Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 6, 2017

BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY - Bút ký và ảnh của Chế Cẩm Đình



BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY
Bút ký và ảnh của Chế Cẩm Đình

Lâu thật lâu lắm, tôi mới xuôi đèo Lò Xo rời cao nguyên về lại đồng bằng. Hơn mười năm trước, cái thời còn đi bán xi măng cho các dự án thủy điện thì qua lại đây thật nhiều, trên cơ thể vẫn còn lưu hăm mấy nốt sẹo do côn trùng đốt làm kỷ niệm với vùng đất cổng trời này.
Rời Kon Tum bốn giờ chiều, trời gắt nắng chứ không làm mưa như phía Gia Lai hay Đắc Lắc, tuy rằng cùng là đất Tây Nguyên nhưng bên này ở mé sườn đông, nên hơi ngược mùa mưa nắng với phía tây dãy Trường Sơn. Qua ngã ba đi Kon Rẫy, nhớ lời hẹn sẽ cùng em Y Ngom về thăm palei Kon Dơ Xing xinh đẹp bên dòng Dakbla chảy xuống từ đỉnh Ngọc Linh huyền bí, nhưng lúc này thì chưa phải dịp.
Thị trấn Đắc Hà nằm im lìm bên đường chiều, thiếu hẳn sự nhộn nhịp như ngày trước tôi qua, e vì lúc này không còn đông người dưới xuôi lên làm công việc xây dựng giao thông, thủy điện. Tu Mơ Rông, Đắc Tô, Tân Cảnh lần lượt hiện ra trên những tấm bảng chỉ dẫn địa danh. Nơi đây từng là chiến địa ác liệt nhất trong các cuộc giao tranh giành quyền làm chủ cửa ngõ vào Tây Nguyên của quân lực hai bên Nam - Bắc Việt, bởi ai chiếm cứ mái nhà Đông Dương thì hiển nhiên sẽ cầm trịch được cuộc chiến. Đường băng sân bay dã chiến chạy dọc theo đường quốc lộ đến mấy cây số nay được bà con dùng phơi nông sản, như mùa này đương phơi sắn lát, bay mùi tinh bột thiu thiu.
Huyện lỵ Plei Cần của huyện Ngọc Hồi nhà cửa chợ búa đông đúc hơn hẳn mấy nơi kia. Đây là trung tâm phía bắc tỉnh Kon Tum, nơi có cửa khẩu Bờ Y cách đó mươi hai cây số chính là ngã ba Đông Dương giữa ba nước Việt – Lào – Cam. Người ta lên đây buôn bán làm ăn khá nhiều, tạo ra một vùng kình tế biên mậu khá trù phú. Ra khỏi thị trấn là bắt đầu đổ đèo, đường nhựa được thay bằng đường bê tông chống trượt, tiếng lốp xe cán đường gằn lên pật pật rần rần chứ không êm mịn. Lúc này gần sáu giờ chiều, trời buông chút nắng nhạt cuối ngày. Từng lọn mây trắng kéo về vần quanh mấy rặng núi xanh ngắt nhô lên giữa bình đồ. Dòng sông Pô Kô mùa này ít nước, chỉ rì rầm chảy theo ven đường mười bốn như tiếng hát tự tình của đôi trai gái vào tuổi yêu.
Đắc Glei hiện ra trong màn sương mỏng giữa lưng chừng ngọn đèo. Hàng quán đã bắt đầu sập cửa nên thưa hẳn người qua lại, lác đác vài ba chiếc gùi nhấp nhô trên lưng các chị gái đồng bào trung tuổi ruổi bộ nhanh nhanh qua mấy con dốc trong thị trấn, để kịp về nhà trước khi trời tối hẳn. Như tôi giờ này cũng rất vội, trong lòng có ý tìm cho được một bản làng bên đường có nhà Rôông hay nhà Gươl để ghé lại thăm chơi, sợ trời tối thì không tìm được nữa mà phải về xuôi ngay trong đêm nay.
Rồi điều mong ước cũng đến, từ xa thấp thoáng một mái nhà Gươl với hai cái sừng trâu nhọn hoắt trên hai đầu mái nằm bên triền đồi đoạn cây số 1.450 đường HCM. Dừng xe hỏi thăm mới biết đây là một bản người Giẻ Triêng, mừng lắm, xin phép được vào thăm và trò chuyện với dân làng. Hỏi thăm vì sao lại gắn sừng trâu trên mái nhà Gươl, à, nó biểu tượng cho sức mạnh của thanh niên trong làng đấy, phải khỏe mới vật được con trâu, mới lấy được cái sừng gắn lên đó! Hỏi làng ta còn đâm trâu nữa không ạ? Bây giờ cấm rồi, cấm rồi, chỉ khi nào được mùa to lắm thì mới lên huyện xin phép, có khi được cho đấy! Người Giẻ Triêng trông khá giống người Kinh, chứ không giống người Khơ Me dù họ cùng ngữ hệ. Trong làng cũng còn nhiều họ tộc như họ Kring, họ Xiêng, họ Hliêng và họ Bloong, nhưng tên thì đã Việt hóa, như anh Ngọ, người đã trò chuyện cùng tôi đây cũng đã đổi tên.
Lúc trước đọc sách của bác Nguyên Ngọc, thấy mô tả người Giẻ Triêng chỉ ở lưng chừng núi, vì trên đỉnh núi là lối đi của Kia (thần linh), dưới thung lũng là nơi ma quỷ trú ngụ cũng phải tránh ra, bây giờ đến thăm thấy đúng vậy. Hỏi về quan niệm lúc mình sinh ra có 7 linh hồn tốt, xấu, siêng năng, ăn cắp … được bà mụ thổi vào thì không còn ai biết. Chắc vì bây giờ đỡ đẻ là có y bác sĩ hộ sinh rồi, nên tục xưa quên mất.
Xuống thêm chừng mười cây số, gặp một bản khác ngay bên đường, lại dừng xe vào thăm hỏi. Không phải bản Giẻ Triêng đâu nhé, mà là bản người Hà Lăng, một nhánh hay một tên gọi khác của đồng bào Xơ Đăng. Đám trẻ con trong bản chạy lại vây quanh khi thấy có người lạ đến chơi, vui quá. Chụp hình, chụp hình nào, ai nấy đều hồ hởi, chỉ mấy cô sơn nữ thì còn chút e thẹn né ra ngoài khuôn hình. Mà kỳ lạ lắm, người Hà Lăng có vóc dáng rất cao ráo, da trắng và khuôn mặt tây tây. Trong các khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt của cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc từng đề cập đến những người như “Tây trắng” ở trên dãy Trường Sơn có khi là đây? Ông biết được thông tin về chủng người này qua các tài liệu của người Pháp, chứ ông chưa gặp được bao giờ.
Đồng bào Hà Lăng ít ở nhà sàn, mà làm nhà trình tường bằng đất như dưới đồng bằng hồi chưa có xi măng sắt thép. Họ cũng làm lúa nước, cũng biết rèn các công cụ nông nghiệp như người kẻ ruộng vậy. Cây lúa gọi là “mạu”, trong khi dưới xuôi gọi là “mạ”, rõ là có họ hàng ngôn ngữ với nhau. Xin thâu âm số đếm từ một đến mười, thấy trùng với tiếng Việt đến 8 con số, trừ số 2 và số 6 ra mà thôi. Hỏi thêm một số từ nguyên thủy như nước thì gọi là “dak” (âm Việt cổ là nác), đất là “nei”, hỏi có biết biển không? Biết đấy! Gọi là gì? À, ừ, à là “Dak xi”, cho dù tôi chưa tìm thấy mối liên hệ giữa âm “xi” với âm “biển” nhưng khả dĩ rằng tổ tiên họ đã đi lên từ dưới xuôi thì mới biết biển và có từ vựng để chỉ biển. Như mặt trời thì họ gọi là “mat ngay”, tức là “mắt/mặt ngày”. Người quê tôi, cảm thán vẫn gọi ngày là “ngay”, như trong câu “ban ngày ban mặt” thì nói là “ban ngay (nhấn dài) ban mặt”. Trong tiếng Việt có tính từ “ngay” để chỉ sự ngay thẳng, ngay ngắn, có lẽ bắt đầu từ âm “ngay ” này, với ý nghĩa rõ ràng (như ban ngày). Đó, tiếng Việt của chúng ta đó, nguồn gốc dân tộc ta đó, hiện rõ trong tiếng nói của người đồng bào trên dãy Trường Sơn, chứ tìm đâu cho xa!
Xe tiếp tục đổ xuống con đèo dài cả trăm cây số, nó dài đến nỗi mà đoạn trên bên đường một chiếc xe tải mất phanh đổ gục vào vách núi khiến tôi rùng mình, đoạn dưới hai xác xe khách giường tầng cháy trơ khung sắt nằm ven đường cách nhau vài cây số, vì phải phanh liên tục đến cháy lốp, bắt lửa lên cả xe. Màn đêm sập xuống khiến núi rừng mờ mịt, chỉ còn ánh đèn pha trước đầu xe thắp phực lên những đóm mắt phản quang như mấy đầu que diêm quẹt lửa cắm thẳng hàng dẫn tôi xuống tận chân đèo qua địa phận huyện Phước Sơn thuộc Quảng Nam. Núi rừng Tây Nguyên ơi, sao lại làm cho tôi yêu đến vậy, tôi còn lên nữa đấy, hãy cứ chờ tôi!

11/6/2017
Chế Cẩm Đình









READ MORE - BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY - Bút ký và ảnh của Chế Cẩm Đình

THƠ CỦA PABLO NERUDA - Ngọc Châu dịch





THƠ CỦA PABLO NERUDA
Ngọc Châu dịch


Pablo Neruda (1904-1973) là bút danh của Ricardo Eliecer Neftalí Reyes Basoalto – tác gia và chính trị gia người Chilê, giải Nobel Văn học 1971. Sinh ngày 12-7-1904 tại thị trấn Parral, miền nam Chilê.
Pablo Neruda bắt đầu sự nghiệp văn chương từ rất sớm; hai mươi tuổi ông xuất bản tập “Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng”, là tập thơ bán chạy nhất ở Chile, làm cho ông trở thành một trong những nhà thơ trẻ nổi danh nhất ở Mỹ Latinh. Tập thơ Bài ca chung gồm 340 bài thơ được coi là kiệt tác đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.
P. Neruda đã đi từ trường phái biểu tượng sang siêu thực và cuối cùng trở thành hiện thực, là nhà thơ nhập cuộc, nhà thơ chiến đấu, ảnh hưởng của thơ ông đối với các dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha là rất lớn. Năm 1971 ông được trao giải Nobel vì những lời thơ phản kháng vang khắp thế giới, có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị. Ông được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế kỉ XX. Thơ ông được dịch nhiều và được yêu thích ở Việt Nam. P. Neruda mất ngày 23-9-1973 tại thủ đô Santiago.
Nhà thơ sống những năm thơ ấu và tuổi trẻ ở Temuco, quen biết với Gabriela Mistral, hiệu trưởng trường Trung học Nữ, người đã đem lòng yêu quý ông...
Đây là bài thơ P. Neruda viết tặng nàng.
IF YOU FORGET ME
I want you to know
one thing.
You know how this is:
if I look
at the crystal moon, at the red branch
of the slow autumn at my window,
if I touch
near the fire
the impalpable ash
or the wrinkled body of the log,
everything carries me to you,
as if everything that exists,
aromas, light, metals,
were little boats
that sail
toward those isles of yours that wait for me.
Well, now,
if little by little you stop loving me
I shall stop loving you little by little.
If suddenly
you forget me
do not look for me,
for I shall already have forgotten you.
If you think it long and mad,
the wind of banners
that passes through my life,
and you decide
to leave me at the shore
of the heart where I have roots,
remember
that on that day,
at that hour,
I shall lift my arms
and my roots will set off
to seek another land.
But
if each day,
each hour,
you feel that you are destined for me
with implacable sweetness,
if each day a flower
climbs up to your lips to seek me,
ah my love, ah my own,
in me all that fire is repeated,
in me nothing is extinguished or forgotten,
my love feeds on your love, beloved,
and as long as you live it will be in your arms
without leaving mine.
P.Neruda

NẾU EM QUÊN TÔI
Muốn em tỏ một điều thôi
Chừng như em đã biết rồi, là khi:
Qua song, vầng trăng pha lê,
giữa cành đỏ lá,
thu về chậm sao,
Anh nhìn.
Tay khẽ chạm vào
lớp tàn ảo,
vỏ nhăn nheo củi cành,
sát bên bếp lửa phòng anh.
Tất cả chúng
đều muốn giành về em.
Vẻ như ánh sáng, hương thơm
đường ray tàu
hay cánh buồm nổi trôi
mọi tồn tại giữa cõi đời
đều tới đảo,
nơi em ngồi chờ anh.
Nếu khi
em bớt yêu anh
Một chút thôi
anh cũng đành tuân theo.
Nếu bỗng dưng có một chiều
quên tìm, em chẳng nghĩ nhiều về anh,
cho rằng anh đã quên nhanh,
Chắc rằng đấy
chuyện đành hanh, điên khùng.
Kệ cho ngọn gió thổi tung
đời anh
mảnh vải
giữa rừng biểu trương
Và em quyết định tách đường,
bỏ anh ven biển,
giữa phương trời này,
mầm từng mọc rễ xanh cây.
Thì em nên nhớ cũng ngày ấy thôi,
Tay anh lại níu cuộc đời,
chân anh lại bước
tìm nơi đất hiền.
Nhưng nếu một ngày nên duyên,
một giờ em muốn mình nên vợ chồng
Vị ngọt ngào giữ trong lòng.
đặt bông hoa thắm sắc hồng lên môi,
Kiếm tìm anh,
thì em ơi,
hỡi người yêu, hỡi cuộc đời của anh!
Lại bùng lên ngọn lửa xanh
chẳng quên, chẳng tắt, tình anh tuôn trào
sống bằng tình của em trao,
đời này sẽ chẳng khi nào rời xa
Mình là mãi của nhau mà...
Ngọc Châu dịch

Here I love you.
Here I love you.
In the dark pines the wind disentangles itself.
The moon glows like phosphorous on the vagrant waters.
Days, all one kind, go chasing each other.
The snow unfurls in dancing figures.
A silver gull slips down from the west.
Sometimes a sail. High, high stars.
Oh the black cross of a ship.
Alone.
Sometimes I get up early and even my soul is wet.
Far away the sea sounds and resounds.
This is a port.
Here I love you.
Here I love you and the horizon hides you in vain.
I love you still among these cold things.
Sometimes my kisses go on those heavy vessels
that cross the sea towards no arrival.
I see myself forgotten like those old anchors.
The piers sadden when the afternoon moors there.
My life grows tired, hungry to no purpose.
I love what I do not have. You are so far.
My loathing wrestles with the slow twilights
But night comes and starts to sing to me.
The moon turns its clockwork dream.
The biggest stars look at me with your eyes.
And as I love you, the pines in the wind
want to sing your name with their leaves of wire.
P. Neruda

NƠI ĐÂY ANH YÊU EM
Nơi đây anh rất yêu em
Rừng thông tăm tối gió thèm thoát ra
Trăng như phát nhiệt từ xa
Sóng lân tinh quẩn quanh qua hồ rừng.
Ngày nối ngày như vẫn từng.
Tuyết bông nhảy múa tưng bừng nơi nơi.
Hướng tây, mòng biển hẫng rơi
Sao trời cao tít, hiếm hoi cánh buồm.
Cột tàu thập ác cô đơn
Đôi khi thức sóm thấy hồn ướt theo.
Xa xa biển động, sóng reo
Kia là bến cảng
tinh yêu neo chờ
Chân trời cố dấu bến bờ
Yêu em trong những phút giờ lạnh băng
Nụ hôn gửi theo tàu hàng
Băng qua biển lớn tới chăng hỡi người.
Thấy rằng anh bị quên rồi
Như cây neo rỉ quăng nơi bến này
Không mục đích để hăng say
Chán chường mệt mỏi ngày ngày thêm lên
Em xa anh quá hỡi em
Nhưng đêm đã xuống dịu hiền hát ca
Trăng quay đồng hồ mơ hoa
Ngó nhìn anh, sao như là mắt em
Du theo gió, rừng thông quen
Hát tên em tiếng lá kim rì rào.


Ngọc Châu dịch
READ MORE - THƠ CỦA PABLO NERUDA - Ngọc Châu dịch