Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 31, 2018

TRĂNG CỐ NHÂN - Thơ Võ Thạnh Văn





TRĂNG CỐ NHÂN

Có phải trăng mười năm trước
Vể soi tiệc rượu đêm nay
Trăng nầy, trăng xưa bội ước
Về cười thống hận men cay

Có phải trăng xưa yểu mệnh
Lụy tình treo cổ bên song
Trăng nào, trăng xưa bạc hạnh
Hận tình tự vận ven sông

Có phải trăng xưa bội bạc
Về trau chuốt giọng cuồng ngâm
Phụ tình, trăng xưa đài các
Về khoe xiêm áo xênh xang

Có phải trăng thề cổ độ
Về giăng tình võng truy hoan
Trăng nầy, trăng xưa dang dở
Về gieo hương sắc tân toan

Trăng nào, trăng xưa lơ lẳng
Về phơi hạt bụi đa tình
Lỗi hẹn, trăng xưa lãng đãng
Còn gieo duyên dáng nịch nhân

Kênh kiệu, trăng xưa lơi lả
Về dâng lá ngọc cánh vàng
Ngạo nghễ, trăng xưa vương giả
Khuya về xé lụa ngân vang

Lãng mạn, trăng xưa điệu hạnh
Mời người nhập hội uyên ương
Trăng nào điêu ngoa thái thậm
Về bung tóc lả nghê thường

Vuốt mặt đón trăng bầu bạn
Vỗ bàn cười hát nghênh ngang
Tiếp trăng, đeo gươm hào sảng
Đốt thơ pha rượu uống tràn

Tài hoa, thách trăng múa kiếm
Quan hoài, nài trăng thổi tiêu
Cảm khái, ép trăng say lịm
Mềm lòng, trăng khóc cô liêu

Trăng tao nhân, hề, thất chí
Trăng mặc khách, hề, ưu nhiên
Trăng tráng sĩ, hề, phóng khí
Trăng cố nhân, hề, miên miên

                     Phù hư dật sĩ
                 VÕ THẠNH VĂN
                           1985

READ MORE - TRĂNG CỐ NHÂN - Thơ Võ Thạnh Văn

Monday, January 29, 2018

KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN - Phạm Đức Nhì



Phạm Đức Nhì

KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN


Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Trong số này có một số bài mà dù người đọc “bắt” được tứ thơ, biết rằng tác giả có gởi kèm một thông điệp kín nhưng vẫn không mở được cái thông điệp kín ấy. Có người đổ thừa tại áp dụng ẩn dụ không đúng cách.

Tôi xin tóm tắt phép ẩn dụ như sau:

Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia. Ẩn dụ được coi là đúng cách khi cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý hợp tình.

Xin mượn bài thơ Chè Đường để minh họa phép ẩn dụ và bàn cách giải quyết vấn đề khi ẩn dụ quá kín.

CHÈ ĐƯỜNG

Tôi thích chè
chè ngọt
bởi có đường
đường ít
chè không đủ ngọt
không ngon
đường nhiều
ngọt lợ
ăn gắt cổ.

Nấu chè ngon do đó,
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết
bỏ đường cho vừa ngọt

Chè có món có thể bỏ đường kha khá
có món ít đường một chút cũng không sao
nhưng đã là chè thì phải có đường
nấu chè
nếu không bỏ đường
(hoặc tìm cách cho chè có vị ngọt)
thì chè sẽ không còn là chè nữa
mà thành món khác.

(Phạm Đức Nhì)

Người đọc có thể đến bến đỗ của tứ thơ khá dễ dàng: Nấu chè phải bỏ đường.

Trước khi viết bài này tôi có nghe loáng thoáng ở miền Trung có một món chè nghe tên rất lạ: Chè heo quay. Tôi tự nghĩ “heo quay là món mặn, không biết nấu chè heo quay họ có cho đường không? Nếu không thì bài thơ của mình ‘trớt quớt’”. Thế là tôi lại lò mò tìm hỏi và được một cô giáo Đà Nẵng cho câu trả lời:

“Nấu chè heo quay cũng có cho đường. Nhân bánh là thịt heo quay, bọc bột lọc ở ngoài. Nấu đường lên cho vào. Anh từng biết chè bột lọc hay bánh trôi nước rồi thì chè này giống y vậy.”

Như thế là tôi yên tâm; bài thơ không có chỗ hở. Nhưng nếu chỉ muốn nói “Nấu chè phải bỏ đường” thì bỏ công viết bài thơ làm gì cho mệt. Nói khác đi, bài thơ Chè Đường có ẩn dụ - nghĩa là tôi muốn gởi đến người đọc một thông điệp khác.
Nhưng trước khi giải mã ẩn dụ của Chè Đường, mời bạn đọc thăm ẩn dụ trong Sông Lấp.

                       SÔNG LẤP
               Sông xưa rày đã nên đồng
              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
              (Trần Tế Xương)


Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.

Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng hiểu xa hơn, đưa hồn thơ của bạn đến chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

Giải Mã Ẩn Dụ Của “Chè Đường”

Trong Chè Đường người đọc dù “yếu cơ” cách mấy cũng hiểu được tứ thơ: Nấu chè phải cho đường.  Nếu tôi đăng bài thơ với vóc dáng ấy thì vì người đọc đã “bắt” được tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công; đoạn đường sau đó mạnh ai nấy đi, tùy “nội lực” của mỗi người. Có điều tôi biết chắc là – vì ẩn dụ quá kín - rất ít người hiểu được ngụ ý của tác giả.

Muốn người đọc có thể hiểu và chia sẻ cách nhìn nhận vấn đề của mình tác giả phải giúp họ giải mã ẩn dụ của bài thơ (nhưng phải chừa chỗ để họ suy luận, tự tìm ra thông điệp kín chứ không giải thích huỵch toẹt ra). Trong trường hợp này tôi sẽ viết dưới cái tựa Chè Đường mấy chữ  trong ngoặc đơn (vị ngọt của thơ). Đây là gợi ý để những người có hiểu biết về thi pháp sẽ sử dụng óc liên tưởng để đến với thông điệp kín của bài thơ. Số bạn đọc vì lý do nào đó không đến được, xin đọc đoạn giải thích dưới đây.

Giải Thích Thông Điệp Kín Của Bài Thơ

Vần và (hoặc) nhịp điệu - giống như đường trong chè - tạo nên vị ngọt cho thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc.

Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ, ăn gắt cổ, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải – cũng là một tài năng của tác giả – có thể góp phần làm tăng giá trị của bài thơ.

Kết Luận

Sau khi đọc bài thơ, thấy được vai trò của đường trong chè, rồi lại đọc phần giải thích thông điệp kín của bài thơ, thấy được vai trò của vần trong thơ, độc giả chắc cũng có thể tự rút ra kết luận của mình về sự đúng cách (hay không đúng cách) của phép ẩn dụ.

Tạo được một ẩn dụ đúng cách sẽ làm bài thơ sang hơn, sáng giá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu ẩn dụ quá kín (trường hợp Chè Đường) - người đọc “bắt” được tứ thơ mà vẫn không hiểu được ẩn ý của tác giả - tác giả có bổn phận phải gợi ý, để dẫn dắt người đọc đến với thông điệp kín của bài thơ. Nếu không làm điều ấy sẽ uổng phí công sức cùa mình vì bài thơ sẽ được đánh giá là thất bại khi không có sự giao cảm với người đọc.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com


READ MORE - KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN - Phạm Đức Nhì

CÔ NGUYỄN THỊ THANH, GIÁO SƯ DẠY PHÁP VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Đoàn Đức


                   

  CÔ NGUYỄN THỊ THANH, GIÁO SƯ DẠY PHÁP VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ

Cô Nguyễn Thị Thanh
Dạy Pháp Văn sinh ngữ 2 Đệ Tam C (Lớp 10) và Đệ Nhị C (Lớp 11) - Hai niên khóa 1964 - 1966

Lên Đệ Nhị Cấp, cô Thanh là người tôi rất quý mến, gia đình cô ở Thạch Hãn, quận Mai Lĩnh cùng làng với tôi. Chính nhờ cô mà tôi thích tiếng Pháp, rồi say mê văn chương cùng các trào lưu văn học Pháp từ lãng mạn, siêu thực, tương trưng cho đến hiện sinh. Tuổi thơ Đệ Nhị Cấp tôi miệt mài với các tác phẩm Lettres De Mon Moulin (Lá Thư Hè) của Alphonse Daudet, La Porte Étroite (Khung Cửa Hẹp) La Symphonie Pastorale (Hòa Âm Điền Dã) của André Gide, Bonjour Tristesse (Buồn Ơi Chào Mi), Aimez Vous Brahms (Cô thích nhạc Brahms ?) của Francoise Sagan và Le Malentendu (Ngộ Nhận)Le Vent à Djémila (Gió về Djémila), Le Mythe De Sisyphe(Huyền Thoại Sisyphe) của Albert Camus… là từ sự hướng dẫn dạy dỗ, khơi gợi của nhiều thầy cô, trong đó cô là người chủ yếu.

Lần đầu tiên học tiếng Pháp chúng tôi rất thích. Lớp Tam C lại chia hai, một nửa học Pháp văn sinh ngữ chính, một nửa học Anh văn sinh ngữ chính. Giờ đầu tiên cô vào lớp, học trò xì xào ngưỡng mộ vì cô đẹp, dáng vẻ thanh nhã nghiêm trang nhưng hiền dịu với nụ cười nhẹ, phảng phất giống hình ảnh các nữ tu trong giáo đường, vì cô là người Thiên Chúa giáo. Cô đọc tiếng Pháp theo một âm hưởng khác với các thầy Pháp văn cũ hay anh ruột của tôi, nghĩa là có bài bản theo phiên âm quốc tế tiếng Pháp. Cô dạy cuốn Cours De Langue et De Civilisation Françaises của Mauger.

Vì cô hiền, trẻ và đẹp nên chúng tôi cố tìm cách hợp lý để chọc. Một hôm đến giờ chia động từ nhóm 1 (Premier Groupe) tận cùng bằng er. Cô biểu dở cuốn L’art de Conjuguer và cho hai động từ để chia trên bảng là Chanter và Aimer. Cô còn dạy cách viết và đọc khi chia động từ ở các ngôi, đặc biệt cần lưu ý đối với các động từ bắt đầu bằng một nguyên âm.
Tập đọc xong, tôi đố bạn Đỗ Tư Nghĩa dám nói: “Em yêu cô” không? Nghĩa tinh quái trả lời “Được” và đưa tay đứng lên xin hỏi: “Thưa cô, Je t’aime!” Cô xuỵt phẩy tay bảo ngồi xuống. Nghĩa nói “Em chưa hỏi xong mà!” Cô gật đầu cho phép, Nghĩa lại nói: “Thưa cô, Je vous aime!” Cả lớp cười lớn và cô xuỵt một tiếng nữa và bảo ngồi xuống, nhưng Nghĩa cứ đứng và tiếp tục nói một hơi : “Thưa cô, Je t’aime và Je vous aime khác nhau thế nào?” Cô lúc nầy hiểu ý tinh quái của Nghĩa là theo gió bẻ măng nên cười trả lời: “Je vous aime là khi nói với ông bà, cha mẹ, thầy cô, là kính ngữ. Còn Je t’aime là khi nói với con cháu hay em bé nhỏ tuổi”

Lần khác, cô giảng về Verbe Pronominal. Cô nói có 4 loại :
1. Verbe Pronominal Rèfléchi (Động từ tự phản tái quy) như Se laver ví dụ: Je me lave (Tôi rửa mặt).
2. Verbe Pronominal Réciproque (Động từ tự phản hổ tương). Ví dụ: Jean et Jacques s’aiment (Jean và Jacques yêu nhau).
3. Verbe Essentiellement Pronominal (Động từ tự phản thuần túy) như Se moquer de. Ví dụ : Je me moque de vous (Tôi chế nhạo anh)
4 .Verbe Pronominal de Sens Passif (Động từ tự phản thụ động) Ví dụ: Cette page se lit vite (Trang nầy đọc mau).

Cấu trúc nầy khác với cấu trúc động từ tiếng Anh, nên chúng tôi không hiểu. Trong bốn loại đó, ba loại kia có thể hiểu được, riêng loại thứ ba Essentiellement Pronominal thì vô lý vì : Je me moque de vous (Tôi chế nhạo anh) là chế nhạo anh - vous sao còn có cả mình - me nữa. Nên Nghĩa và tôi thắc mắc tranh cãi cùng cô, yêu cầu cô so sánh với tiếng Anh để sáng tỏ. Loại 3 nầy trong tiếng Anh là Idiom, chứ không thể nào là “Tự phản pronominal” được. Có lẽ hơi giận, cô trả lời: “Tôi chỉ dạy tiếng Pháp mà không dạy tiếng Anh”. Nghĩa và tôi nói thầm với nhau: “Sau nầy nếu tụi mình dạy ban C, phải thông thạo hai ngoại ngữ để học trò khỏi thắc mắc, tránh tình trạng hôm nay". Bây giờ nghĩ lại thấy hai đứa hồi đó thật là khờ khạo, may không bị cô cho điểm xấu.

Về Pronoms Relatifs QUI, QUE, DONT, OÙ cô giảng kỹ, cho thí dụ hay, huấn luyện học sinh phân tích câu mệnh đề chính và mệnh đề phụ khi có các từ trên rất chính xác. Nhờ vậy khi tôi thi Tú Tài Phần II trúng tủ phần nầy, tôi căn cứ vào bài giảng của cô và những gì đã học để làm bài thi, vì chắc chắn đúng. Tôi còn nhớ đề thi có yêu cầu đặt câu với từ POUR QUI nhân cách hóa. Tôi viết theo ví dụ của cô: Ma patrie pour qui je meurs, Adieu! (Tổ quốc ơi, xin giã biệt, vì người mà tôi phải hy sinh!).

Để nắm vững phân tích tự loại và phân tích câu, cô biểu học cuốn Traité d’analyse grammaticale et logique No 106 &107 thì khỏi sợ thi Tú Tài I hay II về phần nầy.

Năm lên Nhị C, ngoài việc dạy theo sách giáo khoa nhà trường, cô khuyên chúng tôi về đọc thêm sách truyện và cô giới thiệu truyện Les Étoiles của Alphonse Daudet, mà ai đọc cũng nhớ hình bóng cô chủ ngủ trên vai chàng chăn chiên khi anh ta nhìn bầu trời đầy sao di chuyển và thấy một vì sao lạc đường đến tựa vào vai anh. Tình yêu trong sáng làm sao!

Cô cũng khuyên học thuộc lòng các đoạn văn hay của Anatole France như: La Rentrée des Classes (Ngày tựu trường)Pensées D’autome(Ý thu); của George Sand: Le Plaisir de la Lecture (Lòng hiếu đọc sách), hay Le Sol Natal (Chốn quê hương đất tổ) của Chateaubriand… đến nay tôi vẫn còn nhớ và cảm thấy yêu cách hành văn, diễn ý của các tác giả Pháp. Những bài này, ở lớp Đệ Lục trước đây trong phần Kim văn chúng tôi đã học với cô Nhã các bản dịch tiếng Việt của Phạm Tất Đắc, Nguyễn Quảng Tuân rất là tuyệt. Bây giờ trên mạng không có, mà sách cũ thì không còn nữa vì thế chép theo ký ức nên có phần khiếm khuyết.

Pensées D’automne.

La pluie froide et tranquille, qui tombe lentement du ciel gris, frappe mes vitres à petits coups comme pour m’appeller. Elle ne fait qu’un bruit léger, et pourtant la chute de chaque goutte retentit tristement dans mon coeur. Tandis qu’assis au foyer, les pieds sur les chenets, je sèche à un feu de sarments la boue salubre du chemin et du sillon. La pluie monotone retient mes pensées dans une rêverie melancolique et je songe. Il faut partir.

Ý Thu.

Mưa lạnh lẽo và yên lặng rơi chầm chậm từ trên nền trời xám, gõ nhè nhẹ vào cửa kính như để gọi tôi ra. Tiếng mưa rơi nhẹ nhàng, vậy mà mỗi giọt âm vang buồn buồn trong lòng tôi. Trong khi ngồi bên lò sưởi, hai chân gác lên giá củi tôi hong khô bên ngọn lửa của cây leo vết bùn lầy trong lành của con đường và của luống cày. Trận mưa rơi đều đều cầm giữ tư tưởng tôi trong một giấc mơ buồn và tôi suy nghĩ: Phải ra đi.

Rồi đến bài

La Rentrée des Classes 

Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans le ciel agité de l’automne, les premiers dïners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent. Je vais vous dire ce que Je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’Octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais, car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues.
Ce que je vois dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans ses poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit, car ce petit bonhomme est une ombre: C’est l’ombre du moi que j’etais il y a vingt cinq ans.
Il y a vingt cinq ans, à pareille époque, il traversait, avant huit heures, ce beau jardin pour aller en classe. Il avait le coeur un peu serré: C’etait la rentrée.
… C’est pourquoi, à mesure que je vieillis, je m’interesse de plus en plus à la rentrée des classes.

Ngày Tựu Trường

Cứ mỗi năm khi bầu trời vần vũ về mùa thu, tôi kể cho bạn nghe những gì tôi nhớ lại về những buổi cơm chiều đầu tiên ăn dưới ngọn đèn và lá vàng rung động trên cây. Tôi sắp kể cho bạn nghe những gì tôi thấy khi đi qua công viên Lục-Xâm-Bảo trong những ngày đầu tháng 10, lúc ấy trời hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết vì đó là lúc từng chiếc lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng.
Những gì tôi thấy trong khu vườn này, đó là một chú bé hai tay đút túi quần, lưng đeo cặp sách đi đến trường nhảy nhót như một con chim sẻ. Chỉ có trí tưởng tượng của tôi mới thấy được chú, bởi vì chú bé ấy chỉ là một cái bóng. Đó là cái bóng của tôi cách đây hai mươi lăm năm.
Hai mươi lăm năm trước, cũng vào thời kỳ này, chú bé đã băng qua khu vườn xinh đẹp này trước tám giờ để đi đến trường, lúc đó lòng chú hơi se lại: vì đó là ngày tựu trường.
…Cho nên tại sao, càng về già tôi lại càng chú ý đến ngày tựu trường.

Nhiều người nói nhà văn Thanh Tịnh chịu ảnh hưởng bài này khi viết đoạn văn Tôi Đi Học

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười dưới bầu trời quang đãng.

Nếu chịu ảnh hưởng mà viết hay như thế thì nên cám ơn bài văn đã gợi ý.

Ngoài học các đoạn văn ở trên, cô yêu cầu thu thập những bài thơ hoặc nhạc hay, chép vào vở, dịch ra tiếng Việt để cô chấm điểm và đọc thuộc lòng để tăng từ vựng, đó là một cách làm version ở nhà.

Có bận cô gọi Nghĩa lên đọc và dịch bài đã sưu tầm. Nghĩa đọc bài Les Feuilles Mortes có đoạn điệp khúc rất hay và Nghĩa dịch cũng tuyệt.

     C’est une chanson qui nous ressemble
     Toi, tu m’aimais, et moi je t’aimais
     Et nous vivions tous les deux ensemble
     Toi, qui m’aimais, moi qui t’aimais
     Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
     Tout doucement, sans faire de bruit
     Comme la mer efface sur le sable
     Les pas des amants désunis

     Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
     Les souvenirs et les regrets aussi
     Mais mon amour silencieux et fidèle
    … 
     Et la chanson que tu me chantais
     Toujours toujours je l’entendrais.

Bản dịch nầy không biết Nghĩa dịch hay lấy từ đâu, nhưng rất hay nên tôi thuộc lòng từ đó, chỉ tiếc nay không nhớ được trọn vẹn, tìm trên mạng không thấy:

    Những Cánh Lá Úa

    Đó là một khúc ca, giống như tình ta
    Em, em yêu anh và anh, anh yêu em
    Chúng ta cùng chung sống lứa đôi
    Em yêu anh và anh yêu em
    Nhưng cuộc đời thường chia lìa những kẻ yêu nhau, 
    Rất dịu dàng, không một tiếng động
    Giống như sóng biển xóa đi trên nền cát
    Những dấu chân của những cặp tình nhân lỡ làng

    Những cánh lá úa chất thành từng đống
    Cũng như những kỷ niệm và những tiếc thương
    Nhưng mối tình của anh đành câm nín đời đời.
… 
    Và khúc hát mà em thường hát đó
    Mãi mãi về sau anh vẫn còn nghe.

Bài này cô gạch đỏ dưới từ mortes và từ úa. Cô đề nghị nên dịch từ chết và chú ý cách xử dụng điệp âm [ê] trong câu Les pas des amants, désunis làm cho âm điệu câu gấp rút như sóng tràn lên bờ. Nghĩa trả lời chữ mortes dịch thành lá úa hay lá vàng thì cũng như là lá chết rồi. Cô nói: Tùy em, muốn diễn đạt tiếng Việt thế nào cũng được miễn là diễn được ý tiếng Pháp.

Tiếp theo cô gọi Hồng Diễu lên bảng. Diễu đọc bài Quand Le Film Est Triste, là bài hát ruột của ca sĩ nỗi tiếng Sylvie Vartan. Đoạn cuối như sau :

     Je suis rentrée bien vite à la maison
     Mes parents voyant mes larmes
     M’ont posé des questions
     J’ai été obligée de leur mentir
     Pour leur dire
     Quand le film est triste, ça me fait pleurer
     Oh!Oh Quand le film est triste, ça me fait pleurer

Và bản dịch của Diễu (tôi nhớ không được chính xác)

     Tại phim buồn nên tôi khóc.
     Rất nhanh tôi trở về nhà
     Cha mẹ nhìn thấy mắt đẫm lệ
     Liền hỏi tôi tại sao, tại sao ?
     Tôi đành nói dối với họ rằng
     Tại phim buồn nên con khóc.
     Ừ ừ khi phim buồn tôi khóc
     Tôi đau đớn nhủ thầm.

Cô nói dịch hơi thoát, Diễu trả lời từ questions số nhiều nên thay vì dịch “những câu hỏi” thì dịch “tại sao, tại sao” để diễn tả tâm trạng lo lắng vồn vã. Câu cuối thay vì phải dịch lặp lại hai lần, Diễu dịch “Tôi đau đớn nhủ thầm” để diễn tả nỗi lòng tự dối mình. Cô mỉm cười chấp nhận.
Đến phiên tôi đem vở lên, tôi nói:“Bài của em là thơ tiếng Việt do Pierre Kèn dịch ra tiếng Pháp, in trong tập Học Tiếng Pháp Trên Đài Phát Thanh.” Cô biểu đọc thuộc lòng :

     Hái Sen

     Em nhớ mùa sen nở
     Em cùng chị ra ao
     Chị bảo em bưng rổ
     Chị đi trước em sau

     Hôm sau lúc ra chợ
     Để bán rổ hoa sen
     Rằng chị ơi hãy nhớ!
     Mua em bánh với kèn.

     Đến nay mùa sen nở
     Chỉ mình em hái sen
     Và chẳng ai ra chợ
     Để mua em bánh, kèn.

     Bên đầm sen đã nở
     Nhưng chị đã theo chồng
     Em bâng khuâng hồi nhớ
     Thuở cùng chị bẻ bông.

                  Trần Văn Hai

     Cueillir Des Lotus

     Je me rappelle la saison des lotus épanouis,
     Òu, avec toi, j’allais à l’étang.
     Tu me disais de porter le panier fleuri,
     Je marchais derrière et toi devant.

     Le jour suivant, quand tu allais au marché
     Pour vendre le panier de lotus coupés,
     Je te disais: “N’oublie pas, soeurette,
     De m’acheter des gâteaux et une trompette”.

     Aujourd’hui, arrive la saison des lotus en fleurs,
     Et moi seul les cueille, ma soeur!
     Et personne ne va plus au hameau
     Pour m’acheter trompette et gâteaux!

     Dans l’étang, les lotus ont fleuri,
     Cependant, tu as suivi ton mari!
     Et tristement me revient le souvenir,
     Des fleurs qu’avec toi j’allais cueillir.


                                         Pièrre Kèn

Cô khen bài thơ dễ thương, bồi hồi kỷ niệm, người dịch đồng cảm... rồi cho điểm.

Hiện nay Cô Thanh ở đường Lê Văn Sĩ, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều học trò thường đến thăm. Điều vui nhất là thầy Thuấn, chồng cô Thanh, rất có cảm tình với học sinh Nguyễn Hoàng, coi như chính là học trò của mình dù không dạy. Thầy Thuấn cũng dạy Pháp Văn, là người mà cô yêu từ khi còn là sinh viên ĐHSP. (Thầy Thuấn bật mí cho tôi biết). Sau ba năm ra trường mới tổ chức lễ cưới. Các thầy khác chỉ còn than thở :

     Em đi rồi then khóa cả chiêm bao
     Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ.
                                         Đinh Hùng

Hồi đi dạy cô có nhiều fan học sinh nam nữ, họ hâm mộ cô nên cố gắng học tập để được cô khen. Ngay lớp Tam C và Nhị C của chúng tôi, nhờ cô Thanh dạy nửa lớp Pháp Văn chính, nửa lớp Pháp Văn phụ mà học sinh hai bên rất gần gũi, thân mật coi như không bị chia cắt làm đôi.
Năm 1996, họp Cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Đại Học Nông Lâm trước đài truyền hình TP HCM, cô bảo tôi cùng con trai đến đưa cô đi dự. Khi đến địa điểm, rất đông học sinh xúm xít quanh cô chào hỏi, nhiều người chưa gặp được cô đành đợi cuối buổi liên hoan. Họ đứng chật cửa ra và hành lang để chào và nhắc lại kỷ niệm. Từ xa tôi thấy Nguyễn Văn Hảo đứng một mình, mong đám đông tản ra để được gặp cô. Tôi thấy ái ngại cho Hảo liền đi tới mời bạn đi uống cà phê. Hảo nói: “Đợi một chút để gặp cô Thanh đã.” Tôi nói: “Một giờ nữa chưa chắc bạn đã gặp được, thôi đi uống cà phê rồi tôi sẽ giúp bạn tha hồ nói chuyện với cô.” Bạn hỏi: “Có thật không?” Tôi trả lời: “Chưa bao giờ lừa bạn mà.” Hảo uống cà phê, tâm sự với tôi hơn một giờ đông hồ. Thấy trời sắp tối rồi tôi bảo con tôi đến mời cô về kẻo ở nhà thầy Thuấn đợi. Khi cô Thanh vào ngồi trong xe, tôi mời Hảo ngồi cạnh, tha hồ nói chuyện cho đến nhà của cô. Trên đường về Hảo cám ơn tôi rất nhiều. Rồi năm 1998 cũng họp Cựu hoc sinh Nguyễn Hoàng tại địa điểm cũ, có một số học sinh ở hải ngoại về vây quanh cô. Tôi cười : “Cô thấy chưa, cô là giáo sư có nhiều fan nhất.” Nguyễn Thị Huê, học ban C sau tôi một lớp nói: “Hồi xưa, cô rất đẹp và giảng bài hay, ngay cả tụi con gái em cũng mãi mê nhìn và nghe đến nỗi quên viết bài.” Cô nguýt yêu và nói: “Đó là lười chép bài nên viện cớ nói vậy.
Cách đây 4 năm vợ chồng tôi mời cô và thầy đi Đà Lạt, nhân tiện thăm Đỗ Tư Nghĩa. Cô và Nghĩa vui mừng vì hơn 40 năm mới gặp lại. Thầy Thuấn rất thích tính hồn nhiên chân thật của Nghĩa. Tôi nói Nghĩa là người trẻ mãi trong tâm hồn. Thầy cô và chúng tôi ngồi uống cà phê bên hồ Xuân Hương hàn huyên mãi mới hết chuyện. Thầy Thuấn khen học sinh Nguyễn Hoàng có tình cảm nồng ấm đối với thầy cô cũ hơn học sinh các trường khác. Đổi lại thầy cũng thế, thường mail cho học trò, trong đó có vợ chồng tôi, những hình ảnh đẹp, bài viết súc tích, tin tức thời sự nhất. Chúng tôi luôn kính mến thầy cũng như cô Thanh. Năm 2015 nhân Nguyễn Đình Hạnh vào Sài Gòn thăm tôi, gặp thêm Hảo, chúng tôi rủ nhau đến thăm cô Thanh. Ba đứa được cả thầy và cô cùng tiếp. Sau đó thầy mời cả ba đi nhà hàng ăn bữa cơm thân mật, thầy còn đích thân chọn món ngon chiêu đãi học trò.
Đúng như khẩu hiệu mà bà Hillary Clinton kêu gọi trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ đầu của chồng: Vote one, get two (Bầu cho ông Clinton thì được cả bà Hillary), chúng tôi cũng vậy, có cô Thanh nên được thêm thầy Thuấn. Thầy và cô sống rất hạnh phúc, các con trai gái đều thành đạt, có địa vị trong và ngoài nước. Thầy cô thỉnh thoảng xuất ngoại du lịch thăm con cháu, mang quà về tặng học trò. Cô thường nói với vợ chồng tôi: “Cảm ơn thượng đế đã cho cô dạy tại trường Nguyễn Hoàng để cô có nhiều học sinh như hiện tại; được sống với nhau, gặp gỡ nhau, tâm sự và tán thưởng nhau ở cái tuổi xế chiều này; thân thiết không xa cách, chẳng khác gì tình máu mủ trong một gia đình.” Còn chúng tôi xem thầy cô như cột trụ trung tâm, là chất keo kết dính tất cả bạn học cùng khóa lớp ngày xưa. Các học trò ở xa từ Huế, Quảng Trị nếu có dịp vào Sài Gòn đều gọi nhau đến thăm thầy cô. Dù ở gặp mặt ở nhà hàng hoặc đơn giản mang theo những món quà quê đến nhà thầy cô ngồi hàn huyên, ăn uống, tất cả chúng tôi đều cảm thấy đó là khoảng thời gian vui vẻ, quý giá vì đã được ở bên thầy cô và bên nhau ôn lại chuyện xưa. Không có gì đẹp hơn tình thầy trò tôn sư trọng đạo.

                                                           ĐOÀN ĐỨC
                                                Viết xong ngày 18/01/2017


READ MORE - CÔ NGUYỄN THỊ THANH, GIÁO SƯ DẠY PHÁP VĂN TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Đoàn Đức

CUỐI NĂM ÂM LỊCH - La Thụy cùng thi hữu

       



           CUỐI NĂM ÂM LỊCH 
         (Cảm đề thơ Đá Ngây Ngô)

  Xuân về lâng lâng nào nhờ gió chở
  Đáy cốc vênh hay rượu ngấm ngã nghiêng
  Thèm trái cấm lòng vướng bận nghiệp duyên
  Loan phượng múa tình ai đang khép mở

  Mắt xanh trắng tri âm còn níu mộng
  Bến xuân ơi lưu luyến cõi trời xưa
  Sương khói phủ bâng khuâng xuân không mùa
  Thầm nguyện ước cho nguồn yêu mở rộng

  Ngọn nến ấy lung linh trời ảo diệu
  Hương xưa nào thoang thoảng ủ hồn mơ
  Để ngất ngây tình tràn thơm men rượu
  Hào sảng cười đồng vọng đá ngây ngô
                                             La Thụy 

 
                   HỌA


          CUỐI NĂM ÂM LỊCH

  Ai réo gọi mây chiều không chịu chở
  Để tình say trong chuếnh choáng ngã nghiêng
  Trông ơ hờ một cơn gió giao duyên
  Thầm thì đến êm đềm lờ ngỏ mở


  Trao và nhận ân tình thơ thực mộng
  Mới cũ nào thấp thoáng chuyện nay xưa
  Ủ ấp hương đợi giây phút giao mùa
  Bung tỏa ngát giữa đất trời cao rộng


  Tình yêu ấm trái tim thêm huyền diệu
  Rung đập hoài thôi thúc những ước mơ 
  Nồng nàn thật vui buồn bên chén rượu 
  Gốc dưỡng lòng là lúa nếp hay ngô
                                     Võ Sĩ Quý

 
 
                     KHÉP

  Đóa cúc muộn nặng hiên đời mãi chở
  Nắng hanh hao rải mảnh lụa chiều nghiêng
  Vườn hoa xưa đóa thắm lỡ phận duyên
  Ném khúc nhạc cõi lòng đành thôi mở

 
  Vầng trăng muộn tri âm xa bến mộng
  Khúc xuân ca vướng víu mảnh tình xưa
  Bên triền dâu lá rũ úa theo mùa
  Đêm nghiệt ngã lửa nồng treo khoảng rộng
 
  Vàng xưa ấy xa rồi đêm huyền diệu
  Phiến giá băng phủ kín mảng trời mơ
  Khép lối mộng khép lòng theo men rượu
  Nhấp môi nồng đồng vọng đá ngây ngô
                                             Ca Dao

                TIẾNG VỌNG

  Xuân về đây nước đầy thuyền hoa chở
  Chênh vênh khóc sóng bạc vỗ xô nghiêng
  Dòng trôi xuôi bẽ bàng nợ trao duyên
  Nước ròng lớn lao xao đêm mắt mở 

  Nhớ nhung cay canh tàn bên gối mộng
  Thao thức ơi luyến tiếc kỷ niệm xưa
  Mây bàng bạc rèm châu gió gọi mùa
  Xao xuyến lạnh hồn tôi đang mở rộng

  Trăng đêm ấy ảo huyền ôi kỳ diệu
  Thoảng hương đưa ngây ngất mảnh hồn mơ
  Chung đối ẩm lưng bầu say men rượu
  Vọng tiếng cười vang cả tối ngây ngô
                                  Ngoctuyencp

 
                       VÔ ĐỀ

  Chuyến đò ngang chiều nay người không chở 
  Để ta sầu trên bến nước ngả nghiêng
  Đêm Giao Thừa ta đã lỡ trễ duyên 
  Thì người nhỉ muộn phiền chi xuân mở 

  Quán nước chè dừng chân đêm xây mộng
  Một mình ta nhắc gió lộng năm xưa 
  Chiều hành quân qua bến buổi giao mùa 
  Ta nghe có những hạt mưa trải rộng 

  Tiếng chèo khua vang động nghe huyền diệu 
  Khách qua bờ như chợt tỉnh cơn mơ 
  Hồn gỗ đá chưa bao giờ say rượu 
  Mà chân hoang lạc bước giữa rừng ngô
                                             Ký Gàn

READ MORE - CUỐI NĂM ÂM LỊCH - La Thụy cùng thi hữu

NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA TÔI... - Thơ Trần Mai Ngân


              Nhà thơ Trần Mai Ngân


NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA TÔI...

Đèo cao, núi cao
Sông sâu, biển rộng 
Tôi đi tìm người đàn bà, đi tìm người đàn bà
Có đôi môi mọng trẻ thơ, đôi môi hồng hồng chỉ biết cười... chỉ biết cười ngay cả khi lệ rơi...

Trời cao vời vợi
Nhật nguyệt xa xa
Tôi đi tìm người đàn bà, tìm người đàn bà hôm qua 
Dưới ánh mặt trời da em như tuyết
Diễm tuyệt, diễm tuyệt... kiêu sa, kiêu sa...

Đôi chân không mỏi
Đi khắp ta bà
Tôi tìm em, tìm em... người đàn bà của tôi
Thất lạc nơi đâu, nơi đâu...

Nhịp sống khác màu
Bắt ta xa nhau
Tôi đi tìm, đi tìm... bốn bể năm châu
Em của tôi đâu, em của tôi đâu

Em ơi ! Em đâu...
Em ơi ! Em đâu...
Người đàn bà của tôi... hôm qua, có đôi mắt nâu, đôi mắt rất sầu...
Em ơi ! Em đâu
Em ơi ! Em đâu...

                                           24-1-2018
                                      Trần Mai Ngân 

READ MORE - NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA TÔI... - Thơ Trần Mai Ngân