Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 21, 2018

LOẠI HÌNH VĂN HỌC - Thơ Chu Vương Miện





LOẠI HÌNH VĂN HỌC

ở quê nhà
bây chừ chỉ còn vài loại hình
viết về văn học
chỉ toàn là dịch
các bản văn Hán Nôm
từ trước thời Hoàng Đế Bảo Đại
còn mặc quần thủng đít
toàn là dịch
của các tác giả đã chết
hoặc cận đại
đa số đã nằm yên trong đất
đã cải táng vài ba lần
không thanh nga thanh minh được nữa?
còn cảm nhận về thơ
"hay phê bình thơ"
chỉ toàn kiếm thơ Ghệ
rồi hóa thân thành
rệp chí rận
bò từ gấu váy mép quần
lên tới tận bụi cỏ tóc tiên
hay lạch đào nguyên
rồi hít hà toàn mùi uré
thơm quá là thơm
quen quá là quen
cả một đời luẩn quẩn trong nội y
viết lách đã thèm?
cả đời viết cảm nhận
qua loại hình khác thơ đánh giặc
thì phú thác cho Trần Quốc Tuấn
Lý Thường Kiệt Quang Trung
còn mình núp sau lưng
làm con dế mèn
làm thằng hèn?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - LOẠI HÌNH VĂN HỌC - Thơ Chu Vương Miện

MỘNG MƠ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



        Nhà thơ Trương Thị Thanh Tâm



MỘNG MƠ

Mơ tôi giây phút tình cờ
Tuổi mười lăm tưởng thờ ơ với tình
Đâu rồi...sao mãi lặng thinh
Có ai hiểu được, hai mình...vu vơ

Mơ người một khoãng trời thơ
Nép bên bóng núi, thuyền chờ ra khơi
Trăng treo lơ lửng phía đồi
Buồn như cánh vạc cả đời bay đêm

Mơ tôi một ánh trăng rằm
Quên đi cái tuổi mười lăm học trò
Người xa để nhớ ngẩn ngơ
Bao năm chưa thấy thuyền thơ quay về

Người về xóm nhỏ ven đê
Bao năm quán trọ trăng thề ngủ quên
Một con thuyền mộc lênh đênh
Qua cây cầu nhỏ gập ghềnh chốn quê

Đời nghiêng giọt đắng nảo nề
Chiều nghiêng bóng xế, bờ tre cuối làng
Qua sông lỡ chuyến đò ngang
Thuyền không bến đổ đêm tàn mộng du

                       Trương Thị Thanh Tâm
                                   (Mytho)

READ MORE - MỘNG MƠ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

GIÁNG SINH YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang




GIÁNG SINH YÊU THƯƠNG

Binh boong…
Từng giọt chuông ngân
Giọt rơi thanh thót trong ngần đêm nay
No-el về
Hồn ngát say
Phố khuya sánh bước, vòng tay ân tình

Vì yêu thương
Chúa giáng sinh
Cho tim anh thắp lửa tình yêu em
Lung linh
Hang đá Be - lem
Đèn giăng lấp lánh bên thềm phố hoa

Dập dìu bước
Phố người qua
Thướt tha áo trắng lụa là mong manh
Thầm thì…
Em khẽ bên anh
Dâng câu ước nguyện, lòng thành cậy trông

Giáng sinh
Kết máng cỏ hồng…
Yêu thương dâng Chúa, đêm đông nồng nàn
Dẫu đời
Dâu bể - hèn sang
Nguyện ơn trên dệt mộng vàng sắt son.

                                          Nhật Quang

READ MORE - GIÁNG SINH YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang

CHỢT THẤY ĐỜI HƯ HAO - Thơ Quách Như Nguyệt


             Nhà thơ Quách Như Nguyệt


CHỢT THẤY ĐỜI HƯ HAO

         Đêm thở dài thao thức
Chợt thấy đời hư hao
Còn bao nhiêu năm nữa
Mới thoát khỏi cõi tình
Còn bao nhiêu ngày nữa
Mới thoáng thấy bình yên

*Giờ này anh đang ngủ
Lòng đất chắc lạnh lùn
Cũng đủ rồi anh nhỉ
Tình vài năm mà thôi

*Sao em còn tiếc nuối
Nhớ mãi mối tình h
Sao em khờ khạo thế
Còn nhớ đến bao giờ?

*Tình vài năm ngắn ngủi
Để lại buồn trăm năm
Tình đắm đuối si mê
Tình cuồng điên bão t
Rốt cuộc cũng ê chề

*Anh ngủ yên anh nhé
Đã trọn kiếp đa tình
Chẳng còn gì để tiếc
Chẳng còn gì luyến thương

*Chúc mừng anh yên nghỉ
Chấm dứt cõi bềnh bồng
Em còn trên cõi thế
Bồng bế tháng ngày qua

*Đêm nay không ngủ được
Day dứt chuyện hôm nào
Ồn ào lòng gợn sóng
Chợt thấy đời hư hao!

               Như Nguyệt



    

Trình bầy: Quỳnh Thi
Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Ngô Bảo Quốc
PPS: Phan Anh Siêu


     


Trình bầy:  Tâm Thư
PPS:  Dĩ Vãng Buồn

READ MORE - CHỢT THẤY ĐỜI HƯ HAO - Thơ Quách Như Nguyệt

ĐÊM NOEL - Thơ Trần Mai Ngân


          Nhà thơ Trần Mai Ngân



ĐÊM NOEL

Đêm nay lại giống đêm nào
Dưới chân thánh giá ngọt ngào nụ hôn
Rồi tôi, rồi lại em buồn
Tình này ta mãi vùi chôn bên đời

Đêm nay sao sáng đầy trời
Đôi ta mỗi ngả mỗi nơi còn gì
Tình nhân của tuổi xuân thì
Uyên Ương gãy cánh nát nghì trái ngang

Đêm nay ngắm mảnh trăng tan
Nhân gian đón Chúa - lặng tàn trong tôi
Phố phường như lạ xa xôi
Lòng tôi băng giá Chúa trời thấu chăng ?

                                      Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐÊM NOEL - Thơ Trần Mai Ngân

TRỞ VỀ VỚI YÊU THƯƠNG -Truyện ngắn - Lưu Thị Phụng

Tác giả Lưu Thị Phụng

TRỞ VỀ VỚI YÊU THƯƠNG
Truyện ngắn
Lưu Thị Phụng

Khi tôi lớn lên, cha đã đi rất xa rồi, nhưng hồi ức về những cái bánh nếp và câu chuyện năm xưa mãi vẫn hằn sâu. Tôi vẫn nhớ như in về một thời cắp rổ lá dong đi rửa ngoài bến sông, mải đùa nghịch cùng lũ bạn, lá bánh trôi lềnh bềnh trên mặt nước trong xanh. Tôi chả kịp nghĩ tới cái rét tháng chạp đang cắt da cắt thịt, mải miết bơi đuổi theo vớt từng tàu lá… Lúc ngồi cạnh xem cha gói bánh, vừa rét vừa lo ngay ngáy vì rổ lá rửa xong chỉ còn già nửa...
Bao năm qua đi, tôi vẫn luôn mang trong lòng hình ảnh về người cha với những chiếc bánh chưng vuông vắn trong dịp Tết cổ truyền... Vậy mà, sau này có gia đình riêng, tôi cũng chỉ mua bánh chưng cho đỡ bận rộn. Nhưng lúc cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên, tôi lại nhớ da diết những kỷ niệm lúc còn có cha…  
Năm nay, tôi muốn cùng con cháu trở về với ký ức xưa. 27 tháng chạp tôi đã tranh thủ rửa lá rồi buộc lên cột cho dóc nước. Sáng 30 Tết, cả nhà đông đủ, không khí thật rộn ràng, náo nức vo gạo, đãi đỗ, ướp nhân bánh. Sang chiều, cô con dâu lau lá, sắp lá cho mẹ, đứa cháu nội tay lăm le cầm nắm lạt chờ sẵn, háo hức. Tôi ngồi nhắm mắt lại, hồi tưởng những thao tác của cha khi xưa và hăm hở... Cái bánh chưng đầu tiên khi tuổi sáu mươi nhăm đã ra đời trong sự trầm trồ của con cháu. Tôi thật sự sung sướng và ngỡ ngàng khi thấy những cái bánh chưng tôi gói cũng vuông thành sắc cạnh như cái bánh cha gói thưở nào. Tôi nhớ hình ảnh mấy chị em ngồi chầu rìa chờ đến khi còn lại ít gạo mỗi đứa sẽ được tự tay gói một cái bánh con… rồi cảm giác sung sướng khi được cha buộc thêm cho "đùm" bánh chưng ấy một cái quai xách, để khi vớt ra là có thể tự nhấc ngay ra mà nếm náp thành quả lao động đang nghi ngút hơi của chính mình, thấy ngon tuyệt. Tôi quay ra hỏi cháu nội: Con có muốn tự gói một cái bánh xinh xinh không? Con bé năm tuổi hét toáng lên sung sướng, rồi rúc rích, chụm đầu thì thào… nó nhờ bà nội hướng dẫn để lần đầu tiên được tự tay gói một cái bánh chưng be bé. Rồi cũng đòi buộc một cái lạt, nó xách cái “đùm” bánh đi đi lại lại, cặp mắt tròn vo sung sướng.
Cô con dâu người thành phố bần thần, ngạc nhiên hỏi: “Mẹ ơi! Sao chưa gói bánh chưng lần nào mà mẹ làm thành thạo thế ạ?” rồi ghì chặt lấy con bé khiến nó thét lên: “Mẹ! Bẹp hết bánh chưng của con là con bắt đền đấy”. Lần đầu tiên ngồi xem cha làm, tôi cũng bằng tuổi cháu nội bây giờ. Tôi nhớ như in hai bàn tay chai sần, nhớ những nút lạt xoắn dẻo dai mà chặt chẽ của cha trên những cái bánh chưng vuông vắn vẫn thường hiện về trong tôi mỗi năm Tết đến…
Tôi cẩn thận trải đều những mẩu đầu và cuống lá lên đáy soong rồi xếp từng cặp bánh vào, sau đó hai bà cháu đổ nước ngập những cái bánh đã được chèn chặt chẽ để luộc khi đèn đường phố đã bật sáng. Tôi nhớ, những năm xưa cha thường luộc bánh chưng vào chiều tối 30 Tết. Bánh được đun sôi và tiếp nước liên tục cho tới khi vớt ra là kịp cúng giao thừa. Trong khoảng thời gian chờ vớt bánh, cha thường kể cho bốn chị em nghe câu chuyện “Sự tích bánh chưng bánh dày” có người con hiếu thảo đã lên ngôi vua trị vì đất nước vào đời Hùng Vương thứ mười tám… chuyện năm nào cũng vậy, nó thấm dần, thấm dần…
Trước thềm xuân năm nay, khi bước sang tuổi sáu mươi nhăm, cảm giác lần đầu gói những cái bánh chưng đẹp đẽ này bằng sự trở về của những ký ức cứ rạo rực trong tôi!
L.T.P

Lưu Thị Phụng, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
luuphung1955@gmail.com
READ MORE - TRỞ VỀ VỚI YÊU THƯƠNG -Truyện ngắn - Lưu Thị Phụng

ĐẾN VỚI MẪU SƠN KỲ THÚ - Ghi chép của Nguyễn Đại Duẫn


Ảnh từ trang Blog của Phạm Hoài Nhân


Đến với Mẫu Sơn kỳ thú

Ghi chép của Nguyễn Đại Duẫn

Từ Quảng Binh, xe vượt qua hàng trăm cây số đưa tôi đến thăm quê bạn ở Thành phố Lạng Sơn. Ngồi trên xe, say mê ngắm nhìn những dãy núi đá vôi điệp trùng, dựng đứng như bức trường thành. Nơi đây có ải Chi Lăng, một địa danh đặc biệt gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông,  nơi cha anh ta đã làm cho giặc phương Bắc nhiều phen khiếp vía.  Thả hồn vào những sợi khói lam đang bảng lảng trong sương chiều, trào dâng cảm xúc với câu ca: “Đường lên xứ Lạng quanh quanh / non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Thật vậy. Xe đưa chúng tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, đang quanh quanh trên sườn núi, trập trùng. Thành phố Lạng Sơn dần hiện ra trong khung cảnh rộn ràng, sầm uất.
                
Được bạn giới thiệu, chúng tôi cùng chuẩn bị hành lí “du hành” chinh phục Mẫu Sơn. Từ TP. Lạng Sơn, xe chúng tôi vượt qua những đoạn đèo quanh co, khúc khuỷu mới lên tới đỉnh Mẫu Sơn. Hai bên đường, thỉnh thoảng hiện ra những khu ruộng bậc thang nằm rải rác, xen lẫn giữa những ngôi nhà đơn sơ của đồng bào người Dao, Nùng, Tày…Lúa đang chín rộ ngả một màu vàng hươm như ráng chiều nơi vùng quê yên tỉnh. Thỉnh thoảng gặp vài thửa đã gặt, mùi thơm rạ  nếp ùa vào xe, như gợi nhớ mùa cốm ở quê tôi. Bản làng lưa thưa thấp thoáng dưới rừng thông trong sương sớm. Bạn tôi cho biết, nơi đây xưa là rừng trọc. Từ khi chuyển giao đất rừng cho người dân quản lí, rừng thông được hình thành từ đó. Những cây thông cao vút khoảng độ 12 năm tuổi, đang khai thác, trên mình chằng chịt vết thẹo, đang cất lên bản nhạc vi vu. Thoáng nhìn, người ta cứ tưởng đây là xứ sở Đà Lạt thứ hai.

Ảnh từ internet.

Xe chúng tôi chạy chậm lại để có thể ngắm nhìn những bông hoa dại li ti, vàng rực bên đường và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng ban tặng. Càng lên cao, không khí mát lạnh, sương giăng giăng,  như đưa bước chúng lên với tầng mây. Gần đến đỉnh Mẫu Sơn, bạn tôi chỉ tay sang phía bên đường giới thiệu, đó là những ngôi biệt thự cổ phủ lớp rêu phong, nằm chơ vơ giữa đất trời. Những ngôi biệt thự kiểu Pháp. Vừa đi, tôi vừa hình dung về một thế kỷ trước, khi những nhà thám hiểm Pháp lần đầu tiên đặt chân đến đây du thám một Mẫu Sơn rừng thiêng nước độc. Được biết, thời đó người Pháp đã cho xây hơn 40 căn biệt thự bằng đá. Chúng không cao lớn, sừng sững nhưng vững chãi, nguy nga như viên ngọc quý giữa rừng già. Một thế kỷ thăng trầm đã trôi đi, trước mắt chúng tôi bây giờ chỉ còn lại những ngôi nhà cổ phủ kín rêu, cũ kỹ màu thời gian, bỏ hoang  và đang trở thành “phế tích”. Tuy không còn được sử dụng, nhưng những ngôi biệt thự này vẫn thu hút sự chú ý của chúng tôi và nhiều du khách. Đó cũng được coi là một “nét duyên” tô điểm cho vẻ hoang sơ, có chút kiêu hãnh của núi rừng Mẫu Sơn.

Qua một chặng đường dài hơn 30km, xe của chúng tôi cũng đến  nơi.  Đứng trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn ra là vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi nhấp nhô, mây trắng bồng bềnh, những nếp nhà thấp thoáng giữa rừng xanh tạo nên quang cảnh tựa chốn Bồng Lai. Dãy này xếp dãy kia, trập trùng. Mây sà thấp la đà như cánh chuồn đang bò trên vạt áo, như cánh bướm bò trên vai chúng tôi.

Rồi bạn chỉ tay sang bên phải,  nơi có nhiều dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống để đợi nhau cùng chảy vào sông Kỳ Cùng. Thứ nước trong trẻo ấy không chỉ là nguồn sống của hàng trăm hộ dân, mà còn là thứ “nước thiêng” làm nên thương hiệu rượu Mẫu Sơn và chè San Tuyết nổi tiếng từ lâu.

 Chúng tôi cùng nhau chụp hình, tuy sương sớm giăng giăng nhưng hình ảnh cũng được các “phó nháy” lưu lại thật hồn nhiên. Nhìn trên đầu, những hạt sương bám đầy như đang thấy mình đã già đi vài tuổi cũng ngồ ngộ.  Ngồi xuống một phiến đá ven đường, tôi căng lồng ngực hít một hơi thật dài, thật sâu để luồng không khí mát lạnh, còn ngây ngây mùi sương, mùi gió lan tỏa vào từng tế bào.  Càng về trưa, trời hững nắng, từng đám mây trôi bồng bềnh trên đầu, rừng núi lan tỏa một màu xanh thắm. Đâu đó thấp thoáng những tốp nam thanh, nữ tú cưởi xe máy đang tiến về chinh phục đỉnh Mẫu Sơn. Đoàn người càng ngày càng đông, tạo nên cảnh vui nhộn, râm ran.

Chúng tôi được anh xế đưa  đến “Linh địa cổ Mẫu Sơn”. Được bạn giới thiệu, Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”. Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn, vừa là nơi có di tích mộ đá lớn, còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này. Bạn tôi cho biết,  ngoài du cảnh đỉnh Mẫu Sơn, Linh địa cổ Mẫu Sơn còn du cảnh Suối Long Đầu, Núi Phặt Chi và một số địa danh khác, nhưng do thời gian một ngày không cho phép chúng tôi thưởng thức hết những nét đẹp huyền bí của dãy Mẫu Sơn. Qua giới thiệu của bạn tôi được biết, Suối Long Đầu là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến của tỉnh Lạng Sơn. Suối Long Đầu mang những nét rất đặc trưng của thắng cảnh vùng núi Mẫu Sơn. Lòng suối ngổn ngang đá núi nhẵn phẳng như có bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa. Rồi Núi Phặt Chỉ được che phủ bởi thảm cỏ xanh uốn lượn giữa các sườn đồi, xen kẽ những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, nhiều loài hoa, có cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi…tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng và thơ mộng.

Trời dần về chiều, nhiều sương mù và lạnh hơn. Chúng tôi tìm đến quán ăn bên đường để nghỉ ngơi, thư giản. Được ông chủ quán giới thiệu cho chúng tôi những món ăn đặc biệt có ở Mẫu Sơn. Đó là món gà nướng mật ong, ếch hương, lợn sữa quay, cá hồi Mẫu Sơn, rượu Mẫu Sơn, gà đồi 6 ngón... Nhưng đó là nghe giới thiệu thôi, còn thời điểm hiện tại chủ quán cho chúng tôi thưởng thức món gà đồi chân 6 ngón.  Thịt gà đồi 6 ngón chắc, ngọt và thơm chứ không nhão và dai. Ngon nhất là món lẩu thịt gà với rau trồng ở các vùng Mẫu Sơn, nước lẩu gà có thể dùng nấu mì chũ hoặc chan cùng với bún cũng rất tuyệt vời…Ông chủ còn giới thiệu rượu men lá, một sản phẩm du lịch không thể thiếu, đã góp phần tạo nên niềm tự hào của người dân Mẫu Sơn. Từ đôi tay và  sự khéo léo thuần thục khi họ cất những chum rượu men lá ấm nồng, thơm phức,  với hương vị không nơi nào có được.

Chúng tôi quây quần bên nồi lẩu lai rai chút rượu, thưởng thức món gà đồi Mẫu Sơn rồi nghe chủ quán trò chuyện. Ông cho biết, nếu du lịch Mẫu Sơn vào tháng 12 đến tháng 2 thì có thể ngắm cảnh tuyết rơi. Tuyết như những bông hoa trắng  bay lất phất trong gió Đông thật thích mắt. Hàng năm, nơi đây có 2 lễ Hội chính: Liên hoan du lịch Mẫu Sơn mùa hè, và Ngày hội du lịch Mẫu Sơn mùa đông. Với các chương trình văn hóa đặc sắc như: hát dao duyên, múa khèn, nghi lễ cấp sắc của người Dao... Tổ chức hội trại thanh niên, các trò chơi dân gian. Tổ chức các hoạt động về ẩm thực, trình diễn mô hình nấu rượu....Không để cho chủ quán nói hết, bạn tôi chen ngang tán thưởng, dỉnh Mẫu Sơn mang một vẻ đẹp không thể cưỡng lại. Dù là vào bất cứ mùa nào trong năm bạn cũng đều có thể cảm nhận được cái đẹp mà tạo hóa ban tặng cho thiên nhiên và con người nơi đây. Mùa xuân đỏ rực với những bông đào nở rộ, mùa hạ dãy núi mộng mơ ẩn hiện dưới lớp sương mù, mùa đông trắng xóa một trời băng tuyết, ngay cả trong những ngày thường Mẫu Sơn cũng đã đẹp một cách hùng vĩ và tráng lệ. Điều này đã làm nên nét đẹp độc đáo và sự hấp dẫn riêng của nơi đây.
                
Chia tay bạn ra về, tôi thầm cảm ơn bạn đã cho tôi một chuyến du cảnh Mẫu Sơn đầy thú vị.  Mẫu Sơn được biết đến là khu nghỉ dưỡng từ thời Pháp thuộc với hàng chục ngôi nhà cổ được xây dựng, bây giờ bị bỏ hoang. So với  Sa Pa, khu du lịch Bà Nà( Đà Nẵng), Đà Lạt tôi cảm giác rằng, trong khi các điểm du lịch khác được đầu tư và thu hút đông du khách thì Mẫu Sơn lại hầu như  “buồn tẻ” hơn, vì thế mà nhiều người đến du lịch ví Mẫu Sơn như “nàng công chúa” ngủ trong rừng. Nhìn từ khía cạnh Du lịch thì Mẫu Sơn hiện chưa thu hút được khách bởi cơ sở hạ tầng  chưa được chú ý đầu tư. Khách đến với Mẫu Sơn chỉ thưởng thức vẽ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Thiết nghĩ, các nhà Đầu tư, các nhà kinh doanh, Sở Du lịch Lạng Sơn cần quan tâm đến việc xây dựng khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Mẫu Sơn. Đất Trời đã ban tặng  vẽ đẹp của thiên nhiên được gắn kết với vẽ đẹp của nhân tạo sẽ làm nên một sự hài hòa trong vẽ đẹp tuyệt vời của Mẫu Sơn. Mong rằng, một thời gian gần đây, được trở lại Mẫu Sơn sẽ là điểm đến Du lịch đầy hứa hẹn, một Mẫu Sơn tráng lệ,  sầm uất và nhộn nhịp, mang đến sự hài long cho du khách. Tạo được thế mạnh Du lịch Mẫu Sơn sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, gặt hái nhiều thành quả từ những mùa màng bội thu,  sánh vai với các khu du lịch trong nước.

Lạng Sơn, tháng 11 năm 2018

Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

READ MORE - ĐẾN VỚI MẪU SƠN KỲ THÚ - Ghi chép của Nguyễn Đại Duẫn

TÌNH TRĂNG - Thơ Mặc Phương Tử






TÌNH TRĂNG


Từ lúc trăng non vừa nhú mộng
Có vầng mây sáng cuối trời xa
Thầm gieo ý tưởng trên muôn lá
Thanh sắc đêm tàn chưa phôi pha.


Thời khắc đã chia màu dĩ vãng
Trăng già mỗi lúc theo đường mây
Lên khơi cũng muốn soi lòng biển
Sợ ánh vàng nghiêng chở mộng gầy.


Hương sắc dẫu chưa lần giả biệt
Mà sao non nước lạnh mơ màng!
Chao ôi,
Bờ bến còn chăng nhỉ?
Hay chỉ còn ta với ánh trăng!


                                   MẶC PHƯƠNG TỬ

READ MORE - TÌNH TRĂNG - Thơ Mặc Phương Tử