Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 22, 2018

CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH - La Thụy


        

CẢM NHẬN VỀ VÀI ĐỊA DANH Ở VÙNG ĐẤT LA GI (BÌNH THUẬN) KHI ĐỌC TẬP SƯU KHẢO "LA GI ĐẤT XƯA..." CỦA PHAN CHÍNH 

Nhận tập sách “Lagi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” do anh Phan Chính tặng, tôi thật vui khi có món quà quý giá này. Nếu nơi chôn nhau cắt rốn chính là quê hương, thì La Gi là quê hương yêu dấu của vợ và các con của tôi. Riêng với tôi, La Gi là quê hương thứ hai, hơn nửa đời tôi đã dạy học, sinh sống và nghỉ hưu tại đây.  Đọc tập sưu khảo địa danh “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, chúng tôi biết rõ thêm và yêu hơn mảnh đất quê hương La Gi thân thương này.
Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” gồm 28 bài viết mà anh Phan Chính đã tập hợp từ các bài viết đã đăng rải rác trên các tạp chí Xưa – Nay (của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), báo Bình Thuận, Tạp chí Văn Nghệ tỉnh Bình Thuận. Tập sưu khảo này là tư liệu quý giá góp phần vào yêu cầu nghiên cứu địa phương.

Cuốn sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” đã cho ta biết lai lịch của một vùng đất tụ nghĩa, địa hình thiên nhiên, khí hậu, thủy văn, tài nguyên thiên nhiên và địa bàn hành chính từ lúc sơ khai đến nay. Đọc tập sưu khảo chúng ta tìm về cội nguồn: dấu xưa trên ngảnh Tam Tân, lý lộ và dịch trạm ngày xưa. Đọc tập sưu khảo này chúng ta hiểu thêm về đặc trưng tính cách con người La Gi, chúng ta càng thích thú khi thưởng ngoạn các di tích thắng cảnh như Đập Đá Dựng, Hòn Bà, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, di tích Dốc Ông Bằng, các hoạt động văn hóa giáo dục như trường lớp ngày xưa, báo chí tỉnh lẻ trước năm 975, chuyện xưa mùa lễ hội…
Tập sưu khảo mang tựa đề “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, – Diện Hải Bối Lâm là cụm từ được anh Phan Chính trích từ câu đối của các cựu quan thời Nguyễn để lại, qua lời truyền khẩu của các bậc cao niên địa phương :
“La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, sa bà thế giới, nông trang khả đạt
Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh hậu Nguyễn, thảo muội kinh doanh, công nghiệp dĩ thành”.

Dịch ý:
La Di đất đồng bằng, mặt giáp biển, lưng tựa rừng, thế giới sa bà, nghề nông có thể được
Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, khai khẩn lúc còn hoang vu, sự nghiệp thành công.

Để ấn hành tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, chắc hẳn anh Phan Chính đã dày công sưu tầm tài liệu, tham khảo qua nhiều nguồn, như tìm đọc các văn bản xưa nay, xem các câu đối, nghe văn chương truyền khẩu, truyền thuyết, và đi thực tế tìm gặp các bậc cao niên thức giả gốc người địa phương để trò chuyện, để tích lũy kiến văn. Đọc, chọn lọc và dành nhiều tâm huyết để viết, anh Phan Chính đã cho ra mắt tập sưu khảo. Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” thật cần thiết, không những cho riêng người dân La Gi, mà còn góp phần cho kho tư liệu địa phương tỉnh Bình Thuận và cho giới học thuật nước ta khi biên khảo, tìm hiểu về La Gi.
(Chẳng hạn: Ông Nguyễn Khôi, 79 tuổi, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam (1990-2000), ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (khóa 2), sau khi ông Nguyễn Khôi đọc bài “Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi” (bài thứ hai trong tập sưu khảo) do tôi gõ phím post lên facebook chia sẻ với bạn bè, ông Nguyễn Khôi đã gởi email nhờ tôi liên hệ với anh Phan Chính để hỏi xem có một quyển để đọc và tham khảo, dù chỉ là quyển sáchphotocopy).
Đọc tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi thật tâm đắc với kiến giải của anh Phan Chính:
La Gi là một địa danh khá lạ từ cách viết, cách đọc. Trong Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882, và trước đó trong châu bản  “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877, đã từng đề cập đến địa danh La Di, ghi theo biểu tra chữ Hán thì chữ La nghĩa là lưới, Di là nước nhỏ. Chữ Di  trong chữ Hán này viết theo chữ quốc ngữ hiện hành là Di (Dê I di)… Từ La Di cũng không thể là từ Hán Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc… Với nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu)
Trong bản đồ hành chính thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Thuận trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ ”. Trong quá trình cộng hưởng ngôn ngữ với người dân bản địa đã được Việt hóa trở thành ngữ âm địa phương, rồi ghi chép lên bản đồ hoặc có phần do người dịch để phục vụ cho yêu cầu hành chánh đã làm sai lệch nguyên ngữ… Đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh.. Có thể coi địa danh La Di với La (ngữ âm người Chăm) với thành tố của Di (chữ Hán), về mặt ngữ âm La kết hợp với ngữ nghĩa Di tưởng chừng vô lý nhưng thực tế có nhiều địa danh đã hình thành từ trường hợp đó. Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên.(tr. 16 – 22).
Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến cách phát âm có khác nhau. Với dân bản xứ hoặc đã sống lâu năm ở đây đã quen đọc La Gi là "la di" hoặc /la zi/. Nhưng, với người ở xa đến, kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương đọc địa danh La Gi là “la-ghi”…
“La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, là tập sưu khảo, địa danh, vì vậy tôi xin mạn phép được bàn qua địa danh La Gi. Theo thiển ý của riêng tôi, Tiếng Việt hiện hành đang sử dụng mẫu tự La tinh để ghi. Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U, Ư đọc là “gờ”, các cô giáo lớp 1 khi dạy cho học sinh thì hướng dẫn là “Gờ đơn” để phân biệt với “Gờ kép” được viết bằng 2 con chữ GH (GHI đọc là "ghi"). Nếu chữ G trước nguyên âm I thì đọc là /Zi/ như gió, giếng, giun, giẻ, già… Như vậy, La Gi đọc là /la zi/. Nếu thêm dấu huyền vào hai tiếng LA GI thành LÀ GÌ  (la huyền là, gì huyền gì) LÀ GÌ đọc "là gì" có ai đọc "là ghì" đâu !
"Về chữ viết từ La Di thành Lagi có từ khi Pháp đô hộ cầm quyền, căn cứ vào ngữ âm, chữ Hán Nôm ghi trên bản đồ triều Nguyễn và được phiên âm để dùng làm địa danh hành chánh." (Phan Chính)

Người Pháp đọc chữ D thành Đ (đê), nếu ghi thành LA DI theo mẫu tự La Tinh, thì người Pháp sẽ đọc là "la đi" 
Vì vậy, người Pháp đã căn cứ theo âm Hán Việt LA DI để viết thành Lagi  đọc theo tiếng Pháp, cho gần sát với âm bản ngữ địa phương /la zi/ hoặc /laji/. Trong tiếng Việt, Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm E, Ê, I  mà đọc là “gờ” thì phải được viết bằng 2 con chữ GH mà các giáo viên dạy hs lớp 1 gọi là “Gờ kép”. Tiếng Pháp cũng được ghi bằng mẫu tự La Tinh. Tương tự như cách ghi âm tiếng Việt, chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, O, U đọc là “gờ”, nhưng chữ G đứng trước các nguyên âm E, I thì  GE đọc là /je/ /jơ/,  GI đọc là /ji/ nghe gần giống /ze/, /zơ/, /zi/, chẳng hạn: áo gilet đọc là /ji lê/; gène /jen/, nhưng khi đọc là “gờ” thì trong tiếng Pháp, chữ G ghép với chữ U, tương tự như trong Việt chữ G ghép với chữ H chẳng hạn: Guillaume Apollinaire đọc là "ghi zôm", la guerre (chiến tranh)  "la ghe"
Xin nói thêm, về việc người Pháp ghi trên bản đồ hành chính thời Pháp thuộc cho gần sát với âm bản ngữ địa phương. Địa danh Kê Gà họ ghi là Kéga. Chữ é người Pháp đọc là ê, nhưng nhiều người kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương không rành tiếng Pháp đọc là ké ga. Kéga đọc theo tiếng Pháp với âm ngang ngang là "kê ga", nếu đọc lên bổng xuống trầm, nhấn giọng ở ké, hạ giọng ở tiếng “ga” thì Kéga đọc gần như Kê Gà trong tiếng Việt.
 Đọc những bài “Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại”, “Chuyện xưa mùa lễ hội”, “Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà” trong tập sưu khảo “LaGi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi bỗng thích thú nghĩ đến những cụm từ ngồ ngộ “La Gi là gì” “La Gi, ly gia” và nảy sinh một tứ thơ vui, mượn lời du khách phương xa đến La Gi thắc mắc về những địa danh  thật lạ lùng với họ:

     LA GI

    Chưa đi chưa biết La Gi
    Đi rồi cứ hỏi là gì hở em?

    Rùa kia mu cứng hay mềm
    Hòn Bà sao lại là tên đảo rùa?
    Núi Ông chẳng lẽ chào thua
    Ly gia chẳng được phân bua một lời
    Kê Gà đèn biển chọc trời
    Đề huề Hán Việt cùng ngồi cạnh nhau
    Tiếng KÊ tên gọi của Tàu
    Còn GÀ tên Việt... chụm đầu giao duyên!!!
    Tới đây lạ nước lạ miền
    Nghe danh Thầy Thím hiển linh cứu đời
    Xin cho được hỏi ít lời
    THẦY nam THÍM nữ ? Ngát trời khói hương

Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” của tác giả Phan Chính là một tập sách hay, với những tư liệu quý giá góp phần vào yêu cầu nghiên cứu địa phương. Người La Gi nếu ai cũng có quyển sách trong tay thì hữu ích vô cùng.

                                                      LA THỤY
                                                  La gi, 8/12/2017

3 comments:

Văn Nghệ QT said...


Những đoạn clips quảng cáo nước tương Maggi rất phổ biến trên truyền hình, đọc từ MAGGI là "ma ghi". Đọc như vậy là đúng hay sai?


https://www.youtube.com/watch?v=5jJ364yZE7M

Bâng Khuâng said...

Nguồn:
https://laodong.vn/xa-hoi/magimaggi-trong-tu-dien-tieng-viet-164534.bld

Cách đọc Maggi là "ma ghi" không đúng trên các clip quảng cáo phổ biến khi xem TV hằng ngày. Mời xem bài viết của PGS TS Phạm Văn Tình
.......

Số là, ngay từ năm 2000, Nestlé (một trong những công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sĩ) đã có một công văn gửi Viện Ngôn ngữ học, đề nghị bỏ mục từ magi (như đã dẫn ở trên) trong “Từ điển tiếng Việt”. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Viện Ngôn ngữ học đáp ứng, với lý do “magi là một từ bình thường trong vốn từ tiếng Việt”.
Công ty Nestlé không đồng ý. Đến năm 2012 họ lại có công văn gửi Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, tiếp tục đề nghị không đưa magi vào “Từ điển tiếng Việt” cũng như “Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư Việt Nam” (mà Viện đang biên soạn), với lập luận magi là cách viết khác của maggi - một nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Nestlé (đặt theo tên của Julius Michael Johannes Maggi - người Thụy Sĩ - nhà sáng lập ra nhãn hiệu này) - đã xuất hiện trên thị trường thế giới và ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, từ năm 1935.

Việc để từ này trong “Từ điển tiếng Việt” là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng tới thương hiệu của Nestlé (vì nhiều công ty khác có thể lấy nhãn hiệu magi đặt cho sản phẩm của họ).
Vậy nên giải quyết vấn đề này như thế nào dưới góc độ ngôn ngữ học?
Việc sản phẩm maggi biến thành mục từ magi có lịch sử khá đặc biệt.
Khi vào thị trường Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, đa số người Việt Nam nhầm lẫn thứ nước chấm Tây phương này với một thứ nước chấm khác (có nguồn gốc từ Trung Quốc) mà ta quen gọi theo tên Hán Việt là xì dầu (hay nước tương theo cách gọi của miền Nam). Thực ra, maggi không chỉ là nhãn hiệu dùng cho nước chấm mà còn ghi trên nhiều sản phẩm khác của Nestlé (viên súp, mì ăn liền, nước xốt, bột gà, hương liệu, gia vị...) nhưng người Việt Nam ta đầu tiên chỉ có cơ hội tiếp xúc với nước chấm maggi.
Do đặc trưng (màu sắc, hương vị, cách dùng...) với xì dầu về cơ bản là giống nhau (và cũng do lúc đó còn ít thông tin) nên đa số dân ta nhầm maggi là một loại “xì dầu hạng sang”. Maggi được dùng hạn chế, tiết kiệm hơn xì dầu (Xì dầu thoải mái dùng đi/ Khi nào khách khứa magi mới xài). Dần dà, maggi - một nhãn hiệu riêng biệt - đã bị “Việt hóa”, “chung hoá” thành từ magi (còn viết là ma-gi, madi, ma-di, ma di...) và trở thành một thành viên bình đẳng như mọi từ Việt toàn dân khác.

Trở lại từ MAGGI. Trong tiếng Việt hiện nay, từ này đã chung hóa cả cách viết (là magi, ma-gi, ma di...), cách đọc (đọc ma di [mazi) chứ không đọc là ma ghi), cách dùng (chỉ một loại nước chấm, cùng dòng với xì dầu, chứ không coi đó là một sản phẩm của hãng Nestlé). Các nhà từ điển chỉ căn cứ vào ngữ liệu sử dụng trong giao tiếp mà thống kê chứ không tùy tiện đặt ra theo ý chí chủ quan của mình (hoặc của ai đó).

Bâng Khuâng said...

Bài viết này tôi đã đăng trên blogspot của tôi.

https://phudoanlagi.blogspot.com/2017/12/cam-nhan-ve-vai-ia-danh-o-vung-at-la-gi.html

Báo Tuổi Trẻ Online mượn ý bài viết này của tôi để trả lời bạn đọc. Không thấy họ liên hệ với tôi hoặc nhắc đến tên tôi hay nêu nguồn (đường link) trích dẫn trong bài viết của họ !!!

TTO - Nhân việc phụ trách chuyên mục giải đáp thắc mắc của các em học sinh trên một tờ báo, chúng tôi có nhận được câu hỏi của một học sinh ở tỉnh Bình Thuận: Thị xã LA GI của em đọc là "la ghi" hay "la di"?

La Gi là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận; đầu năm 2017, La Gi được công nhận là đô thị loại III, đô thị lớn thứ nhì tỉnh Bình Thuận - sau TP Phan Thiết.

Từ chữ viết "La Gi" đã dẫn đến hai cách phát âm khác nhau cùng song hành tồn tại là "la ghi" và "la di", đặc biệt với người ở các vùng miền khác, cũng như nhiều phát thanh viên các đài phát thanh, truyền hình trung ương đều đọc địa danh La Gi là "la ghi".

La Gi đọc đúng là "la di"

Từ Y sang Gi

Hiện nay, một số địa danh bắt đầu bằng yếu tố "yang" (thần, trời) ở các vùng miền núi nói chung trên đất nước ta đã được chuyển thành "gi" trên chữ viết, như cầu Yang Sơn → Giang Sơn (Đắk Lắk), xã Yang Li → Giang Ly (Khánh Hòa), thác Yang Bay → Giang Bay (Khánh Hòa)...
Trên đất nước ta còn một số địa danh khác cũng chứa từ tố "gi" như "cầu Bà Gi" ở An Nhơn (Bình Định), cửa biển Đề Gi ở Phù Cát (Bình Định); nhưng sự lẫn lộn trong phát âm các địa danh này không xảy ra, hầu hết mọi người đều đọc là "cầu bà di", "cửa biển đề di".

Trở lại với địa danh La Gi, về xuất xứ có ý kiến cho rằng xưa kia nó thuộc vùng đất của người Chăm, mang tên là La-dik; dưới thời phong kiến được phiên âm thành La Di, cùng có yếu tố "La" đứng đầu tương tự một số địa danh bản địa khác như La Gàn, La Dạ, La Ngâu, La Ngà...

Đến thời Pháp thuộc, trên bản đồ và trong các văn bản hành chính, vì người Pháp đọc chữ "d" thành "đ" (đê), nếu viết đúng âm Hán Việt "La Di", người Pháp sẽ đọc là "la đi"/la di/ vì vậy họ viết thành La Gi để đọc cho gần đúng với ngữ âm của dân bản địa là "la di"/la zi/ và hình thức địa danh về mặt ký tự được cố định từ đó đến nay.

Còn về mặt ngữ âm, một cách kiểm tra đơn giản nhất là thử thêm hai dấu huyền cho địa danh thành "Là Gì", chắc chắn ai cũng phải đọc là "là dì"/là zì/ chứ chẳng ai đọc "là ghì"/là ɣì/, và khi bỏ dấu huyền đi thì sẽ đọc "la di"/la zi/. Vậy, địa danh La Gi đọc đúng phải là "la di".
(https://tuoitre.vn/la-gi-la-la-di-cu-kuin-la-chu-quynh-20180109090541697.htm)