Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 9, 2018

MỘT NGÀY ĐỊNH MỆNH - Thơ Phan Quỳ



            Tác giả Phan Quỳ


MỘT NGÀY ĐỊNH MỆNH

Tôi thương Em dù người quen hay lạ,
Bởi cơ trời nên vĩnh biệt từ đây,
Em ra đi tóc hãy còn xanh lắm,
Các con thơ đôi dòng lệ vơi đầy.

Tôi thương Em một mảnh đời lận đận,
Con nước nào xô dạt xuống lòng sâu,
Rồi chiều hôm các con chờ trước ngõ,
Dáng mẹ hiền bằn bặn tận nơi nao

Tôi thương Em chiếu chăn giờ quạnh quẽ,
Hơi ấm nào cho con trẻ đêm thâu,
Vành khăn sô ai quấn vội trên đầu
Con ngơ ngác trong khói hương nhìn mẹ.

Tôi thương Em vội vàng đi như thế,
Chốn trần gian khổ ải tự bao ngày,
Tôi viết vội với đôi dòng dư lệ,
Lòng xót đau tan nát một hình hài.

Chúa nhân từ hãy dang rộng vòng tay,
Phật từ bi xin một lần cứu rỗi,
Thế nhân buồn bao linh hồn tội lỗi
Gieo oan khiên lên những kiếp phong trần.

Ban phúc lành để người biết thương tâm,
Ban giáo huấn để quay về bờ giác ,
Bao ngang trái thôi xin đừng tiếp tục
Để con thơ còn mãi như ban đầu,
Có mẹ cha thường bồng ẵm nâng niu,
Có gia đình đầm ấm với thương yêu....

Tôi khóc Em trong lặng lẽ mưa chiều
Rơi xối xả như lòng người uất hận
Thôi hãy yên Em ơi một số phận,
Kiếp lai sinh Em sẽ được vui nhiều…

                                       Phan Quỳ

READ MORE - MỘT NGÀY ĐỊNH MỆNH - Thơ Phan Quỳ

VÀI LỜI VỀ DỊ NHÂN VĂN THÙY - Nguyễn Bàng



                Tác giả Nguyễn Bàng


VÀI LỜI VỀ DỊ NHÂN VĂN THÙY

Có vô số bài viết về Văn Thùy dị nhân, Lục bát Văn Thùy… Mà hầu hết các bài viết đó đã phong cấp bậc cho nhà thơ này cùng lục bát của ông ấy; rất hiếm thấy tác giả nào có đôi dòng viết về cái dở trong lục bát Văn Thùy. Chính vì vậy, đọc bài viết của tác giả Đặng Xuân Xuyến, tuy rất kiệm lời nhưng đã có cách đánh giá công bằng và tỉnh táo, nhất là ở mấy câu cuối bài:
“Trong gia tài thơ ca của ông, có nhiều câu thơ đặc sắc, thể hiện nét tài hoa đặc biệt của ông, nhưng thật tiếc, sự lặp lại về tứ, về ý đến gần như sao y bản chính của không ít câu thơ: “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín vía chột mười cũng xong.” - “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong.”, hay: “Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh.” - “Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rối thời mái gianh”..., thậm chí sự tương đối giống nhau của cả những bài thơ (Xin Em - Xin Em Đừng Mặc Áo Dày) đã làm thơ ông xuất hiện sự nhàm chán, nhạt đi và bớt duyên, khiến những người yêu thơ, yêu sự sáng tạo, chỉn chu sẽ khó chịu, cho rằng ông lười sáng tạo nên mới xào sáo, làm giảm sức hấp dẫn với chính thơ của mình.” (01)
Nhưng công bằng mà nói, nhà thơ Nguyễn Khôi đã viết khá thật và khá rõ từ năm 2013 về Văn Thùy dị nhân và thơ của ông ta, khi tác giả gọi đó là Thơ bụi quê mùa thấp hơn hẳn thơ Bùi Giáng:
“Văn Thùy (1941) quê gốc Hà Nội, vốn là người có học, chữ đẹp, tài hoa, thông minh tinh tướng, sau hậu chiến, do hoàn cảnh "X"... anh ôm cô vợ đẹp phú lỉnh xuống Thị trấn Ân Thi (Hưng Yên) mở Hiệu ảnh; nhưng rồi cơm chẳng lành -canh chẳng ngọt: cô vợ bỏ anh "bay" vào thanh phố Hồ Chí Minh ở với con (chồng trước), rồi với cái xe máy cà tàng anh bỏ phố, bỏ làng "đi hoang" - bụi .. tuy ở cái tuổi "hàng lão", anh đốc chứng truyền bệnh "nghiện vần lục bát" cho các cô - bà nàng mê thơ (gặp thời phong trào thơ các Câu Lạc Bộ thơ phường xã phát triển như nấm gặp mưa rào - thời mở cửa - kinh tế thị trường tự do...). Đó là những vần lục bát khá tinh luyện - hiện đại (định làm Bùi Giáng khinh đời "đ..."- nhưng thấp hơn ở mức quê mùa). Thơ Văn Thùy nổi trội là lối là thơ "tán gái nịnh đầm" rất tương tri với loại gái nạ dòng "phá rào" mới xuất hiện ở các vùng đang đô thị hóa... với "hồn Rơm" - tình vùi giữa đống rơm: em phô chuyện chán tìm chồng / xóm giềng mách: có đàn ông trong nhà / Sau hơn chục cuộc điều tra / đứa trong nhà ấy té ra là...mình”. (02)
Một người nữa không rõ tên nhưng là một thành viên đã từng học lớp Chuyên Toán Hải Hưng, cấp 3 Hưng Yên 1972-1975 thì nhận xét về thư pháp của Văn Thùy khá chính xác:
“Nhưng tôi muốn bình cái cách viết cái gọi là "thư pháp" của ông Văn Thùy. Và nói chung, không riêng gì ông Thùy mà nhiều người khác cũng có kiểu vẽ viết nghuệch ngoạc mà vỗ ngực là "thư pháp". Cái ảnh thứ nhất, vẽ rồng vẽ phượng, viết chữ loằng ngoằng gớm chết. Tôi không hiểu mỹ cảm của người khen kiểu viết kia mà gọi là đẹp thì đó là thứ mỹ cảm gì? Lạ lùng là trong Tết, Ngày Thơ ở Văn Miếu, cũng có ông viết chữ giun dế, bóp chữ để gọi là "thư pháp" mà cũng bán được tiền. Có lẽ các nhà báo cũng có khá nhiều người mù mịt, không biết mình ca ngợi cái gì. Hiện nay, một hiện tượng lệch chuẩn rất phổ biến và đáng báo động. Ví dụ, một tảng đá viết nhăng cuội bùa chú đặt ngay tại đền Hùng, mà nguyên nhân từ những ông vỗ ngực là Tiến sĩ, đại tá, đến khi truy nguyên ra, dư luận mới biết là sự nhố nhăng. Những thứ liên quan đến quốc thể, quốc thống còn thế, thì chuyện vẽ vớ vẩn lòe thiên hạ là thường. Tôi cho rằng, những anh viết chữ loằng ngoằng tự vỗ ngực là "thư pháp" cũng là nhố nhăng,bắt chước thư pháp Tàu một cách vô lối. Các nhà báo không biết rằng, chân lý không thể theo đám đông, không thể mang ra bỏ phiếu. Không thể nói rằng, có nhiều người mua cái tờ thư pháp như của ông Thùy mà bảo rằng nó đẹp hay là nghệ thuật (NXH)”
Tôi, Nguyễn Bàng thì nghĩ, những ai yêu thích kiểu viết thư pháp Quốc ngữ này mà khuyên con cháu mình học theo, chắc khi các cháu làm bài tập, chỉ cần múa vài chữ vào trong bài thôi, chắc sẽ bị các thày cô cho điểm kém và mắng là chữ gà bới.
Đúng là ông Văn Thùy có biệt tài về làm một kiểu thơ lục bát và có nhiều dị tính khác người. Nhưng ở Việt Nam ta ngày nay, không chỉ có Văn Thùy dị nhân mà còn có rất nhiều kiểu dị nhân trứ danh nữa, nào là: Dị nhân nói chuyện được với cụ rùa Hồ Gươm, dị nhân cứ hát là trời đổ mưa, dị nhân biết hô mưa hoán vũ; thậm chí có cả dị nhân dị nhân 30 năm không cắt móng tay, dị nhân tóc búi hình rồng, rắn…
Và điều đáng nói là trong dân chúng nhiều đám đông cứ thấy dị nhân là hè nhau xem nghe và cổ vũ cho họ làm mất đi tính trung thực về người, về việc làm và về tài năng thực của họ. Chẳng hạn như câu lục bát Văn Thùy này:

“Có gì mạnh đến lạ thường
Yêu suông đã bốn chân giường còn hai”…

Đã không hay lại còn sai về logic chứ đâu được như câu lục bát ca dao:

Một rằng thương hai rằng thương
Có bốn chân giường gẫy một còn ba

Hay như câu này, sao lại gọi là tâm trạng e ngại, kìm nén những xúc cảm yêu đương:
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi
Nếu thế thì không e ngại, không kìm nén những xúc cảm yêu thương, không yêu chay mà “yêu mặn” thì sẽ sờ cái gì?
Việt Nam có nhiều nhà thơ tài lục bát, không kể các vị đã khuất như Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, một nhà thơ còn đang sống cùng chúng ta là Nguyễn Duy, tất cả họ đều nổi danh lục bát với một phong cách riêng, một bản sắc riêng chứ họ đâu cần phải phong tước dị nhân?

Sài Gòn, 28/12/2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com

READ MORE - VÀI LỜI VỀ DỊ NHÂN VĂN THÙY - Nguyễn Bàng

GẶP HOÀNG THẠCH TÚ Ở ĐÀ NẴNG - Võ Cẩm



     Hoàng Thạch Tú và Võ Cẩm 


GẶP HOÀNG THẠCH TÚ Ở ĐÀ NẴNG

Tú cùng xã Triệu long với tôi. Thường gặp nhau trên đường đi học Nguyễn Hoàng thời thơ dại.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Tú dạy học ở Đà Nẵng. Gặp Tú năm 1972 rồi xa biền biệt.
Cách đây 5 tháng về Đà Nẵng, Quỳnh Thủy cho điện thoại, rất tiếc Tú đi xa nên không gặp, hẹn lại lần sau.
Lần này khi trên xe đến Đà Nẵng tôi gọi điện thoại ngay. Phía đằu dây bên kia, Tú bảo:
- Mình sẽ trốn trại gặp bạn.
- Tú nói gì mình không hiểu?
- Mình trốn bệnh viện đó mà.
- Gần 50 năm chưa gặp nhau, lần trước lỡ hẹn.
- Mình vào bệnh viện lãnh thuốc, khoảng 2 rưỡi đến 3 giờ mình có mặt tại nhà cậu.
Tôi ngồi nhà bà chị ruột chờ từ 11giờ 30.
Tranh thủ tôi gọi Song, một cậu em kết nghĩa cũng cách nay 50 năm, lúc tôi làm lính đóng quân ở Sịa.
Hai cái hẹn gần nhau, vì thời gian quá ít.
Tôi đinh ninh Song đến trước.
Song nói, khoảng 10 phút em đến vì nhà Song gần chỗ nhà chị tôi.
Hai cái hẹn cùng lúc mà cả hai người tôi không nhớ mặt.
Tú tôi có thể nhận ra vì thời còn bé cùng chung đường đến trường, đôi lần gặp nhau trên Facebook. Còn Song thì xem như người lạ.
Trước giờ Tú hẹn, đồng hồ chỉ 2 giờ chiều.
Sau 10 phút Song hẹn thì Tú đến, tôi cứ nghĩ là Song.
Tôi mời vào nhà, đợi Tú.
Tuổi già lấp lem, ngồi trên bộ xalon.
Tôi nói: Song ngồi đợi bạn anh một tí.
Tôi tiếp: Sao Song có khuôn mặt giống bạn anh quá. Anh có người bạn tên Tú. Hoàng thạch Tú dạy ở trường Trần quý Cáp Hội an.
Tú ngẩn người thấy lạ. Sao thêm một Hoàng thạch Tú cũng dạy Trần quý Cáp, Hội An mà Tú không biết.
Nhìn kỹ tôi nhận ra Tú.
Tôi thấy hố, ôm Tú cười ngắt nghẽo. Tôi nhận biết mình già, 77 tuổi rồi còn gì.
Tôi xin lỗi Tú: Tau lầm.
Vài phút sau Song đến, Song còn trẻ lắm chỉ tuổi 63.
Tôi kể cho Song nghe câu chuyện vừa rồi và nhắc chuyện ngày quen biết nhau cách đây hơn 50 năm, rồi đem nhau đi uống cafe. Té ra Song và Tú đã gặp nhau nhiều lần ở cơ quan Song mà em rễ Tú làm Giám đốc. Đúng là quả đất tròn.
Tú đưa tôi về nhà lấy xe, hai đứa về nhà Tú.
Chúc mừng bạn có nơi ở khá khang trang trong con hẻm đường Trần Cao Vân. Căn nhà mà vợ chồng Tú và đứa con gái đang dạy Đại học Duy Tân ở.
Lần đầu tiên gặp vợ Tú xinh đẹp, cởi mở, lịch thiệp và quý khách.
Tuổi trên thất thập mà còn gặp nhau là hạnh phúc.
Tú vào phòng lấy 2 hủ yến sào và bịch bánh dành cho người "Tiểu đường " để mời bạn. Ngồi tâm sự một chặp, Tú nói: đi chơi tiếp.
Hai đứa dẫn xe ra, vợ Tú nói: Anh nhớ đưa bạn anh đi ăn phở hay gì nghe. Sao mà nghe tình nghĩa và đậm tình đồng môn, đồng hương của đôi bạn già sau nhiều năm xa cách.
Ra một đoạn đường, Tú dừng xe nói: Hôm nay tôi mời bạn đi ăn thứ gì bạn thích. Tú dẫn tôi đến một tiệm bánh xèo quá đông khách "Bánh xèo tôm nhảy". Một món ăn đặc biệt của Đà Nẵng.
Một bữa ăn đáng đồng tiền bát gạo. Đầy ắp tình nghĩa.
Chia tay, xin cảm ơn bạn hiền, xin cám ơn chị Tú cho tôi biết thế nào là tình ban thâm giao. Hẹn Tú lần tới ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế hay Quảng Trị quê hương yêu dấu của mình.

                                                  Đà Nẵng 12/10/2018
                                                            Võ Cẩm

READ MORE - GẶP HOÀNG THẠCH TÚ Ở ĐÀ NẴNG - Võ Cẩm

NGƯỜI DƯNG NHƯNG ĐÂU PHẢI NGƯỜI XA LẠ! - Nguyễn Bàng



                Tác giả Nguyễn Bàng



NGƯỜI DƯNG NHƯNG ĐÂU PHẢI NGƯỜI XA LẠ!

Trong không khí của một quần thể con người hỗn loạn, hoang mang, hung bạo đang tràn ngập trong mùa lễ hội ở nhiều nơi trên miền Bắc, mà người ta đi dự lễ hội, đi đến các chùa chiền, đền thờ để vụ lợi với hy vọng đến đấy sẽ được buôn may, bán đắt, sẽ được thăng quan tiến chức, trở nên giàu có..., bỗng nghe trong gió từ đâu đưa lại một hơi thở dài buồn trách:      

Hội làng thì đã lưng chừng
Người dưng ơi hỡi...
Người dưng
Chả về

Phải là hội làng với đúng nghĩa là sinh hoạt văn hoá dân gian của cư dân địa phương ở một quy mô nhỏ vào tháng Giêng đến hội, người dân nô nức tham dự nhưng rất đẹp chữ lễ chứ không phải là lễ hội với những cảnh chen lấn, giành giật, giẫm đạp lên nhau có cả máu người và máu các con vật như trâu bị treo cổ cho đến chết, lợn bị chém giữa sân đình…, ta mới có thể nghe được hơi thở nhẹ buồn trách đó.

Ấy là hơi thở nhẹ của một cô gái quê trong bài thơ NGƯỜI DƯNG của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến. Và nghe xong tiếng thở ấy, ta như nhìn thấy cô gái đang trong đám hội nhưng không đứng trong đám đông dân làng mà đứng lẻ ra mé ngoài, ngóng mắt về phía đường xa mong đợi và mong đợi đến độ:

Đã mòn con mắt lá răm

Một cô gái quê xinh đẹp đúng như ca dao từng ca tụng: “Đàn bà con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền” mà thời nay dẫu có đốt cả trăm bó đuốc soi vào cả ngàn tiệm spa làm đẹp cho phụ nữ cũng không dễ gì tìm được một người.

Đôi mắt đẹp quý hiếm ấy “đã mòn” vì sao? Chỉ là vì: 

Lời yêu còn ở ngã năm chửa về

Thật tội nghiệp! Bởi lẽ, thói thường, khi gặp ngã ba đường người ta đã phải phân vân tìm cách nên lựa chọn ngả nào? Vậy mà lời yêu con mắt lá răm ngóng đợi lại đang ở ngã năm, chỗ con đường đi ra năm ngả; có thể ngã năm ấy không còn xa hội làng lắm nhưng biết đi ngả nào cho đúng hướng đây? Chính vì thế, đâu chỉ mình cái lời yêu đó phải phân vân tìm lối mà cả cô gái quê cũng đang bồn chồn lo lắng, liệu lời yêu có chọn đúng ngã rẽ để về hay sẽ đi lạc lối để uổng phí một hội làng, phí hoài một ngày xuân tươi đẹp. Vì thế con mắt lá răm không chỉ đã mòn vì mong đợi mà còn:

Sập sùi sũng ướt triền đê

Người đời thường dùng từ hạt lệ để nói về nước mắt. Thiên tài Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì tài hoa phong phú hơn nhiều: hạt châu, giọt ngọc, giọt tương, giọt riêng, mạch tương.

Và để diễn tả mức độ khóc, người đời thường ví von khóc như mưa:

Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Hay ví cụ thể hơn “như mưa tháng mười”:
Anh về em chẳng dám đưa,
Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.
Cũng có khi nói “khóc đỏ lòm con ngươi”:
Phù sa nước đục khó dòm,
Nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi

Làn thu thủy của nàng Kiều “nghiêng nước nghiêng thành” đã đẹp lại đẹp hơn lên khi khóc bởi những từ ngữ như đầm đầm châu sa, châu sa vắn dài, giọt ngọc như chan:

Lòng đâu sẵn nỗi thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Lại cùng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn dứt nối châu sa vắn dài"
Nàng càng giọt ngọc như chan,
Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây"

Trong NGƯỜI DƯNG của Đặng Xuân Xuyến thì nước mắt của con mắt lá răm được diễn tả mộc mạc như ta đã thấy:

Sập sùi sũng ướt triền đê

Một hình ảnh rất sáng tạo của nhà thơ hiện đại nhưng vẫn giữ được chất quê mùa bình dị rất gần gũi với người dân đồng ruộng mà không kém phần sâu sắc.
Triền đê là dải đất thoai thoải của con đê ở hai bên bờ sông. Khi mưa, nước thường từ trên trời rơi xuống mặt đê rồi trôi theo triền đê xuống tràn vào bờ bãi hay chảy hòa vào nước dòng sông cùng tuôn ra biển cả. Triền đê đâu phải là chỗ trũng để nước mưa dễ bề đọng lại. Vậy mà nước mắt của cô gái ướt sũng triền đê chứng tỏ triền đê đã bị thấm nhiều quá, lâu quá bởi những dòng lệ của con mắt lá răm.
Vậy vì sao con mắt lá răm, con mắt biết nói, biết cười mà ai trót nhìn vào sẽ đắm say, quyến luyến chẳng muốn rờì ấy đã mòn vì ngóng đợi lại khóc đến ướt sũng cả triền đê? Đây là câu thơ cắt nghĩa nguyên do nông nỗi ấy:   

Khạo khờ mãi nhuộm câu thề người dưng

Chỉ là một câu thề của một người dưng nhưng cô gái đã khạo khờ nhuộm nó vào lòng và thời gian đã trôi qua nhưng không hề phai nhạt.
Người dưng hay người dưng nước lã, chỉ người không có máu mủ ruột rà thân tộc nội ngoại gì với mình mà nó tự nhiên như nước mưa, nước giếng. Nhưng sao cái người dưng kia lại nhuộm được câu thề trong lòng cô gái? Chỉ có thể nói đó là một người dưng quá đặc biệt, nếu không nói là người đã biết nhau từ kiếp trước thì ít nhất cũng là người đã biết nhau từ hội làng năm cũ. Cái người dưng quá đặc biệt ấy đã lọt vào “con mắt lá răm”, đã cho cô gái lời yêu, mách bảo trái tim cô gái một điều gì đó rất linh diệu khiến nỗi lòng cô hằng nhớ và đời sống tâm hồn tình cảm của cô đã bị xao động:  

Cơm ăn nửa chén lưng lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?

Và vì thế, hội làng năm nay, cô mới phải hoài công ngóng đợi lời yêu và cái người dưng kia.
Qúy con mắt lá răm đáng trăm quan tiền của cô gái quê trong thơ Đặng xuân Xuyến, tôi bỗng nhớ tới cô gái trong khung cửi nổi tiếng từ hơn 80 năm trước trong thơ Nguyễn Bính. Cũng hội chèo làng Đặng ở thôn Đoài. Một cô gái nông thôn trẻ trung xinh đẹp đội mưa bụi đi hội nhưng không phải để xem mà chính là để tìm gặp người yêu:

Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem …

Và cũng thật tội nghiệp cho cô, tìm anh suốt một đêm thâu để rồi:

Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Thương con mắt lá răm đã khóc ướt sũng triền đê, tôi lại nhớ đến người thiếu phụ mòn mỏi chờ bóng tình quân bài thơ Mòn Mỏi của Thanh Tịnh ngang thời Nguyễn Bính. Bài thơ được phóng tác theo truyện "Barbe bleue" của nhà văn Pháp Charles Perrault chìm ngập nỗi buồn. Người thiếu phụ xinh đẹp ngồi bên trong bức rèm, dệt vải. Còn em gái nàng thì ngồi ở gian ngoài, ngóng ra ngoài đường, chờ đợi. Ngôi nhà bé nhỏ nằm dưới thung lũng cũng cô đơn lặng lẽ như hai chị em họ. Sau bao lần tưởng như trông thấy tình quân với con ngựa hồng đang đến gần cùng với tiếng gọi của chàng trong tiếng ngựa hí, tiếng nhạc ngựa vang reo, người thiếu phụ nhờ em gái nhẹ cuốn bức rèm tơ lên xem có phải đúng thế không để rồi chỉ nhận được những câu trả lời cuả em gái: khi thì "Chị ơi em thấy một cây liễu buồn", khi thì: “Bên rừng ngọn gió rung cây”, khi  thì “Sóng chiều đùa chiếc thuyền nan” và "Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương" hay "Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông".

Nhưng khi bất chợt nghe em gái nói như reo lên:

Ô kìa! Bên cõi trời đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa
Thì nàng thiếu phụ bỗng lo lắng bảo em gái:
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.

Và rồi kết cục:

Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên vắng người

Sự bất ngờ của hình ảnh chiếc yên ngựa vắng người đã khiến bao người yêu thơ muốn vỡ tim vì buồn thảm

Tôi vô cùng yêu thích hai bài thơ diễm tình: MƯA XUÂN của Nguyễn Bính và MÒN MỎI của Thanh Tịnh, rất quý mến tấm tình của cô gái trong khung cửi tìm người yêu, rất cảm thương người thiếu phụ xinh đẹp đã mòn mỏi mong đợi tình quân từng giây từng phút để rồi tan nát cõi lòng trong tuyệt vọng. Nhưng tôi không muốn cô gái có con mắt lá răm trong thơ Đặng Xuân Xuyến phải cam phận như hai số phận ấy. Theo kinh nghiệm người đời: Người có đôi mắt lá răm thường sắc sảo đa tình và rất thủy chung nhưng cũng luôn nhuốm chút u buồn, sâu lắng. Nhưng tôi không muốn con mắt lá răm ấy trong thơ Đặng Xuân Xuyến sẽ phải buồn tủi tê tái như cô gái trong khung cửi  “Để cả mùa Xuân cũng nhỡ nhàng”, lại càng không muốn con mắt lá răm ấy phải vận vào người nỗi mòn mỏi tuyệt vọng như người thiếu phụ trong thơ Thanh Tịnh.

Bài thơ NGƯỜI DƯNG của Đặng Xuân Xuyến rất ngắn, hai khổ nhưng cả thảy chỉ có 6 câu mà trong đó có tới 5 câu thơ buồn. Chỉ còn lại một câu:

Hội làng thì đã lưng chừng

Câu thơ tả thời gian, nhưng cũng diễn tả tâm trạng “sốt ruột”, đã xuất hiện sự “buồn nản” trong chờ đợi “người dưng” của “con mắt lá dăm”. Tuy không buồn như 5 câu thơ kia, nhưng câu thơ cũng gieo vào lòng người tâm trạng se buồn.
Hội làng thì đã lưng chừng, là khoảng thời gian đã đi qua những màn diễn chính của lễ hội và đang nhích dần về nửa sau, về những màn cuối, để khép lại hội làng, nghĩa là vẫn còn thì giờ để ngóng đợi “người dưng” nhưng hy vọng đã không còn nhiều, ngày một thu hẹp, rút ngắn.
Bài thơ khép lại với tiếng thở dài, tê tái:

Người dưng ơi hỡi...
Người dưng
Chả về.

Tôi không muốn cô gái có con mắt lá răm trong thơ Đặng Xuân Xuyến phải cam phận như vậy. Vì thế, nghĩ cho cô gái, tôi nghe như trong gió từ hội làng tiếng ai đó đang hát:

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,
Anh ơi, em vẫn đợi…

Cô gái con mắt lá răm ơi, cô có nghe thấy tiếng hát đó không?
Nếu nghe được thì xin cô hãy cùng tôi tin rằng, sau tiếng hát ấy, lời yêu của cô ở ngã năm sẽ tìm ra lối rẽ đúng và kịp về với cô, người dưng chưa về sẽ kịp đến bên cô. Hãy vững tin đi, “con mắt lá răm” xinh đẹp đa tình nhưng chung thủy nhé! Bởi gọi cái người gọi là người dưng đó đâu phải là người xa lạ, nếu không nói là đã gặp nhau trong tiền kiếp thì cũng đã biết mặt nhau, đã nghe lời yêu của nhau, đã nhận câu thề với nhau và đã nhuộm câu thề đó trong trái tim từ buổi còn khạo khờ. Nhất định người dưng ấy sẽ về hội làng để “lên ngôi” thành người nghĩa, người tình của cô và sẽ cùng cô “đơm hoa kết trái” thành hạnh phúc lứa đôi!

VĨ THANH:

Khép lại bài thơ Người Dưng, không hiểu sao tôi lại có cảm giác, hơi thở dài của cô gái mắt lá răm cũng chính là hơi thở dài của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến. Hình như nhà thơ cũng đang trong Hội làng và cũng đang để trái tim se buồn, bâng khuâng ngóng đợi một lời yêu của một người dưng nhưng cũng không phải là một người xa lạ mà là một người đặc biệt như đã cùng nhà thơ biết nhau trong tiền kiếp. Nếu đúng vậy, tôi chúc nhà thơ sẽ mau chóng đón nhận lời yêu ấy, có thể không phải là đang ở ngã năm mà ở một ngã bẩy sẽ về.


Sài Gòn, ngày 18/02/2017
NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn

*



NGƯỜI DƯNG

Đã mòn con mắt lá răm
Lời yêu còn ở ngã năm chửa về
Sập sùi sũng ướt triền đê
Khạo khờ mãi nhuộm câu thề người dưn

Hội làng thì đã lưng chừng
Người dưng ơi hỡi...
Người dưng
Chả về.
Hà Nội, ngày 09 tháng 02.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - NGƯỜI DƯNG NHƯNG ĐÂU PHẢI NGƯỜI XA LẠ! - Nguyễn Bàng

ĐỂ HIỂU NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - Nguyên Lạc



              Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Bửu Chỉ
                   

Đ HIỂU NGHĨA
CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
*
SƠ LƯỢC Ý CHÍNH BÀI CỦA GS HOÀNG ĐẲNG VÀ NHỮNG PHẢN HỒI
Nhân đọc bài viết: “Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào?” của giáo sư Hoàng Đằng trên Văn Nghệ Quảng Trị, tôi xin “góp vui” mấy ý.
Độc giả có thể đọc bài viết theo link dưới:
HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO? [1]
*
Đây là ý chính của bài viết cùng những bình luận đồng và không đồng thuận
 Ý chính
Trịnh Công Sơn viết trong một bài hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! - Hỏi làm gì, em biết không? - Để gió cuốn đi!" Bài hát được hát nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức …
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng. Đại đa số nghĩ rằng "để gió cuốn đi!" là làm được chi đó rồi,  xong việc, cho nó chìm vào quên lãng, đừng nhắc đi nhắc lại.[Hoàng Đằng
 Bình luận
-- Không đồng thuận
 TTV:
Từ xưa đến nay, người ta nói “để gió cuốn đi” nghĩa là mất hết, không còn gì hết, chớ không ai nói “để gió cuốn đi” là “đưa việc tốt của mình cho mọi người biết” … bao giờ. Chữ “cuốn đi” khác với chữ “lan tỏa” một trời, một vực. Có người nói với tôi Trịnh Công Sơn viết câu này rất “không nhân bản”; tấm lòng mà để gió cuốn đi thì vô ý nghĩa, vì tấm lòng đó bay mất hết. Người có tấm lòng thì phải làm gì tốt đẹp cho đời chớ “để gió cuốn đi” thì xem như chẳng làm chi hết… Thật tình, tôi thấy những câu trên của Trịnh Công Sơn cũng không song suốt và hơi nghịch lý; nhưng vì ông là một “thần tượng âm nhạc” nên người ta cứ hùa theo mà khen, rồi mỗi người cứ theo ý chủ quan của mình mà giảng giải. Thật ra, câu văn “một tấm lòng để gió cuốn đi” rất tối nghĩa và nghịch lý.

Trần Hào Trần Hào: Theo tôi cuốn đi không phải là lan tỏa, mà quên đi, nghĩa là làm việc thiện là bản năng tự nhiên của con người, không nhắc làm gì nữa…
-- Ba người đứng về phía giáo sư Hoàng Đằng
Văn Thanh:
 “Gió vô tư, gió không có chủ đích, gió cuốn theo thời vụ, việc tốt hay xấu đều lan tỏa theo chiều gió một cách tự nhiên, và con người có cảm thụ theo tâm lý và hoàn cảnh…
Hoàng Hữu Chiểu:
“Trong tự nhiên, hạt giống cũng nhờ "gió cuốn đi" để tồn tại sự sống! Tấm lòng, cứ nghĩ, như hạt giống tốt vậy! Cũng nhờ "gió cuốn đi" để rồi lan tỏa”.
Triêm Hoàng:
Một chiếc lá ở điểm A mà b"gió cuốn đi" thì nó sẽ tồn tại ở một điểm B nào đó, chứ không thể bị triệt tiêu vì "gió cuốn đi". Hiểu như thế thì "gió cuốn đi" là để truyền bá, lan tỏa “một tấm lòng”, mà Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm với đời …

-- Ý kiến của Hoàng Đằng
Tôi vẫn giữ cách hiểu của tôi: “… Cần có một tấm lòng … để gió cuốn đi” là gió mang lòng tốt đến cho nhiều người biết. Từ “cuốn” không phải làm cho lòng tốt bị nhận chìm mà đưa lòng tốt qua sự sàng lọc của dư luận để xem đó phải thật sự là lòng tốt không.
-- Ý kiến của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
[ ...Tôi cũng đồng ý với 3 người đứng về phía giáo sư Hoàng Đằng.
Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là “tâm ý tốt lành, thanh thản, hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng”. Tại sao một tấm lòng như vậy lại để gió cuốn đi?
 “Một tấm lòng” dù đã biến thành cách hành xử đầy nhân ái, vị tha, cao thượng hay mới chỉ là tâm lành, ý tốt cũng đều phát xuất từ trái tim. Nếu để nó trụ mãi trong tim thì - tâm sở này níu kéo tâm sở khác – không sớm thì muộn, nó sẽ bị biến dạng. Và nguy hiểm hơn nữa, nó sẽ thành đầu mối của vô vàn tâm sở bất thiện khác.
“Gió cuốn đi”, trong ngữ cảnh của bài nhạc, theo tôi, nên hiểu là gió cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Chứ khi nó đã ra khỏi chỗ nó được phát sinh thì đến được đâu là tùy duyên. Người có “tấm lòng” không nên nỗ lực tác động vào hướng đi, điểm đến của nó. ...
Trịnh Công Sơn qua những ca khúc Cát Bụi, Bốn Mùa Thay Lá, Cho Một Người Nằm Xuống đã biểu lộ một sự am hiểu sâu sắc về lẽ vô thường của đạo Phật. Để Gió Cuốn Đi lại mon men đến chữ Tâm.
Tác giả của nó tuy chưa đạt đến trình độ “lý sự dung thông” như thiền sư Viên Minh trong thi phẩm Thơ Trên Cát, nhưng với ca từ ảo diệu, bàng bạc tính triết lý độc đáo của riêng mình ông đã tặng cho đời một phương cách đơn giản để giúp tâm được nhẹ nhàng và trong sáng. Hãy “Để Gió Cuốn Đi”...] [SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI? Phạm Đức Nhì] [2]
Đây là nhận định của tôi - Nguyên Lạc:
Theo tôi, cả 2 phía đều bàn luận "trên mây", giống như trường hợp Jacques Prévert
-- Trường hợp Jacques Prévert
"Nhà thơ Jacque Prévert đi vào câu lạc bộ bình thơ của Pháp tại Paris. Gặp lúc các nhà bình thơ đem thơ ông ra mổ xẻ đủ loại, đủ điều nhưng chả có ai chú ý đến một người vô danh mới vào và chăm chú theo dõi cuộc bình thơ. Hết cuộc bình thơ, người khách lạ bước lên sân khấu bắt tay các diễn giả và nói rằng: "Xin chân thành cảm ơn tất cả các ngài đã đem thơ tôi bình luận. Thật sự tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng cao xa ấy trong thơ mình và tôi cũng không ngờ thơ tôi lại hay như vậy. Cảm ơn các ngài.
Nói xong, người khách lặng lẽ bước ra. Người khách lạ ấy chính là Jacque Prévert."
.
--  Hai ch "Trên mây" là tôi mượn tên quyển sách của cố văn sĩ Nguyễn Xuân Hoàng "Người đi trên mây". Bàn luận "trên mây" là bàn luận theo ý riêng của mình, ngoài ý tác giả muốn nói. Mãi lo nghĩ đến chuyện viển vong mà quên đi thực tế, thực trạng, cuộc đời, của xã hội lúc tác giả viết bài nhạc.
.
HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
.
Đây là lời của giáo sư Hoàng Đằng:
"Bài hát được hát nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức ...
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng. Đại đa số nghĩ rằng "để gió cuốn đi!" là làm được chi đó rồi,  xong việc, cho nó chìm vào quên lãng, đừng nhắc đi nhắc lại.
Đúng, người làm việc thiện mà rồi tự mình nhắc đi nhắc lại như kể ơn thì việc thiện của mình giảm giá trị rất nhiều, thậm chí không còn giá tr"
.
Theo ngu ý tôi, có lông và các bạn bình luận viên kia bị ảnh hưởng bởi sách/ lời giảng của TT Thích Nhật Từ . Đây là ý của TT Thích Nhật Từ giảng lại cái ý của nhạc sĩ TCS:
"Người có tấm lòng là người nhiệt tình, tử tế, sẵn sàng dang tay giúp đỡ, mang lại niềm vui cho người khác. Tấm lòng đó có hai hướng: Tấm lòng có điều kiện và tấm lòng vô điều kiện. Tấm lòng có điều kiện lúc nào cũng cần có lời kêu cứu, có nỗi khổ, niềm đau, bế tắc, có một nhu cầu cần đến sựgiúp đỡ và gõcửa đúng nơi người có tấm lòng để ban tặng, tấm lòng đó mới có mặt. Rất nhiều người chúng ta được xem là người tử tế và có tấm lòng, nhưng quanh năm suốt tháng chưa hẳn có ý tưởng chuyển tấm lòng đó thành hiện thực như sựgiúp đỡ tại viện dưỡng lão, mồ côi, khiếm thị…"
(Để gió cuốn đi - TT Thích Nhật Từ giảng tại chùa Xá Lợi ngày 9-8-2009)
Bài "Để gió cuốn đi"  viết năm 1971 lúc đất nước tang thương  do chiến tranh, có liên hệ gì đến "việc từ thiện"?!
Cả về bạn Phạm Đức Nhì:
“Gió cuốn đi”, trong ngữ cảnh của bài nhạc, theo tôi, nên hiểu là gió cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Chứ khi nó đã ra khỏi chỗ nó được phát sinh thì đến được đâu là tùy duyên. Người có “tấm lòng” không nên nỗ lực tác động vào hướng đi, điểm đến của nó.
Tác giả của nó tuy chưa đạt đến trình độ “lý sự dung thông” như thiền sư Viên Minh trong thi phẩm Thơ Trên Cát, nhưng với ca từ ảo diệu, bàng bạc tính triết lý độc đáo của riêng mình ông đã tặng cho đời một phương cách đơn giản để giúp tâm được nhẹ nhàng và trong sáng"  [SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI? - Phạm Đức Nhì]
Năm 1971, năm bản nhạc này ra đời, năm của "dầu sôi lửa bỏng" tác giả đang hăng say viết nhạc chống lại chiến tranh (phản chiến) thì giờ đâu mà "lý sự dung thông”
Theo tôi các câu nhạc:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi” 1971
của bài nhạc ể gió cuốn đi" ý nghĩa như thế này:
-- Ai trong chúng ta cũng đều có một tấm lòng, một tấm lòng nhân hậu - "Nhân chi sơ tính bổn thiện". Ai mà không rơi nước mắt khi thấy các hoàn cảnh bất hạnh, nhói tim lúc chứng kiến những tai nạn thương tâm.
-- "Để gió cuốn đi" nghe để an ủi lòng mình: Hãy sống thật “người”, sống như ngày mai ta và người không còn nữa.

HIỂU "SAI" NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
Trong bài viết nêu trên GS Hoàng Đằng có viết: "... ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng", có nghĩa chỉ GS hiểu đúng còn ngoài ra mọi người đều hiểu SAI. Tôi xin thử đem kiến thức "ít ỏi"của mình ra để hiểu SAI câu nhạc trên xem sao.
Trước khi giải thích câu nhạc, tôi xin được dẫn ra trích đoạn này để các nhà bình trên thưởng lãm
[-- Muốn phê bình sâu sắc một bài thơ thường ta nên tìm hiểu rõ cuộc đời của tác giả qua lý lịch, qua cảc bài viết, hồi ức, các bài thơ đã đăng.
-- Là thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" của bài thơ/ nhạc
-- Đừng đóng "hòm" trước rồi chặt chân xác chết cho vừa cái "hòm". Có nghĩa là đừng đưa ra tiêu chí chủ quan riêng mình rồi ép bài thơ/ nhạc được bình phải hợp theo. Không nên áp đặt như vậy...] [Vài Ý Nghĩ Về Bình Thơ - Nguyên Lạc] [3]
Và điều quan trọng cần nhớ là trong thơ/ nhac, không cần chú trọng đến thứ tự trước sau của câu trong bài, chỉ cần nắm được cái ý, cái hồn là đ.
I. VÀI HÀNG VỀ TRỊNH CÔNG SƠN
1. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam
"Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này..."
2. Từ đầu thập niên 1980, khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài nhạc cách mạng như "Em ở nông trường em ra biên giới", "Huyền thoại Mẹ", "Ánh sáng Mạc Tư Khoa", "Ra chợ ngày thống nhất" [Wikipedia][4]
3. Ý nghĩ tuyệt vời, theo tôi của Trịnh Công Sơn
"Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa" - Trịnh Công Sơn
.
4. Vài bài nhạc lý thú sau 1975

 Tôi ơi đừng tuyệt vọng 1992

Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai là ai là ai
Mà yêu quá đời này...
Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọn
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh

 Tiến thoái lưỡng nan 1998

Ngày xưa lận đận
Không biết về đâu...
Tiến thoái lưỡng nan
Đi về lận đận
Ngày nay lận đận
Là ... giọt hư không.(Tiến thoái lưỡng nan -Trịnh Công Sơn)

II. Ý VÀI BÀI NHẠC

-- Triết lý nhân sinh
Hai bài nhạc theo tôi đầy triết lý nhân sinh và liên quan nhau là: "Cát Bụi" và "Để Gió Cuốn Đi”.

 Bài hát  "Cát Bụi" 1965

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
...
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
...
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
(Cát Bụi - Trịnh Công Sơn)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng con người chỉ là tổng hợp của tứ đại - Thân tứ đại. Thân tứ đại Theo triết lý phương Đông là bốn chất phổ quát cũng là bốn cái lớn trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa.
Theo triết lý của Phật giáo: Thân chúng ta chỉ là một tổ hợp tạm thời do đất-nước-gió-lửa kết hợp tạo thành. Chúng duyên hợp theo nghiệp lực và sau đó chúng tan rã theo nghiệp lực.
Như  những  đám  mây  t  rồi  tan  và  lại  tụ thành những đám mây khác nhau, thân người sẽ có ngày tan rã trở về với tứ đại. Và theo hoàn cảnh,  tứ  đại  lại  sẽ  nhóm  họp  và  mang  hình tướng khác. Tuy nhiên đừng cảm thấy mọi sự đều vô ích vì ý tưởng “thân bạn sẽ tan thành tứ đại”.
"Danh từ Phật giáo hay dùng cụm từ "thân tứ đại" để chỉ cho cái nhục thân bằng xương thịt này của chúng ta. Tứ đại là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Bốn yếu tố này có mặt khắp nơi , nên gọi là "đại" có nghĩa là lớn. Gọi là bốn yếu tố lớn vì nó là vật chất có mặt rộng khắp. Vật chất này ở thân ngừơi thì gọi là thân tứ đại. Đóa hoa cũng là tứ đại, đám mây cũng là tứ đại, hòn sỏi cũng là tứ đại, ngọn cỏ cũng là tứ đại....v.v. và v.v....vì cái gì là vật chất thì có yếu tố tứ đại
Người tín đồ Phật Giáo thì quen gọi cái thân của mình là thân tứ đại. Tứ đại bất hòa thì có bệnh duyên. Tứ đại ly tan thì gọi là chết. Chết cái thân tứ đại thì người đời không nhìn thấy thân của mình nửa nên gọi là mình đã chết. Cái mà người ta gọi là chết là quá đơn giản. Theo đạo Phật thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây. Nó còn có Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người. Không Đại là cái hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên. Kiến Đại là cái thấy biết của chúng sanh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại. Thức Đại là cái nhận thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sanh nên cũng gọi là đại. Phải đủ bảy đại thì mới gọi là một chúng sanh hữu tình. Còn hòn sỏi, đóa hoa chỉ là chúng sanh vô tình.
Với từ ngữ chúng sanh thì chúng ta hiểu rằng do chúng duyên (tức là nhiều yếu tố nên gọi là chúng duyên) hợp lại với nhau mà sanh khởi nên gọi là chúng sanh. Đóa hoa là chúng sanh vô tình vì do tứ đại giả hợp lại mà có cái gọi là Đóa Hoa. Con người là chúng sanh hữu tình bởi vì do bảy đại giả hợp lại mà có con người.
Duyên hợp thì là chúng sanh, duyên ly thì thì đi theo nghiệp mà tái sanh. Cái đi tái sanh đó là duyên nghiệp theo Kiến Đại và Thức Đại của chúng sanh mà luân hồi còn tứ đại thì cũng tan hoại trở về với lòng đất. Do biết rằng chết không phải là hết, vì vẫn còn luân hồi, không phủ nhận nhân quả, luôn tỉnh thức:  Gieo nhân và vui lòng trả quả vì dòng thời gian là vô tận, nghiệp quả phải trả vay nên ta không thể nhắm mắt mà làm liều làm bậy, làm điều ác nhân"(Viết theo Minh Đức - Tạng thư Phật học)

 Bài hát “Để Gió Cuốn Đi”, 1971
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng con người sống không chỉ để tồn tại mà "cần có một tấm lòng". Cuộc đời vốn dĩ công bằng, không cho ai tất cả nhưng cũng chẳng lấy đi của ai tất cả vì thế "dù đau buốt trái tim" nhưng "còn cuộc đời ta cứ vui".
"Để gió cuốn đi" là tình khúc giàu triết lý nhân sinh, phảng phất tinh thần đạo lý của Phật giáo.
Bài nhạc "Cát Bụi" tôi phải giải thích sâu vì nó rất cần thiết để hiểu rõ bài "ĐGió Cuốn Đi"

 Ý NGHĨ RIÊNG VỀ CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Tôi sẽ tổng hợp các bài hát:  "Cát Bụi" 1965, Nối vòng tay lớn 1968, Để Gió Cuốn Đi 1971,Tôi ơi đừng tuyệt vọng 1992, Tiến thoái lưỡng nan 1998"... để giải thích cách hiểu SAI câu nhạc của Trịnh Công Sơn . Nhưng xin nên nhớ rằng: Bài nhạc ể Gió Cuốn Đi" mãi đến sau nầy khoảng sau 1997 - 1998 (?) Trịnh Công Sơn mới công bố lại rộng rãi; trước 1975 cho mãi tới 1986 khi còn ở lại Việt Nam, còn sống trong "thiên đường", tôi chưa từng nghe. Do đó, ta có thể xem như Trịnh Công Sơn viết sau 1997, sau hơn 20 năm sống trong "thiên đường" để tỏ rõ tấm lòng của mình, theo tôi là tấm lòng "nhân bản". Và nó được biết đến nhiều sau khi cuốn sách và bài pháp thoại  Gió Cuốn Đi" của TT Thích Nhất Từ giảng tại chùa Xá Lợi ngày 9-8-2009 và được ấn hành.

Về bài "Nối vòng tay lớn"
-- Ra mắt lần đầu vào năm 1970
Nối vòng tay lớn được sáng tác vào năm 1968 nhưng tới năm 1970 ca khúc mới được hát vang tại trại Nối vòng tay lớn dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam được tổ chức trong ngày 24 và 25/4/1970.
-- Hát trên đài phát thanh vào ngày 30/4/1975
Đúng 3h chiều 30/4/1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát lời giới thiệu "Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp, nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này", rồi vị nhạc sĩ lần đầu cất tiếng hát ca khúc do chính mình sáng tác.
.
@ Chính bài nầy hát ngày 30/4 đã gây rất nhiều phiền não cho ông và chắc cũng gây cho ông sân hận theo đuổi cho đến mãn đời. Bằng chứng là những lời của cả hai bài nhạc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" 1992, "Tiến thoái lưỡng nan" 1998"...
Tôi thường nghĩ:
"Văn chương và chính trị như hai gàu nước trên cái ròng rọc của giếng nước, ít khi nào cân bằng nhau. Cái này lên thì cái kia xuống, bên này trọng thì bên kia khinh. Người làm văn chương thường "mù" về chính trị, vì không biết dối gạt; và kẻ làm chính trị thường "mù" về văn chương, vì chưa từng mở lòng" (Nguyên Lạc)

Về bài "ĐGió Cuốn Đi"
Nguyễn Xuân Hoàng là tác giả câu văn lý thú sau đấy mà tôi tâm đắc

[...nghĩ cho cùng trên đời này, tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ, và tưởng là gặp gỡ đôi khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu trời và tình cờ gặp nhau, rồi những con giông bất ngờ ập đến bắn tung ra, những hạt bụi lại rời nhau bảy về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp? Nào ai biết?... ] (Nguyễn Xuân Hoàng)
.
Câu này theo tôi rất đúng ý với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về triết lý Phật giáo - như trong bài nhạc "Cát Bụi" -  hình như ông là một Phật tử thuần thành(?) Tôi sẽ dùng câu văn này để giải thích câu nhạc của ông trong bài "ĐGió Cuốn Đi" mà chúng ta đang "thương thảo".
Những hạt bụi (tứ đại) sẽ bị gió cuốn bay đi, tan biến cùng những ghét thương, sân hận, vinh hoa tủi nhục, giàu có nghèo hèn, dối gian lọc lừa .v.v... Thôi bay đi, tan biến đi, chỉ còn lại tấm lòng chân thật (tấm lòng đời sống cần phải là tấm lòng lương thiện, tấm lòng nhân hậu, vì nếu giả trá, ác độc thì cần chi?) 
Tôi xin viết lại câu nhạc như vầy theo cảm nhận của tôi:

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...
Để làm gì em biết không?
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Hãy quên đi tất cả tha nhân ơi! quên đi những vụng dại, những ngây thơ sai lầm; hãy nghĩ tới tấm lòng chân thật, hiền lương, nhân bản.

LỜI KẾT
.
Đã gần nửa thế kỷ rồi, theo tôi: Trừ sự hung tàn, ngụy ngôn, tiếm danh... cần phải nhớ, cần phải ghi lại  cho con cháu biết mà tránh vết xe đổ;  chúng ta nên hãy quên, hãy tha th. Ai mà không ngây thơ, lầm lỗi ? Cái quan trọng là phải luôn chiêm nghiệm lại bản thân mình, thấy được khuyết điểm, có khi không do ý chí của mình, mà ăn năn sám hối, chỉnh sửa lại cho đúng, cho đẹp hơn, cho nhân bn. Còn đối với tha nhân, xin nên mở lòng bao dung
Hãy “Để Gió Cuốn Đi” tất cả, chỉ chừa lại "Một tấm lòng" nhân bản và thiện lương!
Time is the best medicine! Look forward to  the future with a sincere heart. Best wishes you all!

Nguyên Lạc
.......................
Ghi chú:
[1] HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO? - Hoàng Đằng
[2] SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI? Phạm Đức Nhì
[3] MỘT CÁCH BÌNH THƠ  - Nguyên Lạc
[4] Trịnh Công Sơn-Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Phụ chú:

         1. Để Gió Cuốn Đi - Trịnh Công Sơn

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông,
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông,
Ôi trái tim đang bay theo thời gian, 1971

         2. Cát Bụi 1965 - Trịnh Công Sơn


Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
...
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
...
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

            3. Nối vòng Tay Lớn - Trịnh Công Sơn

Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
...
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh

READ MORE - ĐỂ HIỂU NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - Nguyên Lạc