Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 23, 2017

Phố Cũ - Thơ phamphanlang - Nhạc Mộc Thiêng - Ca sĩ Ngọc Quy

READ MORE - Phố Cũ - Thơ phamphanlang - Nhạc Mộc Thiêng - Ca sĩ Ngọc Quy

ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH - Châu Thạch



ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” 
TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH 
                                                                                      Châu Thạch

 Nhà thơ Văn Thanh tên thật là Trương văn Thanh nên ông còn có bút danh là Văn Thanh Trương và trên dòng facebook của ông cũng lấy tên ấy.

Văn Thanh ở độ tuổi trên thất thập cổ lại hy hơn mười niên nhưng còn rất đa tài và minh mẩn. Ông thường tạo dựng những tập video  thơ nhạc đầy màu sắc và âm thanh tuyệt vời, gây nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. Một lần đi cùng nhà thơ Kha Tiệm Ly về Tây Ninh để thăm Ban Biên Tập trang web datddung.com, nhà thơ Kha Tiệm Ly đã nói thẳng với Châu Thạch: “Thơ Đường Luật của anh còn thua thơ anh Hai nhiều lắm”. Anh Hai tức là nhà thơ Văn Thanh. Tôi không cảm thấy giận dỗi gì mà còn vui vì sự thật là như vậy. Văn Thanh chuyên sáng tác thơ Đường  Luật nhưng ít đăng trên diễn đàn mạng mà chỉ giao lưu chủ yếu với thi hữu trong  nhóm thơ “Hoàng Gia”. Cái tên “Hoàng Gia” của nhóm chi là để dí dỏm nói ngược chữ “Già Hoang”.Tuy thế các thi hữu của nhóm thơ nầy quả thật là những cột trụ Đường Luật  và là những cây bút tài hoa của thể thơ khác. Nam thì có những cây bút như Võ Làng Trâm, Võ Sĩ Quý , Lê Hoàng, Độc Hành, Từ đức Khoát..vv, nữ thì có Sông Thu, Hoài Hương Xưa, Thy Lệ Trang, Như Thu, Ca Dao Như Thu, Lê Liên..vv.Thi hữu của nhóm nầy ở khắp quả địa cầu và kiến kỳ thanh nhau nhiều hơn kiến kỳ hình. Tuy vậy họ rất gắn bó yêu thương nhau vì chung một dòng máu thi ca. Bây giờ nói đến thơ Đường Luật của Văn Thanh

Nhà thơ Văn Thanh vừa cho ra đời tập thơ “Khoảnh Khắc Đời Tôi”. Đời tôi mà là một khoảng khắc thì ta biết ngay đây là một quan niệm bi quan , cho cuộc đời như là một bóng câu qua cửa sổ. Thế nhưng đọc tòan bộ trên 200 bài thơ của ông, “Khoảnh Khắc Đời Tôi”chứa đầy những tư tưởng lạc quan trong cuộc sống. Nhà thơ quan niệm rằng đời chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc đó ta  hạnh phúc trong vần thơ chén rượu:



Đời là khoảnh khắc đấy mà thôi

Phút chốc trăm năm đã hết rồi

Danh vọng phù vân sao mệt mõi

Tình yêu say đắm mãi xa xôi

Mặn mà chi lắm thêm sầu khổ

Ân ái sâu đầy lắm nổi trôi

Quên hết tháng ngày trong quá khứ

Vần thơ chén rượu mãi vui thôi

                (Khoảnh Khắc)

Đọc thơ ta không thấy một từ nào của Phật giáo hay Lão giáo

 Nhưng cái tư tưởng của nó là buông bỏ ( vô quái ngại nhà Phật) và sống vô tư ( vô vi của đạo Lão) gần như gói trọn trong thơ.

Nhiều nhà thơ Đường Luật thời nay dùng quá nhiều  những từ triết ly hiểm hóc để nói đến phương tiện và cứu cánh của giải thoát. Nhà thơ Văn Thanh nói cái phương tiện ấy như chơi và cứu cánh đạt được cũng chỉ là chơi: 

Cao tuổi còn gì để ước mơ 
Mong cho trí óc chẳng phai mờ 
Văn chương thi phú, đây là bến 
Sản khoái thảnh thơi đó chính bờ 
Đôi mắt dật dờ càng sáng tỏ 
Đôi tay hí hoáy vẫn ngon ơ 
Hay cho cái kiếp con tằm gửi 
Tuổi cổ lai hy chẳng hửng hờ! 
       ( Già làm thơ)

Không cao siêu mà thành cao siêu. Đọc thơ ta thấy “bến” và “bờ” là “văn chương thi phú” và “sản khoái thảnh thơi”. Văn Thanh cho rằng văn chương là phương tiện (bến)  để lên con thuyền ấy đến được “bờ” là sự “sản khoái thảnh thơi” hay cao hơn là sự siêu thoát của linh hồn.

Ở tuổi quá cổ lai hy đã hơn mười năm nhưng nhà thơ Văn Thanh viết về sự ly cách của tình yêu thật tuyệt vời:

Lá vàng héo úa đã thôi bay 
Thu chết từ lâu với tháng ngày 
Hờ hửng trăng khuya chìm đáy nước 
Lửng lờ sương sớm quyện chân mây 
Anh nơi quê cũ đời lây lất 
Em ở xứ người sống lất lây 
Hình ảnh một thời còn đắm đuối 
Những ngày thu ấy vẫn nồng say 
      ( Thu Chết)

Tôi đã nghe bao bài ca về “Mùa thi chết trong niềm nhớ”, bao bài thơ về “Mùa thu chết trong tình yêu” nhưng “Thu Chết” của Văn Thanh chỉ trong tám câu bảy chữ mà đem được hết cả không gian, thời gian của nhiều mùa thu tuyệt đẹp vào đó, rồi lại đem cả cuộc sống gian truân của hai linh hồn xa cách đặt vào thơ. Mùa “Thu Chết” của Văn Thanh không thiếu “trăng khuya chìm đáy nước”, không thiếu “sương sớm quyện chân mây”. Mùa thu ấy có đủ hình ảnh đẹp của thu, có đủ sự gian khó của đời để đọc thơ ta cảm nhận được hết nối buồn xa xôi, mênh mông mà cô quạnh đến nỗi “lá vàng héo úa” cũng đã thôi bay. Hình ảnh nối buồn của lá cũng chết đi thì còn nỗi buồn nào cao sâu hơn nữa! Tuyệt vời của bài thơ là ở đó!

Những bài thơ tình của nhà thơ Văn Thanh còn nguyên cái chất lảng mạn thời trai trẻ cọng với sự chửng chạc của tuổi già khiến cho đọc thơ ta như được hưởng toàn bộ sự tinh hoa của thi phú: 

Miên man thương nhớ đã bao lần 
Phiêu lãng tình ta ngọn sóng lan 
Đầu núi trăng treo thêm lạnh lẻo 
Bên lầu hoa đắm tựa phai tàn 
Tiếng đàn tương ngộ còn âm hưởng 
Chén rượu giao bôi đã lở làng 
Thương nhớ bao niềm thường ảo ảnh 
Theo ta thao thức với thời gian 
                 ( Niềm Thương Nhớ) 

Thật tình nếu không biết trước đây là bài thơ của Văn Thanh thì tôi có thể lầm nó là một bài dịch  của thơ thời thịnh Đường mà người dịch nó cũng là một thi nhân tuyệt tác. Những câu thơ “phiêu lãng tình ta ngọn sóng lan” hay “Bên lầu hoa đắm tựa phai tàn” tác giả đã dùng tứ thơ lung linh để phát họa những hình ảnh quá đẹp mắt, gởi cả khối tình đằm thắm của thi nhân vào đó. Đọc thơ hồn ta  cũng phiêu lãng theo ngọn sóng tình hay gục xuông bên lầu để thiếp vào cơn mộng mê thương nhớ.

Đọc thơ về quan niệm sống của Văn Thanh, ta cảm thấy có một chân trời sảng khoái, vui mãi trong tâm hồn tác giả. Nhà thơ có nói đến cái già, nhưng cái già của ông như những bông hoa lớn và đẹp nở vào cuối đông nhưng lại đàu xuân: 

Sống thời trai trẻ bao năm qua 
Thoắt cái đời ta đến tuổi già 
Mõi gối, chuyện xưa còn nhớ mãi 
Mắt mờ, tình cũ vẫn chưa nhòa 
Lưng còng, còn muốn trò chơi bướm 
Sức kiệt, lại mê thú ngắm hoa 
Cỏi thế tràn đầy bầu rượu ngọt 
Vui cùng bạn hữu với thơ xa.

           (Vui Mãi)

Rượu ngon vơi bớt nỗi sầu bi 
Than trách trời xanh chẳng được gì 
Một chén cay nồng nào phải tội 
Đôi lời đàm tiếu có là chi 
Đất trời thuận hợp đâu cùng lúc 
Mưa gió thất thường cũng có khi 
Biết vậy thôi thì ta cứ chén 
Giọt bùi giọt đắng tạo vần thi. 
                ( Rượu Ngon)

Đọc những bài thơ như trên của Văn Thanh, ta thấy trong ông một con người đại lượng, tư duy tưởng như hời hợt với đời nhưng thật ra sâu nhiệm một tư tưởng cao siêu tựa như các bậc hiền triết rong chơi trong cõi thế. Với “Vui Mãi” Văn Thanh càng già càng không quên mà càng nhớ. Sự nhớ của nhà thơ làm cho càng già càng chắc lọc cho tâm hồn tinh túy thêm để gần với những vui chơi thâm thúy của đời. Với “Rượu Ngon” nhà thơ hòa nhập cuộc sống trong quy luật mà tạo hóa dựng nên, vui chơi và thụ hưởng một cách hài hòa với biến đổi  của nhân gian và của đất trời. Cả hai bài thơ diễn tả cuộc sống như vầng mây trắng bay, bềnh bồng mà biến hóa dưới trăng sao.

Về thơ Đường Luật của Văn Thanh, tôi nghĩ không cần đề cập niêm luật, đối ngẫu hay cú pháp làm gì, bởi ông viết trôi chảy như một dòng thơ tự do, nhẹ nhàng đến nỗi người đọc dầu khó tính đến mấy cũng quên đi cái luật lệ của thơ Đường. Từ đó ta nghiệm ra nhà thơ kêt cấu niêm luật, đối ngẫu, ý, tứ  sít sao đến nỗi mỗi bài thơ như dòng sông rộng mà êm đềm trôi chảy. Tất nhiên đó là một cây bút tài hoa, tinh thông Đường luật mới múa bút mà bút bay êm đềm trên hai bờ giấy.

Với một tập trên 200 bài thơ, mà chỉ đưa ra 5 bài làm chứng thì chưa nói được gì. Đó chỉ là những bài thơ tiêu biểu theo cái nhìn hạn hẹp của người viết. Mong rằng thơ Văn Thanh còn có cơ hội đến nhiều với thi hữu và bạn đọc để những bông hoa đẹp văn chương không như “Bên lầu hoa đắm tựa phai tàn”./.

                                Châu Thạch














READ MORE - ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH - Châu Thạch

TRỞ VỀ CÁT BỤI - Thơ Trương Thị Thanh Tâm


Trở Về Cát Bụi
              
Nắng theo về trên tóc
Từng sợi bạc xuyến xao
Thèm một mùa trăng khuyết
Nghe sầu dâng lên cao

Tôi xa rồi từ đó
Hoa bần trắng ven sông
Bìm bịp kêu nước lớn
Người ơi buồn hay không?

Gío thu như hơi thở
Để hồn còn chơ vơ
Tôi một đời lá ngủ
Tiếc một thời ngu ngơ

Tôi đong đưa vạt nắng
Tô hồng thêm má môi
Quên nỗi buồn đi thôi
Cho cành xanh áo mới

Hè đi rồi thu tới
Chờ mảnh vỡ cuộc đời
Rồi cùng với nụ cười
Trở về cùng cát bụi.
          Trương Thị Thanh Tâm

                      Mỹ Tho
READ MORE - TRỞ VỀ CÁT BỤI - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

GÒ CÔNG CHÍN NHỚ MƯỜI THƯƠNG - Thơ Vũ Trầm Tư



Gò Công Chín Nhớ Mười Thương

Về đây thương áo bà ba
Thương màu áo tím hoa cà quê hương
Gò Công chín nhớ mười thương
Nghe hương gió biển thổi lòn bờ tre

Đêm đêm ánh đóm lập lòe
Đèn sao lấp lánh bần gie phía bờ
Trăng nghiêng thao thức hồn thơ
Đường hoa cau trắng ai chờ đợi ai?

Về nghe tiếng biển gọi mây
Sóng xô bờ cát, nắng say với rừng
Áo bà ba tím bâng khuâng
Câu hò nam bộ vọng ngân khúc tình

Về nghe đất đã chuyển mình
Đồng reo lúa mượt, vườn xanh phía giồng
Nắng vàng trải lụa Phú đông
Theo cơn gió chướng chạnh lòng cố nhân

Thuyền con chở nắng qua sông
Chở trăng mười sáu bềnh bồng trôi xa
Ơn dòng nước bạc phù sa
Sông ơi! Cửa Tiểu bài ca đầu đời. 


                              Vũ Trầm Tư
READ MORE - GÒ CÔNG CHÍN NHỚ MƯỜI THƯƠNG - Thơ Vũ Trầm Tư

LẮNG ĐỌNG TỪNG GIỌT PHÙ SA - Phan Nam

  



LẮNG ĐỌNG TỪNG GIỌT PHÙ SA

 Xuất bản tập thơ đầu tay “tạ lỗi cùng quê” cách đây đã sáu năm, với những câu thơ mộc mạc, giản dị của một tâm hồn xa quê: “ta về tạ lỗi cùng quê/ hôn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng/ tạ ơn sông núi mây ngàn/ cho ta uống giọt thi đàn trăm năm”, tác giả Trần Phước Ninh vừa ra mắt độc giả tác phẩm mới “trăng nở đầy tay” (NXB Hội nhà văn quý IV, 2017).


Giữa dòng đời xuôi ngược với biết bao bộn bề, âu lo, thật đáng quý khi được cầm một thi phẩm đẹp đẽ, thuần khiết, đong đầy nghĩa tình. Nhất là vần thơ viết về quê hương, dẫu được chưng cất ngàn đời nay, nhưng khi được cất lên tự sâu thẳm tâm hồn biết vị tha, rung cảm thì tự thân lấp lánh nỗi niềm khó tả, rưng rưng xúc động. Bao nhiêu lần ngược xuôi dòng Thu trầm tích, đi qua mùa cạn cũng như mùa lũ, đều ẩn chứng trong nó những mảnh đời, những mảng màu, những tiếc nấc nghẹn ngào, khắc khoải. “Vườn Đào ngày ấy vẫn còn xanh/ Đợi anh về hái mộng lành câu thơ/ Sông quê bồi lở đôi bờ/ Người đi biền biệt giấu mơ vào lòng/ Quê hương mình đất Xuyên Đông/ Cây đa đồng ruộng với dòng sông Thu/ Thuở ấu thơ mẹ hát ru/ Bãi Trà Dung tiếng chim cu lẻ bầy”, câu thơ thấm đẫm dòng Thu ngọt lành cây trái, tắm mát cõi lòng người con xa xứ, neo cõi lòng về với cội nguồn. Từ mảnh đất của tình quê, tình người, tình đất, tiếng thơ ấy lặng lẽ cất lên và hòa dòng sông tình yêu, dạt dào sóng vỗ. Dẫu biết đôi khi dòng sông ấy nhiều khi chẳng hiền hòa bao dung như lòng mẹ, nhưng đã ôm trọn tấm lòng, neo giữ hồn thi sĩ tắm gội lớp áo phong sương nhuốm màu thời gian. Đọc lại những vần thơ được viết trong chiều ba mươi Tết trên đất Sài thành hoa lệ mà rơm rớm nước mắt, khi hình bóng mẹ già cõi còm chờ mong, còn đứa con bơ vơ mưu sinh, lòng chợt bâng khuâng trong tiếng pháo giao thừa:
Tết năm này con không kịp về đâu
Thương đôi mắt mẹ già mòn mỏi đợi
Giữa phố xá đông người con chới với
Đành nhủ lòng phải kiếm sống mẹ ơi
                                           (Chiều ba mươi)
Chất ca dao thấm trong huyết quản được anh phác họa qua con mắt lãng tử, đa tình và đầy chân thật. Người quê mình “ăn cục nói hòn” mà nên vần nên điệu, lắng đọng hồn thơ trong từng giọt phù sa. Tôi chợt nhớ đến cái “dòng sông thi sĩ” ngày ấy thân thương làm sao, cái nơi được nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên còn ngày đêm phiêu du theo ngọn gió, nâng niu chén men tình mà say sưa lãng du theo kiểu “giang hồ vặt”. Trần Phước Ninh, anh cũng giang hồ bụi bặm lắm chứ, cũng yêu người con gái “mắt em xanh thẳm buổi này” đắm đuối lắm chứ, và anh lặng lẽ thêu dệt bến sông Thu huyễn hoặc đầy mộng, đầy trăng: “Đất nằm dưới những bàn chân/ Lá vàng thu rũ ái ân tình nồng/ Thuyền về trăng đậu đầy sông/ Ai khua bến nước giữa dòng vỡ tan”. Lục bát, hồn vía của dân tộc nhập thân vào đất nước, để biết bao cảnh đời biết “vịn câu thơ” mà đứng dậy. Khi đang học THPT bình thường như bạn bè đồng trang lứa thì bất ngờ cơn bạo bệnh ập đến, để lại di chứng đôi bàn chân không vững vàng, không thể cất lên âm thanh tròn vành rõ chữ, nhưng cuộc đời không lấy mất hoàn toàn của ai cái gì. Nhưng vượt lên trên tất cả, anh đến với thơ, “vịn câu thơ đứng dậy”, không những thế anh còn kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Thơ Trần Phước Ninh được đánh giá nhiều cảm xúc mộc mạc, giản dị đan xen tâm trạng cô đơn, êm ái nhưng cũng không kém phần ngọt ngào, mượt mà và lắng đọng. Cuộc đời đã nhắn nhủ anh biết yêu mình và biết thương mọi người, dẫu trần ai chưa tìm được người chung chăn gối nhưng tình thơ lại ăm ắp dâng đầy. Đọc đi đọc lại bài thơ “thương lắm Quảng Nam” giọt lệ nóng hổi lặng lẽ rớt giữa trang thơ, quay quắt nỗi nhớ quê nhà:
Quảng Nam ơi
Tịch tình tang
Thương sao điệu lý hò khoan quê mình
Thương từng ngọn cỏ điêu linh
Thương sao Đất Quảng dáng hình gian nan
                                       (Thương lắm Quảng Nam)
Tôi còn thương, thương nhiều lắm, thương dòng thu bên lở bên bồi, thương con nước lũ những ngày mưa trắng trời, thương chén rượu Hồng Đào đắm say môi mềm, thương lời ru của mẹ những ngày tháng êm đềm… Và thương từng giọt phù sa nuôi dưỡng cây lúa trên đồng, thương lời ru của mẹ văng vẳng mỗi khi đêm về. Thương anh chàng Phước Ninh ngày ngày “uống giọt thi đàn trăm năm” để hồn thơ bay cao giữa đời.
PHAN NAM
Ảnh: Trần Phước Ninh tại buổi ra mắt tập thơ (28.11.2017) tại TP HCM.

Nhà thơ Trần Phước Ninh (sinh ngày 01.05.1972), quê quán: thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đã xuất bản 2 tập thơ: Tạ lỗi cùng quê (NXB văn học 2011), Trăng nở đầy tay (NXB Hội nhà văn 2017).
Tập thơ “trăng nở đầy tay” được nhà thơ Trần Mai Hường vận động tài trợ xuất bản, anh cũng vừa tổ chức buổi ra mắt tác mới vào cuối tháng 11.2017 tại TP HCM.

----------------------------------------------------------
Tác giả: Phan Văn Nam, bút danh: Phan Nam.
CMND: 205783737. Phone: 01686 642 109
Địa chỉ: Tổ 29, thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam

















READ MORE - LẮNG ĐỌNG TỪNG GIỌT PHÙ SA - Phan Nam

MAI ĐÂY - Thơ Mặc Phương Tử


MAI ĐÂY

Nắng đã lên rồi, sương chữa tan
Đời hiu hắt gió mộng mây ngàn.
Đã bao thu đến mùa thay lá
Chừng bấy đông còn lớp diễn trang.
Đá lạnh hồn khuya bờ ảo vọng
Trăng nghiêng mặt bể sóng hoang tàn.
Đi-về một cõi tâm tư ấy,
Nào có riêng gì giữa thế gian.

Giữa thế gian, mà lắm thế gian
Ai hay sương khói vẫn mơ màng
Cuộc đi cuộc hẹn dường chưa trót
Cuộc đến cuộc chờ vẫn đợi sang.
Sầu tiếp say sưa bao điệp khúc
Đời đang nắn nót một cung đàn.
Mai đây nắng ráo đường tao ngộ
Bát ngát lòng xuân nhịp sống tràn.

Saigon, 18.12.2017
MẶC PHƯƠNG TỬ




READ MORE - MAI ĐÂY - Thơ Mặc Phương Tử

KHÚC HÁT ĐÊM ĐÔNG - Thơ Nhật Quang



KHÚC HÁT ĐÊM ĐÔNG

Du dương khúc Thánh ca huyền nhiệm
Gợi lòng con chút ấm áp yêu thương
Sưởi ấm Chúa khi Đông về lạnh giá
Mang phận người sinh hạ giữa đồng xa

Ôi linh thiêng! đêm màu nhiệm nở hoa
Ơn cứu độ, hồng ân tràn khắp lối
Muôn vì sao bừng lên trong đêm tối
Khúc hoan ca Thiên sứ vọng nơi nơi

Mau mau trỗi dậy mục đồng ơi!
Hãy hát lên hòa vang cùng Thiên sứ
Đến Be Lem thờ lạy Chúa đất trời
Đã Giáng sinh trong hang lừa tăm tối

Dương trần vang lên khúc ca ngày mới
Ánh huy hoàng rực rỡ chiếu muôn nơi
Vinh danh Thiên Chúa tầng trời cao thẳm
Phúc an bình tỏa xuống khắp trần gian.

                                Nhật Quang
                                  Sài Gòn
                              
                             

                            
READ MORE - KHÚC HÁT ĐÊM ĐÔNG - Thơ Nhật Quang

CHIA TAY NOEL SAPA - Thơ Huy Uyên



Chia tay Noel Sapa

Thôi tim lạnh lòng xa hạnh-phúc
phố nhỏ Sapa người trở về
chiều hoang trôi cả trời sương gió
giáo-đường xưa dấu khuất đông xưa .

Đã vắng những lời kinh nguyện-cầu
ba-ngôi-cao chừng rưng mắt lệ
tuyết bỏ lại tình em,Sapa
khuya đi mang theo nổi nhớ .

Thắp trong tim người đốm lửa
nao lòng chi sỏi đá niềm đau
nơi người khoảng trời xa lạ
mắt ai chợt hoang mê sầu .

Tóc em còn chải sợi mây trời
trên đồi Sapa lộng gió
hoa bướm bỏ đi có hẹn quay về
đêm Noel thả tình thêm biển nhớ 
(xuyến xao qua rồi từ thuở
từ hôm biền biệt người đi) .

Thềm nhà người rêu phủ
mộng xa trôi về tận cuối trời
chùm tuyết cũ không còn rơi nữa
cầm tay người chia hai trong tôi .

Chuông nhà thờ khuya đêm
quán vắng,ly cà-phê "TÍM SAPA"đắng ngắt
thả chết trôi đành đoạn mối tình
dấu ai bên trời chìm khuất.

Lao xao đầu sân 
xanh xao bóng lá
tiếng chuông ngân,từng khúc thở dài
bao lâu đợi tình quay lại
Lào-Cai đêm Chúa về "Silent Night" .

Xa cuộc tình,xa người,mùa đông
trên kia những đồi sao cô-quạnh
mong chi thắp ngọn nến cháy lòng
chùng buồn bài ca "Lời Buồn Thánh".

Đêm nay Noel Sapa tuyết trắng
chôn sâu cuộc tình kín lấp đời tim
mắt nhìn,đìu hiu thăm thẳm
suốt đời sao ai mãi đi tìm 
(lời kinh cầu buồn thế).

Huy Uyên
(25-12-15)
READ MORE - CHIA TAY NOEL SAPA - Thơ Huy Uyên