Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 23, 2018

SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN BỐN - NGÔN NGỮ BẮC TRUNG BỘ - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG
Chế Cẩm Đình

PHẦN BỐN - NGÔN NGỮ BẮC TRUNG BỘ

1. Dải địa lý ngôn ngữ miền Trung
Miền Trung kéo dọc theo bờ biển Đông từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận hơn 1.500km, phía tây là dãy Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên chồng lên các tỉnh duyên hải từ Quảng Nam trở vào. Trên dải đất ấy có nhiều “vùng ngôn ngữ” như Thanh, Nghệ, Bình Trị Thiên, Quảng, Nẫu, Nam và Tây Nguyên. Trong mỗi vùng ấy mỗi tỉnh có một “giọng” riêng đặc trưng, lại trong từng tỉnh thì có nhiều “giọng” nhiều “tiếng” khác nhau mà phải người ở đó mới sử dụng, hiểu hoặc nhận ra được.
2. Xứ Thanh
Vùng đất ba bề núi một bề bể này có tục danh “khu bốn đẩy ra, khu ba đẩy vào” tự được hiểu rằng nó là vùng giữa hai miền Bắc – Trung có ngôn ngữ rất riêng. Ai nghe người Thanh nói sẽ thấy họ nói giọng hơi Bắc nhưng dùng tiếng miền Trung. Là vì, từ đấy ra kinh chỉ hơn trăm cây số, hơn nghìn năm qua, người đi kinh từ Thanh rất nhiều, và về lại thì đem theo chất giọng ngoài ấy. Mặt khác, người Kinh xứ Thanh lại chung sống hàng ngàn năm với người Mường là dân tộc dùng tiếng Việt cổ, chính là tiếng (từ) mà người vùng khu bốn dùng phổ biến, nên thành ra xứ Thanh có ngôn ngữ giọng miền Bắc tiếng (từ) miềnTrung là vậy. Ngày nay vẫn còn nhiều vẫn còn nhiều thôn nhiều làng trong tỉnh ấy dùng thổ âm và thổ ngữ của người xưa như Cổ Định thuộc Triệu Sơn, Hoa Trung thuộc Hậu Lộc…
Vệt ngôn ngữ xứ Thanh kéo dài từ Tam Điệp ngoài Ninh Bình vào đến hết Quỳnh Lưu thuộc Nghệ An. Từ đất Diễn Châu vào đến bắc đèo Ngang là vùng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh.
3. Nghệ Tĩnh
Vùng này nói tiếng miền Trung với giọng miền Trung, phát âm nhỏ nhưng giàu điệu tính hơn bất cứ vùng ngôn ngữ nào ở Việt Nam. Xứ Nghệ có nhiều từ ngữ riêng như “choa” thay cho “tau”, con bê gọi là con me, con gà gọi là con ca, cái gàu (múc nước) thì gọi là cái đài, mà người Nghi Lộc còn gọi là “đai” – mất dấu – vì tiểu vùng này nói chỉ 3 - 4 thanh điệu.
So với tiếng ngôn ngữ Bắc Trung Bộ nói chung thì Nghệ Tĩnh rất giống về tiếng và giọng, nhưng so về ngữ điệu thì khác nhau hẳn. Điều này có lẽ do Thanh – Nghệ - Tĩnh ngày xưa là nơi thường trú của người bản địa cổ xưa nói tiếng đa âm. Mà ngôn ngữ đa âm có đặc trưng chính là không (ít) dấu, tức chỉ có thanh ngang. Khi người Kinh (Việt) từ phía Bắc xuống trung châu rồi lấn dần vào trong đem theo tiếng nói độc âm át dần tiếng đa âm của người bản địa, thì điệu tính, từ láy và hư từ của tiếng nói vùng này được bổ sung vào nhằm giảm chấn từ đa âm xuống độc âm. Rất dễ thấy một người Nghệ Tĩnh thường nói “chơ bây mần cấy chi rửa bây hầy” so với người Bắc nói đơn giản “sao lại thế” để cảm thán một việc gì đó mà họ không hài lòng. Hoặc người Bắc chỉ nói “rung rinh” thì người Nghệ Tĩnh thường nói là “rùng rung rình rinh”.
4. Bình Trị Thiên
a. Tổng quan
Khu vực này bao gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sáp nhập vào nhau năm 1976 và lại tách khỏi nhau từ năm 1989. Đi ra miền Bắc, người vùng này khi giao tiếp thì được hỏi là dân Bình Trị Thiên à? Còn đi vào Nam khi cất giọng lên người ta hỏi ở ngoài Huế hở? Bỏ qua yêu tố lịch sử và chính trị thì những câu hỏi đó cho thấy người xứ khác hoàn toàn không phân biệt được đâu là giọng riêng của mỗi tỉnh, mà chỉ phỏng đoán chung chung là Bình Trị Thiên hay Huế.
Người Bình Trị Thiên sẽ nói “chi rứa hè” hoặc là “rung rinh, rung rinh” theo hai ví dụ trên, tức là ít điệu tính hơn hẳn so với người xứ Nghệ, dù cùng nói tiếng miền Trung và giọng miền Trung. Đặc điểm lớn nhất của tiếng nói khu vực này là tiếng thì biến âm thanh ngã sang thanh nặng, còn nói chỉ 5 thanh điệu vì không phát âm được các âm có thanh hỏi mà hầu như đều chuyển sang thanh ngã. Vì phát âm sai nên khi viết cũng thường sai theo, nhưng ngược lại là năng dùng dấu hỏi thay cho dấu ngã, thật kỳ lạ.
Ví dụ:
Nói: cục mợ (mỡ), suy nghị (nghĩ), lạo (lão) làng …
Viết: cục mở, suy nghỉ, lảo làng …
Nếu ai tinh ý thì họ dùng luôn quy luật biến âm này để viết đúng chính tả, tức là từ nào không biết phải dùng dấu hỏi hay dấu ngã thì nói trại qua dấu nặng mà vẫn cùng nghĩa thì đa phần phải bỏ dấu ngã vào, còn lại thì đánh dấu hỏi trừ các chữ bắt đầu bằng phụ âm “c” thì phải dùng dấu hỏi dù cũng có biến âm như cửa – cựa là do trong tiếng Việt âm có phụ âm “c” không nói được với thanh ngã.
b. Các làng có thổ ngữ khác biệt
Bình Trị Thiên có nhiều làng có thổ ngữ hết sức đặc trưng, với giọng nói khác biệt so với trong vùng. Ở Quảng Bình có làng Cảnh Dương nói giọng nửa như người Thanh Hóa, nửa như giọng Nam; làng Lý Hòa nói như chim hót, chỉ dùng ba thanh điệu; các làng Cự Nẫm, Diêm Điền cũng vậy. Quảng Trị có các xã, thôn như Gio Châu ở Gio Linh, An Trú ở Triệu Phong, Đại An Khê ở Hải Lăng, hai xã Vĩnh Thái và Vĩnh Tú ở Vĩnh Linh nói giọng trại rất khó nghe. Thừa Thiên Huế có làng Mỹ Lợi nói gần giống giọng Quảng, biệt ngữ hoàn toàn so với cả tỉnh. Đây là bằng chứng cho sự di cư theo làng từ miền ngoài vào và có sự tồn tại các làng người Chăm pa cổ trên vùng đất này kể từ khi Chiêm Thành phải nhường đất cho Đại Việt, chứ không phải là người Chăm pa bỏ đi hết khi thất thế. Và để sinh tồn trong lãnh thổ thuộc về chủ nhân mới, họ bắt buộc phải học nói tiếng Kinh nhưng họ không hòa nhập hoàn toàn vào thời kỳ ấy nên suốt mấy trăm năm về sau vẫn nói giọng lơ lớ ấy, đời này truyền lại đời kia.
c. Phân biệt tiếng Việt cổ với tiếng địa phương
Người ta thường nhầm lẫn Bình Trị Thiên là vùng nói rặc tiếng địa phương chứ ít ai biết người ở đây vừa nói tiếng địa phương chen lẫn với từ Việt cổ rất nhiều, tạo ra một vùng nói tiếng nghe rất “quê mùa” nhưng ẩn chứa nhiều lớp trầm tích lịch sử đang được khai quật lên từ từ.
Mi (mày), tau (tôi), răng (sao), ri (thế này), tê (kia), mô (đâu/ở đâu), rứa (thế đấy) là từ (tiếng) địa phương, có gốc gác từ người Chàm để lại sau khi lưu dân bắc Việt tràn vào sinh sống chung với người Chàm:
Hư, cau > mi, tau
Pả t(h)ế > tê
Pả ni > ni (này)
Ía nanh ứa > rứa đó
Khác với các từ ngữ: Ló (lúa), lả (lửa), nác (nước), trốôc cúi (đầu gối), cươi (sân), côi (trên), đưới (dưới), đàng (đường) … là những từ (tiếng) Việt cổ - tiếng nói từ xa xưa của người bản địa mà đến nay người Mường vẫn đang dùng nhiều. Ở vùng nông thôn Bình Trị Thiên, từ Việt cổ với từ địa phương được dùng chen lẫn nhau trong giao tiếp hằng ngày.
d. Quảng Bình, Quảng Trị
Tiểu vùng ngôn ngữ này ngoài các làng có giọng đặc trưng cũng được chia ra nhiều giọng khác nhau. Từ đèo Ngang vào đến Quảng Ninh nói một giọng, ưa dùng từ láy hoặc cảm thán kép kiểu như “ua chầu chầu”, “răng rứa hè, răng rứa hè” như trong các tản văn của Bọ Lập. Từ Lệ Thủy vào đến giáp Diên Sanh đồng một giọng và tiếng (từ), nói rất “nặng” – người miền Nam hay miền Bắc đánh giá như vậy. Vùng này không phát âm được từ “anh”, mà đọc là “ênh”, cũng như không phân biệt được “in” hay “inh”.
e. Tiếng Huế
Vệt ngôn ngữ tiếng Huế kéo dài từ nam Hải Lăng (Quảng Trị) vào đến chân đèo Hải Vân. Ngoài những “răng, ri, tê, mô, rứa” được dùng nhiều như tiếng khu bốn nói chung thì tiếng Huế biến âm nhiều so với cả vùng Bắc Trung Bộ:
Nói > noái
Coi (xem) > coai /quai
Anh > ănh (gần như “ăn”)
Một khác biệt hoàn toàn giữa tiếng Huế với tiếng Quảng Bình (trừ làng Bảo Ninh) và Quảng Trị (trừ một số cư dân buôn bán quanh chợ Đông Hà - cũng nói như người Huế) là hậu tố “n” bị biến thành “ng”, “t” thành “c” trong các vần/vận có “n”, “c”:
Bùn > bùng
Bạn > bạng
Cân > câng
Tiền > tiềng
Sắt > sắc
Mặt mũi > mặc mủi
Tất > tấc
Ớt > ớc
Việc biến đổi hai hậu tố đó xảy ra đối với toàn bộ khu vực ngôn ngữ miền Nam kể từ Đà Nẵng trở vào. Điều này (được phỏng đoán) là do Đàng Trong trước đây tiếp xúc sớm với người Tàu từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu qua buôn bán và sinh sống ở các thị tứ bên mình, lâu dần người từ Huế trở vào bị ảnh hưởng bởi tiếng nói lơ lớ của họ, trong đó các hậu tố “n” và “t” bị chệch thành “ng” và “c”.

Chế Cẩm Đình


READ MORE - SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN BỐN - NGÔN NGỮ BẮC TRUNG BỘ - Chế Cẩm Đình

TRĂNG THU - Thơ - Nhật Quang



Trăng Thu


Đêm rằm nguyệt tỏa ánh vàng
Chị Hằng mơ mộng…dịu dàng, dễ thương
Trung Thu rộn rã bốn phương
Trẻ thơ vui hát, trên đường múa lân


Thu soi ánh ngọc trong ngần
Lâng lâng cảm xúc thi nhân dạt dào
Gieo vần thơ gửi trăng sao
Hằng Nga mắt biếc trên cao mỉm cười


Mùa trăng Thu đẹp tuyệt vời
Trải hồng mơ ước…đất trời bao la
Lung linh, nồng ấm chan hòa
Tình Thu lấp lánh nở hoa lòng người.


                               Nhật Quang

                                

READ MORE - TRĂNG THU - Thơ - Nhật Quang

EM VỀ TRONG CƠN LŨ MUỘN / DANG DỠ / GÓC NẮNG NGÀY ĐI - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng


Em về trong cơn lũ muộn


Tháng mười, choàng tay giá buốt
Khẳng khiu vệt nắng trên đồng
Bìm bịp kêu chiều não nuột
Loang mờ, con nước, bến sông
                *
Gió lay bờ tre xao xác
Chờn vờn, mây xám chìm trôi
Sóng cuộn xô chiều ào ạt
Ngẩn ngơ mờ tỏ núi đồi
                *
Em đi trong chiều vội vã
Bỏ quên giấc mộng bên thềm
Lộng treo tiếng cười cấn cá
Ngặt nghèo hoa cỏ dịu êm ...
                *
Em về đằng sau, lũ muộn
Trắng dòng ngập ngụa đồng sâu
Lao xao sóng, chiều gió cuốn
Trôi theo con nước đục ngầu
                *
Cùng bao phận đời nghiệt ngã
Nhọc nhằn chìm nổi đồng xa
Lắng trong bóng chiều khúc xạ
Hằn lên dấu mỏng, điệu đà ...
                 *
Chiều tháng mười đi mau lắm
Khói sương trên sóng la đà
Em về đường xa thấm đẫm
Đường trơn, cựa quậy phù sa
                                X/17
Dang dỡ

Bài ca
Em hát
Chưa bao giờ tròn vẹn
Cứ đến đoạn này
Lại ngưng bặt
Thanh âm
Như đánh rơi
Điều gì ?
Bao năm ghìm nén
Sao cố đi tìm
Trong tiếng vọng
Xa xăm ...


Góc nắng ngày đi

Bên góc nắng, xòe tay với
Mùa, đăm chiêu ngồi đợi ngày đi
Hoang, mơ gợn sắc kiêu kỳ
Gió, ru tuổi mộng xuân thì đâu đây

Lê Thanh Hùng

  Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - EM VỀ TRONG CƠN LŨ MUỘN / DANG DỠ / GÓC NẮNG NGÀY ĐI - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

ĐÔNG HÀ NĂM CŨ - Tùy bút- Hoàng Yên Linh




Đông Hà Năm Cũ...
                                        
Hoàng Yên Linh                                               


                  Đông-Hà tháng 2-1972. Buổi sáng cùng với những đứa bạn ngồi ở quán cà phê Văn-Tường nhìn ra bến xe, buổi sáng chia tay đầy nắng và gió. Buổi sáng vẫn còn phảng phất một chút không khí an bình của thời chiến.Tôi ra đi và vẫn nghĩ chỉ một năm sau sẽ trở về gặp lại người thân, bạn hữu...Và tôi không thể hình dung hơn 40 năm sau mái tóc đã ngã màu sương khói, tôi vẫn chưa một lần trở lại.Và từ đó, Đông-Hà còn lại trong ký ức tôi là thị trấn với con phố buồn hiu đi dăm phút đã về chốn cũ. Đông-Hà còn lại trong tôi đầy ắp kỷ niệm một thời tuổi trẻ.Và quãng đời thăng trầm nghiệt ngã, là những tháng năm trong trại tù cải tạo với nỗi ngậm ngùi cho số phận, là nỗi niềm cay đắng trên bước đường lang thang kiếm sống.Và tất cả trở về trong tôi như một thước phim dĩ vãng tràn đầy nhớ thương chua xót của một thời tin yêu, một thời đắng cay buồn thảm...

                    Những năm tháng chiến tranh, có những lúc đong đưa trên cánh võng ở một khu rừng nào đó, có những lúc đối mặt với cái chết rình rập, tôi vẫn luôn dành trong ký ức một cố hương với bao hoài vọng tưởng tiếc...Vẫn hẹn với lòng mình rồi thế nào cũng có một ngày trở về tìm gặp người xưa, tìm lại cố xứ... Nhưng rồi tất cả đã tan biến theo thân phận người thua cuộc, sau bao cuộc bể dâu mà tình đời, tình người đầy dẫy những oan trái.Vẫn cố tự an ủi với lòng mình rằng người không phụ mình thì ra mình cũng sẽ phụ người vì định mệnh vốn dĩ đã an bài bao đắng cay, nghiệt ngã. Những tháng năm trên vùng sông nước mưu sinh chăn vịt thuê, một mình trên căn chòi vắng giữa đồng không mông quạnh, đêm đêm  nằm khoanh tay gối đầu nhìn xuyên qua mái lá trông những vì sao mà lòng bất chợt bình an lạ thường. Không oán hờn, không trách móc. Mới nghiệm ra rằng cuộc đời vốn dĩ sắc sắc không không... Hay một lần ngang qua phà Mỹ-Thuận gặp lại người bạn cũ đang kéo lê tấm thân tàn phế bán từng tờ vé số mới thấy lòng chùng xuống, nỗi đau không ầm ỉ nhưng tê buốt, hóa ra cuộc đời bất hạnh đâu chỉ có riêng mình.

                      Khi viết những dòng này, tháng năm còn lại của cuộc đời chẳng còn bao nhiêu nữa, tôi vẫn mãi là kẻ tha hương bất đắc dĩ, như một kẻ cô đơn lạc loài giữa rừng chiến khu kỷ niệm, vẫn tự cố dối lòng mình bằng những giấc mơ không thật, bằng đêm đêm gối đầu lên chiếc gối êm đềm của trái mơ hạnh phúc. Không thành công thì cũng thành nhân, người xưa đã thường nói.Với riêng tôi, dòng đời vốn không xuôi chảy thì tìm một chút bình yên qua những vần thơ.Thơ đối với tôi đôi lúc như những liều thuốc an thần giúp quên đi những nhọc nhằn, gian nan khốn khó, những đắng cay tủi nhục. Những bài thơ viết trong những ngày tháng chiến tranh bão lửa, những tháng năm tha phương buồn bã, cơ cực vì miếng cơm manh áo.Thơ để an ủi, để ngậm ngùi cho những ước mong bất toại, để tưởng tiếc những mối tình dẫu chung cuộc đã để lại trong đời những đớn đau... Biết đâu đó chẳng là hạnh phúc vì mấy ai cân lượng vơi đầy với những cuộc tình đã đi qua trong đời mình.Và làm cho lòng bình an xóa hết những hận thù lẫn đắng cay phiền muộn. Dẫu thế tôi không bao giờ là thi sĩ. Không, tôi chỉ là một kẻ yêu thơ, vui đùa với thơ, và nghiệm ra rằng thơ trước sau với tôi là một người tình chung thủy.

                   Khi tôi viết những dòng hồi tưởng này tôi lại nhớ đến mấy câu thơ ngày cũ:
                   Mai còn sống bọn ta về Đà-Nẵng
                   Phố đông vui ta đập phá tan hoang
                   Mai còn sống dẫu là thân què quặt
                  Về cố hương tìm lại chút bình yên.
                                               (Đà-Nẵng,1974)
                   Vâng, một thời tuổi trẻ tin yêu và cuồng nhiệt để rồi cái giá ê chề phải trả cho cả một đời người. Dẫu vậy, tôi vẫn không bao giờ nuối tiếc, tôi tự nhủ với lòng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được và không hổ thẹn với chính mình, không cảm thấy cắn rứt khi nhớ đến bằng hữu chiến trường...

                Ngày mưa trên miền đất cao nguyên, ly rượu sóng sánh, khúc dân ca nhè nhẹ say đắm. Đôi mắt huyền hoặc, chiếc áo bà ba dịu dàng khiến lòng người tha phương bồn chồn xao xuyến.Và tôi lại thao thức nhớ về quê cũ. Đã hơn 40 năm rồi, dòng đời qua đi trong lặng lẽ với bao nỗi niềm u uất. Tôi biết quê xưa giờ chỉ còn lại trong ký ức tôi mái chùa, bến nước dòng sông, những con đường nhỏ đầy dấu chân hò hẹn... Nhưng tình xưa, bạn bè cố nhân nay đã không còn nữa...

                     Vâng, hai tiếng cố hương ngắn ngủi nhưng đeo đẳng suốt cả cuộc đời tôi. Bỏ quê hương ra đi trong lửa đạn...Và tháng năm nhọc nhằn trĩu nặng nỗi cơm áo, cuộc sống tha phương đưa đẩy tôi trôi dạt đến miền Tây sông nước, ở đó tôi có được người bạn vong niên nay đã đi vào cõi vĩnh hằng. Ông Ba Saigon người đã giúp tôi làm thuê bốc vác ở bến cảng Gành Hào để kiếm sống, đêm đêm về làm thơ uống rượu, cái giọng khản đục của ông mỗi lần hài lòng một câu thơ nào của tôi: "Sáng mai tao dẫn chú mày ra chợ Bạc-Liêu uống rượu..." Nỗi xúc động khi về tìm lại người xưa:

                    Tôi về trăng nước còn đây
                    Người xưa đã khuất chân mây cuối trời
                    Bồi hồi bạn cố tri ơi
                    Lá vàng rơi... lá vàng rơi... ngậm ngùi.

                   Những tháng năm lang thang ở Saigon còng lưng trên chiếc xích lô kiếm sống, đêm về thuê manh chiếu ngủ qua đêm ở xa cảng Miền Tây. Ở đó tôi đã được gặp nhạc sĩ Trúc Phương, cũng đêm đêm  về tá túc sau một ngày lang thang trên phố...Tình cảm dành cho nhau trong những ngày cơ cực để rồi nay kẻ còn người mất. Rồi những tháng năm ở miền Đông nắng lửa tá túc với người bạn già đốn củi đốt than. Những cơn sốt rừng dai dẳng, những bữa cơm trộn củ sắn, rau rừng, cái đói cứ chập chờn kể cả trong giấc ngủ... Những ngày lang thang với cái lý lịch màu đen bị đối xử tới tận cùng tủi cực... Rồi đến vùng cao nguyên nắng gió làm phu đập đá kiếm cơm, vừa mưu sinh bằng nghề viết thuê cho những kẻ thừa mứa bạc tiền nhưng nghèo nàn chữ nghĩa, ngậm ngùi cho những đứa con tinh thần của mình chẳng bao giờ được mang tên tuổi chính mình. Cuộc sống vốn dĩ như những dòng sông con nước lúc đầy lúc vơi, bên lở bên bồi và thế thái nhân tình  như cảnh trời sáng nắng chiều mưa. Chính những tháng năm nhọc nhằn đó đã giúp tôi trưởng thành hơn,biết yêu thương khoan dung  hơn và cuộc sống dẫu thế nào chăng nữa vẫn cứ ngọt ngào hơn cái chết.Nhưng trên tất cả tôi vẫn khao khát ấp ủ một ngày về được sống, được nhìn lại dòng sông tắm mát thời thơ ấu, được nghe lại tiếng chuông chùa khoan thai dìu dặt, được đi lại trên những con đường xưa dẫu cố nhân đã ngàn trùng cách biệt.

                Vâng, cố hương - Nơi có tiếng hò từ thuở nằm nôi,có ngôi trường với nét chữ tập viết đầu đời,có áo ai bay trắng trời lộng gió...


                                                       Hoàng Yên Linh
READ MORE - ĐÔNG HÀ NĂM CŨ - Tùy bút- Hoàng Yên Linh

GÃ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân



Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân


          Gã rít một hơi thuốc dài rồi phả vào hư vô, gã lục tục đánh chén với thời gian để hắn vồn vập đổi màu tóc của gã: từ đen tuyền của một thời trai trẻ thành lấm tấm bạc của tuổi bốn mươi. Ngấp nghé chừng ấy tuổi gã vẫn là một kẻ độc thân, có một ngôi nhà nhỏ, và kì thực nếu thỉnh thoảng gã không đi ra đi vào thì xóm giềng còn chẳng biết có một người như gã ở cạnh. Gã ghét rượu, nhưng ai cũng nghĩ gã là một kẻ nghiện rượu. Cuộc đời vốn thế, người ta hay trông mặt mà bắt hình dong, chỉ vì cái dáng lúc nào cũng gà gật, cái giọng khi nào cũng khề khà, và ăn nói có phần chậm rãi, trông gã như một kẻ nát rượu. Vì gã lập dị nên người ta chẳng chịu giành thời gian nghĩ suy xem thử một kẻ nghiện rượu sao chẳng khi nào có mùi rượu trên người.
          Đã thế, người ta thường đánh đôi những kẻ say rượu thường là những kẻ ngốc và dễ bị lợi dụng. Chẳng khi nào gã ngớt việc, toàn là “việc không công”, “ việc được nhờ”, để “phần thưởng” là rượu chốc lại đầy nhà gã. Và khi người ta tạt ngang nhà gã, thấy cái “gia tài rượu” ấy ngươi ta lại đinh ninh gã nghiện, và thế là có việc gì nhờ lại tặng rượu. Và lại đầy nhà. Gã cũng chẳng buồn giải thích thứ gã ghét nhất trên đời là rượu, gã cứ thu  nạp đầy nhà rồi lại ngồi ngắm chúng, gã chỉ nghiện thuốc lá thôi:
          -Cứ để đó đi, nhắc cho nhớ, cũng vì rượu mà tan nhà nát cửa.
          Gã cũng từng có một gia đình. Cũng nghèo như giờ nhưng lúc nào cũng đùm bọc nhau  mà sống, vợ gã bán buôn ngoài chợ rồi mê mẩn anh lái buôn nào đó. Gã biết được, nhưng thương vợ, bất lực gã không làm gì được nên gã uống. Gã uống rồi gã say, rồi về nhà đập nhà đập cửa, gã không đánh vợ con nhưng chửi mắng um sùm. Vợ gã lấy cớ đó ôm con theo gã tình nhân, còn gã, nghĩ cũng thật buồn cười, vốn chỉ là nạn nhân trong trò chơi tình ái này, bỗng chốc thành kẻ tội đồ, để cho xóm giềng đổ lên đầu cái tội bạo hành nên vợ bỏ.
         -Thậm chí mình còn chưa đụng vào cô ấy.
          Gã tặc lưỡi mỉm cười. Thời gian đầu gã cho rằng hành động của gã là sự ban ơn cho người đàn bà tội đồ ấy, để tất cả lỗi lầm gã chịu, vì đó là người gã thương. Sau dần, nghĩ cũng thật buồn cười, khi chòm xóm đổ lên đầu gã mọi lỗi lầm, gã lại nghiễm nhiên như được “giáo dục lại”, gã cho rằng tại rượu mà vợ gã bỏ gã đi. Nhưng có lẽ như vậy sẽ tốt hơn, thà để gã nghĩ vợ gã còn thương gã… rồi cũng nhờ thế ít ra một sinh linh trên cõi đời này bỏ rượu bia thì đó cũng là điều tốt. Sau khi vợ bỏ gã mới thành một kẻ dở người, ăn uống lôi thôi lại lầm lì ít nói, bởi thế nên tất cả mọi người xa lánh gã, trẻ em còn sợ gã hơn cả ông kẹ.
          Duy chỉ có một người không xa lánh gã, đó là chị, người đàn bà lỡ thì lớn hơn gã chừng một hai tuổi gì đó nhà sát cạnh nhà gã. Thuở trai trẻ, gã cũng từng thầm thương trộm nhớ chị nhưng đó chỉ là mối tình đầu, rồi gã lấy vợ mối tình ấy cũng chìm vào quên lãng. Khi nhìn qua nhìn lại và trải qua nhiều sóng gió cuộc đời gã bất chợt nhận ra chị vẫn chưa có chồng, lo cho mấy đứa em đi học rồi dựng vợ gả chồng hết chị bỗng thành người nửa chừng xuân. Chị ý thức được điều đó và tuổi tác cứ ngày một lớn dần khiến mơ ươc về một mái ấm gia đình đã tắt lịm trong tim chị. Chị ôn hòa và lương thiện nên việc chị nấu ăn còn dư mang qua cho gã chẳng gán ghép hai người với nhau, chỉ là làm cho gã bỗng chốc khơi gợi tình cảm xưa trong mình. Gã biết gã thương chị nhưng gã mặc cảm nên không đến với chị. Còn chị, chị vẫn luôn là một người đàn bà hiểu thấu mọi điều gã kể và lắng nghe gã.
           -Chú hay ốm, nếu nhắm mai không đi ba gác được thì xin nghỉ trước, mà mai chú ráng nghỉ buổi chiều vì chị nghe nói chủ chú vắng buổi chiều, có nghỉ cũng không biết mà trừ lương.
          Chị tính cho gã mọi điều, gã cũng lầm lì giúp chị mọi thứ, khi sửa mái nhà, khi chăn bò chăn vịt. Thế rối biến cố đến, đứa em út của chị nghe theo lời xui khiến của vợ về đòi chị bán căn nhà để lên phố kiếm kế sinh nhai. Chị vùng vằng nên hắn đánh, tức quá gã phang cho hắn một trận, chị xót em nặng lời với gã, gã cũng chỉ im lặng không nói gì rồi hai người cũng xa cách nhau.
          Thể rồi gã lại uống, gã say và tìm đến nhà chị. Men rượu thường dễ dàng khiến cho tình cảm bộc lộ một cách rõ ràng, và khi tình cảm trở nên chúi muồi tới cuồng si thì nó sẽ biến hành động trở thành rồ dại. Vài tiếng bát vỡ. Vũ lực. Xô đẩy, gã bị hơi men thôi thúc cưỡng đoạt chị. Chị hơi bất ngờ, hoảng sọ, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó chị chỉ hét lên:
         -Bình tĩnh lại đi.
          Gã bần thần nhưng dừng lại thật. Nhưng sau đó, vì hổ thẹn, gã biệt tăm, tránh mặt chị. Gã đinh ninh chị sợ hắn rồi, cả gã cũng không thể tha thứ cho mình với những điều rồ dại. Chị càng tìm gặp gã, gã lại càng lẩn tránh. Cuối cùng chị “rình” bắt gã cho được, chị níu gã lại. Những người luống tứ tuần níu giữ nhau, kẻ trốn tránh người kì kèo trông cứ như những đứa trẻ đang chơi trò đuổi bắt. Khi gã bình tâm lại, chị mới lựa lời nói nhỏ nhẹ:
          -Tại sao chú không hỏi chị lúc đó không hét lên hay gì hết mà lại chỉ nói chú bình tình? Chị sẽ không nói những câu sáo rỗng như vì chị biết chú không phải người như vậy đâu. Vì ngày hôm đó người làm việc đó là chú mà. Chỉ là chị muốn chú thức tỉnh mà thôi, vì chị biết chỉ cần chị nói chú sẽ lắng nghe.
           Gã chực khóc. Đôi gò má hằn những vết chân chim như cố ép cho những giọt nước mắt chảy ra dù đó là những giọt nước mắt chân thật nhất. Tới tận giờ phút đó chị vẫn nghĩ cho gã, và thật may mắn, thật may mắn vì tận đáy sâu trong con người gã, gã đã kịp thức tỉnh. Thật may mắn vì gã có một người bao dung sẵn sàng tha thứ cho bản chất của gã là chị, Đột nhiên, chị quay lại nhìn gã:
          -Có bao giờ chú nghĩ tại sao tôi tha thứ cho chú chưa?
          Gã nhìn chị, nụ cười của chị đột nhiên trở nên tỏa nắng, hệt như người con gái lớp trên mà gã đã từng thương nhớ thầm.


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - GÃ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân