Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 25, 2017

NGƯỜI EM KẾT NGHĨA *Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu



NGƯỜI EM KẾT NGHĨA
 *Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu

Tôi gặp và quen, sau này trở thành thân thiết với Sứt trong một lần qua Lào làm cho một công ty chuyên trồng cao su. Tôi cho đó là cái duyên trong đời hơn là một sự tình cờ. 
Mới đó mà đã hơn 10 năm rồi! Thời gian cứ như con thoi vậy, nhanh thật! Năm đó, ở quê công việc thất thường, thêm thời tiết lúc mưa lúc nắng, tôi vốn làm công việc thợ xây nên nhiều ngày có việc, nhưng không làm được. Một thằng bạn thân đã qua làm tại nước Lào “thâm niên” gọi: 
-Nếu không có việc thì qua đây làm với tao. Bên này nhiều việc lắm. nếu đồng ý thì làm hộ chiếu, đầu tháng qua nhé! 
Tôi chần chừ, chưa trả lời ngay; rốt cuộc, tôi cũng đồng ý với bạn. Bởi ở nhà lâu, không có việc làm đâm chán, phần nữa, tôi cũng muốn xuất ngoại một chuyến xem sao. Ngày trước, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội rồi. Đó là thời gian làm nghĩa vụ quân sự, sau khi hoàn thành 3 tháng quân trường, và chuẩn bị đưa qua nước Lào để bù vào quân số thiếu hụt thì trên lệnh xuống rút toàn bộ sư  đoàn về nước. 
Lần này, tôi háo hức lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi đi làm ăn xa nhà. Vợ tôi chuẩn bị cho tôi, nào là chăn màn, thuốc chống sốt rét, đến những vật dụng nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng. Vợ tôi dặn: 
-Anh qua bên đó cần thận và coi chừng cái bệnh sốt rét, người ta nói bên ấy sốt dữ lắm; thời ở bộ đội anh đã mắc phải rồi; bây giờ càng phải phòng hơn, chứ đừng chủ quan. 
 Tôi cười, bảo: 
-Em làm như anh là đứa con nít không bằng, mà anh đi làm chứ có phải đi đày đâu mà lo dữ vậy. Hơn nữa, bên đó có thiếu thứ gì mà phải mua tại đây! Qua bên, mua vẫn được mà! 
Nói thì nói vậy, tôi vẫn ngoan ngoãn cho các thứ lặt vặt ấy vào túi xách gọn gàng. Đợi ngày lên đường…

***

Chuyến xe chở chúng tôi hướng về phía tây Quảng Trị, xuất phát khoảng 7 giờ sáng. Hôm đó, trời mưa tầm tã, cuộc “chia tay” nho nhỏ với gia đình thêm phần bùi ngùi hơn! Con đường từ Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo ngoằn nghoèo như một con trăn khổng lồ uốn lượn theo những triền dốc thoai thoải. Những bản làng với những mái nhà sàn nấp sát vào những quả đồi chìm vào màu mưa trắng xóa. Người dân không đi rẫy được, tụm ba tụm bảy tán chuyện gẫu. Tôi cảm nhận người dân ở đây đang rất khó khăn. 
11 giờ trưa thì đoàn chúng tôi đi qua địa phận Lào. Một anh chàng quê ở Quảng Bình phá tan bầu không khí im lặng ở trên xe: 
-Bây giờ chúng ta đã qua đất nước Lào, thế là chúng ta trở thành người Lào rồi. “Noong” ơi! “Ải” đây rồi. 
Chuyến xe bắt đầu bỏ đường cái trải nhựa, rẽ vào con đường đất đỏ dẫn vào rừng, một lúc thì dừng lại ở một khu đất rộng mênh mông, ở đây, người ta phá rừng để trồng cao su. Những khúc gỗ to đùng được cho xuống vùng đất thấp và châm lửa đốt, khói còn đang âm ỉ; gỗ cháy xong, máy ủi lấp đất lên phiá trên. Nhìn những khu rừng mênh mông tít tắp, xa xa hơi đá núi bốc lên tạo thành những đám mây bay tà tà ở các thung lũng của mấy quả đồi, tôi cảm giác lành lạnh, buồn buồn. 
Những người quản lý sắp xếp chỗ ngủ nghỉ xong thì trời đã về chiều. Sau một cuộc hành trình dài 500 km, ai nấy mệt lả đang nằm nghỉ ngơi. Riêng tôi, tôi muốn đi một vòng xung quanh để khám phá vùng đất mới. Lòng vòng một lúc, tôi quay lại khu trại. Có tiếng ai gọi, rặt giọng Bắc: 
-Này người anh em, đến đây làm cùng tôi một ly cho ấm. Đầu lạ, sau quen mà! Cùng là dân làm thuê cả! Bác ngại gì! 
Tôi dừng lại, đưa mắt nhìn về phía sau; ở một góc lán, một anh chàng đen như cột nhà cháy, đang ngồi trên chiếc chiếu cói đã rách, trên đó, đặt một chai rượu đế, một dĩa đậu phộng rang. Mặt anh ta đỏ lừ như đầu gà chọi nhưng ánh mắt lộ nét chân thật. Tôi chần chừ một hồi. 
-Bác từ chối em à! Cũng là dân cày, sao bác lại ngại  em? 
Thôi, dù gì mình cũng là “lính mới” còn anh ấy là “lính cũ”, tôi tiến lại gần. 
-Này bác, rượu Lào đây bác nhé, tuyệt cú mèo luôn. Bác đã lần nào uống rượu Lào chưa? Vừa nói, anh ấy vừa với tay lấy cái ly thủy tinh đằng sau lưng và rót đầy rượu. Nếu chưa thì lần này bác thử xem nào. Tuyệt lắm! 
Thấy tôi lưỡng lự, nhìn chiếc ly thủy tinh sứt miệng và không sạch cho lắm - đục ngàu. Anh ấy lên tiếng: 
-Không sao đâu bác ơi! Ở đây rừng núi, cái gì cũng thế cả, đến con người cũng sứt lên sứt xuống, huống hồ là ly với bát! 
Tôi cười thầm, bụng bảo dạ: “Tính cách của mấy bợm nghiện rượu nặng đây rồi, đa số mấy bợm nghiện rượu đều có hơi hướng như thế này cả!” 
-Bác ở đâu? Anh ấy hỏi cộc lốc. 
Tôi cũng đáp cộc lốc: 
-Quảng Trị. 
-Bác lần đầu qua đây à? Làm ở bộ phận nào? 
-Tôi làm ở bộ phận thợ xây, nghe nói ở đây công nhân chưa có chỗ ở, phải không? 
Anh ấy mừng rỡ, đưa tay đập xuống đùi kêu cái đét. 
- Thế là bác và em cùng một công việc rồi. Ha ha!
Hơi men đã ngấm vào, anh ấy cứ lắc lư cái đầu, tóc tai bù xù che khuất vầng trán. Tôi tranh thủ hỏi: 
-Chú mày qua đây làm lâu chưa? 
-Em qua đây đã hai năm rồi, bác ạ! Hai năm qua em chưa hề về quê lần nào cả, mà em chả muốn về! 
Tôi tò mò: 
-Sao vậy? Hai năm rồi mà không về nhà à? Nhà là nhất chứ có đâu bằng! 
Hình như câu nói của tôi chạm vào lòng trắc ẩn của anh ấy thì phải. 
-Về làm gì hở bác? Gia đình của em nó tan nát như xáo bành? Ai đó bảo, quê hương là chùm khế ngọt nhưng đối với em nó là chùm khế chua…. Vợ em bỏ em đi rồi! Con cái thì đành phải gửi ông bà nội để em qua đây làm kiếm tiền gửi về quê cho nó ăn học. Đêm nay, bác ngủ với em nhé! 
Rồi anh ta chỉ tay về phía xa xa: 
- Ở đầu kia, em có “túp lều lý tưởng” em tự làm đấy. Làm để em ra đó ở một mình cho nó độc lập tự do, “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà! Nếu bác không chê, mời bác đêm nay ở lại đó với em, em sẽ kể cho bác nghe cái gia đình của em. 

***

Đêm đã về khuya, tôi nhìn chai rượu đã hết. Chai rượu 0,7 lít, loại rượu của Lào nặng lắm, tôi uống độ 2 ly nhỏ, còn lại một mình anh ấy uống hết. Tôi bảo với anh ấy để tôi dìu về lều ngủ, anh ấy ngoan ngoãn vâng lời. 
Căn chòi theo như lời anh ấy nói là “túp lều lý tưởng” được làm sơ sài, tạm bợ, bốn góc chôn bốn cái cột gỗ. Loại cột gỗ này bên Lào sẵn lắm, tìm đâu cũng thấy, dân địa phương thường dùng làm củi đốt. Mái lợp bằng 4 tấm tôn phi-brô-xi-măng. Căn lều rộng chừng 4 m2, vừa đủ kê 1 chiếc giường, 1 cái tủ nhỏ. Tôi nhìn thấy trên tủ kê bức ảnh của một người phụ nữ khá xinh xắn. Tôi hỏi: 
- Ai đó hả chú? 
Anh ấy trả lời trong hơi men nồng nặc: 
- Vợ em đó bác à! Đã 5 năm em chưa gặp lại. 
Rồi anh ấy rưng rưng: 
- Đêm nay ngủ lại đây bác nhé! Bác mà về thì em buồn lắm. 
Thú thật, lúc đầu tôi định dìu anh ấy về đến lều thì về lại chỗ ngủ mà người ta đã sắp xếp cho tôi lúc chiều. Nhưng lúc này, tôi thấy trong lời nói của anh ấy có gì đó chân thật, tội nghiệp, tôi từ bỏ ý định ban đầu. 
Thời gian này, Lào đang là mùa khô, ánh trăng soi rõ mồn một vạn vật. Những chú tắc kè đang mùa động dục, kêu lên những tiếng “tắc kè, tắc kè” não nuột. Với tôi đêm đầu tiên xa nhà lại càng buồn thêm. Khi cả hai bắt đầu nằm xuống chiếc giường cũ kỹ, anh ấy bắt đầu thủ thỉ về gia đình, về người vợ và những đứa con, vùng quê ở tận phía Bắc của đất nước… 
-Bác à! Em kể, bác đừng ngủ nhé! Chuyện buồn bao giờ cũng làm cho người khác không muốn nghe và buồn ngủ. Thú thật mới gặp bác lần đầu, mà đem chuyện gia đình của mình ra kể cho bác nghe, thì cũng vô duyên thật, nhưng bác đừng chấp trách gì em là được. Từ khi mới gặp bác, em đã mến bác rồi… Đừng hỏi vì sao bác nhé! 
Anh ấy rào trước đón sau một hồi rồi bắt đầu: 
-Bác biết không? Cái số em nó khổ từ khi mới lọt lòng mẹ. Nó ám em từ lúc mới sinh, mới chào đời, em đã bị tật sứt môi nên bố em mới đặt cho cái tên là Sứt. Bác nhìn đây này! Lên 8 tuổi, được một tổ chức từ thiện phẫu thuật, giờ em mới được như thế này đây. Nhà em đông con, em là con trưởng nên em phải làm lụng từ sớm để kiếm cơm cho mấy đứa nhỏ. 22 tuổi, em lập gia đình, vợ em là người cùng xã. Cưới vợ được 1 năm, bố mẹ tách riêng, cho cái nhà trên nền đất hương hỏa. Xã cấp cho 3 sào ruộng cạn. Cuộc sống cứ dần dần trôi theo năm tháng, em làm thợ xây còn vợ em ngày ngày ra ruộng. Không dư dả gì nhưng cũng tạm ổn, cũng lo được con cái đến trường giống người ta. Em có 2 con, thằng đầu nếu còn sống thì năm nay đã 20 tuổi rồi, bác ạ! Đứa con gái năm nay được 17 tuổi… Đéo mẹ! Nếu không có vụ sân gôn sân ghiếc thì đời em có đến nỗi đâu! Đùng một cái, huyện thông báo thu hồi đất nông nghiệp để nhà đầu tư làm sân gôn. Dân mình thời nay ngu lắm bác à! Mất đất là coi như mất cái ao để mình câu cá, vậy mà họ mừng, họ quýnh cả lên vì sắp được cầm số tiền mà lâu lắm rồi họ không có, cả đời không mơ tới. Khắp nơi, từ đầu làng đến cuối làng, ở đâu cũng có người tụm ba tụm bảy bàn tán chuyện tiền nong. Người già thì lo xa hơn, ai đời còn sống sờ sờ ra đấy mà kêu thợ đến võ võ vẽ vẽ xây cho mình cái lăng mộ khi về với đất. Đám choai choai nam nữ bỏ bê công việc không đi làm gì hết, tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng, tây không ra tây, ta không ra ta, người hay là ngợm chẳng ai hay. Tờ mờ sáng, chúng tụ tập ở những quán nhậu, say lên, đánh nhau toác đầu cả ra. Chiều về, lại ghi đề đóm, không ít gia đình tan nát vì cái nạn này bác ạ! Đứa nào cũng đòi bố mẹ mua xe loại xịn, phân khối lớn, ngày ngày chạy như bay trên những con đường gồ ghề để rồi tai nạn chập mặt. Nhiều hộ còn sắm cả những giàn karaoke công suất lớn, ngày nào, giờ nào cũng bật máy hát đinh tai nhức óc. Ở cạnh mấy hộ ấy, nhà nào có con đi học không tài nào học bài được. 
 Thằng con trai đầu của em mất cũng vì em chiều nó, đêm nào, đi đâu về, cũng đòi: “Ba mẹ mua cho con chiếc xe máy giống thằng Hùng con ông Dũng đầu làng đi, bố mẹ! Thua ai chứ con mà thua nó là con không chịu được!”. Lúc đầu, em một mực từ chối không mua, cái loại xe máy đó em biết, đã chạy là chạy như chớp, em sợ! Rồi có một lần nó dọa: “Nếu bố mẹ không mua cho con thì chiều nay đến đầu cầu ở huyện mà đem xác con về!”. Ôi chao, đời thuở nào con cái mà dọa, ăn nói với cha mẹ như thế, hả bác! Thằng này nó làm thật đấy, bác ạ! Em sinh ra nó, em biết mà! Hồi nó nhỏ, một lần bà cô nó để cái ví ở đâu đó, khi đi chợ thì phát hiện 100 nghìn trong ví không cánh mà bay, thế là một mất mười ngờ, nghi nó lấy trộm, nó làm toáng lên, xuống bếp lấy con dao phay hằng ngày thái thịt chạy lên nhà trên, mặt hằm hằm: “Cô bảo con lấy 100 nghìn của cô thì cô hãy giữ ngón tay của con làm kỷ niệm”, rồi hắn kê ngón tay trỏ lên bàn, đưa con dao sáng loáng bụp một cái nghe ngọt xớt. Ngón tay rơi xuống sàn nhà, máu ở bàn tay chảy ra lênh láng. Không nói không rằng, nó bỏ đi đâu đó 5 ngày không về… Thế là lần này, em phải chịu thua mà chiều nó. Chiếc xe máy mới toanh, mới lấy buổi sáng thì buổi chiều nguời ta báo tin nó bị tai nạn đầu cồng làng. Em đau lắm! Em ân hận mãi đến bây giờ. 
Rồi đến con vợ của em, từ khi mất ruộng, coi như mất nghề, thất nghiệp. Bởi ngoài việc đồng áng ra, vợ em chưa hề biết làm công việc gì cả. Người có nhà mặt tiền thì còn được, họ mở hàng tạp hóa hay quán hàng gì đó. Chứ nhà em ở cuối làng, trong ngõ nhỏ thì làm sao, hả bác! Cả gia đình chỉ dựa vào tiền công thợ xây của em thì làm sao mà ổn. Chừng độ một năm, tiền đền bù đất ruộng dần dần cạn. Gia đình em rơi vào cảnh khốn cùng. Nhiều đêm hai vợ chồng trằn trọc không sao ngủ được để bàn chuyện làm ăn, nhưng không tìm ra được lối thoát… Vợ em bảo: “Anh à! Hay anh để em làm giấy đi xuất khẩu lao động, chứ ở nhà thế này thì làm sao!”. Em hỏi: “ Qua bên ấy làm việc gì?” Vợ em đáp, tự tin: “Họ làm được thì mình làm được, em đi độ vài năm kiếm chút vốn liếng là về mở cái gì đó ở quê mà sinh sống”.  Vài tháng sau, vợ em qua Đài Loan làm osin. 
-Thế thím đi, kiếm được có khá không? Tôi hỏi. 
-Trong năm đầu tiên, tháng nào cũng gửi về cho em kha khá, đủ trang trải mọi việc trong gia đình và lo đứa con gái học lớp 10 tại trường huyện. Qua năm thứ 2 thì bặt vô âm tín. Em ở nhà lo lắng vô cùng, không biết vợ em bên kia xảy ra chuyện gì nữa. Hỏi những người đã từng qua bên ấy thì tất cả đều không biết. Em chán nản, đâm ra rượu chè từ đó. Rồi một ngày, có một cô gái ăn mặc có vẻ sang trọng tìm đến nhà em. Tưởng là cô ấy đem tin tức về vợ em đến cho em, em mừng lắm, mời cô ấy  vào nhà uống nước. “Xin lỗi, anh có phải là anh Sứt không ạ?” Em mừng rỡ: “Phải, tôi đây. Tôi là Sứt…” “Chị Liên (tên vợ em)  có gửi em cái này.” Rồi cô ấy đưa cho em một bọc vuông vuông được gói cẩn thận bằng một lớp giấy kèm theo một lá thư. Em chưa vội mở lá thư ra đọc, hỏi: “Chị làm ơn cho tôi hỏi vợ tôi bên đó thế nào rồi? Có chuyện gì mà mấy lâu nay tôi không liên lạc được?”  “Anh hãy mở lá thư này ra và đọc thì sẽ biết, tôi cũng mới gặp và biết chị Liên được mấy tháng nay thôi anh ạ!…Xin lỗi anh, tôi phải đi đây kẻo xe đang đợi ngoài cổng. Chào anh!” Cô ấy đi ra cửa. Ngoài đường, một chiếc ô tô bốn chỗ  đang bóp còi inh ỏi”… 
Đến đây, bỗng tôi vùng dậy, hỏi: 
-Thế trong thư nói gì? 
Sứt ngáp dài mấy cái, giọng bực tức: 
-Khốn nạn lắm, bác à! Trong thư, vợ em xin tha thứ vì đã phản bội em và con. Còn cái bọc giấy gói 50 triệu, vợ em bảo em hãy dùng số tiền này mà lo cho con ăn học. Hôm ấy, em cầm số tiền ấy, vung bay khắp nhà, như một thằng điên. Em hét toáng lên như thể muốn cho đất trời hiểu nỗi bất hạnh của cuộc đời em. 
Trong đêm thanh vắng của núi rừng âm u, tôi nghe rõ tiếng nấc của Sứt mà lòng quặn thắt. 
-Bác biết không? Sau đấy, em đâm ra đau ốm mấy tuần liền; nhờ đứa con gái nó động viên, em mới vượt qua được cú sốc ấy. Khốn nạn thật! Em đã tìm hiểu kỹ, hóa ra vợ em qua bên ấy chăm sóc cho một phụ nữ bị tai biến nằm liệt giường - vợ của một đại gia Đài Loan. Được một thời gian, bà ấy mất. Ông Đài Loan quay sang tán tỉnh vợ em - một người đàn ông mất vợ và một người phụ nữ xa chồng sống gần nhau. Vợ em đã ngả lòng. Oái oăm, phải không bác, nhưng đời là vậy! 
Rồi Sứt quay sang hỏi tôi: 
-Bác ngủ rồi à?

***

Sáng hôm sau, tôi thức dậy; ánh nắng xuyên qua mái lều đến chiếc giường tôi nằm. Những ngày tháng sau, đầu tôi cứ lẩn quẩn câu chuyện Sứt kể; dù lúc làm việc hay lúc nằm nghỉ, nó ám ảnh tôi hoài. Tôi càng thấy thương Sứt hơn. Trong công việc tôi thường an ủi, giúp đỡ, động viên để Sứt làm tốt công việc của mình. Tôi nhận thấy ở Sứt một con người tình cảm,  chân thật và có trách nhiệm. Mặc dù Liên, vợ Sứt phản bội tình nghĩa nhưng Sứt vẫn mãi thương và yêu vợ - đi đâu, Sứt cũng đem theo bức ảnh của vợ, thỉnh thoảng Sứt còn đem ra ngắm nghía, lau chùi.

***

Ở Lào được khoảng 6 tháng thì thời tiết chuyển sang mùa mưa, công việc xem ra khó khăn, không làm được, công ty đành thanh toán cho tất cả công nhân lao động để về quê. Tôi và Sứt phải chia tay. Kể từ đó, tôi không được gặp Sứt nữa. 
Thế rồi, một buổi sáng khi đang ngồi trong quán Café với mấy đứa bạn thân, bõng tiếng chuông điện thoại reo: 
- Alô, anh em mình lâu ngày, bác nhỉ? 
Tôi nhận ra tiếng của Sứt, mừng khôn xiết. 
-Ôi, lâu ngày thật! Thế bữa nay sao rồi, làm ăn có được không? 
-Tàm tạm thôi, bác ơi! Từ ngày về quê, em xác định rồi. Đời là vậy, không có gì là không vượt qua nếu ta có chí tiến tới. Em dành dụm và mua được một ao tôm, thành ra, bữa nay cũng ổn định rồi. À, báo cho bác biết, đứa con gái của em vừa mới lấy chồng tận Hà Nội đấy. Nó cũng ổn lắm. 
Tôi đáp, chúc mừng: 
-Thế thì chúc mừng chú mày nhé! Ông ngoại rồi còn gì!
-Mừng là mừng con gái có gia đình, nhưng bây giờ em vẫn chỉ sống một mình, buồn lắm bác à! À! Có chuyện này em muốn thưa với bác, nếu không chê thằng em Bắc kỳ nhiều chuyện này thì bác cho em làm thằng em kết nghĩa bác nhé! 
-Tưởng chuyện gì, hóa ra là chuyện tình cảm anh em. OK! Khi nào sắp xếp thời gian, anh em mình làm một bữa cho ra trò để mừng sự kiện trọng đại này chứ! Được không? 
Đầu máy bên kia cất tiếng cười thoải mái: 
-Vậy thì tốt quá đi, bác ơi! Thôi, chào bác nhé. Em sẽ thu xếp để vào với bác một chuyến. 
Sau câu chuyện này, tôi nghiệm ra rằng ở đời, niềm vui và nỗi buồn luôn song hành cùng nhau; và vui hay buồn cũng là phần của cuộc sống.

 Đông- 2017.
HOÀNG HỮU CHIỂU



READ MORE - NGƯỜI EM KẾT NGHĨA *Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu

RÊU XANH LỐI VỀ *Thơ Sĩ Chương


RÊU XANH LỐI VỀ

Nhớ mùa đông trước gió heo may
Thương quá em ơi! những tháng ngày
Anh về vườn cũ mưa giăng bụi
Lặng thầm đứng ngắm lá me bay

Em rất hồn nhiên tuổi mộng mơ
Hò hẹn trắng đêm thức đợi chờ
Hiên ngoài sương lạnh choàng vai áo
Cho kẻ si tình dệt ý thơ

Ngày xưa hai đứa đứng nơi nầy
Bóng chiều thấp thoáng tóc mây bay
Hương thơ thả xuống vườn xanh mượt
Ngập lối em về hoa cỏ say

Đông trước mùa mưa em nhớ không ?
Người xưa nay đã bước theo chồng
Và anh cũng bỏ xa vườn cũ
Mang kiếp dơi buồn ngủ suốt đông

Hôm nay trở lại khu vườn xưa
Trời hanh hanh nắng gió đong đưa
Dấu vào thềm cũ rêu xanh lối
Ngang ngát hương thơm bưởi trái mùa.

SĨ CHƯƠNG   
12/2017
READ MORE - RÊU XANH LỐI VỀ *Thơ Sĩ Chương

CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA “CÁNH ĐỒNG” - THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG *Phạm Đức Nhì



CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA “CÁNH ĐỒNG” - THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG
*Phạm Đức Nhì

Từ Bình Luận Của Bạn VŨ ĐỨC Trên Facebook

Dưới bài viết Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ của tôi (PĐN) trên trang Vạn Nẻo Tình Thơ bạn Vũ Đức đã có một bình luận rất hay như sau:
Tôi thì không nghĩ thế. Dù đã đọc. Đọc, và đọc lại. Nhận thức của tôi còn lại là: Thơ đọc mà không hiểu, có thể do "sức khoẻ" bạn đọc. Nhưng cũng có thể do “sức khoẻ” người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia. Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề. (1)

Dựa vào vốn ngữ vựng, câu văn, sự hiểu biết về văn chương và khả năng diễn tả ý tưởng bằng văn chương, tôi, không đoán, mà biết chắc rằng bạn Vũ Đức là người sành sõi trong thế giới chữ nghĩa. Bạn đã đọc đi đọc lại bài thơ Cánh Đồng (và mấy bài trong phần phụ lục) mà vẫn không hiểu. Và bạn cho rằng “Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khỏe’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khỏe’ người viết.” Bạn dùng hai chữ “sức khỏe” rất hay và tôi rất khoái.

“Sức Khỏe” Của Nguyễn Đức Tùng Trong Bài Thơ CÁNH ĐỒNG.

Tôi không học Y Khoa nhưng cũng liều đeo ống nghe để khám “sức khỏe” cho anh Nguyễn Đức Tùng (người viết). Riêng bạn Vũ Đức (người đọc) thì tôi sẽ cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ bài thơ để bạn đọc lại một lần nữa và sau đó sẽ tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” (đọc thơ) của mình. Cuộc khám này chỉ giới hạn ở chức năng truyền thông – nghĩa là xét xem chữ nghĩa của thi sĩ có đủ rõ ràng mạch lạc để người đọc “bắt” được tứ thơ hay không mà thôi.

Trước hết xin trích 5 câu đầu của bài thơ:

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

Nguyễn Đức Tùng đã diễn đạt rất rõ ràng, ngôn ngữ và cách hành văn của anh có thể nói là tối giản, tôi cố tóm tắt nhưng chắc cũng không gọn hơn được bao nhiêu:

Chồng đi xa, sau ba năm chung thủy, chị đã ăn nằm với người đàn ông khác, xấu xí và già hơn chị nhiều.   

Tiếp theo là 5 câu cuối:

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

Một buổi chiều bão tố, tác giả (và vài người khác) đến đó thì người đàn ông đã ra đi, chỉ còn lại trên đồng lúa vết xước của dĩa bay.

Ở 2 câu cuối, tác giả đã sử dụng thủ pháp Show, Not Tell đơn giản (cắt bớt một nhịp cầu), người đọc dựa vào chi tiết “vết xước của dĩa bay trên đồng lúa” để suy ra “người đàn ông ấy đến từ một tinh cầu khác”.   

Gộp lại, tứ thơ sẽ là:

Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa, người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác.

Người đọc hiểu được như vậy là tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ đưa họ tới “bến bãi” (điểm đến của tứ thơ). Chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Tuy nhiên, ý của NĐT trong Cánh Đồng không phải ngừng ở đó. Đối với cách hành xử “ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác” của người phụ nữ, người đọc có thể chấp nhận hoặc phản đối. Và thái độ chấp nhận hoặc phản đối ấy sẽ chạm đến chữ Dâm, nhu cầu thỏa mãn “cái khoái thứ ba”- rất nhân bản của con người.

Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.

Thích bình thơ nên tôi chỉ khám “sức khỏe” thi sĩ. Mà chỉ dám khám trong từng bài thơ chứ không “bạo mồm” như vài nhà phê bình khác - giới thiệu cả một tập thơ mà phán “bài nào cũng hoàn hảo”. Đến đây có thể nói, theo cách khám của tôi, “Qua bài thơ Cánh Đồng, với cương vị người viết, ‘sức khỏe’ của anh Nguyễn Đức Tùng rất tốt.”    

Một Bài Thơ Khác

Để giải thích rõ hơn xin mời bạn Vũ Đức và bạn đọc cùng tôi đọc bài thơ Cha Và Con – cũng của Nguyễn Đức Tùng.

CHA VÀ CON

Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất

Tôi trở về nằm trên chiếc giường cưới của ông

Đọc cuốn Kiều để mở

Nửa đêm thức dậy ngồi đánh cờ một mình

Buổi sáng cạo râu bằng dao cạo của cha tôi


Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất

Tôi về bốc mộ ông

Cầm nắm đất trên tay

Gió thổi

Một chiếc xương cá mỏng


Buổi chiều tôi mang đôi ủng của cha tôi

Đi thăm cánh đồng nước lớn

Đứng trước hiên nhà

Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa


Tứ thơ: Trở về, bên cạnh những kỷ vật gợi nhớ người cha đã mất, tác giả bỗng “Đứng trước hiên nhà chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa.”

Đây cũng là thủ pháp Show, Not Tell rất khéo. Bằng câu “Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa” NĐT đã, rất điệu nghệ, đưa mình vào làm một mắt xích trong sợi dây xích dài của huyết thống, dòng tộc. Đây chính là “điểm đến của tứ thơ”.

Tuy nhiên, nếu muốn, người đọc có thể thả hồn đi xa hơn nữa. Bởi chỉ có con trai mới thực hiện được nhiệm vụ nối dõi tông đường, kéo dài sợi dây xích của dòng tộc nên bài thơ cũng chạm đến tập tục trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) (2), vấn nạn phân biệt giới tính đang làm nhức đầu giới lãnh đạo của rất nhiều nước trên thế giới.

Kết Luận

Tôi rất đồng ý với bạn Vũ Đức trong phần đầu của bình luận:

“Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khoẻ’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khoẻ’ người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia.”   

Chỗ khác biệt giữa bạn và tôi là câu kết:

“Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề.”

Ở phần trên, tôi đã cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ, cung cấp thêm dữ kiện để bạn Vũ Đức đọc lại một lần nữa rồi tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” đọc thơ của mình. Cũng xin nói thêm cho bạn Vũ Đức yên tâm. Nếu bạn không thả hồn đi tiếp để thưởng thức cái đẹp của bài thơ ẩn nấp ở phía sau tứ thơ thì cũng đừng áy náy. Số người đọc giống bạn cũng không phải là ít. Tuy nhiên, nếu đọc hết bài này mà một người văn chương “nhuyễn” như bạn vẫn không đặt chân vào được “điểm đến của tứ thơ” và vẫn xem Cánh Đồng (và “những con tương cận” với nó) không phải là thơ (vì đọc mà không hiểu) thì … không phải “thơ ca Việt Nam đang có vấn đề” mà do “sức khỏe” của bạn suy sụp. Suy sụp nghiêm trọng đấy, bạn Vũ Đức ạ.  

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ https://www.facebook.com/groups/849883105182793/permalink/867840860053684/?comment_id=868050010032769&notif_id=1513700995640711&notif_t=group_comment.

2/ Một trai nói có, mười gái nói không
READ MORE - CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA “CÁNH ĐỒNG” - THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG *Phạm Đức Nhì

VỌNG PHU 1-2-3 - Thơ Tình Lục Bát *Lê Kim Thượng



Thơ tình lục bát

VỌNG  PHU  1 - 2 - 3

1.

Ngủ đi... giấc mộng tình quê
Đong đưa tiếng võng... vỗ về chiêm bao
Lời ru Lục Bát... Ca Dao...
Đưa ta về cõi trăng sao quê nhà
Đơn sơ cây ớt, cây cà
Chim cu, chim quạ... bay qua nỗi chờ...

2.                   

Làng xưa, xóm cũ trong mơ
Đình xưa rêu ngói, bây giờ còn không
Se se gió Bấc cuối Đông
Tiếng đàn Vọng Cổ bềnh bồng... tình tang
Nắng rơi ngập cánh đồng làng
Mênh mông biển lúa óng vàng đong đưa
Bờ ao, bến nước, gốc dừa
Hương quê, hương đất thoảng đưa dịu dàng
Chiều trôi theo bóng mây ngàn
Bóng em trong nắng... nắng vàng hiu hanh
Chiều thơm khói bếp mái tranh
Vườn cau hoa trắng... trầu xanh mướt vườn
Hoa quê Dủ Dẻ nhả hương
“Gừng cay... muối mặn...” ngọt đường lời ru
Sông dài chảy mãi thiên thu
Ngàn năm soi bóng Vọng Phu trông chồng
Mùa xanh hương lúa đòng đòng
Tình quê lòng vẫn giữ lòng đinh ninh
Sóng đùa trăng... ánh lung linh
Nước trôi... trôi cánh Lục Bình tha hương
Ôm trăng ngủ giấc miên trường
Bốn bề tịch lặng... Vô Thường thành hoa...

3.   

Ngóng trông quê cũ nhạt nhòa
Chiều hoang, loang tím vỡ òa... Buồn ơi...
Trăng nghiêng sao đổ trên trời
Nghe đêm huyền hoặc... nghe đời lãng du
Vọng Phu gió thổi lời ru
Đau lòng Chinh Phụ... Chinh Phu võ vàng
Lẻ loi con Cuốc khóc than
Thương người xa xứ... phụ phàng tình quê
Làm sao bỏ được bộn bề
Cùng quê đối ẩm... rượu thề trăng suông
Quê người khúc hát buồn buồn
Câu ca “Uống nước nhớ nguồn...” buồn thiu
Gió Nam muộn thổi hiu hiu
Cửa Sài gió gọi hắt hiu thầm thì
Mười năm ghi dấu phân ly
Mười năm tình cũ... sầu bi bóng tà...
Tóc râu cằn cỗi tuổi già
Tình quê lòng vẫn thiết tha thắm đằm
Trời còn trăng khuyết, trăng rằm
Núi mòn, sông cạn... trăm năm một lòng...
                                        
                               Nha Trang, tháng 12, 2017.

                                    Lê Kim Thượng
lekimthuongtho@gmail.com
READ MORE - VỌNG PHU 1-2-3 - Thơ Tình Lục Bát *Lê Kim Thượng

RU KHÚC TÌNH XUÂN *Thơ Nhật Quang


 - 

RU KHÚC TÌNH XUÂN

Xòe tay hứng giọt Xuân rơi
Long lanh trên mắt, môi cười em xinh
Mượt mà tóc gió hương trinh
Hây hây, má lúm nụ tình nở hoa

Dáng Xuân e ấp…mặn mà
Xuân xanh ong, bướm la đà, nhởn nhơ
Tơ hồng kết mối duyên mơ
Nắng vàng quấn quít tình thơ đắm nồng

Mây vương lơi lả, bềnh bồng
Men tình bỏng cháy, tiếng lòng xuyến xao
Lắng nghe tình thắm Xuân trào
Nụ hôn đắm đuối, ngọt ngào dấu yêu

Lâng lâng say khúc dặt dìu
Hương Xuân ngan ngát ru chiều ngất ngây.

                                Nhật Quang
                                  (Sài Gòn)

READ MORE - RU KHÚC TÌNH XUÂN *Thơ Nhật Quang

MƠ EM *Thơ Đặng Xuân Xuyến


MƠ EM


Đã dặn lòng chỉ được ngắm em thôi
Sao cứ để tim mình nhức nhói
Em bên ai nói cười vui vẻ thế
Tay trong tay mắt cứ biếc như cười.


Ừ thì rằng nó trẻ, đẹp trai
Nó giỏi giang lại con nhà quyền thế
Nhưng van em đừng dịu dàng như thế
Có gì hay mà tíu tít nói cười?


Ta thực lòng chỉ muốn ngắm em thôi
Đâu dám ước điều ta mong đợi
Chỉ tại em cứ thản nhiên rời rợi
Đốt lòng ta bằng ánh mắt biết cười.


Ta nhủ lòng đừng mãi ngu mơ
Nhưng tim ta cứ run rẩy đợi chờ
Ta già rồi, ốm yếu lại ngu ngơ
Sao cứ khát giấc mơ em, rõ khổ.


Hà Nội, chiều 18 tháng 02 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - MƠ EM *Thơ Đặng Xuân Xuyến