN
GỬI RA BIỂN ĐẢO


 Em gửi khúc dân ca
Ngoài xa vời hải đảo
Bầu trời xanh trứng sáo
Hòa biển biếc bao la


Gửi anh khúc dân ca
Diệu hò khoan xứ Lệ*
Ngọt lời ru của mẹ 
Từ thuở còn nằm nôi

Mơn man gió biển khơi
Đưa điệu hò lên đảo
Sóng vỗ khúc nhạc dạo
Hòa tiếng hát lòng em


Điệu hò khoan quê mình
Lúa nặng bông trĩu hạt
Dố khoan trong lời hát
Nương ngô xanh mượt mà


Điệu hò khoan ngân nga
Quyện hòa vào con sóng
Anh càng chắc tay súng
Giữ biển đảo quê hương




                  *  Hò khoan Lệ Thủy – Quảng Bình


Nguyễn Đại Duẫn
Hội VHNT Trường Sơn – Quảng Bình

READ MORE - ĐIỆU HÒ KHOAN GỬI RA BIỂN ĐẢO - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

LỐI CŨ TRƯỜNG XƯA - Thơ: Lê Thân Hồng Khanh - Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn - Ca sĩ: Hà Thanh

READ MORE - LỐI CŨ TRƯỜNG XƯA - Thơ: Lê Thân Hồng Khanh - Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn - Ca sĩ: Hà Thanh

CẢM ƠN NHỮNG BÀI THƠ - Nhạc và hòa âm: Đặng Vương Quân Thơ: Quách Như Nguyệt Ca sĩ: Tâm Thư

READ MORE - CẢM ƠN NHỮNG BÀI THƠ - Nhạc và hòa âm: Đặng Vương Quân Thơ: Quách Như Nguyệt Ca sĩ: Tâm Thư

CHỈ CÓ NGẦN ẤY THÔI - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Trần Tố Uyên - Ca sĩ: Đông Nguyễn



Ca khúc CHỈ CÓ NGẦN ẤY THÔI,
Mai Hoài Thu phổ thơ Trần Tố Uyên,
Ca sĩ: Đông Nguyễn
READ MORE - CHỈ CÓ NGẦN ẤY THÔI - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Trần Tố Uyên - Ca sĩ: Đông Nguyễn

CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN” (Bài 2) – Lê Nghị


                   Tác giả Lê Nghị


Bài 2:

CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN”

(Tiếp theo của bài: MỘT CÁCH NHÌN VỀ HỌC THUẬT CỦA MỘT “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN CHỦ NGHĨA”)

Phần 1:
Tiếp chuyện Kim Vân Kiều truyện ở Nhật của Đoàn Lê Giang.

Trong bài 1, nói về nguồn gốc Truyện Kiều tôi chỉ phê phán những “tín đồ của Thanh Tâm Tài Nhân giáo chủ” mà thôi. Những người vô tình tin theo “học thuật tay dọc” hoặc họ đã từng tin mà đang lắng nghe thì không thuộc diện tay dọc đó.

Giáo sư Đoàn Lê Giang đã viện dẫn lại trong 2 bài của giáo sư rằng tôi cho giáo sư giả mạo tài liệu là điều không đúng sự thật. Sau khi trình bày tôi chỉ viết: Tóm lại Benoit không nói gì đến cuốn Tú Tượng Thông Tục Kim Kiều truyện, Benoit chỉ nói không có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân dịch ra tiếng Nhật năm 1763 (trước Nguyễn Du sinh ra 2 năm). Theo thẩm định của Benoit Năm 1763 tiểu thuyết Tàu được dịch sang tiếng Nhật là cuốn Song Kỳ Mộng truyện. Rất mong giáo sư đính chính hoặc phản biện nếu không người khác trong đó có tôi nghĩ rằng giáo sư uốn cong ngòi bút và bẻ lái học thuật.

      
                             Nội dung Song Kỳ Mộng truyện 
   (dẫn theo Tôn Khải Đệ năm 1930, Trung quốc Thông sử)

Không nhắc đến không có nghĩa là không có. Dù lời bình luận ban đầu, và bài viết sau đó của ĐLG không được hay, nhưng rồi giáo sư cũng trưng ra bằng chứng ảnh chụp tư liệu Thông Tục Kim Kiều truyện bằng tiếng Nhật và cuốn A953 lưu tại Viện Hán Nôm. Xem như so sánh 2 văn bản đó giống nhau!?
Câu hỏi chính của tôi là có cuốn Kim Vân Kiều truyện bằng Hán Văn qua Nhật năm 1763 hay không? Vì sao Benoit lại nói đó là cuốn Song Kỳ Mộng truyện, thì giáo sư lại đưa ảnh các cuốn đó để tạo một suy luận trung gian thôi. Bài hôm nay tôi xin phân tích giáo sư trả lời chúng tôi trong phần bình luận. Chúng tôi vẫn xem đó là ý kiến bổ sung giải đáp thắc mắc:

“Đoàn Lê Giang:
Gửi thêm cho nhóm bác Lạc Nguyên mục từ "Kim Vân Kiều truyện" trong "Trung Quốc văn học đại từ điển", tập 5, xuất bản ở Đài Loan, 1991, trong đó có nói rõ: Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết bạch thoại của Thanh Tâm Tài Nhân đời Thanh (chỉ biết hiệu như vậy mà không biết tên thật là ai), có 20 hồi. Bản cổ hiện lưu ở Thư viện Đại Liên (Đổng Văn Thành đã đọc được bản này) và Thư viện Nội các Nhật Bản. Hai bản này đều được Benoit và Nguyễn Nam nhắc đến. Tác phẩm này còn có tên "Song kỳ mộng" (bản ở Harvard Yenching có tên này). Sau đó từ điển thuật lại toàn bộ nội dung tiểu thuyết đúng như Kim Vân Kiều truyện mà ta đã biết..."
(Những nội dung Khuyên bảo khác chúng tôi không quan tâm)”

Ở bài viết năm 1995 nói trên, bài viết năm 2015 so sánh Phong tục Kim Ngư nữ với Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện. Trong đó lai lịch của Kim Ngư nữ là phóng tác từ Thông tục Kim Kiều truyện. Truyện này giáo sư cho là được dịch từ cuốn Kim Vân Kiều của TTTN năm 1763. Trong 2 bài viết 1995 và 2015 Giáo sư không hề nói Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân còn gọi là Song Kỳ Mộng truyện. Chi tiết này giáo sư mới trả lời tôi sau khi tôi hỏi lại một ngày. Vậy giáo sư thừa nhận cuốn được dịch đầu tiên ở Nhật năm 1763 tên là Song Kỳ Mộng. Benoit nói và tôi thuật lại không sai.

Mấu chốt vấn đề là chỗ đó. Nhưng còn bước thứ hai vì sao tự động giáo sư gọi tên Song Kỳ Mộng khuyết danh thành Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân?
Nếu giáo sư chứng minh được hai cuốn đó có cùng tên và cùng một nội dung thì không có gì tôi phải thắc mắc. Đương nhiên giáo sư không chứng minh được thì tôi nói giáo sư đã cố ý áp đặt để bảo vệ quan điểm của mình.

Đây là việc đối chiếu 2 tư liệu giữa Benoit và giáo sư. Giáo sư đã trình bày chuỗi suy luận trên.

Riêng đối với tay ngang thì những bằng chứng đó cho phép giáo sư suy diễn thôi, không thể xem là sự thật đã chứng minh xong. Bởi vì Thông tin Benoit vẫn khác, (có ảnh kèm). Vì vậy bổ sung của giáo sư chưa thuyết phục. Giáo sư đã có cuốn của Benoit không tin thì giáo sư so lại. Ở đây xin nhắc nhanh cho bạn đọc dễ hiểu khi đọc ảnh:

 - Một là, Song Kỳ Mộng truyện lưu tại thư viện Đại Liên khuyết danh. Nội dung Song Kỳ mộng là lược bản của Tiểu thuyết Câu Trần. Chúng tôi không biết Tiểu Thuyết Câu Trần viết gì nhưng không thể tin nội dung nó giống Kim Vân Kiều A953. Lý do Tả Đông năm 1962 miêu tả trong : “Quan vu Vương Thuý Kiều cố sự nhất điểm bổ sung” thì Song Kỳ Mộng chỉ là một bổ sung cho câu truyện Vương Thuý Kiều. Trong khi truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài chỉ 3 trang giấy in. Vậy thì một điểm bổ sung, chứ không phải nhiều điểm bổ sung, cho ta biết có thêm một tình tiết nào đó, chứ không phải là toàn bộ tình tiết biến một truyện ngắn trở thành một cuốn tiểu thuyết dài hơi giống A953.

- Hai là: Song Kỳ Mộng, chính học giả người Hoa Tôn Thất Đệ đã ghi trong cuốn Trung Quốc Thông Sử năm 1930, ông còn nói Kim Vân Kiều biệt tích ở Trung Hoa. Nếu hai cuốn là một thì sao ông nói vậy? Và sao mãi đến 1981 Đổng Văn Thành mới tìm thấy? Nếu ngày nay ai đó trưng ra bức ảnh bìa rất cũ ghi Song Kỳ Mộng truyện tức KVKT của TTTN là tin được sao?

Như vậy, từ bằng chứng lịch sử thư mục người Hoa, không có lý do gì gọi Song Kỳ Mộng khuyết danh thành Kim Vân Kiều truyện tác giả là TTTN được. Cho nên cuốn Song Kỳ Mộng Truyện lưu tại Nhật không phải là Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân như giáo sư trả lời.

         
                              Thẩm tra các bản Kiều tại Nhật

Cuốn Kim Vân Kiều lưu ở Tokyo là cuốn khác với Song Kỳ Mộng truyện. Giáo sư có bị nhầm không? Các bản Kim Vân Kiều lưu tại Tokyo tiêu đề đầy đủ gần giống như A953 quyển 2: Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện (không nhắc tới Kim Thánh Thán Ngoại Thư). Đây mới là bản đáng nói, vì nó giống với A953 chứ không phải cuốn Song Kỳ Mộng truyện dịch năm 1763 mà giáo sư nghĩ là Kim Vân Kiều truyện của TTTN, do Đại Từ điển Tàu 1991 ghi ào. Họ muốn ghi sao chả được. Họ có thiệt gì đâu mà lợi là cái chắc.

Cần nói tại Nhật có 2 bản Kim Vân Kiều. Một lưu tại Đông Dương nghiên cứu Sở thuộc Đại học Tokyo, một lưu tại Nội các văn khố. Một quyển gọi là in thời nhà Thanh nhưng cả Tôn Thất Đệ lẫn Benoit không xác định được niên đại. (Nhà Thanh tồn tại đến 1914, sau Nguyễn Du mất 94 năm), do đó chưa đủ căn cứ nói “nhà Thanh” là phải trước Nguyễn Du. Theo Kin Un Gyo Ko học giả Nhật (Kim Vân Kiều khảo), mặt sau quyển 4 tức quyển cuối cùng lưu tại Đông Dương Nghiên cứu Sở có in: niên đại Văn Uyên 32 tức 1938. Nghĩa là nó được in sau A953 Việt Nam đến 54 năm. Đây mới là bằng chứng quan trọng, vừa giống A953, vừa xa niên đại 1884, cho thấy nó có thể là truyền bản của A953 Việt Nam chứ không nhất thiết từ Tàu. Vì sau 1925 thì bản A953 của Việt Nam đã được dịch và tái bản liên tục, nghĩa là các dịch giả đã có bản sao.
Giáo sư có chụp ảnh cuốn Kim Ngư nữ lẫn Thông Tục Kim Kiều truyện là 2 cuốn truyện tiếng Nhật. Cuốn trước là phóng tác cuốn sau. Nhưng cuốn Hán Văn để dịch ra Thông tục Kim Kiều truyện tiếng Nhật lại không có (vì thực sự nó không còn)

       
                                  Văn Uyên 32: năm 1938

Ảnh cuốn Kim Vân Kiều ở Nhật có ghi Thanh Tâm Tài Nhân là nguồn tin cậy nhưng như nói trên không có niên đại, và một cuốn thứ 4 niên đại 1938. Ảnh giáo sư nêu không phải là cuốn qua Nhật năm 1763, thời điểm mà chúng tôi cần chứng minh. Như chúng tôi đã nói trong nhiều bài khác, cái tên Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện ở Việt Nam năm 1925 và năm 1926 Cổ Thực đã ghi vào thư mục trong một cuốn văn học sử Trung Hoa rồi. Cho nên cái tên Thanh Tâm Tài Nhân 1938 không còn giá trị đối chứng với Thanh Tâm Tài Tử 1830 của Minh Mạng, xuất hiện trước 100 năm.

Tiếp thêm điểm nữa, giáo sư trả lời tôi trong phần bình luận:  
“truyện Vương Thuý Kiều được phát hiện ở nhà bác ruột của Nguyễn Du chứng tỏ Kim Vân Kiều truyện của TTTN đã từng lưu truyền qua Việt Nam”.

Xin thưa, Truyện Vương Thuý Kiều đâu phải là truyện Kim Vân Kiều? Nhận định này cho thấy giáo sư sao sao ấy! Chẳng lẽ giáo sư không biết sự khác nhau giữa một truyện ngắn và một tiểu thuyết trường thiên. Còn nếu đã biết thì vô tình giáo sư ủng hộ chúng tôi, vì chúng tôi đã khẳng định điều này.

Truyện Vương Thuý Kiều là truyện ngắn 3 trang giấy của Dư Hoài. Chính là truyện Nguyễn Du đọc trong Lục Phong Tình và đã mượn tên 3 nhân vật: Kiều - Từ Hải- Hồ Tôn Hiến cộng với các nhân vật hư cấu làm nên tập thơ Kiều. Có thể Nguyễn Du còn kết hợp thêm phần cuối truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, vai cháu rể nhưng lớn tuổi hơn Nguyễn Du, là cuốn truyện thơ Nôm hay nhất trước Truyện Kiều. Lời thơ Nguyễn Du ảnh hưởng ngôn từ Hoa Tiên khá nhiều. Ai đọc Hoa Tiên thì thấy rõ.
Nguyễn Du còn kết hợp với kiến thức uyên bác sử sách nên mới gọi đích danh: Hồ Tôn Hiến, trong khi Thanh Tâm Tài Tử chỉ gọi theo Vương Thuý Kiều của Dư Hoài là: Đốc phủ. Đương nhiên ông còn kết hợp với cuộc đời từng trải, kết cấu nên Đoạn Trường Tân Thanh.
Đồng thời truyện Vương Thuý Kiều, truyện Hoa Tiên cũng là chất liệu cho các Thanh Tâm Tài Tử đi sát bình giảng thơ Kiều hình thành nên cuốn văn xuôi A953.

Tóm lại:
Giáo sư đã đưa thông tin tại Nhật mà giáo sư biết chứ chưa phải là đầy đủ chứng cứ xác định sự thật. Sự suy diễn Song Kỳ Mộng khuyết danh là Kim Vân Kiều có tên tác giả Thanh Tâm Tài Nhân là chỗ gãy của chuỗi suy luận, nếu không muốn nói là suy luận buồn cười.

Tin vào tự điển của Tàu năm 1991 hay tin vào công trình tiến sĩ Mỹ từ 1981, là quyền của giáo sư. Nhưng những chứng cứ giáo sư đưa ra tự nó chống lại quan điểm hiện có của giáo sư.
Còn chúng tôi đã trình bày xong sự kết luận Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu qua Nhật năm 1763 là vô căn cứ.

Phần 2:
Hiện tình “kinh” Kim Vân Kiều Truyện của Ông Giáo chủ vô hình Thanh Tâm Tài Nhân tồn tại ở đâu?

Nhân việc giáo sư dẫn nguồn của tiến sĩ Nguyễn Nam trả lời thay cho giáo sư: Những thẫm định mới về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chúng tôi nhắc lại rằng cùng một hiện tượng, một hồ sơ thì mỗi người nhìn nhận lại khác nhau, vận dụng khác nhau. Chúng tôi cũng có chỗ chưa đồng thuận với tiến sĩ Nguyễn Nam, cũng có chỗ đồng thuận.
Nhưng qua thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Nam đã đưa ra hai góc nhìn cơ bản về thái độ của Tàu và của Tây phương, giúp cho ta một cái nhìn tổng quát, không những liên quan đến nguồn gốc truyện Kiều mà còn cho thấy nguy cơ ta đánh mất di sản văn hoá dân tộc.

- Với Tây thì thái độ học giả vô tư, trúng trật gì cũng nói xong rồi đi.

- Học giả người Hoa thì khác, về nguồn gốc truyện Kiều, đến nay họ nói là Kim Vân Kiều truyện, tác giả tên Thanh Tâm Tài Nhân. Xem ra chỉ là một bút hiệu áp đặt mơ hồ, vì Tàu đã cố tình gán cho nhiều truyện từ 1556 - 1707 từ giữa Minh đến đầu đời Thanh nếu khuyết danh đều là của TTTN, nghĩa là ông này sống (132- 151 tuổi). Họ cũng thừa nhận như giáo sư ĐLG đã nói trong trả lời viện dẫn của Đại từ điển 1991: không biết Thanh Tâm Tài Nhân là ai.
Chính học giả họ còn cãi nhau có vị tặng cho Kim Thánh Thán, vị khác tặng cho Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân. Nhưng nhất định không tặng cho Thanh Tâm Tài Tử Việt Nam. Vì giới học thuật tay dọc Việt Nam tự nguyện từ chối cái danh tính ấy rồi! Hội trưởng hội hữu nghị Việt - Trung Bùi Kỷ khi già đãng trí chính thức từ chối chứ ai! (Tường thuật của Hoàng Dật Cầu trong cuốn dịch Kiều ra thơ Hán- Phạm Tú Châu dịch). Tóm lại tay ngang này nghe họ nói Thanh Tâm Tài Nhân là ai họ không biết, nhưng dựa vào bút danh đó thì phải là người Hoa. Hình như họ giải thích Thanh Tâm hợp lại là tình. Tài nhân là người hầu. Tóm lại đó là một người vì tình hữu nghị lâu đời mà cung phụng!

- Từ 1957 đến nay thái độ của học giả người Hoa đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du khác dần. Bắt đầu là Hoàng Dật Cầu khen nức nở Nguyễn Du là thiên tài sáng tạo. Giới học thuật nở mũi vì cái tình hữu nghị ngàn đời bền vững mà Hoàng Dật Cầu nhắc lại. Sau đó về nước tặng lại cho viện Hán Nôm 3 quyển 2,3,4 của nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ in năm 1957 có in Quán Hoa Đường. Tiếp đến là Đổng Văn Thành khóc thảm thiết vì tổ quốc vĩ đại đã bỏ rơi một tác phẩm vô giá. Giới học thuật tay dọc cũng muốn tét mũi. Sau đó là Lý Chí Trung tuyên bố tìm ra cuốn Kim Vân Kiều ở thư viện Đại Liên năm 1981. Viết bằng chữ giản thể, văn phong hay hơn cuốn A953 nhiều, đến nỗi át cả Hồng Lâu Mộng. Mừng thay cho nước bạn!
Nhưng năm 1983, Đổng văn Thành bất ngờ nổ pháo vào tượng đài văn hoá Nguyễn Du: xét toàn diện thì Nguyễn Du đã làm mất vẻ đẹp của Nguyên tác. (nguyên văn bôi bác khủng khiếp chúng tôi sẽ đăng sau). Giới tay dọc Việt Nam ngơ ngác. Chú người Việt gốc Hoa An Chi viết bài phân tích thừa nhận Nguyễn Du dịch chuyện Tàu mà dịch hay, Đổng chẳng hiểu thơ lục bát. Trần Ích Nguyễn Đài Loan phản đối Đổng tựu trung cũng như An Chi. Để chắc ăn ông xin vào viện Hán Nôm tham khảo. Được tiếp đón trân trọng. Để trả ơn, Trần giúp Viện Hán Nôm sắp xếp cổ thư. Rốt cuộc tất các vị bạn bè hữu hảo đó đều xâm nhập được tài liệu viện Hán Nôm. Có tác động thế nào không rõ, nhưng Trần Ích Nguyễn nghe nói chưa vào thư viện quốc gia, nhưng thống kê trên mạng tất cả các tác phẩm nào liên quan tới Kiều đều chú thích: nguyên tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân! (bảng này chúng tôi đăng trong bài : Suy nghĩ về số phận của Truyện Kiều)
Và từ 1983 đến nay người Hoa đang ra sức trau chuốt lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản Lý Chí Trung). Những bài viết sau này của họ nếu không chê Nguyễn Du thì cũng khen Thanh Tâm Tài Nhân tót vời. Ngày nào đó tác phẩm Kim Vân Kiều truyện sẽ lên phim, người ta sẽ yêu nàng Kiều Trung Hoa, thế giới sẽ chỉ biết đến TTTN Trung Quốc. Không thấy diễn biến đó có gì giống như quan hệ hữu hảo để gặm dần Hoàng Sa, Trường Sa, rồi lưỡi bò, Tư Chính đó sao? Vì bản đồ biển Đông của Tàu có từ thời Đường. Theo họ là thuộc chủ quyền của Tàu không thể tranh cãi!

- Thái độ “học thuật tay dọc” Kiều học làm gì cho dân tộc trước thái độ của học giả Tàu? Họ đi từ không biến thành có, từ cái có cuốn bình giảng dỡ hơi của người Việt biến thành tuyệt tác Trung Hoa.
Khởi đầu âm mưu khó thấy, vài bậc đàn anh ngây thơ, họ đã khuất không trách. Còn tay dọc hôm nay họ làm gì? Hoá ra họ chỉ giỏi gà nhà đá nhau. Tiếp cái loa cho Tàu. Đôi người vờ phản đối trên cơ sở khẳng định Nguyễn Du đã dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng như An Chi thôi, chẳng có gì lạ. Họ bỏ qua tính dân tộc, họ nhân danh điều gì? Khoa học, sự thật chăng?

Cho dù bằng chứng giáo sư nêu ra chắc ăn như bắp (huống chi bằng chứng đến nay cũng mơ hồ đã trình bày trên) thì cũng chỉ từ 1995. Thế thì sao giáo sư lại khẳng định điều này Nguyễn Du dịch Kim Vân Kiều Truyện từ 40- 50 năm trước? Có phải rằng từ thời đó “Kinh Kim Vân Kiều Truyện của ông thánh Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu” đã và đang tồn tại trong đầu các vị tay dọc, rồi truyền trong sách giáo khoa cho thế hệ sau, trong đó có giáo sư, một niềm tin vong thân không?

                                                                           Lê  Nghị

(còn tiếp bài 3: CÁC VẤN ĐỀ VĂN BẢN Ở VIỆT)
READ MORE - CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN” (Bài 2) – Lê Nghị

MẮC SÁNG - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


MẮC SÁNG
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
           
           Chị Hiền dùng hết sức mình kéo mẻ lưới cuối cùng trước khi ánh chiều tà trên con sông buồn tắt hẳn. Trời đã chạng vạng tối, trong cái nắng tắt và cả cái tiếng kẽo kẹt của khúc gỗ mắc lưới nghe đâu đó có tiếng khóc của đám trẻ đói càng làm chị mau guồng tay của mình hơn. Đàn bà chài lưới ở bến sông này đâu có thiếu, đàn bà một nách mấy con phải nuôi cũng thường. Cứ nghĩ như vậy rồi chị tự cho rằng mình không khác biệt, sẽ chẳng được trời thương trời đoái hoài gì nên thôi  mơ về những việc có phép màu, cứ tự thân mình mà sống. Thằng Đức đưa tay thắp cái đèn con móc lên phía đuôi ghe ngúng nguẩy:
-Má, nãy bắt được con chình to lắm. Má để làm chua liền hay để lu mai ăn?
-Nhà còn mớ cá cơm. Con này để lu đi.
Chị nghe trong tiếng “dạ” của thằng Đức có chiều tiếc rẻ. Đến khổ, “mớ cá cơm” mà chị nói nhà cũng cứ hâm đi hâm lại ăn mấy ngày rồi nên có lẽ thằng Đức cũng ngán. Chị muốn nói với con thôi để thay món khác nhưng nhìn cái đồng lúa mất mùa, nhìn vài đồng tiền lẻ còn trong túi chị đành im lặng. Cái bứt rứt của một người mẹ nó thấu tim gan chị, nó đi vào trong ánh mắt của thằng Đức. Nó nhìn má nó ngồi ngẩn ngơ buông tay lưới mấy lần, chị tiếc rẻ:
-Quang mẻ cuối rồi về, sắp nhỏ nó đợi.
Vừa nói xong câu đó chị nghe tiếng thằng Đức nhảy sông cái uỳnh, cứ như chờ má nó buông lời. Được một lúc nó trồi lên cười hì hì chỉ vào cái lưới kéo lên của má nó, chị còn không hiểu gì thì nó í ới chỉ vào khúc góc lưới, một ánh sáng lấp lánh vảy bạc đang mắc vào lưới, nhìn kĩ thì hóa ra một anh trắm cỏ. Nhìn thấy con trắm đó miệng chị cười tươi còn thằng Đức cũng bơi lại gỡ con trắm cho vào thuyền. Chiều nay cả nhà đổi món. Chị vẫn hay gọi những con cá mắc vào lưới những đợt cuối ấy là ánh sáng mắc vào lưới. Vì dưới buổi chiều những ánh sáng trên những chiếc vẩy bạc của chúng lấp lánh cả một khoảng trời tối mịt. Hơn nữa cái thứ ánh sáng le lói ấy lại như chiếu thẳng vào lòng chị, như một tia hi vọng đâu đó vào kế sinh nhai. Kì lạ một điều thể nào mẻ lưới cuối cũng dính cá, dù không nhiều, có khi là vài anh rô tinh nghịch không chịu về nhà, có khi là anh trắm, anh chình, nhưng nó là cả niềm vui, niềm hi vọng của chị.
         Thằng Đức cởi phăng cái áo rồi ra múc nước trong lu xối ào ào, cái lạnh cắt da làm nó hơi rúm người lại. Thằng Út chạy lon ton đón má và anh nó bĩu môi:
         -Anh Đức hôm nào cũng nhúng người ướt làm hôm sau phải giặt thêm một cái áo.
         -Ai mượn mày giặt? Có bao giờ tao để mày làm caí gì của tao đâu.
         Chị Hiền mệt mỏi đặt người xuống cái chõng tre, ba bốn đứa con chạy lại ôm lấy chị như khát thèm sữa mẹ.
Đức là con lớn của chị, nó hay theo chị ra chợ, đi dặm lúa, đi tát nước mương hay chài cá, úp cá. Nhìn nó nhỏ người vậy thôi nhưng năm nay cũng lớp tám rồi. Sau nó còn những ba đứa em mà đứa nhỏ nhất mới lên sáu. Chồng chị nghe theo người ta bỏ làng lên phố đổi đời rồi bặt vô âm tín ba bốn năm nay, mình chị ngày ngày nhận mối cá ra chợ bán, nhiều khi vườn rau trổ trái, lá xanh cây, hay chiều về sớm, chị lại cùng thằng Đức ra đồng úp cá bán thêm cho buổi chợ sớm. Thằng Đức vò vội cái áo rồi mang ra cây phơi, nằm trên chiếc chõng tre chị ngoái nhìn ra thấy nó đứng bần thần nhìn ánh trời rơi xuống vàng vọt trên vai rồi chìm trong bóng đêm hiu quạnh. Nó đứng đơ người nhìn ra cái cồng tre kéo vội một lúc lâu, chị biết cho tới tận bây giờ nó vẫn luôn mong sẽ có bóng dáng một người đàn ông đẩy cửa bước vào ôm chầm lấy nó.
        Chị ho vài tiếng làm thằng Đức giật bắn người, nó chạy như bay vào nhà, thắp trong nhà một cái ánh đèn dầu leo lét, nó ấn ấn chị nằm xuống chõng:
        -Má nằm đó, con làm con trắm này rồi bưng lên cho má ăn.
         Chị uể oải:
        -Lát chạy qua nhà bác Bốn mua ít dầu, dầu gần hết nên đèn cứ chực tắt, nó mà tắt là sắp nhỏ lại không học bài được.
         Thằng Ba chen vào:
        -Bữa giờ mình nợ bác Bốn tiền dầu, ổng hông chịu bán nợ cho mình nữa má ơi.
        -Không sao đâu má- thằng Đức ngoắt đầu- hồi sáng con bắt lũ dế bán cho tụi thằng Bếu nuôi chim, tụi nó trả con chục ngàn, để con qua trả ổng rồi mua.
        Dạo gần đây chị hay đau đầu, chợ bắt đầu cạnh tranh hàng cá, người người kiếm kế sinh nhai. Chiều trễ chị lại cùng thằng Đức ra đồng, thằng Đức lại ngụp lặn bơi, chị kéo mấy mẻ lưới liền cũng không có cá, đành buông bỏ, lại tặc lưỡi “ mẻ cuối rồi về”, thằng Đức ngồi thở dốc trên ghe co ro, cuối góc lưới, mấy anh rô hiện lên vẫy đuôi đành đạch, chị lại cười, bao giờ mẻ cuối cũng nên chuyện.
***
        Thằng Đức mếu máo vừa khóc vừa chạy về, áo quần nó xộc xệch còn mặt hơi tướm máu. Vừa thấy nó chị hoảng hồn chưa kịp hỏi thì nó đã bấu tay chị:
        -Má, má không có phải không? Tụi lớp con nói xạo phải không má?
        -Nói xạo? Nhưng nói xạo chuyện gì?
        -Tụi lớp con nói má bán cá ươn cho tụi nó, má trộn những con đó với đám cá tươi, còn mấy con ươn nặng thì má cho muối bán.
        Chị hơi bần thần không nói nên lời, thằng Đức hiểu chuyện nó khóc bù lu bù loa cả lên bỏ ăn mấy ngày liền
Sinh ốm. Kể từ ngày đồng bắt đầu ít cá mà thương lái lại cứ tăng giá thành chị mới nghĩ ra cách muối cá ươn bán, vừa bớt mùi vừa đỡ phí những con cá qua ngày. Bán lâu thì những người sành ăn cũng dần nhận ra, mặc cho bao điều tiếng chị vẫn cứ tiếp tục, bán rẻ hơn một xíu miễn là kiếm được tiền, chị vẫn cứ bỏ ngoài tai mọi thứ miễn có tiền lo được cho sắp nhỏ. Chị đã nghĩ dù thiên hạ có cười vào mặt chị cũng đành, thế nhưng dường như nụ cười mai mỉa của mọi người không thể nào bằng nổi giọt nước mắt của đứa con trai lớn khi nó gào lên trước mặt chị:” Con không tin, con không tin má làm vậy. Má dặn con không bao giờ được làm việc xấu cơ mà”. Chị nấu bát cháo hành nhưng thằng Đức không ăn, nó lên cơn sốt cứ nằm mê sảng, chị dắt thằng Ba ra đồng để chài cá, hi vọng kiếm được con cá về nấu mẳn cho thằng Đức. Nhưng chài miết cũng không thấy cá, chị bật khóc, ngay cả mẻ lưới cuối cùng cũng không có. Thằng Ba nhìn mẹ khóc rồi nói:
        -Về thôi má, hôm nay không có anh hai, mẻ lưới cuối cùng của má không có cá đâu.
        -Sao con nói vậy?
        -Anh hai dặn con không được nói với má. Hôm nào cũng vậy ảnh cũng dậy sớm úp cá hết đó. Xong ảnh giấu nó, đợi tới khi má thả lưới cuối ảnh lại giắt cá vào lưới cho má kéo.
        Chị bật khóc như mưa trước tâm tình của đứa con nhỏ. Thì ra bấy lâu nay nó vẫn luôn biết chị luôn hi vọng  vào những mẻ lưới cuối như niềm tin vào cuộc đời này nên dù trời lạnh thấu xương thì chỉ cần để ý chị nói kéo lưới cuối là nó lại nhảy ùm xuống nước để giắt cá vào. Những ánh sáng trên những chiếc vảy bạc cứ như tấm lòng mà nó giành cho má nó, giữ cho má nó chút niềm tin vào cuộc sống này. Chị chèo thuyền về nhà ôm thằng nhỏ còn đang sốt, nó thều thào:
         -Má, má về rồi hả?... Con không giận má nữa đâu.. Nhưng má đừng làm vậy nữa… Kì lắm. Con khỏi bệnh rồi mình làm lại từ đầu, làm ăn đàng hoàng má nhá.
        Chị gật đầu liên tục. Mấy đứa nhỏ nhìn má, nhìn anh hai nó khóc cũng khóc tu tu theo dù không biết rõ chuyện gì.
        Hôm nay, theo chị đi chài còn có thằng Ba, mấy đứa nhỏ ở nhà thì thay phiên nhau làm việc nhà chờ má và mấy anh về, đứa nào cũng ý thức được mình cần phải “ lớn”. Đồng về nước, cá tràn về, chị cùng hàng xóm làm cái ao nhỏ dắt nước về nuôi cá. Mấy ngày trước chị nhận được thư của anh, anh sắp về, không cần biết thành công kiếm được tiền hay không, chỉ cần anh về là chị đã thấy cuộc đời mình sẽ đổi khác. Đang miên man suy nghĩ chị nghe thằng Đức hét lên:
        -Má, má, có con cá mắc vào lưới mẻ cuối. Hệt như ánh sáng mắc vào.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

READ MORE - MẮC SÁNG - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân