Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 18, 2018

TA VỀ - Thơ Trần Mai Ngân



                               Nhà thơ Trần Mai Ngân


TA VỀ

Ta về nhẹ như sương
Ngồi soi lại bóng mình
Có dòng sông lặng thinh
Trăm năm cõi vô minh

Ta về vàng đèn khuya
Bước ngập ngừng sợ vỡ
Ai đang tròn giấc mơ
Nào biết đời thờ ơ...

Ta về xưa cổ tích
Người như dấu chim bay
Mộng đã tan theo ngày
Trốn chạy tình loay hoay

Ta về nhuộm sắc không
Máu đỏ con tim khóc
Ngàn Bỉ Ngạn mênh mông
Lòng đã cách xa lòng

Ta về lạc lối đi
Chánh điện buồn hương khói
Nhặt cánh hoa từ bi
Chuông ngân... bóng em quỳ !
                                          
                       17- 4 - 2018
                    Trần Mai Ngân

READ MORE - TA VỀ - Thơ Trần Mai Ngân

HOA TRÁI VÀO HÈ - Chùm ảnh - Chu Vương Miện





READ MORE - HOA TRÁI VÀO HÈ - Chùm ảnh - Chu Vương Miện

ĐỌC LẠI BÀI THƠ "CẢNH KHUYA" CỦA HỒ CHÍ MINH - Lê Thiên Minh Khoa


Bình thơ: 
Đọc lại bài thơ “Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minh
                                             Lê Thiên  Minh Khoa


(Ảnh: Tác giả LTMK qua ký họa cuả HS Nguyễn Hoàng)

























              Cảnh Khuya

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
                                      Hồ Chí Minh      
                                   Việt Bắc 1947

Cảnh Khuya được sáng tác ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1947, thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc tình hình đất nước  rất  khó khăn, gian khổ, cam go. 
     Bài  thơ nhiều năm nay được giảng dạy trong trường phổ thông, nên có rất nhiều bài  phân tích, cảm nhận, bình giảng... về nó, phổ biến là chia bố cục bài thơ thành 2 phần: 2 câu đầu và 2 câu cuối để giảng. Ở đây, chúng tôi thử tiếp thụ bài thơ theo một hướng khác: men theo từng khúc đoạn trên con đường cảm xúc của nhân vật trữ tình mà tiếp nhận tác phẩm.
  
    Về nghệ thuật, bài thơ có nhiều đặc sắc: ngôn ngữ bình dị, kết tứ bất ngờ, khác lạ mà tự nhiên..., nhưng có 2 mặt có thể coi là cách tân  trong thơ tứ tuyệt hiện đại: tiết tấu (nhịp) thơ và kết cấu (bố cục) bài thơ. Không theo nhịp truyền thống (4/3), câu 1 theo nhịp 3/4: Tiếng suối trong/ như tiếng hát xa và câu cuối có nhịp 2/5: Chưa ngủ/  vì lo nỗi nước nhà...  để biểu hiện diễn biến tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Và so với bố cục thơ tứ tuyệt truyền thống: Khởi (khai)- Thừa- Chuyển- Hợp, bài thơ nầy có nét mới: Bài thơ có 2 phần: 2 câu đầu và nửa câu 3 (Cảnh khuya như vẽ): tả cảnh thiên nhiên; phần  còn lại: biểu  hiện tâm trạng. Cụ thể: câu 1: nghe  âm thanh; câu 2: ngắm nhìn cảnh; nửa đầu câu 3: cảm nhận chung về cảnh vật; nửa sau câu 3: sự thao thức; câu 4: nguyên nhân (nỗi lo nước).
   
      Câu 1: Tiếng suối trong như tiếng hát xa
    Tác giả nghe "tiếng suối" mà liên tưởng đến "tiếng hát", nghe tiếng thiên nhiên như nghe tiếng con người, xem thiên nhiên cũng có sự sống như con người. "Tiếng suối trong": "Trong" là tính từ chỉ màu sắc (thị giác) lại được dùng để chỉ âm thanh (thính  giác)- Nhà thơ đã chuyển đổi cảm giác khi thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Chỉ câu thơ đầu đã thể hiện tâm hồn giàu cảm xúc và tình yêu thiên nhiên nồng nàn của nhà thơ.
    Tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, nên câu thơ có âm thanh mà vắng lặng, tĩnh mịch, vừa có chiều rộng, chiều sâu thẳm của không gian (xa), vừa gợi lên thời gian im vắng của cảnh khuya

    Câu 2:  Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
    Nhà thơ nhìn sự vật ở 3 tầng khối, vị trí khác nhau: trăng- cổ thụ- hoa_ xa lớn- đồ sộ- bé nhỏ  hòa quyện vào nhau. Cái nhìn bao la  như bao quát cả đất trời. Điệp từ "lồng" làm cho các sự vật vốn cách xa nhau ấy trở  nên   quấn quýt, lồng gắn vào nhau, tạo một cảm giác ấm áp. Câu thơ bộc lộ tâm hồn nồng ấm  của nhà thơ khi nhìn ngắm thiên nhiên đất trời.
    
       Cảnh khuya như vẽ...
      Đây là một nhận xét trực tiếp, thiên về tư duy sau khi lắng nghe, ngắm nhìn thiên nhiên, nhưng là sự rung động sâu sắc trước vẻ đẹp  thiên nhiên của một tâm hồn thi sĩ . 
   
     Như vậy, Việt Bắc hiện lên huyền diệu, nên thơ, lung linh, huyền ảo mà không ghê rợn , tối tăm. Bức tranh khuya Việt Bắc biểu hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước vô cùng và tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của nhà thơ.
     
      Cảnh khuya như vẽ/ người chưa ngủ
      Đọc đến câu 3, người đọc tưởng nhà thơ vì say đắm cảnh vật mà không ngủ được, nhưng đến câu 4:
      Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
        Người đọc mới hay rằng 2 vế trong câu 3 không có quan hệ nhân quả (yêu thiên nhiên nhưng không phải vì say mê thiên nhiên mà chưa ngủ được). Câu nầy là điểm đỉnh của bài thơ, kết tứ một cách bất ngờ mà tự nhiên và có sức nặng. Từ tả cảnh tác giả chuyển sang biểu hiện tâm trạng: thao thức  chưa ngủ (ở câu 3), bồn chồn chưa ngủ (câu 4), bài  thơ dừng lại ở "nỗi nước nhà". Qua từ "nỗi", người đọc liên tưởng đến tình hình kháng chiến khó khăn, gay go ở thời điểm 1947  và nỗi niềm day dứt non nước của nhà thơ- chiến sĩ, người lảnh tụ của cuộc kháng chiến chống Pháp trong hoàn cảnh đó.
   Cảnh khuya  là một bài thơ  hay, xuất sắc trong thơ tứ tuyệt  hiện đại Việt Nam.  Bài thơ là tâm hồn giàu cảm xúc của một nghệ sĩ tài hoa, đồng thời là  tấm lòng yêu nước thiết tha của một người chiến sĩ hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc.
                                              Lê Thiên  Minh Khoa

READ MORE - ĐỌC LẠI BÀI THƠ "CẢNH KHUYA" CỦA HỒ CHÍ MINH - Lê Thiên Minh Khoa

Thơ Tình Lục Bát 2018: “THỀM NĂM MỚI” 1 - 2 - 3 - Lê Kim Thượng


Tác giả Lê Kim Thượng
Thơ  Tình  Lục  Bát  2018
 “THỀM  NĂM  MỚI”  1 - 2 - 3
 Lê Kim Thượng

1.

Quê nhà phương ấy mịt mù
Vọng Phu mòn mỏi... Chinh Phu chưa về
Bao năm biền biệt xa quê
Mong ngày quay gót, trở về cố hương
Ước gì... giũ áo phong sương
Phơi lên trước ngõ nắng vương ngọt bùi...


2.                     

Xuân - Quê bao chuyện buồn vui
Bới lên dĩ vãng... chôn vùi nhiêu khê...
Quanh người hương đất mùi quê
Vấn vương trong gió nhẹ về tình ca
Lung linh hạt nắng ngọn cà
Đưa tay hứng giọt sương sa ngọt lành...
Khói lên ấp ủ mái tranh
Làng quê yên ắng, nắng hanh ráng chiều
Nắng tà, bóng nắng xiêu xiêu
Đường quê gánh lúa, dáng kiều, tóc mây
Bóng chùa đổ xuống sông gầy
Nước trôi, trôi mãi... bóng mây soi dòng...
Cửa Sài... trăng xế qua song
Đêm trăng ai tát gầu sòng hò ca
Thềm rêu, trải ánh trăng tà
Tiếng mưa rơi nhẹ... tiếng gà trở canh
Bốn bề lặng lẽ vắng tanh
Chờ ai... chờ ánh trăng thanh đôi bờ
Bên hiên uống rượu, ngâm thơ
Hồn quê lắng đọng, lững lờ thiết tha...


3.   

Bây giờ... ta với mình ta
Một mình, một ngựa... bôn ba phiêu bồng
Tím chiều... buồn sắt se lòng
Tối trời, tối đất... bão giông hoang tàn
Giọt mưa rả rích thở than
Thương người xa xứ võ vàng sầu tuôn
Theo mưa... nước lại về nguồn
Để cho biển nhớ, biển buồn... vô ngôn
Mưa điên, nắng quái qua hồn
Sao lòng đọng bóng hoàng hôn quê nhà
Quẩn quanh trong cõi người ta
Ngóng trông Cố Quận... quê xa sóng đùa
Mùa đi, mùa đến, tiếp mùa
Mấy mùa lá rụng, gió lùa bâng khuâng
Mỗi năm... mỗi một mùa Xuân
“Trước thềm Năm mới...” gian truân đến chào?
Gặp người quê cũ thuở nào
Cầm tay nhung nhớ, dạt dào tình thâm
Cám ơn tri kỷ, tri âm
Xa quê, lòng vẫn giữ thầm... Hồn Quê...

                       Nha Trang, tháng 4. 2018
                          KIM  THƯỢNG


READ MORE - Thơ Tình Lục Bát 2018: “THỀM NĂM MỚI” 1 - 2 - 3 - Lê Kim Thượng

HƯƠNG ĐÊM - Thơ - Trương Thị Thanh Tâm

Tác giả Trương Thị Thanh Tâm


Hương Đêm 
Trương Thị Thanh Tâm 
            
Tôi nhặt lại chút tình em đánh rớt 
Khi thanh xuân, em từ chối tình tôi 
Lời chua ngoa tôi cất giữ muôn đời 
Để chỉ biết, cánh hồng luôn phải thế!

Tôi yêu em, và luôn luôn chờ đợi 
Có một ngày, hai đứa sẽ chung đôi 
Có một ngày, mong hoa nở trên môi 
Tôi nhặt được trái tim cùng nhịp thở...

Rồi có một chiều, trên bến yêu đương 
Tôi đã gặp em, ở cuối con đường 
Hoa vẫn đẹp, khi hoàng hôn buông xuống 
Một loài hoa khoe hương sắc về đêm 

Tôi nhặt được cành hoa vừa chớm héo 
Nuôi dưỡng tình, qua mấy trận phong ba 
Em xót xa, ngỡ ngàng như chiếc lá 
Gío dập vùi...bàn tay khẻ nâng niu.
           Trương Thị Thanh Tâm 
                        Mytho 
READ MORE - HƯƠNG ĐÊM - Thơ - Trương Thị Thanh Tâm

TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM Nguyễn Đức Tùng



(Photo: Trần Dạ Từ & Jim Webb, Capitol Hill, VA., Tháng Hai, 28, 1992.)

TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM
Nguyễn Đức Tùng

Tình yêu thám hiểm những bí mật của con người. Không ở đâu người ta có thể hạnh phúc hơn hay tuyệt vọng hơn, hèn yếu hơn hay cao cả hơn, như trong tình yêu.

Em ngồi đây, ngồi sát nữa, người thương
Kìa những ngày thơ rụng đỏ chân tường
Kìa sự sống như những chiều bãi biển

Thơ Trần Dạ Từ là tình yêu thời mới lớn, say đắm vụng về, và tình yêu của người đứng tuổi, trải qua hoạn nạn, tù đầy. Đó là tiếng thơ giàu vần điệu, không có nhiều khai phá về ngôn ngữ; tuy vậy khả năng đào sâu của tác giả vào các đề tài tưởng như đã rất cũ,  từ đó mở ra những ngã rẽ cảm xúc làm người đọc bất ngờ. Trong thơ Trần Dạ Từ có một nỗi buồn rầu, phiền muộn, như khái niệm blue của người Mỹ, mặc dù thế, thơ ấy không tuyệt vọng, than thở, bi lụy. Ngôn ngữ bám rễ vào đời sống thành thị, dân nghèo, tầng lớp cơ cực. Sự dằn vặt, lối nghĩ ngợi, phân vân, là tiêu biểu cho những người trẻ tuổi trong một xã hội tự do và lo âu, chứa mầm loạn lạc từ bên trong hoặc bên ngoài. Thơ ông như lời độc thoại có kịch tính, lời nói không hướng tới người đọc mà hướng tới một nhân vật nào khác, có mặt trong bài thơ hoặc ngoài bài thơ, đứng đâu đó trước mặt chúng ta. Ngôn ngữ ấy tìm cách ghi lại ký ức, phản ánh đời sống cùng thời, đời sống trí thức không chịu thỏa hiệp.

Chuồng gà đã bỏ không từ lâu
Chả còn tiếng gì giục giã nữa
Trong các góc phòng và cánh cửa
Bóng tối đập đôi cánh vùng vằng

Thơ ca dạy ta cách vượt qua biên giới giữa bóng tối và ngày mới, giữa căm phẫn và thương xót, cách đi qua sự trống rỗng vô nghĩa của tồn tại, truy tìm những thực tại mới hay ý nghĩa của những thực tại ấy. Thơ Trần Dạ Từ, mặt khác, ca ngợi tình yêu, niềm vui vỡ òa lồng ngực của tuổi trẻ; có bài được phổ thành ca khúc nổi tiếng. Trong giai đoạn sớm, tính chất yêu đời và hồn nhiên của ông vẫn nổi bật hơn cả.

Tỉnh dậy dưới chân đồi
Ruộng ngô ai ngào ngạt
Chạy khắp ruộng tìm coi
Nào ngờ em trốn mất

­Được nén lại trong kích thước năm chữ, nhiều khổ thơ, "Mùa Ngô Cũ" là một trong những bài thơ trong sáng, dễ đọc. Trần Dạ Từ cũng có nhiều bài thơ tình khác, cùng thời, đôi khi ngôn ngữ khá cũ kỹ, rõ ràng do ông chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của thơ tiền chiến. Khi vượt qua được ảnh hưởng ấy, ông có những bài thành công hơn hẳn.

Rất sớm, tình yêu từ thời niên thiếu đã pha đậm tình dục, mạnh mẽ, cảm xúc, gần như điên rồ, trong bài thơ lục bát ngắn:

Biết yêu người thủa mười lăm
Trong vườn ngây dại ta nằm sót sa
Cỏ cây ồ ạt ra hoa
Chùm môi bông phượng la đà tới lui
Khi không da thịt cả cười
Cùng ta trộn lẫn đất trời với em
(Buổi Hẹn Đầu, toàn bài)

Thể xác ấy không chỉ ao ước tình nhân mà còn muốn ôm lấy cả đất trời, cùng bao thèm muốn khác. Da thịt tự cười, vì muốn xé toang giới hạn của chúng. Như thế là ông đã dùng cỏ cây để mô tả một thứ tình yêu ướt đẫm thể xác trước hay cùng thời với Bùi Giáng: cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao.

Tuy đã làm chủ các loại thơ vần điệu, nhưng thực ra chỉ ở thể tự do, thơ Trần Dạ Từ mới hoàn toàn sảng khoái, phóng túng, rào rạt.

Anh sẽ về, câu chuyện mùa thanh trà
Dăm ba nỗi đớn đau đôi chút niềm hối tiếc
Là tình yêu chúng ta
Hai trái tim nhỏ nhoi
Gom lại báo động thế kỷ này
Những đất đai chia cắt
Công phẫn ngực, nghẹn ngào hơi
Chờ chóng mặt
Là tình yêu chúng ta
Hai nỗi bi thương cộng một
Tiếng kêu tổ quốc này
Đòi mở mắt
Hai niềm tin hèn mọn những lòng tin chất ngất

Bài hát ấy nhắc anh thời có em
(Thơ Tình Năm Tám )

Trần Dạ Từ làm thơ từ thời trẻ, khoảng những năm 1950, nhưng bút hiệu ấy chỉ xuất hiện cùng với những bài thơ tình đầu tiên từ năm 1957 trên bán nguyệt san Gió Mới do Nguyên Sa chủ bút, và từ năm 1958 trên tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo chủ biên. Sinh tại miền Bắc, Trần Dạ Từ là nhà thơ miền Nam thời chiến tranh hai mươi năm.  Nửa đầu của những năm sáu mươi, thời kỳ miền Nam biến động, với chiến tranh lan rộng, cũng là lúc thơ ông thực sự đổi khác. Đó là thơ tuổi của hai mươi chấn động và nhập cuộc, không chỉ trên trang giấy mà còn trong đám đông.  Những bài thời kỳ này tới sau nhưng được tập hợp in thành sách trước, trong tập "Tỏ Tình Trong Đêm", xuất bản 1965. Sách sau đó bị tịch thu vì tính chất phản chiến (1). Thơ của tuổi trẻ chiến tranh và bụi bặm thành phố.

Khi buổi chiều rụng xuống lũ cột đèn đứng lên
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng
Lời hát ru an lành từ nguồn cội nay bị đẩy sâu vào tình huống hoang tàn tang tóc của cuộc chiến: 
Ru con mượn bóng thay người
Mượn bia làm gối mượn trời làm chăn
Mượn giông mượn bão làm màn
Mượn cây làm quạt mượn tàn làm hiên
Mượn sao làm mắt mẹ hiền
Mượn nơi chiến trận làm miền rong chơi
Mượn xương máu bọc nụ cười
Mượn cơn bom đạn làm lời ru con
(Bài Ru Mới, toàn bài)

Riêng những bài thơ tình đầu tiên, tuy tới sớm hơn, từ những năm 1950, nhưng mãi tới 1971 mới được in thành sách, trong tập "Thuở Làm Thơ Yêu Em"(2). Thuở là một khoảng thời gian rộng, nhiều ngày hay nhiều năm, thay đổi tùy mỗi người, tùy ký ức, vì thuở là nhớ lại. Thuở làm thơ là một lịch sử, một chương của lịch sử nối vào những chương khác. Đó là không gian bạn đã sống, thời gian bạn đã yêu, thở, chết, sống lại. Một khúc quanh, một dòng sông, một cây cầu gẫy, bạn ngắm nhìn, đặt tay lên, và bạn lắng nghe: 
tiếng rì rầm tàu chạy.

Người đi qua đời tôi
Chiều âm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng

Chúng ta có những ngày như vậy, mùa hè ríu rít chim chóc, mùa đông ảm đạm chết người, mùa thu lịm tắt, cỏ cây không hồi phục. Thơ tình Trần Dạ Từ như căn nhà, bếp lửa, cánh cửa sổ, ở đó bạn từng ngồi xuống giữa những người khác, trước mặt một người khác. Những bài thơ ngắn nén chặt, bạn không thể buông ra giữa chừng, như một thể thống nhất, giữa sự vật, thời gian đi qua nhanh như cắt khiến lịch sử không kịp hiện hữu. Khi thì như đứa trẻ lớn lên trên đường phố, dan díu, hóa thân.
Tường vôi trắng là hồn
Dù về sau tác giả làm thơ tự do nhiều hơn, lục bát Trần Dạ Từ vẫn là một dòng tươi tắn, mới lạ, tài hoa. Tình yêu như niềm vui thú: niềm vui của tình yêu là có thật, lớn lao, khó cắt nghĩa, bàng hoàng; nhận thức về nó đẹp như ảo giác. Trong các loại tình như tình mẫu tử, tình yêu bí nhiệm đối với đấng tối cao, tình huynh đệ, tình nhân loại, thì tình yêu nam nữ biến ảo nhất, bất ngờ, ngọt ngào, chua xót nhất, để lại dấu ấn lớn lao bậc nhất trong đời sống cá nhân.

Tiếng cười đâu đó giòn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời

Tình yêu như một công việc: sống là công việc khó khăn, sống trong tình yêu càng khó khăn. Những thử thách của chiến tranh, tù đầy, nghèo đói, các hoàn cảnh phi nhân tính, guồng máy bạo lực xấu xa, và các cá nhân độc ác quanh ta, thuộc đủ mọi lập trường, lúc nào cũng hiện diện. Thơ tình vừa ca ngợi tình yêu vừa chuẩn bị cho người đọc nỗi âu lo của các nhân vật, sự hoang mang, số phận đen tối của họ. Những người yêu nhau phải kết hợp để vượt qua nghịch cảnh, nhưng họ cũng phải vượt qua yếu đuối của chính họ, tan rã của chính họ.

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
(Nụ Hôn Đầu, toàn bài )

Đây là bài thơ tình nổi tiếng của Trần Dạ Từ, và, tôi nghĩ, một trong những bài lục bát hay nhất của mọi thời đại. Hình ảnh và giọng điệu di chuyển giữa lối kể chuyện và ca khúc; một câu chuyện thông thường, không có gì đặc biệt. Chỉ là mối tình đầu. Và tình đầu nào cũng tan vỡ, và khi nhớ lại bạn không thể nào hiểu tại sao nó tan vỡ. Tình đầu bao giờ cũng đẹp vì được bạn nhớ lại và vì nó đẹp thật. Một mối tình đẹp như thế phải được đặt trong bối cảnh thơ mộng hợp với lứa tuổi mới lớn. Cái tài tình của Trần Dạ Từ là ở đây: khung cảnh. Một khung cảnh giản dị, thuần phác. Có thể có người cho rằng đó là khung cảnh thuần túy nghệ thuật, không có thực. Điều thú vị là tất cả những cảnh được mô tả, trưa vàng, cỏ biếc, tiếng ve, đều là cảnh thông thường, dễ gặp trong một mùa hè nhiệt đới, không phải cảnh mai lan cúc trúc như trong thơ Đường, cũng không phải cảnh đượm màu giấc mơ:

Vùng cúc bên ngoài đọng dưới sương
(Xuân Diệu)

Cũng không cách điệu như trong lục bát tiền chiến:
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh
(Lưu Trọng Lư)

Thơ Trần Dạ Từ, vào những năm khởi đầu của miền Nam, cố gắng vượt khỏi ảnh hưởng của thơ lãng mạn, chạm tới khuynh hướng hiện đại, nghiêng về tả thực, về một khuynh hướng ngôn ngữ giản dị và trực tiếp, khách quan. Trong toàn bài thơ, chỉ có một hình ảnh có vẻ không thật, nhưng lại được tác giả chỉ ra rõ ràng:

Trên môi ta, vạn đóa hồng

Đó là cách nói tượng trưng, hơn là hình ảnh của bài thơ. Câu thơ ấy thực ra không có gì đặc biệt, nhưng dễ được người đọc chấp nhận vì nó chủ ý nói về một tâm sự chứ không mô tả. Cái hay của toàn bài là sự mô tả sống động, mặc dù giản dị, các hình ảnh được lặp đi lặp lại, mở đầu và kết thúc cân đối, ngắn gọn mà miên man, vì gợi lên nhiều hoài niệm, khơi đúng mạch tình cảm nhiều người. Đó là cách đọc liên văn bản. Anh chỉ cần biết, đối với anh, tình yêu là mới, cái cầm tay là mới, môi hôn là mới.

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Vô thức tình yêu.

Tiếng ve râm ran ở đâu? Hàng cây, lưng chừng giữa trời và đất. Nhưng thật ra chúng từ đâu tới? Một lần tôi trở lại Huế, vào chùa Thiên Mụ buổi trưa, đi thẩn thơ trong vườn, nhớ người thiếu nữ tên một loài hoa đã cùng đi qua đó nhiều năm trước, trong im lặng, chợt trỗi vang lừng âm nhạc kỳ lạ, có dễ hàng chục năm tôi chưa được nghe. Thứ âm nhạc ấy vang lên, không phải từ một phía mà hai, bốn phía, khắp nơi, không phải từ những nhành cây nơi ta biết loài ve sầu thường sống ở đó, mà từ trên trời, đám mây, từ dưới đất, trong cỏ, từ phía sau chiếc xe hơi trong vụ tự thiêu nổi tiếng kia. Và lúc đó tôi biết rằng tôi được nghe tiếng ve lần đầu, miên man thế này:

Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông

Như vậy xúc cảm là mới nếu sự kết hợp hình ảnh là mới. Mới và chân thành. Dựa vào một nhạc điệu quen thuộc, lục bát Trần Dạ Từ sử dụng hình ảnh không xa lạ nhưng trong một kết hợp lạ, ít nhất là đến thời điểm ấy, và sự trở lại của nó ở đoạn cuối, vừa là sự kết thúc đẹp vừa là sự mở lớn chiều kích xúc cảm, nâng chúng lên. Sự đau khổ mà số phận mang lại còn chưa đến, những tình nhân hãy còn ngây thơ. Thế giới với ta là một. Chúng ta yêu nhau, trời đất yêu nhau. Chúng ta muốn hòa bình. Muốn bên nhau đời đời.

Hôn em trời đất một lòng chứa chan

Trời đất một lòng với chúng ta. Trời đất dung chứa chúng ta và được làm đầy lên bởi tình yêu của chúng ta. Nhưng rồi cũng như tất cả những mối tình đầu khác, tình yêu chỉ tự ý thức về mình khi nó không còn hiện hữu, như linh hồn nhìn ngắm lại cuộc hiện sinh của mình sau khi đã bay ngoài cõi.

Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời  vai anh

Tự do của một đất nước cũng tự ý thức về mình như thế, một khi không còn nữa.

Và hạnh phúc cũng thế. Tuổi thơ càng thế.

Nhưng thiên nhiên vẫn ở đó, tan nát rồi bền bỉ, bối cảnh tình yêu vẫn còn. Sức mạnh của ký ức mang chúng ta trở lại, giữa đất trời, trong đúng thứ phối hợp màu sắc như hội họa.

Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh

Đây là sự sắp xếp lại câu lục trên kia:

Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng

Chính sự tráo đổi các cặp chữ, trưa từ trước ra sau, vườn từ sau ra trước, gây ra ấn tượng xáo trộn thời gian, chuyển ngược kim đồng hồ. Chính nhờ sự chuyển dịch vừa tự nhiên vừa nhân tạo ấy mà thi sĩ gặp được người cũ của mình.

Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa

Đỏ như vết thương.

Một bài thơ tình nở bừng bừng như phượng mà vẫn dịu dàng khiêm tốn. Đó là sự quan sát bị phân rã trong thời đại tối tăm, một tình nhân đứng đó giữa đổi thay thời thế, bơ vơ tìm dấu tình đầu như nguồn cội. Cảm giác được thấy lại lần đầu tiên sự bừng nở và lụi tàn của mùa hạnh phúc. Có sự giao thoa giữa giấc mơ và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại, sự tự vấn giữa sôi nổi thèm khát và hoài niệm. Trong vài trường hợp khác, có bước nhảy vọt giữa ý nghĩa này và ý nghĩa khác, hoặc giữa ý nghĩa và vô nghĩa:

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt

Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương

Như thế là có vị của siêu thực.

Tuy nhiên thơ ông nhắc nhở người đọc về hiện hữu của thế giới khác, của người khác, khi chúng ta đã vào hẳn bên trong tâm hồn tác giả. Không có một thiên đường để mất. Quá khứ ám ảnh:

Những ngày thơ đánh mất
Còn níu theo chân đòi

­Tình yêu của Trần Dạ Từ già hơn tuổi của mình, triết lý, suy nghiệm.

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên

Đó là tình yêu bị đánh cắp. Cơn bão bên kia thành phố sắp tới. Thời gian không thuộc về chúng ta. Cuộc chiến tranh không thuộc về chúng ta. Mọi thứ ngoài tầm kiểm soát của tuổi trẻ, của thi sĩ. Ngay cả trong những bài thơ tình như bài này, âm điệu thì du dương, vì vậy đã được phổ nhạc, ngôn ngữ của ông vẫn cứ sắc bén. Sau khi thi sĩ nói xong, mọi người đều thấy đó là ngôn ngữ bình dân, dễ dàng, gần như ai nói cũng được, nhưng trước ông, không ai nói thế.
Không ai nói:

Người đi qua đời tôi

Không ai nói:

Mây mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời

Chưa ai từng nói:

Không nhớ gì sao người

Ngôn ngữ đằm thắm mà cứng cỏi, dồn nén mà bồi hồi. Sự thân mật trong thơ Trần Dạ Từ là đặc biệt. Sự thân mật: đó là khoảng cách giữa tác giả và người đọc, giữa người đọc và nhân vật văn chương. Mặc dù thoạt nhìn, thơ ông kín đáo độc thoại, không có giao tế, kịch, một ngôn ngữ thầm thì, nhưng đó là trò chuyện giữa hai người dưới ngọn đèn mờ tỏ, kể lại chuyện tình dưới đêm trăng, vết thương trong bùn lầy nước đọng, tội ác trong rừng, các biên giới mà thơ trữ tình muốn chạm tới. Giọng nói của người kể chuyện nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, chi tiết, tỉnh thức, soi sáng, tự ý thức về mình, của một cá nhân vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Dù đôi khi tác giả chỉ nói về một sự vật thoáng qua, một kỷ niệm nhỏ.

Thủa làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió may lưng bờ dậu

Chiều sương dầy bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha

Thủa làm thơ yêu em
Cả giòng sông thương nhớ
Cả vai cầu tay nghiêng
Tương tư trời thành phố

Anh đi rồi lại đến
Bài thơ không hết lời
Bao nhiêu lần hò hẹn
Sớm chiều sao xa xôi

Mười bẩy năm chợt thức
Bây giờ là bao giờ
Bàn tay trên m ái tóc
Nghìn sau còn bâng quơ.
(Thuở Làm Thơ Yêu Em, toàn bài)

Thương nhớ xảy ra trong khoảng cách. Khoảng cách càng lớn, trong không gian hay thời gian, thương nhớ càng tăng lên. Như vậy tình yêu trong Trần Dạ Từ là thương nhớ, nghĩ về, sống lại. Tình yêu ấy được sinh trở lại bởi khoảng cách, hoài niệm. Hoài niệm là đặt bạn vào vị trí ngoại biên và đối tượng được hoài niệm di chuyển về trung tâm. Thủ pháp nhân cách hóa được Trần Dạ Từ sử dụng thường xuyên, trở thành một trong những phương pháp chính yếu. Ngôn ngữ thơ là sự bắc cầu giữa vẻ đẹp và hiện thực mới, giữa vẻ đẹp và sự thất bại, giữa niềm đau có thật của tình yêu và mất mát có thật của chiến tranh. Một trong những lợi thế của phong cách trầm tư, độc thoại, với cấu trúc rộng mở, buông lỏng, như trong bài thơ Thuở Làm Thơ Yêu Em là các câu thơ nối vào nhau một cách liên tục nhưng không quá chặt chẽ, các hình ảnh có thể đảo ngược, thậm chí trật tự thời gian cũng có thể xáo trộn, nhưng câu chuyện ấy vẫn là câu chuyện được kể lại, tuy rời rạc, chắp nối mà vẫn chỉ có thể là của một người, và của người ấy mà thôi. Đó là nhờ giọng điệu âu yếm và lo âu. Lo âu nhưng không sợ hãi. Thật ra đó là một hình thức suy nghĩ về tương lai, sự tiên đoán về những sự kiện sắp xảy ra, nhu cầu định hướng trong một thực tại hỗn loạn của tình yêu và ly tán, của tội ác chống con người trong chiến tranh và sau chiến tranh, của sự nhầm lẫn giữa sự thật và gian dối. Tình yêu đầy âu yếm và xao xuyến là của một người hoàn toàn lành mạnh đi giữa những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Năm suốt những con đường mưa giông
Năm dọc những bờ hè giá rét
Năm với lời vỗ về chiều tàn
Năm cùng tiếng trở mình khuya khoắt
(Giã Từ Năm Thìn, trong tập Tỏ Tình Trong Đêm)

(Còn tiếp)







READ MORE - TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM Nguyễn Đức Tùng