Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 6, 2017

CHÙM THƠ ĐẦU THÁNG 11 - Huy Uyên





1- Bên ngoài mùa thu đã đi

Mùa đi bao lần
Năm tháng bên em thinh lặng
Nổi buồn chạy quanh
Rớt lại bên ai chiếc bóng.

Bầy sao trên trời ngủ chìm đêm tối
Hỏi em còn mĩm môi cười
Hiên đời dể chừng xa mãi
Mùa thu lặng lẽ đi thôi.

Ngỡ những chiếc lá vàng
Phiêu-hốt bay đi đâu đó
Trái tim mê hoang ngủ đêm
Vĩnh-biệt em và mảnh đời xưa thức dậy.

Đã đến, đi và nhớ
Lặng lẽ mang theo giọng cười
Cây chiều lìa rơi chiếc lá
Những bài ca đêm hoang trôi.

Những cánh cửa khép hờ bên đường
Vội vàng đóng kín
Dầu dải mù sương
Nỗi buồn ngậm chín.

Mùa thu nhạt phai màu nắng
Bầy thú hoang đêm ngũ quên
Tôi đưa tay hụt hẩng
Còn lại em im lặng khoảng không.

Em còn đó ?
chạy quanh tôi
Đưa tay cầm bão-tố
Bầy gió đã khuất xa rồi
Tôi một mình đi tìm cuộc tình đã mất...


2- Một thời Trung-Phước 

Trưa nghe tiếng gà bên sông
Một mình quay về Trung-Phước
Nổi nhớ chiều trôi mênh mông
Bến đò,con sông,mây nước.

Em có về không ? quán chợ
Quê nghèo trái ngọt cây lành
Vườn người bốn mùa hoa nở
Tình em ngày tháng trong xanh.

Thuyền ai đậu bến Nông-Sơn
Một thời chìm loang lửa đạn
Sao quên lên núi Cà-Tang
Lùa dê đồi quê Bùi-Giáng.

Qua thời môi hôn cổ-tích
Chôn bóng ai tận vào lòng
Thềm nhà trăng lên bóng nguyệt
Suốt đời tôi mãi tiếc thương.

Mắt trôi tình em lệ say
Ngút ngàn bay lên đầu núi
Thuyền từ bỏ lại nơi này
Cố-nhân lời ru Bến Lội.

Qua sông Đại-Bình lối chợ
Ấp e Trung-Phước, Thu-Bồn
Biền-dâu bao lần cách trở
Cây vườn hoa trái xanh um.

Nhà nhà yên-bình rợp mát
Dâu em mấy mùa có xanh ?
Mía ngọt nhà em ngợp mắt
Thơm sao đồi tỏa hương-trầm.

Ngỡ ngàng hoa thơm Trung-Phước
Dịu ngọt sắc vàng hoa Sưa
Mùa dâu tháng này vào vụ
Ai đi có kịp quay về !


3- Em đi còn có ngày về

Tóc dài quấn quít hương cau
Gởi tim cho ai ngoài chợ
Hạnh-Phúc xa trôi lúc đầu
Em đi mang theo tình-phụ .

Chiều bên sông tôi giấu kín
Quê nhà pha hương mùi phèn
Trước sân sầu-đông hoa tím
Biết em về đâu mà tìm.

Người là chiếc bóng trong tôi
Hình như trời mưa tháng chạp
Nước sông Thạch-Hãn ngưng trôi
Đắng lòng người đi xứ khác.

Sầu về năm hai mươi tuổi
Áo tím bỏ lại bên đường
Phố quê lệ nghèo nổi nhớ
Nhà người đóng kín mưa sương.

Trên đồi giọng chim ngân buồn
Phù-sa đỏ thêm màu nước
Quanh co ở ngã ba sông
Đàn quạ bay trời xao xác.

Ở đó chôn sâu mộng tưởng
Em đi còn hẹn ngày về ?
Lá bàng trong vườn gió cuốn
Đỏ mắt chiều về trong tôi 


4- Phố quê ngày trở lại (*)

Đêm đi ngang đồi 65
Những ngọn cây tím đen nổi nhớ
Bây giờ đã vắng em
Tôi chôn tôi sâu huyệt mộ.

Chiếc cầu, dòng sông, phố cũ
Ngày nào Đại-Lộc hắt hiu
Còn chăng Huỳnh-xưa áo màu biển nhớ
Vàng bay khép kín đường về.

Ở đó tóc em màu mây
Bốn mùa quạnh đời đạn lửa
Quán vắng bên cầu gió bay
Ly rượu buồn đêm chở nhớ.

Ngày tôi quay về lối cũ
Hoang trôi đầu dốc ngày xưa
Suốt đêm tôi hoài đứng đợi
Biết chăng em lại quay về.

Ngồi quán cùng ly rượu đắng
Hạnh-phúc chạy quanh đồi 10
Tội em tháng năm xa vắng
Mà mắt ai cười có đuôi.

Đâu đó con đường lối sỏi
Thiếp mê tôi giấc mơ buồn
Ngày đó bên cầu không nói
Bây giờ mình mất nhau luôn !

Cải-vàng chín héo hơi xuân...

                       Huy Uyên 

READ MORE - CHÙM THƠ ĐẦU THÁNG 11 - Huy Uyên

THU VỀ - Thơ Lê Hoàng


   

THU VỀ
 
Trời bỗng nóng lạ thường...
Ngày ngày con nước, giọt vuơng nỗi buồn 
Trần gian nghe thấy khóc than 
Bao nhiêu cay đắng tuôn tràn xót xa 
Ngập đường rụng lá thu tà 
mây đưa trời rộng, gió qua đời người 
Thu này,
Nghe tiếng thu rơi,
từng cơn nóg bức 
cuộc đời khó khăn 
Lần theo góc phố chiều dần 
bóng em hiu hắt, nghe chừng cô đơn 
Tôi về đứng dưới cây Tùng 
Nhìn hoa nở nụ, tưởng chừng môi em 
Trời hoàng hôn, nắng cứ còn 
lòng tôi vẫn thấy 
bàng hoàng nhớ nhung .
Đếm thu, đếm mãi tháng ngày 
Đếm tình mấy góc,
đếm mình đi đâu 
đếm người trong cuộc bể dâu 
xót xa thương mãi, từng đêm thu dài 
Anh chờ thu tới tìm về...
bên trời thương ấy, có người chờ mong 
Ngồi đây anh vẫn cô đơn 
Đếm thu rơi lá 
đếm tình đi qua 
Hẹn ngày em đến tình  ta 
cho nhau thương nhớ thu qua từng mùa 
Bây chừ em vẫn trong ta 
Chờ nhau... cứ nhớ... thu qua... vẫn chờ 

                                               Lê Hoàng 
                                               Lê Hoàng Vùng tệp đính kèm
READ MORE - THU VỀ - Thơ Lê Hoàng

HOA PENSEE VÀNG - Chùm ảnh của Chu Vương Miện







READ MORE - HOA PENSEE VÀNG - Chùm ảnh của Chu Vương Miện

MÀU LÁ ÚA - Thơ Lệ Hoa Trần





MÀU LÁ ÚA

Kể từ đó, trời dường như hết nắng
Mưa lạnh nhiều ướt đẩm cả đời em
Và, hoa vườn chẳng còn dáng nụ xinh
Chỉ lác đác, xa xa màu lá úa
Em cũng thế, thôi khoe màu áo lụa
Sắc xanh, vàng dần nhạt tiếng thời gian
Hoa đang xinh, dưng bỗng vội héo tàn
Trời khắc nghiệt đổi thay không kịp trở
Anh anh ơi ! Chỉ còn là nỗi nhớ
Tình chúng mình như gió thoảng, mây bay
Ngày như đêm, đêm chạy đuỗi đêm dài
Vầng trăng khuyết cứ nhởn nhơ trước mắt
Trong bóng tối em ôm đầu bật khóc
Sao cuộc đời cứ mãi, vẫn trớ trêu
Thương người ta, thương thật, thật là nhiều
Thế lại nở đan tâm lòng chia cách
Trong khoảnh khắc hỏi lòng? Rồi tự trách
Nhưng làm gì. Thuyền đã nhẹ lướt xa...!

                                           Lệ Hoa Trần
                                            05-11-2017

READ MORE - MÀU LÁ ÚA - Thơ Lệ Hoa Trần

CŨNG ĐÀNH..., VỚI ĐÊM KHÔNG NGỦ, NIỀM RIÊNG - Thơ Tịnh Đàm


  
              Tịnh Đàm



CŨNG ĐÀNH...

Đi về
Rồi lại buồn thêm
Bước chân hoài vọng...
Bao đêm thẫn thờ !
Trót làm đau
Một giấc mơ
Cũng đành
Như cánh bướm hờ hững bay !


VỚI ĐÊM KHÔNG NGỦ

Đêm vơi, ngồi hát ru đời
Những dòng thư cũ đẫm lời yêu thương.
Tôi ơi ! Cứ mãi vấn vương
Ngỡ trong giây phút... như dường mới xa.
Đêm vơi, cùng ánh trăng tà
Nhớ xưa... màu áo người qua Chốn này.
Nỗi niềm gởi gió ngàn bay
Vườn khuya sương lạnh, về day dứt buồn !


NIỀM RIÊNG
(Thân tặng bác G.T.Điệp)

Buồn chi anh,buồn chi anh
Cuộc đời đã vậy cũng đành vậy thôi !
Bao năm mưa nắng ngược xuôi
Giữa muôn người vẫn đơn côi một mình !
Kiếp phù sinh,kiếp phù sinh
Tri âm-mấy kẻ lấy tình đãi nhau?!
Niềm riêng,riêng đến mãi sau
Bởi yêu thương mới bạc đầu vì nhau 

                                TỊNH ĐÀM
                       (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - CŨNG ĐÀNH..., VỚI ĐÊM KHÔNG NGỦ, NIỀM RIÊNG - Thơ Tịnh Đàm

CÔNG THÀNH THÂN THOÁI, ĐẤT SINH NGƯỜI - Thơ Chu VươngMiện



Nhà thơ Chu Vương Miện



CÔNG THÀNH THÂN THOÁI

tham ở lại không bay đầu
cũng mất chức đi đày
làm phu phen nơi quan ải
lời cổ nhân đã dậy
không sai ?

ngươi sinh bắc tử nam
người sinh nam tử bắc
có người đầu ở trên
bụng trên đít
có người đít trên đầu
có người ở nam đầu bắc
hoặc ngựơc lại
có người ở nội hướng ngoại
và trái lại


ĐẤT SINH NGƯỜI

có sang và có hèn
có ngu cùng khôn
dù bắc hay nam
cũng dòng

nước thiếu  ăn đói nghèo
ngu dốt
nước dư ăn 
đi du lịch
khắp năm châu bốn biển
xem bọn ngu dốt ca hát
múa lửa
kẻ dư ăn ăn nhiều
đứt ruột chết
kẻ thiếu ăn nhịn đói 
hoài cũng chết
đánh nhau hoài
bom đạn thả trên đầu
không sống

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CÔNG THÀNH THÂN THOÁI, ĐẤT SINH NGƯỜI - Thơ Chu VươngMiện

ĐỌC “TÌNH NHÂN ƠI” CỦA TRẦN HẠ VI: BÀI THƠ HỔN HỂN - Châu Thạch

     
             
 Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “TÌNH NHÂN ƠI” CỦA TRẦN HẠ VI: BÀI THƠ HỔN HỂN
                   
Một bài thơ cháy lửa tình yêu. Nó cháy không phải vì nó đang bốc lửa truy hoan. Nếu nó đang bốc lửa truy hoan thì nó chỉ là một bài thơ tầm thường. Nó cháy vì nó đang bốc lửa nhớ nhung. Bài thơ khác thiên hạ ở chổ nó nhớ nhung mà nó không ủ rủ, nó không hoen lệ với nỗi buồn da diết. Bài thơ sầu mà vẫn kích thích cho mắt ta, da ta, tim ta nóng phừng phừng như đang truy hoan với ngọn lửa tình nhớ nhung của nó. Trước hết bài thơ cất tiếng kêu, tiếng kêu đó từ môi chảy vào lòng. Tiếng kêu đó như dòng mật có men. Mật mà lại có  men mới lạ đời. Men đó đã làm nổi “cơn cuồng si  hổn hển ngắn dài” đến nổi quên được cả  “áo cơm đời vật chất”:

Tình nhân ơi, gọi em đi
Tên em trên môi anh dòng ngọt ngào chảy mật
Ta rúc vào nhau
cơn cuồng si hổn hển ngắn dài
quên áo cơm đời chật vật

Khổ thơ đầu cho ta chiêm ngưỡng không phải tiếng kêu của chỉ Trần Hạ Vi đâu, mà là tiếng kêu của mọi sinh vật đang thiếu tình, khát tình và cần tình hối hả. Nhà thơ chỉ mới bảo tình nhân “gọi em đi” và có lẽ tình nhân chưa lên tiếng, nàng đã “rúc vào nhau”, “cuồng si hổn hển” đến độ “quên áo cơm đời”.
Người đọc đọc tiếp vế thơ sau sẽ thấy “em nhớ anh” lớn đến nhường nào và sự cần mà nàng ao ước lại nhỏ đến chừng nào:

Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!

Đọc câu thơ “Em nhớ anh/cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát” ta tưởng tương nỗi nhơ đó như một cơn lũ chảy về qua triền núi, triền đồi, triền sông và cuốn phăng đồng bằng trong nỗi nhớ như bão tấp mưa sa của nàng. Thế nhưng nàng nhớ gì? Nàng chỉ “Em mong anh/ mơ lắm một bàn tay”. Hóa ra nàng đang cần một bàn tay để giúp nàng thỏa mẫn “cơn cuồng si hổn hển ngắn dài” ở vế thơ trên. Đọc thơ ai cũng dễ cảm nhận được là người con gái đương khao khát dục tình, nàng đang cần một bàn tay để ve vuốt da thịt mình. Đúng như vậy vì qua vế thơ sau tác giả không ngại ngùng bày tỏ hết những tưởng tượng ân ái đốt cháy thịt da nàng:

Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình...

Rõ ràng, người con gái đang khát tình quá độ. Nàng “khát anh” và trong cơn mê sảng vì khát đó nàng cũng tự huyễn hoặc người nam cũng “khát em” để rồi cả hai “quặn quại đam mê” trong khát tình.
Thế nhưng bài thơ chuyển hướng ngay. Gáo nước lạnh đã dội xuống phủ phàng trên da thịt. Người con gái tỉnh người và đối diện ngay cùng hiện thực:

Tình nhân ơi
sao anh cứ làm thinh?
Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
Mưa nguồn lũ xối
Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan

“sao anh vẫn làm thinh/ Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan” là hai câu thơ diển tả sau cuộc truy hoan của một thời điểm nào trong quá khứ, mà cũng có thể hiểu rằng nỗi hụt hẫng của nàng trong hiện tại khi không nghe tiếng gọi của tình nhân. Hai hình ảnh nằm trong một khổ thơ cho ta một bức tranh kép để người đọc hiểu sâu về sự đối xứng của cuộc tình khi có nhau và khi không có nhau.
Cuối cùng nhà thơ đã tỉnh hẳn, biết mình vừa trải qua một cơn mê vì nỗi khát khao tình. Nhà thơ lại trở về với chính mình, là nép sống thanh bai như tự thuở hồng hoang, để cho thứ tình trong veo không dục tính hồi sinh trở lại

Mưa xuân lất phất tưới nụ hoa xoan
Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa
Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa
Nguyên thủy hồng hoang tràn về...
sự sống mới mới lại sinh sôi
Tình nhân ơi, 
lại nhớ anh rồi...

Đọc “Tình Nhân Ơi” tôi có những cảm xúc rất khác thường, nó cho tôi sự hồi tưởng những cơn mơ đẹp tình thời trai trẻ và nó cũng cho tôi quay lại với những cơn “Ú ớ hoan mê”của tuổi thanh xuân thời còn đầy sinh lực. Tôi nghĩ dại có phải đây là thơ hậu hiện đại chăng?. Tôi thích những bài thơ như thế, vì nó mô tả trắng trợn nhưng nó mô tả thành công những gì nằm sâu trong căn phòng bi mật của thể xác và tâm hồn mà đa số nhà thơ trước đây hoặc ẩn dấu, hoặc muốn nói ra mà không thể nào nói ra được. “Tình Nhân Ơi” như một nồi nước sôi sung sục, bốc lên nóng hổi thứ hơi dục tình, nhưng thứ hơi đó lại tỏa ngát thứ hương thơm của một loài hoa Nhung Nhớ, loài hoa mà mỗi một con người đều trồng trong trái tim mình, trên thân thể mình. Bài thơ cho ta thưởng thức bằng 5 giác quan sự hổn hển của thèm muốn với cái tâm rất thiện của tình yêu./.
                                                                           Châu Thạch 


                Nhà thơ Trần Hạ Vi



TÌNH NHÂN ƠI

Tình nhân ơi, gọi em đi
Tên em trên môi anh dòng ngọt ngào chảy mật
Ta rúc vào nhau
cơn cuồng si hổn hển ngắn dài
quên áo cơm đời chật vật

Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!

Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình...

Tình nhân ơi
sao anh cứ làm thinh?
Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
Mưa nguồn lũ xối
Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan

Mưa xuân lất phất tưới nụ hoa xoan
Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa
Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa
Nguyên thủy hồng hoang tràn về...
sự sống mới mới lại sinh sôi

Tình nhân ơi, 
lại nhớ anh rồi....

                              Trần Hạ Vi
                              04.11.2017

READ MORE - ĐỌC “TÌNH NHÂN ƠI” CỦA TRẦN HẠ VI: BÀI THƠ HỔN HỂN - Châu Thạch

THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967


       


THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967

Dalat, 30.9. 2017
Đức ơi,
Nhớ xưa, cô Nhã gọi Đoàn Đức, Nguyễn Thắng và Đỗ Tư Nghĩa là “Tam anh Vườn  Đào xứ Quảng.”  
Thuở ấy, chúng mình chưa có lần nào “uống máu ăn thề” theo kiểu người xưa, đúng không? Chỉ nhớ, thời trung học, chúng mình luôn ngồi bàn đầu – mình ngồi giữa Đức và Nguyễn Thẳng. Hiếm khi rời nhau. Chỉ biết, vắng nhau thì nhớ.
Nhà Đức ở làng Thạch Hãn, um tùm cây lá vây quanh. Mình vẫn thường đến đó. Có anh Đoàn Liên, Đoàn Minh... Lúc ấy, hình như còn song thân của Đức. Có cô cháu gái Đoàn Thị Hoa, vẫn còn bé xíu. Ngày đó, Đức và mình đều thích nhạc của Trúc Phương. Đức thích Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Còn mình thì thích Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu...
Nhà Nguyễn Thắng ở tận phía cầu ga, gần bệnh viện Quảng Trị. Thắng có hai cậu em trai, là Nguyễn Thái, Nguyễn Lang, và một người anh, mình đã quên tên. Một chị gái tật nguyền, nhưng có khuôn mặt xinh đẹp, hồng nhan bạc mệnh. Nhớ ca khúc "Một bàn tay" của Phạm Duy, mà Thắng vẫn thường ôm đàn và hát. “Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người / Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời / Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái / Nhạc ru tiếng khóc trần ai...”
Đức ơi, không rõ tại sao hồi đó chúng mình thân thiết với nhau như vậy? Mình gặp Thắng từ lớp ba, trường Nam tiểu học. Đức, mới gặp từ năm đệ Thất. Có phải đó là “duyên tiền kiếp” không nhỉ? 
Suốt bao nhiêu năm bên nhau, chúng mình đã nói với nhau những gì, đã cùng đi với nhau trên những con đường nào, mình đã không còn nhớ.  Chỉ còn đọng lại một nỗi thân thương, một cảm giác êm đềm, ấm áp. 
Có lần, mình đã viết, “nếu Huế là thành phố của một thời lãng mạn, B’lao là nơi tôi chập chững bước vào đời, thì Quảng Trị là nơi tôi đã sống một tuổi thơ êm ái.”
Cái tuổi thơ êm ái đó, gắn liền với cái tên Nguyễn Hoàng và Quảng Trị.
Cuốn sách của Đức nói về trường Nguyễn Hoàng, về các cô Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Thanh; các thầy Trần Thương Bá, Trương Ngọc Hội, Lê Mậu Tâm, Hồ Sỹ Châm, và Hary Carkin. 
Trong số đó, thì thầy Hary Carkin, mình không rõ – vì năm Đệ Nhất C mình không còn là học sinh của trường nữa. Mình chỉ học dự thính duy nhất môn Triết của thầy Lê Mậu Tâm. Mình cũng không có “duyên” với thầy Hồ Sỹ Châm, nên mình không có nhiều kỷ niệm với Thầy như Đức.
Trừ hai thầy đó ra, thì số còn lại, mình nhớ khá rõ: Cô Nhã, thầy Bá, cô Thanh, thầy Tâm, thầy Hội.
Cô Nhã, thầy Bá, và thầy Tâm, bây giờ đã thành người thiên cổ
Theo cảm nhận của mình, thì cô Nhã và thầy Bá, là hai người đã dành cho mình nhiều ưu ái nhất.
Khoảng năm 1999, mình đã liên lạc được với thầy Bá. Đã tâm sự một đôi lần với Thầy qua thư tín. Một đôi lần nghe giọng nói ấm áp của Thầy trên phone. Không ngờ Thầy ra đi sớm thế. Mình đã có bài viết về Thầy đăng trên Nguyễn Hoàng-Chân dung & Kỷ niệm, do Võ Thị Quỳnh chủ biên – nên ở đây mình không nhắc lại. Mình chỉ nói gọn: Thầy là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong số các thầy cô của mình thuở đó. 
(Nhờ cuốn sách của Đức, mà mình biết thêm về quãng đời của Thầy ở quân trường, và những “hệ lụy trần gian” của Thầy sau 75. Chi tiết về “cái áo gối” của chị Ngọc Lan, rất “hấp dẫn,” mình cũng chưa hề biết)
Còn cô Nhã, thì thỉnh thoảng mình vẫn gặp Cô – mỗi lần Cô vào Dalat thăm cô con gái. Những lần đó, mình thường sang thăm Cô, và dùng bữa trưa với Cô. Gần đây – chỉ vài tháng trước khi Cô ra đi – Cô đã gửi quà cho mình. Khi Cô nằm viện, mình đã kịp gửi cho Cô xem bài viết ngắn của mình về Cô. May mắn thay, hình như Cô đã đọc. Vài ngày sau đó thì Cô qua đời. 
(Chi tiết “Tam anh Vườn đào xứ Quảng, nhờ Đức và Thắng nhắc lại, mình mới nhớ). 
Khi anh Võ Văn Cẩm gọi điện báo tin Cô ra đi, thì mình đang ở Saigon chữa bệnh. Mình bàng hoàng, nhưng im lặng, không có biểu hiện gì. Sau đó, khi Nguyễn Thắng lại báo tin, thì mình đã bật khóc. Mình không hiểu, do đâu mà cô dành tình cảm ưu ái cho “Tam anh Vườn đào xứ Quảng.”           
Thầy Lê Mậu Tâm là người giản dị, cởi mở, chân thật và độ lượng, với nụ cười hiền hòa. Bài giảng của Thầy rất dễ hiểu, có hệ thống. Mình có kỷ niệm rất đáng nhớ với Thầy. Năm Đệ Nhất C, mình chỉ học (dự thính) duy nhất các giờ Triết của Thầy. Mình nghỉ học ở trường, là vì nhiều lý do sâu xa, chứ không phải chỉ vì “buồn tình” đâu Đức ạ. Năm Đệ Nhất C đó, là năm rất cô đơn của đời mình – vì mình đã tự quyết định nghỉ học, tuy rất nhớ trường, nhớ lớp. 
Sau này, khi còn là sinh viên Triết ở Đại học Văn khoa Huế, mình đã có dịp làm “giáo sư,” mặc áo veston chỉnh tề lên lớp thay cho Thầy vài tháng – ở một lớp Đệ Nhất C nào đó. Khoảng thời gian đó, hình như sức khỏe Thầy không được tốt. 
Đọc cuốn sách của Đức, mình biết thêm quãng đời của Thầy sau năm 1972,  và quãng đời gian truân ở Đạ Tẻ trước khi Thầy rời cõi tạm: trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đớn lòng!
Nhân đây, chúng mình hãy thắp một nén tâm hương, để tưởng nhớ hương linh của cô Nguyễn Thị Nhã, thầy Trần Thương Bá, và thầy Lê Mậu Tâm, nhé Đức. Cầu mong cô Nhã và hai Thầy đang ở trong một cảnh giới bình an nào đó. 
Còn thầy Hội, thì mình không rõ hiện nay Thầy đang ở đâu... Thầy có còn trên đất nước Việt Nam? Thầy có còn ở trần gian này, hay đã đi về một cảnh giới nào khác? Đã quá lâu, mình không có tin tức nào về Thầy. Thầy là một khuôn mặt hết sức “độc đáo.” Nhờ cuốn sách của Đức, mà mình mới nhớ lại chuyện “bắn hoa hồng muộn,” một kỷ niệm rất thú vị.  Và nhiều chi tiết khác, xung quanh con người và phong cách giảng dạy của Thầy. 
Trong số 7 thầy cô mà Đức nói đến, thì chỉ còn cô Thanh và thầy Châm là vẫn còn lưu lại cõi tạm này. 
Thuở ấy, mình không học với thầy Châm ở lớp Đệ Nhất C, nên đã bỏ mất rất nhiều kỷ niệm mà Đức đã có. Không ai giảng cho mình những điều thâm thúy trong các bài thơ, bài văn trong sách giáo khoa La vie en Amérique. Những cái đó, mình đều phải tự học. 
Mới đây, nhờ đọc cuốn sách HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO của Đức, và bài viết của Thầy Châm về cuốn sách đó,  mình mới biết Thầy là một người có kiến thức uyên thâm, một tâm hồn sâu lắng. Mình đã viết về một số thầy cô, nhưng không có bài nào viết về Thầy. Bởi vì, cái năm Đệ Nhất C ấy, mình đã không được học với Thầy, do vậy, không rõ lắm về Thầy. Hôm rồi, nói chuyện với Thầy một lát qua điện thoại, mình rất cảm động, không ngờ rằng Thầy đã âm thầm dành cho mình một tình cảm ưu ái. Xin gửi đến Thầy lời cảm tạ. Hình như Thầy đã ở khoảng tuổi 80. Rất mong có ngày được hàn huyên với Thầy. 
Riêng cô Thanh, thì mình khó mà quên Cô được – bởi vì thuở đó, Cô trẻ đẹp, dịu hiền và nói tiếng Pháp rất hay. Ngày ấy, mình vẫn thường thấy Cô đi qua con đường làng Thạch Hãn, những sáng Chúa nhật, Cô đi lễ nhà thờ. 
Về câu chuyện  “vớ vẩn” xung quanh “je t’aime,” – mà Quang và Đức hay nhắc lại – thì thú thật, mình không còn nhớ gì. Nhưng quả thật, đó là một kỷ niệm rất thú vị của thời áo trắng. Mới đây, khi dịch Life of Tolstoy (Đời Tolstoy) của Romain Rolland – qua bản Anh ngữ của Bernard Miall – mình có đối chiếu với nguyên tác Vie de Tolstoi, tiếng Pháp. Với khả năng tiếng Pháp sinh ngữ 2, mà cơ bản vẫn hiểu được nguyên tác – thì một phần lớn cũng nhờ cô Thanh trẻ đẹp dịu hiền của chúng ta ngày ấy!
Lần mình về Saigon chữa bệnh, chưa tiện đến thăm Cô, nhưng Cô đã nhiều lần gọi điện thăm mình. Qua giọng nói của Cô, mình cảm nhận một tình cảm thân thương khó lòng diễn tả. Xin cảm tạ tấm lòng trìu mến của cô. 
Bây giờ tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” rồi, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, vẫn thấy như thể mình được hóa thân trở lại thành cậu bé của những ngày thơ ấu đó.
Có một cô từng là nữ sinh trường Nguyễn Hoàng, tên là Nguyễn Thị Thu, được biết đến như là “ca sỹ Thu Vàng.” Mới đây, mình đã nghe cô hát NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG của Hoàng Thi Thơ.  “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? / Tìm đâu những ngày xinh như mộng?/ Tìm đâu những ngày thơ? / Tìm đâu những chiều mơ?/ Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?” 
Bài hát ấy, mỗi lần nghe lại, đều khiến tâm hồn mình xúc động.  Những ngày thơ mộng ấy, đã qua đi theo thời gian, nhưng dư âm dường như vẫn ngân vang hoài trong ký ức.
Ngày ấy, có Nguyễn Hoàng, có Quảng Trị. Có dòng sông Thạch Hãn, có những con đường Quang Trung, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo, Gia Long... Có những người thân, có thầy cô và bạn hữu. Có những “sợi tơ tình” giăng mắc, mỏng như tơ, mơ hồ như mây như khói, nhưng cũng đẹp lung linh như những hạt sương mai. 
Mình vẫn thầm tri ân tất cả những gì đã góp phần làm nên cái tuổi thơ êm ái đó của mình. 
Thời gian là một dòng sông không trở lại. “There is a river/ A river of no Return”– như ca từ một khúc hát mà thầy Lê Văn Sét đã có lần hát cho chúng mình nghe. Mặc dầu vậy, cơ hồ như dòng sông ấy vẫn thường trở lại trong hồi ức, trong những cuốn sách như HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO của Đức, có phải thế không?

                                                                        Thân mến!
                                                                       Đỗ Tư Nghĩa

READ MORE - THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967