Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 26, 2017

CHÚA ƠI! LÚC ẤY NGÀI Ở ĐÂU? - Thơ Phạm Đức Nhì

Sáng Chủ Nhật 5/11/2017, Devin Patrick Kelly dùng súng trường bắn xối xả vào những người đang dự lễ trong nhà thờ Baptist tại Sutherland Springs, Texas làm ít nhất 26 người chết trong đó có một bé mới 18 tháng tuổi. Nhiều người khác bị thương.

     
             Tác giả Phạm Đức Nhì



CHÚA ƠI! LÚC ẤY NGÀI Ở ĐÂU?
(Nghe lỏm một lời cầu nguyện)

Giữa giáo đường vắng lặng 
hàng ghế trước tôi
có tiếng cầu nguyện như lời thở than:
“Hai mươi sáu người chết thảm
cả đứa bé 18 tháng  
hàng chục người bị thương
máu thịt tung tóe trên ghế, trên tường
ngay trong nhà Chúa
lúc họ đang hết lòng thờ phượng Chúa
Chúa ơi!
Cho con hỏi một câu:
Lúc ấy Ngài ở đâu?”

(Im Lặng)

“Vâng, con biết
Chúa ở khắp mọi nơi
một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không ngoài Thánh Ý của Ngài

Vậy sao họ là con cái Chúa
tụ họp dâng lời ca ngợi Chúa
giữa nhà thờ
mà Ngài nỡ ngoảnh mặt làm ngơ?
Lời Ngài dạy
về Công Bằng, Nhân Ái
con biết hiểu sao đây?”

Có tiếng thì thầm như từ mấy tầng mây
mà rất lạ
đi thẳng vào tim tôi đang thổn thức
“Ta cũng vô cùng thương xót
nhưng con ơi
đến một ngày gom đủ đức tin
để có thể hướng theo đường ta chỉ
tự vác thánh giá của mình đi đến thiên đàng
thì lúc ấy
Lòng Nhân Ái, Lẽ Công Bằng
và những ‘thắc mắc’ khác của thế gian
về lời ta dạy
tự nhiên con sẽ ‘thấy’.”

Phạm Đức Nhì
READ MORE - CHÚA ƠI! LÚC ẤY NGÀI Ở ĐÂU? - Thơ Phạm Đức Nhì

CẢM TÁC ẢNH, KỶ NIỆM BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH - Thơ Châu Thạch



                      Quang Tuyết




CẢM TÁC ẢNH
(Tặng Quang Tuyết)
                   
Này cô bé nhỏ của tôi ơi
Tôi muốn môi cô vẫn cứ cười
Nón cô vẫn đội trên đầu ấy
Và áo tinh khôi, ngắm rất tươi

Đôi kính cô đeo rất hợp thời
Tay cầm chiếc lá sắc thu rơi
Tôi không khen nữa là cô đẹp
Vì thế gian khen khá đủ lời

Tôi chỉ mong cô ngó đến tôi
Chỉ là liếc mắt, thế mà thôi
Là tôi vui lắm cô em ạ
Vì biết tim cô đã đóng rồi

Tim tôi cũng đã quá già nua
Tình chỉ đem dâng ở cửa chùa
Tuy thế nhìn cô tôi vẫn thích
Vẫn làm trẻ lại tuổi me chua

Tôi chỉ nhìn cô như đóa hoa
Đẹp sao đẹp thế, tựa như là
Nàng xuân đem sắc thay muôn én
Về báo tin vui đến mọi nhà

Thôi nhé chào cô một  đóa hôn
Gởi theo trong gió vạn màu son
Chúc cô trẻ mãi cùng năm tháng
Chúa sẽ ban cô hạnh phúc tròn 

                              Châu Thạch
(Nương theo bài thơ“ Ghen” Nguyễn Bính)


       
 

                         

KỶ NIỆM BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH

Kỷ niệm bao hè tôi tắm đây
Chàng trai phố thị về  nơi nầy
Cùng bao thằng bạn như chung khố
Tắm mát, nằm sân trăng gió lay

Có cô con gái bên cầu ấy
Bán quán, hương thu đọng mắt đầy
Tình e tôi ngắm cô âu yếm
Hai mắt nhìn nhau cứ mỗi ngày.

Thuở ấy hồn tôi như thủy tinh
Chưa yêu nên cũng chẳng chung tình
Qua hè, phố thị tôi về lại
Quên mất cô hàng quán rất xinh

Hôm nay nhìn lại trên fây bút
Thằng bạn ngày xưa pót tấm hình
Cây cầu Bên Đá năm xưa ấy
Tôi nhớ, chao ôi nhớ hết mình 

                           Châu Thạch

READ MORE - CẢM TÁC ẢNH, KỶ NIỆM BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH - Thơ Châu Thạch

NGHĨA TÌNH, CHÚT TÌNH - Thơ Tịnh Đàm

 
              Tịnh Đàm



NGHĨA TÌNH

Không rượu, lòng vẫn ngất ngây
Say tình, say chút sum vầy bên nhau .
Cố nhân cách biệt bấy lâu
Vui ngày tao ngộ - đẹp câu nghĩa tình.


CHÚT TÌNH 
(Thân tặng bác G.T.Điệp)

Buồn vui cũng ở chốn này
Trà suông, vắng bạn... uống cay nỗi mình !
Ngẫm đời, trong cõi nhân sinh
May còn có được chút tình làm duyên.

                                   Tịnh Đàm
                               (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - NGHĨA TÌNH, CHÚT TÌNH - Thơ Tịnh Đàm

TỰA VÀO NHAU ĐỂ KHÓC CƯỜI - Chùm thơ Đình Thu

Tác giả Đình Thu

Chùm thơ Đình Thu:

TỰA VÀO NHAU ĐỂ KHÓC CƯỜI

Vô tình nghe  
Gió thì thầm
Hạnh phúc đơn giản không cần lớn lao!
Ngẫng đầu lên
Chạm  
Trời cao
Nhặt hồn nhiên thuở
Chiêm bao dậy thì
Con đường khóc buổi vu qui
Chiều nằm nghiêng thả
Nắng đi
Cuối trời
Giã từ một cuộc rong chơi
Đưa bày tay vẫy
Cuộc đời mênh mông
Có cần đi hết hay không?
Lật bàn tay
Hỏi?
Có, không?
Để mà ...
Mai sau còn chút  thật thà
Điều chưa biết cũng chỉ là thế thôi ?
Tựa vào nhau để khóc, cười
Nghe hạnh phúc phía chân trời râm ran


NHẮN

Em về xứ “chắc cà đao”
Tôi lần tay vịn lối vào ngõ xưa
Giật mình nghe tiếng dạ thưa !
Có người hôm trước cũng vừa tương tư
Ông về nhắn với Đình Thu
Để tôi còn hát lời ru ...ví dầu 


MÙI HƯƠNG VÚ SỮA 

Tháng ba mơn man màu nắng nhạt
Tự dưng thèm cảm xúc nồng say
Vú sữa ngoài vườn đương chín rộ
Con chim chìa vôi hót suốt ngày

Bầu trời xanh chạm nửa bàn tay
Con đường đất níu bàn chân nhỏ
Hồn nhiên ngắm miệt vườn nắng gió
Ngân nga câu vọng cổ xàng xê

Dáng ngây ngô trên lối em về
Miền Tây dạo này khan gió chướng
Bông so đũa trở mình gọi nắng
Đồng bằng rơm rạ tỏa mùi hương

Chưa chạm vào lòng nghe vấn vương
Nắng trách cứ ... mùa mưa lỗi hẹn    
Hương vú sữa thơm mùi bẽn lẽn
Làm kẻ hào hoa cũng say tình

Tháng ba khoe sắc màu lung linh
Mùi quê hương sao mà quên được
Mai về chốn thị thành thao thức
Nhớ mùi hương mộc mạc quê nhà

Vẫn nặng lòng như hạt phù sa
Dâng cho đời bốn mùa hương sắc
Chuyện lở bồi thôi đừng có nhắc
Cả một trời thương nhớ mênh mông.

Đình Thu
(Bến Tre)
READ MORE - TỰA VÀO NHAU ĐỂ KHÓC CƯỜI - Chùm thơ Đình Thu

DỊCH THOÁT THƠ NGUYỄN DU (2) - Nguyên Lạc



      
 Nguyên Lạc
     
DỊCH THOÁT THƠ NGUYỄN DU (2)
                                         
Phần II                         
DỊCH THOÁT THƠ

Lời cẩn báo: Qua phần I tác giả đã trình bày sơ lược cách dịch thoát thơ chữ Hán Nguyễn Du theo lối riêng của mình.  Đó  chỉ là ý kiến chủ quan, chắc chắn có nhiều khuyết điểm, xin các cao nhân bỏ qua nếu có gì không hợp ý. Mọi người đều có riêng "hệ quy chiếu" về thưởng lãm, xin hãy trân trọng nhau.(NL)

Phần II này tôi xin được ghi ra đây vài câu, bài dịch thoát tiêu biểu thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du

DỊCH THOÁT HAI CÂU
1.
Cố quốc sơn hà khan lạc nhật,
Tha hương thân thế thác phù vân
(THU NHẬT KÝ HỨNG - Nguyễn Du)
Thoát dịch:
Quê hương ngút mắt. chiều phương ấy
Chở hết mây ơi. nỗi sầu này!

2.
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trê vũ bất kham thinh
(TỐNG NHÂN - Nguyễn Du)
Thoát dịch:
Đêm thăm thẳm. sầu riêng với bóng
Chiếu chăn nhầu. mưa động thốn  tâm!
3.
Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
(ĐỐI TỬU - Nguyễn Du)
Thoát dịch:
Lặng ngồi độc ẩm bên song cửa
Mắt lệ người nhìn lá hoa rơi!

DỊCH THOÁT BỐN CÂU
Nhân đọc thơ chữ HÁN của đại thi hào NGUYỄN DU (1765 - 1820) tôi xin được ghi ra đây 4 câu thơ trong bài KÝ MỘNG của cụ.
Về bài thơ KÝ MỘNG: Người đàn bà (mỹ nhân) Nguyễn Du tưởng nhớ chính là người vợ hiền đã mất. Thương thay!
Khá thương cho những ai cùng tâm trạng với Nguyễn Du, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì công vụ , vì tù tội, vì trốn lánh... mà không thể nào cầm tay vợ hiền nghe nàng dặn dò lúc nàng giã biệt cõi đời.
Bài thơ dưới đây viết trong bối cảnh khi tác giả đứng bên dòng sông hoài niệm tại quê nhà, nhìn dòng sông và nhớ đến người vợ hiền đã khuất núi tại quê của nàng .
Trong bài này Nguyễn Du  dùng lại một điển tích Tàu rất nổi tiếng.
Truyện kể:
"Biết một vị vua vì quá nhớ người thiếp yêu, một đạo sĩ làm phép giúp vua có thể tìm gặp lại người xưa.  Ông bày phép cho treo hai cái màn, một màn bên trong có vua ngồi và màn bên kia thắp nến, người đẹp hiện sẽ về bên trong. Qua ánh nến lung linh trong đêm vắng, cộng nỗi "nhớ người xưa" vô cùng khiến vua đặt hết niềm tin vào bùa phép. Vua đã "thực sự thấy" người thiếp yêu hiện về trong bức màn sa bên kia. Nhà vua được đêm tâm tình, thủ thỉ cùng vợ"  (Laiquangnam)
Tôi xin mạn phép dịch thoát bốn câu cuối  (toàn bài 24 câu) gây cảm xúc nhất (riêng tôi), coi như niềm trân trọng và tưởng nhớ đến người xưa.

KÝ MỘNG
...
Mỹ nhân bất tương kiến
Nhu tình loạn như ti
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y
(Nguyễn Du)
Thoát dịch:
GHI QUA MỘNG
...
Giai nhân. người hỡi đâu rồi?
Tình sầu loạn mối. rối bời như tơ
Nhà không. xuyên ánh trăng mờ
Chiếu qua áo mỏng. thấu ta nỗi niềm!

DỊCH THOÁT  TOÀN BÀI
Nguyên Lạc xin được ghi ra đây và xin phép dịch thoát vài bài thơ của đại thi hào NGUYỄN DU (1765 - 1820) mà tôi thích nhất.  
Vì là dịch thoát, xin các bạn đừng đặt nặng phần đối chữ trong các cặp 3 - 4 và 5 - 6, cùng vị trí câu (theo tôi nghĩ, chỉ làm gò bó cảm nhận thơ),  chỉ nên chú trọng về HỒN THƠ. Mong thay.
 1. Đây là nguyên tác bài thơ TỐNG NHÂN

TỐNG NHÂN
Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh
Giang bắc giang nam vô hạn tình
Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc
Cố hương thuần lão thượng kham canh
Triều đình hữu đạo thành quân hiếu
Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trê vũ bất kham thinh
(Nguyễn Du)
Thoát dịch:
TIỄN NGƯỜI ĐI
Hương Cần đường ấy liễu xanh xanh
Cuối ngọn đầu sông chan chứa tình
Ngự uyển oanh vàng ganh dáng vẻ
Cố hương rau mọn sắc tô canh
Triều đình phải đạo anh lo vẹn
Quê mẹ bội thề tớ mất danh
Thăm thẳm đêm sầu riêng với bóng
Biếng ngồi mưa rớt trúng ngay tâm

2. Đây là nguyên tác bài thơ ĐỐI TỬU

ĐỐI TỬU
Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kì đãn đắc chung triêu túy
Thế sự phù vân chân khả ai
Thoát dịch:
ĐỐI MẶT CÙNG LY RƯỢU
Tựa song. mắt rượu. ngồi trông
Hoa rơi lả tả. phủ lòng thảm xanh!
Sống.  không cạn chén trọn tình
Chết. ai tri kỷ rượu nghiêng rưới mồ?
Chim bay. xuân đổi hững hờ
Tháng năm rõ hiện. trắng bờ tóc ai!
Trăm năm. ví được say dài
Sự đời mây nổi. não thay kiếp người!

 3.Đây là nguyên tác bài thơ THU NHẬT KÝ HỨNG

THU NHẬT KÝ HỨNG
Tây phong tài đáo bất quy nhân,
Đốn giác hàn uy dĩ thập phần.
Cố quốc sơn hà khan lạc nhật,
Tha hương thân thế thác phù vân.
Hốt kinh lão cảnh kim triêu thị,
Hà xứ thu thanh tạc dạ văn.
Tự sẩn bạch đầu khiếm thu nhập,
Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân.
(Nguyễn Du )
Thoát dịch:
GHI LẠI CẢM HỨNG NGÀY THU
Gió tây vừa chạm khách tha hương,
Cái lạnh từ đâu bỗng nhập xương.
Quê mẹ trông vời chiều ngút mắt,
Mây ơi ta gởi nỗi niềm thương!
Đêm trước gió thu về réo gọi,
Thất kinh già tới bóng trong gương.
Mỉm cười đầu bạc gom góp vụng,
Lá vàng lả tả rụng đầy sân!

LỜI KẾT
Qua trên là phần dịch thoát thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du, chắc có nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên, xin được xem đây như  tấm lòng trân trọng và niềm tưởng nhớ đến bậc danh tài của Việt Nam thân yêu.

Nguyên Lạc
-----------------------------------------------------
Tham khảo: Thơ chữ Hán của Nguyễn Du - Thi Viện, Laiquangnam.
READ MORE - DỊCH THOÁT THƠ NGUYỄN DU (2) - Nguyên Lạc

KÝ SỰ BẮC LÀO PHẦN BA: ĐƯỜNG LÊN XỨ LUỔNG - Chế Cẩm Đình


KÝ SỰ BẮC LÀO
PHẦN BA: ĐƯỜNG LÊN XỨ LUỔNG
Chế Cẩm Đình

Người Lào có 3 sắc dân chính, Lào Lùm, như là người Kinh ở nước Việt, chiếm tỉ lệ đa số cũng như sinh sống ở các vùng đồng bằng dọc theo sông Mekong. Ngôn ngữ của người Lào Lùm thuộc nhóm Tày - Thái có nguồn gốc từ các chủng Bách Việt cổ bên Trung Quốc di cư xuống từ mấy ngàn năm trước. Nhóm thứ hai là Lào Thơng thì nói tiếng Khmer, gồm các bộ lạc người Khơ Mú, người Vân Kiều và người Tà Ổi. Người Lào Thơng sống dọc theo biên giới với Việt Nam và có họ hàng mật thiết với các nhóm đồng bào của họ phía bên kia dãy Trường Sơn. Nhóm còn lại được gọi là Lào Sủng, dùng để chỉ những bộ lạc người Lào sống ở các vùng cao phía bắc mà chủ yếu là người Mẹo.
Thật lạ kỳ, đất nước Lào rộng lớn với rất bao nhiêu vùng đất đai cao nguyên bằng phẳng còn chưa canh tác, kể cả đồng bằng cũng bỏ không. Vậy mà người Hmong gần như không lựa chọn những nơi thuận lợi đó để sinh sống mà chỉ chọn nơi ở là đèo cao hoặc rừng núi hiểm trở. Việc lựa chọn đó có lẽ là để dễ phòng thủ hoặc lẫn tránh trước kẻ thù có quân số đông hơn tấn công họ, một nỗi ám ảnh từ quá khứ bị truy sát quy mô lớn bởi các triều đại quân chủ bên Trung Hoa khiến họ phải di cư xuống tận dưới này.
Khi xe bắt đầu leo dốc từ khi ra khỏi bản Khai cho đến ngã ba Phou Khoun nơi giao nhau đường 7 với quốc lộ 13 là hơn trăm rưỡi cây số, từ Phou Khoun tiếp tục vượt đèo Phya cũng chừng đó cây số nữa, chỉ toàn là bản người Hmong ôm sát rạt mặt đường, như kiểu nhà phố nhưng không có vỉa hè ở bên mình. Trời đen thòm ngòm không một ánh trăng sao, chỉ đôi đóm lửa lóe qua kính xe từ những khe liếp bên đường đọ sáng với đèn pha. Đường chỉ mỗi leo dốc, lại ngoằn ngèo liên tục nên mệt lả.
Hơn mười một giờ khuya dừng xe bên một máng nước ở bản Kiu Kacham để tắm rửa, nước lạnh ngắt làm tỉnh hẳn cả người. Giờ đó khuya rồi nên chẳng thấy ai trong bản đó ra hỏi han gì. Ngày trước mà như vậy có khi ăn cả loạt đạn tiểu liên cảnh cáo người lạ xe lạ không chừng bởi đây chính là vùng đất sát ngay bên thủ phủ Long Chẹng – đại bản doanh của vua Mẹo Vàng Pao.
Tắm xong vừa lên xe thì trời bắt đầu mưa. Dò bản đồ ước chỉ còn non trăm cây số nữa đến Luông Pha Băng nên quyết định đi tiếp. Nhưng mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi nước đổ nước trút ào ào không còn thấy đường để chạy. Bò lên một đoạn kiếm được khoảng đất trống nép xe vào định tranh thủ ngủ luôn. Nhưng lại sợ mưa lớn quá đùa cả xe xuống vực nên nổ máy bò đi tiếp. Thời may, tới một đoạn thì gặp một trạm xăng bên đường liền chạy vào dừng lại, lúc này mới dám ngủ yên.
Đến gần sáng thì mưa dứt, vừa lúc bình minh đến nên trời quang hẳn ra. Ông mặt trời trên này cũng ló dạng từ đằng đông nhưng không phải trên biển mà là nhô lên từ những rặng núi. Cái cảm giác đi trên đỉnh đèo buổi sớm mai, được ngắm bình minh giữa núi rừng trời mây bảng lảng làm cho hồn người phiêu diêu thật không sao mà tả được. Rồi thì xe bắt đầu đổ đèo xuôi dần xuôi dần xuống đến thị trấn Xiang Ngeun nho nhỏ bên dòng Nậm Khan ngầu đục bởi trận mưa rừng hồi hôm kéo bùn đất trên các nương rẫy xuống. Bóng những thân dừa đổ xuống ao cá bên những mái nhà vụt gợi lên trong tôi một chút nhớ về đất nước, dù mới chỉ rời đi có ngày hôm qua.
Dò tiếp bản đồ biết chỉ còn ít cây số nữa là đến nơi rồi. Đường vào cố thành hai bên bạt ngàn tếch, mùa này hoa tếch nở trắng cả rừng, trên dốc cao nhìn xuống trông như hoa tuyết. Luông Pha Băng chào đón tôi bằng một trận mưa rào, rồi ngớt mưa ngay nhưng cảm giác trời rất nực. Ghé vào một hàng quán ngay bến xe ăn sáng, tự pha cà phê mang theo để uống vì cà phê bên này rang tẩm khác vị bên mình. Gọi điện gặp anh Bun Năm – khách hàng chính tôi cần lên gặp - thì té ra nhà anh ở đối diện ngay quán tôi đang ngồi. Vào đo đạc xong thì cũng vừa hết buổi sáng, mệt quá gục xuống thiếp đi chừng nửa giờ ngay trong lán công nhân tại công trường của anh ấy, rồi tỉnh dậy và đi ăn trưa. Xong hẳn việc đã là 4h chiều, lúc này mới tranh thủ đi thăm chỗ này chỗ kia một chút trong thành phố.
Luông Pha Băng, tiếng Lào đọc đúng là Luổng Phạ Bang. Phạ băng là đức Phật thanh mảnh, còn luổng là một vùng đất rộng lớn nhìn ngút mắt mà trong tiếng Việt có từ luống gần tương đồng. Hiểu nôm na nơi đây là xứ sở của vị Phật thanh mảnh. Luông Pha Băng từ xa xưa đã là đô thành trung tâm của cổ quốc Lan Xang (Triệu Voi), một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn bậc nhất Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ 15-16. Hai thế kỷ tiếp theo, vì thất bại trước sự bành trướng của người Miến Điện và vì khủng hoảng nội bộ, Lan Xang tan rã thành 3 quốc gia riêng biệt là Luông Pha Băng, Viêng Chăn và Chăm Pa Sắc. Đến thế kỷ 19 thì các lãnh thổ này lại hợp nhất và chịu sự bảo hộ của người Pháp, tiền thân của nước Lào ngày nay với trung tâm cũ là Luông Pha Băng. Năm 1975, phe cách mạng dành thắng lợi trước phái bảo hoàng sau một cuộc nội chiến kéo dài, họ thành lập nhà nước nhân dân cách mạng Lào và chọn Viêng Chăn làm thủ đô mới.
Nhà tỉnh Luông Pha Băng ngày nay còn nguyên vẹn sự thanh bình của một của một cố đô Phật giáo. Những dãy phố cổ hiền lành đan xen ô bàn cờ với nhau hoặc ruổi quanh quanh những sườn đồi thâm thấp. Kiến trúc nhà cửa gần gần với Hội An bên mình, cũng xanh rêu trầm mặc của mái ngói ngả màu thời gian. Mùa này là mùa mưa nên không đông khách du lịch mấy, ra chợ đêm bán đồ lưu niệm dưới chân núi Phou Si cũng văng vắng người. Sang vùng biên thành thấy có nhộn nhịp hơn hẳn, người Trung Quốc đã thâm nhập vào sinh sống rất nhiều, biển hiệu quảng cáo toàn Hán tự, và có hẳn khu chợ dành riêng cho cộng đồng người Tàu. Cũng như người Việt, khi được hỏi có thích người Trung Quốc thì đa phần người Lào đều nói không thích, không thích!
Vì không có nhiều thời gian nên tôi phải tạm biệt Luông Pha Băng thanh bình để quay đầu về Viêng Chăn trong ngay trong đêm. Lại được hưởng cái thú ăn bên đường, đi trên sống núi, tắm giữa rừng, ngủ ngay trên xe mỗi khi mưa lớn hay mệt không còn chạy nổi.
Đời người, thật dễ mấy khi!
07/10/2017

C.C.Đ.













READ MORE - KÝ SỰ BẮC LÀO PHẦN BA: ĐƯỜNG LÊN XỨ LUỔNG - Chế Cẩm Đình

TÌNH LẬN ĐẬN - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Khưu Trí Dư - Ca sĩ: Diệu Hiền

READ MORE - TÌNH LẬN ĐẬN - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Khưu Trí Dư - Ca sĩ: Diệu Hiền

NGHĨ VỀ NGÀY LỄ TẠ ƠN - Thơ Mặc Phương Tử



NGHĨ VỀ  NGÀY LỄ TẠ ƠN

Hằng năm vào tiết mùa đông
Tục rằng: phải nhớ ơn công đất trời
Ai hay cái lạnh nghiệt đời
Thuở ngày xưa ấy, bao người ấm no!?

Ơn lành, biết mấy trời cho
Biết gieo, trồng, tỉa, biết lo cấy, cày
Biết làm ra lửa từ đây
Biết muôn việc… đến hôm nay được nhờ!

Ơn trời, ơn đất, bao giờ
Đem cho muôn loại đến bờ bình an
Bí, ngô, lúa, đậu... đầy tràn
Kho trời thuở ấy muôn vàn niềm vui.

Tạ ơn, là để sống đời
Có Nhân, có Nghĩa, có lời Đạo tâm
Biết rằng trong cuộc trăm năm
Khổ-vui thoáng đã... lên mầm tử sinh.

Tạ ơn, là để tự mình
Sống đời hạnh phúc, ươm tình bao la
Dù cho người vật quanh ta
Biết yêu thương, để nở hoa dâng đời.

Vậy, lễ tạ ơn đất trời
Là thêm nghĩa sống muôn nơi thái hoà
Tự mình gần, thấy mình xa
Cho đời thêm khúc tình ca thanh bình. 
         
South Dakota, thanksgiving day, 11. 2017.
MẶC PHƯƠNG TỬ


READ MORE - NGHĨ VỀ NGÀY LỄ TẠ ƠN - Thơ Mặc Phương Tử