Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 7, 2018

PHÊ BÌNH SINH THÁI HAY THỜI SỰ VĂN CHƯƠNG - Phạm Xuân Dũng





Phạm Xuân Dũng

PHÊ BÌNH SINH THÁI HAY THỜI SỰ VĂN CHƯƠNG

(Nhân đọc cuốn sách “Rừng khô, suối cạn, biển độc … và văn chương”, phê bình sinh thái của Ts Nguyễn Thị Tịnh Thy, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2017.)


Năm 2017 có một tác phẩm nghiên cứu phê bình văn chương không gây ồn ào nhưng lại được dư luận chú ý và được tái bản, và điều này cũng có thể xem như một hiện tượng xuất bản trong lĩnh vực vốn được coi nặng tính hàn lâm và thường khô khan, khó hiểu. Một điều lạ là tên gọi của nó nghe qua lại quá ư báo chí nhưng tựu trung vẫn là thời sự văn chương, hay ít ra cũng nhắc nhở về một thời sự mà văn chương nước ta cần hướng đến.
Cuốn sách hơn 500 trang với 4 chương chính. Chương một: “Các khái niệm tiền đề”, chương 2: “Văn học sinh thái”, chương 3: “Phê bình sinh thái” và chương 4: “Thực hành nghiên cứu”.
Mặc dù phê bình sinh thái được trình bày trước hết dưới góc nhìn học thuật nhưng tác giả chuyên luận này không sa đà kinh viện mà luôn gắn tác phẩm của mình với đời sống xã hội, thậm chí nhấn mạnh đến những vấn đề cấp thiết không chỉ là vấn đề thời sự của báo chí mà còn là ( và phải là) thời sự của văn chương. Trong lời mở đầu “Lắng nghe trái đất” người viết đã tâm sự : “ Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Ô nhiễm môi trường từ sinh hoạt và sản xuất đã, đang và sẽ là vấn nạn, đại nạn đối với con người và vạn vật. Rừng khô, suối cạn, biển nhiễm độc, cá chết, lũ lụt, hạn hán, vỡ đập, tràn bùn…liên tục ập đến như những mối “họa vô đơn chí”. Vì thế, với động thái trách nhiệm và lắng nghe trái đất, nghiên cứu văn học từ góc nhìn sinh thái học chắc chắn không phải là “thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”, cũng không phải thương vay khóc mướn, mà là công việc cần làm, phải làm của người trong cuộc, thể hiện sự hồi đáp của khoa học văn chương đối với tiếng kêu cứu của môi trường sinh thái” (Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, trang 17)
Bởi là một chuyên luận, hơn thế, còn là một chuyên luận về địa hạt khá mới mẻ đối với văn chương Việt Nam nên tác giả đã trình bày có thứ tự, lớp lang để người đọc có điều kiện tìm hiểu về văn học sinh thái một cách bài bản và cơ bản, tránh được những quan niệm thô giản về sinh thái cũng như văn học sinh thái. Chẳng hạn như cho rằng người Á Đông vốn có truyền thống yêu chuộng thiên nhiên nên thuận lợi trong việc bảo vệ môi trường sống trong lúc đó lại đang là vấn nạn lớn đối với nhiều nước đang phát triển ở khu vực này, trong đó có Việt Nam. Cũng theo tác phẩm này thì văn học sinh thái chính thức ra đời khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX. Chức năng cảnh tỉnh của dòng văn học này được đặt lên hàng đầu “ để cảnh báo nhân loại cần thay đổi phương thức sống, thay đổi quan niệm về giá trị, quan niệm về tự nhiên. Bởi vì nguy cơ sinh thái không chỉ là nguy cơ môi trường mà còn là nguy cơ đạo đức, nguy cơ tư tưởng và nguy cơ văn hóa.”(trang 80, sách đã dẫn). Hay khi bàn về một đặc trưng rất quan trọng của tác phẩm văn học sinh thái chính là sư kết hợp giữa khoa học và văn học, tác giả lý giải : “ Văn học sinh thái có sự kết hợp giữa tính khoa học của thể loại phi hư cấu và tính văn học của loại hình nghệ thuật ngôn từ. Tính khoa học thể hiện những kiến thức của nhà văn về thế giới tự nhiên. Qua tác phẩm, độc giả hiểu biết nhiều hơn về thế giới mình đang sống, hiểu biết để trân quý, yêu thương và bảo vệ. Đó là con đường đi từ lý trí đến tình cảm của “tính khoa học”. Đồng thời con đường đó cần phải có những nhịp cầu thẩm mỹ của thi pháp văn chương, nghĩa là tính văn học, thể hiện văn tài của tác giả và tạo nên sức hấp dẫn, sức thanh tân cho tác phẩm văn học sinh thái” (trang 95, sách đã dẫn). Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức nhập môn cần thiết về văn học sinh thái còn mới mẻ không chỉ với độc giả phổ thông như : triết học sinh thái, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, thần học sinh thái, mỹ học sinh thái và tất nhiên cả phê bình sinh thái. Tác giả đã diễn giải một cách dễ hiểu nhiều điều được coi là khó hiểu nên người đọc thuận lợi trong tiếp nhận.
Dù phần học thuật thiên về lý luận đã được người viết cố gắng trình bày mạch lạc, sáng sủa và dễ hiểu nhưng tác giả vẫn dành hơn 200 trang sách để phê bình tác phẩm cụ thể trong chương 4: “Thực hành nghiên cứu”nhằm minh họa sinh động một số cảm thụ văn chương dưới góc độ của người làm nghiên cứu phê bình. Đây là động thái cần thiết, bởi văn học sinh thái còn khá lạ lẫm đối với nhiều độc giả, kể cả những người thường xuyên có quan hệ với văn chương. Hơn nữa, nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong lời giới thiệu cuốn sách : “Chuyên luận phê bình sinh thái của Tịnh Thy giới thiệu khá đầy đủ về lý thuyết, nguồn gốc, phát sinh , phát triển, sự khác nhau về các quan niệm, quan điểm của phê bình sinh thái. Điều đó rất cần nhưng chưa đủ. Bởi tỳ vị người Việt vẫn chưa quen với lý thuyết thuyết chay và chỉ dễ tiếp nhận khi lý thuyết ấy được hóa thân vào sự thực hành phê bình tác phẩm.”(trang 9, sách đã dẫn)
Khi vận dung lý thuyết phê bình sinh thái, tác giả đã chỉ ra những đóng góp quan trọng của nhà văn Trần Duy Phiên qua tác phẩm của mình. Bộ ba truyện ngắn vừa độc lập vừa liên hoàn trong tính tương đồng của “Mối và người”, “Kiến và người” và “Nhện và người” của ông đều có chung một motif con người đối nghịch với thiên nhiên. Nhân vật chính chỉ muốn thống trị thiên nhiên, muốn ăn thua đủ với với cả những con vật bé nhỏ như mối, kiến và nhện theo một quan niệm thiên lệch ăn sâu vào xương tủy của người phương Đông : “Con người là chúa tể của muôn loài”. Thay vì sống hòa thuận với tự nhiên, nương tựa vào tự nhiên thì trái lại, họ chỉ muốn chế ngự, chà đạp bằng mọi giá. Rốt cuộc, những nhân vật được cho là có khả năng, tài trí đã thất bại trước những sinh vật nhỏ nhoi nhất. Những kết thúc dù bi kịch hay hài kịch đều cho thấy sự cần thay đổi quan niệm sống của những con người này, ở đây là với thế giới tự nhiên. Theo nhà phê bình thì những biện pháp nghệ thuật từ chuyện đặt tên tác phẩm theo mệnh đề “A và B” tạo quan hệ đẳng lập, hơn thế, việc để các con vật được đặt ở trước trong nhan đề truyện ngắn còn có mục đích đề cao vai trò tự nhiên; rồi bút pháp “đòn bẩy” lúc đầu tán dương sau “hạ bệ” vị trí những nhân vật chính vốn không chịu thua mọi thứ, kể cả với côn trùng; giọng tự sự đa thanh, đối thoại đã đạt đến tầm diễn ngôn của tư tưởng sinh thái là những điểm đặc sắc của các truyện ngắn này. Tiểu kết sau là một nhận định rất thẳng thắn và thời sự cần được lưu tâm đúng mức: “Với Kiến và người, Mối và người , Nhện và người, nhà văn Trần Duy Phiên đã mang đến cho người đọc những tác phẩm văn chương đích thực. Trong bối cảnh văn học nước ta gần như đang bàng quan trước những tổn thất do thiên tai, những hành động tàn phá môi trường mà cả dân tộc và nhân loại đang phải đối mặt và gánh chịu, những tác phẩm trên của Trần Duy Phiên thật cần thiết và có ý nghĩa. Chúng đáp ứng được tính tất yếu và tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thời đại, cảm thức thời đại, thể hiện sự gắn bó thiết thực đời sống văn chương với đời sống xã hội, phát huy trách nhiệm của nhà văn trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn nguy cơ sinh thái” (trang 296, sách đã dẫn)
Tiểu thuyết “Trăm năm còn lại” cũng của Trần Duy Phiên lại là sự thể hiện tính man rợ, độc ác đến mức “rừng rú” của những con người thực chất là ác nhân của ba thế hệ trong một gia đình sống ở nơi thâm sơn cùng cốc. Họ tàn bạo với thú tính gần như không giới hạn trong việc ăn tươi nuốt sống thiên nhiên. Nhân nào quả nấy, thủ phạm cũng là nạn nhân khi kết thúc tác phẩm. Nhà phê bình đánh giá : “Tiên phong, tài hoa, cá tính, lạnh lùng, dữ dội và bạo liệt, Trần Duy Phiên đã mang lại cho văn đàn một tiểu thuyết sinh thái đích thực, đầy hấp dẫn và rất có giá trị. Dồn nén đời sống, đời suối, đời núi, đời người ngập tràn thù hận, “tội ác và trừng phạt” vào trong khoảng 250 trang viết, từ góc nhìn sinh thái, Trăm năm còn lại mở ra một chiều kích cho việc sáng tác và tiếp nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay…” (trang 316,317 sách đã dẫn)
Nhà phê bình còn dành nhiều công phu trong việc phán tích một tác phẩm đa thanh, phức hợp của văn học đương đại Trung Quốc, đó là tiểu thuyết “Tôtem sói” của nhà văn Khương Nhung. Tên gọi tiểu thuyết đã như mặc định quan niệm vật linh luận qua một sáng tác văn chương kỳ vĩ, ngợi ca “tính cách sói” như một sức mạnh tinh thần độc tôn của thảo nguyên Mông Cổ và suy rộng ra của cả Trung Hoa. Đây là tác phẩm cũng đã gây nhiều tranh cãi. Dưới góc nhìn phê bình sinh thái, nhà phê bình nhận định về tác phẩm: “ …mang đậm đặc trưng tam hiếu của Trung Quốc: hiếu sử, hiếu sự, hiếu kỳ. Chất lịch sử, chất sự kiên, chất kỳ ảo ngập tràn trong tác phẩm được mệnh danh là một kỳ thư này. Chính liên văn bản đã tạo nên một cuộc đối thoại lớn giữa quá khứ và hiện tại như là sự đối lập giữa thiêng liêng và phỉ báng, sinh trưởng và tàn lụi, sở hữu và đánh mất trong quốc dân tính của Trung Hoa. Đánh mất sói tính, khinh rẻ dân du mục là vong bản, là quên cả tổ tiên…”(trang 411, sách đã dẫn). Tuy vậy, tác phẩm này không chỉ tiểu thuyết sinh thái mà nó còn có dụng ý đề cao thái quá bản tính sói, cổ xúy cho tư tưởng bá quyền. Chính vì vậy, nhà phê bình có một lưu ý quan trọng: “ Và với tư cách là người đọc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy mình có trách nhiệm tham gia vào cuộc đối thoại này, thể hiện quan điểm không đồng tình với Khương nhung, đặc biệt là lập luận : “ Thảo nguyên tàn khốc và đẹp đẽ không chỉ là đất tổ của dân tộc Hoa Hạ mà còn là đất tổ và cái nôi của toàn nhân loại”. (trang 415, 416, sách đã dẫn). Sợ mình chưa nói hết ý, tác giả còn nhấn mạnh thêm một điều rất đáng suy ngẫm cho chính hôm nay : “Đó chính là lý tưởng bảo vệ sinh thái thâm trầm và huyền nhiệm phương Đông của Tôtem sói. Tuy nhiên những khẳng định của Khương Nhung về mối liên quan giữa “tình thần sói”, “tính cách sói” và các dân tộc mạng sói tính cũng như con đường chấn hưng tinh thân dân tộc của Trung Quốc lại làm nảy sinh thêm một kiểu một kiểu đối thoại nữa chưa đến hồi kết. Đó là đối thoại cần có sự tham gia của chính kiến và sự phản biện của người đọc.”(Trang 417, sách đã dẫn)
Nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy còn phân tích cuốn tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê và thơ Haiku (Nhật Bản) cũng dưới góc nhìn văn học sinh thái với nhiều ý kiến xác đáng và thú vị.
Trong điều kiện văn học đương đại Việt Nam vẫn còn thiếu vắng các sáng tác văn học sinh thái cũng như thưa thớt và chưa có hệ thống nghiên cứu lý luận phê bình về dòng văn học này thì cuốn sách của tác giả Tịnh Thy trong chừng mực nhất định cũng xứng đáng được coi là một cơn mưa đúng lúc( “cập thời vũ”), góp phần kích hoạt sáng tạo trong văn học sinh thái; công trình này là một cuốn cách công cụ kịp thời, dễ đọc và đáng đọc về sinh thái và văn học sinh thái. Đây, như chúng tôi đã nhấn mạnh, cũng là vấn đề thời sự xã hội, thời sự của báo chí mang tầm phổ quát nhân loại. Và đó cũng là câu chuyện của những người trí thức, những người cầm bút kể cả trong và ngoài văn chương. Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại câu nói của một người thầy như một chia sẻ thời cuộc, đương nhiên không ngoại trừ văn chương : “Hãy lễ độ với thiên nhiên !”

***

Ts Nguyễn Thị Tịnh Thy hiện là giảng viên Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Huế, tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học, có thể kể ra:
-Tự sự kiểu Mạc Ngôn, NXB Văn học-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội,2013 (tác giả)
-Văn học hậu hiện đại-Lý thuyết và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013 (Đồng tác giả)
-Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2013 (Đồng tác giả)
-Văn học và ngôn ngữ-Một số vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Thuận Hóa, Huế, 2007 (Đồng tác giả).

                                                                              PXD

*****
Bài đã đăng trên Nguyệt san Báo QUẢNG TRỊ tháng 3/2018.

READ MORE - PHÊ BÌNH SINH THÁI HAY THỜI SỰ VĂN CHƯƠNG - Phạm Xuân Dũng

TRƯỜNG LÀNG TÔI - Lê Văn Huấn


   
Tác giả Lê Văn Huấn
   
TRƯỜNG LÀNG TÔI
                                          
Lê Văn Huấn 
                            
Trường làng tôi mái ngói, tường rêu, được ôm ấp bởi những hàng tre bốn mùa rợp bóng. Không biết trường được xây dựng từ bao giờ, nhưng chắc hẵn phải trước tôi sinh ra nhiều lắm, vì theo tôi biết, thì các thế hệ đàn anh của tôi cũng đã học ở nơi này.
Tọa lạc trên khoảnh đất rộng chừng nửa hecta, thuộc Xóm Quán, thôn Mỵ. Trường có hai dãy, dãy chính day mặt ra hướng đông nam, nơi có con sông quê hương hiền hoà chảy qua. Dãy phụ nhìn ra hướng đông bắc, nơi có ngôi đền thờ Phái  họ Trương, một nơi thâm nghiêm cổ kính của làng.
Trước phòng học lớp Năm (lớp một) có một cây cổ thụ, dang rộng những tán lá che kín cả một góc sân, đây là điểm quần tụ của lũ chúng tôi trong những giờ ra chơi khi gặp buổi trời nắng gắt. Phía trước hành lang của trường từ lớp Tư (lớp hai) cho đến lớp Nhì (lớp bốn) thẳng tắp một hàng vú sữa, với những chiếc lá mang hai sắc màu sáng tối. Vây quanh bồn cây là những viên gạch đỏ thẩm được chôn nghiêng, chúng kết thành một diềm tròn với những hình tam giác đứt đoạn. Bên hông phải của lớp Nhất (lớp năm) chạy ra đến cổng trường, đứng rì rào trong gió là hàng bạch đàn cao ngất với những thân cây bạc phếch, trên đó hiện lên dọc ngang những dòng chữ được khắc như vết xâm trên da thịt, kỷ niệm học trò của các anh chị đã rời trường từ những năm về trước.
Phía sau phòng học lớp Năm, có cái giếng gạch xanh rêu, nước trong vắt, nơi chúng tôi thường kéo gàu múc nước rửa chân trước khi vào lớp, nhưng thỉnh thoảng đôi khi khát chúng tôi vẫn giành nhau uống một cách ngon lành. Chính diện giữa sân trường là chiếc cột cờ cao chót vót đứng trụ trên bệ xi măng được xây theo khối vuông có bậc tam cấp, nơi mỗi sáng sớm trong lễ chào cờ, các anh chị lớp Nhất thường đứng kéo cờ theo hiệu lệnh của thầy cô.
Có lẽ đẹp và uy nghiêm nhất chính là chiếc cổng trường, với hai trụ xi măng đã ngã màu xám xịt, được chắn bởi cánh cổng sắt xanh màu lá. Phía trên là tấm bảng màu xanh lơ, nổi bật với hàng chữ màu trắng: TRƯỜNG TIỂU HỌC CỘNG ĐỒNG TRƯỜNG SANH. Đây là hình ảnh thân thương, niềm tự hào, của bao thế hệ học sinh trường làng.
Thuở ấy đến trường, lũ chúng tôi nhiều đứa chẳng bao giờ mang dép, đội mũ. Áo quần thì chẳng phải đồng phục, mặc loại nào, màu nào cũng được, nhiều cu cậu vô học lớp một mới biết bận quần. Cả lớp chỉ có vài đứa sắm nổi cặp, còn lại đa số chỉ đựng vở trong túi nylon, nhưng túi nylon cũng là mặt hàng hiếm, nhiều đứa dùng lâu ngày đến nổi túi ngã màu vàng ngoạch, rách trên, lủng dưới vẫn chưa có cái khác để thay.
Vì phải viết bằng bút tre chấm mực nên đâu đâu cũng dính mực, mực dính trên quần áo, vương vãi trên bàn ghế, loang lỗ trên tường, bết đầy tay chân mặt mủi. Còn trong tập vở thì khỏi phải chê, vệt mực đôi khi nhiều hơn chữ viết, sau khi viết một đôi hàng là phải dùng giấy thấm, không có giấy thấm thì dùng phấn lăn lên, gặp phải loại tập xấu nhiều khi chưa kịp thấm, mực đã loang ra trông rất bẩn.
Việc mang kè kè bình mực mỗi buổi đến lớp là cực hình của lũ con trai, nên những đứa ngồi gần nhau thường phân công thay phiên đem mực mỗi ngày. Vậy là một bình mực đôi khi có ba bốn cây bút xỉa vào (Vì cộng thêm những đứa hết mực chưa có tiền mua, hay quên đem mực). Gặp phải giờ viết chính tả thì thật là lôi thôi, đứa chưa rút bút ra, đứa khác đã đâm vào. Nhưng xui xẻo nhất vẫn là lúc đứa được phân công lại để quên mực ở nhà, lúc này giải pháp tình thế là ăn cắp mực của tụi con gái, thế là bài chính tả đôi khi được viết với hai màu mực (chúng tôi chuyên viết mực màu xanh, đám con gái chúng thường viết màu tím). Việc ăn cắp mực đôi khi rất công khai mà chẳng phải sợ chúng thưa cô, thưa thầy. Vì đứa nào lỡ thưa, ra sân chơi sẽ bị phá phách, hay nặng hơn là bị bắt sâu đo bỏ lên đầu, đây là món đòn hết sức hiệu nghiệm, đám con gái đứa nào cũng ớn.
Việc đâu đâu cũng nhìn thấy mực, ngoài những bất cẩn trong lúc viết lách đôi khi còn do một số đứa hứng khởi dùng mực làm vũ khí truy kích nhau. Đứa nào sắm áo mới dễ trở thành mục tiêu cho tụi bạn rảy mực.
Là học trò tiểu học trường làng, ngày ngày đến trường, việc chơi chẳng kém gì việc học. Tùy mùa mà chúng tôi có những trò chơi khác nhau. Lũ con trai chúng tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ dăm ba trò: Bắn bi, nạp vụ, căng cù (đánh trỏng), tạt loong ... và đánh nhau, trong đó, vui nhộn nhất là môn sau cùng này, một môn chơi chẳng cần trang bị bất cứ dụng cụ gì, chỉ cần có cơ bắp thật khoẻ để tấn công như rút chạy. Môn chơi này được hầu hết nam sinh lớp tôi hưởng ứng. Một phe công thành (ở dưới đất), một phe thủ thành (cố thủ trên bệ ximăng cột cờ). Trong lúc xung trận, có những chiến binh bị dính đòn tơi tả, nhưng khi tiếng kẻng hết giờ chơi vang lên, là chúng tôi vội vã sắp hàng vào lớp bỏ lại ngoài sân tất cả những ân oán của chuyện giao tranh.
Không ồn ào như lũ con trai chúng tôi, đám con gái lại có nhiều trò chơi hơn, chúng rất khéo léo trong môn nhảy lò cò, thục mạng, chơi chặt, chuyền cành cao chuyền cành thấp, nhưng chúng cũng cãi vã không kém phần dữ dội trong các trò chơi ô làng (ô ăn quan) hay nhảy dây, ù mọi...
Có lẽ vui nhộn nhất là môn ù mọi, gặp lúc cao hứng chúng vẫn đánh vật nhau huỳnh huỵch như thường. Môn này nói là trò chơi của tụi con gái, nhưng nhiều lúc vô công rồi nghề, do nghịch ngợm hay ngẩu hứng, lũ con trai chúng tôi cũng xáp vô ăn thua đủ.
Ngoài các trò chơi trên, một môn mà hai phái chẳng ai kém ai, đó là môn ăn quà vặt. Kẹo Nouga năm đồng ba cái, ba que cà-rem giá cũng chỉ năm đồng, rồi kẹo chanh kẹo dẽo, kẹo cau năm đồng là có cả vốc.
Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những bịch kẹo me, ngoài cái vị chua chua ngọt ngọt mỗi bịch kèm theo hình các tài tử rất đẹp, nhiều đứa thích sưu tầm chúng có cả xấp. Và với hình những chiếc xe, chiếc tàu lửa bắt mắt có được trên vỏ kẹo Singum, chúng tôi thường đem dán trên cột nhà hay trên cặp, bìa sách của mình, đôi lúc hứng chí lại dán lên tay như những hình xăm của các tay anh chị dân chơi thứ thiệt.
Nói thế không có nghĩa lúc nào chúng tôi cũng có tiền mua quà. Học sinh trường làng  năm thì mười họa mới có tiền. Những lúc rỗng túi, chúng tôi lại đi tìm những món ăn dân giã có sẵn chung quanh trường. Khi thì dăm ba trái mắm nêm (chùm bao), vài chùm muống chuổng. Công phu hơn thì kiếm dái mít giã chung với lá bùi nhùi trộn muối, cùng nhau nhấm nháp cũng thấy ngon miệng. Chẳng biết tí gì về chuyện trầu cau, vậy mà chúng tôi vẫn têm những lá trầu xinh xắn, ngọt ngào, nguyên liệu chỉ là những lá keo bên ngoài bọc lá mồông cồông.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình, hạnh phúc. Một mùa hè, không giống như những mùa hè êm ả khác, chiến tranh đã xảy ra, lúc đó tôi vừa tròn tám tuổi. Lúc cùng gia đình gồng gánh di tản ngang qua trường. Nhìn sân trường vắng hoe không một bóng người, cánh cổng xanh đứng im thiêm thiếp, hàng bạch đàn xào xạc run run. Một nỗi buồn từ đâu bỗng ập đến, tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lòng. Với trí óc non nớt của trẻ thơ, tôi thầm nghĩ chỉ dăm ba bữa thôi chúng tôi sẽ trở về, sẽ được nô đùa cùng đám bạn bè cùng lớp.
Nhưng có ai ngờ rằng trong giây phút vội vàng đó, chính là thời khắc thiêng liêng, tôi được chứng kiến lần cuối ngôi trường thân yêu của mình ...
Hai năm biền biệt tha hương nỗi nhớ thầy cô bè bạn chẳng lúc nào vơi. Nhớ thầy Thuận hiệu trưởng, có khuôn mặt hiền hậu, nhớ thầy Tùng có chiếc xe máy màu đỏ, nhớ thầy Tú có mái tóc bóng mượt, nhớ thầy Nhũng có giọng nói Quảng Nam, nhớ thầy Sùng có chiếc áo len màu xám tro,... Tôi nhớ hình ảnh ông phu trường, ngày ngày vào lớp phát bánh mì cho học sinh...
Tôi nhớ về lớp Ba của tôi, tôi hình dung ra từng lối đi, từng chỗ ngồi trong lớp, thằng Bàn trên đầu có nhiều sẹo mà chúng tôi vẫn chọc gọi là Bàn trẹo, Thằng Nam (Bút) thủ lĩnh của chúng tôi trong những trận thư hùng. Trương Huê đệ nhất môn chơi bi của trường, mỗi lúc vào cuộc chơi ít đứa nào so bì kịp, tài năng của Huê làm mấy anh lớp trên luôn phải ngán ngại. Thi, Thuận được liệt vào hàng nhát như thỏ trong những lúc lâm chiến và còn những đứa khác mỗi đứa mỗi tính mỗi đứa mỗi cách, Trung, Đợi, Triều, Trà, Sơn, Liên, Hoa... đám bạn lớp Ba của tôi.
Nhớ những buổi bị phạt quỳ, bị đánh roi do quá ham chơi nghịch ngợm, và những buổi trốn học rũ nhau ra cồn Đình, cồn Vạn bắt dế hay lêu têu đi bắt tắc kè... Thật ngọt ngào biết bao với một khung trời đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
Hai năm sau chúng tôi được hồi hương, trong tâm trạng bồi hồi của những người con xa xứ, nóng lòng mong gặp lại người xưa cảnh cũ, nhưng thật xót xa thôn xóm hoang tàn, cửa nhà đổ nát. Tại bãi đổ, xe chưa kịp dừng tôi đã phóng xuống, thật quá đỗi bàng hoàng khi tôi không thể nhận ra được làng xóm thân yêu của mình và cũng chẳng biết mình đang đứng ở nơi đâu, mãi một lúc sau định thần lại tôi mới ngỡ ngàng nhận ra: Cái trụ xi măng đỗ nát trước mặt tôi chính là chiếc cổng trường, còn ngôi trường đã biến mất đi đâu mất, thay vào đó là những hố bom sâu hoắm, những lùm cây cây dại um tùm, những tấm tôle cong queo bẹp dúm, lỗ chỗ trên thân mình đầy những vết đạn.
Trong giây phút thẩn thờ, tôi rưng rưng đứng nhìn chiếc cổng trường lở lói, chơ vơ gục đầu trong bạt ngàn cỏ dại. Ngôi trường thân yêu của chúng tôi không còn nữa.
Vĩnh biệt lũ học trò chúng tôi, ngôi trường mãi mãi ra đi. Còn đâu nữa những hàng cây xanh rợp bóng, còn đâu những gàu nước trong vắt ngọt ngào từ cái giếng xanh rêu, còn đâu chiếc cổng trường có bảng biển màu xanh quen thuộc, và đâu rồi phòng học lớp Ba yêu quý của tôi...
Thấm thoát thời gian trôi nhanh, cuộc chia ly ấy nay đã hơn bốn mươi năm. Giờ đây, thầy cô nhiều bậc đã vong niên, còn lũ học trò chúng tôi mỗi người một ngã. Mặc dầu vậy, khi hoài niệm về quê hương hay lần giở những trang ký ức tuổi thơ, mỗi chúng vẫn bồi hồi nhớ về trường cũ. Ngôi trường quê thân yêu, cái nôi của bao thế hệ học sinh trường làng: Trường Tiểu học Cộng đồng Trường Sanh.

                                                                                              LVH
*****
Đã đăng trong tuyển tập THƠ VĂN HẢI LĂNG.
READ MORE - TRƯỜNG LÀNG TÔI - Lê Văn Huấn