Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 6, 2018

MÙA THI, VIẾT CHO EM - Thơ La Thụy


 


MÙA THI – VIẾT CHO EM

Nhành phượng thắm chào em: mùa thi đến
Tiếng ve ran rộn rã gọi hè về
Các em yêu, vườn hồng đang chớm nụ
Ngoan chăm lên, hương dậy ngát trăm bề

Em yêu ạ! Ngày xanh đang dịu sáng
Sự biếng lười sẽ hủy lá nhành non
Dù vất vả, sách bài như đá tảng
Cứ kiên trì dần nhẹ chuyển mây bông

Gạo trắng đẹp chính nhờ xay xát kỹ
Sắt thép kia mài riết cũng thành kim
Này em hỡi! Chớ nản lòng em nhé
Ước mơ hồng rồi tung cánh như chim

Từng mái đầu nghiêng nghiêng trên  giấy trắng
Mắt xoe tròn ngời sáng tuổi thơ ngây
Nét mực tím trải đều đang múa lượn
Trán thiên thần nhíu khẽ- Dáng thơ bay

Ơi em yêu, chồi xanh ươm hy vọng
Thầy mải lặng chèo đẩy nhịp đò đưa
Dù buồn vui nhấp nhô từng vỗ sóng
Vẫn dịu lòng chở khách cập bờ mơ

                                   LA THỤY
                                  (23/3/1999)

READ MORE - MÙA THI, VIẾT CHO EM - Thơ La Thụy

EM LẠI TỰ DO – Video clip La Thụy ngâm thơ Chu Vương Miện


    

                   Thơ: Chu Vương Miện.
                   Giọng ngâm: La Thụy.
                  Video clip: Phú Đoàn



EM LẠI TỰ DO – CHU VƯƠNG MIỆN

Năm trăm anh đốt cho nàng
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề
                                       (ca dao)

từ nay yên phận yên bề
nguyền xưa đã giải bùa mê đã trừ
đốt xong vàng mã khật khừ
đò ngang đò dọc tạ từ mấy nơi
năm trăm nữa trả cho người
thề nhăng hứa cuội cũng xuôi một đò
tổ cha câu hẹn câu hò
cây đa bến cộ con thò lò quay
một ngàn chẵn nắm trong tay
nửa này mang đốt nửa này mang cho
mai thì em lại tự do

                             Chu Vương Miện

READ MORE - EM LẠI TỰ DO – Video clip La Thụy ngâm thơ Chu Vương Miện

TÌNH XƯA, NHỚ - Thơ Tịnh Đàm


         
                    
 Nhà thơ Tịnh Đàm


TÌNH XƯA

Tôi về,
Chiếc bóng cùng đêm.
Chân quen bước chậm...
Nghe mềm lối trăng.
Tình xưa,
Người biết cho chăng ?
Trải bao tan hợp...
Cầm bằng như không !


NHỚ
(Gởi H.để nhớ miền sông nước)

Trà suông,
Một chén tôi dùng
Chén không tay rót...
Vui cùng bạn xưa.
Giờ này,
Bạn đã về chưa ?
Bến sông,
Đã rộn người đưa ...
Sang bờ !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - TÌNH XƯA, NHỚ - Thơ Tịnh Đàm

NIỀM ĐAM MÊ TRONG “THẢ DỌC” TẬP THƠ CỦA LÊ VĂN THẬT - Châu Thạch

        
                Nhà bình thơ Châu Thạch



      NIỀM ĐAM MÊ TRONG “THẢ DỌC” 
      TẬP THƠ CỦA LÊ VĂN THẬT
                                                             Châu Thạch

Lê Văn Thật, một nhà thơ ở miền đông Nam Bộ, nơi có một di sản văn hóa lâu đời: tháp cổ Bình Thạnh, và là nơi mà trong một bài thơ về Bình Thạnh, Châu Thạch tôi đã viết: “Tôi tưởng nơi đây cây cũng hát/ Nên cụ già em bé cũng làm thơ”.

    
                                     Nhà thơ Lê Văn Thật


Đọc cái đầu đề “Thả Dọc” chắc có người sẽ hiểu rằng tác giả mang tâm trạng bi quan  với những vần thơ buông xuôi đời mình.  Thế nhưng khi đọc bài thơ “Thả Dọc” của tác giả đăng trong tập thơ  nầy, ta mới hiểu rằng, nhà thơ “Thả Dọc” đời mình như cầm lái con thuyền để trải nghiệm gềnh thác và rong chơi trên dòng đời với biết bao vẽ đẹp:

Thả dọc ta giữa dòng sông hổn tạp
Con sông nào thỏa thích những mùa chơi...
Thỏa thích đời ta mặc sức nồng say
Đùa với gió, giỡn cùng trăng mãi miết
Dẫu méo mó giữa sóng đời cuộn xoáy
Ta vẫn cười ngạo nghễ với nhân gian
Ta thả dọc bóng trăng và mê mải
Ta thả dọc khóc cười mà say sưa.
                                 (Thả Dọc)

Không với một tâm hồn bi thảm, nhà thơ thả dọc con thuyền nhưng cởi lên, hóa giải “ những méo mó giữa sóng đời cuộn xoáy” để dầu khóc hay cười vẫn say sưa với  cuộc sống.
Bởi nhân sinh quan nhìn thơ và đời như vậy, ta tìm thấy ở Lê Văn Thật những vần thơ lạc quan, bày tỏ những tư duy  vô cùng tích cực:

Xin đừng làm một loài cây suôn sẻ
Cả một đời chẳng biết thú đam mê
Có va đập, có tả tơi nứt nẻ
Mới tròn ta, cho đủ chất con người
Ta đam mê nghĩa là ta hạnh phúc
Lái con thuyền đi giữa ước mơ xa
                                         (Ta)

Lê Văn Thật cho rằng “Ta đam mê tức là ta hạnh phúc” Vậy nhà thơ đam mê cái gì?. Trước hết nhà thơ đam mê quê hương Bình Thạnh của mình. Nơi mà nhà thơ hảnh diện khi “Mời em về thăm quê anh…”:

Mời em về thăm quê anh
Bình Thạnh chuyển mình đi tới
…Nghe gió hát say hương đồng cỏ nội
…Ngắm cánh đồng bình Phú mênh mang
…Ngắm Tháp Cổ ngàn năm trầm mặc
Ta sẽ về phía hạnh phúc của ta
Nơi chỉ có hai đứa mình tìm được
Khi tình yêu đã hóa hình đất nước
Thì nơi nào cũng đẹp lắm em ơi!
  (Mời em về thăm Bình Thạnh)

Bài thơ có 24 câu, người viết xin rút ngắn lại nhưng cũng vẽ lên được một quê hương tươi mới, xen lẫn sự nên thơ, sự cổ kính, cùng với tình yêu đậm đà của tác giả. Nhà thơ nói “Khi tình yêu hóa hình đất nước” không phải là một sáo ngữ như những bài thơ “yêu tổ quốc” giả hình. Đất nước rộng bao la của Lê văn Thật đã được nhà thơ thu gọn lại nơi quê hương Bình Thạnh, nơi mà tác giả mời em về để hưởng hạnh phúc. Nơi ấy có văn hóa dân gian, có phong cảnh tuyệt đẹp và có nhiều kỷ niệm thân thương trong lòng tác giả.
Sau tình yêu quê hương là tình yêu của người thầy, một tình yêu của lão chèo đò tận tụy, nhận hệ lụy một đời để hưởng niềm vui vô giá không bằng vật chất bao giờ:

Có cả một thời dạy học
Thầy không đòi các em trả lại điều gì
…Thầy tự hào một thuở trồng cây
Để bây giờ nhận thơm từng trái ngọt
Ôi!
…Tháng năm có gì mà chẳng phai
Nỗi nhớ của thầy cũng ít dần, ít dần hơn trước
Nhưng có một điều không bao giờ quên được
Cả trong mơ cũng thèm nghe một tiếng kêu thầy…
                                             (Chút lòng thầy)

Những câu thơ người viết trích trong bài thơ “Chút Lòng Thầy” của Lê Văn Thật cũng nói lên được tấm lòng quảng đại, hy sinh và chơn chất của một nhà mô phạm.
Và lẽ tất nhiên một con người đã đam mê với quê hương, với sự nghiệp cao quý mà không cao giá của mình thì tình yêu thân quyến, gia đình cũng là một nỗi đam mê thánh thiện phải có trong con người ấy.  Lê Văn Thật cũng yêu mẹ như bao người con, khác chăng nhà thơ xem mẹ như ngọn đèn chân lý, như Chúa của người theo đạo Chúa và như Phật của người theo đạo Phật:

Chưa bao giờ con xao lãng, mẹ ơi!
Ngày kính me, trái tim người vĩ đại
…Ở trong con mẹ vẫn sáng trên đầu
Vẫn chỉ lối đưa đường con tiến bước
Trong gian khổ biết tìm ra hạnh phúc
Bởi mẹ hiền tỏa mát lối con đi…
                       (Ngày giỗ Mẹ)

Tình yêu vợ con làm cho cuộc đời tác giả thăng hoa nhất:

Hai mươi sáu năm rồi…em nhỉ!
Vẫn thấy mình chưa nói hết tình yêu
…Anh nợ em chẳng bao giờ trả nổi
Nợ bãi cát vàng còn in dấu chân ta
… Anh nợ em cả đời không trả nổi
Hai công chúa tuyệt vời cứ lớn dần lên
…Anh mãi là “người đàn ông đẹp nhất”
Bên cạnh ba đóa hoa rạng rỡ tuyệt vời
Dẫu mưa nắng nhuộm mái đầu bạc phếch
Giữa vui buồn ta vẫn bước chung đôi
                    (Ba đóa hoa tuyệt vời)

Tất nhiên người viết xếp thứ tự những niềm đam mê của Lê Văn Thật có trước có sau, nhưng thực tế những niềm đam mê ấy như những cánh hoa trong một bông hoa, nó lung linh khoe màu và nổi bật trong bức tranh đời người của tác giả. Ngoài những màu sắc chính làm cho bức tranh đẹp, thì những màu điểm xuyết cũng cần cho vẽ đẹp của tranh tăng lên. Thơ Lê Văn Thật còn nhiều nỗi đam mê, đa số là thánh thiện, diễn tả những cảm xúc của một tâm hồn nhạy cảm như đường tơ rung lên, cất âm thanh thành nhạc  khi gặp gió. Trong những khúc nhạc ấy, tiếng lòng về tình yêu trai gái có trong đời là tiếng thanh nhạc mượt mà , êm ái, dỗ lòng người ngã vào cơn đam mê thi vị:

Những nỗi đau chưa đến đã nghe đau…
Sao là em cho mùa đông hoảng hốt
Ôi chiều nay cơn bão về thảng thốt
Cho lòng anh cũng đắng những đêm chờ

Em ơi em, chỉ là một giấc mơ
Một giấc buồn sẽ tan nhanh vào quá khứ
Em có thấy từng cánh mai đang nở
Đem xuân về…
…rạng rỡ
…đất trời xa..
                       (Giấc Mơ cuối năm)

Vừa đau khổ đó, vừa biết chỉ là một giấc mơ phủ phàng, nhưng lại biến niềm đau thành những bông hoa mai đang nở đem xuân về. Một tâm hồn vừa lạc quan nhưng cùng vừa vị tha, một nhân cách làm người hòa nhập vô vi, làm thánh thiện cả những điều đau khổ.  Phải nói cái ý thơ nầy làm cho mọi hệ lụy của đời trở nên phẩm giá, bay cao trên nước mắt bi lụy thường tình, ấy là tiếng thơ “trong sáng và vô biên” vậy.
Và xin mời đọc tiếp những câu thơ nầy:

Ta nợ em chỉ một tách cà phê
Sao bối rối nửa lòng xao xuyến lạ
Ta nợ em chút kỷ niệm ngày xuân
Con đường vắng cơn mưa chiều bất chợt
Chiều xuân ơi! chi mà vương vấn thế
Biết bóng em có dài quá bóng anh…
                                       (Nợ)

Bài thơ chính có 12 câu tất cả, diễn tả một mối tình thoáng qua, thế nhưng câu thơ cuối có vị ngọt của tình theo mãi suốt cuộc đời. “Biết bóng em có dài hơn bóng anh…” có nghĩa là  trên đường anh đi bóng em luôn đi sát bên anh, có nghĩa là trong đầu anh nghĩ về em mãi mãi. Bài thơ cho ta hương vị của cú sét ái tình. Ái tình đến như một tia chớp nhưng kéo dài dư âm êm ái, hình bóng đi cùng anh mãi mãi. Câu thơ chót không độc đáo sao được  khỉ chỉ một mình nó làm cho một thoáng trở thành mãi mãi, chỉ một mình nó làm con thuyền chở một kỷ niêm dễ quên trôi mãi trên dòng sông ký ức đời người.

Không tìm thấy ẩn dụ trong thơ lê Văn Thật. Thơ Lê văn Thật  cho ta chiêm ngưỡng hoàn toàn vẽ đẹp của nó như con bướm đang bay, như đóa hoa đang nở mà không cần điều tiết đôi mắt  của mình. Nhà thơ trãi hồn mình trên những câu thơ không bóng bẩy nhưng lại thanh bạch, không khúc chiết  nhưng lại trôi êm đềm mang theo vô vàn những đóa hoa của muôn màu trong cuộc sống. Nhà thơ không có những câu thơ mê loạn, da diết, nhưng là những câu thoải mái làm tràn đến tâm hồn người đọc những ân huệ của đời như từng cơn gió sực nức mùi thơm hương đồng cỏ nội. Sự lảng mạn trong thơ không phải là sự buông thả mà là một sự dấn thân chửng chạc, tìm niềm vui giữa những thăng trầm của cuộc sông.
“Thả Dọc” là một tập thơ nên đọc, để chiêm nghiệm một tâm hồn lạc quan  đi qua gềnh thác của đời người thì đẹp làm sao!!!
                                                                  Châu Thạch 

READ MORE - NIỀM ĐAM MÊ TRONG “THẢ DỌC” TẬP THƠ CỦA LÊ VĂN THẬT - Châu Thạch

MAI ANH VỀ ĐĂK LĂK - Thơ Đàm Ngọc Năm


           Tác giả Đàm Ngọc Năm


MAI ANH VỀ ĐĂK LĂK

Em ơi ngày mai anh sẽ về Đăk Lăk
Thăm vùng Cao nguyên nắng và gió giữa mênh mang
Nghe tiếng cồng, chiêng vang vọng khắp đại ngàn
Tiếng thánh thót của đàn T’rưng xuyên qua vách núi.

Mình được gặp nhau rồi em ơi...
Sau bao tháng ngày chờ mong không mệt mỏi
Đã mấy mùa trăng em vò võ đợi anh về.
Ta lại nắm tay nhau giữa bạt ngàn xanh biếc cà phê
Hay giữa rừng cao su những hàng cây chạy dài tít tắp.

Nhớ mai nhé em, đón anh nơi ngày đầu ta hẹn gặp
Dắc nhau về Làng... , mình ôn lại chuyện xưa 
Và kể cho nhau nghe những bề bộn lúc vào mùa
Em lên rẫy một mình, vắng anh lòng trĩu nặng...

                                                 Tháng 6 - 2018

                                                 Đàm Ngọc Năm

READ MORE - MAI ANH VỀ ĐĂK LĂK - Thơ Đàm Ngọc Năm

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 27) - Nguyễn Ngọc Kiên

      
                        Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


        NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ 
        TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 27)


(85) 狐假虎威 [hồ giả hổ uy] Phiên âm Bắc Kinh [hú jiǎ hǔ wēi ] (cáo mượn oai hùm). Dịch sang tiếng Anh Borrowing power to do evil
[Cáo mượn oai hùm - câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc. Chuyện này ngày xưa đã có và bây giờ cũng chẳng hiếm đâu]. Chuyện này có xuất xứ từ “Chiến quốc sách – Sở sách 1”
 “Cáo mượn oai hùm” là một câu thành ngữ quen thuộc trong dân gian. Câu này dùng để ví một kẻ ranh ma nào đấy, luôn dựa vào thế lực của ai đó mà chèn ép hoặc lòe bịp những người cả tin, ngây thơ, hoặc mượn cái oai của ai đó để doạ dẫm người khác. Ví dụ: “Cứ mỗi lần về làng là lão Vấn lại đem chuyện lên triều đình gặp vua của mình ra dọa. Ai cũng sợ. Đúng là cáo mượn oai hùm”. (Tổng tập Văn học Việt Nam)
Chắc chúng ta từng nghe nói đến loài cáo. Đó là một loài thú ăn thịt, gần giống chó, sống ở rừng, chân thấp, tai to, mồm dài và nhọn. Còn hùm là tên gọi khác của hổ. Hổ (hay hùm) là một loại thú lớn, cùng họ với mèo, lông màu vàng hoặc trắng, có vằn đen. Hùm là con vật rất hung dữ, hay ăn thịt các con vật khác. Người ta hay nói “miệng hùm nọc rắn” để nói về sự nguy hiểm của nó. Nếu so sánh, rõ ràng, cáo là con vật dù khôn đến mấy cũng kém loài hùm (hổ) về tầm vóc, sức mạnh và sự hiểm độc.
Chuyện kể rằng, có một con hùm đói mồi đang lang thang kiếm ăn trong rừng thì gặp ngay chú cáo chạy qua. Hùm ta mừng lắm vì chắc mẩm sẽ có một bữa chén. Biết được điều nguy hiểm đang đến với mình, nhưng con cáo ranh mãnh kia bèn nói: “Này ông hùm ông hổ kia ơi. Ông đừng có mà ăn thịt tôi nhé. Thượng đế vừa ban lệnh cho tôi làm chúa tể của muôn loài rồi đó. Không tin, ông cứ thử đi đằng trước, tôi đi đằng sau xem có con vật nào trong rừng này trông thấy tôi mà không sợ nào?”. Hùm bán tin bán nghi nhưng cũng thử làm. Quả nhiên, hai con này đi đến đâu, các con vật khác trông thấy đều khiếp vía kinh hoàng, chạy tán loạn. Hùm thấy vậy cứ tin lời cáo là thực. Kì tình, mọi con vật sợ hãi chính vì khiếp cái oai hùm kia chứ sợ gì cáo đâu. Cáo đắc chí, bảo hùm: “Ngươi thấy chưa? Muôn loài đã biết lệnh của Thượng đế rồi mà ngươi không hay gì”. Hùm nghe vậy cúp đuôi lủi mất. Thế là cáo thoát nạn. Nó còn dương dương tự đắc, nhảy quàng vào rừng chộp một vài chú sóc con mà nhai ngấu nghiến.
Cáo mượn oai hùm chính là câu thành ngữ, chỉ sự khôn ngoan, nhanh trí của con cáo ranh ma. Bây giờ, trong cuộc sống, người ta dùng thành ngữ này để chỉ những ai cũng có thái độ như vậy. Họ chuyên mượn uy quyền người khác đi dọa dẫm, đe nẹt người khác để trục lợi:
Lấy hùm ra dọa muôn loài
Cáo kia khôn vặt, chẳng ai sánh bằng…
(Theo PGS- TS Phạm văn Tình FB Tinh Pham Van)
Yết hậu ngữ:狐狸跟着老虎走 [hồ li căn trước lão hổ tẩu]  (cáo đi cùng hổ)
Phản nghĩa独步天下 (Độc bộ thiên hạ).
Cận nghĩa仗势欺人 (cậy thế nạt người), 狗仗人势 ( chó cậy gần nhà), 狐虎之威 [hồ hổ chi uy]
Phân tích ngữ pháp: “” là chủ ngữ; “” là vị ngữ; “假虎” là trạng ngữ của “”.

(86) 白面书生 [Bạch diện thư sinh]

Đời nhà Tống, ở vùng Vũ Khang thuộc Ngô Quận, có 1 người tên là Trầm Khánh Chi, từ nhỏ đã ôm chí lớn, lại có sức mạnh và giỏi về bài binh bố trận.
Niên hiệu Nguyên gia thứ 27, Tống Văn đế muốn mở mang bờ cõi về phương Bắc, sai nhóm Vương Huyền Mô đem quân Bắc phạt. Trầm Khánh Chi hết lời can ngăn, lại đưa ra trường hợp của nhiều vị vua trước, đã nhiều lần Bắc phạt nhưng đều thất bạị Tống Văn đế liền cử 2 vị quan văn ra tranh luận với Trầm Khánh Chi. Trầm Khánh Chi nói :
- Giữ việc nước, cũng như lo việc nhà vậỵ Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với 1 nông phu nhiều kinh nghiệm. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay Bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không 1 chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được.
Tống Văn đế không nghe lời Trầm Khánh Chi, cứ cho đem quân đánh phương Bắc, và quả nhiên bại trận nặng nề.
Từ câu nói của Trầm Khánh Chi mà người đời sau rút ra thành ngữ "Bạch diện thư sinh" để chỉ người trẻ tuổi, chỉ có cái học sách vở, không có kinh nghiệm gì và không biết đối phó với thực tế ngoài đời.
Cận nghĩa với thành ngữ này là: 文弱书生 (thư sinh nho nhã yếu ớt)
Phản nghĩa với thành ngữ này là: 彪形大汉 (thân hình vạm vỡ)

 (86) 改邪归正 [cải tà qui chính] (cải tà qui chính), phiên âm Bắc Kinh “gǎi xié guī zhèng”. [tà]: không chính đáng, không thuộc phái chính nghĩa, phi nghĩa, [ qui]: trở về.  Từ con đường phi nghĩa trở về con đường chính, không làm việc xấu. Thành ngữ này có xuất xứ từ bộ tiểu thuyết “Thủy hử” của nhà văn Thi Nại Am thời Minh, chương 91: “Tướng quân  hãy bỏ tà qui chính, hết mình cùng quốc gia, ắt sẽ được triều đình trọng dụng.”
Cận nghĩa với thành ngữ này là: 改过自新 [ cải qúa tự tân] (sửa chữa sai lầm tự đổi mới) 弃暗投明 (bỏ gian tà theo chính nghĩa).
Trái nghĩa với thành ngữ này là: 执迷不悟 (u mê không tỉnh ngộ) 死不改悔 (chết không thay đổi, hối hận)

                                                          Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 27) - Nguyễn Ngọc Kiên