Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 25, 2017

CHỊ ƠI! - Thơ Võ Công Diên



                 Tác giả Võ Công Diên


CHỊ ƠI ! 
(Viết cho một người trong tâm tưởng không tên và các chị gái)

Chị ơi!
Có nhớ mưa ngâu vàng tháng bảy?
Giọt thấm vai nghiêng ướt đôi tà
Thương quá em che bên phía gió
Mong ấm chị về cuối dặm xa

Chị ơi!
Mừa phùn hạt rớt hàng cây lặng
Lá úa trên cành rũ đứng im
Em nghe chị thở dài vô tận
Mắt chị buồn rơi giọt lệ tim

Chị ơi!
Cuối đường mưa tạnh trời hoe nắng
Chị hỏi em về có lạnh không?
Cắn chặt môi mềm em khẻ đáp:
Mưa gió quen rồi lạnh lòng trong

Chị ơi!
Em thấy long lanh trong mắt biếc
Đôi dòng lệ ứa ướt mi cong
Chị lấy khăn xoan quàng lên cổ
Em vấn về đi kẻo mẹ mong!

Chị ơi!
Thủa chị còn xuân dáng mỹ miều
Em mới mười lăm đã vội yêu
Thương chị tóc xanh giờ đốm bạc
Khăn ấy đâu còn trả chị yêu!!!…


                 Đêm 23-07-2017
                   Võ Công Diên

READ MORE - CHỊ ƠI! - Thơ Võ Công Diên

VỀ THĂM TRÀ LỘC QUÊ ANH - Thơ Phong Nguyễn



VỀ THĂM TRÀ LỘC QUÊ ANH
Phong Nguyễn

Lung linh bên bàu Trà Lộc
Hoa sen ngan ngát tím chiều
Nghiêng nghiêng con cò trắng lượn
Buông thả một nụ cười yêu

Thảnh thơi trong chòi tranh nhỏ
Hồng tửu chỉ một vài chung
Đưa mắt nhìn cô gái lạ
Tóc thề say ngã trên lưng

Nước trong đầm sâu cá quẫy
Sóng dồn xô ngã bờ mưng
Thương em nhớ câu mẹ hát
Gừng cay muối mặn xin đừng...

Quê anh có đồi cát trắng
Câu hò theo chị chợ xa
Có con sông Nhùng uốn khúc
Đi qua làng mạc quê nhà

Nhớ hoài tích xưa ai kể
Có con cá quẫy bên đầm
Mỗi độ trăng rằm tháng tám
Hóa thần vược vũ môn quan

Thương em ta về Trà Lộc
Ngắm đôi mắt ướt long lanh
Nhìn con cò nghiêng cánh vỗ
Ngậm ngùi sen nở lung linh


PHONG NGUYỄN
READ MORE - VỀ THĂM TRÀ LỘC QUÊ ANH - Thơ Phong Nguyễn

DƯƠNG HẰNG VÀ NHỮNG VIÊN KẸO NGỌT - Phan Nam giới thiệu tập truyện ngắn Bay Đi, Khướu Ơi!





Dương Hằng và những viên kẹo ngọt...
Phan Nam


Men theo những trang viết của Dương Hằng, có thể thấy tác giả đưa độc giả về một thuở hồn nhiên, trong sáng và thú vị biết bao. Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” những các bạn nhỏ luôn chứng tỏ mình có cái nhìn rất lạ trước cuộc sống diệu kỳ, đó là những mảng màu tươi vui, những khúc ngoặt bất ngờ với một vài điểm xuyết mơ hồ, long lanh. Đọc truyện của Dương Hằng, chỉ cần đọc một loáng là xong, bởi cốt truyện tưởng chừng như không có gì, tựa viên kẹo ngọt dần tan trên đôi môi, buộc ta phải cảm nhận từng con chữ đang chuyển động. Mười lăm truyện ngắn trong tập truyện “Bay đi, khướu ơi” (NXB Kim Đồng), có thể thấy những cô cậu học trò vô cùng hồn nhiên và trong sáng, với rất nhiều bối cảnh từ vùng nông thôn đến thành thị, nhưng tựu trung lại chính là niềm ước mơ, nỗi khao khát có những người bạn mới, có một cuộc sống mới trong đôi mắt trẻ thơ.

Nhà văn Dương Hằng

Câu chuyện “vị khách lạ” kể về một chú cảnh sát mật vì công việc nên đến ở và gặp gỡ chủ nhà nhỏ tuổi. Và cuộc sống của khách và chủ có thêm những cuộc trò chuyện, những lần đối thoại bất ngờ, và “vị khách” ra đi để lại cho cả chủ và khách những hồi ức tươi đẹp: “Mẹ rất bình thản nói với tôi rằng cuộc sống cũng cần những vị khách lạ ghé thăm”. Rồi câu chuyện rất thật của anh Tun và bé Khẹc, với lối hành văn đầy tự nhiên, trong sáng, độc giả nhỏ tuổi sẽ vô cùng thích thú với sự nghịch ngợm đầy đáng yêu của bé Khẹc. Bé Khẹc đã làm đảo lộn cuộc sống của anh Tun bằng những trò đùa tinh quái để đến một ngày kia bé Khẹc phải nghỉ học để chữa bệnh mắt đỏ, anh Tun cảm thấy trống vắng vô cùng, và rồi Tun kết luận: “Phải nói rằng, cái Khẹc là chúa phiền phức. Nhưng kể ra, nó lại là đứa “bạn thân nhất” của tôi”. “Cất nỗi buồn vào ngăn tủ” và “chim én đã về” là hai câu chuyện cũng khá hay và ý nghĩa. Đó là nỗi buồn của một cô bé bị mẹ quản thúc quá chặt chẽ khiến cô bé lầm tưởng là mẹ không yêu thương cô, đến khi cô gửi lá thư của mình đến chuyên mục phát thanh trong trường, Hoàng, anh chàng phát thanh đã đến gặp mẹ cô bé, đến lúc này cô bé mới nhận ra mẹ rất yêu thương mình. Những dòng chữ vô cùng cảm động chạm vào trái tim trẻ thơ: “Hãy thấy mình thật may mắn vì còn có mẹ ở bên và can đảm tâm sự với mẹ nhiều bạn của tớ nhé. Tớ dám chắc, mẹ sẽ hiểu và bạn cũng nhận được yêu thương từ mẹ thôi. Tớ mãi sẽ là ngăn tủ nhỏ để cậu cất giấu nỗi buồn vào trong đó, tớ luôn ở đây và lắng nghe”. Còn câu chuyện “chim én đã về” kể về sự xuất hện bất ngờ của bé Bun, “sau khi tôi chào đời, mẹ tôi không thể sinh thêm lần nữa”, và bé Bun xuất hiện trở thành thành viên chính thức của gia đình tôi. Từ đó, bức tranh mùa xuân của tôi ngoài “những gánh hàng hoa, những đám mây bồng bềnh thăm thẳm, hàng cây còn lác đác vài chiếc lá úa vàng, cảnh đường sá tấp nập, cây quấy, cây đào dập dìu trên phố...” còn có thêm “từng đàn chim én nhỏ sẽ chao liệng trên bầu trời”, nhưng buồn thay khi Bun chỉ là “chim én lạc bầy”. Với một cách hành xử nóng vội, bồng bột của tuổi mới lớn, tôi đã đuổi em đi, sau đó bức tranh của tôi đoạt giải nhất nhưng tôi không còn cảm thấy vui. Có lẽ tôi đã không đúng nhưng cuối cùng tôi đón em vào lòng “và rồi, tổ ấm của tôi ríu rít trở lại bởi tiếng nói cười”.

Cuộc sống thật sự rất kỳ diệu với cảm nhận đầy yêu thương nhân hậu của một tác giả trẻ. Bạn đọc cũng sẽ bật cười với những dòng chia sẻ hồn nhiên của tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma”, nhưng cũng thật đáng yêu: “Lớp trưởng, chúng tớ biết lỗi rồi. Bố tớ mà biết thì tớ chỉ có no đòn thôi. Lớp trưởng đừng chấp nhặt hai kẻ xấu trai này nhé, lớp trưởng xinh đẹp? Giờ ra chơi, lên sân thượng, hai kẻ xấu trai muốn tạ lỗi ạ”. Có lẽ những bức tâm thư được viết trong mảnh giấy nhỏ mà ai cũng trải qua một lần trong đời? Qua những câu chuyện được phác họa ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều dễ dàng nhận thấy là điểm nhìn đầy tinh tế, xúc cảm của tác giả Dương Hằng. Viết cho trẻ nhỏ là rất khó, nhưng với sự tiếp xúc và cảm nhận ở một rung động chân thành, tác giả đã đưa người đọc chu du qua từng miền đất đẹp đẽ của tuổi thơ. Có lẽ quá chú trọng vào tâm lý tính cách của nhân vật mà tác giả thiếu đi những chấm phá trong cốt truyện, và đâu đó cách giải quyết vấn đề được đặt ra có phần cảm tính, chủ quan. Những câu chuyện của Dương Hằng ấn tượng bởi bối cảnh được miêu tả đầy chất thơ, ngọt ngào và vô cùng lãng mạn. Mỗi câu chuyện như một tản văn ngắn đầy cảm xúc được lồng ghép vào những nhân vật, dẫu là thoáng qua nhưng tấm lòng son sắt với đời là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ.
Đà Nẵng, tháng 07.2017
PHAN NAM


READ MORE - DƯƠNG HẰNG VÀ NHỮNG VIÊN KẸO NGỌT - Phan Nam giới thiệu tập truyện ngắn Bay Đi, Khướu Ơi!

LỤC BÁT NGẪU HỨNG - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



   Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn




LỤC BÁT NGẪU HỨNG

1
Nửa đêm vuột dậy... 
Trăng đâu? 
Trông ra mưa dội trên đầu trắng phơ

2
Trên trời lẻ cánh cò bay 
Đồng xanh đến thế vẫn chay vị tình

3
Nụ cười lệch nón môi xinh 
Để ta le lói nắng tình em soi 

4
Bỗng nhiên nghe một tiếng gà 
Giật mình cái nhớ cũng già như đêm 

5
Con đường mòn ở trong chân 
Còn ta mòn mãi một lần nhìn em

                     Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - LỤC BÁT NGẪU HỨNG - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 12) - TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn và dịch thơ

   
              Nguyễn Ngọc Kiên




ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 12) 

NHÀ THƠ VƯƠNG XƯƠNG LINH
Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), năm 727 (đời Ðường Huyền Tông), thi  đậu tiến sĩ, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức úy tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù. 
           Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.
                                                          (Theo thivien.net)

從軍行其一  王昌齡
烽火城西百尺樓﹐ 
黃昏獨上海風秋。 
更吹羌笛關山月﹐ 
無那金閨萬里愁。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH KÌ 1 – VƯƠNG XƠNG LINH
Phong hoả thành tây Bách Xích lâu, 
Hoàng hôn độc thướng hải phong thu. 
Cánh xuy Khương địch "Quan san nguyệt", 
Vô ná kim khuê vạn lý sầu.

Dịch nghĩa:
BÀI HÁT TÒNG QUÂN KÌ 1 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Phong hoả đài bên thành cao trăm thước 
Buổi hoàng hôn, một mình lên lầu giữa gió biển mùa thu 
Tiếng sáo Khương lại thổi khúc "Quan san nguyệt" 
Trong chốn khuê vàng, làm sao không sầu mối sầu vạn dặm.

 Dịch thơ:
BÀI HÁT TÒNG QUÂN KÌ 1 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Phong hỏa thành Tây trăm thước cao
Chiều thu lộng gió bước lên lầu
Sáo Khương ngân khúc “Quan san nguyệt”
Ở chốn khuê vàng vạn dặm sầu.

從軍行其四 – 王昌齡
青海長雲暗雪山, 
孤城遙望玉門關。 
黃沙北戰穿金甲, 
不破樓蘭終不還。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH KÌ 4 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Thanh Hải trường vân ám tuyết san, 
Cô thành dao vọng Ngọc Môn quan. 
Hoàng sa bắc chiến xuyên kim giáp, 
Bất phá Lâu Lan chung bất hoàn.

Dịch nghĩa:
BÀI CA HÀNH QUÂN (KÌ 4) – VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Thanh Hải dải mây dài bao phủ núi tuyết, 
Thành luỹ chơ vơ thấy xa xa là Ngọc Môn quan. 
Đánh hàng trăm trận trên sa mạc cát vàng này, mòn cả áo giáp, 
Chưa dẹp tan giặc Lâu Lan thì chưa về.

Dịch thơ:
BÀI CA HÀNH QUÂN (KÌ 4) – VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Mây bay Thanh Hải phủ  tuyết ngàn
Xa tít thành trơ Ngọc Môn Quan
Trăm trận sa trường mòn cả giáp
Chửa về khi chưa hết Lâu Lan.

西宮秋怨 - 王昌齡
芙蓉不及美人妝, 
水殿風來珠翠香。 
卻恨含情掩秋扇, 
空懸明月待君王。

Phiên âm:
TÂY CUNG THU OÁN – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Phù dung bất cập mỹ nhân trang, 
Thuỷ điện phong lai châu thuý hương. 
Khước hận hàm tình yểm thu phiến, 
Không huyền minh nguyệt đãi quân vương.

Dịch nghĩa:
NỖI OÁN MÙA THU Ở TÂY  CUNG – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Hoa sen không bằng vẻ điểm trang của người đẹp, 
Từ thuỷ điện, gió đưa lại mùi thơm ngọc ngà. 
Oán giận phải ôm tình riêng nên che chiếc quạt thu, 
Cứ treo mãi vầng trăng tỏ để đợi nhà vua.

Tây cung tức Trường Tín cung, do Hán Cao Tổ cho xây trong hoàng thành Trường An cho các cung nữ bị thất sủng cư trú. Cung này đến đời Đường vẫn còn xử dụng.

Dịch thơ:
NỖI OÁN MÙA THU Ở TÂY  CUNG – VƯƠNG XƯƠNG LINH

Sen đẹp sao bằng nàng điểm  trang
Thủy điện gió đưa lại mùi hương
Oán hận tình riêng thu che quạt
Đợi vua treo mãi một vầng trăng.

 西宮春怨 - 王昌齡
西宮夜靜百花香, 
欲捲珠簾春恨長。 
斜抱雲和深見月, 
朦朧樹色隱昭陽。

Phiên âm:
TÂY CUNG XUÂN OÁN – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Tây cung dạ tĩnh bách hoa hương, 
Dục quyển châu liêm xuân hận trường. 
Tà bão vân hoà thâm kiến nguyệt, 
Mông lung thụ sắc ẩn Chiêu Dương.
  
Dịch nghĩa:
NỖI OÁN MÙA XUÂN Ở CUNG TÂY – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Ở cung Tây, đêm vắng, trăm hoa toả mùi thơm, 
Muốn cuộn rèm châu, mối hận xuân dâng đầy. 
Ôm nghiêng đàn vân hoà trông mãi vầng trăng, 
Cây cối mịt mùng che cung điện Chiêu Dương.

Tây cung tức Trường Tín cung, do Hán Cao Tổ cho xây trong hoàng thành Trường An cho các cung nữ bị thất sủng cư trú. Cung này đến đời Đường vẫn còn xử dụng. 

Dịch thơ: 
NỖI OÁN MÙA XUÂN Ở CUNG TÂY – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Trăm hoa đêm vắng ngát cung Tây
Muốn cuốn rèm châu, hận xuân đầy
Nghiêng ngả đàn hòa vào bóng nguyệt
Chiêu Dương ẩn hiện giữa ngàn cây 


NHÀ THƠ LÍ BẠCH
Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Quê ông ở Cam Túc (huyện Thiên Thuỷ - tức Lũng Tây ngày xưa). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, học ca múa, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ. 

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, san bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,... 

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông. Theo đó thì ông làm khoảng 20.000 bài, nhưng ông không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về mọi đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.
(Theo thivien.net)
從軍行 –    李白

百戰沙場碎鐵衣, 
城南已合數重圍。 
突營射殺呼延將, 
獨領殘兵千騎歸。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH – LÍ BẠCH
Bách chiến sa trường toái thiết y, 
Thành nam dĩ hợp sổ trùng vi. 
Đột doanh xạ tử Hô Diên tướng, 
Độc lãnh tàn binh thiên kỵ quy.

Dịch nghĩa:
BÀI CA HÀNH QUÂN – LÍ BẠCH
Đã đánh cả trăm trận nơi sa trường, giáp sắt mòn, 
Địch quân đã vây nhiều lớp ngoài phía nam thành. 
Tướng quân đột ngột cho mở cửa, bắn chết tướng Hung Nô, 
Mình ông trở về với khoảng một ngàn kỵ binh còn sống sót.

Dịch nghĩa:
BÀI CA HÀNH QUÂN – LÍ BẠCH
Trăm trận sa trường, giáp sắt mòn
Nam thành quân địch siết bao vòng
Tướng quân mở cửa toi Hồ tướng
Nghìn kị tàn quân đã bại vong


NHÀ THƠ DƯƠNG QUÝNH 楊炯
Dương Quýnh 楊炯 (650-692) sống vào khoảng đời vua Đường Cao Tông 唐高宗, người huyện Hoa Âm 華陰, một trong Sơ Đường tứ kiệt. Trong Toàn Đường thi 全唐詩 có chép 33 bài của ông.

從軍行 – 楊炯
烽火照西京, 
心中自不平。 
牙璋辭鳳闕, 
鐵騎繞龍城。 
雪暗凋旗畫, 
風多雜鼓聲。 
寧為百夫長, 
勝作一書生。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH – DƯƠNG QUÝNH
Phong hoả chiếu Tây kinh, 
Tâm trung tự bất bình. 
Nha chương từ phụng khuyết, 
Thiết kỵ nhiễu Long thành. 
Tuyết ám điêu kỳ hoạ, 
Phong đa tạp cổ thanh. 
Ninh vi bách phu trưởng, 
Thắng tác nhất thư sinh.

Dịch nghĩa:
BÀI CA HÀNH QUÂN – DƯƠNG QUÝNH
Khói lửa chiếu tây kinh 
Trong lòng cảm thấy bất bình 
Cầm binh phù từ giã cung thành 
Thiết kỵ xông pha Long thành 
Màu tuyết u ám ảm đạm màu cờ 
Gió nhiều loạn tiếng trống 
Thà làm bách phu trưởng 
Hơn làm một thư sinh

Dịch thơ:
BÀI CA HÀNH QUÂN – DƯƠNG QUÝNH
Khói lửa chiếu Tây Kinh, 
Trong lòng thấy bất bình. 
Binh phù rời cung khuyết, 
Ngựa sắt xông Long Thành. 
Màu tuyết ám cờ trận, 
Gió thổi lẫn trống canh. 
Thà làm cai trăm lính, 
Hơn làm một thư sinh.

夜送趙縱 - 楊炯
趙氏連城璧, 
由來天下傳。 
送君還舊府, 
明月滿前川。

Phiên âm:
DẠ TỐNG TRIỆU TÚNG – DƯƠNG QUÝNH
Triệu thị liên thành bích 
Do lai thiên hạ truyền 
Tống quân hoàn cựu phủ 
Minh nguyệt mãn tiền xuyên.

Dịch nghĩa:
ĐÊM TIỄN TRIỆU TÚNG – DƯƠNG QUÝNH
Viên ngọc của họ Triệu đáng giá nhiều thành liền 
Người ta đồn đại (từ thời Chiến Quốc) tới nay 
Tiễn ông trở về nhà cũ 
Phía trước dòng sông, trăng sáng vằng vặc.

Dịch nghĩa:
ĐÊM TIỄN TRIỆU TÚNG – DƯƠNG QUÝNH
Viên ngọc Triệu giá thành liền đây
Người đời đồn đại mãi tới nay
Tiễn ông đã trở về nhà cũ
Phía trước dòng sông trăng sáng đầy!

送劉校書從軍 -楊炯

天將下三宮, 
星門召五戎。 
坐謀資廟略, 
飛檄佇文雄。 
赤土流星劍, 
烏號明月弓。 
秋陰生蜀道, 
殺氣繞湟中。 
風雨何年別, 
琴尊此日同。 
離亭不可望, 
溝水自西東。

Phiên âm: 
TỐNG LƯU HIỆU THƯ TÒNG QUÂN – DƯƠNG QUÝNH
Thiên Tướng hạ tam cung, 
Tinh Môn triệu ngũ nhung. 
Toạ mưu tư miếu lược, 
Phi hịch trữ văn hùng. 
Xích thổ Lưu Tinh kiếm, 
Ô Hào minh nguyệt cung. 
Thu âm sinh Thục đạo, 
Sát khí nhiễu Hoàng Trung. 
Phong vũ hà niên biệt, 
Cầm tôn thử nhật đồng. 
Ly đình bất khả vọng, 
Câu thuỷ tự tây đông.

Dịch thơ:
TIỄN ÔNG HIỆU THƯ HỌ LƯU TÒNG QUÂN - – DƯƠNG QUÝNH
Thiên Tướng xuống ba cung 
Tinh Môn họp năm nhung 
Định mưu toan kế sách 
Truyền hịch tỏ văn hùng 
Gươm sáng ngời đất đỏ 
Cung báu sáng trăng trong 
Hơi thu mờ đường Thục 
Sát khí toả Hoàng Trung 
Mưa gió năm nào hết 
Đàn rượu ngày nay cùng 
Ly đình không thể ngóng 
Đông tây mặc xuôi dòng.

                                               Nguyễn Ngọc Kiên 

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 12) - TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn và dịch thơ

CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM


                    Tác giả Tịnh Đàm
 



RỐI LÒNG

Nỗi mình,
Thấy vẫn chưa yên,
Lại thêm nỗi bạn
Cho nên... rối lòng !
Phận người ,
Sao mãi long đong
Tóc xanh
Từ thuở sầu hong... bạc rồi.!


KHÔNG ĐỀ...

Tôi như mùa cũ
Xanh rêu.
Cành chim đã khuất...
Tiếng kêu vọng ngàn.
Chợt thương
Con mắt trần gian,
Buồn đong trăm nỗi...
Còn dan díu tình.


VÌ NGƯỜI 

Say lòng
Câu hát đưa duyên,
Cùng đôi má lúm đồng tiền đáng
Yêu.
Lời chưa nói được bao điều,
Mà nghe hồn đã đổ xiêu...
Vì người.

Tịnh Đàm
(TPHCM )

READ MORE - CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM

THỜI THIẾU NỮ - Thơ Lệ Hoa Trần





THỜI THIẾU NỮ

Thời thiếu nữ em như hoa bưởi
Lòng trắng trong của tuổi dậy thì
Chưa một lần rào đón, nghĩ suy
Chỉ mơ mộng những gì nho nhỏ

Thời thiếu nữ thời hoa phượng đỏ
Áo học trò trắng xóa, trinh nguyên
Chỉ biết yêu và muốn được liền
Mà chẳng biết mình khôn hay dại

Thời thiếu nữ thời còn con gái
Đẹp vô cùng cái tuổi đôi mươi
Mở miệng ra là chỉ biết cười
Đời tươi đẹp như vầng trăng sáng

Biết bao anh ngỏ lời làm bạn
Thật tuyệt vời ngày ấy thư sinh.

                           Lệ Hoa Trần
                           24-07-2017

READ MORE - THỜI THIẾU NỮ - Thơ Lệ Hoa Trần

MỘNG THU - Thơ Nhật Quang





MỘNG THU

Sớm mai xào xạc lá vàng
Rơi nghiêng vạt nắng Thu sang bên thềm
Lối về nụ cúc hong đêm
Vàng mơ nở cánh hoa mềm mong manh

Dáng Thu e ấp...bên mành
Mơn man gió rối tóc xanh mây bồng
Thu buồn gối mộng mắt trông
Thầm thương em thuở má hồng khi nao

Trăng gầy thổn thức, xuyến xao
Tàn canh ôm ấp chiêm bao...bóng nàng
Gom vần thơ viết muộn màng
Vỗ về ân ái...đêm vàng mộng yêu.

                               Nhật Quang
                                 (Sài Gòn)

READ MORE - MỘNG THU - Thơ Nhật Quang

THƠ CUỐI THÁNG 7 - Huy Uyên





1-
Dịu dàng hoa-muống-biển

Lặng lẽ tím màu hoa muống biển
Chiều sót lại nắng vàng
Tôi đợi hoài sao em không đến
Mùa thu đã vội theo sang.

Sóng xô âm vang cùng bờ
Ngày em xa biền biệt
Bạc tình mình đánh mất nhau
Nhạt màu tigôn nuối tiếc.

Sắc hương tóc em bay ngày đó
Quê chiều nắng theo sang
Ly cà-phê quán đêm Thạch-Thảo
Tiếng hát giọng buồn "sang ngang"

Mộng tưởng người hạnh-phúc dài lâu
Bão đời vô-tình lùa cuốn
Từ lúc chia-tay nhau
Ký-ức ngũ quên một thời dĩ-vảng.

Chiều tháng bảy mây trời xa khuất
Trái tim lấp kín mộ-phần
Hoa-muống-biển phai màu tím nhạt
Khi quay về bổng nhớ lắm tình-nhân.

Biển đêm dịu dàng khói sương
Ảo-ảnh khép đôi mắt người u-uẩn
Tim treo ngang mặn muối cay gừng
Đã hết rồi
trôi ra biển cả.


2-
Vọng cố-nhân

Chiều bên sông Thạch-Hãn
Nước xuôi trôi đi đâu
Em xưa đời lận đận
Tình xưa quá dãi dầu.

Gọi tên người cố-nhân
Tim trao ai ngày cũ
Về đây lại một mình
Để suốt đời thương nhớ.

Trời trên cao mây nỗi
Ngọn cỏ úa chín mầu
Thôi một đời lạc lối
Thôi mình đã mất nhau.

Bên kia sông khúc tiêu
Dặt dìu câu thề cũ
Trôi nổi một tình yêu
Treo sầu lên vạn cổ.

Ngày em về xứ lạ
Tôi bên cầu đợi mong
Thuyền từ ra biển cả
Héo xót đau tấc lòng.

Qua Nhan-Biều, Ái-tử
Đâu rồi vọng lời ru
Tao nôi đưa tay mẹ
Ruột thắt đau chín chiều.

Lại đêm về điểm chuông
Đời buồn hơn chiếc lá
Gió thổi bay dặm đường
Núi cao xuôi biển cả.

Cố-nhân quên,tiếc,nhớ
Ngày tháng đã qua mau
Bóng người giờ đâu tá
Rụng rồi cỏi xưa sau.

Em ngọn cỏ bùi ngùi
Hiên nhà tắt bếp lửa
Dòng đời mãi nỗi trôi
Thắp trong tôi nhung nhớ.

Cố-nhân ơi, xa rồi !


3-
Mưa ở Đà-Nẵng

Mưa qua khung cửa sổ
Ngọn đèn vàng trên cao
Que diêm đêm đầy nhớ
Bóng lung linh sầu.

Gió ngoài kia đổi chiều
Nỗi đau về cùng khắp
Mộ người lãng-phiêu
Lặng nẻo biền dâu âm thầm tắt.

Trần truồng bò quanh loài rắn
Cánh đồng tím màu mưa
Chén thuốc độc cay đắng
Xíết đau chi phận người.

Mưa rót lạnh vào hồn
Ngày em môi hồng má đỏ
Hai mắt chia đôi lá răm
Một mình bu quanh nỗi nhớ.

Ly rượu trên bàn mật đắng
Những sợi tóc bạc phơ
Ngậm ngùi bia mộ táng
Đời rong rêu bất ngờ.

Có phải từ ngày em đi
Mưa giăng buồn hơi thở
Đốt cháy tim ai mối-tình-si
Lấp chôn nấm mộ.

Em bây giờ còn nhớ
Một lần trao đi 
vương vấn trọn đời...


4-  
Em còn nhớ Huế không ?

Em đứng lại bên cầu Dã-Viên
Đợi người cùng về Ba-Bến
Yếm thắm năm xưa chợ Ngọc-Anh (*)
Trên môi nụ cười đỏ chín.

Lục bình trôi nín lặng
Sông Hương uốn khúc quanh làng
Sóng vỗ về đâu chiều mây cuộn
Hẹn hò chưa một kịp theo sang !

Huế và mây trôi lung linh
Ngọt đắng gởi tình ai Cồn Hến
Xưa em hai mắt nhung huyền
Trông chờ ai bên hào thành Huế cũ.

"Farwell to arms" tháng năm mặt trận
Chiến cuộc qua đi lâu rồi
Bỏ sau lưng những ngày đau đớn
Mộ cỏ chưa xanh héo đám tang người.

Hỏi em còn nhớ Huế không ?
Con đường xưa có thẳm sâu kỹ-niệm
Hỏi em có chôn Huế vào lòng
Bao năm quên tình sông biển.

                          Huy Uyên

(*) Chợ Ngọc-Anh / Vĩ-Dạ

READ MORE - THƠ CUỐI THÁNG 7 - Huy Uyên