Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 16, 2018

NGÀY VỀ - Thơ - Trường Hải Lê Văn Đông -



NGÀY VỀ
     (Thân tặng bạn bè khóa học 1968 – 1971 Cấp 3 Thanh Chương 1.)

Hò hẹn mãi bây giờ mới đến,
Năm mươi năm dài lắm bạn bè ơi!
Quãng thời gian vắt ngang hai thế kỷ,
Đâu những chàng trai cô gái của ngày xưa?
Thế hệ chúng mình trải giông bão nắng mưa
Cả tuổi thơ đói ăn, đội mũ rơm đi học
Ùng oàng tiếng đạn bom xen giữa tiếng giảng bài.
Có bạn tòng quân không đợi mùa phượng nở,
Nhường lại bút nghiên cho bạn học chung bàn.
Lớp học dần vơi khi trôi về cuối khóa,
Lại lên đường theo tiếng gọi xung phong!
Bao gian khó nơi chân trời góc biển,
Giằng níu ta nửa thế kỷ chưa về,
Cuộc họp mặt bạn bè đủ đầy sao khó thế?
Thời gian ơi, cho chúng tôi cuộc hẹn thành công!
Ngày trở về có niềm vui xen lẫn bùi ngùi
Dáng đi chậm và những mái đầu tóc bạc
Những gương mặt phong sương đượm màu nắng nám,
Có người về thân thể chẳng lành nguyên
Một phần máu xương gửi lại chiến trường!
Nhiều bạn bè không bao giờ về được nữa,
Bạn cũ nhớ thương qua xúc cảm văn thơ.
Họ hiến thân cho chúng ta được sống
Họ chỉ giữ cho mình lứa tuổi mãi Hai mươi!
Năm mươi năm chỉ có một dịp này
Bạn bè bên nhau trao nụ cười, giọng nói
Những vòng tay ôm, hồn nhiên, ấm áp,
Nhớ mãi một thời mái trường tuổi thanh xuân.
Đêm dạ hội Dinner bên nhau cùng ca hát
Năm mươi năm kỷ niệm nhớ ghi lòng.

Trường Hải Lê Văn Đông

  (Cựu hs lớp 10B khóa 1968 – 1971 Cấp 3 TC1.)
READ MORE - NGÀY VỀ - Thơ - Trường Hải Lê Văn Đông -

THOÁT KIẾP - Thơ - Trương Thị Thanh Tâm



Thoát Kiếp
Trương Thị Thanh Tâm
           
Ta thoát kiếp được sinh làm phụ nữ
Nhan sắc không xinh, vừa đủ được khen
Mà vẫn chịu câu hồng nhan bạc phận
Yêu rất nhiều, nhưng chẳng được người yêu!

Số hẩm hiu nên về chiều đơn độc
Sống một mình trong gác nhỏ quạnh hiu
Những đêm khuya giật mình ta lại khóc
Trời đổ mưa, ta cũng lệ đổ ngắn dài

Bạn bè, ta chỉ có vài dăm bạn
Tuy thật gần mà lòng vẫn cách xa
Ta không sống trong môi trường hạnh phúc
Cuộc sống buồn với vạn nẽo niềm đau

Không bôn ba, ta ngước nhìn trời cao
Luôn mơ ước một điều, tin không thể...!
Khi dòng đời ngấp nghé tuổi bảy mươi
Còn gì đâu? Khi đã sắp cận kề

Ba tấc đất hay một vùng lửa đỏ
Được thoát thai tìm về chốn phiêu bồng
Linh hồn ta lãng đãng theo con gió
Bay muôn phương không trú một nơi nào
               Trương Thị Thanh Tâm

                          Mytho
READ MORE - THOÁT KIẾP - Thơ - Trương Thị Thanh Tâm

THU SANG - thơ và chùm ảnh hoa vườn nhà - Nguyễn Đại Duẫn

THU SANG

Sàn nhà đầy ắp thu sang
Tung tăng đàn bướm giăng giăng bay về
Trời thu dệt nắng vàng hoe
Gió thu dìu dặt
Tiếng về làng rồi
Hệ quả lượng những bồi hồi
Mơn man hương lúa
Đất trời sang thu

Nguyễn Đại Duẫn
Quảng Bình
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

















READ MORE - THU SANG - thơ và chùm ảnh hoa vườn nhà - Nguyễn Đại Duẫn

SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN BA: VÀI LẼ VỀ NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT NGÀY NAY - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG
Chế Cẩm Đình

PHẦN BA: VÀI LẼ VỀ NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT NGÀY NAY

Ngôn ngữ hay tiếng nói gồm hai phần là tiếng và giọng (nói). Tiếng thì bao gồm từ ngữ và ngữ pháp mang tính chất ký âm của ngôn ngữ ấy. Giọng thì có âm phát ra, có mức độ to nhỏ, điệu tính khác nhau và mang tính chất vùng miền nhiều hơn tiếng. Có cả tiếng và giọng mới tạo ra một vùng ngôn ngữ riêng.
Trước khi đi vào ngôn ngữ miền Trung, tỉ như chúng ta cũng cần coi lại gốc gác người mình từ đâu đến, sao lại nói tiếng nói này mà không phải là tiếng nói khác. Tiếng Việt hiện nay nằm giữa hai vùng ngữ hệ lớn là Tai – Kadai và Nam Đảo với phía Tây – Bắc là ngôn ngữ độc âm và phía Nam là đa âm. Cũng như nguồn gốc dân tộc, trong bài “Người Việt xứ Sở” tôi đã viết thì dân tộc mình là hợp chủng giữa người Việt xưa kia bên Giang Nam xuống, với người bản xứ sinh sống ở Trung Châu lấn dần vào Thanh Nghệ. Mà người Giang Nam thì nói độc âm đa thanh điệu (9 thanh so với tiếng Trung hiện đại chỉ 4 thanh cơ bản), trong khi người bản xứ thì nói đa âm mà dấu vết ngày nay vẫn còn trong các bài giảng Phúc  m của các Cha xứ người Mường, hay như thời hậu Lê vẫn còn xưng là “bvua” thay vì là “vua”, “bvì – bởi vì”, “tlời – trời”. Rõ ràng, chủng Việt – Kinh đã lấn át nhiều cư dân bản địa, thì tiếng Việt hiện đại mới là ngôn ngữ độc âm 6 thanh điệu giống hệt tiếng vùng Giang Nam (gọi chung là tiếng Quảng Đông, mà các nhà ngôn ngữ học quốc tế gọi là Việt ngữ - ngôn ngữ của vùng Bách Việt ngày xưa), nói giống hệt ở đây là về mặt phát âm và thanh điệu, chỉ khác nhau về từ vựng mà thôi. Nếu người bản xứ cổ xưa trên đất Giao Chỉ mạnh hơn giống kia, thời có khi ngày nay chúng ta đã nói một thứ tiếng “líu lo như chim hót” mà nhiều nhà truyền giáo phương Tây hồi mấy thế kỷ trước đã mô tả khi tiếp xúc với cư dân Chăm cổ trên đất Nam Trung Bộ, đại diện cho sắc dân thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo nói tiếng đa âm ít thanh điệu.
Sự giao thoa giữa ngôn ngữ “độc âm giàu thanh điệu” với ngôn ngữ “đa âm ít thanh điệu” trong mười mấy thế kỷ đã để lại cho tiếng Việt ngày nay một khối lượng từ láy khổng lồ, như một chiếc lò xo giảm chấn cú va chạm của hai ngữ hệ lớn. Ví dụ như muốn chỉ sự vật không ổn định hay không thăng bằng thì nói “lay lắt”, “lay lay lắt lắt”, “lúc lắc”, “lúc lúc lắc lắc”, “lúc lắc lúc lắc”, "lúc la lúc lắc", “rung rinh”, “rung rung rinh rinh”, “rung rinh rung rinh” … Rồi sự hòa trộn vào nhau sau đó giúp cho tiếng Việt là ngôn ngữ có lượng từ vị có thể nói là vô cùng phong phú và sinh động như nhà văn Tràng Thiên đã lấy ví dụ: cục đá, hòn đá, viên đá, thỏi đá, tảng đá, nắm đá, đống đá, khối đá, gò đá …
Chỉ tính từ Bắc vào Trung, trầm tích sự giao thoa ngôn ngữ nói trên vẫn còn xếp lớp theo phương kinh tuyến. Người miền Bắc nói rõ 6 thanh điệu, phát âm rõ từng từ, có trọng âm trong mỗi câu nói và câu thường là ngắn, ít hư từ. Song le người miền Trung chỉ nói được 3 đến 5 thanh điệu tùy vùng (không rõ các dấu thanh “hỏi” – “sắc”, “ngã” - “nặng”, “hỏi” – “ngã”), câu thường không có trọng âm và nói một cách líu ríu, sử dụng nhiều hư từ làm cho câu nói mềm lại, với hàm ý để người nghe thấy dễ chịu hơn thay cho lối nói gãy gọn của miền Bắc.
Về mặt phát âm, người miền Bắc đa phần nói giọng mũi, trong khi người miền Trung nói giọng họng nhiều hơn. Điều này có thể giải thích là người sử dụng ngôn ngữ độc âm khi phát âm dùng âm mũi đi trước rồi bật phụ âm ra sau, chậm hơn một chút vẫn nghe rõ chữ. Nhưng với người sử dụng ngôn ngữ đa âm thì phải bật âm ngay do khi muốn phát âm vì nếu bật âm chậm thì các phụ âm kép như “kr”, “tl”, “bl”, “tr” “pr” sẽ không còn đúng âm vị, mà để bật âm nhanh thì phải tống hơi mạnh từ họng qua lưỡi, răng và môi. Quý vị hãy thử khép miệng lại phát từng âm bằng giọng mũi thì thấy rất dễ, nhưng muốn phát âm phụ âm kép thì không thể được mà phải giải khẩu và bật âm từ họng. Thêm chuyện ngoài lề, vì nói giọng mũi nên âm nhạc dân gian miền Bắc là các điệu lý, then, xoan, ả đào, chèo …, trong khi vào miền Trung thì chúng ta sẽ được nghe rất nhiều các điệu hò khoan mà chỉ người có giọng họng mới hát hay và rõ được.
Thật là:
Chim sa vườn thị, thỏ lụy vườn trâm
Nhớ thương tiếng nói trăm năm vẫn còn.

(ca dao)

Chế Cẩm Đình
READ MORE - SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN BA: VÀI LẼ VỀ NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT NGÀY NAY - Chế Cẩm Đình

Chùm thơ Nguyên Lạc: NỖI NHỚ / HƠN BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI / EM TRẢ LỜI CHO TA



NỖI NHỚ

Tặng thi sĩ Phạm Hồng Ân

Hồ Miramar* ta nhớ Cà Mau
Có con sông bồi lở bờ nào
Hồ bao la như lòng da diết
Nhớ em xưa môi mớm tình đầu

Hồ dương lam ta nhớ phố nao
Chuyến xe lam chở em ngày nào
Đến thăm anh chiều hanh mắt đợi
Đêm mồ côi riêng điếng tình nhau

Hồ riêng ta oán hận xuân nao
Nỡ gây chi dâu bể ba đào?
Phố Cà Mau vẫn chao lòng nhớ?
Hồ Miramar lệ bỗng lưng trào!
......
*Miramar Lake ở California USA



HƠN BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

Bốn mươi năm nhìn lại
đủ dài chưa tôi ơi?

hình như môi đắng mặn
hình như chút gì rơi!

yêu thương ngày xưa ấy
của một thời mắt môi
của một thời phượng đỏ
tiếc chi?
rồi...
cũng thôi!

*

Mây trắng hoài
vẫn bay
người cô lữ bên đời
chiều mắt đầy tiếc nối
bao giờ lại thấy nhau?

Mây trắng hoài
vẫn trôi
thời gian vèo bóng câu
người ngồi lại
bạc đầu!
tinh vẫn sâu
mãi sâu!

Sợi tóc nào vương vấn
gầy vai ai
phai màu?
không cột chặc đời nhau!
sao không cột đời nhau?

Có cột nhau đời sau?
Có một kiếp đời sau?



EM TRẢ LỜI CHO TA

Năm mươi năm nhìn lại
Đủ dài chưa tôi ơi?
Ước mơ rồi mộng vỡ
Cuối đời tôi gặp tôi!

Năm mươi năm tìm lại
Cổ độ mây lưng trời
Cố nhân mờ nhân ảnh
Tà huy nghiêng nắng phai!

Quê hương mờ sương khói
Biết phương nào tìm đây?
Người muôn năm vẫn đợi?
Tình muôn năm đã phai?!

Thắp ngọn đèn ký ức
Soi hồn tôi nỗi sầu
Năm mươi năm có đủ?
Vinh nhục đời phôi pha

Năm mươi năm dài  đủ?
Sao thấy như hôm qua?
Chỉ khác màu tóc trắng
Cùng năm tháng nhạt nhòa!

Năm mươi năm có đủ?
Xóa mối tình xưa xa
Sao dại khờ ngày cũ
Vẫn mới hoài trong ta?!

Năm mươi năm không đủ
Quên đôi mắt lệ nhòa!

Trăm năm rồi có đủ?
Em trả lời cho ta!

Nguyên Lạc

(Trích trong thi tập Một Thời)
READ MORE - Chùm thơ Nguyên Lạc: NỖI NHỚ / HƠN BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI / EM TRẢ LỜI CHO TA

GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ - Thơ - Đàm Ngọc Năm




GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ 
Vòng tròn Bất tử!
Tưởng nhớ sáu tư Người Con nằm giữa biển
Sáu tư Linh Hồn đang đâu đó trên sóng nước quê mình.
Khi rời cõi đời...
Các Anh không về được xóm làng - nơi Mẹ đã sinh
Vẫn ôm chặt súng quyết không lùi nửa bước!

Chiến tranh!
Ôi chiến tranh có những điều không hiểu được
Gạc Ma ơi, nơi ta ngộ ra bạn hay thù!
Các Anh không thể về đất liền để nghe tiếng Mẹ ru
Nơi thuở ấy..., đến bây giờ vẫn thế!
Bao bà Mẹ thương con, cả cuộc đời rơi lệ
Và những người Cha sống trong âm thầm, lặng lẽ
Thương con, nhớ con vì giọt máu của chính mình .

Mãi mãi về sau...
Hàng triệu con người luôn tưởng nhớ các Anh
Những Chiến binh hiên ngang giữ từng tấc đất!
Các Anh đã cho chúng tôi hiểu rõ hơn đâu là giặc
Dù tay vẫn nắm tay, đầu vẫn sát bên đầu (!).

                                           ĐÀM NGỌC NĂM

READ MORE - GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ - Thơ - Đàm Ngọc Năm

GỌI SÓNG - Thơ - Lê Ngọc Phái




Thơ Lê Ngọc Phái

GỌI SÓNG

Bao giờ cho đến… bao giờ
Cát vàng gọi sóng nghe bờ biển thưa
Bồi hồi nắng mới ban trưa
Cuộc đời đã vội chiều vừa điểm sương.

Nhớ vườn trăng cũ yêu thương
Về đây gặp lại làn hương tình đầu
Ngày xưa cởi áo cho nhau…
Bây giờ nhìn áo qua cầu, vẫn em!
                                            LNP


READ MORE - GỌI SÓNG - Thơ - Lê Ngọc Phái