Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 31, 2018

BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ! - Tùy bút của Hồ Thị Thúy An





BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ!

Hồ Thị Thúy An



Thức dậy vào thời khắc tuyệt đẹp khi ngày mới bắt đầu. Ngày cuối cùng của năm.Bên tai tôi chợt vang vẳng bên tai những câu hát:

"Mùa xuân nói với em điều gì?
 Mà sao mắt em vui thế..."

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có nhiều nẻo đường để đi nhưng có một nơi để quay về là nhà. Với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Trở về… đó là điều thiêng liêng nhất đối với những người con xa quê. Ở đó, khoảnh khắc trở về hội tụ muôn vàn cung bậc cảm xúc. Những ngày này, có người hối hả hoàn tất công việc, tạm ngưng dời non lấp bể, mọi bon chen nơi đất khách luôn đếm từng ngày trong tiếng gọi thân thương: Trở về... Có những người ngậm ngùi khi phải ăn Tết xa quê với muôn vàn lý do khác nhau song dường như hai tiếng quê hương vẫn luôn trong tiềm thức của họ…

Mới đây thôi, tôi bồi hồi xúc động khi thấy dòng stt mà đứa em nhỏ của mình đăng lên mạng Facebook "Còn 20 ngày nữa", dù không trực tiếp nói ra nhưng ai trong chúng tôi cũng hiểu đó là sự háo hức trong mong đợi ngày được lên xe xum vầy cùng gia đình. Khoảnh khắc đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất trong 365 ngày...

Một lần tôi tình cờ được tiếp chuyện với chú Hải vào một buổi cafe hiếm hoi. Chú tâm sự: “Một năm làm việc vất vả, chú đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ để đem về cho vợ con nơi quê nhà lo Tết”. Chú hào hứng: “Giờ chuẩn bị lên xe thì tâm trạng bồi hồi lắm. Đi làm xa nhà cả năm trời, tới khoảnh khắc chuẩn bị về với gia đình, tưởng tượng ra cảnh quây quần là đã vui!” – Chú cười rạng ngời khi chia sẻ thêm về cảm giác trước khi bước lên xe về quê sớm để giá vé xe rẻ hơn một nửa. Với chú, mọi sự vất vả trên gương mặt tan biến thay cho “niềm hồ hởi… được trở về nhà”.

 Ở thành phố những ngày cuối năm, phố xá rực rỡ sắc màu đón chào năm mới, đèn hoa lấp lánh, kẻ vui người cười rộn ràng rủ nhau đi mua sắm.

Với thời buổi công nghệ, những câu mà bạn bè thăm hỏi nhau nhiều nhất những ngày sắp Tết  là “Năm nay có về không?”, “Hôm nào về”?. Có lẽ cảm giác ấy chỉ những người con xa xứ mới hiểu và cảm thông cho nhau. Tết trong chị Hòa là sự hy sinh thầm lặng. Chị gói ghém những bộ quần áo mới gửi về cho chồng, con. Chị vào Bình Dương đã 9 năm nhưng đây là cái Tết đầu tiên chị không về nhà. Xóm trọ chị ở là nơi trú chân của hàng chục con người lao động ngoại tỉnh nên những ngày giáp Tết rộn ràng hẳn lên. Các chị còn khoe nhau những vật dụng mua để gửi cho gia đình. Chị Hòa trải lòng: “Con gái đang học năm cuối trên Sài Gòn, giờ phải dành dụm lo học phí cho con. Nếu bây giờ về Tết ra Giêng sẽ hụt tiền đóng học phí nên hai mẹ con quyết định sẽ đón Tết ở đây… Chỉ mua sắm đồ gửi về cho ba cha con ở nhà. Ra Giêng sẽ về thăm gia đình vì khi đó chi phí đỡ đắt đỏ hơn”. Có người mẹ nào không muốn về quê ăn Tết bên người thân nhưng có lẽ đức hy sinh cho gia đình đã ăn sâu vào trong mỗi người phụ nữ Việt. Nỗi nhớ chồng, nhớ con cũng được gửi gắm vào con chữ của các con ở tương lai phía trước.

Có những cuộc điện thoại ấm nồng khi bố mẹ gọi cho con. Anh chị nt thủ thủ. "Bao giờ em về" "mua được vé chưa con" cảm giác sung sướng muốn bỏ tất cả mà chạy về không thể nào kìm lại được.

Tết cũng là dịp rất nhiều người con xa quê hướng về nhà. Có những người đã có gia đình con cái đề huề nên mỗi lần về Tết là nỗi lo cơm áo lại đè nặng đôi vai. “Cả năm xa vẫn chịu được nhưng những ngày giáp Tết trong lòng trống vắng lắm”. Ai cũng chỉ mong mau được trở về với mái ấm, được tận hưởng khoảnh khắc sum vầy cùng người thân bên mâm cơm giao thừa. Nhắc đến Tết, Minh bạn tôi buồn so: “Đã nhiều năm rồi mình không có Tết. Về cả gia đình thì rất nhiều tiền, mà ba mẹ ở quê cũng không khá giả nên mình để tiền gửi về ông bà lo Tết, không dám “xa xỉ”. Bốn năm rồi đón Tết ở Bình Dương, gọi điện về nhà chúc Tết, lòng thắt lại vì thương ba mẹ, nhớ quê, thèm được ở bên gia đình, bạn bè trong những ngày Tết lắm…” – giọng Minh chùng xuống. Minh kể bạn bè đồng hương trong này cũng nhiều người chẳng có điều kiện về quê, vì mỗi chuyến đi có thể tiêu hết mấy tháng lương, ai “sang” lắm thì phải dành dụm vài năm mới dám về một lần. Quan tâm nhau hỏi câu: “Tết này có về quê không?” mà lòng trĩu nặng. Một câu hỏi giản dị, nhưng gợi lên bao nỗi khắc khoải của những mảnh đời xa xứ.

Cũng có rất nhiều người không phải vì lý do tài chính nhưng quê hương giờ chỉ còn trong miền nhớ… Họ đã ra đi từ lâu lắm, gia đình, ba mẹ, anh em giờ cũng đã ở trong Miền Nam. Anh Quý, một người con đất Quảng ra đi từ những năm 80, hiện khá thành công trên đất Bình Dương chia sẻ: “Những ngày giáp Tết anh cùng vợ con lên khu chợ người Quảng Trị ở Sài Gòn để tìm mua đủ món đặc sản Quảng Trị mang về gia đình ăn Tết… xem như là ăn Tết Quảng Trị và đỡ phần nào nỗi nhớ về nguồn cội. Bây giờ thì vài năm anh cũng dẫn con cái về nhà thờ tộc họ một lần cho nó không quên nguồn cội. Còn Tết, có muốn trở về cũng chẳng biết về đâu. Cũng may là ba mẹ, anh em ở cả trong này nên đại gia đình ăn Tết kiểu quê mình em à” .

Đi xa, bao giờ anh cũng mang theo niềm tự hào xứ sở đến mức… ngồi trên xe, nhìn thấy biển số 94 mà lòng nghe quặn thắt….

Trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, trái tim những người con xa quê luôn hướng về gia đình, về quê hương với nỗi nhớ khôn nguôi. Và tôi biết hơi ấm mùa xuân trên quê hương luôn theo họ trong mỗi bước đi suốt hành trình lập thân, lập nghiệp…Trong giấc mơ nơi đất khách bao giờ cũng lấp lánh hình ảnh những đứa trẻ thơ xúng xính bộ quần áo mới chạy trên con đường làng, quanh co những ngôi nhà ngập tràn hoa cỏ mùa xuân, những đồng lúa đương thì xanh mướt. Ngần ấy thôi cũng đủ lòng tôi tha thiết ước được về quê nhà trong thời khắc chuyển giao...!

                                                      Hồ Thị Thúy An

READ MORE - BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ! - Tùy bút của Hồ Thị Thúy An

CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI - Thơ - Hoài Huyền Thanh

Tác giả Hoài Huyền Thanh
Hoài Huyền Thanh
CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI

Chẳng hiểu vì sao trái tim không thôi dào dạt
Thoáng những âm vang ngày cũ kéo nhau về
Tôi – cậu học trò nhỏ nông thôn hiền lành nhút nhát
Quán vắng bên đường lặng lẽ nhớ trời quê


Cha lau lách trời xa mờ mịt tối
Mẹ luôn tay tất bật với ruộng vườn
Ráng đỏ chiều hong hoàng hôn vừa tím
Mưa lâm thâm nghe nghé ọ bồn chồn


Ngày con lên đường mẹ quay lưng chậm mắt
Cha thở dài vặn đỏ lựng bàn tay
Con nhà nông áo quần không sang chảnh
Mắm muối gạo khoai con cố gắng thành tài


Trời trở gió, đêm nay trời trở gió
Những vòng tay thưa gởi níu ta vào
Chân trời cũ ngạt ngào hương kỷ niệm
Trần Quốc Trí ngơ ngác ngày nào, chửng chạc vậy sao?


Ồ! Hôm nay phải đâu là đám cưới
Mà ghế thắt nơ bày bàn tiệc ê hề


Nhưng… kìa! Tiền sảnh một băng rôn thật lớn
Chào mừng văn nghệ sĩ Quán Văn về thăm đất Bến tre


Vợ  chồng Trí đến từng bàn chân tình chào hỏi
Có ai nói: ”Thì cứ coi như hai đứa hấp hôn”
À! Mà ai đại diện cho đàng gái đàng trai?
Câu trả lời xin nhường cho chậu ớt
cùng anh Ngọc anh Thạch đưa cay


Nhiều anh chị dự trời khuya không tiện
Chào nhau về mà chân ngập ngừng mắt lệ rưng rưng
Sau 25 năm, nhận lẵng hoa từ học trò xưa trao tặng
Cám ơn cô thuở ấy đã đùm bọc yêu thương


Quán Văn ngẩn ngơ chuyện đời như cổ tích
Cám ơn Ngọc Anh, Quốc Trí, hạt nắng những ngày vui
             HOÀI HUYỀN THANH
                  25.10.2018
         







READ MORE - CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI - Thơ - Hoài Huyền Thanh

MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN 
(Tặng Chị)

Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Chị xếp vội mớ đồ vô cái túi rồi chần chừ suy nghĩ sao lại lấy ra, cứ ngồi lấy ra lấy vô mà non hết cả buổi chiều. Con bạn cùng phòng trọ xốc nhẹ cái túi lên vai quay lại đằng hắng:

"Dù sao mày cũng phải về, mọi năm thấy mày cứ rịt lại phòng trọ vắng teo tao cũng lo. Có trốn được mãi đâu."

Rồi quảy đi cho kịp chuyến xe cuối ngày. Tết lại cận kề, tết là ngày đoàn viên nhưng đối với chị

Bỗng trở thành những nỗi lo không lời mà chị biết rõ nguồn cơn. Chị đã cố gắng ở lì xóm trọ nhỏ cho tới những ngày giáp tết nhưng khi người cuối cùng rời đi thì chị cũng hiểu đến lúc mình phải đi rồi. Không phải chị không muốn về quê mà mỗi lần về thể nào cũng sẽ nhận được dè bỉu của hàng xóm khiến chị rối lòng.

Ba mươi lăm tuổi, chị chưa chồng. Ở phố thì đùa vui là gái “ế” rồi cũng qua ngày đoạn tháng nhưng ở quê thì việc lỡ thì bỗng trở thành cách đánh giá một còn người, nhất là ở miền quê nặng thị phi như chỗ chị. Hai mươi tuổi chị xách ba lô một mình lên phố tìm cơ hội đổi đời, ngày chị đi có người chắc mẩm sau này về cũng rủng rỉnh tiền, có người lại nói “gái hư” hẳn là đã vương vấn anh chàng nào nên bỏ chốn mà đi. Lời người ta cũng chỉ là lời ngoài tai, ngày đó định kiến trong chị đã rất rõ ràng, sống cho mình chứ nào phải cho người, quan trọng là có thể kiếm được tiền về nuôi ba mẹ. Ngày đó, tuổi còn trẻ công việc dồi dào, cơ hội đến mau, chị cũng nhanh chóng nhận được việc làm ở một cửa tiệm chẳng mấy chốc mà cũng dễ dàng tăng lương. Tết năm ấy, chị về lần đầu tiên mừng tuổi được cha mẹ món tiền lớn. Mấy bác hàng xóm cứ lấy chị làm gương cho trai gái trong làng khi ấy vẫn còn non tơ ăn bám bố mẹ. Nhưng cứ Tết về thì thể nào với con gái đến tuổi lấy chồng cũng nghe qua câu nói:

 "Nhưng lên phố kiếm được anh nào chưa? Con gái cũng cần một chốn, đừng lo làm mãi."

 "Ôi chao, trai thành phố thiếu gì, ở phố cũng chẳng như ở quê mình ,toàn lấy chồng muộn. Cứ tạo dựng cuộc sống cho mình trước làm tiền đề đã ạ."

Người ta cũng ậm ừ cho qua, thực ra khi mình thành công những lời mình nói ra cũng trở nên giá trị. Vài mùa Tết sau lần nào chị về cũng nhận được câu hỏi đó, Trai gái trong làng bằng tuổi chị cũng lần lượt kết hôn chỉ mỗi chị vẫn còn lẻ bóng. Bố mẹ sốt ruột cũng hỏi dò nhưng quả thật những năm qua chị chưa kiếm được một người nào thuận lòng, từ đó mỗi lần về khi nhìn ánh mắt buồn của họ nhìn đám nhỏ chạy trước sân nhà chị bỗng trở nên áp lực. Những lí do việc làm hay sự thành công ban đầu chẳng đủ để khỏa lấp miệng đời. Hai mươi lăm tuổi chị bỗng trở thành gái ế trong mắt người làng, Cứ mỗi mùa Tết về khi thấy chị trong nhà người ta lại vờ hỏi ba mẹ chị, nhưng biết là chị nghe:

"Thế con Hoàng chừng nào lấy chồng? Bằng tuổi nó đứa nào cũng đùm đề cả rồi. Gái lớn mà không lấy chồng người ta cũng điều tiếng,"

"Thì giờ nó đã vậy, ai ép được nó, coi như tùy vậy."

Ba mẹ chị không nói gì nhưng chị biết họ cũng buồn khi con gái mình lẻ bóng. Họ lo điều tiếng,

Họ cũng thương con họ. Rồi những mùa Tết sau lại qua đi, chị dần lỡ những mùa xuân. Những đứa bạn năm xưa giờ con cái đã vào tiểu học, Mỗi năm chị về không tránh khỏi những ánh mắt dè xét, có người không nói chỉ nhìn, có người lại phao tin đồn chị hẹn hò ông đại gia nào đó rồi bị đánh ghen… Nghĩ việc không lấy chồng chỉ đơn giản nhưng đúng là cứ Tết về thấy gái chưa chồng trong nhà hẳn ai cũng buông câu. Từ đó cứ Tết chị hầu như trốn tiệt không về, hoặc họa hoằn lắm có về thì cũng trốn rịt trong nhà. Thế mà cũng đã ba năm nữa trôi qua chị không về.

"Lâu rồi không thấy chị."

Giong ồm ồm của một người đàn ông khiến chị quay lại. Trước mặt chị là một người đàn ông khoảng độ ba mươi, da hơi ngăm và có phần cao ráo. Áo sơ mi đóng thùng gọn gàng, có lẽ là qua nhà chị chúc Tết nhưng chị vẫn ngờ ngợ chưa nhận ra ai. Mẹ chị trong nhà bước vội ra:

"Thầy giáo Tạp lại sang ạ? Gớm, đi mãi không nhớ, Tạp mà ngày xưa vẫn hay đánh đáo cùng mày đấy con ạ."

Đến đó thì chị mới sực nhớ ra thằng cu bé nhỏ hơn chị ba tuổi năm nào, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chị, khi bị ăn hiếp thì về méc chị, trong mắt nó ngày ấy hẳn chị là một anh hùng. Năm chị đi nó mới mười bảy tuổi, khóc bù lu bù loa giữ chị lại, chị phải đe:

"Khi nào mày học thành thầy giáo thì chị về."

"Nhưng chị đã không về." – thầy Tạp nói như cắt ngang dòng suy nghĩ của chị.

Sau khi chị đi,  cậu vẫn nằm lòng lời chị, ba năm sau thi đậu vào đại học Sư phạm và mất bốn năm ở chốn xa xôi ấy. Anh toàn về sau Tết ăn Tết muộn nên không gặp được chị, anh về là Chị đi. Tuy nhiên năm nào cũng đều đặn anh qua chúc Tết gia đình chị. Những lần Tết sau chị ít về dần, anh sau khi tốt nghiệp cũng xin được việc làm ở trường làng, chẳng mấy chốc mà thành thầy giáo, tuy lần nào đều đặn cũng qua thăm nhưng chẳng lần nào gặp được chị.

"Thế cũng lâu rồi chưa gặp nhỉ? Cậu đã thành thầy rồi cơ à? Thế cậu đã lấy vợ chưa?"

"Chưa. Tôi đợi chị."

Chị bật cười trước lời nói đùa của người đàn ông chững chạc ngồi trước mặt chị nhưng thấy gương mặt nghiêm nghị của anh chị bỗng im lặng. Còn nhớ năm ấy khi vẫn còn là hai đứa trẻ, được “ người hùng” cứu quá nhiều lần, có một cậu nhóc đúng vào ngày giao thừa đã nhìn người chị cao hơn mình cả khúc mà nói :"

"Sau này nhất định em sẽ lấy chị và bảo vệ chị lại."

Nhưng đó chỉ là lời bông đùa khi còn bé, hay ít ra là chị nghĩ thế. Tim chị bỗng đập thành từng nhịp hơi lỗi khác xa so với nhịp đập bình thường ba lăm năm qua. Anh cười: "Dù sao cũng đã mười mấy năm rồi, thêm một năm nữa cũng chẳng sao đâu, tôi chỉ muốn chị biết là có người đang đợi chị thôi”. Những ngày Tết ấy bỗng nhiên trở nên vui hơn, anh dẫn chị đi thăm lại làng xóm, chơi lại những trò ngày xưa mà hai người vẫn hay chơi, chị nhớ như in khi ấy chính chị là người đã ở bên khi anh chào đời…Và sau đó chẳng hiểu vì sao người con gái ấy lại quyết định ở bên “ chăm sóc” người em hàng xóm nhỏ tuổi suốt từng ấy năm đến khi ra đi. Hẳn là tất cả đều là số phận sắp đặt, dù đã quá muộn màng.

"Chị xem này, một bông hoa mai nở muộn."

Chị lại gần anh, mùa xuân đến muộn cũng có nghĩa là đã đến.

"Ngày mai chị lại đi rồi. Khi nào chị sẽ lại về?"

Chị ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng mỉm cười:

"Có lẽ lần này tôi sẽ về mau thôi."



Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

CỔ TÍCH - Thơ Trần Thiên Thị

Tác giả Trần Thiên Thị









Trần Thiên Thị

CỔ TÍCH 1

  
Khi người con gái đầu tiên đến trước biển 
và nhỏ vào biển khơi 
một giọt nước mắt.
Từ đó biển mặn 
những mạch nguồn nằm sâu trong lòng đất 
trỗi mình tạo tác dáng 
hình những dòng sông
chẳng ai biết được vì sao những dòng sông 
cứ háo hức lao mình về biển khơi 
chẳng ai biết được biển khát 
hay những dòng sông khao khát.




CỔ TÍCH 2 


 Có một gã trộm
 đến và gõ vào cánh cửa của đào nguyên

 cửa đã mở ra

 gã trộm bàng hoàng
 chẳng biết mình đến đây để làm gì
 và
 chẳng biết lấy cái gì để mang đi
 Cuối cùng
 đào nguyên có thêm một ông tiên già ngớ ngẩn

TTT



READ MORE - CỔ TÍCH - Thơ Trần Thiên Thị

SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM - Thơ Phạm Ngọc Thái

Phạm Ngọc Thái

SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM

phamngocthai

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời
Cũng là chút phận kiếp người thôi !?
Khổ nhiều ... Sướng lắm ... Ôi, khổ sướng !
Tình đến, rồi đi - mảng đời trôi ...

Ta tính xem ta được những gì ?
Dựng cả tòa đài nghiệp ca thi ...
Xế chiều còn vướng vòng nhi nữ
Nửa lòng thì chán, nửa lòng si

Đã tưởng rằng đây bóng tri âm
Nâng niu cất giữ ở trong lòng
Ai ngờ cũng chỉ bèo hoang cả
Nửa tình muốn phá, nửa tình mong

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời?
Tiền tài, danh vọng thỏa mãn rồi
Có cả đất trời cùng nhân thế
Tham làm gì nữa, hỡi người ơi?

Tôi khóc cho tôi! Đáng lẽ cười?
Vì nàng còn níu mãi chân tôi ...
Mai sau hậu thế mà viết sử
Rằng, ta chỉ kém mỗi EM thôi!

     Chiều 31.12.2018
     P.N.T
READ MORE - SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM - Thơ Phạm Ngọc Thái