Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 6, 2018

CHIỀU ĐỘC ẨM - Thơ Trần Kiêm Đoàn



                              Tác giả Trần Kiêm Đoàn


CHIỀU ĐỘC ẨM

Có nét phiêu du chiều độc ẩm
Bạn bè ơi tứ xứ biết phương nào
Nhà cao cửa rộng buồn quan ải
Ghế trống bàn không uống với ai

Xưa uống mười chai chưa thấm rượu
Mỗi câu cười phủi sạch mấy rừng men
Nay ta uống nửa ly chiều độc ẩm
Rượu không say mà chếch choáng nỗi buồn thêm

Khi thấy rượu không còn chi men rượu
Tửu vô tâm không phá được thành sầu
Cười ngạo nghễ lão lai thành tráng sĩ
Sau tiếng cười không biết sẽ về đâu

                             Trần Kiêm Đoàn
                                       
(Cảm tác chiều uống rượu một mình và đọc thơ vào phone 12-12-18)

READ MORE - CHIỀU ĐỘC ẨM - Thơ Trần Kiêm Đoàn

HƯƠNG ĐÊM - Thơ Đặng Xuân Xuyến





HƯƠNG ĐÊM
(Tặng Mạc Phong Tuyền)
Nhân đọc MÙI CON GÁI

Mười sáu trăng tròn
Trốn mẹ
Em ngẩn ngơ mùi trai mười bảy
Níu hương đêm
Em
khỏa tóc thề.

“Tháng Tư về...”
Bờ đê...
xòa tay
Em trộn mùi trai mười bảy
nướng lưng trần bỏng nhãy...
Vít
Hương đêm...

Hà Nội, sáng 05.12.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - HƯƠNG ĐÊM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

ĐÊM VỌNG THÁNH - Thơ Nhật Quang


                 Nhà thơ Nhật Quang



ĐÊM VỌNG THÁNH

Đêm trầm lặng
Gió ru hồn quạnh hiu
Rưng rưng câu kinh nguyện
Nhạt nhòa trong sương đêm
Thắp chùm nến lung linh
Xua  màn đêm đông giá
         Thời gian tựa bóng câu                                         
Vẫn trầm luân kiếp người
Trong vũng lầy tội lỗi
         Những đêm dài tăm tối
         Linh hồn vùng vẫy             
         Mong ánh sáng Thiên đường                       
Đêm trong cõi thinh không
Vạn vật im lìm
Giữa bóng đêm tàn tạ
Ngước mắt lên trời cao
Nơi ngút ngàn vô tận
Tinh tú nhẩy nhót - xôn xao
Hồn mơ…lãng đãng
Quẩn quanh tìm cõi phúc
Thầm thì lời kinh đêm
Xua tan loài ác quỷ
Diệt cõi lòng nhớp nhơ
Thập giá Chúa rỉ máu
Dòng vĩnh phúc ngọt ngào
Nén chặt nỗi tâm can…
Ngửa tay chạm hồng phúc
Ánh hừng đông chói lòa
Rực rỡ mùa xuân Thánh nở hoa.

                        Jos. Nhật Quang

READ MORE - ĐÊM VỌNG THÁNH - Thơ Nhật Quang

PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG" - Nguyên Lạc



                          Nhà bình thơ Nguyên Lạc



PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG"

Lời nói đầu:
Bài này viết ra với mục đích phê bình các nhà phê bình thơ "bẻ cong" ngòi bút vì "ý đồ", tư lợi, phe nhóm; các tay mơ sính phê bình thơ để tỏ ra "ta đây" vô tình làm rắc rối thêm cho người thưởng lãm: Một bài thơ bình dị, rõ ràng, dễ hiểu... trở nên mù mờ rắc rối qua tay các nhà bình thơ loại này, khiến độc giả không biết các ông bà này muốn nói cái gì; nhiều khi còn phải chạy tìm từ điển!
Trước khi vào bài, tôi xin được ghi ra đây vài ý nghĩ riêng liên quan đến việc bình thơ mà tôi sẽ dùng cho việc phê bình các "nhà" này.

VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

Đây là vài ý nghĩ của riêng tôi:
-- Muốn phê bình sâu sắc một bài thơ thường ta nên tìm hiểu rõ cuộc đời của tác giả qua lý lịch, qua cảc bài viết, hồi ức, các bài thơ đã đăng.
- Là thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" của bài thơ
-- Người bình thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho sự bình thơ; vì nếu chỉ bình theo cảm tính thì e bài bình không được chính xác, đầy chủ quan và có nhiều khi vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài thơ.
-- Bình mà chưa gì người đọc đã đoán trước nhà binh thơ sẽ khen bài thơ thì không nên. Phải bình như thế nào để tránh cho người đọc phát biểu: - Chưa đọc bài bình cũng biết trước bài thơ này sẽ được khen!
-- Người bình thơ nên nhớ rằng không phải cứ giới thiệu bài thơ nào cũng phải khen 100%. Một bài thơ hay như thế nào đi nữa cũng phải có vài khuyết điểm cần được nêu ra cho chính xác, cho cân bằng giữa ưu và khuyết.
-- Bình bài thơ nào cũng khen đôi khi đưa đến phản ứng nghịch (side effects) đối với những độc giả khó tính: _ Chê độc giả NGU, không biết thưởng thức, phải cần nhà bình thơ giải nghĩa giùm. Hãy để độc giả tự thưởng lãm, đừng chỉ dạy!
-- Cách cảm nhận của người bình vẫn chủ quan, chưa chắc hoàn toàn đúng. Đừng như nhà khoa học sau đây nghiên cứu về con cào cào (châu chấu):

"Nhà khoa học bắt con cào cào bỏ lên bàn rồi vỗ bàn một cái, con cào cào phóng đi. Ông vội vàng gục gật đầu,ghi ghi...
Lần kế, ông ngắt râu cào cào và vỗ bàn, cào cào phóng đi. Ông lại ghi ghi, nhíu mày suy tư...
Hôm nọ nhà khoa học ngắt 2 càng (chân lớn) con cào cào rồi cũng vỗ bàn một cái: Con cào cào vẫn nằm tại chỗ. Ông vỗ thêm một lần nữa, cào cào vẫn nằm im...
Ông với la to lên:
- Tìm ra rồi, tìm ra rồi...
Đây là PHÁT KIẾN VĨ ĐẠI của ông ta:
"Con cào cào trở nên ĐIẾC khi bị mất hai càng"

Nhà bình thơ đừng là nhà khoa học trên, cho rằng chủ kiến riêng mình là luôn đúng - Thật ra sai mà không biết
-- Cũng đừng đóng "hòm" trước rồi chặt chân xác chết cho vừa cái "hòm". Có nghĩa là đừng đưa ra tiêu chí chủ quan riêng mình rồi ép bài thơ được bình phải hợp theo. Không nên áp đặt như vậy [MỘT CÁCH BÌNH THƠ - Nguyên Lạc][1]
-- Các nhà bình thơ xin nhớ lại “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Hay của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!

Hãy thật lòng mình, đừng bẻ cong ngòi bút vì tư lợi, ý đồ, phe cánh hoặc vì tiếng tăm người khác gắn cho thi nhân, nào là “nữ hoàng”, nào là “vua thơ” v.v… mà vội vàng hít hà khen thưởng, không thẩm định kỹ. Nên nhớ rằng, khen “quá lố” có khi làm hại người được khen.*
(Nguyên Lạc: VÀI Ý NGHĨ VỀ THƠ VÀ BÌNH THƠ) [2]

TRƯỜNG HỢP TIÊU BIỂU

Mặc dù tôi đã nhiều lần viết bài cẩn báo cái tính "bẻ cong " ngòi bút vì ý đồ, "phe ta vái nhau", nhưng các "nhà" bình thơ này vẫn tiếp tục "mục hạ vô nhân", vẫn tự sướng (selfie), nên bắt buộc tôi phải phê phán.
Đơn cử như ngài Phạm Ngọc Thái, ông nhà thơ "đương đại" tự phong, được "phe ta" vái nhau nào là: NHÀ THƠ LỚN THỜI ĐẠI, THI BÁ, MỘT NHÀ KIỆT TÁC THƠ TÌNH, THIÊN TÌNH CA TRÁC TUYỆT... Tôi đã có lần cẩn báo ngài về lối bình "bẻ cong ngòi bút" (mix too much water with their ink – Goethe), thế mà mới đây ngài lại tiếp tục dùng "lời có cánh" để khen "phe ta" vì "ý đồ".
Xin được trích đăng lại lời cẩn báo lần trước để ngài và các ông / bà "bình thơ vái nhau" loại ngài thưởng lãm

VỀ MỘT BÀI BÌNH THƠ GẮN VƯƠNG MIỆN
Xin được vài hàng về một bài bình thơ gắn “vương miện” gần đây của “Một nhà thơ trong đương đại thuộc hàng bậc cha anh… cũng xin ngả mũ chào em – Nàng thi sĩ” (sic). “Nhà” này cũng thường hay “tự sướng” thơ mình.
Ghê chưa? Câu khen này chắc phải đúng vì được phát xuất từ miệng “Một nhà thơ trong đương đại”. “Nhà” này đã khen nữ thi nhân “tiếng tăm vang dội tận thủ đô“. [3]
Thấy lời khen “quá dữ” tôi vội ghé vào đọc thử những lời “có cánh” xem sao.
Tôi xin được tạm dấu tên thi nhân – chỉ gọi XYZ – để trân trọng “tiếng tăm” vì: “Thơ XYZ đã được giới thiệu nhiều trên báo, tiếng tăm về thơ hay XYZ cũng lan khá rộng, ra tận thủ đô được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát”. Và dấu tên nhà bình thơ đương đại nầy vì yêu cầu lịch sự.
Đây là những câu thơ “đập” vào đầu tôi và được ngài “nhà thơ trong đương đại thuộc hàng bậc cha anh” hết lòng ca ngợi:
Kỷ niệm “quật mồ” lao trở về mai mỉa tiếng thời gian
Tình thu “cướp” nỗi nhớ trong ta chỉ để lại chiếc lá vàng
“Tranh thủ” đứng lên nhặt tình Thu xâu kết tặng cho đời
(THÁNG TÁM - Thơ Trúc Thanh)

Quật mồ, cướp, tranh thủ … đọc tới những chữ nầy sao tôi thấy “rợn tóc gáy”.
Tác giả là người sáng tạo, có toàn quyền dùng từ nào mình thích, nhưng ít nhất cũng nhớ là viết cho AI, vậy nên chú ý dùng từ sao cho êm dịu, thanh thoát, không gây chia rẽ, buồn lòng người. Thi nhân thì tôi không đặt nặng nhưng quan trọng là ở “người bình thơ”, người “ca tụng” thơ. Theo tôi, đây là những từ dùng trong văn nói hoặc trong văn viết thì cũng tạm được, nhưng trong thơ thì … nên cẩn trọng. Nhà bình thơ “đương đại” phải giải thích rõ cho độc giả hiểu tại sao các câu thơ có những từ này là hay, là tuyệt?
Chúng là ngôn ngữ tuyệt vời của thơ thật sao?
Chúng gợi nhớ đến những cụm từ: cướp chính quyền, quật mồ người chết … và nhất là cụm từ “tranh thủ” nhập từ Đại Hán: — Tranh thủ để chiếm đoạt? “Xin các đồng chí tranh thủ, khẩn trương” …
Những từ chưa hoàn toàn đồng thuận này vẫn còn đang tranh cãi, đang gây chia rẽ “bên thắng / bên thua cuộc” và đâu có thanh thoát gì? Sao “nhà bình thơ” không giải thích rõ tại sao mình khen? Hay là “ngài bình thơ” tự cho là nó tuyệt vì thi nhân đã có “tiếng tăm”? Này nhé: – “Thơ XYZ đã được giới thiệu nhiều trên báo, tiếng tăm về thơ hay TXYZ cũng lan khá rộng, ra tận thủ đô được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát“?
Cái “tiếng tăm” thật giả thì chưa rõ, nhưng theo tôi đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, trong các “Hội” ở Việt Nam “đương đại”, nhất là “Hội nhà văn” ai cũng biết. Làm sao lọt qua được “bộ lọc””định hướng”, tôi gọi là “Sổ đoạn trường”, để được in ấn, công bố tâm huyết mình nếu không phải là “phe ta”, nếu không “có ô dù”?

Hay nhà bình thơ hiểu các từ trên là “tuyệt vời” vì ảnh hưởng nền giáo dục “mới”, nền giáo dục chú trọng “hồng hơn chuyên” “đỉnh cao” XHCN? Nếu thế thì tôi không trách nhà bình thơ, mà trách nền giáo dục này: Nền giáo dục tạo ra “Con người mới” luôn đặt nặng thắng / thua, ta / địch – Ta nhất định thắng / địch nhất định thua; ngược với nền giáo dục của tiền nhân, hay các nền giáo dục nhân bản khác chỉ dạy con người trân trọng và yêu thương nhau.
Xin được mở ngoặc ghi thêm về cách hành xử ở đời:
- Nên đối xử nhau bằng “Tình đáp tình”, đừng xem nhau ta / địch. Vì trao tha nhân ân tình thì sẽ nhận lại được ân tình. Giống như quả bóng ném vào bức tường sẽ dội ngược lại, ném mạnh thì dội mạnh. Ném sân si vào “bức tường đời” thì nhận lại được sân si thôi!, nhân nào quả nấy như nhà Phật đã nói. Trân trọng yêu thương cuộc đời thì đời sẽ trân trọng yêu thương lại ta.
Tha thứ cho tôi, không thể nào tiếp tục cảm nhận thêm những lời bình thơ “tuyệt vời” mà nhà bình thơ “gắn vương miện” cho thi nhân được nữa, những lời có cánh: “hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (Modern poets mix too much water with their ink – Goethe).

PHÊ BÌNH NHÀ BÌNH THƠ "BẺ CONG"

Bài cẩn báo trên tôi dấu tên ngài vì lịch sự, nhưng không biết ngài có đọc bài cẩn báo về lối "phê bình bẻ cong" trên chưa mà tôi vẫn thấy ngài tiếp tục với bài: TRÚC THANH VỚI BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT [4]
Tôi thật sự không biết ngài hiểu XÔ-NÁT như thế nào mà dùng "lời có cánh" so sánh với thơ TRÚC THANH; chứ theo tôi hiểu thì như thế này:

I. SƠ LƯỢC VỀ SONATA
Sonata (/səˈnɑːtə/; Italian: [soˈnaːta], pl. sonate; from Latin and Italian: sonare, "to sound"), in music, literally means a piece played as opposed to a cantata (Latin and Italian cantare, "to sing"), a piece sung. The term evolved through the history of music, designating a variety of forms until the Classical era, when it took on increasing importance, and is vague. By the early 19th century, it came to represent a principle of composing large-scale works. It was applied to most instrumental genres and regarded—alongside the fugue—as one of two fundamental methods of organizing, interpreting and analyzing concert music. Though the musical style of sonatas has changed since the Classical era, most 20th- and 21st-century sonatas still maintain the same structure.

1. Sonata (sonare trong tiếng Ý với nghĩa đen là “phát ra âm thanh”) là một thể loại tác phẩm âm nhạc cổ điển viết cho một hay nhiều nhạc cụ. Thuật ngữ sonata cũng chỉ hình thức âm nhạc đặc trưng của chương nhạc thứ nhất trong các sonata thế kỉ 18 và các thể loại có liên quan. Từ giữa thế kỉ 18, thuật ngữ sonata thường được sử dụng cho các tác phẩm có khuôn mẫu ba hoặc bốn chương viết cho một hoặc hai nhạc cụ, như trong piano sonata (cho piano độc tấu) hoặc violin sonata (cho violin với bè đệm đàn phím). Có các thuật ngữ khác ngoài sonata được sử dụng cho các tác phẩm bố trí theo khuôn mẫu sonata nhưng được soạn cho những kiểu kết hợp nhạc cụ khác ; chẳng hạn như sonata cho dàn nhạc được gọi là giao hưởng, sonata cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc được gọi là concerto và sonata cho tứ tấu đàn dây được gọi là tứ tấu đàn dây. [Tìm hiểu thể loại Sonata][5]

2. So với tất cả các hình thức âm nhạc, hình thức sonate là hình thức có cấu trúc phức tạp và hoàn thiện nhất, có những khả năng diễn tả lớn nhất và phản ánh được nhiều nội dung đa dạng nhất trong cuộc sống, từ những tình cảm nội tâm riêng đến những tư tưởng triết lý xung đột phức tạp.
Hình thức sonate được hình thành từ thời kỳ âm nhạc phục hưng, nhưng hoàn thiện nhất ở trong các sáng tác của trường phái âm nhạc cổ điển Vienna: J.Haydn, V.A.Mozart và đạt đến đỉnh cao là L.V.Beethoven.
Cần phân biệt bản sonate với hình thức sonate:
Bản sonate là một liên khúc gồm nhiều chương, trong đó có một chương có cấu trúc ở hình thức sonate.
Hình thức sonate là cấu trúc nội tại của một chương hoặc tác phẩm độc lập.

3. Sonata chính là một cơ cấu nhạc dành cho một nhạc cụ độc tấu (thường là đàn phím) hoặc có khi là hai nhạc cụ cùng chơi (violon và piano chẳng hạn), trong đó chứa đựng nhiều chủ đề, nhiều hình tượng âm nhạc tương phản. Có từ thời Baroque (tiền cổ điển 1600-1750) và càng về sau càng trở nên phong phú. Kế thừa các bậc tiền bối, Haydn, Mozart, Beethoven đã thể hiện một cách sáng tạo muôn hình muôn vẻ trong nhiều kiệt tác.

4. Thông thường hình thức Sonata gồm 3 phần:
– Phần trình bày: gồm có Mở đầu – Chính – Nối – Phụ -Kết
– Phần phát triển: Đây là trung tâm kịch tính của hình thức sonata, những hình tượng tương phản xung đột, sự xuất hiện các chủ đề của phần trình bày với một dạng khác.
– Phần tái hiện: Nhắc lại những chủ đề nguyên dạng, trở về điệu tính chủ. Sau đó là Coda.

@ Phần Coda:
Do sự phát triển phức tạp của chủ đề, tập trung sự xung đột ở mức độ cao, mãnh liệt… phần coda dần trở thành như là một phần chính của hình thức. Coda không còn chỉ có chức năng khái quát, tổng hợp những đường nét chung của hình tượng chủ đề, mà còn phản ánh những chi tiết chủ yếu và biến đổi chúng. Coda đầy đủ thường trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu: liên quan đến cuối của phần tái hiện.
Giai đoạn phát triển: không ổn định về điệu tính và có sự phát triển chủ đề.
Giai đoạn cuối: ổn định điệu tính, tiến hành kết hoàn toàn.[Lưu Già] [6]

5. Bài Moonlight sonata nỗi tiếng chính là phần thứ hai của bài Piano sonata thứ 14 của Beethoven.
Bản sonata cung Đô thăng thứ dành cho piano mang tên “Quasi una fantasia” thường được biết đến dưới cái tên bản sonata Ánh trăng, là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven sáng tác vào năm 1801. Ngày nay, nó là bản nhạc nổi tiếng nhất của ông dành cho piano, và ngay cả thời bấy giờ nó cũng là bản nhạc được rất nhiều người yêu thích.
Có rất nhiều câu chuyện được kể để giải thích cho sự ra đời của bản sonata Ánh trăng. Vào giữa thế kỷ 19, người ta bắt đầu đồn đại về cuộc gặp gỡ của Beethoven với một cô gái mù. Theo đó, khi gặp cô bé mù đang ngồi bên cạnh một chiếc đàn piano, Beethoven đã rất đỗi cảm thương. Ông ngồi xuống chính chiếc đàn piano đó và đột nhiên cảm nhận được ánh trăng đang chiếu vào qua cửa sổ. Như được truyền cảm hứng, Beethoven đánh lên những nốt nhạc của bản sonata nổi tiếng.[Thanh Nhã] [7]

Sonata như vậy mà ngài Phạm Ngọc Thái dám so sánh thơ Trúc Thanh với nó, than ôi!

II. BÀI BẢN TÌNH CA XÔ NÁT

Thử xét vài câu thơ của bản tình ca "xô nát" nầy xem sao.

Đời sập tối mây che vầng tinh tú
Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen
Đêm ảo ảnh gối đầu lên mộng mị
Dệt yêu thương kỳ vĩ chốn mơ hồ
Mai cuộc đời có cành trúc ngây ngô
Đứng xõa tóc bên nấm mồ kỷ niệm
(MONG MANH - Thơ Trúc Thanh)

1. Đời sập tối mây che vầng tinh tú
a. Đời sập tối
-- sập tối nghĩa là nhá nhem, tranh tối tranh sáng, còn lờ mờ chưa tối hẳn.
Trong thơ văn sáng biểu tượng của vui, hạnh phúc; tối biểu tượng của buồn, bất hạnh. Vậy sập tối là lờ mờ giữa vui và buồn, trung tính.
-- Đời sập tối: Ngôn ngữ đời thường nói "trời sập tối" chứ ít khi "đời sập tối". Đời sập tối trong ngôn ngữ thơ cũng được đi, nhưng nó có nghĩa như đã nói, không hẳn buồn không hẳn vui, trung tính. Làm thơ mà trung tính thì đâu gây cảm xúc. Thường người ta nói "đời đen tối" nếu rất buồn, rất thảm thương
b. Che vầng tinh tú
-- Thường người ta nói vầng trăng, vầng hồng; che vầng trăng, che vầng hồng chứ không nói che vầng tinh tú. "Tinh tú" là các "đốm" sao, triệu triệu đốm sao (thiên hà) do đó không thể nơi che "vầng" sao được. Hay thi sĩ thấy chữ "tinh tú" là "oai lắm" là tiếng ngoại (Hán) nên lấy nó thay thế cho tiếng trăng, tiếng hồng (vầng hồng = mặt trời) thuần Việt để chứng tỏ mình là người "trí thức"

2. Có cơn sầu gầm rú giữa đêm đen
a. Giữa đêm đen: Câu trên là tranh tối tranh sáng sao ở đây lại đêm đen?
b. Cơn sầu gầm rú
-- "gầm rú" : Ghê vậy, "Đại bác ru đêm" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Hay cop, beo, thú dữ gầm rú làm kinh khiếp con người? Người có cơn sầu thường lặng lẽ, âm thầm chịu đựng mới tận cùng cảm xúc, chứ đâu có cơn sầu nào gầm rú như đại bác, như thú dữ?

3. Và những cụm từ ảo ảnh, mộng mị, nấm mồ kỷ niệm.v.v... là những cụm từ đã được dùng quá nhiều, đến nỗi sáo rỗng, đâu có gì sáng tạo?
Trong bài "Thủ Pháp Show do not Tell" [8] tôi có nói: Thơ hay là thơ phải đầy cảm xúc của con tim, "Cái tôi lý trí" phải bị đẩy lùi để nhường chỗ "Cái tôi cảm xúc" lên nắm quyền chủ động.[*] Toàn bài thơ "Cái tôi cảm xúc" rất nhạt, gần như 90% là do "Cái tôi lý trí"làm chủ (sắp xếp chữ). Bài như vầy mà ngài Phạm Ngọc Thái dám so sánh với Sonata sao? Tại sao nhà bình thơ không thấy mà chỉ rõ ra những khuyết điểm trong cách chọn lựa chữ / từ để cho thi sĩ tiến bộ? Cái lỗi là ở nhà phê bình: Thi sĩ có toàn quyền "sáng tạo" nhưng hay dở do độc giả đánh giá; nhưng nhà binh thơ bắt buộc phải dùng "kính lúp" bắt những "con sâu" để cho "cây thơ" tươi tốt nở những nụ hoa tuyệt vời, chứ không vì "ý đồ" khen bậy mà làm ngừng sự tiến bộ của thi sĩ, khiến tạo ra hoa xấu xí thiếu hương. Xin lập lại lần nữa : Lỗi là ở những "nhà" phê bình "bẻ cong" ngòi bút vì "ý đồ", tư lợi, phe nhóm.
Hay nhà bình thơ vì mãi lo nhìn thi sĩ, lo tìm lời khen với "ý đồ" mà quên đi chữ nghĩa. Tặng nhà bình thơ cặp mắt kính made in Italy để thấy rõ thi sĩ trẻ tuổi thêm.

Thôi tôi xin lỗi không dám tiếp tục "thưởng lãm" BẢN TÌNH CA XÔ NÁT nữa - XÔ NÁT không có "gạch ngang" ở giữa hai chữ.
Tặng ngài nhà phê bình và nữ sĩ trích đoạn thơ này để thấy cách dùng chữ nghĩa mà tôi cho là đẹp như bản tình ca Sonata, trong đó cũng có đêm và thiên hà (tinh tú).
...
Cả đêm lành lạnh chiếu giường
Gió lùa hương lạ bên đường tạt qua
Đêm qua thương nhớ người ta
Tối nay tơ tưởng thiên hà bơ vơ
(PHẠM CÔNG THIỆN - BƯỚM)

LỜI KẾT

Tiếng nói, chữ viết rất quan trọng, mất nó, chúng ta sẽ bị ĐỒNG HÓA và mất nước ngay.
Chữ viết chắt lọc từ tiếng nói. Văn và nhất là thơ là tình túy của CHỮ. Nên cẩn trọng với CHỮ NGHĨA, phải dùng một cách chính xác. Hãy dùng nó cho CÁI ĐẸP, phục vụ nhân sinh. Đừng dùng nó như công cụ hạ thấp người khác, phổ biến điều xấu xa, giả dối. Đừng "hòa quá nhiều nước lã vào mực." (Modern poets mix too much water with their ink - Goethe) Nghĩa là phải LƯƠNG THIỆN.
CHỮ quan trọng lắm, có thể làm chết hoặc làm tiêu tan sự nghiệp và tài sản con người. Không nhớ vụ án Minh sử triều Thanh đã làm tiêu mạng biết bao Nho sĩ Minh mà Kim Dung đã viết trong phần nhập của bộ truyện Lộc Đỉnh Ký sao? Vụ án của Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (giết ba họ) do sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó có một phần từ văn nạn. Vụ sửa đổi chữ bài phú "Đồng Tước đài" của Tào Thực, đưa đến việc thua trận Xích Bích của Tào Tháo. Và cuối cùng vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm" rùng rợn mà ai cũng biết thời hiện đại
VĂN NẠN (cũng được gọi là ÁN VĂN), nói nôm na là những vụ án liên quan đến chữ nghĩa, văn chương, văn nghệ... Có khi nạn nhân chết chỉ do một chữ chứ không cần cả bài, cả tập. Chết mà không biết mình vì sao bị chết.
Hãy cẩn trọng và chính xác trong chữ nghĩa. Hãy bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Và cuối cùng hãy nhớ: ĐẤT NƯỚC NÀY SẼ TIÊU VONG NẾU MẤT TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA RIÊNG MÌNH.
Hãy cùng nhau bảo vệ sự trong sáng, chính xác, và giữ gìn tiếng VIỆT yêu thương của chúng ta!
@ Sẵn đây tôi có lời khen bài bình thơ: ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ” CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN của Đặng Xuân Xuyến (Chỉ bài bình này thôi)
http://vannghequangtri.blogspot.com/…/oc-que-trong-pho-cua-…

                                                          Nguyên Lạc
.........................

Ghi chú

[1] MỘT CÁCH BÌNH THƠ - Nguyên Lạc
http://vannghequangtri.blogspot.com/…/mot-cach-binh-tho-tha…
http://t-van.net/?p=34377
[2] Nguyên Lạc: VÀI Ý NGHĨ VỀ THƠ VÀ BÌNH THƠ
http://t-van.net/?p=37266
[3] TRÚC THANH VÀ BÀI THƠ MÙA THU RỚM LỆ
http://vannghequangtri.blogspot.com/…/truc-thanh-va-bai-tho…
[4] TRÚC THANH VỚI BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT
http://vannghequangtri.blogspot.com/…/truc-thanh-voi-ban-ti…
[5] Tìm hiểu thể loại Sonata
https://sites.google.com/…/tim-hie…/tim-hieu-the-loai-sonata
[6] Sơ qua về "hình thức Sonata"- Lưu Già
http://vietkeyboard.net/showthread.php?t=7207
[7] Điều ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethoven - Thanh Nhã
https://trithucvn.net/…/dieu-gi-dang-sau-ban-sonata-anh-tra…
[8] Nguyên Lạc: THỦ PHÁP “SHOW, DO NOT TELL”
http://t-van.net/?p=36556

READ MORE - PHÊ BÌNH LỐI BÌNH THƠ "BẺ CONG" - Nguyên Lạc

THỰC ĐƠN CUỐI NĂM / CÂU CHUYỆN MÙA ĐÔNG / THÁNG CHẠP QUAY VỀ - Chùm thơ Đình Thu

Tác giả Đình Thu

Chùm thơ Đình Thu

THỰC ĐƠN CUỐI NĂM

Ngẫm đời lắm chuyên rủi may
Dấu nỗi lo toan tháng ngày
Cơm áo thời nay đâu dễ?
Ừ thì! Vay trả, trả vay ...

Làm  người ai cũng đôi lần
Nợ nần sao mà tránh khỏi
Ngày xưa mẹ thường hay bảo
Phải luôn sòng phẳng với đời

“Ngày cùng tháng tận đến nơi”
Lật sổ ghi chép cuộc chơi
Lần theo vết mờ lận đận
Tâm tư một mớ đầy vơi

Có lúc như bơi ngược sóng
Chân tay chới với giữa dòng
Nợ tình, nợ tiền, nợ nghĩa
Xòe ra mới biết tay không 

Nhiều khi vắt chân lên cổ
Chỉ mong được sống yên bình
Đêm nằm chắp tay suy nghĩ
Không biết có ai như mình?

Cuối năm kiếm tiền trả nợ
Rủi may rong ruổi phận người
Lật đôi bàn tay sấp ngửa
Hỏi đời nhiêu đó đủ chưa?

Đ.T.

CÂU CHUYỆN MÙA ĐÔNG

Nghe gió trở mình trên vạt áo
Bàn tay em mềm mại nép vào trong
Anh giận dỗi mùa Đông
Đem cái lạnh về hôn lên tóc biếc
Bờ vai gầy cô đơn ...

Ngày không hẹn ta về thêm lần nữa
Xem ái ân còn vướng bận gì không?
Ừ thôi!
Anh còn nợ mùa Đông
Nợ bàn tay đan vào nhau tìm hơi ấm
Nợ nguyên một nụ cười
Bữa hôm trước để quên trong màu áo
Lúc ta đương nhìn nhau

Thèm một bàn tay vẫy lúc chia xa
Chiếc khăn choàng giấu nỗi niềm sâu kín
Những hoài niệm không hề toan tính
Bước qua ngày hư vô

Em gửi ...
Dòng tin nhắn
Dẫu không là của nhau?
Mình cũng đừng chia tay trong mùa Đông lạnh giá
Để những cuộc tình  sau ...
Khó tìm hơi ấm như ngày xưa!

Đ.T.     
      

THÁNG CHẠP QUAY VỀ

 

Gửi tháng Chạp cái nhìn lãng mạn

Đôi mắt xa xăm cuối nẽo chờ

Trách vạt nắng “hàm hanh” qua cửa sổ

Để mùa đông vướng vào song thưa

 

Kéo nhẹ bức rèm gió tràn vào góc hẹp

Tiếng dương cầm rơi chật kín không gian

Em ngồi hát bản tình ca ngày cũ

Giọng trầm buồn trôi dìu dịu mênh mang ...

 

Ngang phố thị bóng chiều lơ đãng

Buông ánh mắt tìm dấu chân quen

Có một mối tình đi qua tháng Chạp

Ai đó làm ơn đừng vội quên!

 

Tự dưng nhớ ngày xưa đợi tết

Thèm một bàn tay nắm vụng về

Ký ức hẹp dẫn ta xuôi miền nhớ

Nghe rưng buồn em hát giọng ầu ơ ...

 

Níu khẽ vòm mây chiều tháng Chạp

Quên ký ức buồn lãng đãng trôi

Em cất giấu mùa heo may lạnh

Trách chuyến tàu mang cuộc hẹn rong chơi

 

Tà áo mỏng vương dọc triền sông vắng

Gió mơn man ôm chặt nửa trời quê

Có lẽ nắng cũng hờn ghen tháng Chạp

Cứ lã lơi say theo bước em về

 

Thì cũng có đôi lần xuân không nhớ

Hèn chi tháng Chạp ngoái lưng buồn

Đưa tay chạm nhẹ hều thôi, không biết?

Mai mùa nay có kịp ... đón giao thừa!

 


Đình Thu

(Bến Tre)
READ MORE - THỰC ĐƠN CUỐI NĂM / CÂU CHUYỆN MÙA ĐÔNG / THÁNG CHẠP QUAY VỀ - Chùm thơ Đình Thu

HỒI ỨC NĂM THÁNG - Hoàng Yên Linh

Tác giả Hoàng Yên Linh


 Hồi Ức Năm Tháng 
                                                                           Hoàng Yên Linh

             Tôi còn nhớ những năm 60 của thế kỷ trước trong một lần đọc một truyện ngắn của nhà văn Mai Thảo đăng trong tạp chí Văn.Câu chuyện kể về tình bạn. Hai người là đôi bạn học từ thời niên thiếu,một người con của quan Tri huyện,một là con nông dân, cả hai tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng gắn bó suốt một thời niên thiếu… Cho đến sau CM tháng 8/1945 ông quan Tri Huyện cha của người bạn chết, gia đình tan nát, người con phải ra dựng một túp lều trên đồng hoang để sinh sống. Còn người con nông dân tham gia kháng chiến trở thành một CB cấp tỉnh. Trong một lần công tác qua vùng quê cũ, người ban nay là CB tìm thăm bạn cũ.Cả hai nhìn nhau trong ngậm ngùi. Không than van, không oán trách, hai người chỉ nhắc lại những kỷ niệm mà lãng tránh chuyện hiện tại.Câu chuyện kết thúc qua hình ảnh hai người bạn chia tay trên cánh đồng nắng chiều ảm đạm và nỗi ray rứt khi không làm được gì cho bạn mình… Truyện của Mai Thảo tưởng đã nằm sâu trong ký ức tôi không ngờ gần 20 năm sau trong những ngày lang thang kiếm sống trên vùng U Minh sông nước, nằm co ro trên căn chòi lá giữa chốn đồng không mông quạnh bất chợt tôi lại nhớ đến câu chuyện cũ…và không ngờ mẫu truyện ngắn ngày nào lại vận vào chính cuộc đời mình. Truyện ngắn ngày xưa đã trở thành gói hành trang để tôi bước đi trên cuộc đời nhiều gian khó. Đôi lúc tôi lại nhớ đến nhân vật AQ trong một tác phẩm của Lỗ Tấn, cứ tự bằng lòng với chính mình, tự ru ngủ với mình may ra cuộc đời có thêm một chút thi vị…Nhưng rồi tôi đã cảm nhận ra cuộc sống vốn dĩ hai mặt.Được thua, buồn vui, hạnh phúc hay cay đắng chỉ vấn đề là mình có nhận ra mình đang ở giai đoạn nào. Và vì vậy tôi tìm cho mình lòng khoan dung,sự yêu thương... Tôi vốn không là một người ngoan đạo nhưng tình yêu thương cho tôi chiêm nghiệm được một điều đó là sức mạnh để con người có thể tồn tại được dẫu qua bao phong ba bão tố. Tôi đã chứng nghiệm điều này trong cuộc đời mình. Trong một lần trên bước đường lang thang bất ngờ tôi gặp lại người bạn học cũ Đông Hà ngày xưa. Tôi mừng vui vì nghĩ rằng “tha hương ngộ cố tri" nhưng người bạn đã ngoảnh mặt, không nhớ và vội vàng bỏ đi. Tôi không oán trách điều gì và tự nhũ có lẽ bạn cũ có những điều khó khăn khi gặp lại và hãy quên đi,có trách chăng là tự trách chính mình khi không hiểu được một điều nay mình không là mình của ngày xưa… Vâng, chính yêu thương đã giúp tôi vượt qua những đau đớn tinh thần.

                  Sau tháng năm"học làm người mới", tôi trở về mà hành trang chỉ có tấm giấy ra trại. Tôi ngơ ngác giữa cảnh đời dâu bể với thân phận của một kẻ thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Với cảnh đời thế thái nhân tình đen bạc.Những ngày một mình chăn vịt thuê giữa cánh đồng U Minh sông nước quạnh hiu tìm chút an ủi qua câu hò, điệu lý, qua giọng cười ngọt ngào của những cô gái chân chất Nam Bộ. Những ngày vác nước đá thuê ở bến cảng Ganh Hào, đêm về tìm quên bên chung rượu, bên tiếng đàn bầu ai oán.Những tháng năm mòn mỏi với chiếc xích lô lang thang trên đường phố Saigon kiếm sống đêm đêm ngủ vội trên manh chiếu nơi bến xe Miền Tây... Trên bước đường lang thang mưu sinh, tôi đặt chân đến vùng đất cao nguyên tràn đầy nắng gió. Dù sao rồi cũng phải sống. Tôi làm đơn xin vào làm một chân phu đập đá ở mỏ đá đèo Bảo Lộc. Viên CB hờ hững đọc lá đơn tôi rồi nói "Dân sĩ quan Ngụy mới ra trại…”. Tôi đã chuẩn bị sẵn đón nhận sự từ chối vì biết rằng với bản lý lịch tối thui như giàn bếp của mình. Nhưng rồi có lẽ cám cảnh cho thân phận một kẻ lang thang nên cũng đồng ý. Rồi những năm tháng làm quen với sỏi đá với những buổi chiều buồn hiu hắt trong căn lều chênh vênh lưng đèo nhìn những đám mây chập chờn ngang lưng núi. Không tình, không bạn, không nhà buồn tênh. Cuộc đời phải chăng là bức tranh vân cẩu. 

                Rồi tôi lập gia đình. Cuộc đời rồi cũng có lúc tới bến dừng chân. Có ai đó đã hỏi tôi: Người xưa mà vẫn thủy chung đến thế sao. Cuộc đời vốn dĩ cũng có nhiều điều không lý giải được…

             Hết rồi những tháng năm một mình lang thang kiếm sống. Tôi có một ngôi nhà nho nhỏ, một nương chè bên triền núi. Và từ đó tôi trở thành một nông dân ngày ngày cặm cụi bên những luống chè nhưng tự trong sâu thẳm nỗi buồn vẫn còn đó, quá khứ, hiện tại cứ lẫn lộn trong những giấc mơ. Hơn hai mươi năm nói như một nhà thơ, tôi bỏ phố lên rừng và tìm vui với một chút hạnh phúc nhỏ nhoi và cũng thành tâm xin được bình yên nhưng dòng đời không phải lúc nào cũng dễ chịu… Những buổi chiều buồn quẩn quanh bên nương chè tôi tự an ủi đời mình với câu Kiều của Nguyễn Du: "Giật mình,mình lại thương mình xót xa..." 

                   Cuộc sống vẫn trôi theo năm tháng,buồn vui và cả những điều bất cập. Người vợ và các con là điểm tựa cho đời tôi để có thể hi vọng nhìn thấy một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm. Cho đến một ngày trong cái không khí ồn ào tấp nập hai vợ chồng chứng kiến ngày lễ tốt nghiệp của con trai đầu. Tâm trạng buồn vui cứ lẫn lộn trong tôi. Cuộc đời rồi cũng có những ngày nắng đẹp nhưng lòng tôi lại xót xa nhớ đến thân phụ tôi Người đã mất sau hơn 10 năm khổ ải ở trại tù Thanh Hóa, ở nơi chốn vĩnh hằng nào đó tâm trạng Người như thế nào. Đứa con đã nói với tôi những lời "con không bao giờ quên tháng năm gian khổ mà ba mẹ đã nuôi dạy con,” lúc này tôi mới nghĩ ra con mình đã trưởng thành. Qua hình ảnh con trai cả một quá khứ trở lại.Con tôi trưởng thành từ gian khổ, từ những vùi dập mà số phận oan khiên đổ ụp xuống đời tôi. Tôi lại nhớ gia đình, đến cha mẹ, đến một tuổi thơ êm đềm nơi chốn quê xưa, đến con phố buồn nằm bên bờ sông Hiếu chảy xuôi về Cửa Việt, đến bằng hữu và cả đến những tháng năm chiến tranh tao loạn. Bỏ lại trường xưa quê cũ, bỏ lại giảng đường bên Bến Ngự với bao ánh mắt mà một thời tôi say đắm dệt mộng làm thơ,gác lại ước mơ dang dỡ tôi đi vào cuộc chiến chinh mà lòng không một chút mảy may hận thù.Có những đêm trên cánh võng ở một khu rừng nào đó tôi vẫn tin rằng mình sẽ sống sót trở về và rồi… tôi cũng đã trở về nhưng trở về với vết hằn lý lịch đè nặng lên cả một đời người, trở về với nỗi cô đơn để rồi chứng kiến cả một gia đình tan nát… với những tháng năm trong trại, nỗi cay đắng tủi cực và với tương lai bất định không biết rồi sẽ về đâu. Những buổi chiều sau một ngày lao động đứng trong hàng rào khu trại, nhìn ra cánh rừng và khoảng trời xanh cao vút hình ảnh cố nhân,hình ảnh ngày xưa với bạn bè đồng đội lại trở về mới thấm thía nỗi đau của người thua cuộc… 

Ngày tôi về khói rơm chiều vương mái lá
Mẹ bỏ nồi cơm ùa đón con về
Đàn em ngẩn ngơ nhìn người xa lạ
Cha không về nằm lại chốn rừng xa. 

                   Buổi chiều cuối năm ở vùng đất cao nguyên sương mù và những cơn gió se lạnh lại trở về. Cũng đã hơn 40 năm mà tự trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ mình chỉ là một người lưu dân dẫu biết rằng về lại quê xưa là một điều không tưởng. Gia đình đã tan nát trong cuộc bể dâu và thời gian còn lại của một đời người chỉ là những dấu chấm buồn lặng lẽ.
                    Bao ưu tư, bao lần lữa rồi tôi cũng có một lần trở lại quê xưa Đông Hà sau đúng 40 năm dài hun hút. Cái cảm giác không thể nào nói được khi lần đầu đặt chân trở lại cố hương nơi chốn ngày xưa của cả một khung trời kỷ niệm bất chợt vừa lạ lại vừa thân quen. Ngày đi tuổi trẻ, ngày về tóc đã pha sương. Mắt tôi đã nhòa lệ khi đứng trên sân nhà cũ.Hình ảnh ngày xưa như một khúc phim dĩ vãng trở về chầm chậm trong tôi. Còn nghe như đâu đây tiếng của thân phụ tôi, hình ảnh của gia đình,anh em của những bữa cơm trong khung cảnh sum họp thuở nào. Nơi đây là cả một thời niên thiếu là cả tình thương bên mái ấm gia đình… Mà bây giờ tất cả đã trở thành sương khói mông mênh chỉ còn lại mình tôi chứng nhân của một thời rồi mai đây khi bóng thời gian đã hết sẽ chẳng còn một ai nhớ đến,tất cả sẽ nhạt nhòa và đi vào quên lãng...Tôi bước chầm chậm trên những con đường ngày cũ vẫn chỉ một mình tôi lắng nghe quá khứ thì thầm, bất chợt nhớ đến câu thơ của Vũ đình Liên "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ …”. Tôi ngồi ở một quán nước nhìn ra phố đông,cố dõi mắt để mong gặp lại một người quen năm cũ,để biết rằng cuối cùng rồi tôi cũng đã trở về… Nhưng con phố đông người qua mà những người xưa nay vắng bóng. 

Tôi trở thành khách lạ giữa quê tôi
Chẳng ai biết chẳng ai quen thuở ấy
Chỉ còn đây con sông thời tuổi dại
Soi bóng tôi về tóc úa màu mây. 

                 Cũng đã biết bao lần những khi mùa đông đến tôi lại trầm ngâm bên khung cửa sổ nhìn ra phía đồi núi chập chùng,nhìn những đám mây hờ hững giăng kín cuối chân trời, nhìn những cánh chim bay vội vã trời chiều bên lưng đèo." Lục thập nhi nhĩ thuận". Tôi cũng đã bước qua cái tuổi 60, cái tuổi để có thể thấu hiểu nhân tình thế thái… Cái tuổi để lòng có thể khoan dung hơn.Và tôi vẫn tin rằng chỉ có yêu thương và khoan thứ thì trái tim sẽ an bình, cuộc đời sẽ ít đi những hận thù, những toan tính biển lận.
                   Nếu phải nói một lời tạ ơn chân thành nhất,tôi xin được gởi đến bằng hữu đồng đội tôi, những người vẫn luôn bên cạnh tôi dẫu có xa xôi cách trở đã tiếp cho tôi niềm tin và sức mạnh để có thể vững bước trên con đường gian nan khổ ải. Xin gởi đến cố nhân dẫu chung cuộc có là ngàn trùng xa cách nhưng những ân tình ngày cũ, những kỷ niệm dấu yêu của một thời tuổi ngọc đã cho trái tim tôi được những phút giây mộng mơ, là chiếc gối êm đềm trong những giấc mơ, là một rừng chiến khu đầy ắp kỷ niêm. Xin được nói lời chân thành đến vợ tôi là ân nặng nghĩa tình phu thê đã cho tôi và các con mái ấm tình người đã thắp lên trong tôi niềm tin trên bước đời gập ghềnh nhiều oan khiên ngang trái. 

                     Và với cố hương tôi vẫn và mãi là người con của miền đất Quảng Trị tuy lắm đau thương nhưng chan chứa tình người.


Hoàng Yên Linh
READ MORE - HỒI ỨC NĂM THÁNG - Hoàng Yên Linh