Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 15, 2018

DƯỚI CÁNH BAY ĐÊM - Bút ký - Chế Cẩm Đình


Tác giả Chế Cẩm Đình (phải) 

DƯỚI CÁNH BAY ĐÊM
Bút ký
CHẾ CẨM ĐÌNH

Người Ê Đê sống bên bờ sông
Người Mơ Nông ở bên bờ suối
(st)

Tôi lại phải rời Ban Mê về Sài Gòn sau mấy ngày lặn lội khắp vùng đất yêu thương ấy. Dưới cánh bay đêm xa kia lập lòe những đốm sáng của ánh đèn điện đã vào tận mỗi buôn làng, ngồi trên cao nhìn xuống tôi hãy còn sững sờ tiếc nuối. Là vì, chỉ được có ba ngày ngắn ngủi, dù đã ngược xuôi khắp nơi từ Quỳnh Ngọc đến Kim Châu thuộc huyện mới Cư Quin, từ Eaka lên Krong Pak, lại Krong Ana sang Buôn Hồ, rồi đi Ea H'leo, đi qua Pandrang, băng về Ea Sup, mà còn chưa thỏa lòng trầm mình trong từng cơn gió đại ngàn thổi rạt rào hơi man mát, báo hiệu những ngày nắng trơ gốc cà của mùa khô sắp sửa đi qua.

Rừng cao su lấp lánh hằng sa số cánh bướm vàng mơ bay dập dờn sau mỗi làn gió thốc nhẹ. Ngang qua rẫy, những chú ong rằn nâu bằng ngón tay út giật lên giật xuống trên mấy tàng hoa nở muộn của chọm cây chôm chôm rừng. Màu trời vẫn xanh ngăn ngắt trên vài vạt rừng già còn sót lại, nhưng đã loáng thoáng xuất hiện những bồng mây trắng trôi có vẻ vội vàng, như để kịp kéo hơi nước lên làm mưa cuối tiết tháng tư.

Mùa này, bơ sắp vào vụ hái. Bơ sáp, bơ lóng, rồi cả bơ ghép, bơ lai được trồng khắp nơi thi nhau dậy mùa, từng quả từng quả sai dày lúc lĩu trên cành, chờ đôi tuần nữa sẽ được hái xuống gùi từng gùi đóng xe gửi về xuôi. Kèm đó, những sọt mít ken đầy như nhốt đàn lợn choai béo ú, thêm những gùi mãng cầu gai với sầu riêng chớm vụ cũng đóng khạp theo về.

Qua buôn Ê Đê, gặp anh Eniek, nghe nói tiếng chào "Hưn kơ găp thâo, anei lĕ ama kâo". Gặp chị H’Maryam Niê giơ cả chùm ngón tay dạy tôi học đếm "sa, duo, clo, pak, ma, năm, chuc" mới biết ngày xưa người Ê Đê chỉ dùng hệ số thất phân, nên đến số tám nói lặp lại là  "sa păn", rồi số chín là "duo păn" và số mười là "pluk".

Cũng lần hồi tìm người M'nông tận Dakmâm giữa núi rừng Krongno, họ ở lẫn người Kinh với người Ê Đê một cách hòa thuận. Tuy vậy, họ vẫn giữ riêng bản sắc và tiếng nói gốc Khơ Me của mình, chứ không nói tiếng Nam Đảo như tôi vẫn tưởng. Nghe nói dưới Đak Min, Dak Song còn có nhiều buôn M'nông sinh sống hơn, chắc bận sau phải lần qua thăm cho thỏa lòng khám phá. Còn phải ghé qua Nam Nung, Nam Dong thăm bản người Tày, người Nùng, chắp tay nói "sabaidee" với các "noọng ngam" vận y phục có diềm ngũ sắc rất đẹp để làm quen. Ánh đèn dưới xa kia chắc hắt lên từ các ngôi nhà sàn trong bản Thái, mạn từ Krong Pak đổ qua tận đường dây 500kv trên đường ra Cư Jut. Những bà con người Thái tận ngoài Thanh, Tuyên chuyển vào từ năm tám mấy, nay vẫn còn đếm "nừng, xóng, xám" để tính tiền với khách mua cà, mua ngô. Ở đó, lại có cả làng người Vân Kiều, di cư từ phía Tây Quảng Trị tới ở đây tự lâu lắm rồi, tận hồi trước bảy lăm, mà không biết có còn giữ tục đi sim của con trai con gái tuổi dậy thì hò hẹn cùng nhau ngoài rừng cả đêm để tự tình.

Vạch màn đêm từ trên cao, thật khó đoán định được phương hướng, chừng tôi có thể đoán sai nơi, thì cũng không sao cả, bởi bạt ngàn bên dưới đâu đâu cũng có đồng bào tôi sinh sống. Nên có khi đó là bản người Lào ở buôn Đôn, có "phù nhin", "phù xao" đang tắm cho voi dưới làn suối mát sau một ngày cùng nhau lao động nhọc nhằn kiếm sống. Biết chừng, đó là những làng người Raglai bên ngọn Phượng Hoàng cánh M'drak đổ về Dục Mỹ thuộc Khánh Hòa. Nơi đó đang có những sơn nữ ngồi xem các chàng trai của mình đang tụ tập học chơi đàn Chapi từ các già làng để tiếp nối việc giữ hồn đại ngàn. Tôi tự nghe trong thâm tưởng mình từng tiếng nhạc trầm đục vang lên từ những sợi dây đàn Chapi bằng cật tre khi khảy, mà bất giác thì thầm lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến "khi rung lên, từng sợi dây, đàn đã đong đầy, hồn người Raglai..."

6/2016
Chế Cẩm Đình


No comments: