Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 15, 2018

CÁI TÊN CỦA TÔI - Đào Dân

Xin cảm ơn anh Đào Dân - người con của làng An Thái, Quảng Trị đã nhắc lại những kỷ niệm một thời thơ ấu hồn nhiên trên quê hương Quảng Trị !


 

CÁI TÊN CỦA TÔI
                    Đào Dân

Tôi ra đời vừa sau cái mà nhiều người gọi là “cách mạng muà thu”, nên ba tôi, một người theo cách mạng nhiệt thành, đã đặt tên cho tôi là Dân, Đào Tân Dân. Công dân mới. Vậy mà khi lớn lên tôi lại theo phe phản cách mạng, phe “ngụy”, một cách có ý thức.
Có lẽ sự đời có sự mầu nhiệm nào đó, hay chỉ là do số phận nên tôi không được làm “công dân mới”?
Cha tôi chết vì bệnh sau khi thoát ly gia đình để tham gia kháng chiến chống Pháp chưa được nửa năm. Hiệp định Geneve ký kết, anh Phương tôi đã 15 tuổi, dù trước đó đã vào vùng trung du là khu vực của Việt Minh để theo học lớp ba, lớp cuối tiểu học hệ 10 năm của Việt Minh, cũng không được mẹ tôi cho phép theo Mụ Trợ Nuôi - một Bà Cô trong “dánh” theo VM làm cán bộ tuyên truyền mà những năm 53, 54 đêm đêm thường hay từ “rừng” về để tuyên truyền vận động bà con trong làng - tập kết ra Bắc. Gia đình tôi, 5 người, mẹ goá con côi rau cháo nuôi nhau cho đến ngày chúng tôi khôn lớn.

Khi theo học lớp Nhất trường tiểu học Long Hưng, học sinh cả lớp đều được nhà trường lo làm “Giấy thế vì Khai Sinh” để thi lấy bằng Tiểu học và thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường Trung học Nguyễn Hoàng. Những người đại diện được nhà trường mời làm nhân chứng chẳng cần biết tuị tôi là ai, cứ theo tên và họ đã ghi trong lớp mà khai trước Toà Hoà Giải Rộng Quyền Quảng Trị. Tên đệm hay ho mà cha tôi cố ý đặt bị bỏ quên, chỉ còn ngắn ngủn hai chữ: Đào Dân. Cái tên đó gắn liền với cuộc đời cuả tôi cho đến nay và không có ai, ngoại trừ tôi và một bà chị già còn ở Việt Nam, còn nhớ đến cái tên đầy đủ “Đào Tân Dân” đó để làm bằng chứng nhằm bác bỏ câu nói cuả nhà văn Phan Nhật Nam trong cuốn “Muà hè đỏ lửa”: “Quê hương Quảng Trị nghèo khổ đến độ ngay cả cái tên cũng không có chữ lót”!

Vậy mà cái tên Dân có vẻ nôm na cuả tôi cũng chỉ được gọi khi có người ngoài. Còn thường thì cả mẹ và các anh chị đều kêu tôi bằng tên khác, Cằng, có khi còn chế giễu, chọc quê tôi với chữ ôông (ông) đằng trước. Ôông Cằng hay có khi là Bọ Cằng. Lúc đầu có ai đó giải thích cho tôi rằng tôi là con ôông Cằng, một người ăn xin làng Trà Lộc bên kia động cát vàng xa ngút tầm mắt bé nhỏ của tôi. Một bữa nọ đi ăn xin, ông mang theo tôi là con trai ông và vì quá nghèo nên cho mẹ tôi làm con nuôi. Câu chuyện tầm phào này chẳng làm tôi tin. Vậy mà cái trò chọc tức con nít đó cứ làm cho tôi lúc nào cũng tức giận, giận đến đỏ mặt tía tai, và khi đó thì tôi hay gân cổ lên cãi lại bằng những câu ngu xuẩn hay ngay cả hỗn láo nữa. Những lúc như thế, tôi không còn gọi các anh chị bằng “eng chị” như trước, mà chỉ còn kêu mi tau như mọi đứa nhỏ khác trong làng. Có lần tôi còn bị anh Phương đánh cho một tát tai đến xính vính khi tôi xổ C. để chưởi lại các anh chị. Đau quá, tôi vừa khóc vừa chưởi vừa chạy đi mách mẹ.

Khi biết tôi đã nói hỗn, mẹ tôi không những không bênh mà còn la thêm cho một trận nữa. Thế là tôi giận lẫy bỏ cả ăn trưa, ra ngồi thu lu một đống sau góc hè, nơi có cây mít toả bóng râm mát cả một vùng. Cơn giận cộng thêm lòng tự ái giữ tôi ngồi đó, cho đến tối mịt, chẳng thiết gì đến ăn uống. Cũng chẳng có ai trong nhà quan tâm đến tôi. Tôi cũng chẳng cần ai và như một thách thức, tôi tự mình tìm lạc thú trong nỗi cô đơn cuả chính mình. Lúc đầu, tôi trầm mình vào những niềm suy tưởng của sự ghen ghét, của lòng thù hằn và rồi sau đó thế nào tôi cũng tự tìm cách an ủi mình bằng một sự trả thù nào đó, chẳng hạn “khi mô mạ đi chợ về, có kẹo tau không cho mi mô”.

Sau khi đã thoả mãn với những trò trả thù trẻ con như thế, tôi thường quên hết mọi giận hờn để sống với không gian quen thuộc của mình ở cái góc hè mát mẻ này, nơi có một đống gạch bể, ngói sứt - mà mỗi khi đi chơi đâu tôi cũng tha về - rồi theo quán tính, tôi dựng lên những căn nhà ngói, ngay cả những ngôi nhà lầu. Tôi cũng tạo ra một bầy trâu xanh, có đực có cái và có cả trâu nghé nữa. Thêm một bầy bò to nhỏ đủ kích cỡ. Tất cả đều nhờ vào những chiếc lá mít đủ màu sắc từ trên cao rụng xuống sau những cơn gió nam (gió Lào) hung hãn thổi làm lá cuả những hàng tre, bụi chuối rách nát, te tua cùng bám đầy bụi đất vàng khè. Chỉ trừ lá mít là đủ bản lãnh để trôi la đà theo ngọn gió, uốn éo, lên cao, xuống thấp, và vẫn còn giữ nguyên khi rơi xuống. Trong cái đám trâu bò hỗn độn đó, thế nào tôi cũng chọn một con trâu Ô to lớn hùng dũng làm đầu đàn để cỡi lên (bằng tưởng tượng) mà chỉ huy cho chúng đánh nhau. Con trâu Ô bao giờ cũng đứng hạng nhất vì đó chính là con trâu nhà mệ Tuận trong xóm - to nhất, đẹp nhất, và đánh khoẻ nhất làng mà anh Phương tôi vẫn cởi nó làm tôi ngưỡng mộ.
Đó là những ngày hè nghỉ học, anh đi giữ trâu thuê cho mệ để kiếm cơm và để được trả thêm một ít lúa gạo gì đó. Mỗi buổi sáng anh cởi trâu ra khỏi chuồng, những buổi chiều anh cho trâu về, tôi vẫn đứng trong sân nhà nhìn ra. Anh ngồi ngất ngưởng trên mình trâu trông oai chi lạ. Ấn tượng nhất là khi anh cho nó lội xuống bàu Luà tắm mát. Con trâu lặn xuống nước thật lâu, chỉ chừa hai lỗ mũi nhô lên thở phì phò. Anh Phương thì hai chân dạng ra, đứng trên mình con trâu đang di chuyển, nước ngập đến mắt cá chân nên trông anh đang đi là là trên mặt nước, như có phép màu. Mặc dù trên đầu anh là một cái nón cời (nón lá) rách và trên mình chỉ còn lại độc cái quần đùi vải thô đen nhẻm nhưng trông anh oai và đẹp nhất làng. Tôi không bao giờ có ý nghĩ là anh Phương sẽ ngả xuống nước chết đuối vì anh là tay bơi giỏi nổi tiếng dù chỉ mới khoảng mười tuổi. (Với tôi, anh Phương cái gì cũng nhất hết!). Nhưng riêng tôi, với một nỗi e dè sợ sệt cố hữu, cứ tưởng tượng rồi một ngày nào đó tôi phải cho trâu lội xuống bàu như anh. Tôi là thằng bé vốn rất sợ nước!

Cái góc hè nhỏ bé là chỗ cho tôi say sưa vui chơi và tìm quên ấy chính là cái thế giới thần tiên cô độc của tuổi thơ tôi, đã an ủi vỗ về tôi, đã xóa tan những đau đớn hay những thù ghét để tôi trở về với cuộc sống bình thường. Và ở đó, tôi đã từng ngủ vùi trong giấc mơ yên bình sau khi đã thoả mãn với chính mình bằng những trò chơi “trâu bò nhà cửa”, mặc cho những cơn gió nam (gió Lào) khắc nghiệt đang vần vũ thổi và mặt trời mùa hè oi ả đang thiêu đốt cây cối. Cho đến khi cả nhà chuẩn bị ăn cơm tối, giữa màn đêm che phủ, tôi mới thấy anh Phương một mình ra năn nỉ, dỗ dành rồi bồng tôi vào nhà.

Quái ác là cái tên ôông Cằng từ trong nhà lan rộng ra khắp xóm và cả làng nữa. Từ người lớn như mệ Tuận, bác Quỳnh, O Chanh hay ôông Cọng trong xóm, đến những thằng nhỏ ngang vai vừa lứa như thằng Nghiêu, thằng Lúc ở xóm Bạc bên kia bàu Lùa cũng dần dần bắt chước gọi theo. Lúc đầu tôi cũng tức. Với người lớn tôi không dám cãi lại hay gắt gỏng phản đối, chỉ đưa đôi mắt đầy vẻ căm ghét lén liếc nhìn rồi cộc cằn trả lời vài tiếng để chạy trốn, càng xa càng tốt. Nhưng với bọn nhóc tì cùng tuổi thì tôi lại nổi khùng xổ C. rồi thế nào cũng có một trận đánh lộn (Tôi không đủ lời để ăn miếng trả miếng, không đủ bình tĩnh để kiềm chế cơn tức giận nên thường chửi thề bằng tiếng đó. Hồi đó chưa có những tiếng chửi thề khác hay nếu có thì ở nơi thị thành chứ ở quê như vùng tôi ở, C. và L. là những tiếng xấu xa nhất mà dân trong làng sử dụng để chửi nhau). Và thường là tụi nó hay đi chơi chung với nhau nên chỉ vài hiệp là tôi ôm đầu máu chạy về.
Khóc lóc, vừa chạy vừa quay lại chửi bới đủ các ngôn từ, nhưng thường là lôi tên của ông bà ba bốn đời nội ngoại của chúng ra để bêu riếu. Tôi không còn nhớ làm sao với lứa tuổi đó mà bọn nhỏ trong xóm lại biết và thuộc lòng tên cuả những người lớn tuổi, còn sống hay đã chết, rồi dùng chúng như là một cách để ruả xả, chửi bới nhau. Vào thời đó, dùng tên người thân tộc của “đối phương” làm một “phương tiện chiến tranh” của tụi nhỏ , bây giờ nghe tức cười, nhưng đó là một phong trào, mà người lớn dường như cũng ngầm ủng hộ. Vậy nên dù mẹ tôi là người ở xa, tận làng Tài Lương phủ Triệu Phong mới lên lấy Ba tôi chỉ hơn chục năm ở làng An Thái thuộc phủ Hải Lăng, cách xa đến khoảng 10 cây số, nhưng mẹ cũng cung cấp được một phần “bửu bối” cho tôi sử dụng khi cần.
Cái tên ôông Cằng bắt đầu bị lãng quên, hay ít nhất thì tôi cũng đã làm quen dần với nó, thì khi đi học trở lại sau khi trường đóng cửa hơn một năm vì hiệp định Geneve, một cái tên khác bắt đầu xuất hiện, độc địa hơn, tục tĩu hơn, làm cho tôi đau đớn, xấu hổ, và tức giận hơn mỗi khi bị chọc ghẹo.

Ở quê tôi thời đó, và cho đến tận bây giờ, ngoài việc làm ruộng, nhà nào cũng có nuôi một hay hai con heo nái. Đó là công việc chính của người đàn bà cho nên có câu ca phổ biến trong làng, vừa khuyến khích đàn bà, vừa chế giễu đàn ông: “Đàn bà không nuôi heo là đàn bà nhác (làm biếng), Đàn ông không cờ bạc là đàn ông ngu”.

Nuôi heo nái thì ngoài chuyện phải biết chăm sóc heo con, người đàn bà còn phải theo dỏi tình trạng động đực cuả heo cái. Làm thế nào để biết đúng thời điểm rụng trứng để gọi heo giống đúng lúc và kịp thời. Đến muà động đực, ngoài tiếng kêu rền rĩ, thảm thiết suốt ngày như kêu gào, như van xin, cái L. của heo nái nở ra, phồng to, chuyển từ màu đen sang màu đỏ tươi trông như một trái dâu tây đỏ hoét. Đó là lúc người ta đi kêu heo đực đến. Có hai điều đặc biệt cần nói rõ về con heo đực phối giống (còn được gọi là heo nọc) ở quê tôi vào thời đó vì nó gần như đã trở thành truyền thống.

Một là, tuy con heo nọc được nuôi nấng và tẩm bổ rất kỹ, nhưng chỉ lớn bằng trái bí đao trong khi con heo nái thì to gấp 3,4 lần. (Có thể là người ta cho nó “nhảy” sớm quá nên nó không lớn nổi chăng?) Vậy mà chú heo đực nhỏ xíu đó lại khôn hết biết. Buổi sáng sau khi được cho ăn no và ngon, có khi có cả trứng gà, chú heo biết là đã đến lúc phải làm việc.Trông cái dáng chú nủng nỉnh lên đường, trong đó có phần náo nức, có phần sốt ruột được gặp “người yêu”, trông buồn cười. Đàng sau chú là bà chủ cũng thủng thỉnh đi theo, tay cầm cây roi nhỏ, túc tắc chỉ đường. Rất ít khi bà chủ phải sử dụng đến cây roi để trấn áp, thường là những lời nhỏ nhẹ và chú heo sẽ biết đường để tới nơi đang cần. Linh tính hay là nó ngửi được cái mùi thơm kêu gọi của con heo nái đang khát tình? Sự hăng hái của chú heo bé tí thường được đền bù xứng đáng, có ngày nó nhảy đến 3, 4 lần. Và cả hai bà chủ, heo đực và heo cái, đều hài lòng.

Thứ hai là, người nuôi heo nọc thường là một người đàn bà yếu đuối, bệnh hoạn lại kém bề nhan sắc, và lẽ dĩ nhiên là không chồng, không con. Một sự chọn lựa công việc hợp lý nhất cho một cuộc sống cô độc? Bởi vì với nghề này, tuy bị coi thường nhưng lại thong thả nhàn hạ mà còn dư dả chút ít để dành cho tuổi già. Và tuy không chồng, có lẽ còn là trinh nữ, nhưng bà ta cũng tỏ ra sành sỏi trong việc phụ giúp cho chú heo hoàn thành nhiệm vụ. Không áy náy, hay mắc cỡ, ngay cả khi phải khom mình sát xuống, dùng bàn tay khéo leó để đặt vào đúng chỗ. Nhờ thế, không ai phàn nàn gì vì đến kỳ sinh nở, heo nái vẫn đẻ ra một bầy heo con, có khi đến cả chục con mập mạp và khoẻ mạnh. Vả chăng, nếu vì một lý do nào đó mà tháng sau heo nái lại động đực, người chủ heo nọc sẵn sàng cho “nhảy” lại theo yêu cầu, không lấy tiền.

Cả làng, đôi khi hai ba làng, chỉ có một chú heo nọc nhỏ xíu nên đôi lúc phải chờ. Khi đi “kêu đực”, người chủ heo thường hỏi khách về tình trạng động đực để họ sắp xếp lịch trình cho đúng ngày giờ rụng trứng. Trong khi trao đổi tin tức như vậy, người ta phải miêu tả tỉ mỉ từ hình dạng đến màu sắc cuả cái L. heo. Và thay vì dùng đúng chữ L. nghe tục tĩu mà cũng làm mấy bà xấu hổ, họ đổi thành chữ Dậu. Cái Dậu heo.
Cách nói trại ra như thế nghe cũng bình thường nếu như cái đám bạn học khốn nạn của tôi không áp đặt cái chữ đó vào cho tôi. Trong vui chơi học hành, thường không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu có sự bực mình hay giận cãi nhau thì tụi nó chẳng thương tiếc chi mà không gọi tôi bằng cái tên Dậu, hay Bọ Dậu, có khi còn độc địa chửi thẳng: Mi là cái Dậu heo! Cũng có khi chúng còn kêu cho đủ cả họ ra mà đay nghiến: Đào Dậu. Không lần nào mà tôi không tôi tức đến muốn hộc máu!
Hồi đó tôi nhỏ con lắm dù đã hơn 10 tuổi. Những thằng cùng lứa với tôi, tuy cũng không lớn con gì nhưng trông chúng có vẻ mụ mẫm, có da có thịt hơn. Tôi thì vừa nhỏ vừa gầy ốm. Thân hình, đặc biệt là hai ống chân và hai đầu gối, trơ toàn xương. Mồm miệng lại vâu ra trên gương mặt dài ngoằng, trông gầy gò hốc hác. Hai hốc mắt sâu cùng với cái hộp sọ mà mẹ tôi thường dùng con dao cạo râu của cha tôi để lại để cạo cho trọc lóc cái đầu nên trông chẳng khác gì cái đầu lâu. Vậy mà cái mặt teo tóp và nước da đen đủi của tôi lại bị chúng bạn so sánh với cái dậu heo sưng sỉa và lại đỏ hoét như vậy thì quả thực tôi không hiểu được. Đâu có sự tương đồng nào, phải không các bạn? Có lẽ tại cái bản mặt tôi trông phát ghét?
Thế nhưng nếu tôi hiền lành nhẫn nhục một chút, cuộc đời tôi cũng không đến nổi gặp nhiều đắng cay. Nhưng chỉ vì cái tính cộc cằn, ngang bướng, lại thêm nóng nảy cho nên vào một ngày đẹp trời, tôi bỗng trở thành nạn nhân của một vụ đánh hội đồng bởi cả khoảng hơn chục thằng học trò cùng lớp, lớn có, nhỏ có.

Nói về cái vụ “Bề hội đồng” của tôi, có lẽ phải trở lại cái đoạn đường quốc lộ 1 từ trường Tiểu học Long Hưng về làng. Nó chỉ dài hơn nửa cây số. Đó là con đường cái quan nối từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu như bài học địa lý lớp ba mà thầy Lư đã dạy chúng tôi. Nhưng trong thời gian đó nó chỉ đi đến cầu Hiền Lương (Vĩ tuyến 17) là ngừng vì đất nước qua phân. Hồi đó xe cộ không nhiều nên lũ học trò tụi tôi khi đi học về là dàn hàng ngang từ vệ đường ra đến nửa lòng đường trải nhưạ, vừa đi vừa ồn ào nói chuyện. Chỉ khi nào nghe tiếng còi xe ré lên, chúng tôi mới tấp vào lề đường để tránh. Khi xe vừa qua khỏi, tụi nhỏ chúng tôi thường chạy theo, vừa chạy vừa phồng mũi thật to để cố ngửi cho hết cái mùi xăng thơm lừng từ ống bô xe thải ra.
Vào những ngày nắng to, con đường trải nhựa đó trông như cái chảo lửa, hừng hực hắt lên mặt đường làn hơi nóng, cuồn cuộn nhảy múa giống như làn hơi nước bốc lên từ nồi nước đang đun sôi. Chúng tôi, với đôi chân trần, lại thi nhau chạy tìm những hạt bong bóng nhựa nhỏ bằng hạt bắp, đen sì, bóng lưỡng, nhô lên giữa lòng đường để xem ai đạp bẹp được nhiều. Tuổi học trò vô tư hay là những bàn chân gầy guộc đã làm quen với cái nóng khắc nghiệt của miền Trung ?
Thỉnh thoảng có một toán phu lục lộ đến vá sửa đường, chúng tôi thường lân la đến gần để năn nỉ xin cho được một cục dầu hắc đem về, hoặc là cho cha mẹ hàn mấy lỗ thủng trên cái gàu múc nước hay đôi thùng thiếc. Nếu có thừa thì bắt thành những con chim, con vịt, hay quả chuối hay làm tù và thổi chơi.
Có những buổi chiều, nhóm học sinh Xóm Ngoài như tôi, thằng Danh, thằng Thỉnh, thằng Truật cùng với thằng Kiểm, thằng Từ của Xóm Trong chạy đua nhau trên con đường Quốc lộ ấy. Từ cổng trường chạy một mạch về đến cổng làng. Mồ hôi mồ kê ra đầy mặt, chảy đầy cổ xuống ướt cả cái quần đùi đang mặc. Mệt đến nổi chúng tôi sáng tạo ra một từ mới để gọi: Mệt tóe khói. Đúng là tóe khói vì dường như bất cứ cái lỗ nào trên người cũng là nơi thoát ra của cái gì đó: lỗ tai, lỗ mũi, lỗ miệng, và cả lỗ đít. Và lẽ dĩ nhiên là lỗ chân lông. Mệt thì có mệt, nhưng rất vui. Trên con đường đất vào làng, như những chú chim nhỏ đua nhau ríu rít, chúng tôi lại tranh cãi nhau về cái hay của mình và cái dở của người khác. Dĩ nhiên là thằng nào to con lớn xác nhiều tuổi thì hơn rồi, và tôi, thằng nhỏ tuổi và cũng nhỏ con nhất, 10 lần thì 6, 7 lần tôi cầm đèn đỏ, còn lại là áp chót.

Buổi trưa thứ bảy, trời không nắng gắt. Như một sự tình cờ hiếm hoi, hai thằng Võ Lượng, Võ Đàn ở làng Trâm Lý lợi dụng buổi chiều nghỉ học về nhà Lê Thành, Lê Thiết là anh em bên ngoại để chơi. Thế là chúng cùng với cả hai chục thằng học trò lớp Nhì chúng tôi thuộc bốn làng Đại Nại, An Thái, Ba Khê, Thượng Xá đua nhau chạy nhanh xuống con dốc “Bơc Đôốc”, rồi rẽ phải vào đường quan về nhà. Hai thằng Trâm Lý này mới vào học năm đầu ở trường Tiểu học Long Hưng nên có vẻ ngạc nhiên khi thấy cái nón cối màu trắng mà tôi đang đội. Nhà tôi nghèo, cả làng đều biết, nghèo đến nổi không có tiền cho tôi một hai đồng đi “cúp tóc” hàng tháng mà phải cạo tróc lóc cái đầu như một quả dừa khô. Vậy thì lấy tiền đâu mà mẹ tôi mua nổi cái nón cối trắng, ít ra cũng vài ba chục bạc, trông có vẻ sang trọng giữa đám bạn bè đội nón lá rách hay cùng lắm là cái mũ lác, dù gia cảnh nhiều thằng trong bọn chúng khá giả hơn nhiều?

Ông nội tôi chết sớm, chết lúc Ba tôi được 7 tuổi và Cô thứ hai của tôi vừa được 7 ngày, để lại cho bà nội 3, 4 mảnh đất khô với vài sào ruộng. Đất chủ yếu để trồng bắp đậu hay khoai sắn. Còn một vài sào ruộng thì chỉ cấy vụ đông xuân, còn lại là bỏ hoang. Không trâu bò để cày bừa, bà nội, mà chúng tôi gọi là Mệ, toàn cho người ta làm rẽ rồi xách thúng đi làm Xáo. Làm Xáo là đi mua lúa của nông dân quanh vùng đem về xay giã thành gạo rồi mang ra chợ bán, lấy lời một ít, nhưng chủ yếu là lấy tấm cám nuôi heo. Nghề làm Xáo thì cực lắm, phải tất tả ngược xuôi, chạy từ đông sang tây, từ nam lên bắc mới có đủ lúa đem về xay. Nhưng nhờ vậy mà Mệ có thể nuôi nổi 3 đứa con thơ, còn cho Ba tôi ăn học.

Nghĩ đến cái cảnh mẹ góa con côi của Mệ ngày ấy, tôi quả thật thán phục, thán phục hơn cả bà Tú Xương “nuôi đủ 5 con với một chồng”. Bởi dù sao thì bà Tú còn có chồng, tuy phải nuôi thêm một miệng ăn, nhưng ít ra ông cũng có thể giúp đỡ cho bà chút việc nhà, như giữ trẻ chẳng hạn.
Ba tôi đậu bằng Primaire. Tôi viết nguyên chữ Pháp chỉ để nói rằng dù chỉ là bằng Tiểu học nhưng cái bằng này hồi ấy lớn lắm, nhất là ở quê tôi. Cả tổng (bằng năm bảy xã sau này) không có nổi một người. Rồi Ba tôi còn thi đậu “cọng cua” để vào lớp đệ-nhất-niên trường Quốc học Huế (đệ thất sau này). Tuy không phải nộp học phí nhưng bao nhiêu là xa xôi cách trở, tiền xe đò, tiền sách vở, tiền tiêu pha, nơi ăn chốn ở nơi kinh thành đắt đỏ. Rồi không biết có chơi bời em út hay ngủ đò ngủ điếc gì nữa thì tôi không dám lạm bàn e rằng mang tội phạm thượng, bởi lúc vào trường ba tôi đã hơn 20 tuổi vì thời nhỏ ông còn được cho đi học chữ Hán.

Thời gian đó, mệ tôi đã phải bán dần hết mọi ruộng đất có được để trang trải chi phí cho việc học của ông. Bốn năm trời đăng đẳng cho một người đàn bà góa. Không người giúp đỡ, vì cả làng ai cũng nghèo, chỉ hơn nhau chút xíu; không ai khuyến khích mà còn bị dè bỉu chê bai cho là con mụ điên. Vì có ai ở trong vùng đi học ở Huế đâu. Sao không dùng cái bằng Primaire ấy xin làm trợ giáo để mẹ con có đời sống thoải mái? Mệ đã phải chịu đựng mọi đắng cay, mọi khổ cực, mọi đàm tiếu. Hy sinh tất cả vì con, vì tương lai hạnh phúc của con, chỉ mong cho con mình thành ông nọ bà kia, hay nếu may mắn hơn, có thể trở thành ông phủ ông huyện. Rồi cuộc đời của mệ cũng sẽ được sung sướng. Rồi tiếng thơm của người đàn bà góa bụa nuôi con nên người sẽ lan truyền không chỉ trong làng trong xóm, mà còn lên tổng lên phủ, thậm chí lên tỉnh. Vậy mới thỏa mãn lòng mong mỏi thầm kín mà mệ không dám bộc lộ với ai.
Nhưng sự đời không suôn sẻ như ý muốn của mệ. Cái bằng Diplome, không chỉ là cái cần câu cơm mà còn câu cả danh vọng như ngày xưa ông Lã Vọng ngồi câu cá bên giòng sông Vị ấy, ba tôi đã không bao giờ có được. Thi lấy bằng diplome 4 năm liền, mỗi năm hai kỳ, ba tôi đều không đỗ. Người ta nói “đệ nhất buồn là cái hỏng thi” thì nỗi buồn đó ba tôi chịu đựng một, bà nội tôi phải chịu đến 2, 3 lần. Tôi không biết sự thất vọng của mệ lớn lao đến dường nào nhưng chắc rồi cả mệ cả ba đều lấy câu “học tài thi phận” mà an ủi.

Tiếng lành đồn xa, nhờ vào 4 năm học Quốc học Huế, ba tôi nổi tiếng cả môt vùng là học trò nghèo học giỏi. Sự nổi tiếng này lan xuống đến tận làng Tài Lương thuộc phủ Triệu Phong nên khi có người bà con làm mai mối là ông ngoại tôi, ông Tú Dự, thuộc một đại gia đình gia thế, đã bằng lòng gả mẹ cho ba tôi. Trong cái gia đình gia thế đó, ai cũng đi làm việc nhà nước, chỉ có ông ngoại tôi, sau khi thi hỏng ba kỳ ở trường thi Hương, thua ông Tú Xương có một kỳ, trở về làm ruộng, và trở thành giàu có. Có thể coi như một địa chủ.
Người em út của ông ngoại không biết làm chức gì trong triều đình Huế, chỉ nghe mẹ tôi khi thì kêu là chú Thị, khi thì gọi là chú Nghè. Dù chức phận gì thì sau 1945, cũng bị mất việc. Ông về hưu trí tại thị xã Quảng Trị ngay đầu đường mà sau này khi nước nhà độc lập, chính quyền đặt tên là đường Quang Trung. Do sự thuận tiện nên mỗi khi đi chợ, mẹ tôi đều ghé vào thăm ông, nói chuyện và đôi khi còn ở lại ăn trưa.
Cái mũ cối trắng mà tôi đang đội đi học vào những ngày khó quên đó chính là cái mũ cũ đã dùng của ông Thị mà mẹ đã xin đem về cho tôi. Mẹ phải mua một gói bột phấn trắng và dùng cả buổi chiều để sơn lại nên trông có vẻ mới. Đội vào trông oai ra phết, chẳng khác nào mấy ông cảnh sát hồi đó gác ở bốt Long Hưng, mà tôi bị mê hoặc bởi cái màu trắng toát ra từ bộ đồng phục của họ, từ trên xuống dưới. Bởi vậy, tôi không những thích nó mà trong thâm tâm còn hãnh diện nữa khi mang được trên người một phần của những ông cảnh sát oai vệ kia.
Cái sự yêu thích màu trắng cuả cái mũ cối ấy bắt đầu từ ngày còn thơ dại. Khi ấy, độ hai ba tuổi, cái mũ cối trắng đầu tiên cũng của ông Thị cho, tôi đã gần như bị mê sảng với nó. Đi đâu cũng đội, thậm chí cả khi ở trong nhà. Lúc ngủ tôi cũng để nó ở bên mình như sợ bị mất cắp. Và chuyện gì cũng phải đến khi nó đã quá cũ, bị rách hết vành chỉ còn trơ lại cái chỏm tròn ở giữa trông như cái nồi nhỏ úp trên đầu, tôi vẫn đội nó và giữ gìn như của gia bảo. Mẹ tôi đã nhiều lần bảo tôi vất đi, nhưng tôi nhất định không chịu, lại còn nằm vạ nữa. Đến lúc bực quá, mẹ tôi phải dùng đến cây roi dâu, đánh cho tôi ba roi đau quắn đít.
Vào buổi chiều thứ bảy ấy, và trên đoạn đường quốc lộ quen thuộc ấy, thằng Võ Lượng, tuy là học sinh mới vào nhưng lại học giỏi nhứt lớp, lên tiếng đầu tiên, khơi mào “cuộc chiến tranh”:
-Thằng Đào Dân đội cái mũ cối trắng oai quá bây!!!
Hắn vừa nói vừa cười. Tôi chưa kịp suy nghĩ là hắn có ý trêu chọc hay không thì thằng Võ Đàn đã chêm vào:
- Oai chi mà oai, hắn đội cái nồi chớ có phải mũ miếc chi mô.
Nói xong hắn chạy nhanh đến, nắm lấy cái mũ của tôi và xoay một vòng. Vì cái mũ quá rộng nằm trên cái đầu trọc lóc của tôi, nó xoay tròn đến vòng thứ hai nếu tôi không nhanh tay giữ lại. Hắn bồi thêm:
- Chộ (thấy) chưa, cái nồi úp côi (trên) cái gáo dừa.
Thằng Nguyễn Hà đổ thêm dầu vào lửa:
- Không phải cái nồi mô bây, cái “tréc” đó (cái chảo bằng đất nung để rang hay để kho thức ăn, mỏng, nhẹ, ít giá trị hơn cái nồi).
Đến bây giờ thì tôi nóng mặt:
- C., Tau đội cái chi thì kệ cha tau, mắc mớ chi bây mà xía vô.
Bỗng thằng Nguyễn Đức la lên:
- Thằng Đào Dậu hắn chửi bây ơi.
Hai thằng Lượng và Đàn nghe cái tên Đào Dậu lần đầu tiên, ngạc nhiên và khoái chí nên reo lên như một phát giác kỳ lạ: Đào Dậu, khả khả khả…, Đào Dậu, khả khả khả, hắn là Đào Dậu hả ? Hắn còn bồi thêm:
- Dậu có phải là cái L. heo không bây?
Thế là cả bọn nhao nhao:
- Đào Dậu, L. heo, Đào Dậu, L. heo, Đào Dậu, L. heo…
Cả hai chục cái miệng là một dàn đồng ca gào lên giữa buổi trưa làm những con chó trong xóm Dẹt giật mình cùng sủa lên một lượt.
Bây giờ thì nỗi tức giận của tôi không biết để vào đâu nên tôi chửi toáng lên, bất kể trời đất:
- Tổ cha bây, tổ mạ bây. Mắc mớ chi mà gây tau. Cao tằng cố tổ bây. Tụi bây có động mồ động mả chi mà chọc tau.
Tôi càng chửi, tụi nó càng gào to, những tiếng dậu, dậu, dậu, dậu, dậu,… vang lên bên tai như những lời nhục mạ làm tôi không còn bình tĩnh . Lý trí đã bay đâu mất. Nỗi sợ hãi cũng không còn. Tất cả những lời tục tĩu cuối cùng mà tôi có được tôi đều phun ra cho thỏa mãn nỗi căm hờn:
- C. tau đây này. C. tau đây này, thằng mô bú C. tao thì bú đi. Đồ chó lùm. Tụi bây là đồ chó lùm.
- Thằng Dân bảo mình bú C. hắn đó bây. Tới bú hè.
Thế là cả bọn, tôi không biết là ai với ai, hùa vào đánh tôi. Đứa thì đá, đứa thì đấm, đứa thì bạt tai. Chúng vừa đánh vừa nói: Bú này, bú này… Dường như tôi trở thành cái bị thịt cho chúng tập võ. Nhưng tôi không bỏ chạy... Tôi cứ ôm lấy hai quyển vở và cố bảo vệ cho cái mũ yêu quý của tôi khỏi bị hư hỏng hay trầy sướt. Dường như tôi quên cả nỗi đau đớn của thân mình. Chúng càng đánh, tôi càng chửi dữ, không bỏ sót một cách chửi nào mà tôi biết qua kinh nghiệm của mấy năm nghe ngóng xóm giềng chửi nhau. Chúng đánh đến say máu mà tôi chửi cũng say máu nên bất kể thời gian. Cuối cùng, có lẽ thấy tội nghiệp hay sao đó mà thằng Bùi Từ, lớn tuổi nhất, nói như ra lệnh:
- Thôi, tha cho hắn đi tụi bây. Đập hoài mỏi tay.
Có lẽ cũng mỏi tay thật nên cả bọn ngưng lại. Bấy giờ tôi cảm thấy mừng như được thoát án tử hình nhưng vì tự ái, tôi vẫn cố vớt lại một câu:
- Đập thì đập chứ tau không sợ bây mô.
Thế rồi tôi cố đi nhanh về để tránh xa bọn chúng, vừa đi vừa rủa thầm : “C. tau, tổ cha tụi bây, bây đập tau chẳng bằng bây đập cha bây! ”, trong khi chúng râm ran kể lể thành tích của chúng trong cuộc chiến vừa qua.
Sau buổi bị đánh hội đồng đó, tôi không còn chơi với bọn bạn bè ấy nữa. Mỗi lần đi học hay đi về, tôi lủi thủi một mình, cố đi trước hoặc đi sau. Nếu tình cờ chạm mặt, tôi cúi đầu, không thèm nhìn vào những cái bản mặt đáng ghét ấy dù đôi khi thằng Thành hay thằng Danh cũng lân la đến hỏi chuyện, muốn làm thân. Tôi không cần phân biệt thằng nào đánh nhiều, thằng nào đánh ít, hay có thằng chỉ hò hét ăn theo. Tất cả đều là một duộc vì có ai bênh cho tôi được một lời công đạo vào lúc tôi đau đớn nhất? Nỗi uất hận ấy vẫn còn tươi mới trong tôi và kéo dài cho đến cuối năm học.
Nhưng rồi thời gian cũng làm cho nó biến mất, nhất là sau khi tôi đã là học sinh Nguyễn Hoàng, kiêu hãnh trong bộ đồng phục trắng trong khi không ít thằng đánh tôi bây giờ đã phải ở nhà chăn trâu hay cuốc ruộng. Đứa nào may mắn con nhà khá giả thì vào học trường tư, Bồ Đề hay Thánh Tâm. Dù có đứa cũng vô Nguyễn Hoàng nhưng ít khi trùng giờ trùng lớp, nên trên con đường ngày xưa ấy, một mình tôi hiên ngang bước nhịp đều mỗi ngày đến lớp học, dù có dài ra thêm hai cây số nữa. Cái tên Dậu xấu xí ấy không còn ai nhắc đến nữa. Tôi đã thoát nạn.

Và từ đó, tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên và oai phong không thua gì mấy ông cảnh sát đứng gác nơi cái bốt ngày xưa mà hiện nay hàng ngày tôi phải đi qua với cái mũ cối trắng trên đầu cho đến khi nó biến mất khỏi các cửa hiệu. Cái mũ phớt ni-lon nhẹ nhàng và tân thời vĩnh viễn loại cái mũ cối trắng khỏi đầu óc non nớt của tôi, cũng như nó đã vĩnh viễn bị loại khỏi xã hội.

Thời gian trôi qua và câu chuyện tưởng đã trở thành dĩ vãng, nhưng vết sẹo tâm hồn vẫn hiện diện đâu đó trong ký ức. Hôm nay đôi khi có người bạn nào đó lên tiếng gọi: Ê, Đào Dậu, tôi trả lời : Dậu đây!, và rồi cảm thấy vui vui trong lòng vì ít ra mình vẫn còn một chút hiện hữu nào đó trong lòng họ. Như câu nói của thầy Ngân dạy Pháp văn trả lời Nguyễn thị Bạch Thảo năm học đệ nhị B3: “Mười hay mười lăm năm nữa, trò sẽ thấy hành động của trò Đoàn Mãn hôm nay có giá trị như thế nào” khi Thảo lên thưa thầy về cái cặp sách do Mãn quăng trúng đầu vì Mãn cùng đám học trò phía sau đùa nhau. Thế thì cái tên Dậu của tôi cũng đáng yêu biết bao nhiêu, phải không các bạn?!

Đáng lẽ câu chuyện về cái tên của tôi đến đây kết thúc, nhưng cách đây mấy ngày, qua mạng Facebook, tôi liên lạc được với Ngô mậu Hùng, một thằng bạn ngồi cùng bàn hồi học Đệ Lục I, đẹp trai, tuy nhỏ con, và khi nói thì cái miệng chúm chím như con gái làm duyên, đã email cho tôi như vầy:

“Đào Dân ơi, mi có còn nhớ chút nào về tau không hè. Còn mi có phải là thằng "Đào Giếng" ngày xưa ? Cho tau ít dòng nếu đã nhớ ra.”

A, té ra mình còn một cái tên khác : Đào Giếng. Ký ức bỗng hiện về, vui có, buồn có, nhưng đều mang nét đáng yêu của tuổi học trò. Cùng đi với chúng là những cái tên mà đám bạn học ghép vào từ cái họ Đào của tôi: Đào Giếng, Đào Mỏ, Đào Mã, Đào Nghẹc…cùng bao nhiêu là thứ Đào khác mà họ có thể tìm ra để chọc ghẹo. Nhưng chẳng hề chi. Con người đến một lúc nào đó phải trưởng thành, và tự mình có thể tìm kiếm đường đi cho mình mà tồn tại để đạt được chút hạnh phúc nhỏ nhoi nào đó dù phải trải qua nhiều hệ lụy của cuộc đời.

                                        Đào Dân
                             Ngày 9 tháng 10 năm 2014

No comments: