Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 31, 2018

BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ! - Tùy bút của Hồ Thị Thúy An





BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ!

Hồ Thị Thúy An



Thức dậy vào thời khắc tuyệt đẹp khi ngày mới bắt đầu. Ngày cuối cùng của năm.Bên tai tôi chợt vang vẳng bên tai những câu hát:

"Mùa xuân nói với em điều gì?
 Mà sao mắt em vui thế..."

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có nhiều nẻo đường để đi nhưng có một nơi để quay về là nhà. Với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Trở về… đó là điều thiêng liêng nhất đối với những người con xa quê. Ở đó, khoảnh khắc trở về hội tụ muôn vàn cung bậc cảm xúc. Những ngày này, có người hối hả hoàn tất công việc, tạm ngưng dời non lấp bể, mọi bon chen nơi đất khách luôn đếm từng ngày trong tiếng gọi thân thương: Trở về... Có những người ngậm ngùi khi phải ăn Tết xa quê với muôn vàn lý do khác nhau song dường như hai tiếng quê hương vẫn luôn trong tiềm thức của họ…

Mới đây thôi, tôi bồi hồi xúc động khi thấy dòng stt mà đứa em nhỏ của mình đăng lên mạng Facebook "Còn 20 ngày nữa", dù không trực tiếp nói ra nhưng ai trong chúng tôi cũng hiểu đó là sự háo hức trong mong đợi ngày được lên xe xum vầy cùng gia đình. Khoảnh khắc đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất trong 365 ngày...

Một lần tôi tình cờ được tiếp chuyện với chú Hải vào một buổi cafe hiếm hoi. Chú tâm sự: “Một năm làm việc vất vả, chú đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ để đem về cho vợ con nơi quê nhà lo Tết”. Chú hào hứng: “Giờ chuẩn bị lên xe thì tâm trạng bồi hồi lắm. Đi làm xa nhà cả năm trời, tới khoảnh khắc chuẩn bị về với gia đình, tưởng tượng ra cảnh quây quần là đã vui!” – Chú cười rạng ngời khi chia sẻ thêm về cảm giác trước khi bước lên xe về quê sớm để giá vé xe rẻ hơn một nửa. Với chú, mọi sự vất vả trên gương mặt tan biến thay cho “niềm hồ hởi… được trở về nhà”.

 Ở thành phố những ngày cuối năm, phố xá rực rỡ sắc màu đón chào năm mới, đèn hoa lấp lánh, kẻ vui người cười rộn ràng rủ nhau đi mua sắm.

Với thời buổi công nghệ, những câu mà bạn bè thăm hỏi nhau nhiều nhất những ngày sắp Tết  là “Năm nay có về không?”, “Hôm nào về”?. Có lẽ cảm giác ấy chỉ những người con xa xứ mới hiểu và cảm thông cho nhau. Tết trong chị Hòa là sự hy sinh thầm lặng. Chị gói ghém những bộ quần áo mới gửi về cho chồng, con. Chị vào Bình Dương đã 9 năm nhưng đây là cái Tết đầu tiên chị không về nhà. Xóm trọ chị ở là nơi trú chân của hàng chục con người lao động ngoại tỉnh nên những ngày giáp Tết rộn ràng hẳn lên. Các chị còn khoe nhau những vật dụng mua để gửi cho gia đình. Chị Hòa trải lòng: “Con gái đang học năm cuối trên Sài Gòn, giờ phải dành dụm lo học phí cho con. Nếu bây giờ về Tết ra Giêng sẽ hụt tiền đóng học phí nên hai mẹ con quyết định sẽ đón Tết ở đây… Chỉ mua sắm đồ gửi về cho ba cha con ở nhà. Ra Giêng sẽ về thăm gia đình vì khi đó chi phí đỡ đắt đỏ hơn”. Có người mẹ nào không muốn về quê ăn Tết bên người thân nhưng có lẽ đức hy sinh cho gia đình đã ăn sâu vào trong mỗi người phụ nữ Việt. Nỗi nhớ chồng, nhớ con cũng được gửi gắm vào con chữ của các con ở tương lai phía trước.

Có những cuộc điện thoại ấm nồng khi bố mẹ gọi cho con. Anh chị nt thủ thủ. "Bao giờ em về" "mua được vé chưa con" cảm giác sung sướng muốn bỏ tất cả mà chạy về không thể nào kìm lại được.

Tết cũng là dịp rất nhiều người con xa quê hướng về nhà. Có những người đã có gia đình con cái đề huề nên mỗi lần về Tết là nỗi lo cơm áo lại đè nặng đôi vai. “Cả năm xa vẫn chịu được nhưng những ngày giáp Tết trong lòng trống vắng lắm”. Ai cũng chỉ mong mau được trở về với mái ấm, được tận hưởng khoảnh khắc sum vầy cùng người thân bên mâm cơm giao thừa. Nhắc đến Tết, Minh bạn tôi buồn so: “Đã nhiều năm rồi mình không có Tết. Về cả gia đình thì rất nhiều tiền, mà ba mẹ ở quê cũng không khá giả nên mình để tiền gửi về ông bà lo Tết, không dám “xa xỉ”. Bốn năm rồi đón Tết ở Bình Dương, gọi điện về nhà chúc Tết, lòng thắt lại vì thương ba mẹ, nhớ quê, thèm được ở bên gia đình, bạn bè trong những ngày Tết lắm…” – giọng Minh chùng xuống. Minh kể bạn bè đồng hương trong này cũng nhiều người chẳng có điều kiện về quê, vì mỗi chuyến đi có thể tiêu hết mấy tháng lương, ai “sang” lắm thì phải dành dụm vài năm mới dám về một lần. Quan tâm nhau hỏi câu: “Tết này có về quê không?” mà lòng trĩu nặng. Một câu hỏi giản dị, nhưng gợi lên bao nỗi khắc khoải của những mảnh đời xa xứ.

Cũng có rất nhiều người không phải vì lý do tài chính nhưng quê hương giờ chỉ còn trong miền nhớ… Họ đã ra đi từ lâu lắm, gia đình, ba mẹ, anh em giờ cũng đã ở trong Miền Nam. Anh Quý, một người con đất Quảng ra đi từ những năm 80, hiện khá thành công trên đất Bình Dương chia sẻ: “Những ngày giáp Tết anh cùng vợ con lên khu chợ người Quảng Trị ở Sài Gòn để tìm mua đủ món đặc sản Quảng Trị mang về gia đình ăn Tết… xem như là ăn Tết Quảng Trị và đỡ phần nào nỗi nhớ về nguồn cội. Bây giờ thì vài năm anh cũng dẫn con cái về nhà thờ tộc họ một lần cho nó không quên nguồn cội. Còn Tết, có muốn trở về cũng chẳng biết về đâu. Cũng may là ba mẹ, anh em ở cả trong này nên đại gia đình ăn Tết kiểu quê mình em à” .

Đi xa, bao giờ anh cũng mang theo niềm tự hào xứ sở đến mức… ngồi trên xe, nhìn thấy biển số 94 mà lòng nghe quặn thắt….

Trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, trái tim những người con xa quê luôn hướng về gia đình, về quê hương với nỗi nhớ khôn nguôi. Và tôi biết hơi ấm mùa xuân trên quê hương luôn theo họ trong mỗi bước đi suốt hành trình lập thân, lập nghiệp…Trong giấc mơ nơi đất khách bao giờ cũng lấp lánh hình ảnh những đứa trẻ thơ xúng xính bộ quần áo mới chạy trên con đường làng, quanh co những ngôi nhà ngập tràn hoa cỏ mùa xuân, những đồng lúa đương thì xanh mướt. Ngần ấy thôi cũng đủ lòng tôi tha thiết ước được về quê nhà trong thời khắc chuyển giao...!

                                                      Hồ Thị Thúy An

READ MORE - BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ! - Tùy bút của Hồ Thị Thúy An

CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI - Thơ - Hoài Huyền Thanh

Tác giả Hoài Huyền Thanh
Hoài Huyền Thanh
CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI

Chẳng hiểu vì sao trái tim không thôi dào dạt
Thoáng những âm vang ngày cũ kéo nhau về
Tôi – cậu học trò nhỏ nông thôn hiền lành nhút nhát
Quán vắng bên đường lặng lẽ nhớ trời quê


Cha lau lách trời xa mờ mịt tối
Mẹ luôn tay tất bật với ruộng vườn
Ráng đỏ chiều hong hoàng hôn vừa tím
Mưa lâm thâm nghe nghé ọ bồn chồn


Ngày con lên đường mẹ quay lưng chậm mắt
Cha thở dài vặn đỏ lựng bàn tay
Con nhà nông áo quần không sang chảnh
Mắm muối gạo khoai con cố gắng thành tài


Trời trở gió, đêm nay trời trở gió
Những vòng tay thưa gởi níu ta vào
Chân trời cũ ngạt ngào hương kỷ niệm
Trần Quốc Trí ngơ ngác ngày nào, chửng chạc vậy sao?


Ồ! Hôm nay phải đâu là đám cưới
Mà ghế thắt nơ bày bàn tiệc ê hề


Nhưng… kìa! Tiền sảnh một băng rôn thật lớn
Chào mừng văn nghệ sĩ Quán Văn về thăm đất Bến tre


Vợ  chồng Trí đến từng bàn chân tình chào hỏi
Có ai nói: ”Thì cứ coi như hai đứa hấp hôn”
À! Mà ai đại diện cho đàng gái đàng trai?
Câu trả lời xin nhường cho chậu ớt
cùng anh Ngọc anh Thạch đưa cay


Nhiều anh chị dự trời khuya không tiện
Chào nhau về mà chân ngập ngừng mắt lệ rưng rưng
Sau 25 năm, nhận lẵng hoa từ học trò xưa trao tặng
Cám ơn cô thuở ấy đã đùm bọc yêu thương


Quán Văn ngẩn ngơ chuyện đời như cổ tích
Cám ơn Ngọc Anh, Quốc Trí, hạt nắng những ngày vui
             HOÀI HUYỀN THANH
                  25.10.2018
         







READ MORE - CÓ HẠT NẮNG NÀO VUI - Thơ - Hoài Huyền Thanh

MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN 
(Tặng Chị)

Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Chị xếp vội mớ đồ vô cái túi rồi chần chừ suy nghĩ sao lại lấy ra, cứ ngồi lấy ra lấy vô mà non hết cả buổi chiều. Con bạn cùng phòng trọ xốc nhẹ cái túi lên vai quay lại đằng hắng:

"Dù sao mày cũng phải về, mọi năm thấy mày cứ rịt lại phòng trọ vắng teo tao cũng lo. Có trốn được mãi đâu."

Rồi quảy đi cho kịp chuyến xe cuối ngày. Tết lại cận kề, tết là ngày đoàn viên nhưng đối với chị

Bỗng trở thành những nỗi lo không lời mà chị biết rõ nguồn cơn. Chị đã cố gắng ở lì xóm trọ nhỏ cho tới những ngày giáp tết nhưng khi người cuối cùng rời đi thì chị cũng hiểu đến lúc mình phải đi rồi. Không phải chị không muốn về quê mà mỗi lần về thể nào cũng sẽ nhận được dè bỉu của hàng xóm khiến chị rối lòng.

Ba mươi lăm tuổi, chị chưa chồng. Ở phố thì đùa vui là gái “ế” rồi cũng qua ngày đoạn tháng nhưng ở quê thì việc lỡ thì bỗng trở thành cách đánh giá một còn người, nhất là ở miền quê nặng thị phi như chỗ chị. Hai mươi tuổi chị xách ba lô một mình lên phố tìm cơ hội đổi đời, ngày chị đi có người chắc mẩm sau này về cũng rủng rỉnh tiền, có người lại nói “gái hư” hẳn là đã vương vấn anh chàng nào nên bỏ chốn mà đi. Lời người ta cũng chỉ là lời ngoài tai, ngày đó định kiến trong chị đã rất rõ ràng, sống cho mình chứ nào phải cho người, quan trọng là có thể kiếm được tiền về nuôi ba mẹ. Ngày đó, tuổi còn trẻ công việc dồi dào, cơ hội đến mau, chị cũng nhanh chóng nhận được việc làm ở một cửa tiệm chẳng mấy chốc mà cũng dễ dàng tăng lương. Tết năm ấy, chị về lần đầu tiên mừng tuổi được cha mẹ món tiền lớn. Mấy bác hàng xóm cứ lấy chị làm gương cho trai gái trong làng khi ấy vẫn còn non tơ ăn bám bố mẹ. Nhưng cứ Tết về thì thể nào với con gái đến tuổi lấy chồng cũng nghe qua câu nói:

 "Nhưng lên phố kiếm được anh nào chưa? Con gái cũng cần một chốn, đừng lo làm mãi."

 "Ôi chao, trai thành phố thiếu gì, ở phố cũng chẳng như ở quê mình ,toàn lấy chồng muộn. Cứ tạo dựng cuộc sống cho mình trước làm tiền đề đã ạ."

Người ta cũng ậm ừ cho qua, thực ra khi mình thành công những lời mình nói ra cũng trở nên giá trị. Vài mùa Tết sau lần nào chị về cũng nhận được câu hỏi đó, Trai gái trong làng bằng tuổi chị cũng lần lượt kết hôn chỉ mỗi chị vẫn còn lẻ bóng. Bố mẹ sốt ruột cũng hỏi dò nhưng quả thật những năm qua chị chưa kiếm được một người nào thuận lòng, từ đó mỗi lần về khi nhìn ánh mắt buồn của họ nhìn đám nhỏ chạy trước sân nhà chị bỗng trở nên áp lực. Những lí do việc làm hay sự thành công ban đầu chẳng đủ để khỏa lấp miệng đời. Hai mươi lăm tuổi chị bỗng trở thành gái ế trong mắt người làng, Cứ mỗi mùa Tết về khi thấy chị trong nhà người ta lại vờ hỏi ba mẹ chị, nhưng biết là chị nghe:

"Thế con Hoàng chừng nào lấy chồng? Bằng tuổi nó đứa nào cũng đùm đề cả rồi. Gái lớn mà không lấy chồng người ta cũng điều tiếng,"

"Thì giờ nó đã vậy, ai ép được nó, coi như tùy vậy."

Ba mẹ chị không nói gì nhưng chị biết họ cũng buồn khi con gái mình lẻ bóng. Họ lo điều tiếng,

Họ cũng thương con họ. Rồi những mùa Tết sau lại qua đi, chị dần lỡ những mùa xuân. Những đứa bạn năm xưa giờ con cái đã vào tiểu học, Mỗi năm chị về không tránh khỏi những ánh mắt dè xét, có người không nói chỉ nhìn, có người lại phao tin đồn chị hẹn hò ông đại gia nào đó rồi bị đánh ghen… Nghĩ việc không lấy chồng chỉ đơn giản nhưng đúng là cứ Tết về thấy gái chưa chồng trong nhà hẳn ai cũng buông câu. Từ đó cứ Tết chị hầu như trốn tiệt không về, hoặc họa hoằn lắm có về thì cũng trốn rịt trong nhà. Thế mà cũng đã ba năm nữa trôi qua chị không về.

"Lâu rồi không thấy chị."

Giong ồm ồm của một người đàn ông khiến chị quay lại. Trước mặt chị là một người đàn ông khoảng độ ba mươi, da hơi ngăm và có phần cao ráo. Áo sơ mi đóng thùng gọn gàng, có lẽ là qua nhà chị chúc Tết nhưng chị vẫn ngờ ngợ chưa nhận ra ai. Mẹ chị trong nhà bước vội ra:

"Thầy giáo Tạp lại sang ạ? Gớm, đi mãi không nhớ, Tạp mà ngày xưa vẫn hay đánh đáo cùng mày đấy con ạ."

Đến đó thì chị mới sực nhớ ra thằng cu bé nhỏ hơn chị ba tuổi năm nào, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chị, khi bị ăn hiếp thì về méc chị, trong mắt nó ngày ấy hẳn chị là một anh hùng. Năm chị đi nó mới mười bảy tuổi, khóc bù lu bù loa giữ chị lại, chị phải đe:

"Khi nào mày học thành thầy giáo thì chị về."

"Nhưng chị đã không về." – thầy Tạp nói như cắt ngang dòng suy nghĩ của chị.

Sau khi chị đi,  cậu vẫn nằm lòng lời chị, ba năm sau thi đậu vào đại học Sư phạm và mất bốn năm ở chốn xa xôi ấy. Anh toàn về sau Tết ăn Tết muộn nên không gặp được chị, anh về là Chị đi. Tuy nhiên năm nào cũng đều đặn anh qua chúc Tết gia đình chị. Những lần Tết sau chị ít về dần, anh sau khi tốt nghiệp cũng xin được việc làm ở trường làng, chẳng mấy chốc mà thành thầy giáo, tuy lần nào đều đặn cũng qua thăm nhưng chẳng lần nào gặp được chị.

"Thế cũng lâu rồi chưa gặp nhỉ? Cậu đã thành thầy rồi cơ à? Thế cậu đã lấy vợ chưa?"

"Chưa. Tôi đợi chị."

Chị bật cười trước lời nói đùa của người đàn ông chững chạc ngồi trước mặt chị nhưng thấy gương mặt nghiêm nghị của anh chị bỗng im lặng. Còn nhớ năm ấy khi vẫn còn là hai đứa trẻ, được “ người hùng” cứu quá nhiều lần, có một cậu nhóc đúng vào ngày giao thừa đã nhìn người chị cao hơn mình cả khúc mà nói :"

"Sau này nhất định em sẽ lấy chị và bảo vệ chị lại."

Nhưng đó chỉ là lời bông đùa khi còn bé, hay ít ra là chị nghĩ thế. Tim chị bỗng đập thành từng nhịp hơi lỗi khác xa so với nhịp đập bình thường ba lăm năm qua. Anh cười: "Dù sao cũng đã mười mấy năm rồi, thêm một năm nữa cũng chẳng sao đâu, tôi chỉ muốn chị biết là có người đang đợi chị thôi”. Những ngày Tết ấy bỗng nhiên trở nên vui hơn, anh dẫn chị đi thăm lại làng xóm, chơi lại những trò ngày xưa mà hai người vẫn hay chơi, chị nhớ như in khi ấy chính chị là người đã ở bên khi anh chào đời…Và sau đó chẳng hiểu vì sao người con gái ấy lại quyết định ở bên “ chăm sóc” người em hàng xóm nhỏ tuổi suốt từng ấy năm đến khi ra đi. Hẳn là tất cả đều là số phận sắp đặt, dù đã quá muộn màng.

"Chị xem này, một bông hoa mai nở muộn."

Chị lại gần anh, mùa xuân đến muộn cũng có nghĩa là đã đến.

"Ngày mai chị lại đi rồi. Khi nào chị sẽ lại về?"

Chị ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng mỉm cười:

"Có lẽ lần này tôi sẽ về mau thôi."



Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

CỔ TÍCH - Thơ Trần Thiên Thị

Tác giả Trần Thiên Thị









Trần Thiên Thị

CỔ TÍCH 1

  
Khi người con gái đầu tiên đến trước biển 
và nhỏ vào biển khơi 
một giọt nước mắt.
Từ đó biển mặn 
những mạch nguồn nằm sâu trong lòng đất 
trỗi mình tạo tác dáng 
hình những dòng sông
chẳng ai biết được vì sao những dòng sông 
cứ háo hức lao mình về biển khơi 
chẳng ai biết được biển khát 
hay những dòng sông khao khát.




CỔ TÍCH 2 


 Có một gã trộm
 đến và gõ vào cánh cửa của đào nguyên

 cửa đã mở ra

 gã trộm bàng hoàng
 chẳng biết mình đến đây để làm gì
 và
 chẳng biết lấy cái gì để mang đi
 Cuối cùng
 đào nguyên có thêm một ông tiên già ngớ ngẩn

TTT



READ MORE - CỔ TÍCH - Thơ Trần Thiên Thị

SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM - Thơ Phạm Ngọc Thái

Phạm Ngọc Thái

SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM

phamngocthai

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời
Cũng là chút phận kiếp người thôi !?
Khổ nhiều ... Sướng lắm ... Ôi, khổ sướng !
Tình đến, rồi đi - mảng đời trôi ...

Ta tính xem ta được những gì ?
Dựng cả tòa đài nghiệp ca thi ...
Xế chiều còn vướng vòng nhi nữ
Nửa lòng thì chán, nửa lòng si

Đã tưởng rằng đây bóng tri âm
Nâng niu cất giữ ở trong lòng
Ai ngờ cũng chỉ bèo hoang cả
Nửa tình muốn phá, nửa tình mong

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời?
Tiền tài, danh vọng thỏa mãn rồi
Có cả đất trời cùng nhân thế
Tham làm gì nữa, hỡi người ơi?

Tôi khóc cho tôi! Đáng lẽ cười?
Vì nàng còn níu mãi chân tôi ...
Mai sau hậu thế mà viết sử
Rằng, ta chỉ kém mỗi EM thôi!

     Chiều 31.12.2018
     P.N.T
READ MORE - SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM - Thơ Phạm Ngọc Thái

Saturday, December 29, 2018

MAI CHÂU RÁNG ĐỎ NƯƠNG CHIỀU - Thơ - Hoài Huyền Thanh




Hoài Huyền Thanh

MAI CHÂU RÁNG ĐỎ NƯƠNG CHIỀU

Nắng có vàng trời vẫn xanh thăm thẳm
Ngoằn ngoèo Thung Khe Tây Bắc mờ xa
Mai Châu mờ sương trên cung đường vạn dặm
Lan mận đua nhau nở trắng góc vườn nhà
Ruộng bậc thang chỉ còn trơ gốc rạ
Ráng đỏ nương chiều khói bếp mắt cay cay
Bao cô Thái Trắng nâng niu váy hồng váy đỏ
Khăn Phiêu đủ màu se lọn tóc nào bay
Khung cửi nhịp nhàng đôi tay thoăn thoắt
Em bản Lát tỉ mẩn dệt bao mơ ước cho đời
Khăn thổ cẩm đổ miền xuôi mê mẩn
Ríu rít cười e thẹn cắn thơm môi
Mai Châu thơ mộng hun hút hang Chiều
Leo ngàn nấc thang lên trời cao ngóng gió
Vờn trên tóc mây trắng như chiếc khăn choàng tơ lụa
Ta thả hồn ngây ngất ngắm tiên cảnh Mai Châu.

Hoài Huyền Thanh

READ MORE - MAI CHÂU RÁNG ĐỎ NƯƠNG CHIỀU - Thơ - Hoài Huyền Thanh

SÓNG BẠC ĐẦU - Thơ Lê Văn Trung



                   Nhà thơ Lê Văn Trung


SÓNG BẠC ĐẦU

Trăm năm chén rượu không đành uống
Ta rót chưa tàn nỗi nhiễu nhương
Ta gọi ta rền vang đáy mộ
Ai về đứng khóc giữa đêm sương

Cố quận ? Mười phương mù cố quận
Mắt mờ muôn dặm bóng tà huy
Có con chim khách ngang đầu ngõ
Gửi một lời đau buổi biệt ly

Ta rót lòng ta đã mỏi mòn
Rượu nghìn năm cũ men chưa tan
Ôi lòng dâu biển hòa trong rượu
Ta rót về đâu hỡi thế gian

Em mãi mù xa trời viễn xứ
Ta con thuyền giạt cuối bờ đau
Dòng rượu đời ta như sóng vỗ
Ta vỗ ngàn năm sóng bạc đầu.

                         Lê Văn Trung  

READ MORE - SÓNG BẠC ĐẦU - Thơ Lê Văn Trung

TÂM SỰ GIỮA ĐỜI - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt


           (Hình Hiếu và Lan thành hôn ngày 7/12 /1972)


TÂM SỰ GIỮA ĐỜI

(Viết để tặng hai bạn Hiếu và Lan,
đôi bạn quý mến nhất trong đời tôi)

Dấu ấn ngày xuân bạn vẫn còn
ta thì biền biệt bước chân bon
từ khi nhạn lạc vào mây xám
gió dạt xoay nghiêng dậy sóng cồn!

Bạn gởi cho ta những tấm hình
khơi về dĩ vãng một thời danh
bùi ngùi nuối tiếc ngày xưa ấy
bốn sáu năm như gió lướt mành!

Ta từ treo kiếm bên triền núi
ngựa thả rong ngoài cồn bãi hoang
tấm thân ngang dọc thôi dong ruỗi
tím cả tâm can... nỗi đoạn trường!
*
Ngồi đây hoài niệm ngày xưa đó
thấm thía chao ôi! thấm thía đau!
trăng hỡi hôm qua còn sáng tỏ ?
nay buồn mây gió phải rời nhau!...

Cám ơn hai bạn ngàn trân quý
kỷ niệm tưởng như cổ tích rồi...
đã khéo giữ gìn từng mảnh giấy
sợi dây liên kết bạn và tôi...

Ta đã nhiều lần khóc giữa chợ!
tiếc đời nặng nợ - lắm gian nan
nhớ thời gãy gánh tan hàng đó
lắm cái bẽ bàng... đáng thở than!...
*
Nhân thế xưa nay là vốn vậy!
dấu thời gian há dễ phôi pha
khơi kỷ niệm lùi về dĩ vãng
mà nhớ khôn cùng - bạn quý - xa!...

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Ngày cuối năm 2018, từ thung lũng Hoa Vàng
(Kỷ niệm nhân ngày thành hôn đôi bạn 12/1972)

READ MORE - TÂM SỰ GIỮA ĐỜI - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

ÁO VÀNG THU XƯA - Thơ Nhật Quang





ÁO VÀNG THU XƯA

Gió thầm thì mang Thu về ngang cửa
Bướm lả lơi say tình cúc vàng mơ
Bóng em qua, áo lụa vàng phơi phới
Nghe hương mùa xao động chạm hồn thơ

Thu bềnh bồng suối tóc huyền nhung thắm
Buông vai mềm là lụa dáng tinh khôi
Như  đắm đuối hồn tôi theo làn gió
Ngây ngất tình, hương thoảng vút lên ngôi

Mùa Thu đi, thẫn thờ bên song vắng
Mơ áo vàng thon thả gót hiên xưa
Tôi ngơ ngác nhìn mây bay lãng đãng
Kỷ niệm đầu còn in dấu trong mưa

Có lẽ nào, dáng Thu giờ quên lối?
Ngõ phố khuya, lạc lõng bước chân về
Áo lụa vàng nhạt phai màu, em hỡi!
Đêm Đông hờn, sương phủ buốt lê thê.

                                      Nhật Quang
                                      
READ MORE - ÁO VÀNG THU XƯA - Thơ Nhật Quang

Friday, December 28, 2018

BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” - Phạm Đức Nhì



BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”


Vài Lời Phi Lộ

Từ bài viết Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào? của giáo sư Hoàng Đằng đã dẫn đến một cuộc trao đổi văn học nho nhỏ khá lý thú. Mỗi người một cách hiểu, một cách dẫn giải khác nhau. Mỗi người một “tấm lòng”, nhất định không chịu “Để Gió Cuốn Đi”. Và thế là chỉ cần một câu nói vô tình của người này “đụng chạm” đến “tấm lòng” của người khác, cuộc trao đổi văn học nho nhỏ đã biến thành một cuộc tranh luận nảy lửa. Có người mải mê ham vui đã ít nhiều bị “văng miểng”.


Độc giả có thể đọc bài viết của giáo sư Hoàng Đằng theo link dưới đây:

https://vannghequangtri.blogspot.com/2018/11/hieu-ung-nghia-cau-hat-cua-trinh-cong.html

Cô giáo Vân Anh ở Đà Nẵng, bạn Facebook, đứng ngoài theo dõi cuộc tranh luận, nhắn tin cho tôi (đại ý): “Nếu có dịp viết về Trịnh Công Sơn, anh viết mở rộng một tý để em được học hỏi thêm.” Tôi nghĩ rằng, muốn hiểu một chữ, để chắc ăn, nên hiểu nó trong khung cảnh một câu, có khi cả đoạn. Hiểu một câu hát, muốn khỏi bị lầm, phải hiểu câu hát ấy trong khung cảnh của cả bản nhạc. Đọc kỹ lại các ý kiến tranh cãi thấy mọi người chỉ nhắm vào, xoáy vào một câu hát nên đôi khi, theo tôi, hơi bị “lệch” với ẩn ý của tác giả. Nhân có lời yêu cầu của cô giáo, tôi nảy ra ý định bàn rộng ra một tý để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh của bản nhạc. 
Vì thế, xin phép những đôc giả khác cho tôi được tặng bài viết này cho cô giáo Vân Anh.

Với tôi, đây là đề tài quen thuộc, lại nhân dịp lễ nên rảnh rỗi hơn khi viết những bài khác. Vì thế, cũng có chút tự tin khi đem bài viết trình làng. Nhưng dù tự tin đến mức nào đi nữa, đây cũng chỉ là quan điểm của riêng cá nhân mình. Rất sẵn sàng và vui vẻ đón nhận ý kiến phê bình từ những góc nhìn khác. 



Để Gió Cuốn Đi

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim, để buốt trái tim

Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai
(Trịnh Công Sơn, 1973)

Theo tôi, ca từ của bản nhạc có thể chia làm 4 đoạn:

1/

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian


Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là tâm ý tốt lành, cao thượng, hành xử nhân ái, vị tha … (theo cách đánh giá của chính người có “tấm lòng” đó).
 Ai tôn vinh hoặc có thiện cảm với “tấm lòng” đó sẽ là bạn hoặc đồng minh. Người nào coi thường hoặc xúc phạm đến “tấm lòng” ta sẽ bị coi là kẻ xa lạ, thậm chí kẻ thù. Sự yêu mến, thù ghét phát sinh từ đó sẽ làm ta mờ mắt, nhìn cảnh vật, cuộc đời quanh ta sai lạc.

Thương nhau củ ấu cũng tròn
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông
(Ca dao Việt Nam)

Không phải là nếu không để gió cuốn “tấm lòng” đi thì mây sẽ không qua dòng sông và ngày sẽ không lên hoặc đêm sẽ không xuống - thời gian sẽ ngừng trôi. Thật ra, vũ trụ vẫn vận hành, lẽ vô thường vẫn chi phối vạn vật – nghĩa là mây vẫn qua dòng sông, ngày vẫn lên, đêm vẫn xuống như thường lệ.

Nhưng vì nếu gió không cuốn “tấm lòng” đi thì nó sẽ phủ mờ tâm trí ta, che mắt ta, khiến ta dù chưa bị đưa vào nhà thương Chợ Quán, chỉ số IQ rất cao, mắt vẫn mở to, nhưng lại suy nghĩ, hành xử như một gã ngu ngơ khờ khạo, không thấy, không biết hoặc thấy biết một cách sai lạc những sự vật, sự việc hiển nhiên ở quanh ta.

Để chứng tỏ mình là người có “tấm lòng” lớn, là dân điệu nghệ trong tình yêu – khi đã yêu là yêu hết lòng nên xa người yêu là nhớ thương khôn xiết - một anh người Hoa nào đó đã phát biểu:

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
(Một ngày không gặp dài bằng 3 năm)

Thế đấy! Vũ trụ vẫn vận hành, thời gian vẫn qua đi, qua đi đều đặn, nhưng dưới mắt những người muốn biểu lộ “tấm lòng” thì hình như nó đang ngừng trôi hoặc trôi rất chậm - chậm đến cả ngàn lần.

Lúc đó, theo Trịnh Công Sơn thì:

Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian

Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản, cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng - của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng” cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời.

Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, chính trị gia - để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình - đã lừa phỉnh giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.

“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là gánh nặng cho bản tâm.

Đoạn đầu của bản nhạc có thể hiểu như sau: Mỗi người đều có một “tấm lòng”, một niềm tự hào (thực sự hay giả tạo) về nhân cách của mình. Hãy “để gió cuốn đi” cho tâm thanh thản. Nếu không, chính “tấm lòng” đó sẽ là khởi điểm của vạn lời dối gian, của muôn ngàn tâm sở bất thiện.

2/

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi

Cuộc đời cũng có lúc hạnh phúc, tâm trạng vui vẻ, và dĩ nhiên, cũng cần có tiếng cười. Nhưng cũng không nên cố bám giữ hoặc nuối tiếc tâm trạng hạnh phúc, tiếng cười vui vẻ đó làm gì. Hãy để nước cuốn trôi.

3/

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim, để buốt trái tim

Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên

Đến tuổi biết suy nghĩ và có cảm xúc ai chẳng sở hữu một (hoặc vài) “con chim đau, mang vết thương sâu” nằm đâu đó trong tim. Đừng ôm ấp chú chim tội nghiệp ấy như một “thú đau thương”. Hãy mở cửa trái tim để chim bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản.

Đến đây, qua 3 đoạn nhạc, TCS đã thể hiện chữ “buông” ở 3 trạng thái tâm:

     a/ Với “tấm lòng”: Hãy “để gió cuốn đi”

     b/ Với hạnh phúc (tiếng cười): Hãy để nước cuốn trôi.

     c/ Với khổ đau, bất hạnh: Hãy mở cửa trái tim để “con chim đau, mang vết thương sâu” bay đi.

4/

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai

Để hiểu rõ đoạn kết có lẽ cần nhìn “tấm lòng” kỹ lưỡng hơn chút nữa.

Có hai loại “tấm lòng”.

1/ “Tấm lòng” hướng ngoại: Là “tấm lòng” của ta dưới con mắt người đời (reputation: tiếng tăm). Người xây dựng tấm lòng theo lối hướng ngoại rất chú ý đến dư luận. Mỗi hành xử đều ra sức chiều ý, lấy lòng người đời để được tiếng tốt. Đây là loại tấm lòng giả, xây trên cát, rất dễ sụp đổ. “Tấm lòng” loại này sẽ sản sinh ra “cái tôi văn hóa” – cái tôi để sống với xã hội.

2/ “Tấm lòng” hướng nội: Là “tấm lòng” thật của chính ta. Mỗi suy nghĩ, mỗi hành xử đều tuân theo mệnh lệnh của trái tim, bất cần dư luận người đời, bất cần thiên hạ. Đây là loại “tấm lòng” TCS muốn muốn đề cập. Chính “tấm lòng” này sẽ sản sinh ra “cái tôi đích thực”.

Trịnh Công Sơn sử dụng đoạn kết của bản nhạc để dẫn độc giả đến một “tấm lòng” rộng hơn, sâu hơn. Theo ông, dù là “cái tôi văn hóa” hay “cái tôi đích thực” cũng là bản ngã, cũng là hình bóng của chính ta. Hãy cứ yêu đời và vui sống dù cái bản ngã đó đã “vắng bóng”, đã đuợc “gió cuốn đi”.  Có thể nói Trịnh Công Sơn - với một trí tuệ sáng suốt khác thường - mới khoảng trên 30 tuổi (1973), đã thả tầm mắt của mình đến tận trạng thái vô ngã của cái tâm con người.

Lỗi Kỹ Thuật

1/

Nghe rồi đọc kỹ phần đầu của câu hát:

“Những khi chiều tới cần có một tiếng cười”

trong tôi bỗng nẩy ra 2 câu hỏi:

     a/ Tại sao phải chiều tới mới cần một tiếng cười? Nếu ở thời điểm khác trong ngày mà bụng vui, miệng muốn cười thì sao? Chẳng lẽ phải bụm miệng lại chờ đến khi chiều tới?

     b/ Nếu chiều tới mà bụng không vui, miệng không muốn cười thì sao? Chẳng lẽ tự nhiên lại ngửa cổ cười kha kha kha cho những người quanh ta tưởng ta điên?

Dĩ nhiên, người nghe nhạc hiểu biết rồi cũng nhận ra ý tác giả. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật mà câu văn không thể “vẹn cả đôi đường” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì uổng quá.

Rồi còn phần sau:

để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi.

trong đó “ngậm ngùi” có nghĩa là buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ.

Nói đến chữ “buông” mà “buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ” khi tiếng cười bị “nước cuốn trôi” thì làm sao “buông” được?

Hai chữ “ngậm ngùi” đã làm câu nhạc dở hẳn đi.

2/

Cấu trúc của dòng nhạc và ca từ không song song, đồng bộ.

Độc giả thử cùng tôi nghe câu nhạc ở đoạn đầu:

“Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi”.

Và ở đoạn 2:

“Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi”.

Hai câu nhạc có âm và nhịp điệu hoàn toàn giống nhau. Về ý thì cùng nói đến chữ “buông”. Câu ở đoạn đầu nói đến sự buông bỏ “tấm lòng”; hiểu rộng ra là nhân cách hay bản ngã. Câu ở đoạn 2 nói đến sự buông bỏ tiếng cười, nghĩa là niềm vui hay hạnh phúc.
                                             
Ấn tượng về sự buông bỏ đang bắt rễ thì ở đoạn 3, cũng câu nhạc có âm và nhịp điệu đó, thay vì nói đến sự buông bỏ nỗi khổ đau, niềm bất hạnh - chẳng hạn như:

“Để chim bay đi. Để chim bay đi” (Tôi chỉ nói ý; nếu muốn hợp với âm điệu của câu nhạc phải tìm nhóm chữ khác)

để có hiệu ứng cảm xúc của sự lập đi, lập lại nhiều lần một ý tưởng thì lại bị dùng để diễn tả chính nỗi khổ đau, một ý hoàn toàn khác:

“Để buốt trái tim. Để buốt trái tim”.

Còn sự buông bỏ nỗi khổ đau thì phải chờ đến cuối đoạn – câu nhạc có âm và nhịp điệu khác hẳn:

“Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên”

Cách diễn đạt như vậy làm người nghe nhạc và người đọc ca từ khó “bắt” được ẩn ý của tác giả. Mà nếu nhờ đọc kỹ và “bắt” được ẩn ý đó thì ấn tượng cũng không được sâu sắc.

Hơn nữa, trong đoạn đầu có phần sau khá dài nói đến cái lợi của việc “để gió cuốn đi” (2 câu đầu) và hậu quả của sự cố chấp, nuối tiếc, không dám hoặc không có khả năng buông bỏ (2 câu sau):

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian

Cho nên đoạn 3, vì không cần lập lại cái ý đó nữa, sẽ có một đoạn nhạc trống, không có ca từ.

Ý chính của đoạn 3 chỉ còn là: “Nếu có con chim bị thương nằm đâu đó trong tim, hãy để nó bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản” (24 chữ). Vì thừa nhạc nên Trịnh Công Sơn phải thêm 31 chữ nữa (tổng cộng 55 chữ) trong ca từ để lấp chỗ trống. Chính vì thế đoạn nhạc này có nhiều chữ, nhiều câu nếu không “vô tích sự”, thí dụ như:

Chỉ lặng nhìn, không nói năng

thì cũng chỉ đóng vai “thợ vịn”, đóng góp rất ít cho đoạn nhạc.

Chỉ Có Lý – Chưa Có Sự

Một điểm yếu nữa của Trịnh Công Sơn trong Để Gió Cuốn Đi là mặc dù được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ ảo diệu, hình tượng gợi cảm, thông điệp về chữ “buông” của ông đến từ bộ óc chứ không phải con tim. Nói khác đi, nó là sản phẩm của lý trí. Theo tôi, ông đã hiểu, đã ngộ, đã “thấy’ một cách sâu sắc, đến ngọn đến ngành nguyên nhân nỗi khổ tâm của con người. Tuy nhiên, thông điệp của ông, theo ngôn ngữ thơ, chỉ có ý mà chưa có trải nghiệm; theo ngôn ngữ thiền, chỉ có lý mà thiếu sự - ông chưa đưa tâm của mình vào khung cảnh bản nhạc để thực chứng ý tưởng về chữ “buông” của mình.

Kết Luận

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
(Bùi Giáng)

Miên trường, theo tự điển Phật Học có nghĩa là dài lâu, vĩnh cửu
Đó là 2 câu thơ – như một lời chào – Bùi Thi Sĩ muốn gởi đến những người bạn đã “thấy”, đã ngộ được chữ “buông”. Lúc ấy, họ đã bỏ sau lưng những tháng năm dài mê muội, chấp giữ, tiếc nuối, để thấy phía trước là một mùa xuân bất tận – tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh. Với một trí tuệ như thế, một cái tâm như thế, tuy bến bờ giải thoát cũng còn một khoảng cách nữa, nhưng không phải là đã nắm chắc trong tay chiếc chìa khóa có thể mở cánh cổng bước vào những đoạn đời an lạc để thanh thản vui sống hay sao?

Nếu có ai đó trong số độc giả “thấy” được điều này chắc sẽ nhớ đến Trịnh Công Sơn, ngưỡng mộ và cảm mến một nhạc sĩ tài hoa, có cái nhìn sắc bén, chạm đến được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nhưng nhớ, ngưỡng mộ và cảm mến một chút vậy thôi. Sau đó, chắc rồi cũng như tôi, sẽ lại “để gió cuốn đi”.

Texas ngày 28 tháng 12 năm 2018

PHẠM ĐỨC NHÌ

READ MORE - BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” - Phạm Đức Nhì