Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 10, 2018

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN





CẢ THÁNG HẠ

ve sầu thương và khóc
khóc cho học trò hoa phượng đỏ tươi
những con khóc o còn nước mắt
quê hương như ri chả lẽ ngậm cười ?

ôi cõi phù sinh là mấy chốc
đến rồi đi
hết cười lại khóc
cõi hư vô
một bánh luân hồi
quay vô định và quay mải miết


ĐÁM MA

mọi thứ sự nghiệp công danh
tiền tài gái ghệ
đều chấm dứt
chôn xong hỏa thiêu xong
là hết
mọi thứ đều không cần thiết


BUỒN NHƯỢC TIỂU

năm 2017 đầu năm 
bà mẹ vợ chết
cuối năm hai ông cậu chết


BUỒN ĐẾ QUỐC

mới đây danh hài Văn Chung ra đi
thụt lùi là nhà thơ Đặng Tấn Tới
nhà văn nữ Hàn Song Tường
kế tiếp là nhà thơ Trúc Thanh Tâm
đầu năm đi cả cặp
Lý Đại Nguyên và Trần Văn Nam
trước đó thì
Cao Thế Dung và Nguyễn Văn Sang
Phạm Ngọc Lư, Đinh Cường

cọp khổ vì da, voi khổ vì ngà
đàn ông khổ vì lá đa
trăng tròn trăng khuyết
người khỏe người mệt
kẻ đầy đủ kẻ tàn tật
sông sâu biển sâu
lòng người chốn nào ?
nơi nao ?
khôn sống mống chết
cặp bài trùng
giống nhau y hệt

con người đi ngửa mặt lên
trâu bò đi cúi mặt xuống
trên toàn cầu
bao nhiêu quốc gia
đi ngửa mặt ?
bao nhiêu cúi mặt ?


BUỔI SỚM

giống buổi trưa
buổi trưa giống buổi chiều
buổi chiều giống buổi tối

có kẻ điên vì thời cuộc
có kẻ vì gái
vì tiền
có kẻ vì làm thơ
có kẻ giả điên
để được nói bậy nói bạ
và ở truồng

một đời được bao lần Xuân Tết
xuân tết tới hoài người có hay
bao năm xuân tết đi chạy giặc
tết xuân có đến rừng cỏ may ?
77 tuổi nhìn tết xuân
phố xá nơi đây vẫn nhộn nhàng
ai tết ai xuân thì cứ nhận
ai không thì lặng lẽ qua đường
tết ta nơi xứ nguời tạp chủng
ngang gió đông về thổi dửng dưng
còn hai ngày nữa là ngày tết
nhìn mai vàng nở sắt se lòng

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

LẠC ĐỀ - Thơ - Kung Tần


KUNG TẦN (cựu học sinh Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, mất 2015.)



LẠC ĐỀ
               Tặng Lê Thiên Minh Khoa

Nhà bạn ở trong trường
Thấy mà chạnh lòng thương!...
Cửa sau cửa trước đều thông gió
Gió ngược gió xuôi cũng lẽ thường

Lẽ thường người đó ta đây
Trải bao tuế nguyệt nửa đầy nửa vơi
Núi Dinh bạc trắng lưng trời
Sông Dinh không sóng thuyền phơi mái chèo
Nghĩa đời ấm lạnh trôi theo

Trôi vèo đùa - trôi vèo chơi
Có đâu nước mắt nụ cười giao thoa
Vận vào đời kiếp vinh hoa
Ngắm non ngắm nưóc ngắm ta ta là
Chả là là ta là ta
\
KUNG TẦN

Bà Rịa 1987 (viết tại phòng LTMK trong khu tập thể GV.)
Sài Gòn 2011 (sửa lại tại  nhà trọ.)


READ MORE - LẠC ĐỀ - Thơ - Kung Tần

THÁNG GIÊNG - Thơ - Nguyễn Hữu Minh Quân

Tác giả Nguyễn Hữu Minh Quân
THÁNG GIÊNG

(Tặng Võ Thị Như Mai)

Tháng Giêng treo một mảnh trăng non
Chao nghiêng ngày xuân rất vội
Ngày rớt vào đêm nhiều dấu hỏi
Chênh vênh em và xuân…

Bên nớ bây chừ ra răng
Mùa trăng có thơm hương bưởi?
Nỗi buồn ngày thêm cằn cỗi
Mà em mãi cứ trăng rằm

Bên ni khi mô cũng rứa
Sự đời coi nhẹ như sương
Ngày cúi mặt đọc thơ mơ vó ngựa

Thấy bóng mình trôi về phía bức tường
Đã quá ê chề chuyện nhân gian
Cũng muốn thượng sơn tá túc cõi Bụt
Đời chật chội. Chẳng tìm chi. Chỉ đợi…
Xuống núi chiều Nguyên tiêu

Nguyên tiêu 2016

Nguyễn Hữu Minh Quân
READ MORE - THÁNG GIÊNG - Thơ - Nguyễn Hữu Minh Quân

NỖI BUỒN KHÔNG CÒN TRINH TIẾT - Thơ - Trần Thiên Thị


Tác giả Trần Thiên Thị


NỖI BUỒN KHÔNG CÒN TRINH TIẾT 

Nỗi buồn
từ dạo được rao chào ngoài cửa chợ
đã làm mủi lòng
không biết bao nhiêu cô hàng xén
con mắt đã trở thành
chiếc cửa sổ dành riêng cho thằng ăn trộm

một chút cô độc
một chút buồn
muôn đời vẫn có sức hút
được bao người ấp ủ
như ấp ủ một quả trứng gà không có trống

chuyền qua tay người
nỗi buồn
được người ta nâng niu lúc này
giằng xé lúc nọ
để rồi cuối cùng
nỗi buồn nhỏ nhoi đã không còn trinh tiết

treo dai dẳng nỗi buồn trên gối chăn
nhũng lá phổi chỉ còn biết thở ra
thói quen buồn
như ngàn cuộc làm tình với chiếc bao cao su
vô tội vạ qua tháng ngày mặn nhạt 

người ta bắt đầu sợ hãi sự ngọt ngào
như gã nhà giàu sợ bệnh đái đường
sợ hãi sự mượt mà
như bao lần trượt ngã
sợ hãi một lời yêu
như trò phù phiếm 

từ đó nàng Kiều bỏ đi làm điếm
Kim Trọng biến hình một gã giả nhân
còn tôi suốt ngày lang thang trên mạng
mang một nụ cười Thúc Sinh
gõ cửa lừa tình 

một lời yêu
bị hiếp dâm từ ngay cửa miệng
một bàn tay cấu
chỉ cấu được vào vết sẹo
chỉ có tiếng khóc rưng rưng từ phía cửa mình 

cuối cùng nỗi buồn
đi lang thang với hình hài rách nát
và chẳng còn có ai tin
thực sự có nỗi buồn

Trần Thiên Thị

READ MORE - NỖI BUỒN KHÔNG CÒN TRINH TIẾT - Thơ - Trần Thiên Thị

HỒN QUÊ VÀ MẸ TA XƯA - Nguyễn Bàng


         
                  Tác giả Nguyễn Bàng



HỒN QUÊ VÀ MẸ TA XƯA

(Vài cảm nhận khi đọc HỒN QUÊ của Đặng Xuân Xuyến)

Mới qua tết Nguyên Tiêu chưa được 5 ngày, nỗi nhớ thương quê hương trong tôi, một kẻ xa quê gần trọn kiếp người, vẫn man mác một màu buồn suốt từ đêm Trừ tịch đến giờ đang còn chưa dứt thì lại đọc được bài thơ Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến khiến màu buồn nhớ đó càng thêm đậm sắc.
Nhìn tên bài thơ trong tôi bỗng bật lên một câu hỏi: Hồn quê là gì?
Người ta thường hay nói về hồn người và gần như mặc định tin rằng mỗi một người đều có một cái hồn, đó là cái tinh anh của con người mà cái chết không bao giờ hủy diệt nổi: “Thác là thể phách còn là tinh anh”. 
Thì quê hương cũng thế. Mỗi một làng quê đều có một hồn quê, đó là cái tinh anh của làng quê ấy, của xứ sở ấy, của riêng vùng đất ấy mà người dân làng ấy dù ai đi đâu ở đâu có đến cả trăm nơi ở khác, dẫu có đẹp hơn quê mình vẫn thấy nhớ thương da diết về cái hồn quê ấy. Và, cũng như tinh anh của con người, cái hồn quê ấy không gì huỷ diệt được. 
Hồn quê, ấy có thể là một cây hoa gạo bên bến sông, là một con đường làng đất đỏ, một ngôi đình làng, một mái chùa làng, một cánh cổng làng, một lễ hội làng… Nó cũng có thể là những tập tục tốt đẹp của người dân làng quê ấy, là những nét lịch sử hào hùng hay truyền thống văn hoá đặc sắc hoặc sự tích các nhân vật kỳ tài của vùng đất ấy… Hồn quê giản dị gần gũi vậy thôi nhưng nó luôn sống trong lòng người dân làng từ đời này sang đời khác.
Nhưng đọc Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến, ta lại không thấy một câu chữ nào nói về những nét tinh anh của quê nhà như thế mặc dù quê hương của nhà thơ là làng Đá, một làng quê chỉ cách Hà Nội non sáu chục cây số nhưng đến nay vẫn giữ được trong mình những nét cổ kính của một làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng và những ngôi nhà cổ…Và, còn hơn thế, ở làng quê của nhà thơ còn có ngôi chùa Đá nổi danh từ thời nhà Lý với sự tích truyền tụng về cô thôn nữ đẹp người đẹp nết của làng được hoàng cung tuyển chọn làm thiếp yêu cho vua. Vào ngày cô dời làng lên xa giá về cung, bỗng xuất hiện đám mây ngũ sắc, hình dáng tựa con rồng xanh, như đang ngồi che chở cho cô, theo cô về triều. Dân làng cho đó là điềm lành nên hoan hỷ lắm, liền lấy điềm đó đổi tên làng thành làng Đỗ Xá…
Mà đọc Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến, ta chỉ thấy hiện lên hình ảnh một bà mẹ quê, nói đúng ra là hình ảnh người mẹ của nhà thơ. Bài thơ có 3 khổ rưỡi, 14 câu lục bát thì 12 câu đã được dành trọn nói về bà mẹ ấy.
Hai câu thơ mở đầu :

Ta về gặp lại hồn quê
Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa

Một lời kể thật cảm động. Mẹ ta xưa là người đã không quản ngại khó khăn, góp công góp sức sức làm cho cuộc sống, cho quê hương có được phần tươi đẹp. Hai hình ảnh quẩy nắng, hong mưa giản dị và dễ hiểu mà rất sinh động, có thể nói hay không kém gì hình ảnh “múc ánh trăng vàng” trong câu ca dao đã làm say lòng người không biết bao nhiêu thế hệ 
  Sau hai câu phác họa nhanh về mẹ ta xưa đầy xúc cảm ấy, nhà thơ thả hồn mình vào nỗi nhớ về một đời mà mẹ đã sống:

Một đời sướng thiếu khổ thừa 
Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau

Mẹ ta xưa, cũng như trăm nghìn bà mẹ quê nghèo khổ ở nông thôn Việt Nam trước đây, “một đời sướng thiếu khổ thừa” nên không dám ước mơ nhiều điều vui sướng mà chỉ mong phải khổ thế nào thì sẽ cố gắng kiếm tìm cho được vừa đủ những sợi tơ hạnh phúc để đan vá, để che đậy cho vừa vặn kín nỗi đau khổ đó. 
  Một trong những ước vọng hạnh phúc rất đơn sơ của mẹ là gia đình luôn được xum họp quây quần, vui vẻ êm đềm bên nhau dưới mái nhà tranh ở quê nhà. Nhưng cuộc đời đâu có cho mẹ được như thế. Vì cuộc sống, một số người thân yêu ruột thịt của mẹ đã phải xa quê khiến mẹ lại thêm vất vả, lại phải chắt chiu nhiều thứ để sẻ chia cho những “Người ở xa” ấy:   

Heo may trở dạ mùa sau
Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi
Chắt chiu ủ ấm nụ cười
Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”

3 hình ảnh đầy ắp trong 4 câu thơ: bàn tay mẹ se gió lạnh để nắng tươi khỏi bị nhàu úa/ Mẹ chăm chút, nâng niu từng li từng tí những gì coi là quý như một nụ cười cũng cần phải ủ ấm/ Mẹ nhen nhóm ngọn lửa để không bị tắt, nguội lạnh. Tất cả, mẹ đều để dành cho người ở xa.
Có thể nói, ba hình ảnh ấy là ba nét khắc rất tinh xảo và rất đẹp đã tạo nên một bức tranh tinh tế và chân thật về mẹ ta xưa làm bật lên hồn cốt tấm lòng giàu tình thương và đức hy sinh cao cả của mẹ.
Khổ thơ thứ ba là những màu sắc tô điểm thêm cho hoàn chỉnh bức tranh ấy về mẹ:  

Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba
Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn
Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn
Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha

Bất kể thời gian nào, đầu năm, giữa năm hay cuối năm, tháng này sang tháng khác, mẹ đã không quản gió lạnh mưa sa, bão dồn nhặt nhạnh góp gom những gì có ích để nuôi nấng các con về cả thể chất lẫn tâm hồn. Những hình ảnh tráng lệ như gió lạnh mưa sa bão dôn cùng màu sắc sẫm đỏ hoàng hôn đặt liên tiếp dồn dập bên nhau kết hợp với các từ mạnh như gom, đổ vào đã diễn đạt đầy cảm xúc hình ảnh người phụ nữ một đời chịu thương chịu khó, một đời lo toan vất vả vì gia đình và con cái. Nhưng cho dù gian khổ đến mấy, lòng mẹ bao la vẫn luôn dịu hiền trong lời ru con “nặng trĩu hồn quê Cha”.
Toàn cảnh bức tranh về mẹ ta xưa trong Hồn Quê của  Đặng Xuân Xuyến dễ gợi người đọc nhớ tới hình ảnh sâu đậm trong tâm trí của người dân việt Nam nhất là ở nông thôn: “Con cò lặn lội bờ sông”. Một phận người tần tảo, vất vả sớm khuya.
Hai câu kết: 

Ta về gặp lại hồn ta
Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời...

Vậy là bà mẹ của nhà thơ mất đã lâu rồi. Nhưng người đọc hiểu rằng: Thể phách của mẹ có thể đã tan biến hết còn cái tinh anh, cái hồn của mẹ được kể bằng tất cả những hình ảnh, những tích chuyện ở trên thì không hề bị hủy diệt mà vẫn luôn luôn sống trong lòng đứa con và vẫn đang sống cùng cái tinh anh, cái hồn của quê. Vì thế, mỗi lần về quê, gặp lại hồn quê thì con thấy ngay mẹ xưa hiện lên trong đó. Vâng: Trong Hồn Quê ta có cả Hồn Mẹta đó.
Có thể nói, đấy không chỉ là một hàm ý sâu sắc mà còn là một phát hiện tâm linh mới mẻ trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến.
Ai mà chẳng có quê, có nơi chốn mình sinh ra. Ai mà chẳng có mẹ, người mang nặng đẻ đau ra mình. Bởi vậy, cái hồn quê trong đó có cả hồn mẹ mình không có gì là thánh thần kỳ bí mà chỉ là những nét đẹp bình dị gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng cao cả mà bất kỳ người dân nào của quê hương, người con nào của mẹ đều hằng gìn giữ trong lòng. Mất linh hồn là mất hết.
Hồn quê là thế. Giản dị thế thôi. Nhưng thật tiếc, không thấy mấy văn chương viết về Hồn quê. Có lẽ, hai tiếng Hồn quê trong câu Kiều nức danh của cụ Nguyễn Du muôn đời vẫn sẽ là hai tiếng được nhiều người nhắc tới:

Đoái trông muốn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

Bài thơ Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến chưa hẳn đã là hay với nhiều bạn đọc nhưng rất đáng đọc và đáng khích lệ. Bởi vì trong Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến sáng lung linh hồn mẹ ta xưa của nhà thơ. 
*
Sài Gòn 07 tháng 03.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com



HỒN QUÊ

Ta về gặp lại hồn quê
Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa
Một đời sướng thiếu khổ thừa
Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau

Heo may trở dạ mùa sau
Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi
Chắt chiu ủ ấm nụ cười
Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”

Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba
Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn
Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn
Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha

Ta về gặp lại hồn ta
Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời...

Hà Nội, sáng 06 tháng 03.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - HỒN QUÊ VÀ MẸ TA XƯA - Nguyễn Bàng

QUAN HOÀI - Xuân Ly Băng, La Thụy



Ôi! Đêm Bê - lem rạng ngời tinh tú, các tầng trời vang vọng tiếng hoan ca.
Nhưng hỡi ôi! Sao chiều Núi Sọ lại buồn đau chất ngất?
Mặt đất thảm sầu run rẩy, như sụp nứt theo hố huyệt bi thương. 
Chúa ơi! Lòng con lịm tím “quan hoài

  
                       Thơ: Xuân Ly Băng.
                       Giọng ngâm: La Thụy.

   QUAN HOÀI

    Đây Bê - lem nhắn về chiều Núi Sọ
    Vươn tay dài riết chặt lấy tình thương…
    Tình một trời bát ngát tựa thiên hương,
    Thu gọn lại? đành thở dài bất lực!

    Bê - lem sầu… trăng sao ngồi thổn thức
    Ước một giờ vạn kỷ có như không!
    Khi sương đêm run rẩy trên cánh đồng,
    Còn nghe thấy cung buồn hoa cỏ dại…

    Sầu Núi Sọ từ bao năm tê tái,
    Vỡ ngọc rồi luyến tiếc bạc đầu non!
    Ai qua đồi vào những buổi hoàng hôn
    Nghe tiếng khóc rên từng hòn đá nhỏ!

    Bê - lem ơi! Tím chiều lên Núi  Sọ
    Hỏi ân tình còn chút nữa dư hương
    Đá lạnh lùng không đáp nữa ca thương,
    Bên sọ trắng từng chồng cao ngất nghểu!

    Và Núi Sọ bao đêm trường hắt héo
    Cổ quan hoài nghiêng xuống hỏi Bê - lem
     Sáng tìm trời còn giữ nữa không em
     Sao khuya ấy có khi nào xuất hiện?

    Vòng trời đất đã hơn một lần biến chuyển
    Nhạc ân tình trên tháp trắng reo cao…
    Đêm lẫn chiều không với được vì sao
    Đang thiêu đốt đến tận cùng thiên địa

                                  XUÂN LY BĂNG

READ MORE - QUAN HOÀI - Xuân Ly Băng, La Thụy

THĂM LẠI BÀU ĐƯNG - Thơ - Võ Tấn Hùng

THĂM LẠI BÀU ĐƯNG

Trong hình ảnh có thể có: cây, ngoài trời, thiên nhiên và nước


Chiều về thăm lại Bàu Đưng,
Lác năn mơn mởn nắng xuân óng vàng.
Bàu Đưng xanh nước mênh mang,
Nghiêng nghiêng dáng núi mây ngàn trắng bay.
Bàu Đưng biền biệt tháng ngày,
Bao nhiêu kỷ niệm cứ ray rứt lòng?
Bàu Đưng biết có đợi mong,
Người đi con nước lớn ròng bao phen.
Bàu Đưng cỏ nội hoa hèn,
Phố phường chật chội bon chen, nhớ nhiều.
Bàu Đưng một thuở thương yêu,
Tìm đâu vành nón nắng chiều che nghiêng?
Bàu Đưng một thuở thần tiên,
Tiếng con cúm núm vọng triền Bến Ghe.
Bàu Đưng nay lại trở về,
Trăm thương ngàn nhớ bộn bề dư âm?

Phước An, chiều 04.03.3018
Võ Tấn Hùng
READ MORE - THĂM LẠI BÀU ĐƯNG - Thơ - Võ Tấn Hùng

BUỒN ƠI , TA XIN CHÀO MI...- Trần Mai Ngân


  
                   Tác giả Trần Mai Ngân


  BUỒN ƠI , TA XIN CHÀO MI...

 Có những tháng ngày ta cùng nỗi buồn đồng hành và chịu đựng nhau. 

  Những tháng ngày ấy thật dài và đen tối . Ta buông mình rơi sâu xuống vực ảm đạm tưởng chừng như đã tan ra thành từng mảnh vỡ từ khổ đau . Cứ thế, ta lăn trôi theo nỗi buồn dẫn dụ...
  Lúc ấy, ta đã quên mất buổi sáng vẫn luôn còn có bình minh và tiếng chim hót. Không nhớ được những cơn gió nhẹ nhàng ban trưa và hoàng hôn vàng trên tóc khi đến chiều...
  Ta đã quên , quên tất cả để đắm mình trong hơi thở muộn phiền . Nỗi buồn bây giờ như một đam mê, huyền bí làm ta lạc lối đời...
  Cứ thế ta chìm sâu mê muội ! 

  Đến một lúc, nỗi đau đã đủ , đã đầy... ta như chết đi . Chết đi để rồi hiện sinh lại ở một kiếp khác ngay trong kiếp này...ta thành một con người khác! Ta buông nỗi buồn và xa lánh nó ! Ta quên hết, quên hết! 

  Đúng vậy, khi nỗi đau đã đủ đã đầy ta tự khắc sẽ buông ra . Và ta sẽ mỉm cười. 
  Nỗi buồn ơi! Vẫy tay chào mi nhé ! 

                                                              Ngày 4-3-2018 
                                                              Trần Mai Ngân

READ MORE - BUỒN ƠI , TA XIN CHÀO MI...- Trần Mai Ngân

ĐỌC “VÒNG ĐỜI” THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH - Châu Thạch



                       Vợ chồng nhà thơ Lê Đình Hạnh


VÒNG ĐỜI

Người bỏ ta đi - ta bỏ người… ở lại
Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầy”
Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi
Còn người… như là gió heo may

Nhớ mà chi núi đồi đã khuất
Tiếc mà chi một gánh bỏ bên đường
Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh

Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh
Người sông xưa vứt gánh mộng bên trời
Một vòng đời có được mấy vòng chơi?!?

                                         Lê Đình Hạnh


     
            Nhà bình thơ Châu Thạch



ĐỌC “VÒNG ĐỜI” THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH
                                             Châu Thạch

Ở Đà Nẵng có một nhóm thơ tên là Thân Hữu. Thân Hữu chỉ là cái tên để có mà gọi nhưng thật ra thành viên chỉ là nhưng con người tự do và yêu thơ,  thỉnh thoảng gặp nhau trong quán cà phê hay bên vỉa hè một con đường phố. Nhóm thơ nầy như những vần mây tụ lại, trôi đi, bay vẫn vơ phiêu bồng. Họ không có danh sách thành viên, không có điều lệ,  đa số không gia nhập một hội đoàn nào. Trong đó Lê Đình Hạnh là một bụng thơ mà mỗi lần gặp nhau, thơ anh ngân lên như những sợi tơ vàng từ thân con én, khiến mọi người lắng nghe đến độ ngẩn ngơ. “Vòng Đời” là một trong những bài thơ đó, nó ngắn, nó không phải thơ tình nhưng làm cho nước mắt rơi vì nó cũng nhiều.
Vào khổ thơ đầu tiên ta đã thấy lời trách nhẹ như “gió heo may” của Lê Đình Hạnh đã khiến se lạnh lòng ta:

Người bỏ ta đi - ta bỏ người… ở lại
Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầy”
Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi
Còn người… như là gió heo may

 Đọc câu thơ đầu tiên lòng ta đã thấy se thắt.“ Người bỏ ta đi – ta bỏ người…ở lại”. Người bỏ ta đi, ta cũng bỏ người nhưng ta không đi mà ta ở lại. “Người bỏ ta đi là một tiếng than xé lòng. “Ta bỏ người …” chỉ là sự giận hờn nơi cửa miệng. “Ở lại” là hứng chịu tất cả nỗi đau. Thật ra nếu ta bỏ người được thì bài thơ không bao giờ có và bài thơ cũng không đắng cay đến thế.
“Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầY”: Ta ở lại mà ta là ngựa xa bầy nghĩa là cả bầy ngựa đã tung vó đi xa, chỉ còn ta cô đơn một mình ở lại.
“Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi”: Một sự nhân cách hóa mây và núi thành người. Một hình ảnh đẹp, phả vào tâm hồn người đọc rất nhiều cảm xúc, rất nhiều tưởng tượng, mở rộng không gian, chất chứa ý thơ lảng mạn, tràn đầy với lời “Thề Non Nước” của Tản Đà năm xưa.
“Còn người…như là gió heo may”: Với thời tiết thì gió heo may quay lại năm sau nhưng với Lê Đình Hạnh đó là gió heo may của chính một mùa nhất định nào đó trong đời. Ngọn gió ấy bay đi và không bao giờ quay lại.
Cả bốn câu thơ đúng là cơn gió heo may, thiết tha và hờn dỗi, thấm đậm và se lạnh tâm hồn. Tâm sự người ở lại dằn vặt, cay đắng, chất chứa nỗi sầu cao vời vợi như con ngựa cô đơn quay đầu hý vang vọng về đỉnh núi xa xôi.

Rồi thì qua khổ thơ thứ hai, một loạt những hình ảnh phũ phàng hiện lên trên bức tranh chứa cả không gian và thời gian ảm đạm:

Nhớ mà chi núi đồi đã khuất
Tiếc mà chi một gánh bỏ bên đường
Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh

Hình ảnh núi đồi là hình ảnh của sự nghiệp. là hình ảnh của sơn hà. Tất cả đã khuất rồi, thôi không nhớ làm chi nữa, thôi không tiếc làm chi nữa, vì cái lớn lao đó nay tầm thường như một đôi quang gánh bỏ bên đường. Tuổi trẻ hăng say tưởng gánh cả sơn hà trên vai nhưng ngờ đâu phải đặt nó xuống. Đặt nó xuống rồi nhưng đôi vai không hề nhẹ vì phải gánh bao nhiêu điều hệ lụy khác.  Hai câu thơ như tiếng khóc bên quan tài, không nhớ không thương không tiếc mà nước mắt cứ nghẹn ngào, và nước mắt cứ nuốt vào lòng, chua xót.
Tiếp hai câu thơ sau, nhà thơ thổ lộ cái hoàn cảnh bi thương của hai người. Hóa ra họ là đôi chiến hữu:

Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh

Người thì buông cương, người thì đốt bộ áo lính đã lâu rồi. Tất cả đã thành tro tàn và tro tàn đã trở nên lạnh lẻo. Câu thơ cho ta biết thời gian đi qua cơn biến động cũng lâu rồi, nhưng nỗi buồn đọng trong lòng họ càng ngày càng lạnh thêm, vì đống tro tàn vẫn còn đó, nó không biến đi mà mỗi ngày nó lại lạnh thêm.
Bốn câu thơ cho ta thấy người anh hùng đã tiêu tan sự nghiệp, hiệp sĩ đã bất đắc chí giữa đời, niềm đau gặm nhấm tâm hồn, làm cho bất mãn cuộc đời, dằn vặt trong hiện tại, muốn buông bỏ quá khứ nhưng quá khứ như con sâu tuyệt đẹp cứ ăn mòn tâm tưởng.

Khổ thơ chót chỉ có ba câu. Ba câu thơ kết lại làm hiển hiện một thế hệ tan tác như con sông chia thành trăm nhánh và người trên sông buông thuyền bỏ lái lưu lạc bốn phương trời:

Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh
Người sông xưa vứt gánh mộng bên trời
Một vòng đời có được mấy vòng chơi?!?
                   
“Một vòng đời bỏ lại mấy vòng chơi?!: Một câu hỏi. một tiếng than, vọng lên cho tâm hồn suy nghiệm một kiếp nhân sinh. Đó là triết lý Phật giáo? Đó là giáo lý Thiên Chúa giáo? Không, nó không là triêt lý hay giáo lý của ai cả. Nó là câu hỏi của Lê Đình Hạnh, là tiếng than của lê Định Hạnh, hay đúng ra là tiêng than của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh, chịu nhiều hệ lụy trong cả thời bình.
Lê Đình Hạnh là người ở lại. Bài thơ để trách những người chiến hữu cùng nhau một lần buông súng, đã ra đi mà không quay lại nhưng trách như một chinh phụ ngồi chờ chinh phu bên song cửa hẹp. Biết đâu sẽ có một ngày “ Ngựa hồng đã đến bên hiên/ Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người” thì lại càng thêm đau khổ ./.

                                                                 Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “VÒNG ĐỜI” THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH - Châu Thạch

CHÚT XƯA, DẤU XƯA KỶ NIỆM - Thơ Tịnh Đàm



        Nhà thơ Tịnh Đàm



   CHÚT XƯA...

   Mãi giờ...
   Còn tưởng là mơ.
   Em như bướm trắng
   Dật dờ...
   Mộng tôi.
   Thắp đêm,
   Cùng những bồi hồi.
   Chút xưa hoài vọng
   Thầm trôi xuống lòng !
   Ơ hờ...
   Mắt giấu buồn mong !
   Yêu thương nào
   Đọng...
   Mấy dòng tâm tư ?!?

   DẤU XƯA KỶ NIỆM

   Ngày tháng này
   Tôi mải loanh quanh
   Chân quen đường cũ
   Bỏ sao đành !
   Dấu xưa kỷ niệm
   Còn in bóng .
   Áo mộng hoàng hoa,
   Đâu mắt xanh ?!?

          TỊNH ĐÀM
   (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - CHÚT XƯA, DẤU XƯA KỶ NIỆM - Thơ Tịnh Đàm