Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 30, 2019

TÔI TRỐN ĐI ĐÂU - Thơ Trần Mai Ngân



TÔI TRỐN ĐI ĐÂU ...

Tôi trốn đi đâu tháng Năm ơi!
Khi Phượng đỏ và Bằng Lăng tím trời thương nhớ
Bao nhiêu năm vết thương như vẫn còn rất mới
In sẹo hằn sâu ngày lặng lẽ chia xa ...

Tôi trốn đi đâu để dĩ vãng xoá nhoà
Đôi mắt ấy, níu tôi như trượt ngã
Và từ đó quê nhà thêm buồn bã
Câu hát ru con, ru nỗi ngậm ngùi ...

Tháng Năm rồi. Mưa sẽ rơi rơi
Bằng Lăng tím chơi vơi theo gió
Cho tôi trốn giấu mình nơi đâu đó
Vỗ về tôi năm tháng đã qua!

               Bằng Lăng nào nhạt tím phôi pha
               Và mai mốt ... chắc lòng tôi cũng lạ!

                                        Trần Mai Ngân

READ MORE - TÔI TRỐN ĐI ĐÂU - Thơ Trần Mai Ngân

Sunday, April 28, 2019

TA ĐI CHO HẾT CÂU THỀ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê thanh Hùng
          Ta đi cho hết câu thề

Những con đường rẽ chia nhiều ngã
Bao dấu xe trùng lấp lên nhau
Đọng lại một vệt hằn khúc xạ
Bong vỡ chiều, dáng cỏ cồn cào
                    *
Những điểm tương đồng, điều dị biệt
Trộn lẫn nhau trên mỗi con đường
Như khói sương giăng, trôi mê miết
Mờ xa dần chỉ dấu lưu hương ...
                    *
Cái mới chưa có, cần nhìn mới
Về những điều xưa cũ nghìn năm
Như gió giang hồ đâu phải đợi
Nhịp võng đưa tiếng vọng xa xăm
                    *
Phai nhạt niềm tin, càng mê tín
Lối mòn nào năm tháng quẩn quanh
Lấp lửng trong thói quen nhẩn nhịn
Đổ thừa cho dự định không thành
                   *
Trên dặm xa con đường ta chọn
Võ vàng treo trắc trở đam mê
Dẫu đã biết có điều giả đoán
Vững lòng đi, đi suốt câu thề ...
                                     VIII/17
          Lê Thanh Hùng


Bàu Trắng trong mùa mới

Mờ xa rừng cây trụi lá
Sen tàn, Bàu Trắng buồn hiu
Bỗng nhiên vỡ oà yên ả
Mướt xanh tưới đẫm mộng chiều
                  *
Mắt trong, môi cười đằm thắm
Thanh long trúng giá, được mùa
Đất cát, mùa màng lạ lẫm
Sức người, thách thức phân bua
                  *
Gió cát, bao đời vẫn vậy
Đói no phận mỏng nhờ trời
Tháng năm theo mùa dun đẩy
Cơm áo xoay vần hụt hơi
                   *
Đói nghèo làm sao ngăn được
Khát khao cháy bỏng đất này
Bao đời quyện cùng vận nước
Máu xương còn đọng đâu đây
                   *
Quê hương trở mình đứng dậy
Tơ non lộc biếc xuân thì
Mướt xanh ngút ngàn nắng chảy
Mùa vàng cuốn dấu ngày đi ...
          Lê Thanh Hùng


Phượng tím bên đường

Lặng lẽ
Bên đường
Chùm hoa phượng tím
Đà Lạt
Run
Trong ly rượu
Xây chừng
Góc phố
Dốc quanh co
Đong hoài niệm
Nơi đó
Ngày nào
Ta đã xoay lưng ...
                 III/18
          Lê Thanh Hùng
    Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - TA ĐI CHO HẾT CÂU THỀ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

NƠI NÀY - Thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện


NƠI NÀY

Em ghé nơi này làm gì? cho
nó muộn chả nói được chi? chòi
vĩnh biệt lạnh lùng anh nằm đó
xuôi tay trong ván gỗ thân tình
còn giòng nước bạc vàm sông mình
đến với nhau rất là vớ vẩn
dăm câu thơ[ chuyện nắng sớm trên
đầu đời con ghế bay theo tà
áo lụa rất lanh chanh chả biết
nhuộm mấy mầu? 1 vài câu còn
gọi là thơ 20 câu thật đáng
chỉ câu giờ chuyện trai gái trước
sau đều có thế nào hồ xuân
hương xuân diệu thơ thơ theo nhau
thời cũng theo chả nổi kẻ ở
đầu tiêu kẻ cuối tương có thương
cũng chỉ thương vô cớ có nhớ
chẳng qua nhớ vô cùng bậu qua
cũng chỉ 2 người khách rất hữu
tình nên chỉ kỳ thanh thơ bậu
đọc qua dăm ba đoạn mà qua
đứt đoạn 1 tấm lòng quê bậu
có giòng sông sâu đó quen nhau
muộn quá cũng vô cùng

Chu Vương Miện
Nguồn: voque.org


READ MORE - NƠI NÀY - Thơ Chu Vương Miện

Chùm ảnh HOA NHẬT QUỲNH - Chu Vương Miện








READ MORE - Chùm ảnh HOA NHẬT QUỲNH - Chu Vương Miện

NGÀY VỀ PHIÊN CHỢ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân



NGÀY VỀ PHIÊN CHỢ
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

Đã lâu rồi mới lại có dịp ra chợ cùng với má. Từ độ lên phố học, lâu lâu mới về một lần, có khi hè đến, tết về cũng không về được vì vé tàu xe đắt quá hay ở lại phố kiếm thêm thu nhập, bỗng những lần bên má trở nên ít ỏi. Lần này về ở cũng chỉ non tuần, nhưng cũng cảm thấy vui, muốn cái gì cũng bên má, thế mà ngủ dậy mặt trời đã quá con sào, chưa giúp được gì, sẵn thấy má xách cái xe cà tàng ra, vội lăng xăng nhảy phốc lên yên "để con, má”. Má đã gánh hàng ra chợ từ sớm, bán hết cữ, giờ về lấy thêm cho kịp phiên chợ trưa.
Chợ vẫn đông như ngày nào, có cái mùi của sự bận rộn. Khi tôi về cô Đồng bán cá vẫn hay lăng xăng mượn tôi làm cái cớ cho má mua:
-Thế cháu nó về mua đầu cá cho cháu nó ăn, nấu canh lên là ngon hết ý
Lúc đó tôi hay lúc khúc cười vì cái duyên của người hàng chợ rồi nghĩ thầm nhiều thứ lúc đang xách đồ cùng má nữa. Có vài tiếng í ới cò kè bớt một thêm hai, có cả những tiếng cãi nhau và những tiếng chửi mắng nữa kìa, chợ lúc nào cũng ổn như thế. Đôi giọt mồ hôi trên người má rơi ra vì nóng và thấm mệt, má sắp lại mớ đồ cho gọn trong cái tiệm tạp hóa nhỏ y như một cái chòi giữa chợ của mình. Cũng cái tiệm nhỏ xíu ấy đã nuôi tôi lớn và giờ cũng nhờ những giọt mồ hôi ấy đã đưa tôi vào giảng đường đại học. Thời còn ngây dại, tôi đã luôn lăng xăng khắp cả khu chợ nên hầu như ai cũng biết tôi, má lại dễ gần, hiền lương nên con cái cũng được phúc lây. Gặp lại tôi ai cũng xuýt xoa: "Ôi chao, con bé lớn thế này rồi cơ đấy, mới ngày nào còn ỏn ẻn”…
Nhìn má đếm những đồng tiền lẻ xếp lại ngay thẳng bỗng thấy thương, nhưng rồi vài tiếng quát của bà chủ chợ làm tôi giật mình:
-Có mười ngàn thôi mà cũng cò kè, tôi để chị ngồi đây bán là tốt lắm rồi đấy, mệt bở cả hơi.
 Người đàn bà bị quát xếp lại sạp hàng nhỏ của chị không nói gì, móc tiền ra rồi lúi húi dọn, để bà chủ chợ đi xa, thỉnh thoảng quay lại lườm nguýt. Đó là cái lý của người chủ, mình không thể làm gì giúp họ được. Chợ này người ta xây, người ta cho mình mướn chỗ, phải nộp tiền là đúng thôi, dù có bán được hay không, cắc cớ gì cũng phải đưa đủ, tôi chợt nhớ tới tiếng quát của lũ cai tổng thời xưa vẫn hay thu sưu, thu thuế dân nghèo mà tôi đọc trong sách vở. Cũng có nhiều lúc tôi tự hỏi nghề này nghề kia bán sao cho có lời, có những nghề như bán mấy thứ hàng vặt, cốc chè nhỏ chỉ đôi ba ngàn thì sao lời gì được mà người ta cũng nai lưng ra bán, để rồi đám bạn cốc lên đầu rõ đau bảo ngốc, cứ tình hết những nồi chè, một nồi được vài chục ly thì sẽ được bao nhiêu, trừ ba thứ lời lãi ra, ý ý cũng là lời được chút đỉnh, ý là như vậy. Má vẫn hay bảo tôi thích thắc mắc nhiều về cuộc sống, mỗi ngày trên ghế nhà trường, thứ mình học được rất ít khi có thể áp dụng vào thực tiễn hàng ngày, cái chính là cái mình học trên trường đời, khi nhà trường tất cả dường như dạy trên một khuôn mẫu có sẵn, mà cuộc đời, đâu phải chỉ có một tình huống được đặt ra.
Thỉnh thoảng tôi hay nhìn những gánh hàng được đặt cạnh nhau, khi chưa có khách các chị thành những người “cùng chí hướng bán buôn”, tâm sự đủ thứ trên trời dưới đất cho qua phiên chợ,  ý thế mà khi khách đến, kẻ giành người giật í ới đủ thứ rồi thậm chí còn này kia nhau. Mới về được bữa hôm mà tôi đã nghe má kể về cô Tám với cô Mai, hai cô hàng bánh hỏi, người này giành bánh ngon hơn, người kia giành khách, hơn có đôi ba ngàn mà ồn ào cả một góc chợ, ấy rồi thị phi kéo đến sau những toan tính, những lần cãi nhau này dây làm không nhìn mặt nhau, mà dân hàng chợ thì “tiếng lành đồn xa” dữ lắm, mấy chốc là có đủ điều kiện quyết định một con người!
Khi tôi xớ rớ tính mua mớ tía tô về nấu cơm ở hàng chị Bảy thì nghe tiếng chào mời của sạp bà Đoan ngay sát:
- Mua trái bí này về ăn nè bé, bí to mà tươi lắm, ngọt nước thôi rồi, mua đi, bà lấy rẻ cho.
- Dạ con mua tía tô ăn được rồi bà.
Mới từ chối non nửa thì đã vội nghe tiếng nguýt dài:
- Vậy thôi đứng xích qua chỗ kia cho người ta còn bán hàng, đứng gì che hết cả sạp, hèn chi ế.
Chả là sạp chị Bảy đông quá tôi chưa chen vô nổi, đứng xê qua hàng bà một tí, ấy thế mà…Tôi nở nụ cười mua vội mớ rau rồi đi thẳng không quay nhìn cũng biết bà đang phe phẩy cái quạt đuổi đuổi ở sau lưng.
Lại đứng nhìn người ta mua mớ sung, nghe mười ngàn một chùm nhỏ, có bà kia tới mua ba chùm mà cứ đòi trả “hai mươi thôi", rồi sau tăng lên được hai nhăm, chị hàng vẫn không chịu, một hai đúng giá, thế là bà kia ngúng nguẩy đi nhưng nghĩ gì rồi cũng quay lại mua, thế là chị hàng niềm nỏ xông xáo bỏ vô bị bằng nụ cười tươi rói, trong khi vừa nãy còn suýt chửi vì tính keo kiệt của bà ấy.
Tan buổi chợ, tôi chở má về nhà, gần nhà tôi có hai đứa nhỏ đang bán những trái dừa, thấy dừa đẹp má tính mua ít trái, má nhẹ nhàng hỏi dừa này ở đâu, hai đứa nhỏ chỉ độ 7,8 tuổi, tay chặt miệng nói :
- Dạ ba con hái, dừa nhà trồng đấy cô, không có nhiều, bán chỉ được một ít xài thôi cô, chứ để nhà cũng rụng hết
- Hai mươi ngàn hai quả hả con? Sao con không vào chợ bán? Trong dó bán cũng hai lăm, ba mươi một trái đó
Hai đứa nhỏ cười lúc lắc đầu:
-Dạ thôi cô, con bán đủ được rồi, vô đó ăn thua mệt lắm cô, với lại con cũng không có tiền mà thuê một sạp hàng trong đó
Tôi đạp xe về, quay lại thấy có một người khách ghé qua mua nhưng lựa rồi không mua để hai đứa bé cười hớn hở, rồi khi khách đi, chỉ nở nụ cười buồn rồi xếp lại những đồng tiền lẻ… Kì lạ nhỉ, cũng phiên chợ năm xưa, thì ra khi con người ta trưởng thành, con người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ mặt trái quá nhỉ? Những mặt trái ấy không hẳn biến những con người và những sự việc năm xưa thành mặt xấu, chỉ đơn giản để hiểu được, thì ra cái giá phải trả cho cuộc đời này vốn không đơn giản tí nào.

LHHT

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


READ MORE - NGÀY VỀ PHIÊN CHỢ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

Friday, April 26, 2019

NĂM GIỌT NƯỚC TRÊN THƠ - MacDung bình thơ Titi Dang




Năm Giọt Nước Trên Thơ

MacDung bình thơ Titi Dang

Văn học vốn nhiều nghệ thuật tu từ nhằm nâng cao cảm xúc người thưởng thức như chất xúc tác dẫn dắt vào thế giới trừu tượng. Người ta hay nói: Khóc như mưa, như nghệ thuật tu từ thậm xưng, khái quát hóa về nỗi buồn và cơn mưa lệ. Nhưng thật ra mưa: Như trút nước, lại dễ dàng hòa nhập vào trí tưởng hơn là Khóc Như Mưa…

Giọt lệ có khi nào lạ, trong tương tác đời sống giữa người với người hoặc giả giữa người và thiên nhiên, cùng ngoại vật xung quanh. Đau khổ quá đà, sinh rơi nước mắt. Đối diện ngoài vật khiến con người liên tưởng về việc gì đó rồi… cũng khóc. Vậy khóc như trạng thái tâm lý giải tỏa áp lực khi mọi cái vượt ngưỡng, không thể nào kiềm chế được, thế là lệ trào ra. Khóc đâu thể nào là mưa khi đổ giòng và rơi lộp độp vài hạt, mi đã nặng, mắt đã cay, và hầu như quán tính thói quen khiến người ta dùng tay để quệt khô… Khóc Như Mưa là thậm xưng để diễn tả quá đà về nỗi buồn sâu sắc khó bày tỏ bằng lời… Thế là… rơi, rơi… Từng hạt nhỏ tinh khiết mang vị mặn của muối, nếm thì mặn môi, nhưng dạ lại xót cồn cào…

Tôi có duyên tương tác với thi phẩm Rơi của tác giả Titi Dang và cảm xúc dâng trào dẫn đến thói quen viết, mặc dù tôi chưa bao giờ là nhà bình thơ. Khi cảm xúc vượt ngưỡng như nói trên: Một là tôi viết, hai là tôi sẽ… khóc…

Nguyên tác:

RƠI

Lệ rơi đêm đơn lạnh
Tình rơi lạc gối chăn
Sầu rơi tim cô quạnh
Ta rơi giữa cõi trần...

15.04.2018 – TT

Năm từ Rơi mở đầu và đan xen trong bài thơ như một vết cắt xoáy vào tâm trạng người đọc làm bào bọt, xót lòng và nhấn chìm mọi cái xuống tầng thấp trong trạng thái Rơi không điểm dừng. Sức hút đơn từ Rơi, nặng là bao nhiêu? Nhưng theo trí tưởng thì trình trịch lòng, buồn thảm về thực trạng người trong cuộc lẫn kẻ tham gia câu từ. Rơi có thể là mưa! Rơi có thể là lệ. Và Rơi có khi là thực trạng người trong cuộc khi mất điểm tựa, chông chênh, nghiêng triền rồi đổ… Rơi buông thỏng không điểm dừng, khiến người đọc liên tưởng đến tác động Rơi trong không gian đa chiều. Lực tác động vào vật dù nhẹ nhàng, nhưng Rơi là vô định…

“Lệ rơi đêm đơn lạnh”. Đơn, nghĩa là một, dù trong nghĩa “cô đơn” cũng vẫn là một. Trong bóng tối lạnh lùng sự cô độc, ngủ thì thôi, thức thì ai cũng suy nghĩ. Chúng ta sẽ nghĩ gì khi xung quanh toàn bóng tối và đối diện cùng nó với đơn độc? Lạnh, là tính từ, đứng trước lại là số từ thuộc Hán – Việt. Hai từ song đôi, bổ sung nghĩa, để thể hiện sự cô đơn lạnh lẽo đến tận cùng và thế là… Rơi…

Nếu như Tâm ta như một tờ giấy trắng không nhuộm bất cứ sắc màu nào thì khi đối diện với “đơn lạnh” sẽ nghĩ gì? Tức nhiên không có gì để bận tâm cả. Thế nhưng, nếu đã trải qua hơn nửa kiếp con người với bao lận đận, truân chuyên, lại là việc khác. Trong bóng tối, một mình với quá khứ không may, ùa về, vây quanh, nỗi buồn này thật khó diễn đạt. Cách tốt nhất chính là thả thả nổi, buông xuôi, từ đó… Rơi… lệ…

Câu thứ hai trong bài thơ cũng vẫn là Rơi: “Tình rơi lạc gối chăn”. Lạc, ở đây gồm hai nghĩa: Thứ nhất Lạc Mất. Thứ hai Lạc của Vui Hưởng (Hán – Việt). Cho dù bất cứ ở nghĩa nào thì với văn cảnh Rơi, đều bi thảm, gợi buồn vời vợi. Nỗi sầu khi tình đã lạc nẻo bên ngoài căn phòng ấm, để mình ta đối diện với đêm dài khắc khoải, đau thương như tiếng quốc gọi trăng… Rơi sẽ đến như điều tất yếu…!!!

Nếu từ Lạc được xem như Vui Hưởng thì từ Rơi trước nó hoàn thành tốt vai trò kẻ ác khi nhấn chìm hoàn toàn hy vọng. Thế là tuyệt vận may mắn, rồi… lệ sa…

“Sầu rơi tim cô quạnh”. Nếu Rơi ở đây được xem như nói đến vật thể Sầu thì khi xét nghĩa toàn câu lại đưa đến một tình huống “trái tim đã chết”, khô hoảnh, muốn khóc lệ cũng đã cạn kiệt. Buồn, muốn khóc, nhưng mọi cái đều vượt ngưỡng, thoát mọi quy luật là nỗi đau sự chết, cảm giác mất hết, tư duy không buồn nghĩ…

Câu kết bài thơ: “Ta rơi giữa cõi trần”, như chấm hết cho may mắn và chỉ ra sự ngự trị nỗi buồn là Không Thay Đổi. Nó như định luật bất biến của kiếp số từ khi đã chọn Rơi vào cõi đời, buồn nhiều hơn vui… Từ đó khái quát toàn bộ vận mệnh bài Rơi như tiếng than thở của đêm định mệnh mà mọi nỗi buồn đều tập trung vào… Rơi, rơi, rơi, và chỉ… Rơi…

Vô tình hay hữu ý toàn bài Rơi được tác giả thể hiện sinh động ngay cả ngữ nghĩa mà trật tự kết cấu câu cũng có thể biên thiên theo tâm trạng. Cùng một bài, nhưng bằng biện pháp nhân đôi, hoán vị đều hàm chứa nghệ thuật biến hóa của con chữ. Chúng ta thử nhân Rơi thành hai như điệp từ, toàn bài vẫn đủ ý, nghĩa và vẫn ngọt buồn như phiên bản sau:

“Lệ rơi rơi đêm đơn lạnh

Tình rơi rơi lạc gối chăn

Sầu rơi rơi tim cô quạnh

Ta rơi rơi giữa cõi trần”

Biến thể lục ngôn vẫn tuyệt hay! Thế nhưng mọi cái còn độc đáo hơn về vị trí  từ Rơi khi hoán đổi và xen vào bất cứ chỗ nào trong câu vẫn cho ra nghĩa đầy đủ…

“Rơi lệ đêm đơn lạnh

Rơi tình lạc gối chăn

Rơi sầu tim cô quạnh

Rơi ta giữa cõi trần”

Hay:

“Lệ đêm rơi đơn lạnh

Tình lạc rơi gối chăn

Sầu tim rơi cô quạnh

Ta giữa rơi cõi trần”

Hoặc:

“Lệ đêm đơn rơi lạnh

Tình lạc gối rơi chăn

Sầu tim cô rơi quạnh

Ta giữa cõi rơi trần”

Cuối cùng:

“Lệ đêm đơn lạnh rơi

Tình lạc gối chăn rơi

Sầu tim cô quạnh rơi

Ta giữa cõi trần rơi”

Rơi, đúng hoàn hảo, giàu tính nhạc, từ lúc khai sinh và ra mắt. Từ đó thi phẩm đã lọt vào đôi mắt nhạc sĩ đa tài Minh Vũ, và anh tận dụng đầy đủ cái hay của bài thơ chỉ vẻn vẹn có bốn câu để phổ nên một nhạc phẩm độc đáo giới thiệu đến mọi người. Nhạc sĩ Minh Vũ đã phát hiện ra tính hoán đổi của Rơi, để rồi Đọc Ngược tạo ra một phiên bản nữa cho đủ lời, thế là nhạc phẩm hoàn tất thật tuyệt vời…

Rơi, thật sự như Năm Giọt Nước biểu cảm được tác giả Titi Dang đưa vào thi phẩm một cách xuất sắc và từ đó chinh phục người đọc một cách thuyết phục.

Hy vọng với những gì thể hiện, nữ tác giả sẽ còn tiến xa hơn nữa trong quá trình sáng tạo và thể hiện chính mình.

Kết thúc bài viết là lời trân trọng của tôi gửi đến tác giả Titi Dang và cả đối với nhạc sĩ Minh Vũ. Cả hai đã góp phần cho Rơi… rớt vào lòng độc giả lẫn thính giả, với tuyệt phẩm có một không hai….
  
Saigon – 7.8.2018 

MacDung


READ MORE - NĂM GIỌT NƯỚC TRÊN THƠ - MacDung bình thơ Titi Dang

SÀI GÒN NGẬM NGÙI DĨ VÃNG - Thơ Hoàng Yên Linh


Sài Gòn
              Ngậm Ngùi Dĩ Vãng
                                Hoàng Yên Linh

Mấy mươi năm trong đục với đời
Tôi đã thành người lạ với chính tôi
Với bạn bè...
Lạ cả với quê hương.


Khi gặp lại ngỡ ngàng lòng tự hỏi
"Lâu lắm rồi...
Người cũng đã quên..." .

Người ta sống với niềm vui hiện tại
Ai hơi đâu nhắc nhớ chuyện ngày xưa
Tình với nghĩa có gì đâu mà áy náy
Hãy trách mình, đừng trách chuyện đổi thay.

Chiều Sài Gòn khi không mà lạc lối
Thôi tìm về rừng núi với mây trôi
Đời là thế bể dâu là thế
Lại một mình ấm lạnh với sơn khê.

Chiều Sài Gòn
Thèm được làm tên mất trí
Quên ngày xưa và quên cả buồn vui
Chiều Sài Gòn
Men rượu với cơn say...

HYL
4-2019
READ MORE - SÀI GÒN NGẬM NGÙI DĨ VÃNG - Thơ Hoàng Yên Linh

Wednesday, April 24, 2019

VỀ LẠI CỐ HƯƠNG | Thơ Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt
VỀ LẠI CỐ HƯƠNG
Phạm Hòa Việt

Chiều nay về lại cố hương
Cơn mưa nghèn nghẹn con đường tuổi thơ
Mời em chung lối... ta chờ
Em đừng lỡ bước hững hờ tình quê...
Qua từng ruộng lúa bờ đê
Từng con hẻm nhỏ  bốn bề tre xanh
Nhớ ngày xưa em bên anh
Lắng nghe tiếng hát trong mành mẹ ru
Nhớ sao hết hạ qua thu
Cây hè rụng lá mù u chín vàng
Nhớ từng lớp học sang trang
Bỗng nhiên xa cách thiên đàng tuổi thơ
Mời em chung lối ta chờ
Bên nhau như thể giấc mơ nửa chừng...

PHV



READ MORE - VỀ LẠI CỐ HƯƠNG | Thơ Phạm Hòa Việt

XÓM CÙI - Truyện ngắn Kha Tiệm Ly


Tác giả Kha Tiệm Ly


XÓM CÙI
Truyện ngắn
KHA TIỆM LY


“Xóm Cùi!”. Không biêt cái xóm nầy ngày xưa có bao nhiêu người cùi cư trú, nhưng từ lâu suốt cả xóm, người ta không thấy một ai đang mắc chứng bệnh quái ác nầy! Bởi vậy ngày nay khi nói đến “Xóm Cùi, người ta không hề nghĩ về một xóm có nhiều người lở lói chân tay, máu me, nước vàng nhầy nhụa, hay những bộ mặt sần sùi nổi cục nổi nần gớm ghiếc; mà ai cũng nghĩ đó là một xóm lao động bát nháo, đầy đủ mọi thành phần bất hảo: Chôm chỉa, nhậu nhẹt, bài bạc, số đề! Tiếng chửi mắng, rủa xả mở hết vô lum xảy ra như cơm bữa đến nỗi đã làm cho mọi người nhàm chán! Tiếng chân rượt đánh nhau kêu la ơi ới cũng không ai thèm để ý, dù cho những kẻ hiếu kì!

Nói vậy Xóm Cùi không phải là không có người lao động hiền lương sinh sống. Họ sống bằng mọi nghề hạ đẳng mà số tiền kiếm được cũng chỉ đủ đổi gạo, lây lất qua ngày, nếu không bị bệnh hoạn yếu đau.

Xóm Cùi tuy xô bồ bát nháo nhưng ít ai để ý đến ai. Duy có một người, và nay là một “gia đình”, đã “được” mọi người luôn nhắc đến: Đó là chị Hạnh.

Chị là người con gái có gương mặt hơi thon, nước da hơi trắng, môi hơi đỏ, má hơi hồng, để lộ những tia máu li ti. Tóc chị cắt ngắn để lộ cái cổ tròn trịa nõn nà. Mắt chị lại đen láy, mày chị thon thon, mi cong vút. Đặc biệt cái miệng lúc nào cũng sẵn nụ cười chào đón mọi người. Gương mặt của chị mà “lên lịch” thì chắc hẳn phải ăn trùm những tấm hình của các sao. Mà có thể người xem lại thích hơn vì ảnh chị toát ra nhiều nét dịu hiền, hoàn toàn không pha tạp cốt cách kiêu căng khinh mạn!

Tạo hoá thật khéo trêu ngươi! Một người có gương mặt dịu hiền xinh xắn như vậy mà khoảng giữa xương sống chị từ nhỏ như bị bẻ gập lại một góc, đến nỗi người ta nghĩ chị không thể nào nẳm ngửa được! Có người cắc cớ hỏi, chị đáp tự nhiên: “Thì em chêm hai cái gối hai bên!”. Nếu chỉ như thế thì không có gì đáng nói. Đàng nầy hai chân chị dường như không có khớp háng. Chúng quặc quà quặc quại dính vào thân hình chị một cách vô tích sự, cho nên chị có thể giắt chúng lên cổ khi thấy cần thiết, như lúc chị “đi” qua vũng nước chẳng hạn!

Trông chi di chuyển, người ta vừa xót thương, vừa cảm phục: Hai tay chị cầm hai ghế cóc (loại ghế cao chừng một tấc mà các bà bán hàng dưới đất thường dùng). Bước một, chị để một tay (cầm ghế) về trước, vừa một bước chân, đồng thời lấy đà hất mình lên, sao cho mông chị ngồi trọn lên ghế ấy! Bước hai, chị để tay kia (cũng cẩm ghế) về trước, rồi cũng hất mình lên cho mông ngồi trọn trên ghế nầy! Lối đi độc đáo đó rất có lợi là chị khỏi phải lết, quần khỏi bị rách, và tất nhiên suốt ngày mông chị chẳng dính chút dơ!

Mọi thứ sẽ đỡ khổ cho chị hơn rất nhiều nếu chị không phải kéo lê theo hai khúc chân tong teo ăn hại!

Và nếu chỉ như thế, thì chị cũng như hàng trăm người tật nguyền bán vé số trên xe lăn, hay không xe lăn trên khắp nẻo đường, có gì khiến người ta đáng để ý, đáng quan tâm?

Điều khiến ai cũng biết chị, làm chị đột nhiên “nổi tiếng” như một người trúng số độc đắc cá cặp là chị… có bầu! Đó là tin giựt gân đến nỗi những người rỗi chuyện tìm chị để nhìn tận mặt xem có phải là tin vịt hay không! Cái bụng chị đã trả lời chính xác bao thắc mắc tò mò, và là sự phũ phàng cho ít kẻ có chút lòng nhân.: “Thằng nào mà ác dữ!”. Nhưng cái ác đâu chỉ là do hành động thủ ác, mà có nhiều cái miệng độc địa cũng góp phần không nhỏ, thậm chí có phần lớn hơn! Nó xuất phát từ đủ hạng người, mọi ngã đường. Chúng bàn tán xôn xao, đặt nhiều nghi vấn tưởng tượng, mỉa mai thô bạo, và tự đề ra một luật lệ nghiêm khắc là loại người như chị không được hưởng quyền đẻ cái nuôi con: “Cái thứ không biết thân còn bày đặt!”. “Bày đặt” theo ý họ là cái “chuyện ấy”chỉ có những người lành lặn như họ mới được độc quyền hưởng thụ, hay gì gì đó!

Mấy quán cà phê tồi tàn trong xóm luôn là tụ điểm của những kẻ rảnh nghề mà háo sự. Mấy tay xồn xồn không biết làm nghề ngổng gì mà cứ la cà nơi đây suốt ngày tám tiếng để bàn chuyện năm trên, chuyện thiên hạ, mà không từ bỏ một lời lẽ nghiệt ngã nào, miễn sao chúng được vui với những trận cười hô hố: “Ê gù! (chúng gọi chị Hạnh) Mầy nói cho tao biết rồi tao mua cho tờ vé số: cái lưng mầy gù một cục, làm sao mầy nằm ngửa mà “làm ăn” được vậy mậy?”. Một tên khác đưa tay lên diễn tả rồi hắng giọng: “Cái đó mới ngon à nghen! Nó giống như cái đu, chổng lên, chổng xuống vậy mà! hố hố…”. Cả quán cười vang, kể cả bà chủ quán. Mụ cười làm hai tảng thịt trên má mụ bạnh ra, lòi hai hàm răng lổn cổn, đen thùi nhựa thuốc. Mụ hỏi chị khi hai cục môi dày cộm, tím ngắt như hai lạng thịt trâu ế ở chợ chiều vừa khép lại, để lộ nét hung tợn, tràn trề vị đắng cay, độc địa:

- Cái thằng nào “có phước” dữ vậy mậy? Mà mầy cũng “có phước” lắm đó nghe! Ha ha!

Chị lặng thinh, nhẹ nhàng quay xe đi. chị thấy hai mắt của chị hơi cay. Dù chưa được đến trường ngày nào, nhưng với tuổi đời gần ba mươi, chị cũng thừa hiểu tiếng “có phước” được lập lại hai lần nó mang ý nghĩa thế nào! Tiếng đầu là thuần mai mỉa, tiếng sau lại được tạt thêm bao vừa miệt thị chua chát đến xé lòng!

Chị âm thầm quẹt vội nước mắt.

Chị dừng xe lại, lặng im để cho lắng bớt những lời lẽ thô tục nặng lời phỉ báng, thẳng tay bôi nhọ nhân phẩm của chị. Gọi là “nhân phẩm”, vì dù sao trong xã hội nầy, chị cũng là một con người. Chị cũng đã lấy sức lao động chân chính của mình để đổi lấy miếng cơm trắng sạch. Nói cho cùng, chị cũng đã ít nhiều mang niềm vui, hay ít ra là niềm hy vọng tới cho mỗi người khi mua tờ vé số! Chị cũng biết buồn, biết khổ, biết vui sướng, biết suy tư, biết rơi nước mắt, và nhất là chị đang biết nói tiếng người! Thì chị phải là con người chính cống, không thể chối cãi, không thể phủ nhận! Nhưng với nhiều kẻ không còn sót lại trong cặp mắt họ một chút nhân tình, thì trong tim họ, trong đầu họ, dẫu bào cho mòn, dẫu vạch cho kỹ, cũng không tìm thấy một chút xíu lương tri. Trong lồng ngực họ, trái tim nhân ái đã biến mất, hay đã bị rơi xuống, lẩn lộn trong vùng bụng đầy chất cặn bả của đại tràng che lấp! Với họ, chị là con thú dị hình, may mắn mang được mang tên người, không hơn không kém!

“Thằng nào có phước vậy mậy?”. Câu hỏi đến tận cùng của sự mỉa mai, dư thừa sự tàn nhẫn và đầy rẩy sự khinh bỉ nầy dù cho chị có muốn trả lời, chị cũng không thể. Bởi chị có biết “thằng nào” đó là ai?!

Chị không biết là ai, nhưng chị không thể quên một chi tiết nào trong cái buổi định mạng ấy….

Như bao ngày, khi chị được tờ kết quả dò vé số, chị bương bả lăn xe, tranh thủ bán bớt những tờ vé số ngày mai cho tới sẫm tối mới thư thả trở về theo ngả tắt nhị tì. Và cũng như mọi ngày, theo thói quen, khi đến đoạn đường dốc gồ ghề đá sỏi, chị thường dừng lại nghỉ… tay! Thì bất ngờ từ phía sau, xe chị được ai đẩy tới. Chuyện đẩy giùm lên một đoạn dốc của một tấm lòng nhân ái cũng đã thường xảy ra, nên chị không nhìn ra sau mà chỉ “Cám ơn”! Nhưng lần nầy xe chị lại bị đẩy nhanh về phía trong chòm mả lớn, rồi một cánh tay chắc nịch bồng chị chạy tuốt vào trong. Hắn để chị xuống…

Sự việc xảy ra nhanh chóng, bất ngờ. Chị loạn xạ thần hồn, muốn la, cũng không ra tiếng. Trong chỗ tận cùng của ý thức, đột nhiên chị biết sự việc sẽ diễn biến thế nào! Chị sợ sệt, lo lắng, hồi hộp, rồi phó mặc! Bao ý nghĩ lộn xộn trong đầu óc chị, mà sự phập phồng để đón nhận việc sắp tới đã chiếm phần ưu thế. Chị muốn hé mắt nhìn xem người ấy là ai, nhưng có nhiều thứ làm chị không dám, trong đó có việc sợ người ấy hoảng hốt bỏ đi (!)... Mùi rượu nồng nực, làm chị muốn ngộp thở khi thân thể kia dán vào mình chị, tiếp theo là những cảm giác lạ kỳ…

*

Đứa con chị ra đời là cả niềm hạnh phúc, và cả niềm hy vọng lớn lao của chị. Chị đã có con, chị đã được quyền làm mẹ, được quyền thương yêu con mình như bao nhiêu người khác. Chị thỏa thê hôn hít nựng nịu, vuốt ve con mình như bao người. Chị không còn tủi thân khi phải chịu những lời lẽ, những thái độ khó chịu khi chị thuận tay nựng nịu những gương mặt các bé thơ ngây dễ mến. Thậm chí, khi chị khen em bé đẹp, dễ thương, họ cũng chẳng hài lòng! Họ nghĩ bàn tay chị như chứa đầy những vi trùng của bệnh nan y; và lời chị, dù là những lời chúc tụng tốt lành, cũng không khác những lời nguyền độc địa! Nhiều khi chị nghĩ lại, lời mụ chủ quán cà phê cũng có lý: “… Mầy cũng có phước lắm đó nghe!”. Đúng vậy, chị rất may mắn, rất “có phước” khi đẻ một đứa con xinh đẹp, khoẻ mạnh, điều mà chị thường ước ao, nghĩ là vô vọng, mà nay mới được toại nguyền. Chị thầm cám ơn ai đó tại khu gò mả năm xưa.

Cô bé càng lớn, chị phải “làm thêm” để đủ sức nó ăn. Thân nó càng tròn, thì thân chị càng teo lại. Có nhiều khi nhường con ăn thịt mà chị thèm y như những ngày tháng cấn thai.

Cô bé càng lớn, càng trắng trẻo hồng hào, tóc càng óng ả mượt mà, môi càng đỏ thắm. Mười sáu tuổi thì nổi danh… “Hoa Hậu Xóm Cùi”!

Hoa đẹp dù mọc bất cứ nơi nào thì hương thơm vẫn quyến rũ được đàn bướm ong từ bốn hướng bay về.

Xóm Cùi lại một phen lé mắt khi mà căn chòi lá tồi tàn của chị được thay bằng ngôi nhà tường khang trang, mô đen nhất xóm; lại được chiếc xe tay ga đời mới cáu xèng trang điểm, làm tăng thêm phần uy thế.

Ở được nhà đẹp, nhưng chị Hạnh lại không thấy vui, bởi chị biết số tiền xây nhà, con chị đã kiếm được từ đâu!

Thông thường trong gia đình, hễ ai có nhiều tiền thì được nhiều quyền. Sự hiện diện của chị trong ngôi nhà nầy không còn cần thiết, hay đúng hơn là chị đã mất hẳn chỗ đứng. Một lần khi về, chị thấy nhiều xe lạ dựng trước, nhìn vào thì thấy mấy gã sang trọng đang chè chén với con chị. Chị còn do dự, thì “Hoa Hậu Xóm Cùi” chạy ra xua tay, kèm theo cái nháy mắt khó chịu: “Không mua! Không mua (vé số)! Đi đi! Đi đi!”

Chị đã hiểu! Con chị đã không muốn thân thể tật nguyền của chị làm bẩn mắt những người bạn sang trọng của nó. Nó không muốn thân thể tồi tàn của chị làm mờ nhạt, hay bôi đen gương mặt diễm lệ của mình; dù gương mặt “hoa hậu” nầy được nuôi nấng bằng những giọt sữa chắt chiu bởi một thân thể gầy còm tàn tật! Thân thể nầy đã gánh nặng oằn cả cuộc đời gian khổ, tủi nhục. Đã nhịn ăn, nhịn uống. Nói mà không sợ xấu hổ, nhiều lúc nhìn con ăn mà nước giải chị trào ra vì quá thèm thuồng bởi từ lâu chị chưa hề nếm thịt!

Một lần người ta nghe trong nhà chị:

- Ngày mai tôi có khách suốt ngày, tối bà hãy về, nghen!

- Ngày mai là đám giỗ bà ngoại con …

Giọng bực bội:

- Ngoại, ngoại, ngoại! Giỗ, giỗ cái gì? Bữa khác đi!

Sáng hộm sau, tại một góc phố vắng, trên bàn bán vé số của chị người ta thấy một gói nhỏ thịt heo quay, một chén cơm trắng và ba cây nhang cháy dở. Chị lâm râm khấn gì đó. Một kẻ qua đường vui miệng nói:

- Cha! Lúc rày làm ăn khá, “chơi” heo quay há!

Lại có người nhìn chị bĩu môi:

- Học làm sang!

Chị không để ý lời họ, mà nghe cay xè trên hai mắt.

*

Cuối phần đất nhị tì là một con mương giáp ranh với miệt vườn. Khi thuỷ triều xuống, nước cạn trơ tận đáy; khi thuỷ triều lên, nước xâm xấp cây cầu dừa bắt ngang. Tờ mờ sáng, một người hốt hoảng khi phát hiện xác chị nằm úp mặt xuống sình, cạnh bên là chiếc xe lăn. Mương không lớn, nước không sâu, không chảy xiết nhưng đủ dìm chết kẻ tật nguyền như chị!

Chị chết đi, những tủi nhục trần gian được xóa hết. Niềm hy vọng của chị theo đó cũng tiêu tan: Đứa con mà chị đặt tên là Hiếu, với bao kỳ vọng là nó trả hiếu cho một cuộc đời khốn khổ lúc về chiều, giờ cũng không còn!

Kha Tiệm Ly
(XÓM CÔ HỒN)
Nguồn: Hai Bờ Giấy - haibogiay.net

READ MORE - XÓM CÙI - Truyện ngắn Kha Tiệm Ly