Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 11, 2017

THÁNG GIÊNG - Thơ Đình Thu



THÁNG GIÊNG
Đình Thu

Tháng giêng đến rất tình cờ
Dọc triền sông vắng một bờ cỏ non
Đàn trâu dẫm bước lối mòn
Chở vào buổi sáng cả hồn quê hương
Mùi rơm rạ mãi vấn vương
Níu bàn chân kẻ tha phương trở về
Đường làng ướt đẫm cơn mê
Cả ngàn xưa bỗng quay về trong tôi
Thẫn thờ nghe tháng Giêng trôi
Cùng bao kỷ niệm của thời ấu thơ
Chỉ còn tiếc nuối ngẩn ngơ
Còn đâu đó! Chút hững hờ tháng năm
Ô hay chú Cuội, chị Hằng
Vẫn bên nhau mãi ngàn năm sum vầy
Hình như có nắng và mây
Có em và nỗi nhớ đầy trong anh
Tháng Giêng là của mùa xuân
Còn em là của riêng anh suốt đời
Gót ngà chạm giữa chơi vơi
Chỉ nghe gió hát, đất trời ngất ngây
Anh thèm níu bước chân ngày
Cùng mùa xưa với heo may dáng gầy
Hình như là tháng Giêng say
Tiếng chân trẩy hội ngất ngây lòng người
Giấu sau mắt biếc nụ cười
Vẫn là em thuở thiếu thời xa xăm
Ta tìm lại giữa mùa trăng
Cùng bao kỷ niệm đêm rằm tháng giêng
Một miền ký ức trinh nguyên
Em cười thả nét hồn nhiên xuống đời./.

Đ.T.
READ MORE - THÁNG GIÊNG - Thơ Đình Thu

NGÀY CUỐI NĂM -Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân


NGÀY CUỐI NĂM
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

 Với tôi khi ấy, mọi ngày lễ đều chỉ là những ngày bình thường. Với tôi, không có những ngày cuối năm, không có Noel, không có cả những chiều Tết mà người ta ngóng trông vì mỗi năm chỉ có một lần. Tôi khô cạn đến mức không có cả những phút hồi hộp và những giây dồn dập chờ cái quyết định nghỉ lễ từ Sếp, thời gian cứ thế vùn vụt trôi qua, phải làm thì sẽ làm, được nghỉ thì thôi nghỉ. Người con gái tuổi ba mươi không còn những hào hứng thuở nào, chỉ sống như một chiếc bóng lặc lè và lầm lỗi ngày qua ngày thế thôi. Có cô đơn quá nhiều mới làm tôi nhớ về quá khứ, đôi khi chạnh lòng khi nghĩ về những tháng ngày đã qua phút cuối cùng tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những gì mình nhận được ngày hôm nay chung quy cũng tại do mình. Tôi nhớ về những tháng năm tuổi trẻ đã yêu như thế nào, đã cuồng si ra sao, đã sai lầm như thế ấy, tôi nhớ những cái khoác tay, những nụ hôn, những vòng ôm và cả những trò đùa. Để rồi bây giờ, khi nghĩ lại, càng nhận ra những gì đã qua trôi qua thêm từng phút từng giây, lại có cảm tưởng nó đã xảy ra rất lâu, và sự cô đơn, là cái giá của sai lầm ngày ấy mang lại, đang gặm nhấm tôi, mặc nhiên tôi chấp nhận điều đó một cách dễ dàng.
               
Đi ngang qua những cửa hàng bắt đầu giăng những cây thông Noel, nhìn qua khung cửa một gia đình nào đó đang ngân vang một khúc thánh đường, tôi chọt nhớ tới anh, người tôi gặp vào mùa đông năm ấy. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là khi tôi đi lễ nhà thờ, tôi không phải người theo đạo, chỉ là đến đón đứa bạn đang đi lễ. Người ấy dong dỏng cao, chiếc áo hoodie với mũ trùm kín đầu, tai nghe headphone rõ to vì tuy tôi đứng cách xa khoảng mấy bước vẫn có thể nghe rất dội :
-Là bài Rain của Taeyeon đúng không?
Thực ra tôi chỉ hỏi thế thôi chứ chẳng mong một câu trả lời, thế nhưng người ấy lại nhẹ nhàng tháo headphone ra rồi cười rõ to:
-Đúng rồi, cậu cũng thích Taeyeon à? Cậu biết bài I không? Tớ cực thích mê bài ấy.
-Biết, cô ấy hát bài 11:11 còn đỉnh lắm nữa cơ.
Đó là lần đầu chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi những tưởng cuộc nói chuyện sẽ kết thúc theo chiều  hướng ấy thì cậu ta lại tháo một bên tai nghe và đưa cho tôi:
-Cậu nghe cùng không? Dù gì dường như cả hai chúng ta đều đang phải chờ người rất lâu.
Vằ mặc nhiên, tôi như môt cô gái dễ dãi, chấp nhận một bản nhạc từ một chàng trai mới lần đầu gặp. Sau lần đó chúng tôi không gặp nhau nữa cho đến vài tuần sau, khi những hạt mưa cuối năm bắt đầu rơi nhẹ nhàng trên gò má của những người thiếu nữ, người con gái tuổi đôi mươi như tôi khao khát những cuộc chơi, tôi quay lại cùng bạn nhà thờ khi ấy. Chẳng phải vì tôi muốn gặp cậu ta, chỉ vì đó là nhà thờ gần tôi nhất, và kì cục một đỗi, tuổi trẻ nhưng tôi lại quá chây lười và ghét phải đi xa.
-A, là cậu đúng không? Cô gái đợi bạn ở nhà thờ?
Là cậu ta, và thì ra trong mắt cậu ta, “ tên” của tôi lại dài như thế. Tôi khẽ mỉm cười gật nhẹ đầu, tôi không phải mẫu người khá niềm nở với những người lần đầu tiên gặp mặt, nhưng cũng vội hỏi:
-Cậu ở trong dàn đồng ca hay lại đợi người?
-Tớ đợi mẹ, lần trước tớ cũng đợi mẹ.
Rồi đám bạn kéo tôi đi nhanh quá tôi chỉ kịp chào nhưng vẫn nghe cậu ta nói với:
-Taeyeon mới ra bài mới Dear Santa đó, cùng Taetiseo, cậu nghe chưa? Tớ thu vào rồi, đợi cậu tại nhà thờ nhé.
Tôi chỉ gật đầu rồi quên bẵng.
Cũng chẳng hiểu vì lẽ gì mà cả ngày chủ nhật ấy tôi cứ nôn nao vì dường như đã quên một điều gì đó, ngay khi sực nhớ ra lời hẹn với cậu bạn mình thậm chí còn không biết tên thì ánh nắng cuối ngày đã tắt và gió thổi từng cơn rét buốt cứ như đang ở một miền nào đó giá lạnh lắm. Tôi khoác vội chiếc áo thật dày và chạy như bay tới ngôi nhà thờ nhỏ ấy, chuông đồng hồ điểm chín giờ và những khung cửa trở nên hờ hững vì đã mệt mỏi cả ngày, chỉ chờ người gác cổng khóa lại.
-Cậu tới rồi à? Xém nữa tớ ngủ quên.
Cậu ta vẫn còn ngồi đó đợi cho một cái hẹn ban trưa.
-Sao cậu còn ngồi đây? Lỡ tớ không tới thì sao?
-Nhưng – cậu ta bắt đầu gãi đầu một cách đầy khờ khạo – Là tớ hẹn cậu mà, tớ phải đợi chứ.
Cậu ta tên Ni, đó là lần đầu tôi biết đến cậu ấy, cậu ấy lớn hơn tôi bốn tuổi. Và sau hai năm kể từ khi quen biết, chúng tôi trở thành người yêu của nhau vào một ngày cuối năm, khi pháo hoa bắt đầu nổ vang trời đón mừng năm mới, cũng là lúc tôi chợt nhận ra chúng tôi đã đón nó bằng một nụ hôn trên những bờ môi mềm.
                
Chúng tôi vẫn thường gặp nhau mỗi chủ nhật khi anh đi đón mẹ về, sau hai năm yêu, cũng có nhiều lần anh muốn đưa tôi ra mắt mẹ anh nhưng tôi chỉ từ chối:
-Tình yêu của mình chỉ mới bắt đầu, em cảm thấy nó chưa chín chắn.
Tôi luôn từ chối mỗi khi anh muốn, vì với tôi, khi ấy tôi vẫn còn trẻ lắm, vẫn chỉ là một cô bé, chuyện “ra mắt” cứ như đã chuẩn bị lễ cưới xin đến nơi, và tôi thì chưa muốn bó buộc vào một gia đình. Khi ấy, anh chỉ nhẹ nhàng xoa đầu tôi:
-Đừng nghĩ nhiều quá cô bé, mẹ sẽ chấp nhận em thôi. Anh chỉ muốn chúng ta gần gũi hơn.
Và tôi lúc nào cũng cho rằng là hẹn hò, là đi cùng nhau là quá đủ rồi. Cái cảm giác gần gũi hơn mà anh nói, cái cảm giác “ một gia đình” tôi vẫn chưa muốn nếm trải. Năm tôi hai mươi lăm, chúng tôi đã yêu nhau được ba năm, anh vẫn muốn đưa tôi về ra mắt mẹ vào dịp năm mới, tôi vẫn từ chối khiến anh rất buồn, từ buồn nó như mầm chồi sinh ra những cuộc cãi nhau. Khi yêu nhau, người ta hay nói phải có những cuộc cãi vã thì mới hiểu nhau hơn nhưng tôi  lại cho rằng, những cuộc cãi vã chỉ khiến con người tạo ra những khoảng trống không nhau Và khi những khoảng trống ấy lớn dần lên, nó sẽ khiến con người ta trở nên xa cách. Với tôi, tôi cho rằng anh muốn bó buộc tôi quá sớm, trong khi mọi thứ trong ước mơ về tương lai của tôi tất cả chỉ mới bắt đầu. Còn anh, anh luôn nói gặp mẹ chỉ để tôi và anh trở nên hiểu về cuộc sống của nhau thêm thôi, chứ không ép buộc tôi. Ai cũng có cái lí của riêng mình, nhưng trong mất tôi khi ấy, anh cứ như một người đàn ông bám váy mẹ, khi chiều chủ nhật nào dù đó là ngày kỉ niệm của chúng tôi hay việc gì quan trong cách mấy anh cũng phải bỏ ngang chỉ để đi đón mẹ. Và việc anh liên tục nói mẹ muốn gặp tôi chỉ khiến tôi cảm thấy anh quá phụ thuộc vào mẹ.
-Vậy chắc nếu mẹ nói anh chia tay em, anh sẽ nghe theo tắp lự nhỉ?
-Không,  mẹ sẽ không, chỉ là anh muốn em gặp mẹ một lần thôi.
-Em không thích những người đàn ông bám váy mẹ, có lẽ chúng ta nên cho nhau khoảng thời gian riêng để hiểu nhau thêm như anh muốn.
Chúng tôi gặp nhau cũng vào ngày cuối năm, gắn bó nhau cũng vào cuối năm và nói lời chia tay cũng vào khoảng thời gian ấy. Ấy vậy mà chúng tôi xa nhau thật, anh không liên lạc với tôi, tôi biết không phải vì anh hết thương tôi mà bởi vì trước giờ điều tôi muốn anh luôn làm. Anh sẽ đợi tôi liên lạc trước. Còn tôi, tôi lúc ấy lại cho rằng anh quá nhu nhược. Một năm sau khi chia tay, khi những cơn gió đông về trở nên rét buốt, tôi quay lại nhà thờ năm ấy, nhà thờ ấy không còn anh nữa, chỉ còn một người gác cổng năm nào đang quét vội mảnh sân.
-Thế cái cậu hay đi cùng cô đâu rồi? Mấy tháng nay không tháy cậu ấy đến. Chắc chuyển nhà rồi.
-Chắc mẹ anh ấy có việc không năng đi nhà thờ như trước ạ?
-Mẹ cậu ấy? Mẹ cậu mấy mất từ sáu bảy năm về trước rồi mà. – Rồi người gác già trầm ngâm- A, đúng rồi, cô nghĩ cậu ấy đi đón mẹ cũng phải thôi, tôi nghe nói mẹ cậu ấy qua đời vì tai nạn, trong một lần đi lễ, vì cậu ấy không kịp đón, bà nôn về nên…
Thời gian ấy là trước khi cả gặp tôi, đó là lí do mà anh luôn đến nhà thờ với danh nghĩa đế đón mẹ nhưng thực ra chỉ là khoảng thời gian anh gặm nhấm lương tâm chuộc lại lỗi lầm năm ấy của anh vì trễ giờ mà mất mẹ. Và thì ra những lần anh muốn tôi ra mắt mẹ, chỉ là để có thể kể cho tôi nghe về câu chuyện của đời mình mà tôi luôn hết lần này tới lần khác kiếm lí do từ chối vì sợ nhọc… Tôi lục vội điện thoại để gọi anh, anh đã đổi số, tôi chạy vội đến nhà anh, nó đã cửa đóng then cài, người hàng xóm bảo gia đình anh chuyển vội đi vì bố anh trở bệnh nặng, phải về bắc điều trị…
                
Trong suốt một năm chúng tôi xa nhau, đã nhiều lần tôi thấy cuộc gọi nhỡ từ anh, đã nhiều lần tôi thấy tin nhắn anh muốn gặp nhưng tôi chỉ dửng dưng vì tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ cách xa anh mãi mãi. Rốt cuộc, người đàn ông mà tôi nghĩ rằng tôi hiểu nhất tôi lại chẳng biết gì, anh đã luôn ở bên tôi những lúc tôi buồn, đã luôn lắng nghe đủ chuyện trẻ con của tôi, thậm chí trong những buổi gia đình tôi tụ họp, tôi còn dẫn anh về… Cảm giác đó đã rất hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ mang lại cho anh. Ngay cả khi bắt đầu, tôi đã có lỗi với anh, bắt anh chờ đợi và rốt cuộc tôi đã luôn sai lầm.                
Những ngày cuối năm như thế này, tôi lại nhớ về anh da diết, tôi không biết anh đang làm gì, hay ở đâu, hay có còn nhớ đến tôi với những tháng ngày tôi đã trải qua tươi đẹp nhất? Chỉ biết là, bây giờ, đến tôi sẽ đợi anh…
Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

READ MORE - NGÀY CUỐI NĂM -Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

MƠ HOÁ BƯỚM - Nguyên Lạc


                          
Nguyên Lạc   
MƠ HOÁ BƯỚM
(Tặng Chu Vương Miện)

Cẩn báo: Chuyện cấm trẻ em dưới 18 tuổi, các cụ đạo đức cao trọng xin đừng xem!
Xin được nói thêm: Đây chỉ là "tiếu luận", chủ ý góp vui, có gì các cao nhân bỏ qua cho.                        
Thả tiếu:
Nhân sinh hàm khổ lụy
Y phạn tích bại thành
Phóng thủ vạn sự tuyệt
Đắc tiếu, tiếu nhất thanh.
Hãy Cười:
Kiếp người nhiều khổ nhọc,
Cơm áo lắm được thua,
Buông tay muôn việc hết,
Ðùa được, thì cứ đùa!
(Hạt Cát)

ƯỚC MƠ NHỎ BÉ 
Đời như giấc mộng, các cụ xưa nói thế.
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh 
(Lý Bạch)
Ở đời như giấc chiêm bao
Cái thân còn đó, lao đao làm gì? (Tản Đà)
Nhất là cụ Thi sĩ Tản Đà, cụ thường ngán đời mà nhớ mộng . Đây là lời cụ phán:
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời.

Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Nào khi cánh điệp bốn phương trời?
Tìm đâu cho thấy người trong mộng,
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai? 
(Nhớ mộng- Tản Đà)

Tại sao cụ ngán đời như vậy? Chắc vì tình đời xấu xa, hay đổi trắng thay đen.
Giấc mộng bao giờ cũng đẹp hơn đời thường phải không? Ai mà không mộng mơ, không  mơ ước ? Mộng ước tạo ra hương vị cuộc đời. Cuộc đời không có ước mơ cũng giống như cây thiếu nước, sẽ dần chết khô thôi.
Mọi người đều có ước mơ riêng. Sau đây là ước mơ bé nhỏ của tui. Mời bạn hiền bước vào giấc mơ Nguyên Lạc :
Thơ rằng:
Nhớ tóc em dài bay phất phơ
Ngực đầy như chứa cả hồn thơ
Có con bướm nhỏ nhiều e ắp
Đậu ở tay ta- đẹp không ngờ

Hình như đêm rồi ta nằm mơ
Thấy em cô độc buồn vu vơ
Ở một góc trời xa xôi lắm
Tỉnh giấc mình ta mãi thẩn thờ  
(Thưa Quý Nương!- Hồ Chí Bửu)
Trong thơ, vì nhớ, thì nhân chúng ta nằm mơ thấy em, thấy người đẹp như con bướm nhỏ, tỉnh giấc rồi mà vẫn còn thẩn thờ thương nhớ. Thơ đẹp quá phải không các bạn?
Và bài thơ này nữa:
Ngày đã qua, lòng lá biếc ngậm ngùi
em, con bướm đi tìm hương bất tử...
con bướm nhỏ sẽ bay trong tàn tạ
bay về đâu, đôi cánh mỏng thời gian
hương sẽ phai, hoa cũng sẽ tàn
bướm sẽ rũ bên bờ cỏ dại
tôi người trăm năm còn lại
trang thơ này ướp xác bướm thiên thu.
(Bướm và Tôi - Hoàng Định Nam)

HỒ ĐIỆP MỘNG
Trong hai bài thơ đều có sự xuất hiện của BƯỚM. Phải công nhận  thơ về Bướm của hai thi sĩ quá tuyệt, nó khiến tôi liên tưởng đến bài Hồ Điệp Mộng (Mộng hoá bướm) của Trang Tử. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có nhắc đến Hồ Điệp Mộng này:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
(Nguyễn Du)
Trang Tử (365–290 trước CN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông sống vào thời Chiến Quốc. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú. Ông nổi tiếng các vấn đáp về Đạo. Thí dụ như sau:
Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:
- Đạo ở đâu?
- Không chỗ nào không có.
- Xin chỉ ra mới được?
- Trong con kiến. Trong cọng cỏ. Trong hoa Bướm...
Nhưng đặc biệt nổi tiếng là Hồ Điệp Mộng (Mộng hoá bướm) mà người xưa ai cũng nằm lòng:
Có một lần Trang Chu mơ hoá bướm/ Lượn bay như cánh bướm/ Rất là thích thú!/ Chẳng biết bướm là Chu/ Chợt tỉnh dậy thấy Chu lại là Chu/ Không biết trong mơ Chu biến thành bướm?/ Hay trong mơ bướm biến thành Chu? (Hồ điệp mộng -Trang Tử)(*)
Trang Tử khi tỉnh mộng, vẫn không biết là trong mơ Chu hoá bướm hay bướm hóa Chu. Như một cánh bướm bay lượn giữa mơ và thực.

BƯỚM CỦA TÔI
Chuyện ngày xưa ông Trang Chu tẩu hỏa nhập ma, cứ vò đầu, bứt tóc tự hỏi ổng hóa bướm hay bướm hóa ra ổng thì tôi không cần biết, tôi chỉ để ý tới Bướm thôi!
Này nhé:
"Bướm là một loài sặc sỡ, nhởn nhơ và quyến rũ. Bướm thường bay la cà vờn hoa trong dáng vẻ ung dung, vẽ vời, đài các. Cũng có thứ bướm không sặc sỡ, không biết bay nhưng cũng vẫn quyến rũ". (Song Thao)
Trong hai bài thơ tuyệt vời trên, Bướm đối với các chàng thi sĩ chắc chắn "chăm phần chăm" là em "yêu dấu", nhưng sao tui cứ nghĩ  Bướm là Tình, là "Thần bà" thôi!
Xỉn các thì sĩ bỏ qua cho cái đầu có vấn đề của tui!
Thơ rằng:
Sáng đưa Tống Ngọc,
tối tìm Tràng Khanh
Bướm kia giờ đã tanh banh
Còn chi đâu nữa để dành cho ai!  
(Dư Mỹ)

SỰ TUYỆT VỜI CỦA TIẾNG VIỆT
Thử phận biệt cách dùng CON vá CÁI trong tiếng Việt (Không phải cách nghiên cứu "ruồi bu" như Ngài "THIẾN SĨ" CS  "BUỒI" HIỀN nhe quí bạn)
1. Nhận xét
-- CON: dùng trong những từ (tự thân) chuyển động, cử động rõ ràng nhận thấy được.  Như: Con chim : bay; con cá : lội; con trâu, con bò : đi, chạy; con sông : nước chảy...
-- CÁI: dùng trong những từ không chuyển động, chuyển động không thấy rõ hoặc phải nhờ tác động bên ngoài. Như  Cái bàn, cái ghế, cái nhà : đứng yên, không cử động; cái giếng : nước không dịch chuyển...
2. Liên hệ:
Điều này giải thích :
- Ở bé trai, đàn ông phải dùng chữ CON : Con cu, Con c..
- Ô bé gái, đàn bà phải dùng chữ CÁI: Cái hĩm, Cái l..
Không thể dùng đảo ngược lại được
3. Sự tuyệt vời của tiếng Việt:
Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ ta có thể dùng đảo ngược để cho thấy sự tuyệt vời của cách dùng tiếng Việt:
Này nhé các ông thần:
- Con Bướm: là Bướm chuyển động trong đời thường hoặc trong thi ca: Buớm bay lượn tìm các nụ hoa muôn sắc; hoặc Trang Tử mơ hoá Bướm hay Bướm mơ hoá thành Trang Tử trong văn chương triết lý.
- Cái Bướm: Bướm không chuyển động hoặc chuyển động khó thấy (đó tác động bên ngoài). Đây là Bướm mà các ông thần thi sĩ, các bậc văn chương chữ nghĩa bề bề mơ đấy phải không?!
Đó là sự phân biệt giữa CON và CÁI trong tiếng Việt. Tuyệt vời quá phải không các bạn?

BƯỚM / THẦN BÀ
Thơ rằng:
Vợ tôi nửa dại nửa khôn
Có lúc nó bảo dí L.. vào thơ
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Có lúc nó bảo dí thơ vào L..
Thế là như kẻ mất hồn
Tôi không phân biệt giữa L.. và thơ
Thế là nửa tỉnh nửa mơ
Trông đâu cũng thấy nửa thơ nửa L..
(thơ Nguyễn Bảo Sinh)
Thấy chưa? Hoan hô "Thần bà"!  Hoan hô Bướm!
Và thêm đây Bướm:
Bướm đâu nhỏ nhẻ thấy thương
Trượng phu mát ruột vấn vương sợi tình
Đất trời như thể lặng thinh
Bóng ai phơ phất hương quỳnh đâu đây,

Bướm cười, nguýt tận bể dâu
Đất trời quýnh quáng để sầu phôi pha
Để buồn từ dạ tan ra
Để vui nó hót nguyệt hoa rộn ràng.
(thơ Phương Tấn).

TRANG TỬ TÂN THỜI
Trang Tử là một nhà tư tưởng hạng nhất thời Chiến Quốc, tức là nhà trí thức. Điều đó có nghĩa là các nhà trí thức học cao, hiểu rộng bây giờ chính là các "Trang Tử Tân Thời" chứ còn gì nữa! Trang Tử lúc xưa mơ hoá bướm, thì giống vậy, các ông thần trí thức bây giờ cũng mơ hoá Bướm vậy! Do sự tuyệt vời của bướm như thơ trên, các ông thần trí thức mới "mê tơi". Này nhé:
Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần L..ám ảnh cũng mê mẩn đời!
Và đây, các ông quan (trí thức thi đỗ), và nhất là các ông quan XHCN cỡ "nhòa Bác Ngữ Hạc Buồi Hiền" (PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội), các quan mới (trí thức  khỏi cần thi đỗ):
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan cứ ... tần mần như ma (2).
Tần mần cái gì hả các bạn?

ƯỚC MƠ LỚN
1.Trí thức mơ hóa Bướm
Tôi xin xía vào, thử "lậm bàn" sự mơ hoá bướm của các ông thần này chơi, xem tại sao các ổng mơ như vậy!
-  Điều đầu tiên rất ư quan trọng là phải mơ hóa thành bướm đẹp! Nếu là bướm xấu thì hóa ra con đuông còn hơn. Bướm xấu thì ai cũng hết hồn bỏ chạy, còn đuông thì có thể "nhậu" phê. Đuông cổ hũ dừa là đặc sản của quê "hóc bà tó" Đại Ngãi/Sóc Trăng tui đó à nhe!
- Nghèo thường mơ được giàu, có nhà to, xe sang trọng... Các ông thần trí thức thường...nghèo! Thấy các Bướm đẹp (hoa hậu chân dài, "hồng nhan bạc triệu") rủng rỉnh tiền bạc, kẻ đón người đưa, nên các ông thần mới ước mơ được như vậy. Không được đâu các ngài ơi, chuyện đó khó bằng trời! Thôi hãy nghe lời tui, "ngâm kíu" cách trang hoàng và bảo vệ Bướm là chắc ăn hơn! Tại sao? Tui sẽ giải thích sau.
2. Bướm mơ hoá thành trí thức
Trường hợp mơ ngược lại, bướm mơ hoá thành trí thức?
- Sao lại có chuyện buồn cười như vậy?! Các Bướm đâu có dại mà mơ thành những người "nghèo mạt rệp" như vậy! Nếu có mơ thì cũng mơ thành Bill Gates, Mark Zuckerberg v.v...Thôi đừng nghĩ chuyện tào lao này nữa!

CHUYỆN BẢO VỆ BƯỚM
Về chuyện bảo vệ Bướm, hãy lắng nghe tui thủ thỉ đây!
Chuyện rằng:
 Xứ đó, có ông vua sở hữu một nàng ái phi sắc nước hương trời, hoa ghen thua thắm!. Mặt hồng chân dài (hồng diện, trường túc). Vua rất hài lòng và rất yêu quí nàng ái phi! Do đó, vua sợ kẻ nghịch tặc khốn nạn nào đó xâm phạm Tử Cấm Thành (Bướm), khi ngoài biên cương giặc nổi dậy, vua bắt buộc phải thân chinh lâu ngày.
Sau nhiều ngày nặn đầu , bóp trán, vua cho goi lâu la truy tìm mưu sĩ. Vài ngày sau, tiến triều có một cụ râu tóc trắng phau, mặt mày phương phi, được biết dưới danh một nhà thông thái, một nhà "chiến lược và chiến thuật" kì tài, bài binh bố trận đâu thua gì Khổng Minh Gia Các Lượng! Nhà vua tỏ rõ sự tình và vấn kế.
Nhà "chiến lược" đi đến gần vua thì thầm...thì thầm! Vừa nghe xong, vỗ tay một cái rõ to, vua nắm tay ông gục gặt đầu và nói:
-- Hảo a, hảo a! Tuyệt vời! Nhà người đúng là cao nhân!. Bây đâu, mau thưởng cho khanh ta trăm lượng vàng ròng! (Với số vàng thưởng đó , đủ cho cụ ta mỹ tửu và ghẹ gộc suốt khoảng đời còn lại!)
Sau đó, theo "ý đồ" này, vua gọi ngay một người thợ rèn tài giỏi làm cho mình một cái khóa, gọi là Khóa Trinh Tiết, rất "ấn tượng". Khóa làm bằng thép rất mỏng và mềm, gồm hai vòng: một vòng bao quanh ôm lấy hông (có ổ khóa), vòng thứ hai, dính với vòng 1, bao từ trước ra sau. Vòng nầy phía trước có một lổ, ngay phía sau lổ, ghép một thiết bị vi tinh xảo. Nó có một lò xo điều khiển một lưỡi dao nhỏ cực bén. Dao này sẽ "phập" xuống khi có giao động mạnh, và tự bật trở lại để chờ lần giao động kế tiếp. Xong rồi, vua ra chỉ dụ (giả), rằng sẽ đi tuần du, thăm hỏi sự tình trong vòng mười ngày.
Sáng hôm sau vua ra đi, rồi lén quay trở lại, đến một chổ cũng không xa kinh thành, thưởng thức tửu nhạc vui vẻ, nghe ngóng sự tình, chờ đợi mười ngày phục triều.
Ngày thứ mười, vừa trở về triều, vua ngự giá. Ngồi ngửa trên ngai vàng, với nụ cười tủm tỉm trên môi, vua ra lệnh cho gọi các quan từ trẻ cho đến sồn sồn vào bái kiến Lạ lùng thay, các quan này người nào cũng như người nấy, đi đứng lum khum, hai tay đều bụm phía dưới với vẻ mặt nhăn nhó, đau đớn.  Vua cười to khoái trá, khiến đứng qua một bên.
Kế tiếp, vua cho gọi các quan già vào. Các quan này đi đứng bình thường, nhưng chỉ có cái lạ là người nào người nấy cũng lấy bàn tay trái bụm che bàn tay phải. Vua chú ý nhìn thấy các tay này đều mất ngón trỏ và ngón giữa. Vua gục gặt cười.
Lần cuối cùng, chỉ còn lại quan Tể Tướng rất già bước vào. Ngài Tể Tướng đi vào, lưng thẳng bệ vệ, đầu ngẩng cao, dáng điệu nghiêm trang, môi mím lại! Vừa trông thấy, vẻ mặt vua rất hài lòng và reo lên:
-- Phải vậy chớ! ta biết khanh là người trung thành, chính trực, không như lũ khốn kia!. Ta rất hài lòng về khanh. Lại đây, lại đây, ta sẽ trọng thưởng cho khanh! Nào, khanh muốn gì nói cho trẫm biết?
-- Ớ ớ!
-- ???
Than ôi, lưỡi đâu mà "zả nhời"!
Thấy chưa các ông thần, nhà thông thái trên chỉ hiến một kế mọn để bảo vệ Bướm mà được thưởng trăm lượng vàng ròng, đủ sống suốt đời. Thương thay, các nhà trí thức ta chữ nghĩa bề bề, viết ngàn quyển sách, viết vạn bài thơ .....rồi cuối cùng chỉ ...nghèo! Có nhiều khi còn bị chửi đầu chứa toàn cứt (Lenin) Chán chưa? (1)
Đó là lý do tại sao tôi khuyên các ngài nên "ngâm kíu" cách trang hoàng và bảo vệ Bướm! Có khi còn kiếm được cả bạc triệu đấy! Không thấy Victoria Secret, Louis Réard và Jacques Heim (Bikini – đồ bơi hai mảnh-1946) thu lời cả tỉ đô và Kotex nữa đó sao?(3)
Thông chưa các ông thần!
Thơ rằng:
Bướm chim là chuyện đời thường
Chim bay bướm lượn...thiên đường là đây!
Trần gian là thiên đường, chứ còn ở đâu nữa! Phải không? Mơ chi đâu xa!
Bài tới đây cũng dài, tui dzong đây, kẻo u đầu. Hẹn ngày "tái nạm"!
Laughter is the best medicine in the world! (Cười là liều thuốc vạn năng trên trần thế!)

Nguyên Lạc      
-----------------
Nguồn: Nam Hoa Kinh, Kiệt Tấn, Nguyễn Bảo Sinh,SongThao, Wikimedia, Facebook, .Vuông chiếu Luân Hoán.
(*) Nguyên tác bài thơ ngụ ngôn "Hồ Điệp Mộng" lừng danh của Trang Tử:
Tích giả, Trang Chu mộng vi hồ điệp,/ Hủ hủ nhiên hồ điệp dã./ Tự dụ thích chí dư! Bất tri Chu dã./ Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã./ Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư?/ Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?/ Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ./ Thử chi vị vật hóa. (Trang Tử, Tề Vật Luận)
Trang Chu mộng thấy mình hóa thành bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu; bướm nếu mộng thấy mình hóa thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm.
Trang Chu mộng vi hồ điệp,/ Trang Chu chi hạnh dã; /hồ điệp mộng vi Trang Chu,/ hồ điệp chi bất hạnh dã.
Ghi chú:
(1) Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.”
Trích từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49 (Theo Nguyễn Đình Đăng)
(2) Diễu cợt mấy quan đại thần hay đi đò sông Hương ở Huế:
Những đêm trăng sáng Hương giang,
Có cô gái Huế, có quan đại thần,
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan cứ ... tần mần như ma,
Ban ngày quan lớn như cha,
Ban đêm quan lại rầy rà như ... con.
(3) Kotex: a brand of feminine hygiene products, was launched in 1920 by Kimberly-Clark, reaching $11 million sales in 1927.



READ MORE - MƠ HOÁ BƯỚM - Nguyên Lạc

VƯỚNG BẾN XUÂN / QUA PHỐ CŨ NGÀY XƯA / TRĂNG SUÔNG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng


Chùm thơ 
Lê Thanh Hùng

VƯỚNG BẾN XUÂN
              
Thương tiếc gì khúc nhạc của ngày xưa
Tiếc nuối gì đâu một thuở dại khờ
Lòng phố hẹp vương đoạn tình nông nổi
Vách tôn mỏng, êm ngày thu nắng dội
Vẫn ong ong, bức bối cả giấc mơ
                       *
Treo trong không gian, thanh âm đơn côi
Trôi suốt phố, tiếng ghi ta bập bõm
Chao chác, rì rầm bà con chòm xóm
Không nỡ ngăn, chàng trai trẻ yêu rồi ...
                        *
Xa lắm rồi, đã bao lớp người đi
Đất nước, qua những tháng năm trận mạc
Phía  bắc, phía nam, biển Đông quẩn rát
Tổ quốc oằn cong, tiếng sóng rầm rì
                        *
Từ đó người đi, tất tả ngược xuôi
Nổi trôi, cuốn theo vận đời bươn chãi
Phố nhỏ ngày xưa, giăng ngày trở lại
Cho tiếng ghi ta lơi nhịp ngậm ngùi
                        *
Tiếc cho người xưa, tay bế, tay bồng
Chiều phố nhỏ, tiếng nhạc jazz vang vọng
Giữa ngã tư rơi bóng người lóng ngóng ...
Đăm đắm trong chiều, trãi nắng mênh mông

             
QUA PHỐ CŨ NGÀY XƯA

Góc phố vần xoay, đẫm sắc màu
Xông xênh, áo mỏng, hong đầy gió
Lộ nét xuân thì, vương bước chân
Bùng nổ đường cong, chiều chật hẹp
Khép chặt tầm xuân, bóng đổ mờ
Lầm lũi rong rênh trên phố vắng
Trùng triềng, phai nhạt dấu phù hoa
Quên lãng màu chiều trôi nỗi nhớ
Phố cũ ngày xưa choáng ngợp tình
Hoang linh, lang thang nhìn lơ đễnh
Tìm dấu ngày xanh mộng ban đầu
Chợt thấy, bên đường rung tiếng hát
Bài “Tình ca – không thể xoá nhòa” ...
                                           III/17

                
 TRĂNG SUÔNG


Hững hờ rơi giọt vàng trăng
Lọt khe áo hẹp vết hằn tình xưa
Lẳng trong nếp gấp đẩy đưa
Vội vàng buông thả, nhặt thưa hương tình

     Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình. BìnhThuận   


READ MORE - VƯỚNG BẾN XUÂN / QUA PHỐ CŨ NGÀY XƯA / TRĂNG SUÔNG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng